(Thứ hai, 22/04/2024, 11:11 GMT+7)

Thời gian dần lùi xa và chìm trong dĩ vãng, song ký ức của tuổi thơ thì vẫn hằn sâu vào tiềm thức và luôn luôn thường trực ùa về.

Tôi năm nay ngót tám mươi tuổi vẫn nhớ như in tuổi thơ lúc đó chừng bảy - tám tuổi. Cứ đến rằm tháng Chạp lại được mặc bộ quần áo tết bằng sồi gốc, theo bố cùng các ông, các cụ trong họ đi tảo mộ tổ, mời cụ về ăn Tết cùng con cháu.

Tay cầm nọt lửa nắm rơm và bó nhang đen cùng với mấy thằng nhỏ trong họ chạy lon ton về hướng đồi Cao. Qua một dốc dài lên đến đỉnh đồi là đến ngôi mộ. Phát quang bới sim mua, ngôi mộ hiện ra. Đó là mô đất cao được xếp hình vuông bằng đá chái (đá tự nhiên) theo ba lớp cao dần, trên mộ nở đầy hoa bỏng. Vặt cỏ, bới đất và cắm bó nhang lên mộ. Trong khói hương ngào ngạt, cụ trưởng họ khăn xếp áo the chỉnh tề, cụ lầm rầm khấn vái, các ông vái theo, tôi cũng vái theo. Ngồi quây quần bên cạnh mộ hưởng lộc tôi nghe cụ trưởng họ nói: “Đây là ngôi mộ của cụ Tổ Phùng Tá Chu. Cụ từ nơi công cán Thanh Hóa, Nghệ An ra đây, làm quan to ở cả hai triều Lý - Trần và được phong tước Vương. Cụ mất ngày 10 tháng 3 theo truyền thuyết[1] và an táng tại đây - gọi là “biên Liễu Sơn tự” tức: cạnh chùa Liễu Sơn. Huyệt đào rất sâu, sâu tới mấy chạc cày, ăn thông với cánh đồng Chu (cánh đồng chiêm trước mặt). Cụ còn nói gì nhiều lắm tôi chỉ loáng thoáng nhớ như vậy. Bái tạ song, đoàn người ra về, tôi cùng mấy thằng nhỏ trong họ không quên ngắt một bó hoa bỏng về cắm trên bàn thờ đón Tết.


Mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu (khi chưa trùng tu)
trong khuôn viên Khu di tích Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

Họ Phùng ở quê hương Tây Đằng chúng tôi còn rất đông trong đó bao gồm Phùng Quang, Phùng Bá, Phùng Công, Phùng Thế, Phùng Văn... Đông nhất vẫn là họ Phùng Quang với ngót 250 đinh, được chia làm 5 chi:

- Chi 1 do cụ Phùng Quang Thịnh - 85 tuổi làm trưởng chi.
- Chi 2 do cụ Phùng Quang Bảng - 80 tuổi làm trưởng chi.
- Chi 3 do ông Phùng Quang Thái làm trưởng chi.
- Chi 4 do ông Phùng Quang Chiến làm trưởng chi.
- Chi 5 do ông Nguyễn Bá Thảo 65 tuổi làm trưởng chi.
- Chi Nguyễn Bá là do cụ Phùng Văn Khiêm, vốn gốc họ Phùng thuộc hậu duệ thứ 6 được “biệt phái cải tùng” chuyển sang họ Nguyễn làm chi trưởng. Chi này gia phả còn ghi:

Đại Vương Thanh Nghệ khởi hành
Liễu Sơn tổ mộ rành rành đầu tiên...

Rồi:

... Kế truyền nòi giống nhiều, đông
Sau thay Nguyễn Bá vốn dòng Phùng Quang...

Họ Phùng Quang còn một nhánh ở thôn Bích Chu, xã An Toàn, huyện Vĩnh Tường do cụ Phùng Văn Đàn làm tộc trưởng. Trước Cách mạng tháng Tám, hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, chi này lại cử đoàn người không quản đò giang cách trở về Tây Đằng viếng mộ Tổ và ăn cỗ họ.


Tác giả Phùng Quang Bình (bên trái) với Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam

Sau một thời gian dài bị gián đoạn do hoàn cảnh lịch sử để lại, nay đã nối lại truyền thống của cha ông, đoàn cháu con đã trở về viếng mộ Tổ như xưa.

Chi nhánh ở Bích Chu do cụ Phùng Văn Đàn làm trưởng tộc. Chi này nhờ ơn phúc ấm của Tổ tiên làm ăn thịnh vượng, cháu con đông đúc. Hiện chi có 3 nhánh với tổng số 437 đinh do ông Phùng Văn Quyến làm trưởng. Ban liên lạc gồm các ông: Phùng Văn Huấn, Phùng Văn Sáng, Phùng Văn Cam, Phùng Văn Đen, Phùng Văn Chiêu vẫn thường xuyên liên lạc với dòng Phùng Quang ở Tây Đằng.

Họ Phùng Quang ở Tây Đằng chúng tôi có cuốn tộc phả bằng chữ Hán, viết trên nền giấy gió do người trong họ ghi. Nhưng rất tiếc, cuốn gia phả này do cụ Trưởng họ là Phùng Quang Thành cất giữ. Năm 1976, Bộ Văn hóa cho trùng tu, tôn tạo đình Tây Đằng - một di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Lúc bấy giờ, cụ Trần Huy Bá - Nhà văn hóa về nghiên cứu con người và dòng họ làng Tây Đằng, được sự giới thiệu của ông Phùng Thế Hưng - cán bộ văn hóa ở huyện Ba Vì, nên cụ thủ từ đình làng là Phùng Quang Thành (trưởng họ) đã đưa cuốn gia phả cho cụ Bá mượn để nghiên cứu. Công việc tu bổ đình làng hoàn thành, cụ Bá về đem theo cuốn gia phả rồi vào Sài Gòn và mất ở trong đó.

Mùa thu năm Bính Thân (1976) biết mình tuổi cao sức yếu, cụ gọi tôi cho ghi lại gia phả. Ghi âm theo giọng đọc cụ già 85 tuổi, mắt kém, giọng thều thào. Cụ đọc chứ không phiên âm, giải nghĩa. Người ghi lại không biết chữ Hán, không có ý thức để lưu truyền hậu thế mà cốt chỉ để làm vừa lòng cụ trước lúc nhắm mắt xuôi tay vì cho rằng khi cần đã có bản gốc. Chính vì vậy mới gặp nhiều khó khăn khi cần tìm hiểu như hiện nay.

Năm 1985, cụ Thành cũng qua đời không để lại lời dặn dò cho con cháu về cuốn gia phả. Từ đó đến nay chúng tôi đã cố gắng dò hỏi để xin lại nhưng cũng chỉ là “mò kim đáy bể”.

Vậy chúng tôi mong được sự giúp đỡ, tìm kiếm của các nhà khoa học và bà con dòng họ Phùng trên toàn quốc.


Hình ảnh tại Lễ Nhập trạch trùng tu, tôn tạo Khu Lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu 
tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội 

Tuy nhiên, dòng họ Phùng Quang ở Tây Đằng chúng tôi vẫn xác nhận đây là ngôi mộ cụ Phùng Tá Chu - ngôi mộ tổ của dòng họ bởi:

1. Theo các cụ truyền lại từ bao đời nay, các thế hệ con cháu vẫn gìn giữ và viếng thăm đều đặn, chỉ gián đoạn mất 4 năm (từ 1951 đến 1954) vì khi đó giặc Pháp đóng bốt ở chùa Cao, mộ cụ nằm trong hàng rào dây thép gai của giặc. Cụ yên nghỉ ở đây cảo ghi táng “biên Liễu Sơn Tự”, mất ngày 10 tháng 3 âm lịch (cảo ghi tam nguyệt sơ thập nhật). Tỷ là Trần Thị Nhỡ táng tại cây Dé xứ (tứ biên khởi thành huyệt tại trung) (Bốn bên nổi lên thành huyệt ở giữa). Ngôi mộ này mất nấm, trong mấy năm gần đây khi huyện Ba Vì giải phóng mặt bằng xây dựng Phòng Thông tin Văn hóa và khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện.

2. Cánh đồng chiêm phì nhiêu, trù phú (trước mặt ngôi mộ) chạy dài tít tắp đến bờ sông Tích, một trong những vựa thóc nuôi sống dân làng Tây Đằng ngay từ thời xa xưa đã lấy tên Người đặt tên cho cánh đồng: Đồng Chu, ý hẳn ngay từ buổi khai làng lập ấp người dân Tây Đằng đã cảm nhận được đức độ, tài cao của vị quan lớn trong triều về sống với dân, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng khoai, cấy lúa... nuôi sống dân làng. Chính vì vậy người dân đã lấy tên người để đặt tên cho cánh đồng, âu cũng là một cách để tri ân công đức của người xưa.

3. Trên quê hương Tây Đằng, người mang họ Phùng rất đông, chiếm gần một nửa dân số. Các xã lân cận cư dân họ Phùng cũng rất đông đúc. Nhất là các xã xung quanh mộ Tổ:

- Xã Chu Minh có Phùng Văn.
- Xã Tiên Phong có Phùng Văn, Phùng Thế, Phùng Hữu.
- Xã Vật Lại có Phùng Văn, Phùng Ngọc.
- Xã Đồng Thái có Phùng Trần, Phùng Quang, Phùng Kim.
- Xã Phú Đông có Phùng Văn, Phùng Hiền.
- Xã Phú Phương có Phùng Văn, Phùng Quang, Phùng Tá.
- Xã Tòng Bạt có Phùng Văn.


 Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam; Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam và các thành viên Hội đồng trong Lễ Nhập trạch trùng tu, tôn tạo
Khu Lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất kỳ trong tình huống nào thì chi nhánh họ Phùng Quang ở Tây Đằng chúng tôi vẫn xác nhận, ngôi mộ tọa lạc trên đỉnh đồi Cao, vùng đất địa linh có quần thể tâm linh: Chùa Cao, Đền Cao - di tích Văn hóa được Nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa cấp Thành phố. Nơi có ang nước, nơi tụ thủy, tụ linh, tụ lộc ngay trong hậu cung đền. Mặt nhìn về hướng nam, hướng của “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, hướng của trí tuệ, mát mẻ, siêu thoát. Xa xa là dãy núi Ba Vì hùng vĩ, ngọn núi chủ của người Việt - cái gạch nối giữa trời và đất để âm dương giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, nơi Tản Viên sơn hiển Thánh trở thành Đệ nhất thượng đẳng tối linh thần, đứng đầu trong “tứ bất tử” của trời Nam. Nơi đây không gian thoáng đãng, vượng khí phủ đầy, quanh năm vi vu gió núi, mây trời, là nơi quan Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu yên giấc ngàn thu sau bao nhiêu tháng năm gian nan vất vả, rong ruổi khắp mọi miền đất nước để rèn binh, luyện tướng, và cũng sau bao nhiêu năm tháng gian truân, ngổn ngang bao nỗi suy tư trăn trở trước những biến cố của lịch sử, cam go, nhất là thời kỳ chuyển giao quyền lực mà thực chất là một cuộc đảo chính cung đình mà Trần Thủ Độ là người chủ mưu và Phùng Tá Chu là người bày mưu tính kế, người đạo diễn thông minh, khôn ngoan đã cứu dân tộc khỏi thảm họa “Nồi da xáo thịt”. Người đã đem hết tài “kinh bang tế thế” để cùng với vua quan hai triều Lý - Trần giữ yên bình xã tắc.

Lớp con cháu chúng tôi và các hậu duệ đời sau sẽ kế tiếp truyền thống của cha ông, sẽ mãi mãi giữ gìn phần mộ không bao giờ để hương lạnh, khói tàn. Chúng tôi nhận thức rằng: Cụ Phùng Tá Chu không những là người Thượng tổ dòng họ Phùng ở Tây Đằng. Người còn là tinh anh, người anh hùng dân tộc mà chúng tôi được vinh hạnh giữ gìn phần mộ. Với lẽ đó, chúng tôi tha thiết đề nghị:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu xác nhận ngôi mộ này là Di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố.
2. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội đặt tên đường Phùng Tá Chu trong lòng Thủ đô để vinh danh công trạng Người và giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.
3. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Ba Vì, UBND thị trấn Tây Đằng giúp đỡ về tinh thần, vật chất để chúng tôi giữ gìn lâu dài phần mộ.

Chúng tôi rất phấn khởi và tự hào khi Hội thảo khoa học về thân thế cuộc đời và sự nghiệp Phùng Tá Chu lại được tổ chức ngay tại quê hương chúng tôi, nơi quan Thái phó lưỡng triều yên giấc nghìn thu.


Đoàn Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại Lễ giỗ Thái phó Phùng Tá Chu năm 2024

Bài viết của tôi là sự nhận thức, sự hiểu biết xuất phát trong tâm của một người con trong dòng họ Phùng ở Tây Đằng với ngôi mộ Tổ, chắc chắn còn nhiều thiếu sót và cách nhìn thiển cận. Kính mong được sự chỉ giáo, lượng thứ của các nhà khoa học, các quý vị đại biểu và bà con họ Phùng trên toàn quốc.


[1] Vậy tại sao trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhóm Ngô Sĩ Liên lại xếp ngày mất của ông vào gần cuối năm chứ không phải tháng 3? Các nhà nghiên cứu cần xem xét lại?
 
Nhà giáo PHÙNG QUANG BÌNH