Mấy tuần nay biến chủng Omicron hoành hành ở Hà Nội và trên cả nước. Lớp học trò chúng tôi ở miền Nam chỉ có thể tưởng niệm Thầy trong tấm lòng biết ơn và thương tiếc…
Khoảng nửa cuối năm 1975, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn tập trung tất cả sinh viên từ năm thứ ba trở lên đang học dở dang các ngành Văn chương Việt Nam, Hán văn, Ngữ học, Triết học, Báo chí, gồm cả những người từ Đại học Vạn Hạnh, Đại học Đà Lạt, Đại học Minh Đức chuyển sang, vào chung một khối sinh viên gồm sáu lớp được gọi là Ngữ văn bổ túc. Thời cuộc thay đổi, nhiều sinh viên ra đi hoặc bỏ học, nhưng số còn lại cũng hơn 320 người, ngồi kín giảng đường 2 là nơi ngày trước các thầy Đông Hồ, Thanh Lãng, Nguyễn Duy Cần từng giảng dạy.
GS Phùng Văn Tửu (1935-2022)
Trong khi các giáo sư của Đại học Văn khoa phải tập trung học chính trị, Ban lãnh đạo mới của trường (gồm các thầy Phan Hữu Dật, Bùi Khánh Thế, Lý Chánh Trung) đã mời các giáo sư uy tín của Hà Nội vào giảng dạy cho khóa sinh viên đặc biệt ấy. Trước 1975, ở trường phổ thông chúng tôi học quốc văn và triết học, nên kiến thức văn học nước ngoài chỉ hạn chế trong những tác phẩm yêu thích được dịch sang tiếng Việt. Nhờ chương trình mới mà chúng tôi có được kiến thức tương đối hệ thống về văn học thế giới, qua sự truyền đạt rất nghiêm cẩn của các thầy cô đến từ hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội: Lê Hồng Sâm, Nguyễn Đức Nam, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Hải Hà.
Thầy Phùng Văn Tửu vào dạy chúng tôi giữa năm 1976. Lúc đó thầy chỉ hơn 40 nhưng trông rất gầy yếu. Thầy bảo trong những năm dạy học ở Vinh và Hà Nội, chưa bao giờ thầy dạy một lớp đông như thế này. Trời nóng, mấy cái quạt trần quay vù vù mà giảng đường vẫn oi bức, có hôm thầy mệt quá, phải ngừng dạy giữa chừng, mấy bạn nữ sinh viên mang dầu gió lên cho thầy xoa. Hết giờ nghỉ, thầy lại dạy tiếp, chúng tôi lắng nghe bài giảng sâu sắc của thầy về Hamlet của W. Shakespeare. Về Hà Nội thầy chấm bài của chúng tôi rất kỹ. Khác với một số thầy cô thường nương tay để động viên học sinh miền Nam, thầy Phùng Văn Tửu, tuy không đánh rớt ai, nhưng cho điểm rất công bình, có người cao kẻ thấp chứ không dàn đều, để nhắc nhở mọi người cùng cố gắng. Bài học về sự cẩn trọng, khách quan đó của thầy chúng tôi luôn nhớ khi vào nghề giáo.
Năm sau, một nhóm sinh viên chúng tôi được nhà trường gửi ra học tiếp ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau ba ngày ba đêm đi tàu hỏa, chúng tôi đến ga Hàng Cỏ một chiều mùa thu năm 1977. Thật vui mừng và ngạc nhiên, khi vừa bước xuống toa, chúng tôi thấy thầy Phùng Văn Tửu đứng đón trên lối ra cổng ga. Thì ra một bạn trong đoàn đã viết thư báo cho thầy biết chuyến đi. Hồi đó tàu hỏa luôn trễ giờ, thầy phải chờ rất lâu ở ga để gặp chúng tôi. Nhận hành lý xong, chúng tôi lên xe ca của nhà trường, còn thầy thì đạp xe cùng theo về khu nhà “lắp ghép” Trung Tự xem chúng tôi nhận phòng, ổn định chỗ ở.
GS Phùng Văn Tửu và GS Trần Đình Sử
Hai năm ở Hà Nội, chúng tôi chỉ được học với các thầy cô ở Đại học Tổng hợp nhưng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thầy cô ở Đại học Sư phạm, gần gũi nhất là thầy Phùng Văn Tửu. Hai cái Tết 1978 và 1979, thầy đều gọi chúng tôi đến nhà thầy ở phố Hàng Gai, thuộc quận Hoàn Kiếm, ăn tết. Đó là một nhà phố dài dành cho mấy căn hộ, gia đình thầy cô ở tầng trệt. Vợ thầy, cô Bích Ngọc, cũng là nhà giáo, một phụ nữ phúc hậu, lịch thiệp, ân cần. Lần đầu tiên tôi biết ăn món bóng xào thập cẩm và ăn bánh chưng với chè kho do cô chiêu đãi. Nhà thầy ở gần Hồ Gươm và khu phố cổ, nên thầy dặn chúng tôi khi nào muốn đi dạo phố thì hãy để xe đạp ở nhà thầy.
Trước ngày trở về miền Nam, chúng tôi đến chào thầy cô, thầy có vẻ không vui vì trước đó không được mời dự lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp của chúng tôi. Tôi chỉ thay mặt các bạn xin lỗi thầy chứ không biết nói sao, vì các thủ tục là do nhà trường tiến hành. Năm đó, Trung Quốc vừa đánh ta tàn bạo ở biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam cũng rất căng thẳng, chúng tôi chỉ mong bảo vệ xong rồi sớm về miền Nam.
Ra trường, theo nghề dạy học, tuy không dạy văn học phương Tây nhưng tôi đọc kỹ tất cả những công trình khảo cứu và dịch thuật của thầy Phùng Văn Tửu. Có thể nói đó là bộ sách được biên soạn công phu, hiện đại dưới một cái nhìn học thuật dân chủ và cởi mở. Những trào lưu mới của văn học phương Tây đều được lý giải cặn kẽ dưới ngòi bút thuyết phục của thầy. Một hiện tượng văn học nào dù thầy không ưa thích và cổ vũ cũng được trình bày một cách điềm tĩnh, khoan hòa. Thật thú vị, cũng như các giáo sư Đặng Anh Đào, Đỗ Đức Hiểu, là người nghiên cứu văn học phương Tây lâu năm, nhưng mỗi khi trở về liên hệ soi chiếu với văn học Việt Nam, giáo sư Phùng Văn Tửu luôn có những khám phá và phát hiện độc đáo.Trong cái vẻ hàn lâm vốn có, những cuốn sách của thầy luôn gần với đời sống. Có lần, giữa những trang sách viết về văn học hiện đại phương Tây, thầy đã liên hệ phân tích tác phẩm của những nhà văn đương đại ở Nam Bộ như Trang Thế Hy, Dạ Ngân, lại còn in kèm chân dung của tác giả.
Tuổi cao, thầy Phùng Văn Tửu không nhận lời vào miền Nam giảng bài, nhưng chúng tôi vẫn thường được gặp thầy trong những dịp sinh hoạt khoa học. Thời gian vào TP. HCM làm đồng chủ biên Từ điển văn học (bộ mới), thầy Tửu gọi tôi đến dùng cơm, sau đó lại gửi tặng bộ sách quý ấy. Được tin gia đình thầy chuyển đến một khu nhà khang trang, lịch sự ở đường Trần Phú, quận Ba Đình, một lần đi công tác Hà Nội, tôi xin đến thăm thầy. Bước vào nhà, nghe mùi thơm của thuốc Bắc, thầy giải thích: Thầy sắc thuốc cho cô. Cô bị bệnh trọng ra đi trước thầy, nay thì đến lượt thầy ra đi.
Mấy tuần nay biến chủng Omicron hoành hành ở Hà Nội và trên cả nước. Lớp học trò chúng tôi ở miền Nam chỉ có thể tưởng niệm Thầy trong tấm lòng biết ơn và thương tiếc.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(Theo vanvn.vn)