(Chủ nhật, 20/10/2019, 04:03 GMT+7)

LÀNG CỔ Ở ĐƯỜNG LÂM
(Theo tài liệu Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch thị xã Sơn Tây)

 
Trong bài viết: "Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử", Giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định: "Đường Lâm là vùng đất cổ - người xưa. Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn sông nước Tích Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông - đất nước…". Quả thực như thế! Chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, Đường Lâm là một di tích độc đáo khi còn hội đủ các giá trị văn hóa của Làng cổ Việt Nam, trên bất kỳ phương diện nào, hơn bất cứ nơi nào trên đất nước này. Đây là nơi bảo tồn, lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của một vùng đất cổ - trung tâm của nền văn hóa xứ Đoài.   

Đường Lâm là một làng cổ nổi danh, tên nôm là Kẻ Mía. Xã Đường Lâm gồm 9 thôn, nhưng, di tích Làng cổ ở Đường Lâm là tên gọi của một quần thể di tích hợp nhất dân cư và diện tích của 5 thôn, đó là: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm. Quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm được hình thành, phát triển trong sự gắn kết khăng khít, hữu cơ với cuộc sống thường nhật của người nông dân nơi đây. Quần thể ấy là thành quả của trí tuệ, sức sáng tạo, sự trao đổi, chọn lọc, sự giữ gìn cái hồn cốt, bản sắc dân tộc Việt Nam trong những công trình kiến trúc bằng đá ong ngả màu thời gian quyến rũ, trong lời ăn, tiếng nói của những cô thôn nữ, trong những món ăn đậm chất dân dã, những lễ hội truyền thống, trong sự phong phú của các truyền thuyết lịch sử, ca dao, tục ngữ, các hình thức diễn xướng làm rung động lòng người.

Trong những làng xã của vùng đất xứ Đoài có chiều sâu lịch sử- văn hóa hàng nghìn năm, nổi lên tên gọi Đường Lâm - mảnh đất "địa linh nhân kiệt", "một ấp hai Vua". Hai vị vua lừng lẫy trong lịch sử dân tộc đã sinh ra trên mảnh đất nàylàBố Cái Đại vương Phùng Hưng - người đã lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống ách đô hộ của ngoại bang (thế kỷ VIII) và Ngô Vương Quyền, người đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc, giành độc lập, tự chủ cho đất nước (thế kỷ X). Đường Lâm còn là quê hương của nhiều bậc quốc sĩ, trong đó có Thám hoa Giang Văn Minh,vịsứ thần “bất nhục thiên mệnh” thờiHậu Lê, người nổi tiếng với vế đối giặc Minh: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng".

Đến với làng cổ, du khách được hòa mình vào một không gian thuần Việt, gắn liền với nông thôn Việt Nam từ mấy thế kỷ nay. Ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân thuộc của một làng quê Việt Nam trong cổ tích, với cổng làng cổ kính bên gốc đa cổ thụ soi bóng xuống ao làng, với đình làng uy nghi, những ngôi chùa trầm mặc, những nếp nhà mái ngói rêu phong cổ kính, những giếng đá ong, quán nhỏ, điếm canh, nhà thờ họ… dầy đặc trong một không gian văn hóa rất đặc trưng. Chỉ riêng trong quần thể Làng cổ ở Đường Lâm có 21di tích được xếp hạng, trong đó có 8 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 13di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Trong số các di tích xếp hạng cấp tỉnh, không thể không kể đến 10 ngôi nhà cổ. Đây là những ngôi nhà tiêu biểu trong số hàng trăm ngôi nhà cổ vẫn tồn tại trong Làng cổ ở Đường Lâm, có niên đại lâu đời, mái ngói hình cánh diều phủ rêu phòng trầm mặc. Chúng được xây bằng những loại vật liệu truyền thống như: đá ong, đất nện, gỗ xoan, gỗ mít, tre nứa, rơn rạ, trấu trộn bùn. Nhà thường kết cấu theo kiểu 5 gian, 7 gian 2 dĩ với cách bài trí rất đặc trưng cho kiểu nhà truyền thống. Những ngôi nhà ấy đã chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành và ra đi của nhiều thế hệ người nông dân, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, đồ vật sinh hoạt quý của gia đình, dòng họ.

Các lễ hội làng thường diễn ra vào mùa xuân, trong đó phải kể đến lễ hội đình Mông Phụ (mùng 10 tháng Giêng), lễ giỗ vua Phùng Hưng (mùng 8 tháng Giêng), hội vật ở Chùa Ón (3/3 âm lịch), lễ Phật Đản (mùng 8/4 âm lịch ở Chùa Mía), lễ gỗ cụ Thám hoa Giang Văn Minh (mùng 2 tháng 6 âm lịch), lễ giỗ vua Ngô Quyền (ngày 14/8 âm lịch). Song song với phần lễ trang trọng, theo đúng nghi lễ truyền thống là phần hội với những trò chơi dân gian truyền thống diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội.

Có thể nói không quá rằng, Đường Lâm là hồn cốt của văn hóa Sơn Tây nói riêng và xứ Đoài nói chung, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với mảnh đất giàu truyền thống này.Với những giá trị tiêu biểu, quý báu đó, quần thể di tích lịch sử - văn hóa Làng cổ ở Đường Lâm đã được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 28/11/2005.