(Thứ hai, 22/04/2024, 01:25 GMT+7)

Lịch sử xây dựng một quốc gia Việt Nam độc lập tự chủ được xác lập từ thời Hùng Vương, nhưng giai đoạn cận đại với các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê lại ghi những dấu ấn quan trọng mang ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bằng tuyên ngôn độc lập, một áng thiên cổ hùng văn: Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư. Từ đây, mặc dù có những thăng trầm, nhưng nền độc lập tự chủ của Việt Nam được xác lập một cách vững bền. Các triều đại trong giai đoạn này của Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lược của các triều đại phương Bắc như Tống, Nguyên, Minh để bảo vệ lãnh thổ và giữ quyền độc lập tự chủ, xây dựng một nền văn minh của người Việt là gốc rễ cho sự phát triển đất nước ngày nay.


Khu Lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

Trong các triều đại đó, đỉnh cao của tinh thần độc lập tự chủ phải kể đến “Hào khí Đông A” của nhà Trần. Là hào khí tạo ra sự đồng tâm nhất trí sắt đá từ trên xuống dưới, từ vua đến dân, từ già đến trẻ, trai gái một lòng, quân với dân một ý chí, quyết tử cho Tổ quốc trước một thế lực hùng mạnh, vó ngựa đã chinh phạt từ đông sang tây, từ bắc xuống nam trên khắp lục địa Á - Âu, tạo nên một đế chế hùng mạnh Nguyên - Mông tưởng không có gì địch nổi. Nhưng kẻ xâm lược đó đã phải chịu thất bại thảm hại đến ba lần trước một Việt Nam bé nhỏ nhưng kiên cường, một dân tộc chỉ chưa đầy năm triệu người mà đánh bại một đạo quân thiện chiến đến nửa triệu quân thì mới thấy được võ công đó hiển hách và lẫy lừng đến mức độ nào.

Triều đại Đông A hiển hách đó đã được tạo lập nên từ một đống đổ nát suy tàn của nhà Lý, những vinh quang của cha ông với những tên tuổi lẫy lừng như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Hoàng hậu Ỷ Lan dưới triều đại nhà Lý đã không được hậu thế nhà Lý giữ được. Thế nước, lòng dân ngày càng suy giảm. Đến thời Lý Anh Tông lên ngôi năm 1140 đã xuất hiện những rối loạn về chính trị, nổi lên là những rạn nứt của khối cộng đồng các dân tộc trong quốc gia Đại Việt, cùng với sự suy yếu của chính quyền nhà nước trung ương.

“Khuynh hướng này đến đầu thế kỷ thứ XIII đã biến thành hiện tượng ly khai và tình trạng hỗn chiến của các tập đoàn phong kiến vùng, dẫn đến nguy cơ sụp đổ của Vương triều Lý” (Lịch sử Việt Nam, tập II, trang 336, Nxb Khoa học xã hội). Trong triều đình nhà Lý, các vua lên ngôi đều nhỏ tuổi và chết trẻ. Quần thần phụ chính giúp việc cho vua đều lộng hành và gian ác. Quyền hành thực tế đều nằm trong tay đại thần và các bà Thái hậu. Cùng với đó nảy sinh nạn ngoại thích và chuyên quyền, tiêu biểu nhất là Đỗ Anh Vũ, em trai Đỗ Thái hậu (vợ Sùng Hiền Hầu, mẹ vua Lý Thần Tông). Anh Vũ được trao quyền bính bao gồm cả sáu bộ Thượng thư, các việc trong cung cấm đến việc xây dựng thợ thuyền đều được vua ủy thác cho cả (Lịch sử Việt Nam, tập II, trang 337, Nxb Khoa học xã hội) và Đỗ Anh Vũ “tìm cách tư thông với Lê Thái hậu, là mẹ Lý Anh Tông” (Sđd, trang 337). Sau Đỗ Anh Vũ làm loạn triều chính 22 năm, thì lại xuất hiện các nhân vật hèn kém cả về đức, lẫn tài như: Đỗ Yên Di, Ngô Lý Tín, Đàm Dĩ Mông... Trong đó, Đàm Dĩ Mông được đánh giá là một kẻ: “Nhu nhược, xu nịnh, vô học và hay chia bè phái, kết đảng” (Sđd, trang 341).

Những kẻ giúp việc cho vua thì như thế, còn vua thì sao? “Là người đứng đầu triều đình lúc đó lại còn tệ hại hơn nữa. Vào thời gian này, đứng đầu triều đình và đứng đầu cho sự xa hoa, trụy lạc và suy đốn của nhà Lý là vua Lý Cao Tông. Sử cũ vẫn còn ghi lại rằng: Vua ăn chơi vô độ, hành chính không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm. Đã thế, vua lại rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan, buôn ngục làm chính sự, mỗi khi có vụ kiện tụng, vua thường lợi dụng” (Sđd, trang 341, 342).


Miếu Mẽ ở thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - nơi thờ Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu

Đấy là về chính trị, còn về kinh tế, vào khoảng giữa thế kỷ XII, có biểu hiện xa sút, tình trạng thiên tai, dịch bệnh, mất mùa xảy ra triền miên. Trong khi đó, nhà nước ít quan tâm nên: “Dưới triều Lý Cao Tông, sử cũ ghi lại rất nhiều năm dân bị đói lớn, như năm 1181, dân đói chết gần một nửa, năm 1199, lúa mạ ngập hết đói to. Hoặc trận động đất khủng khiếp năm 1208, người chết đói nằm gối lên nhau. Từ tình hình ấy dẫn đến nạn giặc cướp nổi lên như ong, đời sống dân cùng cực” (Sđd, trang 343).

“Trước nguy cơ đó, nhà nước quân chủ không có được một biện pháp kinh tế - xã hội nào hữu hiệu để giải quyết, ngược lại còn ban hành các chính sách bảo thủ, ngăn cản sản xuất, kìm hãm xu thế phát triển của tư hữu ruộng đất và sự trao đổi hàng hóa. Đối với các dân tộc miền núi, triều đình còn ban hành chính sách khắc nghiệt hơn là cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán ở đầu nguồn... Các vụ tranh chấp ruộng đất trong dân gian, vua Lý Cao Tông: Chẳng hỏi tình lý phải trái đều tịch thu sung công cả” (Sđd, trang 343-344).

Tất cả những rối loạn về chính trị, kinh tế - xã hội đó đã xảy ra những phản ứng mạnh mẽ trong mọi tầng lớp xã hội. Cụ thể: “Các quan đại thần đều chán nản hoặc sợ sệt, không ai dám nói gì, có một số ít đã can đảm đứng ra can ngăn nhà vua và tố cáo bọn gian thần nhưng đều không mang lại hiệu quả”; “Giới tăng quan cũng tỏ thái độ chán nản”; “Tầng lớp bình dân thì càng tỏ ra bất mãn và mất hết lòng tin vào chính quyền quân chủ. Họ đã tự làm vè, diễn tuồng châm biếm và đả kích tầng lớp vua quan thống trị đang là lũ sâu mọt, hại dân, hại nước” (Sđd, trang 345).

Trước tình hình đó, đã xảy ra xu hướng ly khai của các tộc người vùng biên cương và hình thành các cục diện cát cứ của các tập đoàn chính trị có thế lực như của Đoàn Thượng ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Nộn ở Bắc Giang và anh em họ Trần ở Hải Ấp (Thái Bình).

Một lẽ mang tính xã hội tự nhiên, thời thế tạo anh hùng. Trong thời buổi loạn ly ấy, đã xuất hiện những hào kiệt trong thiên hạ. Cha con Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu là những hào kiệt trong những hào kiệt nổi lên như những vì sao lấp lánh trên bầu trời Đất Việt đang bị mây đen bao phủ. Thời cuộc đó đòi hỏi: Nếu không có một sự thay đổi về chính trị thì có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong khi tình hình thế giới và khu vực xuất hiện những thế lực có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong ấy trong một tương lai gần.


Nhà thờ tổ họ Phùng Tá

Trong một thời cuộc như vậy, thì một sĩ phu như Phùng Tá Chu phải chọn cho mình một con đường chính nghĩa, chính danh, thuận đạo Trời, thuận đạo Đất, thuận đạo Nhân như một chính nhân quân tử thấm đẫm triết lý của đạo Nho, đạo Phật và văn hóa của người Việt, đặt quốc gia dân tộc lên trên hết. Với tư tưởng “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mà ông lại là một sĩ phu văn võ toàn tài tài, không thể thấy cơ đồ của đất nước như vậy mà mình lại đứng ngoài cuộc. Do đó, ông phải chọn cho mình một minh chủ, tìm cho mình một lực lượng chính trị xứng tầm, đủ sức gánh vác sơn hà trên vai, đứng lên từ sự đổ nát của triều Lý để bảo vệ và phát triển đất nước, để ông có thể cống hiến tài năng, vì quốc gia dân tộc. Lựa chọn sai sẽ không chỉ lãng phí một tài năng, mà còn có hại cho đất nước, đó là điều mà bất cứ một sĩ phu của thời nào cũng không muốn mắc phải.

Phùng Tá Chu đã chọn đúng con đường của mình, và nhà Trần đã may mắn có một Phùng Tá Chu phò tá trong giai đoạn trứng nước lập nên triều đại võ công của mình. Việc nhà Trần coi ông là công thần lập quốc và phong ông chức Đại Vương khi ông còn sống là một sự ghi công xứng đáng có một không hai trong triều đại Nhà Trần, nhất là ông lại là người ngoại tộc.

 Phùng Tá Chu tìm được con đường đi đúng đắn trong thời buổi loạn về chính trị, kinh tế - xã hội và có nhiều thế lực tranh giành nhau như vậy, phải kể đến vai trò của người cha của ông là Phùng Tá Thang. Một con người khoác trên mình tấm áo đạo sĩ, nhưng Phùng Tá Thang xứng đáng là một nhà chính trị lỗi lạc, có tầm nhìn chiến lược, thấu hiểu thời cuộc, được đánh giá: “Một đạo sĩ thông kim bác cổ, giỏi nho y lý số và là chỗ thân hữu thường qua lại với Trần Lý luận bàn về thế sự, đạo lý âm dương, trời đất” (Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, trong cuốn Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Lao động, tr.137, 138).

Thật vậy, tương truyền Phùng Tá Thang chính là người đặt huyệt mộ tổ cho nhà Trần vào gò đất phát vương tại thôn Lưu Gia (Lưu Xá) thuộc Hải Ấp (theo Tiến sĩ Đinh Công Vĩ trong Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, trang 61, Nxb Lao động, 2017). Ông cũng là người gặp Trần Cảnh lúc nhỏ, ngắm kỹ dung nhan và tiên đoán: “Người này dung mạo khác thường, sau sẽ là quân vương” (theo Tiến sĩ Phạm Minh Đức, Sđd, trang 171). Chắc chắn từ định hướng của cha, mà Phùng Tá Chu ngay từ đầu sự nghiệp đã phò tá tập đoàn anh em họ Trần, đứng đầu là Trần Lý (là bạn với cha là Phùng Tá Thang), làm bạn với Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ (là con, cháu của Trần Lý). Từ đó, với tài năng của mình, Phùng Tá Chu đã được giao nhiệm vụ huấn luyện gia binh cho gia đình Trần Lý, là đội quân đầu tiên lên đến 5.000 người, với đủ cả bộ binh, thủy binh và kỵ binh (Sđd, trang 138-139) và cũng là một quân sư thiết kế chiến lược cho nhà Trần đoạt thiên hạ với nhà Lý (Sđd, trang 139).

Như vậy, ngay từ thuở ban đầu, ông đã phục vụ cho nhà Trần trong sự nghiệp của mình. Còn việc ông làm quan cho nhà Lý, từng bước nắm các vị trí quan trọng, cũng có thể hiểu là nằm trong một chiến lược thâu tóm dần quyền lực của nhà Lý vào tay anh em họ Trần, như: Trần Thị Dung kết hôn với vua Lý Huệ Tông, Trần Lý là bố vợ vua được phong tước Minh Tự, Tô Trung Từ là em vợ Trần Lý giữ chức Điện tiền Chỉ huy sứ...

Cùng với những biến cố chính trị trong triều đình nhà Lý và sự mạnh lên của anh em họ Trần, khi Trần Lý, Tô Trung Từ mất thì quyền hành hoàn toàn thuộc về anh em họ Trần. Trần Tự Khánh được cất nhắc lên chức Thái úy Phụ chính, còn Trần Thừa là Nội thị Phán thủ do có công ổn định chính trị, kinh tế cho nhà Lý 13 năm.

Đến năm 1224, Trần Tự Khánh - một trong những người khởi đầu cho sự nghiệp nhà Trần mất, Trần Thừa lên thay làm Phụ quốc Thái úy, thì Phùng Tá Chu giữ chức Nội thị Phán thủ (thay cho Trần Thừa). Trần Thủ Độ làm Điện tiền Chỉ huy sứ thống lĩnh các quân hộ vệ cấm đình (Theo Lịch sử Việt Nam, tập II, trang 357, Nxb Khoa học Xã hội).

Với chức vụ Nội thị Phán thủ có vai trò, chức năng như một Chánh văn phòng của nguyên thủ quốc gia ngày nay và sau nay lại nâng lên vị trí Tam công, là Thái phó cho Thượng hoàng Lý Huệ Tông và vua Lý Chiêu Hoàng. Phùng Tá Chu càng có điều kiện để giúp anh em nhà Trần hoàn thành sự nghiệp đế vương của mình. Bước ngoặt của cuộc chuyển giao quyền lực chính là sự truyền ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh được sử sách ghi lại ở một trong hai văn bản còn sót lại của Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm, 1194-1226) có tiêu đề Lý Huệ Tông Dục tốn vị ư Trần Cảnh chi tranh biện, dịch nghĩa là: Cuộc tranh biện về việc Lý Huệ Tông muốn nhường ngôi cho Trần Cảnh.


Đoàn công tác Hội đồng họ Phùng Việt Nam tại Khu Lăng mộ Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu
tại Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội

Văn bản ghi rõ: “Thượng hoàng vì cớ vua nối nghiệp là gái, lại còn bé, nên lo lắng, bèn triệu Phùng Tá Chu đến bàn rằng:

- Trẫm vì thất đức, mang tội với trời, tuyệt đường kế tự, đành truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả bầy dương, nếu chúng không theo, lòng tất hối hận. Cứ như ý trẫm, xa thì bắt chước Đường Nghiêu, gần thì noi theo Nhân Tổ (Lý Nhân Tông), kén chọn người hiền mà trao ngôi báu.

Nay trẫm thấy con trai Thái úy (Trần Thừa, bản gốc ghi là Thái Tổ), tuổi tuy thơ ấu, tướng mạo phi thường, hẳn biết cách cứu đời yêu dân, nên muốn nhận làm con, giao phó việc xã tắc và cho cùng Chiêu Hoàng sánh duyên. Các khanh vì trẫm mà nói dùm với Thái úy.

Thái úy còn chưa tin. Tả phụ Nguyễn Chính lại nói với Thái úy rằng:

- Họ Lý được nước, vua hiền đã có sáu, bảy đời; Thêm nữa, ơn đức các vua ấy để lại đã thấm sâu vào lòng người. Nay bỗng chốc nhường ngôi cho người khác họ, chắc có ý thử ta xem thế nào đấy thôi. Nếu ta nhân đó mà nhận, thiên hạ tất bảo Thái úy quả có chí thoán nghịch.

Thái úy định nghe theo. Trần Thủ Độ bác lại rằng:

- Lời nói của ông Tả phụ không đúng. Nếu Thượng hoàng có con trai mà nhường ngôi cho chàng Hai (Trần Cảnh) thì xét về nghĩa không thể vâng mệnh. Nhưng nay vì không có ai kế tự, muốn chọn người hiền mà phó thác thì đó là Thượng hoàng bắt chước việc nhường ngôi chân chính của Nghiêu Thuấn ngày xưa thì còn ngờ gì nữa! Huống chi ngôi trời không thể bỏ trống lâu, mà ý nhường ngôi của Thượng hoàng đã quyết, lại chọn người họ khác để nối ngôi, thế thì trăm quan dầu không muốn tôn phục người ấy liệu có được không? Vả lại, Thượng hoàng để chàng Hai nối ngôi, đó là ý trời. Trời đã cho mà không nhận thì phải chịu tội đấy. Mong Thái úy suy nghĩ kỹ” (Thơ văn Lý Trần, tập I, trang 559-560, Nxb Khoa học xã hội, 1972).

Qua văn bản ghi lại cuộc tranh biện này, tuy không ghi ý kiến của Phùng Tá Chu, nhưng rõ ràng ông có một vị trí quan trọng, tác động đến ý định truyền ngôi của Thượng hoàng Lý Huệ Tông. Ông chủ ý không có phản ứng gì trước quyết định này của Lý Huệ Tông, mà còn viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu để ủng hộ ý định nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho nhà Trần của Thượng hoàng Lý Huệ Tông và đã truyền đạt ý kiến này đến Thái úy Trần Thừa, chứng tỏ ông là người luôn nhất quán với con đường phò tá anh em nhà Trần mà ông đã chọn. Vì lý do này mà Ngô Sĩ Liên với tư tưởng Nho giáo thủ cựu đã coi hành động này của ông: “Là người có tội với họ Lý”.

Hãy bàn về vấn đề này dưới góc độ Nho giáo để thấy rõ hơn vai trò kiến tạo vương triều Trần của Phùng Tá Chu khi đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết, thay vì quyền lợi của một dòng họ suy tàn nếu giữ nó có thể khiến quốc gia dân tộc bại vong.

Như đã nêu ở phần trên, ngay từ buổi ban đầu trong sự nghiệp chính trị của mình, Phùng Tá Chu đã phò tá anh em họ Trần, chứ không phò tá nhà Lý. Ông chỉ làm quan nhà Lý để thực hiện mục tiêu xây dựng một triều đại mới đủ sức gánh vác sơn hà, thay thế triều đại cũ đã suy tàn. Ông vẫn giữ được chữ Trung không chỉ với anh em nhà Trần, mà với cả quốc gia dân tộc, ông không thể Trung với một chế độ chính trị mà cả ba yếu tố như Khổng Tử nói với Tử Cống trong sách Luận ngữ là “Thực túc, thực binh, dân tín chi hĩ” không còn nữa.

Ngay cả Khổng Tử (551-479 TCN) là người sáng lập ra Nho giáo nhưng ông cũng không bảo thủ và lạc hậu như giới Nho giáo hậu sinh. Không Tử tôn trọng trật tự, tôn ti phong kiến, mong muốn quyền hành tập trung để tránh loạn lạc, nhưng ông không hoàn toàn thủ cựu. Ông tự bảo: “Thuật nhi bất tác”, chữ thuật không phải truyền cổ, theo cổ mà có nghĩa là tiếp tục phát triển, cải tiến, hoàn thiện nó. Trong chính trị là phân minh, tương quan vua tôi, trước hết phải chính danh, vua ra vua, tôi ra tôi. Ông chủ trương việc gì cũng nên tùy thời, lấy việc trung chính làm gốc, nên nhân phải có trí, ngay thẳng phải có thành, trung dung phải lấy thành làm cơ sở, trung dung tùy thời chứ không phải lừng chừng. Nếu phải “sát nhân” để “thành nhân” cũng không nên do dự, mặc dù Khổng Tử là một triết gia ôn hòa, có óc canh tân, không có óc cách mạng. Sự dạy dỗ của ông đối với một con người là phải “nhân ái”, hướng tới “chính tâm”, “thành ý” để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Người đời sau đề cao Hiếu Trung hẹp hòi đã làm sai lệch học thuyết của ông (theo Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Đại cương triết học Trung Quốc).

Khổng Tử còn đề ra thuyết Chính danh, theo ông chính danh là quan trọng nhất, ông cho rằng: “Nếu vua không ra vua, tàn bạo với dân thì không đáng gọi là vua, cũng như cái cô (một loại bình đựng rượu) mà không ra hình cái cô thì không phải là cái cô. Vua mà ra vua, thì bề tôi sẽ ra bề tôi, vậy chính danh còn là chính kỷ, chính nhân nữa”. Theo ông, chính danh là quan trọng nhất, ông khinh ghét một ông vua đáng chết, thì ông hạ bút ghi: “Mùa thu tháng Tám, ngày Giáp Ngọ, tên Vạn của Tống giết vua tên Tiệp”.

Mặc Tử, một trong ba trụ cột của triết học Trung Quốc, đồng tình với Khổng Tử cho nên mới bảo: “Kẻ làm hại đức nhân, gọi là Tặc, kẻ làm hại cái nghĩa gọi là Tàn, kẻ Tàn Tặc thì gọi là một đứa, một thằng quèn. Ta nghe nói giết một thằng Trụ, chưa nghe nói giết vua vậy”.

Khổng Tử ôn hòa, không bàn đến cách mạng, chỉ cho rằng vua không làm điều nhân nghĩa, thì quan có quyền bỏ, không những có quyền mà còn có bổn phận phải bỏ, “vì nếu không bỏ thì hóa ra mình làm quan vì bổng lộc à?”

Mạnh Tử còn gay gắt hơn nhiều, không ôn hòa như Khổng Tử, ông nói: “Văn tru nhất phu trụ hĩ, vi văn thí quân dã” và “Quân chi thị thần như thổ, giới tắc thần thị quân như khấu thù”, có thể hiểu là: Quan có quyền bỏ vua, mà còn có quyền khinh vua, thù vua (Sđd).

Nêu những luận điểm trên của các triết gia nổi tiếng như Khổng Tử, Mặc Tử khai sinh ra đạo Nho cho thấy dưới góc độ Nho giáo thì Phùng Tá Chu là một sĩ phu, một chính nhân quân tử có cái nhìn thời cuộc mang tính cách mạng, đã thể hiện sự nhất quán trước sau như một, một lòng trung với quốc gia dân tộc, di theo một lực lượng chính trị mới, cương quyết từ bỏ một triều đại thối nát, suy tàn. Ông thể hiện đức trung khi ăn lộc nước thì phải phục vụ cho đất nước, chứ không phục cho một ông vua, một chế độ không thể tồn tại. Nếu nó tồn tại thì chắc chắn đất nước sẽ lại bại vong trước các thế lực phương Bắc hùng mạnh đang hình thành cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Nhân dân sẽ lầm than, nếu như thế thì những sĩ phu như ông sẽ có tội với lịch sử dân tộc.

Phùng Tá Chu là người thấm đẫm tư tưởng Nho giáo mang tính cách mạng, theo đúng nghĩa của thuyết Trung dung và Chính danh, không hề thủ cựu như các đánh giá mang định kiến của Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ. Chúng ta cũng không quên hậu sinh của họ Ngô cũng là một con người khí phách, biết chọn con đường đi đúng đắn của mình là Ngô Thì Nhậm (con Ngô Thì Sĩ) đã có một vế đối nói lên ý chí mang tính thời cuộc của mình: “Thế Chiến Quốc, Thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” và cũng chẳng thể quên lời trách mắng của vua Lê Thánh Tông đối với Ngô Sĩ Liên: “Thật là bọn gian thần bán nước”.

Phùng Tá Chu không để lại một áng văn thơ nào, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng Chiếu nhường ngôi được ban bố dưới danh nghĩa của Lý Chiêu Hoàng vào ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (tức ngày 22 tháng 11 năm 1225) đang khuyết danh là do Phùng Tá Chu soạn thảo. Giả thuyết này có lý vì Phùng Tá Chu lúc đó với chức Nội thị Phán thủ, rồi Thái phó làm quan Nội hầu của triều Lý thì các văn bản quan trọng như Chiếu nhường ngôi rất có thể do ông soạn thảo. Đây là một văn bản pháp lý quan trọng xác định sự chấm dứt của triều đại nhà Lý nhường xã tắc cho nhà Trần. Điều đó càng khẳng định vai trò của Phùng Tá Chu trong kiến tạo vương triều Trần trong buổi đầu xây dựng quyền lực chính trị của mình.

Sau khi nhà Trần lên ngôi, Phùng Tá Chu được phong Phụ quốc Thái phó với các chức vụ quan Nội hầu, Tri châu Nghệ An, rồi Nhập nội Thái phó về xây dựng cung điện ở hương Tức Mặc. Ông lại có công xây dựng một nền hành chính cai trị cho nhà Trần. Với công lao to lớn đó, năm Giáp Ngọ (1234), ông được gia phong Hưng Nhân Vương tước quan Nội hầu do có công trong việc mở mang lập ấp ở phủ Nghệ An. Năm Ất Mùi (1235), ông được gia phong Đại Vương, ban mũ áo Đại Vương. Năm Kỷ Hợi (1239) lại ban chức Nhập nội Thái phó. Ông mất năm 1241 khép lại một cuộc đời, một sự nghiệp của một chính khách trong sáng, tài đức vẹn toàn, tiếng thơm để lại muôn đời.

Cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Tá Chu đã để lại cho đời sau bài học thứ nhất về lựa chọn con đường, một lý tưởng để cống hiến tài năng, khát vọng cho quốc gia dân tộc của một tri thức yêu nước. Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, dòng họ. Mỗi con người sinh ra hình thành lợi ích cá nhân là tự nhiên, nhưng biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích công, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết phải do rèn luyện, trau dồi đạo đức, đó là con người có nhân nghĩa, biết: “Lấy Đức làm gốc, lấy Nhân làm tựa, lấy Đạo làm hướng, lấy Nghệ làm vui” (Sách Luận ngữ). Hưng Nhân Đại Vương - Thái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu là con người hội tụ đủ nội hàm của hai chữ Nhân Nghĩa mà những kẻ hậu sinh như chúng ta phải học tập.


Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam và các thành viên Hội đồng
tại Khu Lăng mộ (phía sau là hạng mục Nhà sắm lễ)

Bài học thứ hai chính là quy tụ, trọng dụng và sử dụng nhân tài của nhà Trần. Nếu không biết quy tụ, sử dụng nhân tài, đánh giá đúng những công lao của người tài thì nhà Trần không thể tạo nên một “Hào khí Đông A” rực rỡ võ công. Nhà Trần đã quy tụ được các tri thức tài năng, sức mạnh của quần chúng nhân dân và đánh giá đúng những công lao của họ, như: Phùng Tá Chu, Phạm Ngũ Lão... Hay cả những gia nô như Yết Kiêu, Giã Tượng... Đã tạo nên sự đoàn kết vua tôi, anh em, nhân dân trên dưới một lòng “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Sức mạnh đó là vô địch. Bài học dùng người đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tổng kết: “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở sáu trụ xương cánh, nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường mà thôi”. Bài học quý giá này vẫn mang tính thời sự cho thời đại ngày nay.

Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam