(Thứ ba, 25/06/2019, 06:59 GMT+7)

 ĐÌNH, ĐỀN, MIẾU THỜ BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG  PHÙNG HƯNG
VÀ NHỮNG MƯU THẦN, VÕ TƯỚNG CỦA ÔNG

 

1- Lăng Bố Cái Đại Vương, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
2- Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Theo thần tích lưu tại đền, đền thôn Cam Lâm dựng từ rất lâu, đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng làm Thành hoàng. Ngài là nhân thần. Đền làng tọa trên gò đất cao giữa làng, xung quanh đền dân cư đông vui, có vườn cây lâu niên, nhiều cổ thụ và nhiều loại cây quý xanh tốt quanh năm biểu thị sự trường tồn. Ở đền hiện còn lưu giữ 13 đạo sắc phong:
- Chính Hòa thứ 4.
- Gia Long thứ 9.
- Cảnh Thịnh thứ 4.                            
- Tự Đức thứ 3.
- Chiêu Thống thứ nhất.
- Tự Đức thứ 33.
- 2 đạo Minh Mệnh thứ 2.                 
- Thiệu Trị thứ 4.
- 3 đạo Thiệu Trị thứ 2.                     
- Duy Tân thứ 3.
Phùng Hưng quê ở ấp cổ Đường Lâm, thôn Cam Lâm, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Tổ tiên của Ngài là Phùng Trí Cái, khoảng năm 618 đến năm 626 đời nhà Đường nguyên hiệu Vũ Đức được vua Đường hạ chiếu chỉ về hầu yến tiệc, người có tài ngâm thơ, ca hát, được vua khen là Hồ-Việt một nhà. Sau đó cho về nguyên quán và đời đời được nối chức Châu phủ gọi là Quan lang ở Đường Lâm.
Thân phụ của Ngài là Phùng Hạp Khanh. Năm Nhâm Tuất 722 niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa do Mai thúc Loan lãnh đạo đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường. Sau vì việc không thành phải trở về quê để chăm lo ruộng vườn. Ông phát triển nghề nông, tích lũy lương thực hòng mưu việc lớn sau này.
Phùng Hạp Khanh sinh được ba người con trai: Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh. Phùng Hưng nối nghiệp cha làm hào trưởng ở đất Đường Lâm. Phùng Hưng là người có sức khỏe phi thường, mưu lược, luôn giúp đỡ người nghèo khó.
Năm Đinh Mùi 767, đời Đường Đại Lịch, nhà Đường suy yếu, quan quân tham nhũng, Cao Chính Bình khét tiếng gian tham, bắt dân ta nộp sưu cao thuế nặng, giết hại dân lành, lòng người căm giận. Ba anh em phất cờ khởi nghĩa (767-791),  Phùng Hưng lấy hiệu là Đô Quân, tôn em Phùng Hải là Đô Bảo tướng quân, Phùng Dĩnh là Đô Tổng. Ba anh em ra sức luyện tập binh sĩ, tích trữ lương thực, chiêu dụng hiền tài từ các nơi kéo về tụ nghĩa, chuẩn bị khí giới để đánh đuổi quân xâm lược. Năm Tân Mùi 791, đời Trinh Nguyên thứ 7 khi đã chuẩn bị lực lượng nghĩa quân vững mạnh, ba anh em đem đại quân tiến công, vây hãm thành Đại la (phủ Tống Bình). Cao Chính Bình không cự nổi, thua to, sinh bệnh mà chết.
Phùng Hưng giành được thắng lợi, ông chiếm phủ lỵ, chấn chỉnh lại việc nước, xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng được bao lâu, ông lâm bệnh rồi mất ngày 8 tháng Giêng năm 799. Nhân dân rất thương tiếc, suy tôn ông là Bố cái Đại Vương coi như cha mẹ của nhân dân.
Hàng năm, đến ngày 8 tháng Giêng âm lịch, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đường Lâm và nhân dân thập phương tụ hội về đền tổ chức lễ hội, tế lễ, kỷ niệm để tưởng nhớ công đức vị anh hùng dân tộc và noi theo truyền thống kiên cường bất khuất của tổ tiên khi xưa.
Đền Cam Lâm là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
 
3- Đình Đoài Giáp, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Theo lưu truyền dân gian trong vùng, tư liệu Hán Nôm lưu giữ ở đình Đoài Giáp và các cụ cao lão trong làng cho biết, đình Đoài Giáp thờ Thành hoàng làng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Đình được dựng từ thời Ngô Quyền, hiện nay tại đình đang lưu giữ một tấm bia đá được khắc từ ngày 13 tháng 4 năm Hồng Đức (1473) đời vua Lê Thánh Tông viết về thân thế sự nghiệp của Phùng Hưng.
Phùng Hưng quê ở ấp Cổ Đường Lâm, nay thuộc thôn Cam Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây.
Tổ tiên ngài là Phùng Trí Cái, khoảng năm 618 đến năm 626 đời nhà Đường niên hiệu Vũ Đức được vua Đường hạ chiếu chỉ về hầu yến tiệc, người có tài ngâm thơ, ca hát, được vua khen là Hồ - Việt một nhà. Sau đó cho về nguyên quán và đời đời được nối chức Châu phủ gọi là Quan lang ở Đường Lâm.
Thân phụ của Ngài là Phùng Hạp Khanh. Năm Nhâm Tuất 722 niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường. Sau vì việc không thành phải trở về quê để chăm lo ruộng vườn. Ông phát triển nghề nông, tích lũy lương thực mưu việc lớn sau này.
Phùng Hạp Khanh sinh được ba người con trai: Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh. Phùng Hưng nối nghiệp cha làm hào trưởng ở đất Đường Lâm. Phùng Hưng là người có sức khỏe phi thường, mưu lược, luôn giúp đỡ người nghèo khó.
Năm Phùng Hưng 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời, 3 anh em ở với nhau đều hòa thuận, hiếu kính, hay làm những việc nhân đức, nhân dân trong vùng nhiều người mến phục. Ngài nối nghiệp cha làm hào trưởng ở Đường Lâm. Ba anh em nối chí người cha tích lũy lương thảo chiêu tập người hiền, luyện tập binh sĩ mong mưu việc lớn.
Phùng Hưng có sức khỏe phi thường, vật ngã được trâu, tay không đấm chết hổ, thanh niên trai tráng trong vùng theo học rất đông, nhân dân và các tù trưởng trong vùng đều kính nể. Bọn quan đô hộ nhà Đường rất lo ngại.
Năm Đinh Mùi 767, đời Đường Đại lịch, nhà Đường suy yếu dần, quan quân tham nhũng, Cao Chính Bình khét tiếng gian tham, bắt dân phải nộp sưu cao thuế nặng, giết hại dân lành, khiến lòng người vô cùng căm giận. Trước tình hình đó, Phùng Hưng bàn cách với hai em cứu dân, cứu nước. Ba anh em chuẩn bị lương binh, khí giới, chiêu dụng hiền tài từ các nơi kéo về tụ nghĩa để chuẩn bị đánh đuổi quân xâm lược. Phùng Hưng lấy hiệu là Đô Quân, tôn em Phùng Hải là Đô Bảo tướng quân, Phùng Dĩnh là Đô Tổng. Năm Tân Mùi 791, đời Trinh Nguyên thứ 7, khi đã chuẩn bị lực lượng vững mạnh, Phùng Hưng đem đại binh tiến công vây đánh phủ thành Tống Bình. Tên quan đô hộ Cao Chính Bình không chống cự nổi bị thua to, lo lắng sinh bệnh mà chết.
Giành được thắng lợi, Phùng Hưng chiếm phủ lỵ, chấn chỉnh lại việc nước, mong xây dựng nền độc lập lâu dài. Nhưng chẳng được bao lâu, Phùng Hưng lâm bệnh rồi mất vào ngày 8 tháng Giêng năm 799. Nhân dân vô cùng thương tiếc, suy tôn ngài là Bố cái Đại Vương, coi ngài như cha mẹ của nhân dân và lập đền thờ ở quê hương cùng nhiều nơi khác để tưởng nhớ công ơn to lớn của người anh hùng dân tộc và lưu truyền lại cho hậu thế.
Hiện nay ở hậu cung Đình Đoài Giáp còn lưu giữ tấm bia đá được khắc vào ngày 13 tháng 4 năm Hồng Đức 4 (1473) đời vua Lê Thánh Tông ghi lại công lao của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong cuộc chống xâm lược nhà Đương. Bia được dịch như sau:
“Quan viên, sắc mục, xã trưởng, thôn trưởng và mọi người ở giáp Tây xã Cam Giá huyện Phú Lộc, phủ Quốc Oai làm việc lập bia thờ phụng.
Nguyên giáp ta ở liền với xã Cam Tuyền, vào thời Sơ Đường, quý xã đời đời sinh hào kiệt, Vương họ Phùng, tên là Hưng, dòng dõi hào phú, thường bỏ của riêng ra chu cấp cho người nghèo khó. Vương là người khỏe mạnh can đảm. Một hôm có hai con trâu đánh nhau. Vương nghe tin liền chạy đến dùng hai tay nắm chặt lấy sừng của hai con trâu. Đầu hai con không sao lắc được nữa. Vương liền đẩy mỗi con trâu đi ra một chỗ. Mọi người đều khen là bậc thần vũ.
Lại một lần trong vùng có một con hổ dữ thường hay làm hại dân. Vương liền làm hình nộm tay cầm chùy đứng ở bên đường nơi nhiều người qua lại. Con hổ trông thấy liền nhảy vào vồ, té ra là hình nộm. Từ đó về sau, khi đi qua hổ không thèm để ý nữa. Vương liền cầm chùy sắt đứng thay chỗ hình nộm. Hổ lại đi qua, tỏ ý coi thường. Vương liền nhảy ra vít đàu hổ xuống đánh chết, rồi quặp hai chân hổ vào cổ kéo về. Mọi người không ai là không kính phục, tiến đồn vang xa các thôn bên cạnh, họ đều tỏ ý tôn kính.
Bấy giờ Cao Chính Bình làm quan đô hộ, hình phạt tàn ác, thuế má nặng nề. Vương liền cầm đầu con em đứng dậy khởi nghĩa. Người quanh vùng xa gần nô nức theo về, họ suy tôn em trai Vương là Phùng Hải làm Đô Bảo. Nghĩa quân kéo đến đánh Cao Chính Bình, bao vây phủ Đô hộ, nghĩa quân toàn thắng.Vương vào phủ trông nom công việc, đất nước được yên ổn, giáp ta được hưởng vinh quang, nhận ơn giáo hóa rất nhiều. Sau khi Vương mất, liền định lệ thờ phụng, dựng miếu thờ lấy hiệu là điện Tây Cung. Qua bao biến cố, vật đổi sao dời, nay dựa theo nền cũ, xây dựng miếu thờ mới, nhân thuật lại sự tích theo bia của quí xã, lại cho khắc vào đá để lưu truyền lâu dài.”
Bài minh rằng:
Duy nhạc thánh thần
Thực trời sinh đức
Đánh hổ tài cao
Can trâu dùng sức
Tích phát Tản Sơn
Công tại Nam quốc
Uy đức rỡ rang                                       
Anh linh sáng rực
Muôn thuở phúc thần
Vạn đại huyết thực
Trên điện nguy nga
Dưới chân chầu chực
Thuật lại lời minh
Kính thành bất hoặc.
 
Ngày 13 tháng 4 năm Hồng Đức 4 (1473)
Kính cẩn khắc thánh bi.
 
* Đình Đoài Giáp là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia
                                                  
 
4- Đình Tổng, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. (Di tích lịch sử quốc gia)
5- Đình Triều Khúc - thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo tục truyền, Đại đình được cắm đất dựng vào năm Canh Ngọ (790). Sau khi Phùng Hưng mất, Phùng An nối ngôi đã cho các bậc hiền thần tìm những nơi có dấu tích vua cha để lập miếu thờ. Triều Khúc là một trong những nơi thờ Ngài, nhà vua cử người về Triều Khúc cắm đất năm Canh Ngọ (790) trên gò Lĩnh Hán nơi Phùng Hưng đặt đại bản doanh xưa. Đến mùa xuân năm Tân Mùi (791) mới bắt đầu dựng miếu tuy nhỏ nhưng được dân giữ gìn lâu đời nên gọi “Đại Cổ Miếu”. Đến đời Lê Trung Hưng mới đổi thành đình. Sự kiện trên được ghi lại bằng câu đối:
Chính gốc từ Hồng Bàng trở lại, trong đế, ngoài vương, cha mẹ xưng hô truyền nước Việt
Miếu thiêng từ Đường Đại Lịch, Đông Tô, Tây Nhuệ, sông núi linh khí họp mây rồng.
Đình hiện còn lưu giữ 11 đạo sắc phong của các triều đại phong cho thần.
- Đình Triều Khúc thờ Bố Cái Đại Vương làm Thành hoàng và phối thờ các tướng của Phùng Hưng:
+ Đệ nhất khai quốc công thần Cự lão Đô tướng quân Phùng Hải.
+ Đệ nhị khai quốc công thần Cự lực tướng quân Phùng Dĩnh.
+ Đệ tam khai quốc công thần Xanh lực tướng quân Đỗ Anh Hàn.
+ Đệ tứ khai quốc công thần Xanh lực tướng quân Bồ Phá Cần.
  Hiện nay ở đình Triều Khúc còn lưu giữ các tư liệu: Việt Điện U - Linh tập và Ngọc phả “Sự tích Đại Đô thành hoàng Phùng Đại Vương”. Xin được đưa hai tài liệu vào bài viết này để nghiên cứu và đối chiếu:         
 
Việt Điện U - Linh tập 
“Đức Phùng Hưng tên chữ là Công Phấn. Quê ở đất Đường Lâm thuộc Châu Giao. Tổ tiên ngài là Phùng Trí Đới (Cái) trong thời Vũ đức nhà Đường vân chiếu chỉ vào chầu, hầu yến tiệc Vua Đường Cao Tổ. Vua Cao Tổ sai vịnh thơ cùng với sứ Đột Quyết hầu tiệc để cho tiếng nói của người Hồ người Việt hợp lại một nhà.
Sau vua khen thưởng và ban lệnh cho trở về hưởng quyền Thế Tập, đời đời làm chức Lại ở phủ Đô Hộ trong bản châu, cũng là chức Thổ tù đất Đường Lâm mà tục gọi là Quan lang.
Khi Phùng Trí Đới (Cái) chết, con là Gia Cái nối dõi. Gia Cái chết, con là Yết Năng nối dõi. Yết Năng chết, con là Kiều Năng nối dõi. Kiều Năng chết, con là Kiến Khởi nối dõi. Kiến Khởi chết, con là Hạp Khanh nối dõi.
Hạp Khanh là người hiền tài, có đức. Khoảng năm Nhâm Tuất (722) niên hiệu Khai Nguyên, đời vua Huyền Tông nhà Đường, đi theo Mai Hắc Đế khởi nghĩa.
Việc ấy bị phát giác, ông bị cách chức quan, rồi trở về nhà làm ruộng, Hạp Khanh thường phiền muộn không vui, bà vợ là người họ Sử thầm biết được ý ông, bèn khuyên rằng: “Bậc trượng phu ở trong đời băn khoăn gì cảnh ngộ chìm nổi. Việc chưa thành đạt là tự số trời. Nếu cứ u uất buồn phiền chỉ tự làm hao tổn chí khí bình sinh. Chẳng gì bằng cứ giữ vững tinh thần, mở mang phương tiện. Nên khuôn phép cho người sau theo. Nối chí lớn của người trước, mở rộng một qui mô để dài hưởng ngày trời, ít nhất cũng cho một nhà được toại nguyện, bớt lo lắng triền miên, giữ được tương lai cho gia đường, lại chẳng đã tốt lắm sao.
Từ đó Hạp Khanh dốc sức chăm bón ruộng vườn, chính mình làm nghề nông, chỉ qua mấy năm đã rất giàu có, gia tài tích lũy đến hàng trăm, triệu, dưới cửa có mấy nghìn người ra vào.
…Ông bà Hạp Khanh sinh một lần được 3 người con trai, diện mạo đều khác thường, đến khi lớn ba người con đều khỏe mạnh, có sức vật trâu, bắt hổ, liền đặt tên cho người con trưởng là Hưng, tự Công Phấn, người thứ hai là Hải, tự Tử Hào, người thứ ba là Dĩnh, tự Danh Đạt.
Năm 18 tuổi cha mẹ đều chết cả, ba anh em đều thuận hòa, hiếu kính, tỏ rõ ân nghĩa, giúp đỡ nhiều người Châu quận.
Đến năm Đinh Mùi niên hiệu Đại Lịch nhà Đường ở Châu thành xảy ra vụ cướp  của Côn-Lôn, Đồ-Bà, Vũ Đình Úy là Cao Chính Bình sang cứu phá được. Chính Bình lại ra oai, đàn áp dân ta vô cùng khổ nhục. Nhưng chưa được mấy năm, thì vua Đường lại chọn Trương Ung Kế sang làm kinh lược sứ An Nam. Chính Bình lo bị Ung Kế giành quyền, đã tìm cách ám sát Ung Kế. Bọn tay chân của Ung Kế là Nguyên Khánh, Hồ Hoài Nghĩa bí mật tìm đến với Phùng Hưng bàn mưu khởi nghĩa, để đánh chiếm quận ấp. Chính Bình báo việc đó về triều Đường. Vua Đường liền sai Lý Phục làm Tiết độ sứ, cất quân đánh dẹp. Bọn Hoài Nghĩa, Nguyên Khánh đều bị Lý Phục giết chết. Lý Phục lại tuyên dụ dân chúng, tu sửa thành quách, rồi dẫn quân về.
Phùng Hưng bàn cùng em là Phùng Hải, Phùng Dĩnh lập mưu chiếm đất Đường Lâm, thu hút được mấy vạn dân theo, uy danh sang đến các ấp bên cạnh. Hưng tự đặt hiệu là Đô Quân, Hải đặt hiệu là Đô Bảo, Dĩnh đặt hiệu là Đô Tổng, rồi chia nhau chiếm giữ các nơi hiểm yếu, chứa lương, mộ quân, thế lực rất mạnh. Chính Bình kéo quân đến dẹp. Rút cục không thắng nổi, giằng co nhau hơn 20 năm.
Đến năm Tân Mùi niên hiệu Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông, tên Chính Bình bắt dân gánh thuế nặng, cai trị hà khắc, nhân dân ta không chịu nổi, ai cũng rầu rĩ oán thán. Phùng Hưng bèn họp các chư tướng bàn kế đánh giữ…
Phùng Hưng nghe theo kế của người làng là Đỗ Anh Hàn chia đại quân thành 8 mũi tấn công vây chặt thành Tống Bình. “Hai bên mở trận đánh lớn, suốt bảy ngày đêm quân Đường chết không biết bao nhiêu, máu đỏ ngầu sông Nhị, sông Tô khiến bọn Cao Chính Bình phải rút quân vào thành, lo sợ quá phát bệnh ung thư mà chết. Phùng Hưng vào thành bắt hết gia tộc Cao Chính Bình đem giết đi, rồi yên dân sửa lại thành trì và làm lễ tức vị xưng vương, khao thưởng tướng sĩ định quốc luật, trị vì trong nước yên vui… gần được mười năm thì ngài băng hà.
(Lịch năm 2000 năm, năm Giáp Thìn (764)Phùng Hưng khởi nghĩa, năm Nhâm Tuất (782) xưng là Bố Cái Đại Vương, năm Kỷ Tỵ (788) đời Phùng An, có thể Ngài mất.)
Chư tướng triều thần bèn lập vương tử Phùng An lên ngôi tuổi còn nhỏ và nghe lời xiểm nịnh của kẻ gian thần, cho xuất quân đi để chống lại Phùng Hải và Phùng Dĩnh, hai ông than rằng: “chung sức cần lao xây dựng cơ đồ đã hơn hai mươi năm nay, không ngờ hôm nay xẩy ra đến việc này, phải chăng lòng trời chưa muốn khôi phục lại cơ đồ Việt Lạc, để cho tình cốt nhục tương tàn, thật là điềm chẳng tốt”. Rồi Phùng hải cùng em là Phùng Dĩnh vứt bỏ vũ khí thay họ đổi tên, dấu mình trong động Chu Nham.
Người trong nước bấy giờ cho là bậc hiền giả. Phùng An lên ngôi suy tôn cha là Hưng hiệu Bố Cái Đại Vương. “Bố” có nghĩa là cha, “Cái” có nghĩa là mẹ. Cũng tháng 5 năm đó nhà Đường lại lấy quân Nhu Viễn Phủ Trị và cử Triệu Xương là Đô-Hộ. Tháng 7 ngày canh dần, Triệu Xương xuất quân tiến xuống phía Nam đánh phá đồn trại, quân tướng ta tan vỡ bỏ chạy. Ngày Mậu Tý quân Đường đóng chật dưới chân thành. Trong thành trở nên hỗn loạn, mọi người đành phải ra hàng!
Triệu Xương dụ dỗ Phùng An ra làm chức Tư Mã, rồi phủ dụ dân chúng, do đó các tướng hiệu của vua Phùng dần cũng tiêu tan, quốc thống nước ta lại mất về tay giặc. Chỉ riêng nhóm Đỗ Anh Luân không tuân theo mệnh lệnh củaTriệu Xương thì đều bị Triệu Xương giết chết.
Kể từ khi vua Đại Tông nhà Đường năm thứ hai là năm Giáp Thìn (764) Đức Phùng Hưng tế cờ khởi nghĩa cho đến khi mất là 25 năm.
Sau khi Ngài mất rất hiển linh dân tôn làm thần, lập đền thờ ở phía Tây làng Thịnh Hào Hà Nội. Thời gian sau đem về quê Ngài ở thôn Cam Giá xã Đường Lâm chôn và lập đền thờ.
Thôn Cam Giá có hai vua hai đền thờ:
1- Đức Phùng Hưng.
2- Đức Ngô Quyền. 
Thời nhà Trần có lập bia:
NHẤT ẤP NHỊ VƯƠNG.”