(Thứ tư, 25/09/2019, 05:11 GMT+7)

Chương 3

LỊCH SỬ NHÌN TỪ LỐI VIẾT TRUYỀN THỐNG VÀ CẢM HỨNG HIỆN ĐẠI
 

Vấn đề sự thực lịch sử và hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử từ lâu đã trở thành mối quan tâm lớn của nhiều nhà văn, nhà phê bình. Đứng về phía đề cao tính “trung thực lịch sử” Hải Thanh trong bài báo Bàn về tiểu thuyết lịch sử trên báo điện tử Quân đội nhân dân từng nhận định: “Một điều tối kỵ của tiểu thuyết lịch sử là làm sai lệch chân dung nhân vật của lịch sử, sai lệch sự kiện lịch sử” [48].. Đồng quan điểm này, trong Tham luận tại Hội thảo tiểu thuyết lịch sử do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 9-2012, nhà văn Hoàng Minh Tường nhấn mạnh: “Phẩm chất cần có của nhà tiểu thuyết lịch sử là phải trung thực với lịch sử, trung thực với chính mình. Nhà văn càng tài năng thì độ trung thực càng cao. Đó là bản lĩnh và lương tri của người viết” [55].
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà văn đều đề cao sử dụng yếu tố hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ: “Đã gọi là tiểu thuyết thì phải hư cấu. Khi hư cấu, người viết vận dụng toàn bộ văn hóa, tinh thần của mình, toàn bộ kinh nghiệm sống của mình. Đó là sự tổng hợp, hòa trộn nhuần nhuyễn giữa thực và hư, giữa lịch sử và hiện tại, giữa tri thức và cảm thức” (Nguyễn Xuân Khánh) [45]. Hay như quan niệm của nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Nhà văn giải mã lịch sử chứ không phải làm nô lệ lịch sử. Biên độ của hư cấu trong sáng tác là không giới hạn nhưng phải hư cấu để hướng tới sự thật” và Nguyễn Quang Thiều: “Các nhà văn không phải là các nhà sử học. Bởi vậy sáng tạo đề tài lịch sử không phải là công việc ghi chép hay tổng hợp những tư liệu về một sự kiện lịch sử, một giai đoạn lịch sử hay một nhân vật lịch sử” [45].
Bình Nguyên - tác giả bài viết Vấn đề hư cấu và giải thiêng trong tiểu thuyết lịch sử trên báo điện tử Văn nghệ quân đội cho rằng: “Mối quan hệ giữa hiện thực với văn học cũng như mối quan hệ mẫu - tử. Hiện thực luôn để lại dấu ấn trên tác phẩm văn học như cuống nhau nối kết bà mẹ với đứa con. Dấu ấn hiện thực trong tiểu thuyết lịch sử chính là những sử liệu được nhà văn khai thác như là chất liệu để xây dựng tác phẩm. Vì lịch sử cũng là hiện thực, nhưng là thứ hiện thực đã từng xảy ra tại một phân đoạn trong dòng chảy bất hoàn của thời gian” [45].
Với tiểu thuyết Phùng Vương, lịch sử và hư cấu là hai chất liệu đan xen vào nhau để tạo nên thành công của tác phẩm. Dựa vào những tư liệu lịch sử ít ỏi, nhà văn đã tưởng tượng nên cuộc kháng chiến hào hùng chống quân Đường của Phùng Hưng và nhân dân ta để giành được thắng lợi. Bên cạnh đó, nhà văn cũng hư cấu cho nhân vật và sự kiện lịch sử của mình màu sắc của sử thi, ngợi ca để truyền tải bài học về lịch sử hào hùng của dân tộc, để tôn vinh truyền thống yêu nước của cha ông ta.


Đình Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội nơi thờ Bố Cái Đại Vương

Tiểu thuyết Phùng Vương tái hiện thời kì lịch sử có thật. Đó là vào khoảng nửa sau thế kỉ VIII, nhà Đường phương Bắc đang trên đà lụi bại. An Lộc Sơn, Sử Tư Minh liên tiếp chiêu binh làm loạn, khiến nhà Đường ngày càng suy vi. Năm 767, Cao Chính Bình - Hiệu úy châu Vũ Định giúp Trương Bá Nghi - quan cai quản xứ An Nam đánh bại giặc biển Chà Và ở Chu Diên, sau đó lên làm Đô hộ sứ An Nam. Quan lại nhà Đường liên tục đề ra các loại thuế khóa, bòn rút của cải của nhân dân ta. Lịch sử nước ta gọi giai đoạn này là thời kì Bắc thuộc lần III (từ năm 602 đến năm 905).

Các tên địa danh hành chính và chức quan do nhà Đường dùng để cai trị nước ta trong thời kì Bắc thuộc lần III cũng được nhà văn tìm hiểu và vận dụng rất chính xác. Năm 607, nhà Tùy cai trị nước ta, chuyển trị sở quận Giao Chỉ về Tống Bình. Hơn mười năm sau, nhà Đường nắm quyền thống trị, lập Giao Châu đô hộ phủ. Đến năm 679, nhà Đường, chia đất Giao Châu thành 12 châu, 59 huyện và đổi thành An Nam đô hộ phủ. Chức quan đứng đầu cai trị An Nam đô hộ phủ ban đầu là Kinh lược sứ, sau đổi thành Tiết độ sứ. Tất cả những địa danh hành chính và chức quan cai trị nhà Đường đặt ra đều được nhà văn tái hiện trong cuốn tiểu thuyết chính xác theo tư liệu lịch sử. Quả thật, với mười năm ấp ủ cho cuốn Phùng Vương, Phùng Văn Khai đã miệt mài nghiên cứu lịch sử, để tạo nên một câu chuyện pha lẫn nhiều chi tiết hư cấu nghệ thuật mà vẫn khiến lịch sử hiện lên rất chân thực,hào hùng.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Phùng Hưng - một nhân vật lịch sử có thật trong sử sách nước ta. Tài liệu nghiên cứu về Phùng Hưng còn lại rất ít, thậm chí nhiều thông tin chưa rõ ràng. Phùng Hưng hiện tại chưa rõ năm sinh, quê ở làng Đường Lâm (trước thuộc Giao Châu), nay là xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây - thành phố Hà Nội. Năm mất của Phùng Hưng còn gây tranh cãi, chính sử cho rằng ông mất năm 791, nhưng theo cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên có chép Phùng Hưng mất năm 802. Phùng Hưng tên tự là Công Phấn, xuất thân trong gia đình nhiều đời làm hào trưởng đất Đường Lâm, dòng dõi Phùng Trí Cái - người từng được Đường Vũ Đức mời vào dự yến tiệc. Theo bia Quảng Bá, cha Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh - từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sau về làng khai khẩn đất hoang, xây dựng gia viên ngày càng giàu có. Phùng Hạp Khanh cùng lúc sinh được ba người con trai là Phùng Hưng (tự Công Phấn), Phùng Hải (tự Tư Hào) và Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm các con tròn 18 tuổi thì Phùng Hạp Khanh qua đời.


Đình Y Sơn, phường Đồng Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nơi thờ Bố Cái Đại Vương
 

Sử sách có ghi anh em Phùng Hưng đã quyết chí, đồng lòng nổi dậy làm chủ được vùng Phong Châu. Sau đó, Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo, Phùng Dĩnh xưng Đô Tổng chia quân trấn giữ các nơi. Trong suốt 20 năm, nhiều lần Cao Chính Bình dẫn quân đàn áp nghĩa quân nhưng đều thất bại. Đến tháng 4 năm 791, Phùng Hưng chia quân làm 5 đạo vây đánh Tống Bình. Quân địch thất thủ, Cao Chính Bình lo sợ ốm chết trong thành. Theo Đại Việt sử kí toàn thư có ghi: “Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết” [17]. Theo sách Việt sử tiêu án cũng chép: “Phùng Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô Quân, Hải là Đô Bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, Phùng Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân” [13]. Tuy nhiên, nhiều nguồn tư liệu khác lại cho rằng Phùng Hưng cai quản Tống Bình đến năm 802 thì qua đời.

Đại Việt sử kí toàn thư có chép sau khi ông mất, “con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy Bố Cái làm hiệu)” [17]. Lăng mộ Phùng Hưng nay ở phố Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội. Hằng năm, ngày 10-2 âm lịch, nhân dân làng Đào Nguyên (xã An Thượng - Hoài Đức - Hà Nội) vẫn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới người anh hùng Phùng Hưng.
Như vậy, có thể thấy tác phẩm Phùng Vương được sáng tạo dựa trên nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử có thật. Người anh hùng Phùng Hưng từng được ca ngợi trong cuốn Việt điện u linh: “Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường; sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường. Xem việc sức bắt được hổ, khí muốn nuốt sao Ngâu, khiến cho người trong châu điều uý phục, nếu không có tài lược hơn người thời đâu được như thế. Chính Bình chết rồi, Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm, độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu? Tuy vận nội thuộc, chẳng bao lâu bị mất vào tay Triệu Xương, nhưng kẻ đại trượng phu xuất sắc không chịu để cho bọn hồ lại giàng buộc. Ngọ Phong là tay cự phách trong hạng Thổ hào, vận tuy bĩ cực, nhưng gặp gỡ đều hanh thông, rõ thực bậc anh hùng hảo hán, phương chi cốn Đại nội hiển linh, sông Bạch Đằng giúp trận, Phu Hựu, Chương Nghĩa chói lọi ở Loan Thư, sống được vinh danh, chết lưu hiền hiệu, người như Bố Cái chưa dễ có nhiều được”[13, tr.28]. Tác giả Phùng Văn Khai lựa chọn viết về thời kì lịch sử và nhân vật lịch sử Phùng Hưng không dễ dàng tìm được nhiều tư liệu thống nhất, song nhà văn đã sử dụng nhiều chi tiết hư cấu để hoàn thiện cốt truyện lịch sử của mình một cách trọn vẹn.
Một số chi tiết được coi là “giai thoại dân gian” về Phùng Hưng cũng được Phùng Văn Khai mô tả trong tiểu thuyết. Đó là cảnh Phùng Hưng dùng sức mình vật trâu và giết hổ. Tương truyền trong dân gian, năm đó làng Đường Lâm có hai con trâu mộng đánh nhau rất dữ tợn, dân làng không ai dám can ngăn. Thế nhưng, Phùng Hưng đã dùng sức mạnh của mình, lấy hai tay gỡ đôi trâu mộng ra. Về giai thoại đánh hổ, thấy nhân dân mình bị hổ tới phá phách, Phùng Hưng đã dùng mưu mẹo để giết mãnh thú. Người anh hùng sử dụng bù nhìn rơm để dụ hổ tới. Nhiều lần hổ vờn được nhưng bên trong chỉ toàn rơm rạ khiến lâu dần hổ không còn chú ý tới các bù nhìn rơm nữa. Một hôm, Phùng Hưng đóng giả bù nhìn rơm đợi hổ tới, rồi bất ngờ xông tới quần nhau với mãnh thú và tiêu diệt được hổ, đem lại bình yên cho dân làng. Giai thoại về người anh hùng được Phùng Văn Khai sử dụng trong tiểu thuyết làm tăng thêm khí phách, sức mạnh phi thường của người anh hùng. Từ đó, nhân vật lịch sử được khoác lên mình vẻ đẹp của sử thi, của ngòi bút ngợi ca.
Cuốn tiểu thuyết Phùng Vương đáp ứng yêu cầu “kể chuyện lịch sử” dựa trên không gian và nhân lịch sử thật sự. Nhưng vẫn mang đầy đủ yếu tố của thể loại tiểu thuyết. Dựa trên các sự kiện đánh giặc, và những tài liệu lịch sử về Phùng Hưng, nhà văn đã sáng tạo nên câu chuyện lịch sử mang vẻ đẹp của sử thi, của tấm lòng ngợi ca người anh hùng và truyền thống đánh giặc của cả dân tộc. Cốt lõi của tiểu thuyết là vào thời kì Bắc thuộc lần III, tại làng Đường Lâm, người anh hùng Phùng Hưng với sức mạnh vật trâu, giết hổ đã hô hào nhân dân đứng lên khởi nghĩa dành chính quyền ở Tống Bình. Phùng Hưng đã làm chủ được thành Tống Bình không bao lâu thì mất. Tất cả sự kiện lịch sử có thật này đã được nhà văn bao phủ lên bởi màu sắc của ngôn từ, của sự sáng tạo để tạo nên một cốt truyện lô-gic hoàn hảo về cuộc chiến đấu giành quyền tự chủ của nhân dân ta.
Phùng Văn Khai đã khéo léo lựa chọn nguyên mẫu có thực trong lịch sử để biến Phùng Hưng - từ người anh hùng trong sử học trở thành một nhân vật văn học. Trong sử học nước nhà, Phùng Hưng là một trong những người dẫn đầu tiên phong đứng lên giành lại quyền tự chủ cho dân tộc, nên việc lựa chọn khắc họa nhân vật không phải dễ dàng. Đúng như Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng trong bài viết Lịch sử nhìn từ truyền thống và cảm hứng hiện đại (trên báo điện tử Văn nghệ quân đội, năm 2015) đã nhận định: “Phùng Văn Khai với Phùng Vương đã dám mạo hiểm xông vào địa hạt vô cùng trống vắng nguồn sử liệu. Để phục hiện lại bức tranh lịch sử phức tạp ấy, Phùng Văn Khai đã bỏ không dưới mười năm sưu tầm, nghiền ngẫm tài liệu với một tinh thần kiên trì, nghiêm túc đáng trân trọng. Chính sự dung hòa hợp lí giữa chính sử và dã sử, giai thoại, truyền thuyết dân gian cùng trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã không những tái hiện một cách chân thực, sắc nét bối cảnh xã hội, không khí thời đại mà còn sáng tạo nên những nhân vật giàu sức sống, đậm cá tính” [39].
Ngay từ khi mới hình thành, các nhà văn viết tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam quan niệm: “đem tác phẩm của họ đặt vào một góc khiêm tốn trong ngăn kéo dành cho các bộ chính sử. “Tiểu thuyết” với họ, dù được mệnh danh là “chí”, “chí truyện” hay gì gì đi nữa, thì bất quá cũng là một dòng nhỏ, một nguồn bổ sung cho quốc sử. Mà đã là “quốc sử” thì phải “thực”, trăm phần trăm chính xác, chứ không thể là “hư”, thêu dệt, vẽ vời, dựng chuyện…” [26]. Do đó, các tác phẩm tiểu thuyết chương hồi thời kì trung đại, trừ Hoàng Lê nhất thống chí tính nghệ thuật đều không cao, yếu tố “sử” lất át chất văn chương. Theo dòng chảy thời gian, các nhà văn viết tiểu thuyết chương hồi hiện đại coi trọng yếu tố hư cấu là một phần của thể loại tiểu thuyết, kết hợp “văn”, “sử” nhuần nhuyễn để tạo nên cốt truyện mang tính nghệ thuật cao. Với tiểu thuyết Phùng Vương, nhà văn Phùng Văn Khai đã sử dụng hư cấu như một biện pháp nghệ thuật, bao trùm lên toàn bộ cốt truyện để tạo nên những trang văn giàu hình ảnh, gợi cảm, lôi cuốn người đọc.
Hư cấu trong tiểu thuyết Phùng Vương được sáng tạo trên nền của lịch sử. Lịch sử chỉ ghi lại chiến tích cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng chứ không ghi rõ quá trình nhân dân ta và người anh hùng chiến đấu cụ thể như thế nào. Với thể loại tiểu thuyết, nhà văn đã dùng ngòi bút hư cấu để vẽ lên những trang sách sinh động như một thước phim quay chậm về lịch sử. Các trận chiến tiêu biểu như: quân ta bắt sứ Chà Và để gây mâu thuẫn giữa quân Đường và giặc biển Chà Và, đoạt núi Nghĩa Lĩnh, chiếm ngọn Hy Cương, Ngõa Cương cho đến chiến trận ở bến Lô Giang, cửa Dương Tuyền… đều được nhà văn sáng tạo nên bằng trí tưởng tượng phong phú của mình. Ngòi bút nhà văn vừa có sự bay bổng của tiểu thuyết hiện đại, vừa gói gọn câu chuyện lịch sử dưới góc độ của tiểu thuyết chương hồi bằng ngôn ngữ kể chuyện trang trọng, khiến các trận đánh hiện lên rất thật.
Trong truyện còn xuất hiện hình ảnh hư cấu rất cổ điển - hình ảnh “thần linh”. Trong hồi thứ tư, tác giả miêu tả đoạn tiểu công tử Phùng Hưng gặp tiên ông hiển linh ở đầm Sương Mù. Khi Phùng Hưng vừa cất lời nguyện thề: “ta thề cùng trời đất, sống đánh đuổi giặc Bắc, chết cùng với muôn dân, quyết không để lũ giặc tàn hại bức bách nhân dân ta nữa” thì bất ngờ hiện lên “một vị lão ông tiên phong đạo cốt, ba chòm râu trắng như cước, cặp mắt trìu mến” [7, tr.59]. Vị tiên ông là “tiên thánh trên Tản Viên sơn”, căn dặn chuyện thiên cơ: “Theo ý trời, cũng chẳng bao lâu nữa, phương Bắc tất có nội loạn, khi ấy chúng đầu đuôi không liên lạc được với nhau, tất là thời cơ đuổi giặc, thu lại giang sơn. Ta cũng xem rằng, trong khoảng hai mươi năm nữa, Phùng gia cùng chúng tướng mới hoàn thành công cuộc đuổi giặc” [7, tr.60]. Việc tác giả hư cấu lên hình ảnh tiên thánh như vậy để dự báo chiến thắng của ta là hợp với ý trời, với lòng người, cuộc khởi nghĩa của quân dân ta là cuộc chiến đấu của chính nghĩa. Đến hồi thứ ba mươi mốt, hình ảnh tiên ông hiện lên khuyên Cao Chính Bình nên lui về Bắc quốc: “Ngươi xảo trá lại u mê, dối vua giết quan tướng, tranh giành tước vị, trời - người đều oán, khí số đã chết. Ta đến khuyên ngươi cởi bỏ gươm giáo, trao trả thành trì cho người An Nam, tạo chút đức sau này cho con cháu” [7, tr.602]. Nhân vật tiên ông xuất hiện ở cuối tác phẩm như một lời kết tội giặc Bắc, khẳng định chiến thắng cuối cùng của quân dân Đường Lâm, như mối quan hệ “nhân - quả” trong đạo Phật: người gieo gió sẽ gặp bão, quân Đường tham ác ắt sẽ thua cuộc. Nhân vật tiên thường xuất hiện trong truyện kể dân gian của nhân dân ta, nay được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết lịch sử, khiến câu chuyện mang màu sắc kì ảo, trang trọng. Đặc biệt đặt trong kết cấu của tiểu thuyết chương hồi, sự xuất hiện của nhân vật “tiên” - đại diện cho ý trời trong một khoảnh khắc rất nhỏ của một hồi, nhằm góp phần khẳng định ý nghĩa chiến thắng của quân dân ta là chiến thắng được tạo nên bởi Thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Bên cạnh hình ảnh tiên ông, tác giả còn hư cấu một số hình ảnh tướng lĩnh. Trong sử sách, tài liệu về các tướng lĩnh giúp việc cho Phùng Hưng rất ít. Lịch sử ghi công của ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh, tướng Bồ Phá Giang và Đỗ Anh Hàn rất lớn. Tác giả Phùng Văn Khai đã hư cấu nên nhân vật Vũ Khánh - vị tướng lĩnh giỏi đao kiếm, hiểu thủy binh, cùng các tướng Phạm Cương, Đỗ Lăng, Đoàn Kiếm, Đặng Hiệp… cho thấy sức mạnh, sự uy dũng của binh lính quân ta. Về phía quân địch, tác giả hư cấu những nhân vật Sầm Phàn, Mã Hổ, Tôn Mãng, Triệu Xung… để tạo nên một cuộc chiến không cân sức giữa quân ta và địch. Bút pháp xây dựng nhân vật đối lập về cả tài nghệ, phẩm chất đạo đức, khí phách tạo nên một trận chiến công bằng giữa lực lượng ta và địch. Dựa trên những tư liệu rất ít ỏi, nhà văn đã sáng tạo theo cách của riêng mình, tạo nên nhịp điệu lịch sử dồn dập xuyên suốt ba mươi hai hồi.
Ngoài ra phải kể đến một số chi tiết hư cấu tiêu biểu trong cuốn tiểu thuyết đem lại sự thành công trong tác phẩm. Để khắc họa sự tàn bạo của quân giặc, Phùng Văn Khai đã hư cấu nên sự tàn bạo của Trương Bá Nghi ám hại cha là Trương Thuận, giết thầy Quách Kiên, Cao Chính Bình ám sát Trương Bá Nghi, sai người giết các tướng Trương Thành, Từ Phục, Tôn Mãng. Những chi tiết này cho thấy sự nham hiểm của giặc phương Bắc, chúng không chỉ bóc lột tàn ác với nhân dân ta mà còn tàn bạo, ám hại lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực. Tác giả đan xen những chi tiết như vậy, cũng nhằm mục đích cho thấy thời cơ quân giặc rối loạn, nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền đúng đắn, hợp lòng người. Đối lập với hình ảnh của quân địch là sự bao dung, lòng yêu nước, thương người của tướng lĩnh quân ta. Đại diện là hình ảnh Phùng Hưng, tác giả hư cấu hoàn toàn chi tiết Phùng Hưng viết hịch văn tố cáo tội ác của giặc, bày tỏ tấm lòng quyết chí giành nền tự chủ của mình. Qua chi tiết này, ta thấy được hình ảnh người anh hùng mang đầy đủ tài đức, đối lập với tội ác của giặc. Sự hư cấu của Phùng Văn Khai vừa tạo nên hệ thống nhân vật đối lập đặc sắc, vừa khẳng định thành công chiến thắng của quân dân Đường Lâm là điều tất yếu.


Đền Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
 

Hải Thanh từng nhận định về hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử: “Tiểu thuyết lịch sử là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Nhà tiểu thuyết lịch sử có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử” [48]. Quả thật, với tiểu thuyết Phùng Vương, nhà văn đã hư cấu để khoác lên lịch sử màu sắc của tiểu thuyết hiện đại trong khuôn khổ hình thức của tiểu thuyết chương hồi. Nếu ví lịch sử là “bộ khung xương”, thì có lẽ những chi tiết hư cấu, nhân vật hư cấu, sự kiện hư cấu trong tiểu thuyết sẽ là “da, thịt” để đắp lên bức tượng đài về người anh hùng Phùng Hưng trong lịch sử giữ nước lẫy lừng của nước ta.

Có thể nhận định rằng, Phùng Văn Khai viết tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương bằng bút pháp sử thi. Tác giả phóng đại hóa tài năng, võ nghệ, chiến công của người anh hùng. Nhà văn đặt nhân vật vào từng tình huống giao tranh để bộc lộ tính cách, tài năng của nhân vật. Điều này rất giống với Tam quốc diễn nghĩa,“Tam Quốc là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu tác phẩm chủ yếu là ngợi ca, chất châm biếm hài hước đôi khi cũng được sử dụng để phê phán những nhân vật tiêu cực. Sử thi thường dùng phép khoa trương phóng đại để ca ngợi những kì tích của anh hùng hảo hán. Tác giả phóng đại những khó khăn hiểm trở để thử thách tài năng võ nghệ của các anh hùng” [12, tr. 21]. Với cảm hứng ngợi ca, nhà văn đã khoác lên nhân vật lịch sử Phùng Hưng tấm áo khoác của tiểu thuyết để xây dựng thành công hình ảnh vị vua Đường Lâm này. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật hư cấu, phóng đại xen lẫn ngôn ngữ kể tả trực tiếp và gián tiếp của các nhân vật khác để xây dựng nhân vật Phùng Hưng tài năng, đức độ, dũng cảm, oai hùng.
Thông qua lời kể của các nhân vật khác, Phùng Hưng hiện lên bởi tài năng và khí phách phi thường. Chẳng hạn như lời tiên ông nhắn nhủ: “Ngươi tuổi nhỏ mà chí khí phi phàm, tâm đức sớm vẹn đủ. Ở bên ngươi sau này sẽ là những lương thần mãnh tướng, văn võ gồm tài” [7,tr.59], hay lời Phan Đường nói về Phùng Hưng khi mới mười hai tuổi: “Tướng mạo phi phàm. Rồng chầu hổ phục. Uy đức sớm hiển lộ. Hẳn là linh khí của trời Nam ta vậy” [7, tr.80]. Tài năng sử dụng đao kiếm, võ thuật của vị anh hùng cũng được nhiều nhân vật ngợi ca. Chẳng hạn khi Mã Hổ giao chiến với Phùng Hưng trong trận núi Ngõa Cương, y thầm nghĩ: “viên tướng mặt trẻ mặt như thoa phấn, môi đỏ như son vạm vỡ mà thanh thoát càng đánh càng nhàn, đỡ những nhát đao chí mạng nghìn cân nhẹ như không, thường lựa sức ngựa mà ra đòn vô cùng biến hóa không khỏi kinh hoàng nghĩ thầm không biết tướng giặc có được thương pháp từ đâu mà cao cường không kém Triệu Tử Long người Thường Sơn khi xưa vậy” [7, tr.283].
Ngòi bút sử thi bao trùm lên nhân vật Phùng Hưng để phóng đại sức khỏe phi thường của người anh hùng vật trâu giết hổ. Tác giả đặt nhân vật vào tình huống oái ăm để thể hiện tài năng của mình. Sau khi tế núi Nghĩa Lĩnh, nhân dân Phong Châu mở hội chọi trâu. Đến phút cuối, khi “trâu thắng trận cặp mắt ngầu đỏ, một bên sừng vừa rút khỏi cổ họng đỏ lòm máu lúc lắc rùng rùng đuổi theo địch thủ”, “hất tung cờ khiến mấy tráng đinh suýt bị trúng đòn” [7, tr.304]. Tình thế nguy cấp, bất ngờ Phùng Hưng xuất hiện: “người tráng sĩ thân cao tám thước, cởi trần đóng khố đứng tấn chếch với hướng chạy của trâu điên hai tay vận công ôm cứng cặp sừng bết máu vặn nghiêng xuống” [7, tr.305]. Con trâu “được một lúc thì ngã vật sang một bên giơ bốn vó lên trời”. Đoạn miêu tả Phùng Hưng giết hổ diễn ra gay cấn, quyết liệt với nhiều động từ mạnh: “tung cước đá vào sườn hổ như trời giáng”, “tung người nhảy phốclên lưng cọp trắng, hai tay túm chặt tai đè nghiêng xuống, tay phải lia lịa giáng những đòn sấm sét vào mắt hổ”, “hai chân như hai cột thép kẹp cứng cổ, tấm thân vạm vỡ đè gí đầu hổ xuống đất mà thoi những quyền rắn như sắt đánh nát bét một bên mặt cọp trắng” [7, tr.352]. Tác giả đã sử dụng nhiều động từ mạnh để diễn tả quá trình vật trâu, giết hổ khéo léo của nhân vật. Đây là chi tiết được xây dựng dựa trên giai thoại của dân gian về nhân vật lịch sử, nhưng đã được nhà văn vận dụng kết hợp vào trong tác phẩm khiến nhân vật hiện lên với sức mạnh phi thường, tài năng hiếm có.
Phùng Hưng cũng là một vị lãnh đạo tài ba. Khi đội quân của Đỗ Lăng bị giặc mai phục ở rừng Hắc Lâm, bất ngờ Phùng trại chủ dẫn quân tới ứng cứu, võ nghệ của cao cường ứng phó với viên tướng Ô Hoàng Phúc của giặc: “viên tướng trẻ nhanh như chớp thúc vòng ngựa trở lại giơ cao ngọn trường thương nhằm thẳng vào ngực y đâm tới” [7, tr.221]. Hay trận Phùng Hưng chiến đấu dưới chân núi Ngõa Cương: “Phùng Hưng và Mã Hổ quần nhau thoáng cái đã năm sáu mươi hiệp”, “Phùng Hưng múa thương uyển chuyển vừa đánh vừa đỡ nhịp nhàng vừa quan sát kỹ tướng giặc” [7, tr.283]. Người anh hùng được mô tả không chỉ giỏi võ nghệ mà còn tính toán được thiên cơ, đoán biết được các kế sách của giặc.
Nét khác biệt nhất với cấu trúc thể loại tiểu thuyết chương hồi cổ điển là khi nhà văn đan xen nhiều đoạn bộc lộ trăn trở về nước về dân của nhân vật trong tác phẩm. Biện pháp miêu tả tâm lí nhân vật được nhà văn sử dụng linh hoạt. Vị vua Đường Lâm trong tiểu thuyết còn là nhân vật tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân sâu sắc. Mười hai tuổi Phùng Hưng đã mang ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc Bắc: “ta xin thề với tráng sĩ nguyện dốc tâm lực không kể đêm ngày, nguyện cùng gia phụ và các huynh đệ sớm gắng sức, tạo dựng huyền cơ, quyết thực hiện bằng được chí lớn của gia phụ và các lão trượng” [7, tr.59]. Trong lòng người anh hùng luôn trăn trở nghĩ về dân về nước: “Phong Châu vốn là đất tổ của triều đại Hùng Vương khi xưa. Từ khi lũ giặc Bắc xâm chiếm đã gây nhiều tội ác thật không sao kể xiết. Nay các bô lão cùng bá tánh hãy giúp giập bản tướng cùng với Phan tiên sinh ổn định Phong Châu, sinh kế lập nghiệp, mở rộng ruộng đồng, nông tang mới là kế bền rễ”. Phùng Hưng luôn lấy nhân dân làm gốc, tư tưởng hưng dân ái quốc làm đầu. Đối với binh lính trong đội quân của kẻ thù, Phùng Hưng không ham chém giết, luôn mở đường khoan dung cho quân giặc như trong trận chiến thắng ở núi Nghĩa Lĩnh, Phùng Hưng khuyên anh em binh lính: “hãy trở về làng xóm cày cấy làm ăn phụng dưỡng cha mẹ. Ai muốn xung vào quân Đường Lâm thì mau biên tên họ, ta sẽ đối đãi như anh em thủ túc, quyết không đổi khác” [7, tr.222]. Người anh hùng không chỉ đức độ với đồng bào, mà còn mở lối khoan dung với chính những binh lính của quân thù.
Đặc biệt nhất là chi tiết đoạn hịch văn kể tội giặc Bắc, bày tỏ nỗi lòng, ý chí giết giặc của Phùng Hưng: “Nay ta vâng mệnh trời đất, tổ tiên, nòi giống An Nam quyết giương cờ nghĩa; lại xét thấy giặc Đường kia quá tham lam tàn bạo, ức hiếp dân ta trăm bề mà kể tội chúng, hiệu lệnh muôn dân đứng chung dưới cờ, cùng nhau đánh đuổi giặc Đường”, “nay ta soạn hịch văn này, trước là kính cáo trời đất, tổ tông, anh linh các bậc tiên liệt từng dựng nước, đánh giặc, mong đấng cao xanh phù trợ; sau là bày tỏ tấm lòng với muôn dân sĩ tốt hãy quyết chí bền gan vùng lên đánh đuổi giặc Đường” [7, tr.497]. Lời lẽ của hịch văn rắn rỏi, đầy quyết tâm cao độ. Tác giả đã hư cấu nên chi tiết đoạn hịch văn được công bố khắp Tống Bình, nhân dân trong vùng hưởng ứng cao độ vừa tôn vinh được tâm tình, đức độ của Phùng Hưng, vừa thể hiện được ý chí đồng lòng giết giặc của nhân dân.
Khi Phùng Văn Khai lựa chọn đóng “khung” tác phẩm của mình trong thể loại tiểu thuyết chương hồi để tái tạo lại lịch sử dưới con mắt của nhà văn hiện đại là điều không dễ dàng khi phục dựng hình ảnh nhân vật lịch sử. Thế nhưng, kết hợp yếu tố hư cấu về cả tài năng, tính cách, hành động và tâm trạng của nhân vật lại hoàn toàn “ăn khớp” với nguyên mẫu Phùng Hưng trong lịch sử. Tác giả sử dụng biện pháp miêu tả tâm lí nhân vật rất rõ nét. Trong khi tiểu thuyết chương hồi cổ điển sử dụng rất hạn chế miêu tả tâm lí, thì nhà văn Phùng Văn Khai sử dụng biện pháp này rất nhuần nhuyễn để tạo nên hình tượng nhân vật. Sự hư cấu của nhà văn hoàn toàn xứng tầm với nhân vật, khiến nhân vật văn học hiện lên vừa bình dị, vừa oai dũng.
Bên cạnh nhân vật chính Phùng Hưng, tác giả còn xây dựng hệ thống nhân vật tướng lĩnh đầy uy dũng, “mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một độ tuổi nhưng tất cả đều chung ở tinh thần quả cảm, mưu trí, tài năng quân sự, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hình ảnh các tướng lĩnh xông pha trận mạc, luôn đi đầu trong các trận đánh, trân quý vận mạng, máu xương của binh lính, người dân như của chính mình… trở thành những bức tượng đài kiêu hãnh, bi tráng trong tâm thức dân tộc”[39].
Trong thể loại tiểu thuyết chương hồi có thể phân loại thành tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử (Hoàng Lê nhất thống chí, Mười hai sứ quân, Phùng Vương…) và tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài tình yêu (Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Đào hoa mộng ký…). Trong đó, tiểu thuyết chương hồi viết về đề tài lịch sử chiếm số lượng lớn hơn cả.Tất cả các tác phẩm này đều mang giá trị ca ngợi lịch sử dân tộc, truyền thống yêu nước của dân tộc sâu sắc.
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương không nằm ngoài quy luật đó. Tác phẩm được ra đời từ sự thực lịch sử, bám sát lịch sử đan xen các yếu tố nghệ thuật của tiểu thuyết mà nên. Cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng chống quân Đường xâm lược trong thời kì Bắc thuộc lần III. Trước đó, nhân dân ta đã có truyền thống chống giặc ngoại xâm từ rất lâu đời. Những năm Bắc thuộc lần thứ nhất (năm 719 TCN đến năm 43), dưới ách áp bức, bóc lột của nhà Đông Hán, tháng 3 năm 40, Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát (làng Hát Môn - Phúc Thọ - Hà Tây). Khởi nghĩa Hai Bà Trưng được nhân dân Hát Môn cùng các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Hợp Phố… hưởng ứng. Kết quả cuộc khởi nghĩa khiến Thái thú Tô Định phải bỏ thành Luy Lâu, cạo râu trốn về thành Nam Hải, nhân dân ta nắm chính quyền sau hơn 200 năm đô hộ của Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, chính quyền phương Bắc đem quân đàn áp, chính quyền nước ta một lần nữa rơi vào tay giặc.
Đến thời kì Bắc thuộc lần II (từ năm 43 đến năm 542), năm 248, nước ta bùng nổ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu ở khu vực núi Nưa (Triệu Sơn- Thanh Hóa) chống quân Ngô, nhưng nhanh chóng bị quân giặc giành lại chính quyền. Mặc dù vậy, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa đầu tiên thể hiện tinh thần chống giặc sôi nổi của cha ông ta. Đến tháng Giêng năm 542, Lý Bí khởi binh chống ách đô hộ của nhà Lương, giành được chính quyền. Sau hai lần chống quân Lương quay lại đàn áp thành công, năm 544,  Lý Bí lên ngôi, tự xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Đến đầu năm 545, quân Lương quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Lý Nam Đế vì đau yếu nên trao quyền binh cho Triệu Quang Phục. Năm 548, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến chống quân Lương. Đến năm 550, Triệu Quang Phục dành chính quyền, nhưng không bao lâu, năm 557, Lý Phật Tử dẫn quân lập lại ngôi quyền cho nhà Lý.
Thời kì Bắc thuộc lần III, năm 687, khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Định Kiến chống lại nhà Đường bùng nổ nhưng nhanh chóng bị dập tắt. Đến năm 713, khởi nghĩa Mai Thúc Loan thành công, chiếm được vùng Hoan Châu. Mai Thúc Loan lên làm Hoàng đế ( Mai Hắc Đế), đóng đô ở Vạn An. Sau đó, Mai Hắc Đế tập hợp nhân dân ở 32 châu tiếp tục được chính quyền ở Giao Châu. Năm 722, nhà Đường cho Dương Tư Húc dẫn quân tiếp tục xâm chiếm nước ta. Khởi nghĩa Mai Thúc Loan thất bại sau hơn 10 năm giành quyền tự chủ.
Phùng Vương là cuốn tiểu thuyết ca ngợi lịch sử dân tộc bằng nghệ thuật văn chương. Đọc Phùng Vương, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những anh hùng lịch sử, hình ảnh của nhân dân trong chiến đấu, hình ảnh chiến lược binh pháp từng được ông cha ta sử dụng trong sử sách. Tác giả ca ngợi hình ảnh các tướng lĩnh trong chiến trận, dùng ngòi bút trao cho họ tài năng, ý chí kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc. Đó chính là những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam. Hình ảnh các tướng lĩnh mặc dù đã được tác giả dùng ngòi bút sử thi, ca ngợi trong các cuộc chiến nhưng vẫn hiện lên rất thật. Vũ khí họ sử dụng là giáo, mác, là thuyền chiến - những công cụ chiến đấu hết sức thô sơ, giản dị. Thậm chí, voi và trâu là những con vật gần gũi với công việc, con người Việt Nam cũng được tác giả đưa vào làm vũ khí chiến đấu. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, người Việt Nam ta chiến thắng quân xâm lược, giữ được nền hòa bình không phải bởi vũ khí hiện đại mà là bởi lòng yêu nước, đoàn kết của nhân dân ta.


Lăng Thánh Mẫu Trần Thị Huy - Phương Dung
Phu nhân Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng

Hình ảnh người lính trong chiến trận được tác giả xây dựng rất gần gũi với hình ảnh của nhân dân. Họ là những binh lính được luyện tập binh pháp kĩ càng, tạo thành hàng ngũ hoàn chỉnh, chiến đấu anh dũng. Trong trận chiếm thành Phong Châu, hình ảnh đoàn quân ra trận hiện lên với khí thế hào hùng: “tám trăm dũng sĩ nai nịt gọn gàng, lưng dắt đoản đao, tay cầm mã tấu đập bồm bộp vào những tấm khiên đồng bọc vải ướt đôi chân nhún nhảy chỉ chực có mệnh lệnh là nhất tề vượt hào trèo lên thành giáp chiến với quân giặc. Phía sau các dũng sĩ, một nghìn cung thủ xếp thành đội ngũ khí thế ngút trời. Tiếp sau đội cung thủ, một nghìn tinh binh sử dụng giáo dài rất oai phong” [7, tr.253]. Trong chiến đấu, họ kết hợp giáo mác, cung tên, tượng binh, ngưu binh thành thạo. Họ cũng là những người giỏi nghề sông nước. Họ được quần chúng nhân dân giúp sức ngày đêm lo lương thảo phục vụ kháng chiến: “Muôn dân theo hịch truyền nhà nhà sẵn sang cất giấu lương thực vào rừng, trữ sẵn củi khô trên các thuyền nhỏ cắm nơi hẻm sông cho thủy quân Đường Lâm tùy nghi sử dụng. Có những làng chài tự thành lập những đội tráng đinh chọn ra người thạo sông nước, có sức khỏe theo thủy quân đánh giặc. Nhiều bô lão vạn chài sắp sẵn lương thực, rượu thịt, thóc gạo xung vào thủy quân”. Hậu phương hỗ trợ cho tiền tuyến là những hình ảnh quen thuộc trong lịch sử đã được nhà văn tái hiện trong khuôn khổ của tiểu thuyết chương hồi.

Quân dân trong Phùng Vương chẳng những giỏi bộ binh mà còn thành thạo thủy binh. Trên bộ, họ sử dụng chiến thuật đánh trận rất đa dạng. Vận dụng kinh nghiệm kháng chiến của ông cha, trong cuốn Phùng Vương, tác giả đã sáng tạo nên những kế sách bày binh bố trận, những mưu kế trong chiến đấu rất khéo léo. Chẳng hạn trận chiếm núi Ngõa Cương: “Vũ Khánh đứng trước cửa trận được bày theo lối tam giác phân đỉnh... Khi lâm trận đối tướng, một đỉnh của tam giác ở tuyến đầu hai bên sườn sẽ yểm trợ. Cạnh tam giác đáy sau của trận năm mươi thớt voi sẽ là tường đồng vách sắt. Tiến lên có thể giẫm tan tiên phong của giặc, chia ra có thể khép chặt vòng vây” [7, tr.279]. Hay: “nơi chân núi, binh tướng Đường Lâm chia nhau ra giữ chặt các nơi hiểm yếu, tăng cường đào hào đắp lũy, cắm chông lớn, chèn cây to rất vững chắc”. Đây đều là những kế sách quen thuộc trong chiến đấu được nhà văn kết hợp hài hòa trong cuốn tiểu thuyết.
Chiến đấu trên đường bộ, Phùng Văn Khai còn sáng tạo thêm hình ảnh đội tượng binh chiến đấu dũng mãnh. Tương truyền tại làng cổ Đường Lâm xưa Phùng Hưng dùng voi đánh giặc tại rừng Duối của làng. Nay 18 cây Duối gắn liền với tên tuổi người anh hùng trở thành một trong những địa điểm mà khách du lịch Đường Lâm không thể không ghé qua. Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Phùng Văn Khai tiếp tục sử dụng hình ảnh voi chiến oai hùng. Trận chiến đấu dưới chân núi Ngõa Cương được tác giả miêu tả: “Lẫn trong tiếng trống đồng và từng hồi cồng lớn âm i rờn rợn. Năm mươi thớt voi cùng hơn nghìn dũng sĩ Đường Lâm bốn mặt xông ra ùa vào đám binh tướng nhà Đường mà giẫm đạp. Kỵ binh phương Bắc thoáng thấy voi chiến hoảng loạn hất người trên ngựa xuống quay trở lại con đường rừng nhỏ hẹp toan lẩn trốn. Năm mươi thớt voi đồng loạt gầm lên xông thẳng vào đội hình quân tướng giặc” [7, tr.338]. Xưa kia, tương truyền hai bà Trưng cũng đánh giặc bằng voi, hình ảnh hai bà Trưng lẫm liệt trên lưng voi chống quân Đông Hán đã đi vào sử sách. Phùng Văn Khai vừa kế thừa lịch sử dân tộc, vừa sử dụng chất liệu giai thoại dân gian để làm phong phú thêm trang văn của mình.
Bên cạnh đội tượng binh còn là hình ảnh đội ngưu binh. Con trâu vốn là con vật gắn liền với nông nghiệp lúa nước của nhân dân ta. Đưa hình ảnh trâu vào trang văn, Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tôn vinh văn hóa của dân tộc, tôn vinh những giá trị tinh thần của người Việt. Hình ảnh đội ngưu binh chiến đấu dưới cổng thành Phong Châu được mô tả: “hai luồng ngưu binh năm trăm con trâu đực sừng bịt sắt nhọn, mắt đỏ ké ào ạt xông thẳng vào đám quân Đường… Trên lưng trâu, các dũng sĩ Phong Châu mình mặc áo giáp ngắn, đầu chit khăn nhiễu đỏ, hai chân kẹp chắc lưng trâu vừa thúc vừa đuổi húc giặc, mỗi dũng sĩ giắt trên người vô số lao đồng bén nhọn nhằm vào giặc phóng tới” [7, tr.435]. Trong tiểu thuyết, tác giả cũng từng để nhân vật nhắc tới hình ảnh trâu đã được ông cha sử dụng trong khởi nghĩa: “Sở dĩ tục lệ chọi trâu hằng năm là để kén ra những chú trâu to khỏe nhằm xung quân đánh trận đã có từ thời Hùng Vương lập nước Âu Lạc. Tiếp đó là các triều đại An Dương Vương,Trưng Nữ Vương, Lý Nam Đế… đều cử tướng giỏi về đất Phong Châu gây dựng những đội ngưu binh đương cự với giặc Bắc” [7, tr.402].
Chiến đấu trên sông nước cũng được nhà văn viết rất độc đáo. Kế sách đốt thuyền giặc, lợi dụng sương mù đốt kho lương thực của giặc là những kế sách rất quen thuộc trong lịch sử. Chẳng hạn kế đốt thuyền lương thực, khí giới của quân giặc ở cửa biển Dương Tuyền như lời tướng Phan Anh: “Nay mạt tướng xin được dẫn năm trăm dũng sĩ nửa đêm lẻn lên bờ đốt kho quân lương ở cửa biển Dương Tuyền, giặc kia sẽ rối loạn. Khi ấy, Lữ Phương tất cho quân lên bờ ứng cứu kho quân lương sẽ tạo thời cơ để quân ta dùng thuyền nhẹ chở cỏ khô và hỏa khí áp sát đốt thuyền giặc” [7, tr.342]. Hay trên bến Lô Giang quân ta bày kế: “áp sát thuyền vào hai bên bờ, cho binh lính lên bờ chặt chuối rừng kết lấy năm trăm chiếc bè trên chất cỏ khô và đồ dẫn lửa đợi đến đêm kéo sát đến thuyền giặc hãy thả bè, dùng đá tảng kết dây neo chặt xuống lòng sông cho bè khỏi trôi rồi đốt lửa sau đó mau chóng lui khỏi tầm máy bắn đá của chúng... Ta đợi lúc sương dần tan, máy bắn đá của chúng đã vơi đi quá nửa mới chia làm hai đội men theo rìa sông áp sát thuyền giặc mà đốt tất chúng sẽ rối loạn” [7, tr. 394]. Nhân dân ta biết đóng thuyền bè, biết dùng kế sách đánh giặc đường thủy từ thuở khai hoang lập nước, được tác giả sử dụng trong trang sách rất tự nhiên, hài hòa.
Như vậy, xuyên suốt ba mươi hai hồi của tiểu thuyết, lịch sử dân tộc hiện lên không chỉ là cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Phùng Hưng thắng lợi mà đó còn là hình ảnh của nhân dân trong chiến đấu, hình ảnh của hậu phương, của những vũ khí chiến trận quen thuộc cha công ta sử dụng. Cuốn tiểu thuyết vì lẽ đó mang giá trị ca ngợi lịch sử, truyền thống yêu nước từ ngàn đời của cha ông.
Ca ngợi vẻ đẹp làng quê Việt Nam, Phùng Văn Khai đã sử dụng bút pháp miêu tả, chấm phá. Vốn dĩ thể loại tiểu thuyết chương hồi với đặc điểm là mỗi hồi là một phân đoạn của cốt truyện nên tình tiết và sự kiện trong mỗi hồi là điểm nhấn quan trọng nhất. Nhưng tác giả vẫn lồng ghép vào đó nhiều đoạn miêu tả để thể hiện vẻ đẹp của quê hương. Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ miêu tả đan cài vào nhau cho thấy sự sự sáng tạo về mặt thể loại của nhà văn.
Vẻ đẹp làng quê Việt Nam được tác giả xen kẽ vào không khí của chiến trận. Đó là vẻ đẹp mênh mang của sông nước, của núi non hùng vĩ của vùng Bắc Bộ Việt Nam. Hình ảnh của rừng núi, của dòng sông Tích, sông Cái, của núi Tản Viên được lồng ghép trong từng trang viết: “Phía xa kia chính là Tản Viên sơn, núi Tổ của nước Nam ta. Tục truyền từ thượng cổ, núi Tổ đã là núi thiêng nắm giữ long mạch, vận mạng hưng suy của nước Nam. Truyền đời, dân Đường Lâm và Phùng gia năm nào cũng hưng công sửa sang đền miếu, đặc biệt tấm lòng luôn bái về núi Tổ… Tản Viên còn thì nước Nam còn, đời đời sẽ là như thế” [7, tr.77]. Nhà văn đã khéo léo đan xen giữa không khí hào hùng, nguy cấp của chiến trận là những trang văn viết về cảnh làng quê Đường Lâm thanh bình, tiềm tàng những suy nghĩ của mình về những địa danh gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Đại Việt là trọng sỉ. Những trang viết của Phùng Văn Khai thể hiện sâu sắc truyền thống này. Đặt tác phẩm vào hoàn cảnh lịch sử mang nét đẹp văn hóa rất đặc sắc ở chốn thôn quê đồng bằng Bắc Bộ. Người cao tuổi luôn là người bề trên, là những người được nhân dân trong vùng kính trọng. Họ dày dặn kinh nghiệm sống, họ mang trong mình lòng yêu nước sâu sắc, họ răn dạy con cháu về truyền thống của dân tộc. Trước mỗi trận đánh, nhà văn luôn để nhân vật trò chuyện, hỏi ý kiến của các bậc bô lão rồi mới đưa ra quyết định đánh giặc như thế nào. Đặc điểm của truyền thống con người Việt Nam là kính trọng người già đã được tác giả thể hiện tinh tế trong từng trang tiểu thuyết.
Đặc biệt về mặt văn hóa ở làng quê Bắc Bộ, tác giả nhắc tới nghi lễ cúng tế thần linh - một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian của cha ông ta. Tiểu thuyết Phùng Vương có đoạn miêu tả buổi tế núi Nghĩa Lĩnh thể hiện truyền thống kính trọng tổ tiên, cội nguồn: “Buổi tế núi Nghĩa Lĩnh cũng là để con cháu An Nam ta kính cáo tổ tiên rằng đã đến ngày người nước Nam ta phải được tự chủ. Giặc phương Bắc đã đến lúc phải về nước chúng. Nếu chúng cố tình gây nạn binh đao thì người An Nam chúng ta quyết đánh cho chúng không còn manh giáp”. Buổi tế lễ diễn ra trong không khí trang trọng, linh thiêng: “Bảy mươi cụ bô lão trên sáu mươi tuổi vận áo tía, quần thụng, đầu chít khăn nhiễu vàng, tay chống gậy trúc mặt mày rạng rỡ đứng trang nghiêm ngay sát bậc đàn tế. Phía trên là bảy cụ bô lão trên chín mươi tuổi vận áo đỏ thêu phượng, đi hia tía, đầu chít khăn nhiễu đỏ, tay chống gậy trúc rồng bịt vàng ngồi uy nghiêm trên bảy chiếc ghế trúc mây chạm rồng thần thái ai nấy tiêu dao tự tại. Phùng trại chủ thân làm chủ lễ bận bộ quần áo vàng thêu rồng, đầu đội mũ bình thiên, lưng thắt đai ngọc khảm hình kì lân, chân đi hia tía thêu rồng thành kính hướng về đàn lễ được bày biện trang trọng” [7, tr.300]. Truyền thống cúng tế thần linh đã có từ rất lâu đời. Chỉ qua một đoạn văn ngắn, Phùng Văn Khai đã đan cài được nét đẹp văn hóa, truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ trong cuốn tiểu thuyết. Ngày nay, nét đẹp văn hóa này vẫn được duy trì, ngày giỗ tổ Hùng Vương, nhân dân ta nô nức kéo về núi Nghĩa Lĩnh - một địa phận thuộc Đền Hùng bày tỏ lòng biết ơn đối với ông cha ta đã có công dựng nước và giữ nước.
Ngoài ra, tác giả còn miêu tả được không khí lễ hội quen thuộc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ - lễ hội chọi trâu. Hình ảnh loài trâu là một trong những con vật đại diện cho đất nước nông nghiệp như Việt Nam. Hình ảnh trâu được tác giả miêu tả rất chân thực: “Cặp trâu tranh giải nhất là một ông trâu của vùng thượng du mình đen như hắc ín, lông dày cộp, cổ vại to cỡ người ôm, đôi sừng cánh lá nhọn hoắt, cặp tai cụp xuống sát hai con mắt xanh lét rờn rợn như mắt cọp ăn đèn”. Ông trâu đối thủ thuộc vùng hạ bạn, ức nở eo thon, hai chân sau choãi xuống như cọc lim đóng trên mặt đất. Cặp sừng cánh cung hơi hếch về phía trước. Đôi tròng mắt đen thẫm thoạt nhìn có vẻ hiền nhưng vô cùng linh động” [7, tr.303]. Chọi trâu là hình thức văn hóa dân gian chỉ có ở làng quê Bắc Bộ. Trong cuốn tiểu thuyết, không khí lễ hội diễn ra nhộn nhịp: “Mấy chục cặp trâu chọi tranh tài từ sáng sớm... Tiếng trống, tiếng cồng chiêng thúc ầm ầm. Tiếng người la hét vang động cả một vùng rộng lớn. Bãi chọi trâu đông đến mấy nghìn người”[7, tr.302]. Hình ảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ đã xuất hiện trong tiểu thuyết lịch sử mang giá trị ca ngợi vẻ đẹp thôn quê sâu sắc.
Như lời nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng: “Công việc của nhà văn là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành những câu chuyện sống động, khám phá số phận con người và luận giải những vấn đề được đặt ra để qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Với ý nghĩa như vậy, Phùng Văn Khai và tiểu thuyết Phùng Vương xứng đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực phục hưng lối viết truyền thống bằng chính cảm thức sâu sắc và phương thức tự sự độc đáo” [39]. Tác giả đã sử dụng hầu hết là ngôi thứ ba, người kể chuyện hoàn toàn đứng ngoài cuộc diễn biến của những trận đánh. Người kể chuyện chỉ là người tường thuật lại toàn bộ câu chuyện lịch sử. Vì vậy, điểm nhìn trần thuật luôn linh động, tác giả có thể chuyển từ không gian giặc phương Bắc sang không gian của người An Nam, lồng ghép từng sự kiện này sang sự kiện khác một cách tự nhiên, khéo léo. Các cụm từ trong kết cấu chương hồi như: “lại nói về…”, “nói tiếp chuyện…” góp phần thay đổi điểm nhìn trần thuật linh hoạt trong cốt truyện. Nhà văn với phương thức tự sự này hoàn toàn kiểm soát, chi phối mạch lô-gic trong câu chuyện của mình.
Mặc dù truyện được kể chủ yếu bởi ngôi thứ ba, nhưng cũng có khi ngôi kể có thay đổi sang ngôi thứ nhất. Chẳng hạn trong hồi thứ mười bốn, khi ngôi kể chủ đạo là ngôi thứ ba, nhưng vẫn đan xen đoạn bức thư trước lúc quy tiên của Đỗ Anh Doãn - ngôi kể chuyển sang ngôi thứ nhất, bày tỏ niềm tin thắng trận và tâm nguyện với Phùng trại chủ. Hay ở hồi thứ hai mươi lăm, mạch truyện đang được dẫn dắt bởi người kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhưng chuyển sang ngôi thứ nhất trong bức tâm thư Phùng Hưng xưng “ta” kể tội giặc bắc, kêu gọi ý chí quyết tâm đánh giặc của nhân dân. Như vậy, ngôi kể chuyện trong tiểu thuyết thay đổi từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất chủ yếu để bộc lộ diễn biến tâm lí của nhân vật.
Lối kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết cũng rất linh động. Trong nhiều hồi, Phùng Văn Khai vừa kết hợp kể chuyện sự kiện giao tranh, vừa kết hợp kể những truyện ngoài lề trận chiến như cảnh sinh hoạt của nhân dân, cảnh núi non, sông nước, cảnh nhân vật giết hổ, lễ hội trọi trâu… Lối kể chuyện kết hợp “ngoại sử” và “dã sử” rất linh hoạt, khiến chiến trận dù có đổ máu những vẫn không mang sắc thái bi kịch, buồn thương, u uất trong mỗi câu văn.
Nét đặc sắc trong tác phẩm còn là ngôn ngữ đối và độc thoại, trong đó sử dụng hầu hết các từ ngữ cổ xưa của nhân dân để phục dựng lại thời kì lịch sử cách đây hàng ngàn năm. Phùng Văn Khai đã kì công xây dựng lời thoại cho nhân vật, lựa chọn từ ngữ thể hiện thời đại lịch sử. Một loạt các từ ngữ xưng hô cổ được sử dụng như: huynh - đệ, lão nạp, tiên sinh, tiểu công tử, chư vị… được tác giả sử dụng trong hội thoại giữa các nhân vật với nhau. Ngôn ngữ trong các hội thoại giữa nhân vật là ngôn ngữ trang trọng, thể hiện cấp bậc, địa vị giai cấp xã hội rõ nét.
Thông qua lời ăn tiếng nói của nhân vật tác giả thể hiện tính cách, quan điểm của nhân vật. Phùng Hưng hiện lên với tài năng, đức độ thì ngôn ngữ khiêm nhường, đúng mực; Trương Bá Nghi gian xảo, quỷ quyệt thì ngôn từ hống hách, hiểm độc… Về cơ bản, ngôn ngữ hội thoại được nhà văn sử dụng nhiều vừa có tác dụng tái hiện nhân vật, vừa dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, linh hoạt.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ kể và ngôn ngữ tả kết hợp rất nhuần nhuyễn. Trước mỗi đợt giao tranh, tác giả miêu tả hình ảnh tướng lĩnh hai bên như thế nào, vũ khí sử dụng ra sao, quân đội đang trong đội hình như thế nào trước rồi mới dẫn tới sự kiện giao tranh... Ngôn ngữ miêu tả được thể hiện rất phong phú về hình ảnh cảnh vật, sông nước, cảnh sinh hoạt của nhân dân và binh lính… Thậm chí, tác giả kết hợp miêu tả tâm lí nhân vật, những suy tư, trăn trở của đôi bên chiến trận được nhà văn miêu tả, sáng tạo hợp lí. Miêu tả tâm lí nhân vật là điểm khác biệt lớn nhất của Phùng Văn Khai trong Phùng Vương. Bởi lẽ, tiểu thuyết chương hồi cổ điển rất hạn chế miêu tả tâm lí nhân vật. Tuy nhiên, Phùng Văn Khai lại miêu tả tâm lí nhân vật rất kĩ trước mỗi trận giao tranh, trong trận chiến đấu hay kết thúc như thế nào đều được nhà văn miêu tả rất rõ. Đặc biệt với nhân vật Phùng Hưng, nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật theo trục tâm lí hướng về nhân dân và đất nước, rất xứng tầm với nguyên mẫu là người anh hùng trong lịch sử.


Tượng Bố Cái Đại Vương thờ tại đình Y Sơn
phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội

Mặc dù vậy, tiểu thuyết Phùng Vương vẫn còn hạn chế về mặt ngôn ngữ. Trong mạch từ ngữ cổ xưa xuất hiện cách đây hàng nghìn năm lịch sử, đôi khi vẫn “lạc lõng” một số từ ngữ vay mượn tiếng nước ngoài như: hắc ín, kháng chiến… chưa phù hợp. Ngoài ra, trong nhiều đoạn văn vẫn còn nhiều câu từ trùng lặp làm ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm.

Trong khuôn khổ của thể loại tiểu thuyết chương hồi, Phùng Văn Khai vẫn lồng ghép đượccác mảnh ghép không gian và thời gian rất đa dạng trong một mạch chỉnh thể của cốt truyện. Đó là không gian của chiến trận hào hùng (các trận đánh núi Nghĩa Lĩnh, Hy Cương, Ngõa Cương, bến Lô Giang, thành Tống Bình…) đan xen với không gian sinh hoạt, lao động của nhân dân, với không gian tâm linh (hình ảnh tiên ông ở Đầm Sương Mù, buổi tế núi Nghĩa Lĩnh…). Không gian tiểu thuyết gắn bó chặt chẽ với thời gian. Không gian mở ra thời gian nơi chiến trận, thời gian sinh hoạt, thời gian tâm linh, thậm chí cả thời gian tâm lý của nhân vật nhưng vẫn được liên kết trong mạch thời gian tuyến tính của tiểu thuyết chương hồi. Mỗi một hồi lại mở ra khoảng không - thời gian tiểu thuyết gắn kết với nhau nhưng vẫn lô-gic trong mạch không - thời gian của cốt truyện ba mươi hai hồi.
Với tiểu thuyết chương hồi cổ điển, các nhà văn đan xen rất ít thời gian tâm lí trong kể chuyện.Nhưng tiểu thuyết Phùng Vương, thời gian tâm lý được đan cài khá rõ nét. Chẳng hạn, nhân vật Quách Kiên có khoảng thời gian hồi tưởng trước khi sang Tống Bình theo Trương Bá Nghi, lòng hoang mang lo sợ khi biết cái chết đang đến rất gần. Hay Phùng Hưng, Phùng Hạp Khanh có khoảng thời gian trăn trở khi nghĩ về nhân dân. Tuy nhiên, nhân vật trong Phùng Vương không có miền sâu, góc tối tâm lý trong đời sống cá nhân. Mặc dù vậy, đan cài thời gian tâm lí trong khung của tiểu thuyết chương hồi cũng là nét đổi mới về nghệ thuật của nhà văn.
Vì vậy không gian và thời gian tiểu thuyết có mối quan hệ chặt chẽ với nhân vật, là nơi để nhân vật bộc lộ tài năng, khí phách. Không - thời gian của tiểu thuyết tuân thủ chặt chẽ tính hệ thống của sự kiện và hành động nhân vật chứ không tuân thủ theo mạch lô-gic tâm lý. Điều này phù hơp với thể loại tiểu thuyết chương hồi. Bởi lẽ, mỗi một hồi mở ra một khoảng không gian và thời gian riêng (lao động, sinh hoạt, chiến đấu)  nhưng tựu chung lại vẫn nằm trong mạch không gian rộng lớn và thời gian tuyến trải dài hơn 20 năm nhân dân ta chống quân Đường xâm lược. Tiểu thuyết Phùng Vương không có sự xáo trộn không gian và thời gian như trong tiểu thuyết Giàn thiêu (Võ Thị Hảo) mà là sự liên kết chặt chẽ để tạo nên cốt truyện của tiểu thuyết.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng nhận định về quan điểm của nhà văn thể hiện trong tiểu thuyết lịch sử: “Bất cứ cuốn tiểu thuyết lịch sử nào cũng đều có ánh xạ của đời sống hiện tại. Tiểu thuyết do một người hiện tại viết, cho những người hiện tại đọc. Vậy những vấn đề cuốn sách đặt ra không chỉ cần đúng với lịch sử mà còn phải là những vấn đề được người hiện tại quan tâm. Muốn tác động tới tâm hồn bạn đọc, người viết phải mang những xúc động của mình vào trong trang sách. Theo nghĩa ấy cái tôi của người viết bao giờ cũng được bộc lộ” [58]. Bất cứ cuốn tiểu thuyết nào cũng được lồng ghép quan điểm của nhà văn đối với sự kiện lịch sử đó.
Trong tiểu thuyết chương hồi cổ điển, với lối “hồi chuẩn”, tác giả thường thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận sự kiện của mình qua những câu thơ thất ngôn ở cuối tác phẩm. Chẳng hạn trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mượn hình ảnh “người đời sau”để bộc lộ quan điểm “thời thế tạo anh hùng” của mình sau sự kiện ba anh em kết nghĩa Lưu Bị cứu được Đổng Trác trong hồi một của tiểu thuyết:
Nhân tình thế thái vẫn xưa nay
Ai biết anh hùng lúc trắng tay!
Nếu được người người như Dực Đức,
Trên đời hẳn hết kẻ không hay!
[12, tr. 37]
Riêng tiểu thuyết Phùng Vương, Phùng Văn Khai đã thể hiện quan điểm của mình thông qua nhân vật Phan Đường và Quách Kiên. Tác giả bộc lộ suy nghĩ về trận chiến ở hai phía đối lập. Chẳng hạn, thông qua bài thơ của Phan Đường:
Vận nước thuận dòng sinh vương tướng
Thế nhà hưng thịnh xuất hiền nhân
Non sông gấm vóc liền rường mối
Xã tắc ngàn năm vững trụ đồng.
[7, tr. 175]
Hay như lời nói của Phan Đường: “Từ thời Hùng Vương, tiếp đó đến thời An Dương Vương, tiếp đó đến thời Trưng Nữ Vương, tiếp đó đến triều đại Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế… thời nào cũng có những bậc anh hùng, vua hiền, tướng giỏi dựng nước, an dân” [7, tr. 181]. Tác giả đã thể hiện được cái nhìn của mình đối với lịch sử ngàn đời của ông cha ta, truyền thống yêu nước được lưu giữ và phát huy từ đời này sang đời khác. Đồng thời cũng khẳng định, cuộc chiến đấu của nhân dân ta là cuộc đấu tranh của chính nghĩa để thắng hung tàn, là cuộc đấu tranh để giành lại quyền độc lập tự chủ của dân tộc.
Thông qua lời nói của Quách Kiên trước khi chết: “Đất An Nam tuy nhỏ bé xa xôi, ở vào chỗ cuối đất cùng trời đầy rẫy lam sơn chướng khí nhưng cũng là mảnh đất quật cường không chịu khuất phục cường quyền bạo ngược bao giờ đâu. Rồi người dân xứ này sẽ vùng lên mà chôn vùi đánh đuổi những áp bức xiềng xích đã đè nén họ” [7, tr.142], nhà văn đã bộc lộ được lòng tự tôn dân tộc, bản lĩnh của người Việt ta.
Đặc biệt, nhà văn còn bộc lộ được những trăn trở của mình về hình ảnh người lính sau khi chiến tranh kết thúc: “mới thấy rằng, mỗi cuộc chiến chinh, hàng vạn người tuyệt tích không hẳn đã vùi thân nơi chiến trận mà chỉ là sống lay lắt nơi đất khách quê người đến lúc chết không về được quê hương, bản quán mà thôi” [7, tr.580]. Nhà văn đã khéo léo lồng ghép quan điểm cá nhân của mình để thể hiện sự tôn vinh đối với lịch sử nước nhà, khẳng định lòng quyết tâm, ý chí khôn nguôi của nhân dân ta cũng như những trăn trở của mình về số phận của người lính sau khi chiến tranh kết thúc.
Tác giả Phùng Văn Khai đã tái hiện được không gian lịch sử hào hùng xoay quanh nhân vật Phùng Hưng - người anh hùng đã đánh đuổi quân Đường xâm lược. Nhà văn lồng ghép cốt truyện vào khung cổ điển của tiểu thuyết chương hồi, nhưng cũng được sáng tạo nên bởi cảm hứng hiện đại ngợi ca nhân vật, ngợi ca lịch sử, truyền thống yêu nước của nhân dân. Như tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Lịch sửtrong tiểu thuyết của Phùng Văn Khaikhông chỉ được kể lại bằng những sự kiện, biến cố, nhân vật lịch sử mà còn là nơi nhà văn khai phóng suy tư, trình hiện thức nhận về lịch sử.Những vấn đề của quá khứ nhưng chưa bao giờ là cũ một khi được nhà văn viết bằng cảm hứng hiện đại. Lịch sử nhờ vậytrở nên sống động, tươi mới, có sức sống bền bỉ trong tâm thức cộng đồng cũng như trong kinh nghiệm của mỗi cá nhân.” [39].