(Thứ ba, 03/01/2023, 07:33 GMT+7)

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, người con xứ Nghệ, người lính chiến trong chiến trường, từng là một xạ thủ đại liên. Ông sinh năm 1947 tại xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ). Đã sắp bước sang tuổi 80, ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông là người luôn bình dị, gần gũi, khiêm nhường, suốt cuộc đời rèn luyện, chiến đấu, học tập không ngừng nghỉ. Trò chuyện với chúng tôi, ông nói rất tâm huyết về văn hóa quân sự Việt Nam từ cội nguồn lịch sử và khẳng định đó chính là nền tảng sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

VHQSThưa Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai! Là một người từng nhiều năm chiến đấu nơi chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước; tiếp đó là hàng chục năm gắn bó, công tác trên nhiều cương vị dưới mái trường Sĩ quan Lục quân 2 - cái nôi đào tạo ra hàng vạn sĩ quan, bổ sung nguồn lực lớn cho Quân đội, nay đã nghỉ hưu, song nhiều bài viết, hồi kí, bài phát biểu của ông luôn rất sâu sắc, nhất là về lĩnh vực văn hóa quân sự, một thành tố quan trọng hình thành vẻ đẹp bộ đội Cụ Hồ. Ông có thể khái lược những nét cơ bản về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Trước tiên, cảm ơn Văn hóa Quân sự đã dành cho tôi cuộc trò chuyện này. Câu hỏi rất thú vị và rất rộng, khó có thể khái quát hết được. Song phải khẳng định rằng: Văn hóa quân sự ở Việt Nam đã có từ nhiều nghìn năm lịch sử. Tiến trình lịch sử của dân tộc ta, nhân dân ta là một tiến trình đầy thử thách, gian nan, mất - còn, thành - bại, khi có độc lập tự chủ và nhiều khi đất nước bị xâm lăng. Bởi như vậy, văn hóa quân sự của Việt Nam phải được bắt đầu từ cội nguồn lịch sử, từ những giá trị riêng chỉ có ở Việt Nam, từ thời Hùng Vương, tiếp đến An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí - Vạn Xuân, Phùng Hưng giành độc lập dân tộc, Ngô Quyền lập quốc, Đinh Tiên Hoàng - Đại Cồ Việt, Tiền Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn dựng xây Đại Việt hùng cường, xác lập võ công, văn hiến thảy đều có được và dày thêm văn hóa quân sự để sánh vai với Tần - Hán - Tấn - Tùy - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa quân sự Việt Nam càng sâu dày thêm thành tựu, luôn biết tự nâng mình trong công cuộc tham gia bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Càng đặc biệt hơn, văn hóa quân sự Việt Nam luôn nhận vào những tinh hoa truyền thống của dân tộc, của nhân dân để trưởng thành. Đó chính là vẻ đẹp đặc sắc, sự khác biệt, nét nhân văn và khoa học của văn hóa quân sự Việt Nam.

VHQSĐặc điểm cơ bản của văn hóa quân sự Việt Nam chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc, sự hòa quyện giữa tư tưởng yêu nước với tinh thần độc lập dân tộc, tạo thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả với nội dung cốt lõi được Nguyễn Trãi khái quát: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.” Văn hóa đó được thể hiện trong toàn bộ các hoạt động quân sự, nhưng rõ nét nhất, đặc sắc nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh đã trở thành truyền thống. Xin ông chia sẻ về vấn đề này…

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước, tính cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù xâm lược trở thành truyền thống mang bản sắc riêng và bền vững của Việt Nam. Đó cũng chính là giá trị văn hóa quân sự to lớn của dân tộc. Triều Trần, Trần Quốc Tuấn từng nói: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, đó là phương lược giữ nước.” Thời Hậu Lê coi trọng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc: Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân và trong chiến tranh phải đoàn kết một lòng - “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, để tập hợp sức mạnh toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh giặc giữ nước.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và phát triển quan điểm toàn dân đánh giặc lên tầm cao mới với các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của nhân dân. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu: “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”

Đó chính là nét đẹp của văn hóa quân sự cũng là nền tảng sức mạnh của quân và dân ta từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và sau này nữa.

Văn hóa quân sự có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa; trong đó, bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết chống kẻ thù xâm lược, gắn bó, sẻ chia, tương thân tương ái…, đặc biệt là phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ với những tiêu chí cụ thể, xứng đáng là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, có kỉ luật tự giác, nghiêm minh, có tình đồng chí, đồng đội và tinh thần nhân văn, gắn bó mật thiết với nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lí tưởng thiêng liêng, cao quý nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

VHQS: Vậy đối với Trường Sĩ quan Lục quân 2, nét đẹp văn hóa quân sự đã được biểu hiện như thế nào? Nhắc đến nét đẹp truyền thống của nhà trường, không thể không nhắc tới cái tên rất đáng tự hào: Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhà trường còn có tên là Đại học Nguyễn Huệ. Những võ công đã đi vào lịch sử của hoàng đế Quang Trung chính là vẻ đẹp tinh thần thượng võ của cha ông ta…

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Đúng vậy! Chúng tôi rất tự hào về mái trường mang tên vị hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cái tên luôn rất thiêng liêng, góp phần hun đúc chí khí, niềm tin lớn trong mỗi bước trưởng thành của người chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Trước tiên phải thấy rằng, Trường Sĩ quan Lục quân 2 là ngôi trường ra đời trong lòng chiến trường. Những ngày đầu, nhà trường vừa tổ chức đánh địch vừa tổ chức giảng dạy. Có những đồng chí giảng viên, học viên đã chiến đấu và anh dũng hi sinh. Những bài học từ lịch sử, từ những anh hùng lịch sử cụ thể và nhất là những tấm gương liệt sĩ của các thế hệ chống Pháp, chống Mĩ gần đây chính là nền tảng lớn để người chiến sĩ Lục quân 2 học tập, trưởng thành.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hiếm có một anh hùng nào như hoàng đế Quang Trung. Xuất thân áo vải, cả đời chinh chiến, danh vang bốn biển, đánh giặc lập nước, tôn vinh văn hiến, khuyến học khuyến tài, những bậc quốc sĩ danh thần cảm phục uy danh theo về giúp rập. Đặc biệt, trong hai lần đại phá quân Xiêm La và quân Thanh, ông đã bằng tài năng quân sự thiên bẩm của mình, đánh cho lũ giặc phía nam, phía bắc phải kinh hồn.

Hoàng đế Quang Trung có lời hịch như sấm truyền bất hủ: Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

Đó cũng là lời tuyên bố đanh thép đã trở thành thông điệp gửi tới muôn sau.

Từ những bài học lịch sử, từ những người anh hùng lịch sử, nhất là lịch sử hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã tạo ra những nền tảng tri thức để người chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2 vững bước trưởng thành. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa quân sự của trường Sĩ quan Lục quân 2.

VHQSThưa Thiếu tướng! Bước vào tuổi xưa nay hiếm hẳn ông vẫn còn nhớ rõ từng chặng đường đã đi qua, từng mặt trận mưa bom, bão đạn. Trong hồi kí, ông “tổng kết” cuộc đời mình: “Chặng đường có thử thách, gian nan, có hiểm nguy nhưng luôn giữ nguyên chất lính và đã hoàn thành được nhiệm vụ của người chiến sĩ đối với Tổ quốc.” Đó phải chăng chính là nét đẹp văn hóa quân sự trong một người chiến sĩ - vị tướng như ông? Ông có thể chia sẻ một vài kỉ niệm, dấu ấn sâu sắc nhất?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Từ làng quê nghèo huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy bước vào quân ngũ với áo nâu, chân đất, đầu trần. Gần 44 năm cuộc đời quân ngũ, 3 lần cùng đồng đội vượt Trường Sơn nắng lửa vào chiến trường, tôi có 8 năm trực tiếp chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào nên kỉ niệm nhiều lắm. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là sau ngày hòa bình lập lại, tôi được giao nhiệm vụ làm “thầy giáo đặc biệt” của những “học trò đặc biệt”. Công việc “thầy giáo đặc biệt” cũng là một dấu ấn khó quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Đầu tháng 5/1975, tôi và một số anh em trong đoàn cán bộ Học viện Chính trị được phân công về Trung đoàn 3, Sư đoàn 500, tại căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh). Tù, hàng binh là sĩ quan Quân đội Sài Gòn tập trung về căn cứ Trảng Lớn để cải tạo gần 13 ngàn người, quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá với đủ các sắc lính: bộ binh, pháo binh, cảnh sát, tình báo, biệt phái, sĩ quan tâm lí chiến... được chia thành 3 trung đoàn.

Chương trình giáo dục tù, hàng binh chia thành 10 bài. Nội dung chủ yếu nhằm vạch rõ âm mưu chính sách thực dân mới của Mĩ; đặc biệt làm rõ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng ta, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là khoan dung, độ lượng, đại xá cho những người có tội với cách mạng, với nhân dân nhưng với điều kiện họ phải thực tâm ăn năn, hối cải để xây dựng cuộc sống mới...

Tôi nhận thức đây là một lớp học rất đặc biệt. Đối tượng học không phải là học sinh. Quan hệ giữa người dạy và người học không phải là thầy - trò mà là quan hệ giữa những người chiến thắng và kẻ bại trận... Song tôi có niềm tin, họ cũng là người Việt Nam, có nguồn gốc con Lạc, cháu Hồng và hầu hết có thân nhân là người lao động. Do điều kiện, hoàn cảnh xã hội, dưới sự kiểm soát, khống chế, bắt buộc của chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mĩ mà họ hoặc tự nguyện, hoặc bắt buộc phải bước vào con đường tội lỗi. Đặc biệt là tình thế người thắng, kẻ thua đã rõ ràng, chắc mỗi người họ phải lựa chọn con đường sống cho chặng đường còn lại của bản thân và gia đình.

Có thể nói, chuyến công tác cải tạo tù, hàng binh sĩ quan Quân đội Sài Gòn thật có ý nghĩa, giúp tôi hiểu thêm nhiều điều mới mẻ. Cuối năm 1978, khi tôi đã về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, có lần đi công tác đang đứng chờ xe đón tại công viên Quách Thị Trang (TP.HCM) có người đàn ông chạy lại trước mặt tôi: “Chào thầy!” Tôi ngỡ ngàng hỏi thì anh ta đáp: “Cuối năm 1975, thầy dạy em ở căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh ạ.” Tôi chợt hiểu, bắt tay hỏi thăm, động viên anh ta cố gắng làm tốt bổn phận của người công dân trong xã hội mới…

Lúc đó, tôi và anh ấy đều rất xúc động.

VHQSVà đó cũng là nét đẹp, sự sẻ chia, trách nhiệm của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam? Với ông, đến hôm nay, hẳn đã là những tổng kết, nhìn nhận lại cuộc đời?

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai: Có lẽ mỗi người một số phận nên đường đời không giống nhau. Gần 44 năm quân ngũ, đặc biệt là 3 lần cùng đồng đội vượt Trường Sơn, 8 năm chiến đấu trên đất bạn Lào là giai đoạn khổ nhất, nhưng cũng oanh liệt nhất và đẹp nhất của đời tôi. Từ chiến trường về nhà trường làm nhiệm vụ “trồng người”, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên” để xây dựng quân đội ta “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với tôi cũng là những năm tháng không thể nào quên.

Con đường tôi đi không hanh thông, êm ả. Đó là con đường đầy thử thách, cam go, ác liệt, hi sinh. Trên con đường ấy, tôi chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, vĩnh viễn không trở về vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên con đường đó, tôi đã nhiều lần cận kề cái chết nhưng may mắn chỉ phải mang trên mình dấu tích của chiến tranh... Và, cũng trên con đường ấy, tôi nhận ra văn hóa quân sự từ cội nguồn lịch sử chính là nền tảng sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày tôi nhận quyết định của Thủ tướng cho tôi nghỉ hưu, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đã hoàn thành được nhiệm vụ của người chiến sĩ đối với Tổ quốc.

VHQSXin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

THEO VĂN HÓA QUÂN SỰ / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI