(Chủ nhật, 21/11/2021, 10:18 GMT+7)

Với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô, Đại tướng Phùng Quang Thanh rất quan tâm chỉ đạo tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của các đơn vị thường trực, cả bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương và lực lượng dự bị động viên. Ông nhấn mạnh công tác ở địa bàn đô thị, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác giáo dục, quản lý bộ đội, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nền nếp chính quy và chấp hành điều lệnh, xây dựng thực hiện nét đẹp văn hóa của người chiến sĩ Thủ đô. Sáng ngày 15 tháng 8 năm 2009, khi kiểm tra thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đồng chí Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rất chú ý nghe báo cáo và các kiến nghị của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường sau khi tổ chức lại từ ba trường quân sự: Quân khu, Hà Tây và Hà Nội, nay còn một trường quân sự và những bất hợp lý trong biểu tổ chức biên chế lâm thời. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao cho văn phòng Bộ mời đồng chí Cục trưởng Cục Cán bộ, Cục trưởng Cục Quân lực đầu giờ chiều có mặt làm việc tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo kết quả sau một năm thực hiện nhiệm vụ và một số đề nghị nhất là về tổ chức, biên chế, Đại tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ cần nghiên cứu, giải quyết những vấn đề Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề nghị, tạo thuận lợi cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm ấy, trước khi vào buổi làm việc, chúng tôi có báo cáo, kính mời Đại tướng trồng cây lưu niệm tại khu vực Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh. Vị trí cây trồng ở góc ngoài bên phải một sân cỏ, thường là nơi anh em cơ quan chơi bóng, đỗ xe của các đơn vị khi có hội nghị. Khi ra đến nơi, ông rất tinh tế hỏi tôi về việc trồng cây ở chỗ này. Tôi nói: “Báo cáo Bộ trưởng, ngôi nhà làm việc và nhà ở của chỉ huy và cơ quan Bộ Tư lệnh ở vị trí mới này rất hạn hẹp so với quân số biên chế, cơ quan doanh trại đã báo cáo nền móng và kết cấu của công trình không thể nâng tầng. Chúng tôi có ý định báo cáo Bộ cho xây dựng ngôi nhà cao tầng làm Sở Chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh ở chính giữa sân cỏ này. Kính mời Bộ trưởng trồng cây lưu niệm ở vị trí này, phía bên kia công trình, Bộ Tư lệnh sẽ kính mời đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội trồng một cây”. Ông gật đầu và đưa từng xẻng đất vào gốc cây đa.

Giữa buổi làm việc, giờ giải lao, đồng chí Cục trưởng Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh nhanh tay cầm một tập ảnh phối cảnh Sở Chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh báo cáo Bộ trưởng. Ông xem nhanh và chỉ vào một tấm ảnh: “Tôi thấy cái này khá hơn”. Gần 5 năm, sau quá trình chuẩn bị đầu tư, báo cáo phê duyệt, đấu thầu và thi công xây dựng, gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí bảo đảm, công trình Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cao hai mươi nhăm tầng mới hoàn thành, chủ yếu bằng kinh phí của thành phố Hà Nội. Ngày 18 tháng 4 năm 2015, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng đồng chí Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về dự Lễ và cắt băng khánh thành. Công trình được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển: “Công trình chào mừng Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 30/4/1975 - 30/4/2015”.

Ngày 1 tháng 3 năm 2011, Đại tướng Phùng Quang Thanh về dự lễ ra quân huấn luyện tại Trung đoàn 692 - Sư đoàn bộ binh 301 đóng quân tại thị xã Sơn Tây. Tôi dừng xe đón ông trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đến đó, ông gọi tôi lên ngồi cùng xe để tranh thủ thời gian nghe tôi báo cáo về một số công việc của Bộ Tư lệnh, trong đó có nói về bản Dự thảo bài phát biểu của ông. Đến nơi, ông hỏi tôi: “Đồng chí Trung đoàn trưởng này bao nhiêu tuổi?” Tôi nói: “Báo cáo Bộ trưởng! Đồng chí Nguyễn Đình Lưu - Trung đoàn trưởng 45 tuổi”. Đại tướng nói: “Sao để Trung đoàn trưởng nhiều tuổi vậy?” Tôi báo cáo: “Thưa Bộ trưởng! Tổ chức lại, cán bộ dư biên chế nhiều, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh chưa kịp đề nghị điều chỉnh bố trí nhiệm vụ mới cho anh em”. Tại buổi lễ, Đại tướng Phùng Quang Thanh dành thời gian khoảng 30 phút phát biểu chỉ đạo. Bài phát biểu chỉ đạo của ông thật sâu sắc, đầy đủ và toàn diện. Khi khái quát về tình hình, nhiệm vụ, những yêu cầu mới của công tác chỉ đạo, tổ chức huấn luyện góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng quân đội Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… Chúng tôi hiểu phát biểu của ông không chỉ dành riêng cho các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội mà là sự chỉ đạo đối với toàn quân. Hôm sau, ngày 2 tháng 3 năm 2011, Báo Quân đội nhân dân đã đăng toàn văn bài phát biểu chỉ đạo công tác huấn luyện của Đại tướng. Ông dành những lời biểu dương, động viên cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 692 - Sư đoàn bộ binh 301 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục khi thấy ông phát biểu chỉ đạo mà không dùng bài viết chuẩn bị sẵn, ông chỉ sử dụng một số tư liệu trong đó. Chúng tôi hiểu vị Đại tướng trưởng thành đã kinh qua hầu hết các chức vụ trong quân đội, người anh hùng của chiến trường gian khổ, ác liệt Đường 9 - Quảng Trị, với bề dày kinh nghiệm và trách nhiệm của người cầm quân, ông dành tất cả tâm huyết của mình cùng tập thể Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân ngày càng trưởng thành, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau đó, Đại tướng trực tiếp kiểm tra mô hình, học cụ, giáo án huấn luyện của các đơn vị trong Trung đoàn. Cuối buổi làm việc, đồng chí Trung tướng Tô Đình Phùng, Cục trưởng Cục Quân huấn, nói với mấy đồng chí tướng lĩnh và cán bộ trong đoàn công tác: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa có Trung đoàn trưởng nào báo cáo được mạch lạc, dõng dạc như cậu Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 692”.














Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ, động viên, chụp ảnh lưu niệm, chia tay các chiến sĩ Lữ đoàn 144,
Bộ Tổng Tham mưu và Tiểu đoàn 103, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương
(tháng 1 năm 2010 và tháng 1 năm 2016). 

Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội sau khi tổ chức lại Quân khu Thủ đô Hà Nội thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn dành cho lực lượng vũ trang thủ đô sự quan tâm theo dõi sát sao, chặt chẽ và động viên, giúp đỡ kịp thời. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2008, địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra trậ mưa bão lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhiều nơi ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành mênh mông biển nước. Các lực lượng của thành phố phải dồn sức khắc phục. Trước đó, thành phố phải tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp về an ninh - trật tự xảy ra. Buổi sáng ngày 31 tháng 10 năm 2008, khi thành phố đang tổ chức Hội nghị tổng kết việc giải quyết những vụ việc phức tạp về tôn giáo, có đại biểu nhiều Bộ, Ngành Trung ương tham dự, đồng thời vẫn phải căng sức giải quyết vấn về ngập lụt do nước lũ đột ngột dâng cao. Tôi vừa dự Hội nghị vừa phải ra, vào nắm tình hình và chỉ đạo các đơn vị trên các địa bàn, nhất là những nơi có các tuyến đê xung yếu sẵn sàng huy động lực lượng thực hiện ứng cứu, phối hợp xử lý.

Khi nghe đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo ở ngõ 152, 154 Định Công, quận Hoàng Mai bị ngập sâu, nhiều hộ dân gặp nguy hiểm, đề nghị lực lượng quân đội ứng cứu. Tôi lập tức chỉ đạo Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công đưa lực lượng tới ứng cứu và giao cơ quan theo dõi thực hiện, tổng hợp và báo cáo cấp trên. Khoảng 12 giờ trưa ngày 31 tháng 10 năm 2008, khi Hội nghị vừa xong đang tổ chức mời các đại biểu ăn trưa thì đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nói với tôi: “Tình hình Trạm bơm Yên Sở rất khó khăn, sắp bị ngập nước, Bộ Tư lệnh cho ngay lực lượng tới ứng cứu!” Trạm bơm Yên Sở trên địa bàn quận Hoàng Mai được thành phố đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh. Các tổ máy ở đây có nhiệm vụ tiêu nước ngập lụt cho các quận nội thành. Lúc này, Tiểu đoàn đặc ông 18 đã dùng thuyền tôn tới cứu giúp, đưa được hàng trăm hộ dân tới nơi an toàn. Tôi lập tức điều toàn bộ lực lượng của Tiểu đoàn đặc công cơ động lật cánh chuyển sang ứng cứu Trạm bơm Yên Sở, đồng thời lệnh Tiểu đoàn công binh đang đóng quân ở đường Phạm Văn Đồng, lực lượng hiện có của Sư đoàn bộ binh 301 ở Ba La - Hà Đông (khoảng 200 cán bộ chiến sĩ) lập tức hành quân và chỉ đạo nếu đường ngập nước, ô tô không vận chuyển được thì chạy bộ tới Trạm bơm Yên Sở làm nhiệm vụ. Nhanh chóng về Sở Chỉ huy, sau khi hội ý với các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thông báo tình hình nước lũ và nhiệm vụ, tôi chỉ thị cán bộ, nhân viên các cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ để lại mỗi cơ quan 1 người trực còn lại cơ động ứng cứu Trạm bơm Yên Sở. Tôi trực tiếp chỉ huy các lực lượng của Bộ Tư lệnh tại đây. Khi đến nơi, chúng tôi thấy khu vực xung quanh Trạm bơm Yên Sở mênh mông nước ngập, bờ đập do lực lượng tại chỗ đắp nước ngập mấp mé sắp tràn qua vào các tổ máy của trạm bơm. Nếu xảy ra như vậy sẽ thiệt hại rất lớn và mất khả năng chủ yếu tiêu nước cho khu vực nội thành. Lúc này ở đây có không ít người nhưng chỉ có nhiều người đứng trên đê… Khi các đơn vị của Bộ Tư lệnh tới nơi, được giao nhiệm vụ cụ thể, không quản trời mưa rét, anh em lập tức ào xuống “biển” nước, đẩy thuyền tôn vận chuyển các bao đất, nhanh chóng bồi đắp tôn cao tuyến bờ đập vây quanh trạm bơm, chặn đứng khả năng nước tràn ngập vào bên trong. Rất mừng là quận Hoàng Mai đã huy động được nhiều thuyền tôn và hàng vạn bao dứa để đựng đất, công ty Môi trường đô thị thành phố cũng sử dụng hàng chục xe chuyên dụng để vận chuyển đất, bảo đảm vật tư để bộ đội thuận tiện việc ứng cứu. Đồng chí Bùi Xuân Phúc, Giám đốc xí nghiệp Quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở phát biểu với các phóng viên truyền hình ngay tại hiện trường: “Mưa lớn làm nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ đều đã đầy, do đó nước trong thành phố không thể thoát tự nhiên. Việc tiêu nước lúc này chỉ còn trông chờ vào Trạm bơm Yên Sở, nhưng cũng trạm cũng đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vì bị ngập nước. Song cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã có mặt hết sức kịp thời, và không quản ngại mưa to, nước lớn, suốt ngày đêm đắp nên con đập ngăn không cho nước tràn vào trạm bơm. Chúng tôi sẽ cố gắng vận hành hết công suất để nhanh chóng tiêu nước cho thành phố”. Khoảng 20 giờ tối hôm đó, khi đang ngồi trên tầng hai của một ngôi nhà nhỏ gần trạm bơm (tầng 1 đã ngập sâu gần mét nước), tôi cùng đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đang phối hợp điều hành các lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm bơm Yên Sở thì qua điện thoại di động, đồng chí Thiếu tướng Ngô Quang Liên, Phó Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, điện yêu cầu tôi nối máy liên lạc với Bộ trưởng. Tôi nói: “Tôi chưa kịp lưu số máy điện thoại của Bộ trưởng, anh cho tôi xin số máy!” Khi liên lạc được với Bộ trưởng, ông hỏi tôi về tình hình đang diễn ra tại Trạm bơm Yên Sở. Sau khi nghe tôi báo cáo, ông hỏi tôi: “Có cần lực lượng của Bộ tăng cường không?” Tôi báo cáo: “Báo cáo Bộ trưởng! Hiện tại Trạm bơm Yên Sở lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và thành phố đủ sức đảm bảo an toàn. Ở những nơi khác, nếu khó khăn chúng tôi sẽ báo cáo đề nghị Bộ giúp đỡ”. Có lẽ qua báo cáo của cơ quan chức năng của Bộ và trực tiếp theo dõi trên Đài truyền hình Trung ương đưa tin tối hôm đó, Bộ trưởng đã trực tiếp yêu cầu chúng tôi báo cáo và sẵn sàng sử dụng lực lượng phối hợp cùng thành phố Hà Nội xử lý mọi tình huống. Chỉ một việc như vậy cũng là sự động viên khích lệ lớn với cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô đang làm nhiệm vụ. Ngay trong đêm hôm đó, khi tình huống xảy ra tại Trạm bơm Yên Sở đã cơ bản được giải quyết, theo đề nghị của đồng chí Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tư lệnh điều ngay lực lượng của Sư đoàn 301 cơ động sang ứng cứu Cầu Bươu (trên đường từ Hà Đông xuống Văn Điển) đang bị nước lũ uy hiếp nghiêm trọng. Ngay hôm sau, đồng chí Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng trực tiếp điện nắm tình hình và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Bộ giao đặc trách một đồng chí Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn theo dõi hướng Hà Nội, đáp ứng mọi yêu cầu về lực lượng, phương tiện, phối hợp với thành phố Hà Nội trong đợt lũ lớn lịch sử khi thành phố có yêu cầu. Bộ đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh cơ động lực lượng lắp hai cầu phao để đảm bảo giao thông ở khu vực đập Phùng qua sông Đáy tại huyện Đan Phượng và qua sông Nhuệ tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai sang hướng huyện Thanh Trì… Trong đợt này, gần 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và các đơn vị quân đội đã được huy động, ứng cứu, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn hộ dân và hàng trăm kilômét đê các nơi địa bàn xung yếu. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Thư cảm ơn gửi Bộ Quốc phòng và đề nghị Bộ Quốc phòng biểu dương, khen thưởng hàng chục đơn vị có thành tích xuất sắc.

Sinh ra và lớn lên từ quê hương xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc nay thuộc thành phố Hà Nội, tình cảm sáng trong của Đại tướng Phùng Quang Thanh với Thủ đô Hà Nội và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội thật sâu đậm. Năm 2010, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện quan trọng Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/10/1010 - 10/10/2010) do Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội tổ chức, trong đó có Lễ diễu binh, diễu hành của các lực lượng và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong ngày Đại lễ do đồng chí Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách. Khi theo dõi đội hình các lực lượng tham gia luyện tập, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chỉ thị thành phần lực lượng vũ trang Thủ đô tham gia diễu binh, diễu hành, cùng với đội hình khối nữ dân quân tự vệ cần bổ sung một khối bộ đội chủ lực là Sư đoàn bộ binh 301. Quyết định đó được tổ chức thực hiện tạo niềm phấn khởi, tự hào của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Năm 2011, trong một lần về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, khi gặp mặt các đồng chí thương binh đang điều dưỡng ở đây, anh em có bày tỏ tâm tư: “Trong cơ chế kinh tế thị trường, vấn đề giải quyết việc làm của con thương binh nặng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, mong được các cấp quan tâm giúp đỡ giải quyết”. Là thương binh, lại là con liệt sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh thấu hiểu về những cống hiến và mất mát hy sinh của đồng chí, đồng đội trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Sau lần đó, Bộ Quốc phòng có chủ trương tuyển dụng công nhân viên quốc phòng với tất cả con các đồng chí thương binh nặng đang điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng của Nhà nước ở các địa phương, có đủ điều kiện về tuổi và sức khỏe. Ở thành phố Hà Nội có gần 40 trường hợp như vậy. Khi nhận được các quyết định do Bộ trưởng trực tiếp ký, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều luôn nhanh chóng tổ chức gặp mặt, trao quyết định tuyển dụng và bố trí công việc phù hợp cho các cháu.

Ngày 7 tháng 7 năm 2014, trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chiếc máy bay trực thăng Mi171 thuộc Trung đoàn không quân 916 của Quân chủng Phòng không - Không quân không may gặp nạn, trên máy bay có 20 cán bộ chiến sĩ trong đó có 10 quân nhân chuyên nghiệp, những chiến sĩ ưu tú của Tiểu đoàn đặc công 18 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hầu hết cán bộ chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 4 đồng chí bị thương rất nặng được đưa về cấp cứu, điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Nhưng rồi anh em cũng lần lượt không qua khỏi, chỉ còn lại duy nhất Thượng úy chuyên nghiệp Đinh Văn Dương thuộc Tiểu đoàn 18 đặc công, với sự tập trung cứu chữa, điều trị cao nhất của Viện Bỏng quốc gia và ngành y quân đội. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến ngay bệnh viện thăm anh em và động viên người thân, gia đình các chiến sĩ gặp nạn. Bộ Quốc phòng đã sớm có quyết định trợ cấp khó khăn đột xuất, thăng quân hàm và khen thưởng cho tất cả các cán bộ chiến sĩ đã hy sinh hoặc bị thương. Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ký quyết định của Bộ Quốc phòng tặng gia đình Thượng úy chuyên nghiệp Đinh Văn Dương một căn hộ chung cư trị giá gần 1 tỷ đồng. Một buổi chiều khi vừa nhận được quyết định đó của Bộ Quốc phòng cũng là lúc nhận được thông báo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều hôm sau xuống Viện Bỏng quốc gia thăm thương binh Đinh Văn Dương và cán bộ nhân viên của bệnh viện. Tôi về cùng lãnh đạo Học viện Quân y, Viện Bỏng quốc gia và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân dự buổi làm việc của Chủ tịch nước. Tôi báo cáo đề nghị Chủ tịch nước cho phép công bố quyết định của Bộ Quốc phòng tặng căn hộ chung cư cho thương binh Đinh Văn Dương khi Chủ tịch nước tới thăm đồng chí đó. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Đồng ý! Sao nhanh vậy!” Ngay tại giường bệnh, Chủ tịch nước xúc động đưa hai bàn tay như muốn ôm chặt lấy khuôn ngực của người chiến sĩ ưu tú, kiên cường, mất cả hai chân, bị thương ở hai tay còn băng bó, trên gương mặt đỏ da non vì bị bỏng rất nặng. Sau khi Chủ tịch nước thăm hỏi, động viên thương binh và gia đình, tôi được phép công bố toàn văn Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng một căn hộ chung cư cho gia đình thương binh Đinh Văn Dương trong niềm xúc động của gia đình đồng chí Dương và các đồng chí cán bộ có mặt bên giường bệnh. Mẹ Thượng úy Đinh Văn Dương òa khóc, cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội cho con mình cùng đồng đội không may gặp nạn khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Khi nghe Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo, Đại tướng Phùng Quang Thanh tỏ ý hài lòng vì quyết định của Bộ đã được công bố rất kịp thời.

Trước đó, từ năm 2009, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương, kế hoạch báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hàng trăm căn hộ chung cư, giải quyết khó khăn về nhà ở cho sĩ quan và người hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Dịp Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (19/10/1946 - 19/10/2011) lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Sau khi thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, tôi có hai buổi báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố và Thường trực Thành ủy Hà Nội (5 đồng chí) về Kế hoạch tổ chức Lễ Kỷ niệm và đón nhận Huân chương cao quý, được tập thể Ủy ban nhân dân thành phố và Thường trực Thành ủy đồng ý.

Sau đó, đồng chí Chính ủy lên báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và tôi trực tiếp lên báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tôi thấy mỗi lần nghe chúng tôi báo cáo, Đại tướng Phùng Quang Thanh đều dùng sổ ghi lại nhiều. Lần ấy, sau khi nghe tôi báo cáo kế hoạch tổ chức buổi Lễ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thông qua Ủy ban nhân dân thành phố và Thường trực Thành ủy, ông vừa ghi vừa theo dõi trên văn bản và yêu cầu tôi báo cáo kỹ hơn một số nội dung. Khi thấy số lượng gần 1.000 đại biểu và cán bộ chiến sĩ dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông tỏ ý băn khoăn và nói: “Lãnh đạo thành phố ưu ái Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội…” Ông tỏ ý không hài lòng với một số nơi tặng túi quà cho đại biểu mang theo vào Hội trường, tổ chức liên hoan không đủ người dự gây lãng phí. Ông căn dặn chúng tôi thực hiện chu đáo việc đưa, đón các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng ý nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây và Quân khu Thủ đô qua các thời kỳ đã nghỉ hưu trên địa bàn. Tổ chức buổi Lễ đúng quy định hiện hành, trang trọng, an toàn và chu đáo.

Mặc dù kế hoạch đã được thông qua, nhưng cảm nhận được những nét còn băn khoăn của người lãnh đạo, chúng tôi hội ý Thường vụ Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, chủ động điều chỉnh một số nội dung bản kế hoạch. Rút gọn số lượng thành phần dự còn khoảng 400 người, địa điểm tổ chức tại Hội trường Bảo tàng Thành phố mới khánh thành dịp Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chỉ gửi các đại biểu tiêu chuẩn ăn trưa và không tặng quà các đại biểu. Sau đó, chúng tôi báo cáo lại với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và thành phố Hà Nội, được cấp trên đồng ý.

Ngày 18 tháng 10 năm 2011, buổi gặp mặt Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội và đón nhận Huân chương Sao vàng được tổ chức rất trang trọng và thành công tốt đẹp. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Bí thư Quân ủy Trung Ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước vui mừng về dự và gắn Huân chương Sao vàng lên Quân kỳ quyết thắng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Trong cuộc sống và công tác, những người lãnh đạo có trí tuệ và chức vụ công tác càng cao, cống hiến nhiều cho đất nước mà phong cách bình dị và gần gũi với anh em để lại trong chúng tôi lòng kính trọng và cảm phục sâu sắc. Đại tướng Phùng Quang Thanh là một trong những con người như vậy. Mùa xuân năm 2003, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây nhận được thông báo của cấp trên: đồng chí Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm và kiểm tra lớp đào tạo thí điểm Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn do Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây thực hiện (đã có hơn 40 tỉnh, thành phố về tham quan, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện). Chúng tôi báo cáo với cơ quan cấp trên sẽ tổ chức đón Tổng Tham mưu trưởng về làm việc chính thức theo Nghi lễ quy định của Điều lệnh quản lý bộ đội. Nhưng sau đó nhận được thông báo của Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu truyền đại ý kiến của Tổng Tham mưu trưởng: Không tổ chức đón theo Nghi lễ và không phải báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy chấp hành chỉ đạo của cấp trên, không đón tiếp theo nghi lễ, nhưng chúng tôi vẫn báo cáo với Thường Trực tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh việc lãnh đạo Bộ Quốc phòng về thăm và kiểm tra tại đơn vị. Buổi chiều hôm đó, đồng chí Khuất Hữu Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh, đồng chí Nguyễn Doãn Thuận phụ trách Ủy ban nhân dân tỉnh đã có mặt đón tiếp, dự buổi làm việc cùng đồng chí Tổng Tham mưu trưởng. Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh ra tận thao trường thăm, kiểm tra và động viên các đồng chí học viên. Sau khi nghe Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban giám hiệu Trường quân sự tỉnh báo cáo kết quả triển khai thực hiện khóa đào tạo thí điểm Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn được Bộ Quốc phòng giao, Tổng Tham mưu trưởng biểu dương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thị xã làm công tác chuẩn bị, tổ chức hiệp đồng, và khai mạc khóa đào tạo cán bộ quân sự cấp xã đúng kế hoạch, bước đầu đạt kết quả tốt. Cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phát hiện những nội dung liên quan khóa đào tạo cần điều chỉnh bổ sung, kịp thời báo cáo Bộ để giải quyết. Cần chủ động chuẩn bị để kết thúc khóa đào tạo, tổng kết, giúp Bộ rút kinh nghiệm để triển khai trong toàn quốc. Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, trong đó có công tác quy hoạch cán bộ và tổ chức đào tạo cán bộ quân sự ở cơ sở, đủ sức làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác quân sự địa phương, quản lý chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Qua thực hiện chương trình đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và trường chính trị tỉnh phát hiện và đề nghị Cục Dân quân tự vệ báo cáo Bộ Quốc phòng và đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho bổ sung một số nội dung đào tạo để học viên ra trường được cấp thêm bằng Trung cấp lý luận chính trị và phong quân hàm sĩ quan dự bị cho các đồng chí học viên là hạ sĩ quan đã qua phục vụ tại ngũ.

Năm 2004, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân nhân tỉnh Hà Tây chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc tại Hội trường Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tây. Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về dự Hội nghị. Khi đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh trình bày bản báo cáo tổng kết, sau ít phút ban đầu, Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh lấy bút và sổ ra viết. Giờ giải lao, ông gặp và nói với tôi: “Anh Tuấn thông cảm nhé! Khi anh trình bày bản báo cáo, tôi tranh thủ chuẩn bị bài phát biểu tại Hội nghị hôm nay. Bản báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi trước tôi đã đọc rất kỹ rồi”. Tôi rất bất ngờ và xúc động trước lời nói khiêm nhường và tôn trọng cấp dưới của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong ba đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp nhất của quân đôi, tôi vội nói: “Tôi xin cảm ơn Thủ trưởng”.

Đầu xuân năm 2014, Đại tướng Phùng Quang Thanh dành 3 ngày đi thăm và kiểm tra các đơn vị Thường trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tại Sư đoàn Bộ binh 301, các Tiểu đoàn thiết giáp, Tiểu đoàn công binh 544 và khu vực đang xây dựng các công trình phòng thủ tại một trong các căn cứ hậu phương của khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội. Giữ lời nói của mình từ mấy năm trước, Đại tướng Phùng Quang Thanh tới thăm doanh trại của Tiểu đoàn 5 và Trung đoàn Bộ binh 692 đóng quân ở thị xã Sơn Tây. Ông thăm và xem xét kỹ lưỡng từng nơi ở, làm việc, sinh hoạt và ăn uống, tăng gia sản xuất của đơn vị. Tại Tiểu đoàn 5, ông hài lòng khi thấy trong doanh trại mới xây có cả một căn nhà kiến trúc đẹp được sử dụng làm nhà văn hóa, phòng đọc của cán bộ chiến sĩ có trang bị máy điều hòa nhiệt độ. Trong khu vực đóng quân của cơ quan Trung đoàn, các Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 6 và các đơn vị trực thuộc, chỉ sau 3 năm ông thấy đơn vị đã có nhiều thay đổi. Sở Chỉ huy, Hội trường của trung đoàn, nhà ở và làm việc của cơ quan, phòng luyện tập đa năng, sân thể thao… được xây dựng mới. Đơn vị đạt nhiều thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy, trong đó có vụ dập tắt cháy rừng… Việc duy trì thực hiện nền nếp chính quy đạt nhiều tiến bộ mới. Cuộc vận động “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Tại buổi làm việc có đông đủ cán bộ chủ trì của Bộ Tư lệnh, Sư đoàn bộ binh 301 và Trung đoàn 692, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Tôi rất hài lòng khi về thăm Trung đoàn bộ binh 692… Ở đây có những công trình mà cấp Trung đoàn chưa nơi nào có”. Ông biểu dương “xây dựng doanh trại cho Tiểu đoàn bộ binh 5 nhanh, đồng bộ và chất lượng tốt…” Tại Trung đoàn 692, sau ít phút nghỉ trưa thức dậy, đứng trước phòng khách của trung đoàn, nhìn ra hồ nước và hàng xây xanh phía xa, trước sân còn vài nhánh hoa đào, quang cảnh nơi đây thật nên thơ, Đại tướng Phùng Quang Thanh chợt thốt lên: “Đẹp quá!”. Ở nơi khác, quy hoạch khu vực Sở Chỉ huy Sư đoàn, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Sở Chỉ huy, nơi ở và làm việc của cơ quan Sư đoàn được Đại tướng Phùng Quang Thanh phê duyệt đang được triển khai thực hiện. Tại các đơn vị mà ông đến thăm, nơi nào cũng có phòng luyện tập thể thao với khá nhiều dụng cụ, thiết bị như phòng tập gym. Tôi báo cáo Bộ trưởng trong chuyến công tác tại Liên Bang Nga, tôi được tham gia đoàn do Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu, tới thăm Lữ đoàn Bộ binh cơ giới bảo vệ Thủ đô Matxcơva, tôi thấy đơn vị này có các phòng luyện tập thể thao với nhiều thiết bị mới. Về nước, tôi trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh tổ chức bảo đảm các thiết bị, dụng cụ luyện tập cho các Tiểu đoàn, Trung đoàn đủ quân và Trường quân sự để cán bộ chiến sĩ Thủ đô nâng cao thể lực, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Dành 3 ngày để thăm và kiểm tra các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, có lẽ Đại tướng Phùng Quang Thanh muốn thẩm định bổ sung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Thủ đô sau mấy năm thực hiện nhiệm vụ, được ông trao Quân kỳ Quyết thắng!

Sau mỗi ngày làm việc ở các đơn vị, Đại tướng Phùng Quang Thanh đều vui vẻ chụp ảnh cùng cán bộ, chiến sĩ. Chắc hẳn ông vui mừng trước sự trưởng thành, tiến bộ mới về chất của các đơn vị, của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội.

Tôi có vinh dự 7 năm tròn thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cảm nhận sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vô cùng to lớn của ông cùng tập thể Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dành cho lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần bảo vệ và xây dựng Thủ đô văn hiến ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với lòng tin yêu, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tôi viết những dòng này khi được tin Đại tướng Phùng Quang Thanh sau thời gian lâm bệnh, dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do bệnh nặng, sức yếu, ông đã từ trần lúc 3 giờ 45 phút ngày 11 tháng 9 năm 2021. Bao kỷ niệm chợt hiện về ở trong tôi. Dù tản mạn nhưng vội ghi chép lại phần nào trong những hồi ức đó, như một nén tâm hương tưởng nhớ Đại tướng Phùng Quang Thanh với lòng kính trọng và tiếc thương sâu sắc.

Năm tháng sẽ qua đi, Đại tướng Phùng Quang Thanh hôm nay cũng đã đi xa. Nhưng hình ảnh của ông, người Anh hùng, vị tướng trưởng thành từ trận mạc, trải qua nhiều khó khăn, ác liệt nhưng hội tụ ở trong ông là:

“Trí tuệ và tài năng
Nhân văn và Đức độ”

sẽ còn sống mãi trong lòng, trong trái tim của cán bộ, chiến sĩ và cựu chiến binh Thủ đô Hà Nội.

Cây đa ngày ấy ông trồng đã bật những mầm rễ to, tròn, thẳng tắp, cắm sâu vào lòng đất, vươn những cành lá xanh tươi tỏa bóng mát cho đời…

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2021

Tác giả: Trung tướng Phí Quốc Tuấn
Nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội