THAM LUÂN HỘI THẢO KHOA HỌC
THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI -
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
PHÙNG THẾ TÀI TRONG KẾ HOẠCH MƯU TRÍ CỦA HỒ CHÍ MINH
GIAI ĐOẠN 1940 - 1945
PGS. TS Đỗ Lai Thúy
ThS. Phạm Minh Quân
(Viện Nhân học Văn hóa)
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, dòng họ Phùng đã xuất hiện nhiều nhân vật có đóng góp lớn cho quá trình kiến tạo, phát triển xây dựng và bảo vệ độc lập Tổ quốc. Đặc biệt về khía cạnh quân sự, có thể kể đến những danh tướng lịch sử có nhiều chiến tích vang dội như Đại tướng quân Phùng Lực thời Hùng Duệ Vương thứ XVIII, Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa thời Tiền Lý (544-602), Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (791), Phụ quốc Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu (1191-1241)… Cho đến thời cận đại, Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014) nổi lên như một nhân vật xuất sắc. Ông được biết đến hơn cả với vai trò là người cận vệ đầu tiên thân cận của Hồ Chí Minh và binh nghiệp vẻ vang của mình, với tư cách là Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân (1963-1967) và từng giữ chức vụ Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong vòng 20 năm (1967-1987). Bài viết này, trên cơ sở khảo cứu Hồi ký của ông[1]và nghiên cứu đối sánh với các tư liệu nước ngoài,[2]góp phần nhận diện vị trí của Phùng Thế Tài trong kế hoạch tài tình của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1940-1945 cực kỳ đặc biệt với vận mệnh của Tổ quốc.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm một trận địa ra-đa
Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đứng bên phải Thủ tướng
Nói giai đoạn 1940-1945 đặc biệt đối với vận mệnh Việt Nam ở chỗ, đây là giai đoạn bản lề, quyết định sự thành công trong công cuộc giành độc lập dân tộc. Bởi lẽ, đây là giai đoạn trùng khớp với Đệ nhị Thế chiến đang diễn ra trên toàn thế giới, với những tác động lớn tới Việt Nam bấy giờ. Cụ thể là sau ngày 22 tháng 06 năm 1940, sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn với Đức Quốc xã, chính phủ Vichy được thành lập và thừa kế tiếp quản tất cả các lãnh thổ thuộc địa Pháp quốc hải ngoại, trong đó có Đông Dương. Ngày 5 tháng 9 năm 1940, Nhật Bản thành lập Đông Dương phái đưa quân đồn trú tại Đông Dương. Mục đích chính của Nhật lúc này là cắt đứt một trong những tuyến viện trợ chính của Mỹ cho Trung Quốc trong chiến tranh Trung - Nhật (1937-1945) qua đường cảng Hải Phòng và tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, cũng như độc quyền chiếm nguồn mặt hàng xuất khẩu tại Đông Dương. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật tiến hành đảo chính quân sự nhằm lật đổ và thủ tiêu quyền lực của thực dân Pháp. Giai đoạn 1940-1945 đồng thời cũng là giai đoạn chuẩn bị các điều kiện tiến hành Cách mạng tháng Tám. Cùng với bối cảnh căng thẳng Pháp - Nhật, Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với vấn đề thống nhất ý chí và lực lượng giữa các đảng phái ái quốc, tạo nên một thế song đề lưỡng nan, vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức.
Khi quân Nhật bắt đầu đến Đông Dương năm 1940, Hồ Chí Minh tập trung vào những cơ hội mới có thể cho phép người Việt kháng chiến chống Pháp. Vào cuối năm 1940, ông chuyển đến Vân Nam Trung Quốc, gần với biên giới Việt Nam. “Để giữ bí mật thân phận của mình, ông trở thành một phóng viên Trung Quốc dưới một tên gọi mới, Hồ Chí Minh”. Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh vượt biên giới về Việt Nam và cư trú gần làng Pắc Bó, nơi ông sống trong hang và chú tâm vào việc mở rộng căn cứ. Ông tổ chức cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi Đảng thành lập vào năm 1930 [dưới tên gọi Đảng Cộng sản Đông Dương] và thành lập Việt Minh, hay Việt Nam Độc lập Đồng minh.[3]
Trong Thế chiến thứ Hai, Côn Minh là một trong những địa điểm quan trọng, là cầu nối chiến lược trung chuyển nguyên liệu từ Miến Điện tiếp trợ cho Đồng Minh. Côn Minh cũng là đại bản doanh chỉ huy của phe Đồng Minh, nơi tập hợp lực lượng Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc phối hợp chỉ đạo hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Đơn vị 101 thuộc Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của CIA), chuyên trách đánh lạc hướng và gây gián đoạn hoạt động của quân đội Nhật cũng đóng tại đây. Hồ Chí Minh đã hoạt động tại Côn Minh từ năm 1938 với bí danh Hồ Quang. Vào năm 1940, Hồ Chí Minh lần đầu gặp Phùng Thế Tài, khởi đầu cho quá trình gắn bó và trưởng thành của người cận vệ này bên cạnh vị lãnh tụ Cộng sản.
Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920 tại Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1933, khi mới mười hai tuổi, ông đi theo một người làng làm công nhân hỏa xa sang Côn Minh, Vân Nam kiếm việc làm thuê. Bước ngoặt cuộc đời của Phùng Thế Tài là khi gặp được Vũ Anh, lúc này được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc xây dựng cơ sở trong công nhân lao động người Việt. Được sự dìu dắt và giới thiệu của Vũ Anh, năm 1936 Phùng Thế Tài tham gia Đội thiếu niên dục tài tại Côn Minh, đến năm 1939 chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Do nhiệt thành và can đảm tuổi trẻ, cùng với khả năng sử dụng tiếng Trung Quốc, Phùng Thế Tài được cử làm bảo vệ cho Hồ Chí Minh, khi người từ Moscow về Côn Minh để bắt liên lạc với Cách mạng trong nước tháng 2 năm 1940. Sau tết Nguyên đán năm 1941, Phùng Thế Tài được giao nhiệm vụ hộ tống Hồ Chí Minh đến cột mốc 108 để về nước.
Được sự dặn dò của Hồ Chí Minh, Phùng Thế Tài đã ghi danh theo học khoa Tình báo trường Quân sự Hoàng Phố của quân đội Tưởng Giới Thạch, nhằm tạo cho mình lớp vỏ bọc hoạt động, đồng thời trau dồi nghiệp vụ phản gián nhằm đề phòng các hoạt động theo dõi phá hoại của Việt Nam Quốc dân Đảng:
“Lúc này một ý nghĩa bỗng thoáng qua đầu tôi. Muốn đi lại được tự do, đặc biệt là muốn về nước được dễ dàng, tôi phải tìm cách có được giấy tờ hợp pháp, do đó phải tìm cách tạm làm việc cho nó. Mà trong các cách tạm làm thì chấp nhận làm tình báo cho chúng là tốt nhất. Gặp dịp chúng đang tìm cách tuyển một số Việt kiều vào làm việc cho cơ quan tình báo để chuẩn bị cho việc “Hoa quân nhập Việt” sắp tới, tôi báo cáo với tổ chức ý định của mình và được chấp nhận. Các anh chấp nhận cho tôi đi học lớp quân chính tình báo. Sau lớp học, tôi được chính quyền Tưởng tin cậy, phong cấp thiếu hiệu, ngang với thiếu tá và có đầy đủ giấy tờ đi lại đặc biệt kèm theo.”[4]
Đồng chí Phùng Thế Tài đi bên phải Bác Hồ
Vào tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh quay lại Trung Quốc, di chuyển vào ban đêm để tránh lính Pháp tuần tra. Vào ngày 27 tháng 8, Hồ Chí Minh cùng người dẫn đường Trung Quốc trẻ tuổi đã bị cảnh sát Trung Hoa Dân quốc bắt gần Túc Vinh, một thị trấn buôn bán, nơi ông có thể bắt xe đến Trùng Khánh. Ông mang theo mình một chứng minh thư mang tên Hồ Chí Minh, một phóng viên Trung Quốc hải ngoại. Ông cũng mang theo những giấy tờ chứng minh mình là một đại diện của “chi nhánh Việt Nam của Hội Đồng minh chống Xâm lược” và một thẻ nhà báo quốc tế, đồng thời ông cũng có một hộ chiếu do Quân đoàn 4 Quốc dân Đảng cấp. “Nghi ngờ một người mang rất nhiều giấy tờ giả mạo theo mình ắt hẳn là đặc vụ của Nhật, họ [chính quyền Trung Quốc địa phương] bắt tạm giam ông và người dẫn đường trẻ tuổi.”[5]
Trong vòng năm tháng tiếp theo, Hồ Chí Minh “dành thời gian lao tù trong 18 nhà giam ở 13 huyện khác nhau ở Nam Trung Quốc.” Cuối cùng, vào đầu tháng 2 năm 1943, một tòa án binh Trung Quốc tuyên bố Hồ Chí Minh là tù nhân chính trị; tình trạng của ông được cải thiện, và sau đó rốt cuộc ông cũng được thả. Những sự tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Minh và người Mỹ bắt đầu sớm nhất vào tháng 12 năm 1942, khi đại diện của Việt Minh tiếp cận Đại sứ quán Mỹ để tìm sự giúp đỡ trong việc giải phóng Hồ Chí Minh khỏi nhà tù, nhưng họ không tìm được sự trợ giúp của cả người Mỹ lẫn Pháp quốc Tự do ở Côn Minh, “cả hai đều thấy ông lẫn tổ chức của ông không có ý nghĩa quan trọng cho mục đích của mình.”
Khi quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam vào năm 1941, họ đảm bảo với chính quyền Vichy Pháp là sẽ tôn trọng chủ quyền của Pháp ở các thuộc địa Đông Dương. Dưới sự kiểm soát của chính quyền Vichy, sự quản lý hành chính của người Pháp - được hoàn thiện với lực lượng quân đội “bản địa” - vẫn được duy trì và cho phép tiếp tục quản lý các thuộc địa Đông Dương của Pháp như trước đây. Đối với người Nhật, đây là “phương pháp hiệu quả nhất và tiết kiệm công sức nhất để quản lý ‘thuộc địa’ mới của mình.” Nó không đòi hỏi quân đội Nhật phải đóng nhiều quân và họ có thể phân bổ lực lượng của mình tại những điểm khác quan trọng hơn.[6]
Sự kết hợp này tỏ ra hiệu quả cho đến khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cuối cùng, khi nước Pháp đã được giải phóng, đồng thời Mỹ càn quét trên khắp Thái Bình Dương và tiến gần đến lục địa châu Á. Người Nhật đã từ lâu quan ngại về sự trung thành của thực dân Pháp. Việt Nam đã trở thành một vị trí chiến lược then chốt đối với quân đội Nhật hoạt động ở Trung Quốc và Miến Điện, và người Nhật không được phép để thực dân Pháp như một kẻ thù đằng sau lưng mình. Khi khả năng người Mỹ bắt đầu đổ bộ vào bờ biển Đông Dương trở thành một thực tế, người Nhật lúc này đã phải hành động.
Vào tháng 3 năm 1945, người Nhật thực hiện chiến dịch Meigo (Chiến dịch Trăng Sáng), kế hoạch nhằm thâu tóm toàn bộ Việt Nam nếu cần thiết. “Người Nhật chiếm các trụ sở công quyền, trạm radio, các bưu điện trung tâm, nhà băng và các xí nghiệp chính [của người Pháp]. Họ cũng tấn công lực lượng cảnh sát và bắt giữ người dân cũng như tướng lĩnh Pháp.” Những đơn vị quân Pháp còn sót lại sau cuộc tấn công ban đầu phải mở đường tới biên giới với Trung Quốc. Cuộc “đảo chính” giúp cho người Nhật kiểm soát Việt Nam hoàn toàn. Đông Dương với tư cách thuộc địa của Pháp không còn nữa.
Cuộc chiếm đóng của người Nhật tạo ra một vấn đề nghiêm trọng đối với OSS: mạng lưới đặc vụ nằm vùng Đông Dương mà người Mỹ lệ thuộc vào giờ đã biến mất, cũng như tin tức tình báo về sự hiện diện của người Nhật - đặc biệt là dữ liệu thời tiết và thông tin về mục tiêu có tầm quan trọng tối thượng đối với Không lực 14 của Không quân Mỹ. “Ngay cả những cuộc không kích cũng phải dừng lại, bởi vì chúng ta không hề có báo cáo thời tiết hay thông tin về chuyển động của quân Nhật.”
Vào ngày 10 tháng 3 năm 1945, các đặc vụ OSS ở căn cứ Côn Minh, Trung Quốc nhận được bức điện tín đến từ đặc vụ ở Việt Nam chỉ với mấy từ ngắn ngủi: “Người Nhật đã chiếm hết mọi bưu trạm ở Đông Dương.” Và kể từ đó mất hết mọi liên lạc với Việt Nam. Một trao đổi với Phái đoàn Quân sự Pháp (FMM) ở Côn Minh cho biết, đường dây liên lạc giữa Pháp quốc Tự do và những đặc vụ liên lạc của họ ở Việt Nam cũng đã bặt vô âm tín.[7]Phải mất một thời gian dài chầu chực bên cạnh radio thì những người phụ trách mới hiểu được toàn bộ ảnh hưởng của sự câm lặng này.
Trước tình thế này, Albert C. Wedemeyer, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Trung Quốc, cùng với bộ chỉ huy Hải quân Mỹ đều gửi đến yêu cầu tìm kiếm một liên lạc viên bản địa để phục vụ cho mạng lưới thông tin của mình. “Bản địa nào?” Charles Fenn[8]hỏi. “Chúng ta không hề biết bất kỳ ai có thể tin cậy.” Rồi Fenn bất giác nhớ lại: gần đây ông nghe kể về một phi công người Mỹ tên là Shaw, “người đã được giúp thoát khỏi Đông Dương bởi một người An Nam tên là Hồ, người không đòi hỏi bất kỳ phần thường nào, nhưng yêu cầu được gặp gỡ tướng Chennault.” Yêu cầu này bị từ chối. Chính sách khi đó là không một sĩ quan Mỹ cấp cao nào được phép tiếp xúc với người An Nam, nếu không sẽ gây ra sự khó chịu cho phía Pháp.
Trước đó, vào khoảng tháng 10 năm 1944, trung úy phi công Mỹ tên là Shaw lái chiếc B25 bị quân Nhật bắn rơi xuống khu du kích thuộc xã Đề Thám, Hòa An, Cao Bằng. Nhận thấy đây là một cơ hội tạo lập quan hệ với lực lượng Đồng Minh, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tổ chức giấu viên phi công này vào sâu trong rừng núi, đồng thời lên kế hoạch đưa anh ta sang Vân Nam để trao trả cho phía Mỹ. Người được lựa chọn tháp tùng Hồ Chí Minh và phi công Shaw trong chuyến đi là Phùng Thế Tài. Ông đã nhận định: “Lần đi này Bác có mang theo một phi công Mỹ với mục đích ‘làm quà’ cho viên tướng Sê-nô (Chennault), tư lệnh không quân Đồng Minh đang đóng bản doanh ở Vân Nam. Đây là một nước cờ rất hay của Bác và cũng chỉ có Bác mới đủ trình độ mọi mặt để thực hiện nước cờ này.”[9]Mục đích đằng sau việc trả phi công Mỹ là đề xuất việc hợp tác đánh Nhật với tướng Chennault. Song, kế hoạch này đã bị thất bại do tướng Trần Bảo Xương[10]sau khi tiếp đón Hồ Chí Minh và Phùng Thế Tài ở Tĩnh Tây, đã giành lấy trách nhiệm đưa viên phi công trao trả tận tay người Mỹ. Không những vậy, phía quân Tưởng còn âm mưu một lần nữa bắt Hồ Chí Minh, nhưng Phùng Thế Tài đã cảnh giác phát hiện và nhanh trí lập mưu trốn thoát thành công.
Quay trở lại với OSS, Fenn lần đầu nghe tới cái tên Hồ Chí Minh trong cuộc đối thoại với một người Trung Quốc có tên là “Trần” khi tìm kiếm một đặc vụ người Việt để sử dụng chống lại các mục tiêu của Nhật ở Đông Dương. Trong báo cáo về cuộc đối thoại viết ngày 22 tháng 10 năm 1944, Fenn viết: “Có một người An Nam tên là Hu Tze-ming [cách đọc bằng tiếng Quan thoại] là chỉ huy Hội Đồng minh chống Xâm lược (chống Phát xít) có thể sử dụng được.”
Fenn cũng biết được thông qua một phóng viên tên là Ravenholt, người từng viết một bài báo về Hồ Chí Minh, rằng ông vẫn ở Côn Minh. Văn phòng Thông tin Chiến tranh (OWI) của Mỹ ở Côn Minh cũng đã quen thuộc với Hồ Chí Minh, và ông thường tới đây “để đọc tạp chí Time và bất kỳ báo chí nào khác họ có lúc đó.” Hồ Chí Minh bắt đầu đến thư viện OWI ở Côn Minh vào mùa hè năm 1944. Những người Mỹ ở đó ấn tượng bởi “tiếng Anh, trí tuệ và mối quan tâm sâu sắc đến nỗ lực chiến tranh của phe Đồng Minh của Hồ Chí Minh,” và OWI muốn tuyển ông làm người đưa tin chiến tranh từ San Francisco đến Việt Nam. Nhưng sau đó, “báo cáo OSS cho biết kế hoạch của OWI phải hủy bỏ bởi sự phản đối của lãnh sự Pháp.” Fenn yêu cầu một người kết nối ở OWI để sắp đặt một buổi gặp gỡ với Hồ Chí Minh. Và nó đã được thu xếp vào sáng hôm sau, ngày 17 tháng 3 năm 1945.
Hồ Chí Minh đến đúng giờ, cùng với một người Việt Nam trẻ tuổi hơn tên là Phạm Văn Đồng. Người ta nói Hồ Chí Minh là một “ông cụ,” nhưng trông trẻ hơn so với Fenn mường tượng: “Hồ Chí Minh khoảng hơn 50 tuổi, nhưng mặt của ông không có nếp nhăn, râu và mái tóc mỏng của mới chỉ điểm bạc.” Hồ Chí Minh được đặt cho bí danh là “Lucius,” nhưng Fenn và những người Mỹ khác luôn nhắc tới ông bằng từ “cụ Hồ,” đơn giản chỉ bởi vì họ đều “trẻ hơn” Hồ Chí Minh nhiều.
Khi Hồ Chí Minh nói về Việt Minh, Fenn nhớ rằng ông đã được kể “Việt Minh” là một nhóm cộng sản. Liệu định danh đó có chính xác không? “Một số thành viên của chúng tôi là những người Cộng Sản,” Hồ Chí Minh nói, “và số khác thì không. Người Trung Quốc và người Pháp gọi tất cả chúng tôi, những người không phù hợp với chủ trương của họ, là Cộng sản.” Fenn hỏi, “Liệu ông có chống lại Pháp không?” Hồ Chí Minh đáp, “Hiển nhiên là không. Nhưng thật không may là họ chống lại chúng tôi.”
Fenn hỏi nếu Hồ Chí Minh sẵn lòng hợp tác với người Mỹ, mang theo đài radio và máy phát vào Đông Dương và thu thập thông tin tình báo - đồng thời cứu được thêm nhiều phi công Mỹ nếu có thể. Hồ Chí Minh nói rằng một người phụ trách vô tuyến từ bên ngoài cũng sẽ phải đi cùng; Việt Minh không có ai được đào tạo để đảm nhiệm việc đó. Khi có vẻ như Hồ Chí Minh đã sẵn sàng hợp tác với người Mỹ, Fenn hỏi ông sẽ muốn gì đổi lại.
“Nước Mỹ thừa nhận mặt trận của chúng tôi”. Hồ Chí Minh đáp.
Fenn thoái thác. Hồ Chí Minh nói tiếp: “Vũ khí và đạn dược?”
“Tại sao lại là vũ khí?” Fenn hỏi. Người Việt Nam lúc bấy giờ chưa đối đầu với người Nhật.
“Nhưng khả năng phải đối đầu trực diện là có”. Hồ Chí Minh trả lời. Người Việt Nam không chỉ sẵn lòng hợp tác với riêng người Mỹ, mà ngay cả với người Trung Quốc, và “thậm chí cả người Pháp, nếu họ cho phép.” Hồ Chí Minh đồng ý gặp lại Fenn sau hai ngày. Fenn vẫn cần phải được sự chấp thuận của OSS để hợp tác với Hồ Chí Minh, nhưng ông đã biết Hồ Chí Minh “là người của chúng ta. Nếu Baudelaire cảm thấy đôi cánh của sự điên rồ chạm vào óc của mình, thì sáng hôm đó tôi cảm nhận đôi cánh thiên tài đã chạm vào óc mình.”
Fenn tổ chức cuộc gặp mặt thứ hai với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Phùng Thế Tài vào ngày 20 tháng 3, “tại quán café Đông-Dương trên phố Chin Pi.” Hồ Chí Minh hoài nghi về khả năng hai thành viên GBT[11]người Trung Quốc có thể trà trộn dễ dàng vào người Việt bản xứ. Bởi, người Việt Nam rất cảnh giác với mọi người Trung Quốc, nhưng rồi ông đồng thuận với phương án. Hồ Chí Minh cũng đề xuất rằng ông, hai thành viên GBT, và trang thiết bị radio của họ sẽ được máy bay chuyên chở đến một địa điểm gần biên giới Trung - Việt, cách Côn Minh 300 dặm về hướng Đông Nam. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm được nhiều thời gian. Kể từ đây họ sẽ đi bộ đến căn cứ Việt Minh, một quãng đường 200 dặm vào ban đêm xuyên qua địa hạt Nhật chiếm đóng, để đến làng Kim Long tỉnh Thái Nguyên, phía Tây Bắc Hà Nội nơi Hồ Chí Minh thiết lập cơ sở của mình. Phạm Văn Đồng sẽ ở lại Côn Minh đóng vai trò là liên lạc viên.
Fenn đồng ý sử dụng máy bay như Hồ Chí Minh đề xuất. Ông nói với Hồ Chí Minh rằng ông “đã chuẩn bị sẵn thuốc men và một vài thứ như radio, máy chụp ảnh và trang thiết bị thời tiết, và Mac Sin sẽ dạy cho người của anh cách sử dụng… hiện tại chúng ta sẽ phải để lại vũ khí. Có lẽ sau này chúng ta sẽ thả tiếp tế súng sau.”
“Về việc gặp gỡ Chennault thì sao?” Hồ Chí Minh hỏi.
Tại sao Hồ Chí Minh lại quan tâm hối thúc việc đó? Chennault là người phương Tây mà ông tôn trọng nhất, Hồ Chí Minh nói, và ông muốn được bày tỏ điều đó với vị tướng này. Điều này nghe có vẻ vô hại - cho dù Fenn đã ngờ vực Hồ Chí Minh có một vài mục đích chính trị trong đầu. Lệnh cấm các sĩ quan Mỹ cấp cao tiếp xúc với người An Nam vẫn còn tồn tại, nhưng dường như hiện tại Hồ Chí Minh “là chìa khóa mở ra mọi hoạt động tương lai của chúng ta ở Đông Dương.” Fenn quen Chennault từ ngày vẫn còn làm phóng viên. Ông có thể tự sắp xếp cuộc gặp mặt mà không cần phải qua kênh trung gian lẫn sự cho phép của OSS.
Fenn đặt ra hai điều kiện: Hồ Chí Minh không được phép yêu cầu đòi hỏi Chennault, và thứ nữa là không được bàn chuyện chính trị. Hồ Chí Minh chấp thuận. Sau đó, Fenn, “cá nhân đến gặp Chennault và lý giải tầm quan trọng của việc chiều lòng cụ già này, người không chỉ đã từng cứu một phi công của vị tướng, mà còn có thể giải cứu thêm được nhiều người nữa nếu chúng ta có được sự hợp tác của ông ta trong tương lai.”[12]
Cuộc gặp diễn ra vào ngày 29 tháng 3, tại văn phòng của Chennault, vị tướng ngồi sau một chiếc bàn “to bằng chiếc giường đôi.” Harry Bernard của GBT cũng đến để chứng kiến. Chennault cảm ơn Hồ Chí Minh đã cứu viên phi công, và nói về cách mà Hồ Chí Minh có thể tiếp tục giúp đỡ người Mỹ, điều Hồ Chí Minh nói rằng ông luôn sẵn lòng. Khi cuộc gặp mặt chuẩn bị giải tán, Hồ Chí Minh nói với Chennault rằng ông có một đề nghị nhỏ.
Fenn “hít một hơi sâu.” “Thôi nào, lại chuẩn bị bất ngờ đây,” hiện rõ trên gương mặt của Bernard.
“Tôi có thể có ảnh của ông được không?” Hồ Chí Minh nói, và Fenn “thở phào nhẹ nhõm.” Chennault cho gọi thư ký mang lên “một tập ảnh đen trắng bóng loáng” và mời Hồ Chí Minh chọn. Hồ Chí minh chọn một tấm ảnh và hỏi nếu Chennault có thể ký nó. Chennault viết, “Trân trọng, Claire L. Chennault.” Cuộc gặp gỡ kết thúc. Và nó hiển nhiên khiến Hồ Chí Minh hài lòng.
Những cuộc gặp sau đó của Fenn với Hồ Chí Minh diễn ra trong một căn phòng tầng trên của một cửa tiệm bán nến mà Hồ Chí Minh ở chung với Phạm Văn Đồng. Ở đây ông thông tin vắn tắt cho Hồ Chí Minh về OSS và những yêu cầu thông tin, cụ thể là báo cáo thời tiết, “bởi vì không có chúng thì máy bay chúng tôi không thể bay.” Trong một buổi giải lao uống trà, Hồ Chí Minh hỏi Fenn có thể kiếm cho ông sáu khẩu Colt .45 tự động mới nguyên kiện. “Chuyện nhỏ,” Fenn đáp - “tự cảm thấy mình may mắn vì những yêu cầu chỉ có như vậy.” Fenn lấy sáu khẩu súng .45 từ OSS.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chí Minh từ Côn Minh trở về nước an toàn vào đầu năm 1945, Phùng Thế Tài xung phong được chuyển ra đơn vị chiến đấu. Phùng Thế Tài sau đó được giao phụ trách một tiểu đội đi về hướng Đông Khê, Thất Khê (Lạng Sơn), có nhiệm vụ vừa xây dựng cơ sở, vừa phát triển lực lượng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triêt (trái) với Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Phùng Thế Tài năm 2007
Mặc dù, kết nối radio đã được thiết lập với OSS ở Côn Minh, nhưng Hồ Chí Minh thường gửi những lá thư cho Fenn thông qua liên lạc viên người Việt. Một trong những bức thư đầu tiên được giao đến bởi một người đàn ông nói tiếng Pháp rất tốt, và cập nhật cho Fenn biết về tình trạng của Hồ Chí Minh: người đưa tin nói rằng sau một cuộc đi bộ dài về Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đến căn cứ Pắc Bó trong tình trạng sức khỏe khá yếu:
“Khi đỡ ốm, ông đã mời tất cả lãnh đạo cấp cao đến họp, những người này không phải người của ông, mà là những người ở các đảng khác, những người đã tranh thủ sự vắng mặt của ông để nâng cao uy thế của họ. Hồ Chí Minh nói cho họ biết rằng giờ đây ông đã có sự giúp đỡ của người Mỹ, bao gồm cả Chennault. Ban đầu không một ai tin ông. Rồi ông đưa ra tấm ảnh có chữ ký của Chennault, ‘Trân trọng.’ Sau đó, ông lấy ra những khẩu súng lục tự động [sáu khẩu .45 mà Fenn đã giao cho ông] và tặng mỗi lãnh đạo một khẩu làm quà. Những lãnh đạo trên nghĩ rằng cá nhân Chennault đã gửi những khẩu súng này đến. Sau buổi họp, không còn ai tranh luận về chuyện ai là lãnh đạo tối cao nữa.”[13]
Archimedes Patti - một đặc vụ OSS dày dạn kinh nghiệm ở chiến dịch Ý - người đã đảm nhiệm vị trí chỉ huy OSS phụ trách Đông Dương ở Côn Minh, đã tóm tắt lại tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và Chennault: “Trong đầu Hồ Chí Minh, việc được đón tiếp bởi Chennault vô cùng quan trọng, đồng nghĩa đã nhận được sự chú ý của người Mỹ. Nhưng tấm ảnh được ký tặng hóa ra lại có ý nghĩa quan trọng cốt yếu đối với ông trong vài tháng sau, khi ông cực kỳ cần một bằng chứng xác thực để thuyết phục những người Việt yêu nước hoài nghi rằng ông có sự ủng hộ của người Mỹ. Đó là một ngòi nổ không có căn cứ, nhưng nó lại hiệu nghiệm.”[14]
Sớm sau đó, một tá hàng tiếp trợ của OSS được thả xuống, bao gồm radio, thuốc men và vũ khí. “Theo như Frankie Tan, gói hàng tiếp trợ này tạo ra một chấn động lớn, và uy tín của Hồ Chí Minh tăng vọt lên thêm mười điểm.”
Có thể nói, nhờ mưu lược tài tình của mình, Hồ Chí Minh từ thủ lĩnh của một đảng chính trị trong rất nhiều đảng phái ái quốc ở Việt Nam, vốn không được Mỹ thừa nhận, bị Pháp săn lùng, bị Trung Quốc lảng tránh… trở thành thủ lĩnh không thể bị tranh cãi của một đảng cách mạng tập hợp được tất cả sức mạnh. Thậm chí, bất chấp khác biệt về ý thức hệ, Hồ Chí Minh còn tranh thủ được sự ủng hộ lẫn viện trợ về quân nhu và trang bị từ lực lượng Đồng Minh. Đây là một đóng góp không nhỏ cho khởi đầu trang bị của lực lượng Giải phóng Quân Việt Nam.
Không chỉ cung cấp vũ khí và quân dụng, lực lượng Đồng Minh còn cắt cử đội chuyên gia “Hươu” (Deer Team) nhảy dù xuống nhảy dù xuống căn cứ Việt Minh ở Kim Long (sau này đổi tên thành Tân Trào) vào đầu năm 1945. Chỉ huy của đội này là thiếu tá Alison Kent Thomas. Nhiệm vụ của Thomas là nhằm tổ chức một đội du kích từ 50 đến 100 người. “Ông đã mang theo đủ khí tài vũ khí hạng nhẹ và thuốc nổ để trang bị cho một nhóm như vậy.” Hồ Chí Minh nói với Thomas ông có “ba nghìn người có vũ khí trực chiến.” Thomas quan sát thấy khoảng 200 trong số họ xung quanh căn cứ, “được trang bị súng trường Pháp và một vài khẩu Brens, Stens, Tommy và súng cacbin.” Sau đó ông gửi về Côn Minh yêu cầu sử dụng 100 “lính du kích Việt Minh đã được đào tạo một phần,” đồng thời yêu cầu thêm trang bị bổ sung: “các kiện hàng theo đường trên không thả xuống thêm nhiều vũ khí nữa - một khẩu súng máy tự động, hai khẩu súng cối 60mm, bốn khẩu bazooka, tám khẩu súng máy Bren, hai mươi khẩu súng tiểu liên Thompson, sáu mươi khẩu súng cacbin M-1, bốn khẩu súng trường M-1, hai mươi khẩu súng lục Colt .45 và một vài chiếc ống nhòm.”
Cùng thời điểm, Đội “Hươu” bắt đầu triển khai công việc. Sáu ngày đầu tháng 8 năm 1945 được dành để xây dựng trại tập luyện cùng với người Việt - ba trại lính cho tân binh Việt Minh; một cho OSS, và một nhà kho, bệnh xá, và một trung tâm radio. Và một trường bắn. Trong số 110 lính mới, Đội “Hươu” chọn 40 người triển vọng nhất. Hồ Chí Minh đặt tên cho họ là Bộ Đội Việt-Mỹ. Sự huấn luyện của họ theo các bài tập Mỹ và sử dụng vũ khí Mỹ kéo dài từ ngày 9 đến 15 tháng 8. Vào ngày 10 tháng 8, một đợt hàng tiếp tế thứ ba được thả xuống mang thêm nhiều vũ khí và đạn dược hơn. Chính lực lượng Bộ Đội Việt-Mỹ này trở thành nòng cốt trong trận đánh Thái Nguyên diễn ra ngày 20 - 25 tháng 8 năm 1945 và giành được thắng lợi trước quân Nhật. Đây là tiền đề không nhỏ dẫn đến chiến thắng của Cách mạng tháng Tám.
Sau này, hầu hết các sử gia người Mỹ đều cho rằng đây là một thất bại tình báo của OSS trước sự khôn ngoan, tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh. Nhưng đóng góp không nhỏ tới thành công này, chính là lòng can đảm và trung thành của người cận vệ Phùng Thế Tài đã xoay trở trong những tình huống ngặt nghèo nhất để bảo vệ an toàn tính mạng của vị lãnh tụ dân tộc.