(Thứ tư, 15/04/2020, 10:04 GMT+7)

XUÂN NĂM GIÁP TUẤT GẶP
NHÀ ĐIÊU KHẮC ĐIỀM PHÙNG THỊ

 Hoàng Kim Đáng

   Tất niên năm Quý Dậu (1993), cả Hà Nội đang hối hả nhộn nhịp đón Tết năm Giáp Tuất (1994). Vậy mà nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị vẫn dành thời gian xứng đáng để tiếp tôi tại nhà khách Ban Việt kiều Trung ương. Trong cuộc sống thường nhật, bà là người con gái Huế mang đủ tư chất tiêu biểu như lời trong ca từ đẹp của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai “… Nét dịu dàng pha chút trầm tư”. Còn trong nghệ thuật bà là niềm tự hào của đất nước, một nghệ sĩ lớn có tên tuổi ở Châu Âu, được ghi trong Từ điển danh nhân nghệ thuật lớn của thế kỷ XX này.


Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

   Hàng trăm bài viết trên các báo của các nhà nghiên cứu nghệ thuật, các học giả nổi tiếng trên thế giới nhưng tôi đặc biệt chú ý đến ông Homayoun Minoui, chủ tịch khối ARFACT (Tổ chức nghiên cứu nghệ thuật Điềm Phùng Thị) đã viết: “Nghệ thuật của Điềm Phùng Thị xuất hiện như một nhịp cầu bắc qua truyền thống và hiện đại, nối liền nền văn minh Viễn Đông cổ xưa đầy quyến rũ mà nghệ thuật đó khơi nguồn cảm hứng với thế giới phương Tây ngày nay mà nó tự sát nhập với một niềm hạnh phúc hiếm thấy ”.
  Năm 1978, lần đầu tiên Triển lãm điêu khắc Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được tổ chức tại Việt Nam. Dân chúng Việt Nam ngày ấy đang tiếp nhận một quan niệm hiện thực trong sáng tác, vậy thì chương trình nhạc phẩm của danh cầm Đặng Thái Sơn, Triển lãm điêu khắc Điềm Phùng Thị, tranh và minh họa như kiểu họa sĩ Thành Chương... làm sao “vào” nổi được! Triển lãm mở cửa, người xem thì đông nhưng cảm tưởng ghi lại thì ít. Thậm chí cả báo chí cũng “cho qua”, ngoài Tuần bảo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam có bài viết Tổng thuật và Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng tổ chức buổi gặp tác giả tại tòa soạn.
  Buổi gặp năm Quý Dậu, tôi không dấu diếm chị những tình tiết diễn ra ngày ấy. Trong câu chuyện tâm tình cởi mở, tôi “vào đề” luôn:
  - Thưa bà, bà là người được biết đến khí thế hào hùng của dân tộc Việt Nam ta thời đánh Mỹ, đã hoàn tất một loạt tác phẩm mang dấu ấn thời đại như “Chiến tranh”, “Hai mặt”, “Cây ngụy trang”, “Hà Nội, tháng chạp năm 1972”… đề cập tới cuộc đọ sức “Điện Biên Phủ trên không”ở Hà Nội, lại được chứng kiến cảnh đất nước sau hòa bình, thống nhất và không khí cởi mở của ngày hôm nay, chị có nhận xét gì? 
   Bà lần lượt bày tỏ những nhận thức của mình về đất nước, về dân tộc, về quá trình đổi mới, mở cửa, về nét đẹp nội tâm và ngoại hình của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam với một cách nhìn sắc sảo, tinh tế, có sức khái quát cao...
    Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị nhỏ nhẹ và chậm rãi:
   Năm 1978, Hà Nội ta còn nghèo. Trên đường phố, phụ nữ ăn mặc giản dị, màu sắc đơn điệu nhưng rất giàu về tình người, đạo đức và trong cách ứng xử văn minh lịch sự. Trên đường phố nhiều xe đạp, đi rất trình độ, tựa như làm xiếc!
   Năm nay, 1993, Hà Nội đã đổi mới. Không khí đông vui nhộn nhịp hơn. Sắc màu trong trang phục phụ nữ hấp dẫn hơn. Đường phố xe đạp ít đi nhiều lắm. Xe máy, ô tô đang áp đảo xe đạp và người đi bộ. Nhưng tình người hình như nghèo đi hơn trước!
   Đổi mới là cần nhưng “mở cửa” rộng quá, “ruồi muỗi” có điều kiện thâm nhập làm ảnh hưởng đến khí chất lành mạnh của một dân tộc bởi sự pha tạp nhố nhăng có cơ hội phát triển...
   - Thưa bà sẽ là lạc đề, nếu bà quan tâm đến đời sống xã hội mà quên hẳn không đề cập đến tình hình Văn học Nghệ thuật nước nhà hiện nay!
   - Đúng, chúng ta làm sáng tác mà không biết đến xung quanh ta họ đang nghĩ gì, làm gì thì sẽ dễ tự tin, dẫn đến có nguy cơ tụt hậu. Tôi về nước với mục đích gấp rút hoàn thành Nhà triển lãm Điềm Phùng Thị tại Huế, ít có điều kiện và thời gian tiếp xúc với các nhà văn, nhà văn hóa, ít biết về tình hình văn học nghệ thuật nhưng tôi có nhận xét: tự do hơn trước, sáng tác thoải mái hơn trước. Nhất là Hội họa và Nhiếp ảnh đang tiếp cận và đuổi kịp những quốc gia có nền văn học nghệ thuật tiên tiến đương đại. Tôi có thể nói thêm về Hội họa và Điêu khắc ở Việt Nam trong tương lai sẽ còn phát triển rất cao. Đã qua rồi các giai đoạn hiện thực trần trụi và thô thiển. Thời kỳ năm 1978 tôi về nước, xem triển lãm ở 16 Ngô Quyền thật đáng buồn. Triển lãm tạo hình chỉ toàn bầy tranh tượng về đề tài như sản xuất, chiến đấu, xây dựng. Năm 1991 vẫn chưa có gì đặc biệt. Năm 1992 đã thấy khá hơn nhưng từ năm 1993 trở lại đây thì thật sự ngạc nhiên: các tranh tượng “thực như đếm” bớt đi rất nhiều. Các triển lãm bầy tranh tượng nhiều và cũng có nhiều tranh tượng đẹp. Dĩ nhiên cũng có bắt chước người nước ngoài nhưng không sao. Người ta đang làm gì, mình làm được điều đó như vậy là giỏi rồi. Nếu vượt được họ thì quả hay nhưng điều đó chưa thể nói trước được.

   Tuy nhiên, tôi vẫn còn sợ nó luẩn quẩn trong vòng kinh tế, buôn bán nghệ thuật. Trong xã hội nói chung, nghệ thuật nói riêng, con người vì tiền nhiều quá sẽ trở thành nô lệ, cũng không tốt đẹp gì!
   - Được biết, bà đang làm một việc nghĩa hiệp lớn lao: Trao tặng cho quê hương đất nước 214 tác phẩm tiêu biểu và cùng Hội bạn Điềm Phùng Thị tại Pháp đã góp cho quê hương hơn 600 trỉệu đồng để xây dựng Nhà trền lãm Điềm Phùng Thị?
  - Đúng vậy. Tôi đã dành phần tâm hồn tính túy nhất trong cuộc đời người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật cho quê hương đất nước. Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã dành trọn vẹn ngôi nhà hai tầng nguyên là tư dinh của viên giám đốc Nha Học chính Trung Kỳ thời thuộc Pháp và hiện đang là trụ sở Phòng Giáo dục - Đào tạo Thừa Thiên - Huế. Nhà triển lãm được xây dựng trên cơ sở một khuôn viên rộng trên 2000m2, với một không gian vừa phải và xinh đẹp. Trước mắt nó là nhà triển lãm trưng bày cái gia tài tác phẩm của tôi. Nhà triển lãm còn là nơi giao tiếp, là chiếc cầu giao lưu văn hóa Đông - Tây, nơi tổ chức triển lãm nghệ thuật và hướng dẫn trẻ em nặn tượng, vẽ tranh. Và toàn bộ tác phẩm trưng bày trong ngôi nhà này sẽ thuộc về nhân dân, không ai được phép trao nhượng, mua bán hoặc chuyển dịch đi nơi khác một khi không được sự đồng ý của tác giả. Đó là nguyện vọng chính đáng của tôi, một người con xa quê hương, ra đi đã thành đạt, nay xin dâng hiến cho Tổ quốc mình, nhân dân mình! Nói đến đây, bà thực sự xúc động. Nước mắt vòng quanh khóe mắt.
   Tháng 9/1995, triển lãm tranh tượng nghệ thuật Điềm Phùng Thị do Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Trụ sở ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (Tiền thân là Ban Việt Kiều Trung Ương) được xem như một sự kiện đáng chú ý trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô Hà Nội.
   Ngôn ngữ trong các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã tạo cho người xem ở mọi lứa tuổi và quốc tịch khác nhau nhưng đều có cách nhìn và đánh giá đồng điệu và nhất quản: “Tôi vô cùng bàng hoàng trước những cảm xúc vừa trừu tượng vừa cụ thể về cuộc sống và con người, với muôn vàn vẻ đẹp, kỳ diệu của một nghệ thuật vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại, cả Đông và Tây”. Đó là cảm tưởng của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn.
  “…Điềm Phùng Thị có thể được xem là một “tạo hóa” trong điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật mà cả cho mọi lĩnh vực tư duy” (Nhà thơ Tố Hữu)... “Phương Đông và Phương Tây, cổ điến và hiện đại Nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã chúng tỏ khả năng siêu ngôn ngữ để truyền đạt những thông điệp của nhà nghệ sĩ đến với mọi người ở mọi nơi”. Hoàng Phủ Ngọc Tường - Nhà văn.


Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị với Thi sĩ Lưu Trọng Lư

   Ngày 30/3/2000, lần thứ ba tôi được gặp điêu khắc gia, Viện sĩ Hàn Lâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại nhà Triển lãm Điềm Phùng Thị ở cố đô Huế. Tuổi 80, bà vừa vượt qua một cơn tai biến mạch máu não, không còn khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật nữa. Bà tiếp tôi trên một chiếc xe lăn. Lâu ngày không gặp nhưng bà vẫn nhận ra tôi: “Anh Kim Đáng đấy à, lâu ngày không gặp. Anh vẫn khỏe chứ? Tôi yếu lắm rồi”. Nói xong, bà đưa tay lên bóp trán: “Đời người là thế đấy, ngắn quá! Tôi không đủ thời gian và sức khỏe để hoan thiện sự nghiệp. Tôi không sợ chết nhưng ma tiếc vì phải đem đi những ý tưởng còn chưa thực hiện được trọn vẹn, thế đây!”.
  Nói xong bà lại cười, nụ cười rất hiền trên gương mặt hồng hào, mái tóc bạc trắng, trông như là một nhà hiền triết. Bà hỏi: “Không biết tôi đã tặng anh tuyển tập tác phẩm” Nghệ thuật Điềm Phùng Thị” chưa nhỉ?.
  Bà bảo người giúp việc lấy cho bà tập sách va cây viết dạ kim. Giở trang đầu tiên bà hí hoáy vẽ bức chân dung tôi. Đang vẽ nửa chừng vậy mà tự nhiên quên biến, không tiếp tục vẽ được nữa mà vội vàng ghi mấy dòng đề tặng: “Mến biếu anh Hoàng Kim Đáng...!”
  Tôi biết bà ngồi tiếp tôi như vậy đã quá sức. Tôi vô cùng cảm động và biết ơn người nghệ sĩ bậc thầy ấy.
  Không ngờ, đó là lần cuối cùng và chưa đầy hai năm sau: Ngày 29/2/2002 trái và khối óc tài năng siêu việt Điềm Phùng Thị đã ngưng nghỉ và bà đã vĩnh viễn yên giấc ngàn thu tại quê hương, bên dòng sông Hương núi Ngự.
 

Hà Nội những ngày áp Tết năm Tuất - 1994
Hà Nội năm con chuột Canh Tý - 2020