(Thứ ba, 17/12/2024, 06:21 GMT+7)
Trong số những cây bút Việt Nam hiện đại chuyên viết về chiến tranh và người lính, đương nhiên phải kể đến nhà văn Chu Lai. Thành quả văn chương của ông thật vang vọng và sừng sững.
 
Nói đến bất kỳ nhà văn nào, tất yếu phải nói đến tác phẩm của người ấy. Khi viết về một nhà văn, điều quan trọng người viết phải tìm hiểu, phân tích các tác phẩm của nhà văn ấy. Từ đó mới có thể đưa ra những nhận định thật  trúng, thật đúng, thật sâu về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, về sức làm việc, về vốn sống và sự hiểu biết, về cá tính văn chương của nhà văn. Nếu đã làm tốt các nội dung trên, người viết còn đưa ra được những thông tin sâu rộng về cuộc đời, gia đình, bạn bè và những tài năng ngoài văn chương của nhà văn, thì càng tạo được sự tin tưởng và thích thú của người đọc. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), khi viết về nhà văn Chu Lai, tác giả Phùng Văn Khai có lẽ đã làm được điều ấy.
 
Loạt bài “Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương” của tác giả Phùng Văn Khai vừa đoạt Giải A Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 do Báo Quân đội nhân dân phối với các đơn vị tổ chức mặc dù không dài, nhưng đọc lên người đọc vẫn thấy được một cách bao quát tương đối đầy đủ, chính xác, sống động về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Chu Lai.

 
Ngay đầu bài viết, tác giả Phùng Văn Khai đã đưa ra một câu chuyện rất thú vị. Một người lính trong lúc bom đạn ác liệt, được một cô gái giao liên kéo vào một căn hầm. Do căn hầm quá chật chội, người lính buộc phải áp mặt vào bộ ngực nóng hổi của cô gái. Và rồi với sức nóng của cuộc chiến, của bom đạn trên mặt đất, sức nóng của bộ ngực cô gái đã làm cho mái tóc chàng trai… xoăn lại. Để khẳng định câu chuyện trên là có thật, tác giả Phùng Văn Khai còn bồi thêm: “Trên truyền hình, khi kể lại câu chuyện đó, Chu Lai chỉ ngay vào tóc mình và nói rất thật: “Và từ đó, tóc của tôi xoăn đến tận bây giờ””. Rõ ràng, câu chuyện đó ai cũng biết đó là chuyện không có thật, chuyện bịa. Nhưng đó là thời chiến tranh, trai gái thời đó là thế. Trai gái trưởng thành chỉ nhìn nhau, liếc nhau, chứ nắm tay nhau, ôm nhau, tiếp xúc da thịt, đặc biệt là những chỗ nhạy cảm thì ít lắm, hiếm lắm. Mà khi đã được tiếp xúc nhau trong điều kiện vô cùng nóng bức, chật chội, thì cơ thể có thể tạo ra sức nóng đặc biệt khác thường như làm cho… xoăn tóc chẳng hạn. Câu chuyện nghe có vẻ như thật, vui vui, ngộ nghĩnh, thú vị và người ta vẫn có thể chấp nhận được.
 
Dẫn ra câu chuyện này, là tác giả Phùng Văn Khai muốn nói tới tài năng văn chương rất đa dạng của nhà văn Chu Lai. Viết về chiến tranh thì vô cùng ác liệt, dữ dội. Viết về người lính dũng cảm kiên cường nhưng cũng rất lãng mạn, trữ tình. Để có được số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, chắc chắn sự làm việc của nhà văn Chu Lai là vô cùng nghiêm túc và cần mẫn. Tôi rất đồng ý với nhận định của Phùng Văn Khai: “Ông viết lúc nào cũng như võ sĩ lên đài. Những dằn vặt, đau đớn của người lính chiến thực thụ như ông đã lần lượt được gã thợ cày Chu Lai vật lên từng luống xếp hàng ngang dọc rất bắt mắt”. Sức làm việc của Chu Lai là như vậy. Ông làm việc rất nghiêm túc, vất vả, mất sức chứ không hề nhẹ nhàng, nhàn nhã. Nhưng cội nguồn để tạo nên sức làm việc như vậy chính là tài năng, là vốn sống, là sự khác biệt. Thật chính xác khi tác giả Phùng Văn Khai viết: “Để viết được dài, vốn sống của nhà văn phải rất dài, thăm thẳm và khác biệt. Nếu không có sự khác biệt, không thể làm nên một nhà văn. Cái làm người đọc luôn yên tâm ở Chu Lai chính là sự kiên cường, ngạo nghễ, trận đánh nào cũng như trận đánh cuối cùng”.
 
Ai cũng biết, Chu Lai vốn xuất thân là người lính đặc công hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Chính vì thế mà ông hiểu chiến tranh ác liệt và tàn nhẫn đến mức nào. Ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh như làn khói mỏng. Nói thế để biết, ông rất có lợi thế khi viết về chiến tranh và người lính. Có lợi thế nhưng khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, cũng chẳng có ai bắt buộc ông phải viết về chiến tranh và người lính cả. Ông viết trước hết là để đáp ứng yêu cầu của chính mình, là để thỏa mãn cho mình. Tự ông thấy cần phải viết. Phùng Văn Khai đã nhận ra động cơ để nhà văn Chu Lai liên tục cho ra những trang văn viết về chiến tranh và người lính: “Mỗi trang văn của ông đều là trả nợ nghĩa tình nước non, đồng đội, nhất là những người vợ, người mẹ trên đất nước”.


Nhà văn Chu Lai và nhà văn Phùng Văn Khai tại Lễ trao giải cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"
 
Có thể nói, ở bài viết thứ nhất: “Thao thức với phần đời chiến trận” Phùng Văn Khai đã khái quát được tài năng văn chương, sự đa dạng trong cách viết, sự làm việc nghiêm túc, cần mẫn, vốn sống sâu rộng, uyên thâm và động cơ để nhà văn chuyên viết về chiến tranh và người lính.
 
Với bài viết thứ hai: “Tài hoa khắc họa chân dung người lính”, trước hết Phùng Văn Khai đã liệt kê trên 10 tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai, trong đó có khắc họa chân dung người lính. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, khắc họa về chân dung Bộ đội Cụ Hồ thì rất nhiều nhà văn đã làm và số thành công cũng rất lớn. Xin được kể ra một số nhà văn: Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy,… nhưng trong hầu hết các tác phẩm của mình lại chỉ viết về người lính trong chiến tranh và thời hậu chiến, thì nhà văn Chu Lai luôn đứng ở tốp đầu.
 
Bộ đội Cụ Hồ cũng là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhưng trong cách nhìn của mỗi nhà văn lại có những nét rất riêng. Trong văn Chu Lai, chân dung Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa rất đa dạng và sâu sắc. Nhân vật xuất thân là Bộ đội Cụ Hồ, kể cả trong chiến tranh và hậu chiến đều được Chu Lai cho bộc lộ tính cách đến tận cùng và ít nhiều đều hiện nên chất lính trong người. Điều này trong bài viết, Phùng Văn Khai đã nhìn ra: “Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong các tác phẩm của Chu Lai rất đa dạng, phong phú, sâu sắc và có phần gai góc”. Nếu không đọc kỹ hầu hết các tác phẩm của Chu Lai, không phân tích, tìm hiểu sâu về các nhân vật có xuất thân là người lính, thì không dễ gì viết ra được: “Các nhân vật trong tiểu thuyết của Chu Lai đều luôn bộc lộ tính cách đến tận cùng, kể cả sự tráo trở, hèn nhát, cũng đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Chu Lai không chỉ hiểu biết đến tận cùng mà ông còn dám viết ra đến tận cùng những tha hóa, biến chất của con người trong và sau chiến tranh”.
 
Trong mọi thời điểm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hay nói nôm na là việc chăm sóc phần hồn cho người lính là vô cùng quan trọng. Những trang văn, nhất là viết về người lính, mà người lính đọc thấy đồng cảm, thấy thích và hành động theo đúng mục tiêu, lý tưởng quân đội đặt ra, thì đó chính là sự đóng góp rất đáng kể của nhà văn. Nhìn thấy điều này từ nhà văn Chu Lai, Phùng Văn Khai đã viết: “Từ những thế mạnh trong văn chương của ông, hình tượng người chiến sĩ - Bộ đội Cụ Hồ đã hiện hình trung thực và sâu đậm trên các loại hình nghệ thuật, để từ đó ăn sâu bám rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ và nhân dân. Chu Lai là nhà văn có công rất lớn khi thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ trong chiến tranh và cả thời hậu chiến”.


Tác giả Nguyễn Ma Lôi và nhà văn Phùng Văn Khai
 
Văn là người, với nhà văn nào cũng vậy. Sự ảnh hưởng từ tính cách của người viết vào nhân vật mà mình xây dựng, khắc họa, là luôn song hành. Nhà văn Chu Lai từ nhỏ đã sống ở Hà Nội, chất phố phường, chất hào hoa, tinh tế trong ông luôn hiện diện trong đời sống thường ngày và trong những trang văn. Điều này trong các hình tượng Bộ đội Cụ Hồ mà ông khắc họa, lúc đậm, lúc nhạt, nhưng ít nhiều đều có. Ai mà không đồng cảm khi tác giả Phùng Văn Khai đã nhận ra: “Nhà văn Chu Lai trong tất cả các trang văn của ông chất hào hoa của người Thủ đô từ tấm bé, luôn phảng phất như ngọn gió mùa thu thổi mãi. Những trang lẫm liệt nhất, bi tráng nhất thì cái chất hào hoa ấy càng tỏa ngát hương thơm”.
 
Khác với phần nói về tính cách, về tài năng văn chương, đặc biệt trong khắc họa chân dung người lính của nhà văn Chu Lai, trong loạt bài viết của mình, tác giả Phùng Văn Khai còn cho người đọc biết thêm về gia đình, về những tài năng ngoài văn chương và sự đồng hành với người viết trẻ của nhà văn Chu Lai.
 
Thường thì thông tin về gia đình của nhà văn, chủ yếu người đọc biết được là qua phần tự khai, tự viết theo mẫu của nhà văn. Ở trường hợp Chu Lai thì lại khác. Vì rất yêu quý, rất trân trọng văn chương và con người nhà văn Chu Lai mà tác giả Phùng Văn Khai đã tìm hiểu rất sâu kỹ về gia đình nhà văn. Qua bài viết, người đọc thấy được cả bên bố và bên mẹ của nhà văn đều là những gia đình gia giáo, có học hành chữ nghĩa, có vị trí cao trong xã hội. Bố và mẹ nhà văn Chu Lai đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Cụ thân sinh ra Chu Lai cũng là một nhà văn nổi tiếng. Chu Lai có hai người anh ruột hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bản thân ông cũng là bộ đội hoạt động ở nơi mà cái sống chẳng ai dám nói chắc. Vợ Chu Lai cũng là nhà văn và cũng là người chiến sĩ từ chiến trường ra. Nói thế là để phần nào lý giải thêm cho những trang văn của Chu Lai là đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ truyền thống, từ gia đình và từ bản thân nhà văn. Sự tin tưởng của người đọc vào những trang văn của Chu Lai là có cơ sở và niềm tin ấy chắc chắn sẽ được củng cố hơn.
 
Tài năng văn chương thì đã rõ. Nhưng tài năng ngoài văn chương của nhà văn Chu Lai cũng đã được tác giả Phùng Văn Khai chỉ ra và làm rõ thêm. Chẳng hạn như sự xuất hiện của Chu Lai trên truyền hình. Mái tóc xoăn, râu ria ngang tàng, giọng nói sang sảng, ngôn ngữ đôi lúc hơi tự do, thoải mái. Đặc biệt khi nói, gương mặt luôn có biểu cảm rất đúng, rất phù hợp với nội dung mà ông đang thể hiện. Chính vì thế khi nhà văn Chu Lai xuất hiện trên truyền hình, nhất là vào dịp Tết, lượng người xem thường tăng lên gấp bội. Đây là cái tài của Chu Lai mà không phải nhà văn nào cũng có được.


Tác giả Nguyễn Ma Lôi
 
Đối với sự “đồng hành với người viết trẻ”, qua bài viết của Phùng Văn Khai, nhà văn Chu Lai luôn hiện lên là người rất đáng kính, luôn rất chân thành với mọi người và luôn khích lệ những người viết trẻ. Nhà văn Chu Lai là người luôn tạo được cảm hứng rất lớn cho người đọc và người yêu thích viết văn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua những lần tiếp xúc trực tiếp, hoặc khi ông xuất hiện trên truyền hình, rất nhiều người trẻ, trước đó rất ít đọc sách, giờ thì đã tìm đến sách của Chu Lai (và cả của nhiều nhà văn khác nữa) để đọc và cũng nhiều người trẻ yêu viết văn đã bắt đầu tập tành viết. Nhiều người trẻ chưa bao giờ được gặp nhà văn, nhưng luôn lấy ông là tấm gương để noi theo và cũng đã không ít người thành công.
 
Với thế hệ những người ít nhiều đã trải qua thời chống Mỹ, thời gian trôi qua thật chẳng gì có thể nhanh hơn. Mới đó đã gần 50 năm rồi. Thế hệ các nhà văn đã trải qua chiến tranh, viết về chiến tranh và người lính, ngày càng thưa vắng. Sự nghiệp văn chương của các nhà văn thì vẫn còn đó nhưng văn hóa đọc sách dường như càng ngày càng giảm. Cũng đã có nhiều cách được đưa ra để vực dậy văn hóa đọc sách nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn. Loạt bài: “Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương” của tác giả Phùng Văn Khai, là một cách làm, theo tôi rất thiết thực và rất hay. Loạt bài viết không dài nhưng đã làm rất sáng, rất rõ chân dung và sự nghiệp văn chương, phân tích rất trúng, rất sâu về nội dung và nghệ thuật các tác phẩm của nhà văn Chu Lai. Từ bài viết này, số lượng người tìm đọc đến các tác phẩm của nhà văn Chu Lai chắc chắn sẽ tăng lên. Với các nhà văn khác, trước hết là thế hệ các nhà văn đã trải qua thời chống Mỹ, tôi rất mong sẽ có những bài viết sâu sắc như vậy.
 
NGUYỄN MA LÔI / Báo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN