(Thứ hai, 22/04/2024, 01:28 GMT+7)

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 2016, tại Khu Di tích Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; UBND huyện Ba Vì; Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp tổ chức chính là một dấu mốc quan trọng khẳng định thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu, người có phần Lăng mộ đặt tại Đền Cao - Tây Đằng. Đây cũng là địa chỉ văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện.


Nhà văn Phùng Văn Khai phát biểu thông qua chương trình thực hiện Hội thảo khoa học và tập sách
"Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp"

Hội thảo khoa học trên đã đặt ra những việc cần thực hiện trước mắt và lâu dài để tri ân bậc tiền nhân - vị Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu. Các thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam, nhất là các cành nhánh họ Phùng ở thị trấn Tây Đằng, xã Chu Minh - huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, đều mong muốn được trùng tu tôn tạo Khu Lăng mộ của đức ngài khang trang hơn, quy củ hơn để tiện việc dâng hương thờ phụng, cũng là góp phần xác lập địa chỉ văn hóa lịch sử, khu tới chiêm bái, thưởng ngoạn, kính ngưỡng của thế hệ trẻ với với vị danh thần có công với hai vương triều Lý - Trần.

Mảnh đất Ba Vì thiêng liêng với rất nhiều danh lam thắng cảnh mà tiêu biểu là núi tổ Ba Vì thờ đức Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ca dao từng có câu Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn đã cho thấy vị trí tối linh của núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh mà thân rồng chạy suốt tới phương Nam chính là dãy Trường Sơn hùng vĩ.


Khu Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu đã có từ gần 800 năm, được con cháu họ Phùng các thế hệ dâng hương đầy đủ

Thị trấn Tây Đằng có đình Tây Đằng, là một Di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng năm 2013 cũng là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu tứ bất tử trong thần điện Việt Nam được nhân dân suy tôn là Nam Thiên Thánh Tổ, được các triều vua sắc phong là Thượng đẳng tứ linh thần. Đình Tây Đằng có tới trên 1.300 họa tiết, được chạm khắc hết sức tinh xảo, tài hoa. Ngôi đình ngót 500 tuổi chính là một di sản kiến trúc văn hóa còn mãi với thời gian, cũng là niềm tự hào của người dân Ba Vì và nhân dân Hà Nội. Nổi danh toàn quốc với câu ca “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”, nơi đây chính là một bảo tàng nghệ thuật về văn hóa kiến trúc mà tổ tiên ban tặng cho các thế hệ đời sau.

Nằm trong không gian văn hóa lịch sử của thị trấn Tây Đằng - huyện Ba Vì, Khu Di tích Đền Cao, nơi có phần mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu có vị thế rất độc đáo là một địa chỉ văn hóa tâm linh được nhân dân trong vùng thường xuyên tới dâng hương, tham quan vãn cảnh ngày càng đông. Riêng về Khu Lăng mộ của Thái phó Phùng Tá Chu nằm kề sát Đền Cao, sau Hội thảo khoa học về đức ngài năm 2016 đã được các chi nhánh họ Phùng ở thị trấn Tây Đằng và xã Chu Minh kiến nghị với các cấp có thẩm quyền được trùng tu, tôn tạo. Đây là việc làm rất có ý nghĩa nên đã được nhân dân đồng thuận tham gia. Khu Lăng mộ với các hạng mục Nhà dâng hương có hệ thống bài vị thờ khang trang, quy củ. Khu Lăng mộ chính và Lư hương bằng đá trang nghiêm xứng với tầm vóc của vị Thái phó lưỡng triều Lý - Trần. Nhà bia với khối bia vuông đã khái quát công trạng to lớn của Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu đã góp phần để người tham quan, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết đầy đủ hơn về đức ngài. Các hạng mục trên đều được thực hiện đúng theo quy chế trùng tu, tôn tạo trên thửa đất đã được tách đúng theo luật pháp. Những việc làm có ý nghĩa trên là điều rất đáng ghi nhận, nêu gương sáng chung tay góp sức thực hiện các hoạt động hữu ích về văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phát biểu tại Lễ nhập trạch
trùng tu, tôn tạo Khu Lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu tại Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

Danh nhân văn hóa lịch sử Phùng Tá Chu với công trạng, tài năng và đức độ, đặc biệt là những cống hiến xuất sắc với hai vương triều Lý - Trần, đức ngài xứng đáng có được Khu Lăng mộ khang trang, nghiêm ngắn như trên để cháu con dâng hương kính ngưỡng.

Các cành nhánh họ Phùng trên địa bàn huyện Ba Vì từ trước tới nay luôn thực hiện đúng các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy tắc ứng xử trong làng xóm, luôn là những người tình nghĩa, thảo thơm. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đã có rất nhiều người con đất Ba Vì trong đó có con em họ Phùng lên đường đi chiến đấu và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Máu xương của các anh hùng chiến sĩ là vô giá để tạo dựng nên cuộc sống thanh bình hôm nay. Từ nền tảng đó, cán bộ và nhân dân huyện Ba Vì luôn nỗ lực phấn đấu, đem hết niềm tin và trí tuệ, cần cù sáng tạo, ra sức học tập, phấn đấu trong mỗi chặng đường xây dựng quê hương. Trong đội ngũ các doanh nhân có đóng góp lớn vào sự phát triển chung đó, với dòng họ Phùng, tiêu biểu phải kể đến các ông - bà Phùng Hệ - Nguyễn Thị Mạch; Phùng Văn Lực; Phùng Văn Sơn... bằng trí tuệ và sự nhiệt huyết của mình, có nhiều đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, là tấm gương sáng để lớp trẻ học tập, cũng là góp phần tiếp nối bồi đắp, phát huy công lao của các vị tiền nhân, trong đó có danh nhân văn hóa lịch sử Phùng Tá Chu.

Trong các cuộc làm việc với UBND huyện Ba Vì, Hội đồng họ Phùng Việt Nam dẫn đầu là Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng; Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực; Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn; các ông Phùng Hệ, Phùng Văn Lực, Phùng Văn Khai - thành viên Hội đồng đều hết sức chân thành, trọng thị, tham gia phối hợp thực hiện nhiều công việc có ý nghĩa như: Tổ chức Hội thảo khoa học; tiến hành trùng tu, tôn tạo Khu Lăng mộ; tổ chức hàng chục cuộc đi điền dã để viết các bài báo, tham luận khoa học; tiến hành tổ chức bản thảo và in ấn sách Danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu chính là những đóng góp nổi bật với văn hóa lịch sử của huyện Ba Vì - thành phố Hà Nội.

Lãnh đạo huyện đã giao cho các cơ quan chức năng tham gia đoàn điền dã trong quá trình các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ đi nghiên cứu, khảo sát, ghi chép về các di tích, tiếp cận các khu vực tài liệu liên quan và thực hiện các công việc để tiến hành trùng tu, tôn tạo Khu Lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu. Đây cũng là dịp để cán bộ chuyên ngành văn hóa được học tập, trưởng thành. Chúng tôi luôn xác định, văn hóa lịch sử là một trong những thành tố rất quan trọng, là nền tảng bền vững để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự phát triển toàn diện, bền vững, lâu dài của mỗi địa phương có phần đóng góp rất lớn của văn hóa lịch sử.

Khi Hội đồng họ Phùng Việt Nam trong các việc phối hợp với huyện Ba Vì đều rất chú trọng tới nâng cao và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử mà việc tổ chức biên soạn tập sách Danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu đã khẳng định văn hóa lịch sử luôn có giá trị đặc biệt quan trọng trong giáo dục toàn diện con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tập sách với sự góp mặt của những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu có tên tuổi như: GS Ngụy Hữu Tâm, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, PGS.TS Phạm Quang Long, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, PGS.TS Trương Sỹ Hùng... với sự chủ biên của nhà văn Hoàng Quốc Hải và Tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ chắc chắn là tập sách công phu, nghiêm túc, giàu tính khoa học lịch sử, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, có ý nghĩa rất quan trọng với nhân dân, nhất là thế hệ trẻ vùng đất Ba Vì - Hà Nội. Đây cũng chính là một trong những thành quả hữu ích trong hoạt động văn hóa lịch sử của huyện. Các danh nhân văn hóa lịch sử trên mảnh đất Ba Vì được tôn vinh và kính ngưỡng chính là một trong những chỉ dấu phát triển bền vững của Đảng bộ và nhân dân huyện Ba Vì.


Các vị đại biểu khách quý, chính quyền địa phương, con cháu họ Phùng trong buổi Lễ Nhập trạch

Con người có cổ tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn. Lời căn dặn cũng là đúc kết của các bậc tiền nhân truyền lại chính là những bài học quý với chúng ta hôm nay. Mảnh đất Ba Vì thiêng liêng nguồn cội. Núi Tản sông Đà mãi mãi cao xanh thơm thảo nghĩa tình. Trong bước đường phát triển toàn diện của Ba Vì, chắc chắn trí tuệ, tài hoa và công trạng của các danh nhân văn hóa lịch sử trong đó có danh nhân Phùng Tá Chu luôn góp phần để chúng ta thêm vững bước.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Anh
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì