(Thứ sáu, 27/11/2020, 09:57 GMT+7)

THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI
VỚI TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh

 
   Cùng với trọng trách trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đánh thắng chiến tranh leo thang của đế  quốc Mỹ ra miền Bắc mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không, Phùng Thế Tài còn là một trong những người trực tiếp nhận mệnh lệnh và tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
   Như chúng ta đã biết, tháng 7 năm 1960, tiểu đoàn 603 vận tải biển chi viện cho miền Nam trực thuộc Đoàn 559 được thành lập. Đêm 27 tháng 1 năm 1960 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ cảng Gianh mang 5 tấn vũ khí vào chi viện cho Liên Khu 5. Chuyến đi không thành công, vũ khí phải thả xuống biển, cả 6 thủy thủ bị bắt, địch tra tấn dã man, nhưng vẫn một mực không khai, bảo đảm bí mật cho phương thức vận chuyển trên biển.Tháng 4 năm 1960 Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Tiểu đoàn 603 và giao nhiệm vụ chi viện bằng đường biển cho Hải Quân.
   Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày cànglớn. Đường dây 559 còn gặp nhiều khó khăn, do tuyến phía đông bị lộ, địch tìm mọi cách ngăn chặn, phải lật cánh sang phía Tây Trường Sơn. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ  đoàn 125 Hải quân và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, một biểu tượng sáng ngời về tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, một quyết định chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.


Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí trên Đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam

   Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông trong Chiến tranh Việt Nam, để vận chuyển vũ khí, cán bộ từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”, một “kỳ tích” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạtđộng bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; hướng tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địchngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của Nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường.
   Có những lúc vô cùng khó khăn, tưởng chừng khó vượt qua. Sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên - tháng 2 năm 1965) con tàu 143 chở vũ khí vào bị Hải Quân nguỵ phát hiện vây ráp, các chiến sỹ đã phá hủy tàu; chúng cho người nhái lặn xuống lấy được tài liệu, yếu tố bí mật bất ngờ không còn nữa. Địch cho tàu chiến phong toả, ngăn chặn bao vây, kiểm soát gắt gao. Đại tướng VõNguyên Giáp - Bí thư quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị “Ngừng ngay việc vận chuyển, kiểm điểm rút kinh nghiệm, tìm phương thức vận chuyển mới”.
   Từ năm 1965 việc vận chuyển chi viện bằng đường biển được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu đề ra phương án đi xa bờ, xác định vị trí tàu bằng thiên văn; gặp rấtnhiều khó khăn, nhưng đoàn Tàu không số vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.
   Ngày 11 tháng 8 năm 1967, đúng lúc giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đánh sập cầu Long Biên, công việc khẩn trương, quyết liệt cũng là lúc Tư lệnh PK - KQ Phùng Thế Tài nhận quyết định điều động lên làm Phó Tổng Tham mưu trưởng. Trong buổi làm việc đầu tiên với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, ông đã được giao trọng trách đẩy mạnh hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài được phân công phụ trách: Phòng không - Không quân, Đoàn 559, Hải quân kiêm phụ trách hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí đã thấy rõ trọng trách mới, trước yêu cầu chiến trường miền Nam đang rất cần vũ khí đạn dược.
   Ngay sau khi rời phòng làm việccủa Tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài lập tức trở về Quân chủng Phòng không - Không quân bàn giao công việc với đồng chí Đặng Tính - Chính ủy cũng vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng nhanh gọn. Ngay sáng hôm sau Phó Tổng tham mưu trưởng đã có mặt ở Hải Phòng để làm việc với Tư lệnh Quân chủng Hải quân - Đại tá Nguyễn Bá Phát.


Bác Hồ đứng giữa hai đồng chí Nguyễn Bá Phát (trái) và Phùng Thế Tài tại Lễ tuyên dương Hải quân Việt Nam
đánh thắng trận đầu ngày 5/8/1964

   Trên đường xuống Hải Phòng, lời Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng như vẫn còn văng vẳng: “Lúc này tuyến vận tảitrên biển có một giá trị đặc biệt quan trọng để chi viện cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Bác Hồ rất quan tâmvà có gợi ý giao thêm việc này cho chú Tài”. Nói rồi Tổng Tham mưu trưởng lại vỗ vai thân mật: “Cậu là người đầu tiên vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chí Minh, bây giờ lại được giao nhiệm vụ cùng anh em thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là đúng quá còn gì”. Thời gian và nhiệm vụ dồn lên đôi vai sức vóc của vị Phó tổng Tham mưu trưởng. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt sự nỗ lực, thông minh, tài chí của bộ đội Hải quân, những đoàntàu không số nối tiếp nhau lặng lẽ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miềnNam theo phương án mới. Ơi miền Nam ruột thịt, Bác Hồ từng day dứt: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Chiến trường miền Nam đêm ngày không ngừng vang lên tiếng súng. Đánh hơi thấy việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển của ta theo cách đi xa bờ, lẫn vào dòng tàu buôn trên đường biển quốc tế, Mỹ ngụy điên cuồng tìm trăm phương nghìn kế để ngăn cản sự chi viện của miền Bắc. Những cuộc đấu trí căng thẳng trên biển diễn ra, đã có những tổn thất, hy sinh nhưng quyết tâm của ta không hề thay đổi. Đường Hồ Chí Minh trên biển ngay từ những chuyến chi viện đầu tiên đã là một huyền thoại. Các con tàu không số tiếp tục chi viện vũ khí, thuốc men vào chiến trường ven biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ cho đến năm 1972. Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Ngày mồng 3 Tết Mậu Thân, tôi vừa cùng với vợ con về quê lên, thì được điện của anh Văn Tiến Dũng gọi lên gặp ở Nhà Rồng có việc gấp.
   Trên bàn làm việc của anh có nhiều mứt, bánh, kẹo. Anh rót nước mời tôi và nói: - Cậu thu xếp xuống ngay Hải Phòng, bàn với anh Phát dốc toàn lực chi viện cho miền Nam. Trong đó đang đánh lớn. Chậm nhất mồng 6, mồng 7 Tết, các tàu phải xuất phát. Vũ khí lần này, chú ý mang nhiều B40, B41. Ngay tối hôm đó, tôi có mặt ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Có thể nói không khí ở đây đang như ngày hội, nhất là ở Phòng tác chiến và Phòng Hậu cần Kỹ thuật. Tin chiến thắng từ miền Nam đang thôi thúc cán bộ, chiến sĩ hải quân làm việc gấp mười thường ngày. Đâu đâu cũng nghe vang lên bài hát phổ thơ Xuân 1968 của Bác Hồ:

“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.

   Tất cả đang khẩn trương chuẩn bị cho một loạt tàu rời bến trong vài ngày tới. Trong đó có chuyến tàu C235 do Phan Vinh làm thuyền trưởng xuất phát từ bến Đồ Sơn làm tôi nhớ mãi cho đến hôm nay.
   Đó là đêm mồng 6 tháng 2 năm 1968, đúng mồng 7 Tết Mậu Thân, trời mưa phùn và gió rét căm căm, tôi cùng anh Nguyễn Bá Phát ra tận tàu C235 tiễn các chiến sĩ lên đường. Tôi là người chịu rét khá bởi có nhiều năm sống ở Trung Quốc, lại là người có sức khỏe, chưa đến tuổi năm mươi, mà đêm hôm đó vẫn run lên cầm cập trong chiếc áo khoác dạ anh Văn Tiến Dũng cho mượn tạm, khi ở phòng làm việc của anh xuống thẳng Hải Phòng. Có lẽ phải vài chục năm mới có đợt rét đậm như đợt rét năm 1968 ấy. Thế mà các chiến sĩ ta vẫn băng băng xuống tàu ra khơi. Tôi nhìn các chiến sĩ nối tiếp nhau xuống tàu lên đường ra biển Đông giữa đêm tối mênh mông gió lạnh mà lòng tràn đầy xúc động. Một chuyến đi như thế, một chuyến đi xa hàng nghìn cây số, vào nơi sinh tử mà trên bến không có một chiến sĩ nào có người tiễn đưa. Họ ra đi thầm lặng và có thể sẽ hy sinh thầm lặng.


"Tàu không số" được tái hiện sinh động trong bộ phim "Đường Hồ Chí Minh trên biển" do Hãng phim Giải phóng
sản xuất và phát sóng năm 2011

   Đứng trên cầu cảng Đồ Sơn năm ấy, tôi và anh Phát bắt tay từng chiến sĩ, ôm chặt anh em vào lòng mà không ngăn được nước mắt. Dạo đó, không ai biết đó là một cầu cảng bí mật và hàng nghìn chiến sĩ hải quân đã ra đi trên những chuyến tàu không số ở đây.
   Ngày nay ở đó, một tượng đài khá bề thế đã được dựng lên với tấm biển ghi rõ: “Bến tàu Không số - Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu “Không số” là kỳ tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”.
   Khu tượng đài “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, sẽ là sự nhắc nhở đối với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải sống như thế nào để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông ngày xưa, đặc biệt là sự hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc mà tiêu biểu là các chiến sĩ trên những con tàu không số huyền thoại.”
   Với cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 - Quân chủng Hải quân, năm 1993 nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Trung đoàn, tôi cùng tập thể lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đã tổ chức cuộc gặp mặt trao đổi với các thế hệ cán bộ chỉ huy Trung đoàn tham gia xây dựng Cầu tàu Đồ Sơn, kilô mét 0 - Đường Hồ Chí Minh trênbiển do Trung đoàn Công binh 83 xây dựng. Một đoàn cán bộ trung đoàn cả cũ và mới rathăm lại cầu tàu Đồ Sơn, chụp ảnh những cọc bê tông còn lại. Sau đó đã có công văn và làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, đề nghị xây dựng khu Di tích lịch sử cầu tàu Đồ Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên biển, từ đó dự án được triển khai xây dựng và đã hoàn thành như hiện nay.
   Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức, cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong những năm tháng đầy khó khăn gian khổ nguy hiểm hy sinh, các con tàu không số đã chuyển vào Nam hàng nghìn tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cập các bến đã chuẩn bị trong đó điểm tận cùng là tỉnh Cà Mau. Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc ngay từ thời kỳ đầu tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng. Công việc vận chuyển vũ khí và đưa người vào chiến trường Nam Bộ tuy số lượng chưa nhiều, nhưng bảo đảm kịp thời trong giai đoạn cấp bách ấy có ý nghĩa rất lớn. Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại, năm 1963 đoàn cán bộ Quân khu 3 gần 200 người vào tăng cường cho Quân khu 9, từ Đại uý trở lên đi đường biển trên tàu không số, bảy ngày là đến nơi, từ thượng uý trở xuống đi theo đường Trường Sơn, bảy tháng mới đến Cà Mau. Sựchi viện bằng đường biển do Hải quân thực hiện đã góp phần quan trọng giúp quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển lực lượng vũ trang, tạo được thế mới, lực mới, đánh thắng địch nhiều trận, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Thành công của những chuyến chi viện vũ khí, thuốc men, cán bộ đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã,… Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển, đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam,góp phần tạo nênsức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch.
   Sau này, khi đánh giá về tuyến đường chiến lược, Thượng tướng Phùng Thế Tài đã có lần nhấn mạnh, đại ý: “Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc; phương pháp vận chuyển “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới. Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ đã xuất phát từ nhiều bến đi và cập nhiều bến đến; hướng tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của Nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sángtạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường. Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù; nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam”.


Các thế hệ người Việt luôn kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

   Thượng tướng Phùng Thế Tài đã có những đóng góp thiết thực cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong lúc khó khăn cấp thiết. Thế hệ chúng tôi được vinh dự kế cận thế hệ đi trước tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trực tiếp cầm súng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt càng khâm phục ý chí và quyết tâm, sự sáng tạo tuyệt vời của lớp cha anh đi trước trong đó có những vị tướng như Phùng Thế Tài. Tôi đang là giáo viên dạy tại trường cấp hai Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã xung phong lên đường nhập ngũ vào chiến trường tháng 8 năm 1970. Ở Trường Sơn những năm đó, giặc Mỹ đánh phá hết sức ác liệt và chúng tôi đã nếm mùi B52 rải thảm xuống các trọng điểm. Làm công tác khảo sát, thi công, bảo vệ các tuyến đường Trường Sơn nơi Trung, Hạ Lào ở các binh trạm 32, Trung đoàn công binh 30, Phòng Tham mưu công binh sư đoàn 472, Trung đoàn công binh 34, Trung đoàn công binh 576, Phòng Tham mưu - sư đoàn 565, bộ đội công binh ngày đêm phải giáp mặt với bom đạn kẻ thù đã tôi luyện cho chúng tôi bản lĩnh sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Khi quân và dân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không mà tướng Phùng Thế Tài là một trong những vị chỉ huy trực tiếp đã cho chúng tôi niềm tin vô cùng to lớn vào ngày toàn thắng. Đúng như lời Bác Hồ tiên đoán: “Mỹ nhất định sẽ thua nhưng chỉ thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Đó quả là sự tiên đoán thần kỳ mà những học trò xuất sắc của Báctrong đó có vị tướng Phùng Thế Tài đã kiên trì, quả cảm, sáng tạo, trítuệ lập nên. Sau khi ký hiệp định Pa ri, tháng 3 năm 1973, Đại tá Đặng Tính - nguyên Chính uỷ Quân chủng Phòng Không - Không Quân, Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn dẫn đầu đoàn cán bộ vào thăm bộ đội, thị sát để chuẩn bị cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tây Trường Sơn, đoàn dừng chân tại Sở chỉ huy Sư đoàn 472. Được nghe đồng chí nói chuyện, trong đó có nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, có nói nhiều về bộ đội Phòng Không - Không quân, về sự điều hành; Tổng hành dinh, Bộ Tổng tham mưu, trong đó có vai trò của Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, chúng tôi biết nhiều hơn về ông và thêm khâm phục ông.
   Sau này, khi về công tác tại Trung đoàn công binh 83 Quân chủng Hải quân, trên cương vị Trung đoàn trưởng, chúng tôi đã luôn nhớ lời Bác Hồ dạy, noi gương các thế hệ đi trước khẩn trương xây dựng công trình trên các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa trước sự uy hiếp nghiêm trọng của các tàu chiến Trung Quốc. Những lúc khó khăn, căng thẳng nhất, chúng tôi luôn đoàn kết thống nhất, tuyệt đối giữ niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ và những vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Phùng Thế Tài… Chính các vị tướng đại diện cho ý chí và trí tuệ Việt Nam đã cho người chiến sĩ chúngtôi thêm sức mạnh để làm tròn nhiệm vụ được giao, xây dựng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 hoàn thành đặc biệt xuất sắc mọi nhiệm vụ, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai. Đây cũng là bài học lớn mà mỗi người chiến sĩ rút ra để tự học tập, trưởng thành.
   Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2020), nhìn nhận lại những đóng góp của cuộc đời vị tướng trong đó có đóng góp khi chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các hoạt động của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta càng thêm kính trọng và mến yêu vị tướng họ Phùng - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.