(Thứ sáu, 13/01/2023, 09:01 GMT+7)

Có một nhà thuốc đã vinh dự được Hội Kỷ lục gia Việt Nam, tổ chức Guinness Việt Nam (thành viên của Kỷ lục Guinness Thế giới) xác lập kỷ lục là nhà thuốc Đông y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam. Đó là nhà thuốc Thọ Xuân Đường của dòng họ Phùng ở làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Bài viết này không nhằm giới thiệu Nhà thuốc Thọ Xuân Đường mà là muốn giới thiệu về thơ của một lương y thuộc nhà thuốc này - ông Phùng Đức Hậu.

Phùng Đức Hậu (sinh năm 1909, mất ngày 11 tháng 11 năm 1971), quê ở làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình quý tộc có truyền thống học hành thi cử, nhiều đời làm quan và là dòng tộc có truyền thống y thuật. Theo sử ký gia tộc, vào thời hậu Lê, người khởi thủy nghề thuốc của Thọ Xuân Đường là cụ Phùng Văn Dương. Cụ Dương được tuyển vào làm thuốc tại Tế Sinh Đường - Thái Y viện triều đình nhà Lê năm 1653. Con trai cụ Dương là lương y Phùng Văn Đồng (1713-1763), làm lương y phục vụ trong quân đội, được nhà vua phong tới chức Tiến công Thứ lang kiêm Ngự y ở Thái Y Viện. Lương y Phùng Văn Côn (1743-1822) là con trai cụ Đồng, cũng phục vụ trong quân y và được phong chức Tiến công Thứ lang, đến năm 1781 được điều vào Thái Y viện giữ chức Phó Ngự y triều đình. Cứ thế, nghề y gia truyền tới Phùng Đức Hậu là đời thứ 14.

Phùng Đức Hậu sống tiếp nối giữa hai thời kỳ: thời kỳ chiến tranh chống thực dân phong kiến và thời kỳ hòa bình. Ông là người có hiểu biết sâu rộng, vốn sống phong phú và thông thuộc kinh sách cổ kim; việc tầm chương trích cú của ông cũng vô cùng sâu sắc. Ông làm nghề thuốc nên sống gần với nhiều tầng lớp người dân, đồng thời ông đã nhiều năm sống “chạy giặc” qua nhiều vùng đất, thậm chí sang cả đất Lào, tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn, lại là cơ sở hoạt động của Đảng vào những năm 40 nên ông là người mang tư tưởng tiến bộ của thời đại. Hoàn cảnh gia đình và xã hội tác động sâu sắc đến cuộc đời và ảnh hưởng lớn đến sáng tác của ông. Ông là người có trái tim giàu tình yêu thương, tấm lòng trắc ẩn, suy tư trước vận mệnh con người, trước thời đại.

Sinh thời, Phùng Đức Hậu là một người tài hoa, không chỉ giỏi y thuật, tâm đức sáng ngời, ông còn thông thạo đủ cả Nho, Lý, Số và điều đặc biệt là ông có một hồn thơ dâng trào tình yêu nước thương dân: Đạo y thuật đã nhiều kinh nghiệm; ngoài xã hội, trong nhân dân nức tiếng danh y.Nét văn chương rất mực tài hoa; khi ngâm vịnh, lúc xướng họa thực tài thi sĩ (Điếu văn - Phùng Văn Kiêm).

Thơ của ông còn lại không nhiều, phần vì không được in ấn, phần thất lạc bởi đi qua hai cuộc chiến tranh. Những bài thơ còn lại viết từ thời chống Pháp chủ yếu là do các con của ông, nhất là người con trưởng Phùng Đức Luận còn nhớ mà viết lại, một số bài viết sau này còn bút tích hoặc do người con thứ Phùng Đức Đỗ gom góp.

Thơ của ông có hai mảng: một là những tác phẩm thơ - thơ chữ quốc ngữ và thơ chữ Hán - thơ thế sự, tâm tình, tình yêu quê hương đất nước; hai là những tác phẩm diễn Nôm thơ từ những sách y thư nghiệm phương.

Ông vừa bốc thuốc chữa bệnh vừa dạy nghề thuốc. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, với nghề thuốc, ông là người học rộng hiểu nhiều. Sách thuốc Đông y chủ yếu viết bằng chữ Hán, ít người đọc được. Bởi muốn có nhiều người học, đọc hiểu được, ông đã diễn Nôm sách thuốc thành thơ. Với tài liệu cổ và bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình, ông còn viết sách thuốc dưới dạng thơ để dạy cho người học dễ nhớ dễ thuộc.

Ở đây, chỉ xin nói thiên về những tác phẩm thơ của nhà thơ Phùng Đức Hậu - ông rất xứng đáng với danh xưng này, bởi thơ ông ở đề tài nào cũng đạt thành tựu. Nhìn chung, thơ của ông là một tiếng nói thấm đẫm tình nhân ái, đề cao tinh thần nghĩa khí, kêu gọi tình đoàn kết nhân dân, được bao bọc trong một nghệ thuật tuyệt đẹp với các thể thơ đa dạng phong phú. Thơ của ông mang hơi thở của thời cuộc. Ông làm thơ mà như không làm. Hơi thơ tuôn ra theo cảm xúc, mỗi bài thơ là một bông hoa nồng nàn sự sẻ chia, nở ra trong những năm gian lao và anh dũng của dân tộc và sau này là trong hòa bình.

Sinh ra và lớn lên trong thời buổi loạn lạc, chứng kiến cảnh điêu tàn của nước mất nhà tan nên ông đau nỗi đau của người dân nô lệ, từ người cố nông đến người lính tốt, phu phen, tạp dịch. Hơn ai hết, ông đồng cảm sâu sắc với những khốn khó, túng thiếu của dân nghèo:

Dân nghèo khó thiệt thòi biết mấy
Cảnh lầm than cảm thấy lòng thương
Khổ nghìn nỗi, cực trăm đường
Nào ai là kẻ biết thương dân nghèo.
(Bần gia oán)

Trong những năm tiền khởi nghĩa, tiếng thơ của ông cũng là tiếng lòng của dân nghèo bị đế quốc sài lang áp bức bóc lột, xã hội thối nát, nhân tình giả dối, dân nghèo đói lầm than. Thay lời muốn nói của bần cố nông, ông viết Bần gia oán. Có thể nói, Bần gia oán là một khúc ngâm vịnh, phản ánh rất chi tiết, cụ thể thực trạng những nỗi khổ ải, ai oán, sưu thuế, phu phen tạp dịch, nheo nhóc đói kém của dân đen. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những khổ ải ai oán ấy do đâu mà có. Đấy là bản cáo trạng, chỉ đích danh kẻ thù của dân là đế quốc thực dân và tay sai phong kiến. Ông đã liệt kê ra tất cả những nỗi khổ ải, lầm than, ai oán của người dân nô lệ. Nào cơm chẳng đủ; bán mua cầm cố nợ vay; đồ đạc thế chấp, thế thân cửa nhà; Người nông dân chịu nắng, chịu mưa/ Dãi dầu đi sớm về trưa/ Làm thuê, gánh mướn, cày bừa lao công; Gió sương cảm nắng vào mình/ Gây nên bệnh tật, tạo thành khó khăn, hoặc mắc mưu phá hại của bọn phong kiến, nhà giàu. Ông không chỉ chứng kiến những lầm than ấy mà hơn thế, ông cùng gia đình cũng gánh chịu những đau thương chung của người dân nô lệ. Bởi thế, đọc thơ ông, ta thấy ông đau nỗi đau chung. Mỗi câu thơ tựa máu chảy ra từ huyết quản của một tâm hồn thi nhân yêu đất nước mình, dân mình! Hiện lên trong thơ Phùng Đức Hậu không chỉ là những hoàn cảnh người quê khốn khó mà còn là nỗi niềm tâm sự rất chân tình của “người quê”. Có khi nhà thơ nhập thân vào chính người dân nghèo để giãi bày:

Ngày qua ngày, no đói long đong
Ngô khoai, rau cháo lót lòng
Bữa ăn, bữa nhịn, khốn cùng ai hay.
 
Lại nhìn cảnh chua cay não khổ
Tranh cướp nhau dưới chỗ gốc bàng
Quả rơi, gốc mía nhặt quàng
Áo quần tơi tả, lắm đường động tâm.

Đồng thời, ông cũng vạch ra tất cả những thói thường, âm mưu của bọn tay sai phong kiến nhà giàu:

Sắp mưu kế toàn màu bóc lột
Chỉ ôm rơm rát ruột mà thôi
Xoay quanh một vốn bốn lời
Mong đời ngu tối họ thời dễ xơi

Kết thúc Bần gia oán, ông lên tiếng hô hào, kêu gọi tất cả mọi tầng lớp người dân như một tiếng chuông tỉnh ngộ:

Dân nghèo ướm hỏi những ai
Tiếng chuông giác ngộ đàng ngoài đứng lên.
 
Đoàn kết lại lợi quyền giữ lấy
Thì đời ta mới thấy tương lai.

Thơ của ông đa thanh đa nghĩa, càng đọc càng cảm nhận được cái sâu sắc trong từng vần, từng câu. Hình tượng thơ có thể được bóc ra từng lớp, nghĩa thực và nghĩa hàm ẩn:

Giống mày sinh nở ở phương xa
Lẩn quất lần mò rúc ráy ta
Máu đỏ hút nhiều nên béo mẫm
Da vàng thấy bở cứ lân la
Thân gầy ngứa ngáy buồn nên nỗi
Áo rách vì mày nghĩ xót xa
Tức gin lắm phen nhường muốn giết
Nước sôi sùng sục đáng đời a!
(Luộc rận)

Bài thơ Luộc rận không chỉ khiến ta đồng tình với nỗi tức giận, xót xa khi bị rận hút máu mà đọc lên ai cũng hiểu bọn “rận” ấy là ai: Máu đỏ hút nhiều nên béo mẫm/ Da vàng thấy bở cứ lân la. Luộc rận là hành động cần thiết nhường nào để tiêu diệt những kẻ ở “phương xa” đã hút máu, bòn rút dân “máu đỏ”, “da vàng”! Phải chăng ông đã mượn ý thơ để động viên, kêu gọi, thức tỉnh người dân ý thức về vận mệnh dân tộc: Tức gin lắm phen nhường muốn giết/ Nước sôi sùng sục đáng đời a!

Lòng yêu nước của ông đâu chỉ là bàng bạc mà sôi sùng sục, hành động cứu dân, cứu nước của ông là góp sức tuyên truyền, thức tỉnh lòng dân ý thức về thân phận và trách nhiệm của con dân trước vận mệnh đất nước, là chữa bệnh cho dân để khỏe về thể chất và giác ngộ về tinh thần!

Năm 1942, cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ tại gia đình ông bị khủng bố, ông cùng gia đình lánh nạn ra Cát Bà. Đứng trước biển, tâm can ông ào ạt từng cơn sóng trào! Thế sự nước nhà, vận mệnh dân tộc, số phận người dân và phong trào cách mạng… đều được phản ánh đậm nét trong thơ ông với những hình ảnh thơ hào hùng bay bổng, hơi thơ toát lên ngùn ngụt một niềm tin yêu hy vọng, một thần thái, một hào khí. Tinh thần yêu nước, hào khí Đông A dường như vẫn thấm đẫm trong thơ ông:

Biết bao kẻ chí tài thao lược
Biết bao người non nước xông pha.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản thăng trầm nhiều nỗi. Ông cùng gia đình vẫn một lòng trung trinh với Đảng, với dân. Đi đến đâu, ông cũng cùng gia đình góp sức với cách mạng theo cách của mình, theo tài lực của mình. Ông mang tài thuốc, tài chính phục vụ dân nghèo. Không chỉ làm thuốc, truyền bá những bài thuốc dân gian nhằm nâng cao sức khỏe cho dân, ông còn làm thơ tuyên truyền vận động cách mạng, cổ vũ nhân dân trong vùng nâng cao nhận thức về tình hình thế sự, thời cuộc. Ông làm thơ, người con trai cả của ông là Phùng Đức Luận đóng vai “nhà xuất bản”, nhân bản thơ thành nhiều bản viết tay chuyển tới người dân trong vùng!

Được học hành đào tạo trong khuôn trường (cho dù là nhà nho cuối mùa), quyết nối gót cha ông, chí làm trai của ông có thể sánh ngang các bậc tiền bối:

Ngọn tâm hỏa khác nào nung đúc
Tấc gan vàng nghĩ khúc đường xa
Một đèn với một mình ta
Năm canh nghĩ chuyện đường xa thấy dài.
 
Ơn cù lao hôm mai cúc dục
Tình núi sông một tấc chưa đền
Nhớ khi một sách một đèn
Văn chương, phú lục tập rèn hôm mai.
(Thế sự)

Thơ của tác giả Phùng Đức Hậu không phải “làm thơ”, “chơi thơ”, mà là tiếng lòng để gửi gắm tâm sự của một con người giàu lòng nhân ái, nặng lòng nhân tình thế thái, thương mình, thương người, thương dân.

Thỏa lòng mong đợi của nhân dân, Đảng Cộng sản của giai cấp vô sản đã lãnh đạo dân ta tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Nhưng Chính quyền mới, Nhà nước mới, thù trong giặc ngoài còn lăm le nhòm ngó, dân ta lại đoàn kết xung quanh Đảng, Bác quyết giữ vững thành quả cách mạng. Một cuộc tản cư tiêu thổ kháng chiến (năm 1946, Thủ đô Hà Nội sau 60 ngày đêm chiến đấu đã thực hiện vườn không nhà trống để đánh giặc) đã được phản ánh trong bài Chạy tản cư:

Lòng phẫn uất tinh thần quật khởi
Quyết đấu tranh ý chí hùng cường
Biết bao chiến sĩ can cường
Hy sinh quyết tử moi gan quân thù.
 
Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch
Thế trận này đối địch trường kỳ
Khuyên dân tiêu thổ ra đi
Nước nhà độc lập, quản gì gian nan.

Thuyền bến Thọ, sông Tô thuận đó
Quán Độ Hà, cầu đó làm duyên
“Thọ Xuân Đường” biển treo lên
Tháng ngày vẫn nhớ thuốc men nghề nhà.

Ông và người dân ra đi vẫn một niềm tin: Đợi ngày thắng lợi hồi gia!

Đây là một bài thơ tha thiết yêu thương: yêu cách mạng, yêu Tổ quốc, yêu đời, yêu quần chúng nhân dân. Đây cũng là bài ca hào hùng của những người hiểu rằng chiến đấu là con đường duy nhất để giành được độc lập, tự do, hạnh phúc, vì thế, họ sẵn sàng làm theo “Lời kêu gọi” của Hồ Chủ tịch, không sợ gian khổ, quyết tâm trường kỳ kháng chiến. Đây cũng là tiếng hát tràn ngập niềm tin tưởng, lạc quan của người biết rằng chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ thuộc về quốc gia, dân tộc mình.

Năm 1948, cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn phòng ngự, dân còn đi tản cư, gia đình ông cũng đi tản cư ở thôn Từ Chu, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Mùa đông 1948, ông đã viết bài Kính gửi phụ lão toàn quốc, lúc ấy cậu con trai cả của cụ là Phùng Đức Luận mới mười một tuổi, đã giúp chép tay để gửi đi các nơi. Bài thơ góp phần động viên các phụ lão cả nước mang tài trí của mình cùng toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết đánh giặc:

Vậy các cụ cũng nên săn sóc
Đem tài năng cộng tác đỡ đần
Nêu cao gương mẫu tinh thần
Góp cho đất nước những phần vinh quang.
 
Bảo chỗ tiến dẫn đường chỗ tối
Chữa chỗ nhầm đưa đến chỗ hay
Nước non mong đợi các ngài
Vả nay Chính phủ trọng tài hiền lương.
 
Trên cao cấp thường thường nạp sĩ
Ở hương thôn làm kẻ phụ huynh
Có tài lịch duyệt lão thành
Đứng làm kiểu mẫu đàn anh dân làng.
 
Lòng yêu nước cương cường bất nhượng
Ắt vì dân rửa hận hữu dư
Nước đương đánh đuổi quân thù
Nói suông mà đánh được ư các ngài!
 
Vậy ta phải đem tài cứu nước
Có thực hành mới được an dân.

Hơi thơ như một mạch ngầm bất tận được khơi lên từ suối nguồn giữ nước từ thuở khai thiên lập địa của con Lạc cháu Hồng. Đến giờ đọc lên vẫn hừng hực khí thế, sôi sục nhiệt huyết, truyền động lực yêu nước, đánh giặc đến mọi người.

Năm 1951, sau Hội nghị chỉnh huấn Mặt trận Liên Việt, Liên khu 10 ở Phú Thọ, ông có thơ diễn Nôm tinh thần của Hội nghị chỉnh huấn để gửi tới cán bộ, đảng viên giúp cho họ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Ông chỉ ra những thói thường, ích kỷ, tham lam, không liêm chính của cán bộ và gửi lời căn dặn từ tâm can:

Liêm đính chính chớ làm điều xằng bậy
Lời ỉ eo nghe thấy quần chúng họ phê bình
Ai biếng lười, ai xa xỉ, ai ngông nghênh
Ai tư lợi, tư tình công cán hão.
Đừng đổ tại dân ngu khó bảo
Bởi tại mình làm láo họ không nghe.
Việc động viên, tự động ta đi
Ắt những kẻ phải tùy theo răm rắp
Đừng nghĩ thói buông dùi bỏ nắp
Công việc làm chậm chạp sẽ sui nên
Nói thì ta phải làm liền.
(Hội nghị chỉnh huấn)

Hoặc:

Cần làm việc phải chăm cho kịp
Kiệm ăn tiêu điều tiết cho thừa
Kiệm cần ta phải thi đua
Khoa học kỹ thuật chẳng thua nước nào
 
Liêm tính nết giữ sao cho vẹn
Chẳng tham ô, kẻo thẹn với lòng
Tư tình mượn tính việc công
Lừa trên dối dưới để hòng giàu sang.
 
Nghĩa chữ chính vẻ vang xiết kể
Không thiên tư, tây vị người nào
Ấy là liêm chính giá cao
Nguyên xin các giới đồng bào hiểu cho.
(Cần kiệm liêm chính)

Đất nước đầu sóng ngọn gió, chiến tranh liên miên, trai lớn tòng quân, gái lớn lấy chồng thay chồng đảm đương việc nhà và gánh vác việc nước ở hậu phương. Ông thương cả hai (không phải vì các con trai ông, cả bốn anh đều đứng trong đội ngũ tiên phong: Anh cả Phùng Đức Luận là bộ đội Đoàn 559, anh hai Phùng Đức Hiền là bộ đội tên lửa, anh ba Phùng Đức Đỗ là sĩ quan an ninh, anh út Phùng Đức Đạo là bộ đội đặc công). Thương và ngưỡng mộ tình cảm thủy chung vợ chồng, trung với Đảng hiếu với dân của những cặp vợ chồng xa nhau vì đất nước đang còn chiến tranh, ông viết Tân chinh phụ ngâm nhằm chia sẻ nỗi vất vả, nỗi buồn của người vợ có chồng đi bộ đội xa nhà trong chiến tranh, buồn nhưng không bi lụy.

Người vợ trong Tân chinh phụ ngâm (người vợ có chồng đi chiến đấu thời chống Pháp, chống Mỹ) khi xa chồng được Phùng Đức Hậu khắc họa là hình ảnh đẹp, xứng đáng với tám chữ vàng “Phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ tặng bởi họ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Người vợ ấy biết biến nỗi nhớ nhung trong xa cách thành sức mạnh trong lao động sản xuất, trong bảo vệ quê hương, biết động viên chồng sống vẹn nghĩa trọn tình:

Người chiến sĩ thường hay trọng nghĩa
Khối tình riêng xếp để bên lòng
Chiến trường ra sức vẫy vùng
Đánh tan quân giặc thì lòng mới vui.
 
Thiếp cũng chẳng như ai mất nết
Chàng giao cho công việc gia đình
Sắt son ghi tạc đinh ninh
Mong anh công toại, danh thành như ai.
 
Thiếp dạy con một, hai quân sự
Cùng tập đoàn phụ nữ tham gia
Việc hội xong cả việc nhà
Dạy con hiếu kính mẹ già hẳn hoi.
 
Chàng há phải là người chẳng nghĩ
Vợ trẻ trung con bé mẹ già
Chiến trường bom đạn xông pha
Nhắc cân hai chữ quốc gia vẹn toàn.

Nhờ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo
Cả Bắc Nam lương giáo một lòng
Quyết đánh mạnh, quyết thành công
Đế quốc giãy chết, đường cùng tất nhiên.
 
Lời hiệu triệu tiến lên nam nữ
Hạ quyết tâm diệt lũ tham tàn
Trẻ già cả nước Việt Nam
Con đường duy nhất đánh tan quân thù.
 
Gắng lao động đền bù tàn phá
Cố tăng gia khắp cả mọi người
Đánh cho giặc Mỹ tơi bời
Nước Nam Tổ quốc của người Việt Nam.

Từ một khúc ngâm, tác giả làm đột khởi nên một số nét nổi trội của tâm hồn, tính cách Việt Nam: Vợ chồng thủy chung, tình nghĩa son. Khi đất nước có chiến tranh, họ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình, đặt trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc lên trên hết. Trong lao động dựng xây và chống ngoại xâm, họ - người hậu phương, người tiền tuyến - đã làm nên một nền tảng đời sống tinh thần cao đẹp, một truyền thống văn hóa mang bản sắc Việt Nam.

Trong hình thái xã hội mới buổi đầu, cũng không tránh khỏi những hiện tượng lố lăng đua đòi. Phùng Đức Hậu đã dám chế giễu những hiện tượng nhố nhăng đương thời ấy:

Ướm hỏi cô men xứ sở nào
Thân hình uyển chuyển đẹp làm sao.
Tay trên cánh yến phô màu tuyết
Vế dưới măng tơ khép nhụy đào
Hai quả lựu lê treo phẩm ngọc
Đôi chòm mai liễu rủ bông thao.
Tiếc công nung đúc con người thế
Lại hóa ra đồ để bán rao!
(Tiếc công nung đúc con người thế)

Có thể nói, sở trường của tác giả là viết những bài thơ dài giống như những khúc ngâm: Bần gia oán, Tân chinh phụ ngâm... Có lẽ ông chịu ảnh hưởng nhiều của các thể văn chương trung đại. Ông mượn thể cũ mà diễn tả cái tình mới thật tuyệt, nhuần nhị, mượt mà và đậm chất thơ. Ấy là bình cũ rượu mới để nối từ quá khứ tới hiện tại như một mạch tự nhiên của dòng chảy của lịch sử dân tộc, lịch sử văn chương Việt.

Hòa bình lập lại, hơi thơ của ông mang hơi thở của thời đại mới. Ta bắt gặp những vần thơ ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi Đảng thật sảng khoái:

Bác muôn thần thánh, Bác thiên tài
Trí dũng, mưu cao đến tuyệt vời
Bao độ thuyền đầy qua sóng gió
Bấy lần lái vững vượt trùng khơi
Gậy Tây lại đánh lưng Tây gãy
Súng Mỹ lại nhằm mạng Mỹ toi
Nhân nghĩa, hiếu trung bằng non Thái
Cần kiệm, liêm chính tấm gương soi.
(Ca ngợi Bác Hồ)

Hoặc:

Ngọn cờ yêu nước Đảng ra đời
Chí dũng mưu cao đến tuyệt vời
Mấy độ thuyền đầy qua sóng gió
Bao lần lái vững vượt trùng khơi
Gậy Tây lại đánh lưng Tây gãy
Súng Mỹ lại nhằm mạng Mỹ toi
Nổi tiếng anh hùng trên thế giới
Đảng hơn thần thánh Đảng thiên tài.
(Mừng Đảng)

Nói về thơ của Phùng Đức Hậu, ta không thể không điểm tới những vần thơ ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên giàu đẹp của quê hương đất nước.

Năm 1943, ở Lào về qua chợ Bờ Hòa Bình, ông thả hồn cùng cảnh sắc sơn thủy hữu tình:

Cái bước giang hồ khắp đó đây
Cuộc đời từng trải nghĩ mà hay.
Xiêm, Lào, Lèo, Khạ từng năm cũ
Bờ Bến, Mán Mường lại tới đây.
Thưa thớt trên cao, mây với núi
Rậm rì dưới thấp cỏ cùng cây.
Suối khe khuất khúc người len lỏi
Tạo hóa khen ai khéo đặt bày.
(Chợ Bờ)

Những bài thơ luật Đường của ông niêm luật, âm vần chặt chẽ, cấu tứ chỉn chu sánh ngang các tài thơ Trung đại; đọc lên như một bản hòa âm tuyệt vời, nhìn vào như một bức tranh thủy mặc tao nhã!

Thi phẩm Vãn cảnh chùa Hương ca ngợi cảnh đẹp tuyệt đỉnh của danh lam. Say mê trước vẻ đẹp chốn lâm tuyền, nhà thơ đã phác hoạ bức tranh khung cảnh mang đậm màu Thiền, bộc lộ tấm lòng thành kính với cảnh đẹp của quê hương đất nước:

Lòng thành kính há ai chẳng có
Vẻ sùng tôn hâm mộ nhường bao
Lễ dâng tâm niệm cúi đầu
Chứng minh tế độ đọc câu Di Đà.
 
Lễ Phật xong quay ra ngắm cảnh
Chốn thần tiên Phật Thánh hai hàng
Sư chầu, hổ phục, rồng bay
Thực là đến cả có cây nhiệm màu.

Làm sống dậy từng nét thanh tú của thắng cảnh:

Xa trông thấy thấp cao ngọn núi
Gần bên cầu là suối Kỳ Song
Xuống thuyền Yến Vỹ đi vòng
Nước non lại thấy trập trùng hơn lên.

Sự ngỡ ngàng có phần kinh ngạc về vẻ đẹp chốn nước non kỳ thú:

“Nam Thiên Động” chữ bài đã thấy
Vén thang mây lộng lẫy nguy nga
Bút thần khó tả nên thơ
Hỏi ai xếp đặt bây giờ là đây.
 
Trước bảo tọa hương bay nghi ngút
Trên Phật đài nến đốt sáng choang
Rõ ràng đức tuệ hào quang
Thực là muôn vẻ kỳ quan lạ lùng.

Nhà thơ dẫn ta đi suốt một hành trình sơn thủy của Hương Sơn với những hình ảnh không chỉ đẹp mà còn gợi không khí thiêng liêng của tạo hóa. Tác giả khoác lên cảnh vật linh hồn làm cho nó trở nên phảng phất không khí của thần tiên, Phật thánh mà không xa lánh cõi trần:

Nào cây thóc, đụn tiền sẵn có
Nào còng, chuông, trống, mõ mọi ban
Núi Cô, núi Cậu hai hàng
Thiên hình vạn trạng rõ ràng trời sinh.

Cảnh vật hiện lên thật ngây thơ, đáng yêu. Biện pháp nhân hóa cùng cách liệt kê giàu giá trị tạo hình góp phần thể hiện điều đó.

Tác giả dẫn du khách thăm thú, thưởng ngoạn từng di tích của quần thể Hương Sơn, khơi gợi, lan tỏa lòng yêu thiên nhiên, say mê về đẹp chốn nước non kỳ thú: suối Kỳ Song, Yến Vỹ, chùa đền Trình, núi Gà, núi Xôi, cửa Thiên Trù, chùa Trấn Song, Nam Thiên động, động Tuyết Kình. Nhà thơ phân vân, ngỡ ngàng không biết vẻ đẹp chốn nước non kỳ thú đó là để dành chờ bước chân ai hay vốn dĩ là quà tặng của tạo hóa; nhà thơ cùng du khách đến đây dường như cũng muốn thoát tục để hòa nhập vào vạn vật. Bài thơ thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết nửa trực tiếp nửa gián tiếp qua cách miêu tả. Tình yêu quê hương, đất nước đó hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước. Yêu cảnh đẹp thiên nhiên đất nước thiên phú và khắc ghi lại những cảnh ấy để lưu giữ cho con cháu cũng là một nét đẹp tuyệt vời của thi sĩ.

Quê hương là máu thịt của mỗi con người. Tình yêu quê hương, đất nước chảy qua mỗi thế hệ, thấm trong mỗi con dân đất Việt. Bởi thế, những truyền thống tốt đẹp của cha ông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tới con cháu mai sau. Đọc thơ Phùng Đức Hậu, ta thấy vẻ đẹp lấp lánh của dân tộc hiện ra với đầy đủ các phẩm chất: nhân, đức, trí, dũng, tín, nghĩa. Đồng thời, ta cũng được chiêm ngưỡng bức chân dung tự họa của ông bằng vần điệu.

Xuyên suốt các sáng tác, ta thấy ở ông có cái lý tưởng sống của người quân tử tề gia trị quốc kết hợp cái lẽ sống của dân tộc với lòng nhân ái bao la. Phải chăng, ông đã kết hợp được những tinh túy trong nền giáo dục theo Khổng Tử và những triết lý dân gian của người Việt một cách hài hòa nhuần nhị!

Nối dõi dòng tộc vẻ vang, ông luôn hướng về nguồn cội để tri ân và gia huấn các thế hệ sau. Với tổng hiệp, cụ kính cẩn tôn thờ, tự hào và truyền đời cho con con cháu cháu:

Công đức cao thâm ngã tổ tiên
Thư hương tự sự phả lưu truyền
Phụ sư nhân nghĩa thùy ư hậu
Trung hiếu thanh danh ngưỡng tại tiền
Hộ quốc an dân văn võ tuấn
Tề dân cứu thế dược phù tiên
Hữu sinh khí phách tồn thiên địa
Chi phái hoành hồi tống phát nguyên.
Dịch thơ:
Công đức tổ tiên rất cao sâu
Sách thơm gia phả chép từ lâu
Trung hiếu thanh danh bao thuở trước
Nhân nghĩa bao trùm mãi đời sau
An dân, giúp nước văn võ giỏi
Chữa bệnh thuốc tiên rất nhiệm màu
Hồn thiêng còn mãi cùng trời đất
Chi phái rộng dài một nguồn sâu.
(Phùng Đức Luận dịch)

Với gia đình, ông răn dạy đạo luân lý vô cũng sâu sắc qua bài Gia huấn ca:

Gái thời công hạnh ngôn dung
Trai thời chí khí anh hùng nghĩa nhân.

Lời răn dạy của ông có thể dùng làm gương cho mọi nhà: dạy con từ khi tuổi còn nhỏ đến khi lớn lên, dạy con từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử, hành vi, rèn giũa đến tu tích những phẩm chất làm người, không ngừng hoàn thiện mình để sống đúng đạo làm người, có ích cho gia đình, xã hội. Giáo huấn ca là tâm can, là kỳ vọng của người cha gửi tới con. Từ đó, ta thấy tình phụ tử, công cha “ngất ngưởng” như núi Thái Sơn của ông:

Muốn con khá nên cha phải dạy
Muốn con hay cha mới nói nhiều
Con ơi! Buổi sớm buổi chiều
Phải ghi nhớ lấy những điều cha răn.

Với con gái, ông thương yêu lắm (ông có ba người con gái, người con cả năm nay cũng đã hơn chín mươi xuân), yêu thương mà không nuông chiều, yêu thương mà nghiêm khắc, kỷ luật. Phùng Đức Hậu có lời răn dạy con gái với bài Gia huấn dạy con gái. Ông hình dung cảnh con lớn lên, làm thiên chức của phụ nữ, con xa cha mẹ, xa gia đình thân thuộc để về làm dâu nhà người mà không khỏi xót xa. Vẫn biết tại gia, mình đã dạy con đủ điều nhưng vẫn phải có lời riêng với con gái từ nhỏ để khi con về làm dâu nhà người ta sao cho vẹn tròn phận dâu con, tốt đẹp gia đạo và giữ bền tình thân hai họ cho dù hoàn cảnh có thế nào:

Đạo đàn bà tam tòng tứ đức
Nết hiền hòa trung thực là hơn
Lấy chồng, chồng chết theo con
Tấm thân gửi xác, gửi xương nhà người.
 
Nên nhớ lấy những lời cha dạy
Đi làm dâu học lấy mà suy
Chữ rằng “phu xướng phụ tùy”
Đừng câu “cồng lệnh” làm chi tiếng cười.

Trong những lời gia huấn ấy, ta cảm nhận được một người cha yêu thương con rất mực, lo lắng đủ điều cho con gái mong sao cho con sống phải đạo, làm theo lẽ thường. Ta rất trân trọng những tấc lòng ấy, những lời dạy “khuôn vàng thước ngọc”. Tuy rằng, ngày nay đọc lời gia huấn này, đứng từ góc độ cái nhìn hiện đại, ta thấy đôi chỗ khuôn phép cứng nhắc; âu đó cũng là một dấu ấn của văn hóa thời đại ông sống.

Không chỉ “gia huấn”, ông cũng luôn tự nhìn lại mình để “sửa mình”, “văn, tu, tư” từ những gốc rễ cơ bản là đạo đức, trí tuệ và nghị lực:

Nhớ lời bác mẹ dạy điều nhân
Đức tính thanh cao nhất kiệm cần
Chớ hám hư danh mà chuốc vạ
Đừng tham thực lợi lụy vào thân
Thấy người trung hiếu nên tìm đến
Biết kẻ tà gian chớ ở gần
Học đạo tu thân không phải dễ.
(Tu tỉnh)

Đây lại là một nét phẩm chất đáng quý khác ở ông. Sau này, làm trong Hội Đông y ông luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, Học tập chỉ thị ngành y:

Ban chỉ thị của ngành y
Thừa kế dài lâu chẳng một thì
Công tác tiến hành từng quý một
Hoàn thành tổng kết cả chu kỳ
Tháng ngày thời tiết khi nhanh chậm
Ứng dụng tùy nghi nhất kế nhì
Trị bệnh cứu người là việc báu
Điều hay lẽ phải dạ nên ghi.

Con người Phùng Đức Hậu cũng dí dỏm, hài hước lắm. Đêm chạy Tây, đường trơn trượt ngã, ông viết:

Đêm tối đề phòng tránh giặc Tây
Khi đi, lúc lại lắm trò hay
Xầy vai, méo miệng cha thằng lõ
Trượt cẳng cau mày, bố nó Tây

Và chính con người ấy, con người biết vui buồn với thế thái nhân tình thời cuộc, con người nghĩa khí, vị tha cũng chính là con người hết sức sâu sắc, thâm thúy khi dám nhìn thẳng vào cái điểm yếu của mình, tự phê bình một cách nghiêm khắc:

Ngất ngưởng say sưa - chén bí tì
Ầm ì cũ rích mấy vần thơ.
Văn chương tự đắc không ai kịp
Thang thuốc khoe khoang ít kẻ bì.
Lắm bạc chưa mời, ông đã tới
Ít tiền khệnh khạng,lão chưa đi.
Tỉnh ra mới biết rằng ta hỏng
Như thế thì không đạo đức gì!
(Tự trào)

Phùng Đức Luận họa:

Không rượu thì bia bí tỉ tì
Ngân nga ngật ngưỡng thí thì thi
“Thơ ta” vỗ ngực sành sanh sánh
“Đức tớ” khoa tay bí bỉ bì
Xổ số thua đau tơi tời tới
Học hành cáo ốm đí đỉ đi
Tỉnh ra mới biết hòng hong hỏng
Sửa gấp ngay thôi gí gỉ gì!

Hoặc tự trào cái “hơi ngông” của mình, năm “Lên bô” (1959), ông viết:

Lếu láo mà nay cũng lão thành
Râu mày ra dáng vẻ đàn anh.
Ăn chơi lỗi lạc nhường chưa sỏi
Chữ nghĩa văn chương nhẽ chẳng sành.
Ý chỉ viển vông cùng đạo lý
Tính tình tuổi tác vẫn xuân xanh.
Ngẫm mình liều lĩnh âu là thế
Nhờ được cha ông đức để dành.
(Tự trào)

Sau khi đọc lại bài thơ của cha, người con cả Phùng Đức Luận họa:

Thấm thoắt mà nay đã lão thành
Phong độ vẫn còn gọi là anh.
Giao lưu miền Tây xuyên Vạn tượng
Du lịch hướng bắc đáo Trường thành.
“Đờ-rim” cao tốc, ga còn bốc
“Bâu-inh” ghế víp tới trời xanh.
Ngẫm mình phong độ còn được thế
“Của bền tại người” biết để dành!
Thật là phụ tử xướng họa tài hoa!

Năm Tân Hợi (1971), trước lúc đi xa, ông đã kiểm điểm lại mình với vai trò là con người xã hội, con người gia đình trên tinh thần phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tư duy tích cực, cập nhật hiện đại:

Công ơn Nhà nước bảng vàng son
Bảy chục xuân thu xấp xỉ tròn.
Tuổi thọ đề huề đôi kính lão
Vườn xuân hiếu nghĩa một đàn con.
Thiên thời địa lợi người tư giúp
Khởi tử hồi sinh sức mạnh còn.
Kinh nghiệm còn dài còn phải học
Để mà bảo vệ lấy mầm non.
(Thơ năm Tân Hợi)

Với ông, cuộc đời có thể xem là viên mãn, đúng với kỳ vọng:

Nhân nghĩa vun trồng bồi gốc rễ
Huy hoàng mãi mãi với xuân sau.                       
(Mừng Tết Tân Hợi)

Tác giả Phùng Đức Hậu là cây bút tài hoa, chữ nghĩa giản dị nhưng điêu luyện. Cũng bởi sống giữa nhân dân nên ông rất quen thuộc, nhuần nhuyễn với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Trong các sáng tác của mình, nhà thơ đưa tiếng nói sinh hoạt dân dã, bình dị vào các thể thơ truyền thống của dân tộc một cách tinh tế, sâu sắc. Khi làm thơ chữ Hán và thơ luật Đường, ông lại cảm thụ và diễn đạt thế giới xung quanh giàu nghệ thuật ước lệ - đặc trưng của văn thơ thời trung đại - với tính uyên bác, cách điệu hóa cao độ.

Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng (Chế Lan Viên), những con sóng đời đã không ngừng vỗ vào con thuyền thơ của Phùng Đức Hậu, để nhà thơ viết nên những bài thơ thực hay, thực xúc động về tình người, lẽ đời, thời đại. Là bạn đọc, chúng ta mãi đồng cảm với nỗi niềm của tác giả. Cảm ơn cuộc đời với bao thăng trầm đã hun đúc nên một tài năng thi ca cho Phùng tộc. Con cháu hậu duệ Phùng tộc có quyền tự hào về dòng tộc mình nói chung, tự hào về Phùng Đức Hậu nói riêng. Chúng ta hy vọng và tin tưởng các thế hệ sau của ông không chỉ tiếp bước cha ông mà ngày càng làm rạng rỡ tổ tông.



Lời đề từ cho những sáng tác của Phùng Đức Hậu:
 
PHẢ KÝ THI VỊNH
 
Dịch tự:
 
Công đức cao thâm ngã tổ tiên
Thư hương tự sự phả lưu truyền
Phụ sư nhân nghĩa thùy ư hậu
Trung hiếu thanh danh ngưỡng tại tiền
Hộ quốc an dân văn võ tuấn
Tề dân cứu thế dược phù tiên
Hữu sinh khí phách tồn thiên địa
Chi phái hoành hồi tống phát nguyên.
 

Dịch thơ:
 
Công đức tổ tiên rất cao sâu
Sách thơm gia phả chép từ lâu
Trung hiếu thanh danh bao thuở trước
Nhân nghĩa bao trùm mãi đời sau
An dân, giúp nước văn võ giỏi
Chữa bệnh thuốc tiên rất nhiệm màu
Hồn thiêng còn mãi cùng trời đất
Chi phái rộng dài một nguồn sâu.

 
(Phùng Đức Luận dịch)