Loạt bài Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương của nhà văn Phùng Văn Khai vừa đoạt Giải A Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 15 do Báo Quân đội nhân dân phối với các đơn vị tổ chức. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết số 1: Nhà văn Chu Lai - Thao thức với phần đời chiến trận.
Trong hành trình vẻ vang của 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), có những người chiến sĩ với chức phận cụ thể của mình đã lặng lẽ góp trí tuệ, công sức, miệt mài để thực hiện một công việc vô cùng khó: Viết ra những trang văn về người lính, trong chiến tranh và hòa bình, trong đạn bom khốc liệt và thời cơ chế thị trường phức tạp.
Những người viết ra những trang văn ấy không chỉ giỏi chữ nghĩa, dày vốn sống mà cái chính yếu là phải có trái tim luôn cùng nhịp đập với người chiến sĩ, với nhân dân, với Tổ quốc trong toàn bộ cuộc đời mình. Chúng ta đã có những nhà văn như vậy, và Chu Lai là một trong số đó.
Cái tên Chu Lai đã quá quen thuộc với bạn đọc. Với ông, tôi càng thân thuộc. Cùng quê xứ nhãn Hưng Yên. Cùng cơ quan là Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng ở đất Long Biên, đi bộ mươi phút đã tới căn hộ lộng gió của ông nơi đầu cầu Long Biên cổ kính. Tinh sương đi làm, tôi đã thấy ông một mình đạp xe rèn luyện ở tuổi 80. Chu Lai sôi động là thế bỗng đột nhiên trầm mặc dù đang đi chiếc xe đua nam tính trên đường đê phơ phất cỏ bông lau. Tôi đi chậm phía sau ngắm ông một quãng dài càng thấy rõ rệt người lính chiến phía trước mình nổi hằn lên như một tượng đài chuyển động khi bình minh he hé mặt đê sông Hồng xôn xao gió sớm. Quả thực Chu Lai đã là một tượng đài văn chương, những tác phẩm của nhà văn Chu Lai viết về người lính đến với bạn đọc gần nửa thế kỷ kể từ dấu mốc ông viết Nắng đồng bằng (1978). Kể từ đó, Chu Lai một mạch từng dòng, từng trang, từng cuốn sách nhất loạt đều hướng về người lính và chiến tranh cách mạng.
Tôi luôn có cảm giác Chu Lai khi ngồi vào bàn viết là nhập vào một trận đánh khốc liệt mà ở đó không chỉ sinh tử trùng trùng, chín chết một sống mà còn có sự lãng mạn đến lạ kỳ. Tôi nhớ một chi tiết, một nhân vật của ông hoặc là chính ông, giữa đạn bom mịt mùng xối xả, người lính bỗng được một nữ giao liên kéo ào xuống hầm trú ẩn và do quá chật chội đã vít chặt anh vào bộ ngực nóng hổi của mình. Bom đạn ngớt đi, người lính lúng túng mãi mới rời được khoang hầm chật chội. Sức nóng của bộ ngực người con gái dường như hơn cả bom đạn chiến tranh, đến mức tóc tai xoăn tít khiến chàng trai ngơ ngẩn. Trên truyền hình khi kể lại câu chuyện đó, Chu Lai chỉ ngay vào tóc mình nói rất thật: “Và từ đó, tóc của tôi xoăn đến tận bây giờ”.
Chiến tranh trong các tác phẩm văn chương của Chu Lai rất hấp dẫn từ những chi tiết vô cùng lãng mạn như vậy.
Tiểu thuyết "Nắng đồng bằng" của nhà văn Chu Lai
Nhà văn Chu Lai, khi tôi nói ông là một tượng đài văn chương trước tiên và trước hết chính là sự lao động nghệ thuật đến tận cùng của ông. Cầm bút viết về chiến tranh là được đi đến tận cùng. Nói như Chu Lai: “Bước vào chiến tranh, con người ta bộc lộ tất cả tính cách. Chiến tranh giống như một loại dung dịch đặc biệt khiến cho tất cả những gì chạm tới đều phải lên hết màu, hết nét, từ sự giả dối thấp hèn đến sự cao thượng, thánh thiện. Chính vì thế, trong chiến tranh, các số phận nhân vật có quyền đẩy lên tận cùng của mọi buồn vui”.
Tôi từ lúc gặp nhà văn Chu Lai (1995) đến nay dường như vẫn thấy ông không có gì thay đổi. Ông không mấy già đi và dường như càng không viết ít đi. Tập sách này vừa ra đời, bản thảo khác đã thập thò nơi nhà xuất bản. Toàn tiểu thuyết “cục gạch” khiến văn giới trầm trồ. Ông viết lúc nào cũng như võ sĩ lên đài. Những dằn vặt đau đớn của người lính chiến thực thụ như ông đã lần lượt được gã thợ cày Chu Lai vật lên từng luống xếp hàng ngang dọc rất bắt mắt. Viết như Chu Lai đúng là hạng “thợ đấu” ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi vốn được gọi vui là “Thiếu lâm tự” của nền văn học với những Hồ Phương, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Hữu Mai... mà số trang văn của các ông phải dùng thước mét ra đo. Âu cũng là để thế hệ lớp sau như Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy và đương nhiên là Chu Lai nhìn vào đó để tự răn mình.
Để viết được dài, vốn sống của nhà văn phải rất dài, thăm thẳm và khác biệt. Nếu không có sự khác biệt, không thể làm nên một nhà văn. Cái làm người đọc luôn yên tâm ở Chu Lai chính là sự kiên cường, ngạo nghễ, trận đánh nào cũng như trận đánh cuối cùng. Ở đó, Chu Lai vừa là chỉ huy trưởng, vừa kiêm bộc phá cửa mở, đại liên yểm trợ, lưỡi lê cận chiến hết sức dũng mãnh trên cánh đồng chữ nghĩa phơi đầy xương máu mà kẻ yếu bóng vía nhìn vào chắc không nhấc nổi ngọn bút. Như trường hợp tiểu thuyết Mưa đỏ đoạt “giải kép” của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Quốc phòng gần đây vẫn cho thấy Chu Lai công lực còn dồi dào lắm, nhất là những pha cận chiến trên chiến trường bao nhiêu nhà văn đã viết nhưng cứ phải đến Chu Lai mới thực sự ác chiến, thực sự ám ảnh người đọc.
Tiểu thuyết "Sông xa" của nhà văn Chu Lai
Chu Lai có những đóng góp hết sức thiết thực cho mảng văn học chiến tranh và người lính. Đất nước Việt Nam ta từ xa xưa đã phải trầm luân trong các cuộc chiến tranh mà cuộc nào cũng mất mát, hy sinh không kể xiết. Đất nước hàng triệu người đã hy sinh cũng là hàng triệu bà mẹ, người vợ trở thành cô nhi quả phụ từ khi còn rất trẻ, có người còn chưa thuộc hơi chồng luôn là một đớn đau khủng khiếp dằng dặc đã khiến ngòi bút Chu Lai phải hướng tới. Văn mạch Chu Lai là viết về chiến tranh. Mỗi trang văn của ông đều là trả nợ nghĩa tình nước non, đồng đội, nhất là những người vợ, người mẹ trên đất nước. Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau vô cùng khốc liệt. Với nhà văn, sống ở thời bình đã không dễ, đương nhiên bước qua chiến tranh như Chu Lai là phải đi hết nhưng thử thách thật không dễ gọi ra. Như sự mất mát, hy sinh của nhân dân làm sao có thể gọi hết ra? Nhân dân đã trải qua bao nhiêu cơ cực, mất mát, đau thương với hàng triệu tính mạng bị chiến tranh lấy đi, cả vật chất và tinh thần để đi từ người nô lệ đến ngày thống nhất đất nước, đến cuộc sống hôm nay bút giấy nào viết hết? Thế hệ tôi khác thế hệ ông, nhưng chắc chắn, người nào cũng có đích của riêng mình, để đến, để ngập ngừng hay mạnh dạn bước vào, đi hết hay nửa chừng chao đảo, gục ngã, thối lui, rẽ ngang rẽ dọc và sau rốt đánh bóng mạ kền cho mình bằng những mỹ từ có sẵn.
Chu Lai luôn cho chúng tôi những suy nghĩ như thế.
Đó cũng là cách Chu Lai cống hiến trí tuệ và niềm tin của mình để viết nên những tượng đài chiến sĩ.
Chu Lai luôn cho chúng tôi niềm tin và lẽ sống từ những tượng đài chiến sĩ trong văn học ở các tác phẩm của ông. Chính bản thân ông, cứ vẻ ngoài mạnh mẽ có phần bặm trợn, ăn nói oang oang từ chuyện yêu đương ở phố phường tới chuyện lớn quốc gia trên sóng truyền hình, trả lời báo chí rất hút độc giả nhưng bên trong Chu Lai là thẳm sâu những nỗi niềm còn nhiều điều mọi người chưa biết. Đó chẳng phải ông cố tình tạo ra sự bí ẩn. Càng không phải Chu Lai muốn sắp đặt cuộc đời hấp dẫn như trong phim, mặc dù ông vốn là một bậc thầy về kịch bản phim và từ trẻ đã được đào tạo là diễn viên kịch nói.
Nhà văn Chu Lai và nhà văn Phùng Văn Khai tại Lễ trao giải cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"
Nhà văn Chu Lai là người luôn hiểu chính mình. Ông rất hiểu đường văn thăm thẳm đường đời muôn nỗi truân chuyên, nhất là đối với người chiến sĩ luôn đặt trên vai mình là nhân dân và Tổ quốc thì trách nhiệm càng nặng nề và những bước thực hành càng phải hết sức căn cơ. Người chiến sĩ đối với Chu Lai giống như nguồn sống, nguồn năng lượng không bao giờ cạn để ông xây đắp hình tượng chính họ. Đó vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là lẽ sống của Chu Lai đã được thể hiện ăm ắp trong các trang văn về người lính và chiến tranh cách mạng của ông.
Ít ai biết ngày nhập ngũ, Chu Lai là một thư sinh gầy gò, có phần nhút nhát và ít nói. Vậy mà ông trở thành chiến sĩ đặc công tiến thẳng nơi chiến trường ác liệt miền Đông Nam bộ chiến đấu giữa bưng biền với vô vàn trận đánh ác liệt cho tới ngày toàn thắng. Chính từ nơi bom đạn đó đã hình thành và trưởng thành một Chu Lai dữ dội và dịu êm cũng rất khác người. Ông từng tâm sự về nghề viết: “Nếu viết về chiến tranh mà chỉ là những trận đánh kinh hoàng và chết chóc thì sẽ không ai đọc cả. Vì vậy, phải có nguyên lý sáng tạo như sau: Viết về đề tài nào cũng được, nhưng nếu không có một nền tình yêu chắc chắn thì cuốn sách ấy đổ. Dĩ nhiên tình yêu trong chiến tranh có đặc thù riêng. Trong chiến tranh, tình yêu mạnh hơn bình thường gấp nghìn lần, bởi đó là yêu một lần cho mãi mãi, yêu để chết, thậm chí chưa kịp yêu đã chết”.
Với nhà văn Chu Lai, thế hệ chúng tôi cũng còn có rất nhiều điều phải học tập từ ông, cũng có rất nhiều điều muốn trao đổi với ông là như thế.
NHÀ VĂN PHÙNG VĂN KHAI