Năm 1946, khi mới mười bảy tuổi, tôi trốn khỏi nhà địa chủ xin vào bộ đội Pháo binh, thuộc Trung đoàn 675. Vì tuổi còn nhỏ, sức yếu không thể làm pháo thủ, thấy vậy trung đội giao cho tôi làm nhiệm vụ quản lý bếp ăn trung đội từ năm 1948 đến đầu năm 1950. Ba năm làm quản lý, do chưa biết chữ nên tôi thường phải dùng hòn sỏi, hạt ngô để thay cho việc ghi chép thu chi hàng ngày, nhưng không làm thâm hụt mà còn tiết kiệm cho đơn vị hơn ba trăm đồng Đông Dương lúc bấy giờ. Đến tháng 4 năm 1950, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau đó tôi được chuyển sang làm pháo thủ số 2 kiêm khẩu đội phó, thuộc Trung đội 1, Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675. Đại đội tôi có 4 trung đội, gồm 3 trung đội pháo, 1 trung đội đạn. Mỗi trung đội pháo có 1 khẩu sơn pháo 75mm, tầm bắn xa nhất 6km, sử dụng hiệu quả nhất khi bắn ngắm trực tiếp. Tôi vinh dự được tham gia các chiến dịch Biên Giới, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào.
Trước khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội tôi đang phối thuộc cho Trung đoàn 9, Đại đoàn 304, đóng ở Đồn Vàng (Phú Thọ), làm lực lượng dự bị của Chiến dịch Điện Biên Phủ và bảo vệ hậu phương. Ngày 18 tháng 3 năm 1954, chúng tôi được lệnh hành quân gấp lên Điện Biên Phủ tham gia đợt tiến công thứ 2 của chiến dịch. Ngày 19 tháng 3, đại đội tôi hành quân với 7 xe ô tô, 3 khẩu sơn pháo và 90 viên đạn. Quân số của đại đội có 42 người, gồm 3 cán bộ đại đội, 3 cán bộ trung đội, 2 liên lạc, 24 pháo thủ, 10 anh nuôi, quản lý. Lúc đó tôi được đề bạt làm Khẩu đội trưởng. Như vậy, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, mỗi khẩu đội sơn pháo 75mm của chúng tôi chỉ biên chế 9 người, kể cả trung đội trưởng. Số còn lại của đại đội nhận súng bộ binh ở lại làm nhiệm vụ khác. Chúng tôi hành quân 6 ngày đêm thì đến gần chân đồi Him Lam, được lệnh đưa pháo xuống xe. Để đảm bảo an toàn và bí mật, ban ngày chúng tôi phải giấu pháo trong rừng, khẩu pháo được tháo rời và để trong một hầm riêng.
Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3, đại đội vào vị trí tập kết. Khu vực Điện Biên Phủ bắt đầu mưa, đường và giao thông hào rất trơn và lầy lội. Tám pháo thủ trong mỗi khẩu đội phải khiêng pháo với trọng lượng 500kg tháo rời ra 9 bộ phận lớn nhỏ. Theo biên chế thì 4 bộ phận lớn, mỗi bộ phận phải 4 người khiêng. 5 bộ phận còn lại mỗi bộ phận phải 2 người khiêng. Nhưng vì không đủ người nên đành phải khắc phục: bộ phận khiêng 4 người nay chỉ còn 2 người khiêng, bộ phận khiêng 2 người nay phải vác, đi dọc trong giao thông hào đầy bùn nước, dài hai cây số rưỡi. Thời gian này các đồng chí đại đội trưởng, chính trị viên đại đội và trung đội trưởng đi chuẩn bị trận địa bắn. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đào công sự pháo trong hai đêm 28 và 29 tháng 3.
Ngày 30 tháng 3, ngay từ buổi trưa, khẩu đội tôi cùng hai khẩu đội trong đại đội được lệnh chiếm lĩnh trận địa ban ngày. Trận địa pháo của ta bố trí gần lô cốt địch, đại đội trưởng và trung đội trưởng ước lượng cự ly bắn khoảng 150m. Sườn đồi bị bom đạn cày xới nên hầu như không có một vạt cây, rất dễ bị lộ. Chúng tôi phải bò và dùng dây buộc vào các bộ phận pháo để kéo lên chiếm lĩnh. Nhiệm vụ đưa pháo chiếm lĩnh trận địa được hoàn thành và địch không phát hiện được.
18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, bộ đội ta nổ súng mở màn đợt tiến công thứ hai của chiến dịch. Khẩu đội sơn pháo của tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh mở cửa mở và xung phong đánh chiếm đồi E, với số đạn được bắn là 30 viên, tiết kiệm thì được khen thưởng, bắn quá số đạn thì phải chịu kỷ luật. Tôi rất lo, không biết chữ, chưa sử dụng được máy ngắm, tôi phải bắn nhắm trực tiếp qua nòng pháo. Được lệnh bắn, tôi ngắm bắn phát đầu tiên vào lỗ châu mai của lô cốt thứ nhất. Đạn gần, không trúng mục tiêu. Tôi quan sát thấy đạn nổ còn cách lỗ châu mai khoảng 10m. Tôi đề nghị được tăng thước tầm 160m và thay đổi điểm ngắm. Tôi bắn phát thứ 2, viên đạn chui thẳng vào lỗ châu mai, lô cốt 1 bị tiêu diệt. Được lệnh, tôi chuyển sang bắn lô cốt 2,3,4. Khẩu đội tôi bắn hết 22 viên đạn thì 21 viên đều chính xác, diệt được 4 lô cốt và tiết kiệm được 8 viên đạn, chi viện đắc lực cho đơn vị bộ binh của Trung đoàn 209 hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm đồi E sau gần 1 giờ chiến đấu.
Sau trận đánh tiến công tiêu diệt cứ điểm trên đồi E thắng lợi, tôi vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu của Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đêm ngày mồng 2 tháng 4 năm 1954, 3 khẩu đội pháo của đại đội 755 chúng tôi được lệnh lên đồi E làm nhiệm vụ. Quân số của đại đội lúc này chỉ có 30 người. Nhiệm vụ của sơn pháo 75 ngắm bắn trực tiếp diệt pháo, xe tăng và bộ binh địch tăng viện phản kích. Các khẩu đội được bố trí trong công sự có nắp, kín đáo, địch không thể phát hiện được, kể cả ban ngày khi ta chưa nổ súng.
Từ ngày 5 tháng 4 đến ngày 17 tháng 4, khẩu đội 1 của tôi được cấp trên lệnh cho là hàng ngày phải thực hiện bắn thăm dò hỏa lực của địch bố trí ở những chỗ nào, khi có thời cơ thì tiêu diệt. Sau 12 ngày đêm, khẩu đội tôi chỉ còn lại 4 đồng chí, 5 đồng chí khác đã bị thương vong. Các khẩu đội 2 và 3, quân số còn nguyên (9 đồng chí) vì hai khẩu đội đó chưa được lệnh chiến đấu, vẫn giữ bí mật lực lượng.
Thời gian này, các đơn vị bộ binh, công binh ngày đêm chiến đấu, làm việc quên mình đào chiến hào và hầm chia cắt, bao vây, siết chặt phạm vi đóng quân của địch; đồng thời kiên quyết đánh lui các cuộc phản kích của chúng. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, một vài anh em có biểu hiện dao động, tôi có lúc tưởng chừng không sống nổi. Nhưng được nguồn động viên từ chiếc Huy hiệu của Bác đang đeo trên ngực, được sự giáo dục động viên kịp thời của cán bộ cấp trên và đồng đội, chúng tôi đã kiên cường bám trụ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, củng cố lực lượng và tinh thần, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giành toàn thắng cho chiến dịch.
12 giờ ngày 23 tháng 4 năm 1954, đại đội tôi được lệnh tập kích trận địa pháo 105mm của địch (4 khẩu) đang bắn vào đội hình của bộ binh ta đang đánh cắt sân bay Mường Thanh. Trận địa pháo của địch nằm bên cạnh sông Nậm Rốm, cách khẩu đội tôi khoảng 250m. Lúc đó pháo địch kéo ra ngoài công sự. Sau khi chuẩn bị xong, khẩu đội 2 và khẩu đội 3 mở lỗ châu mai (miệng hầm pháo). Xe tăng địch phát hiện thấy và bắn trúng vào hai khẩu đội. Cả 2 khẩu đội 2 và 3 pháo đều bị hỏng, không chiến đấu được. Các pháo thủ của 2 khẩu đội đều bị thương vong (7 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương). Lúc này khẩu đội 1 của tôi chỉ còn 4 đồng chí. Đại đội gọi tôi lên hầm giao nhiệm vụ và thông báo cho tôi biết tổn thất của đại đội. Nghe tin này, tôi đã khóc vì căm thù bọn giặc Pháp, vì thương tiếc đồng đội và hứa với đại đội trưởng, với chính trị viên đại đội là quyết tâm trả thù cho đồng đội, sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Tôi tự nhủ phải biến hai dòng nước mắt thành hành động cách mạng, phải giữ vững ý chí của người đảng viên cộng sản, quyết tiêu diệt bằng được 4 khẩu pháo của địch.
Tôi ngắm khẩu thứ nhất của địch, bắn 3 phát, trúng cả 3 viên. Khẩu 1 của địch bị diệt gọn. Địch phát hiện được khẩu đội tôi, tập trung hỏa lực bắn sập miệng cửa hầm pháo, làm cho khẩu đội tôi không bắn được nữa. Tôi thoát ra khỏi công sự, mở lại cửa hầm pháo (lỗ châu mai), sau 10 phút lại có thể bắn được.
Tôi ngắm bắn khẩu thứ 2 của địch. Phát 1 chưa trúng pháo, nhưng trúng hầm đạn nên gây cháy nổ lớn. Phát thứ 2 và thứ 3 bắn trúng pháo và khẩu 2 đã bị tiêu diệt. Đại liên của địch bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Một đồng chí trong khẩu đội tôi bị thương gãy tay. Tôi cử đồng chí Chài dìu đồng chí bị thương về phía sau chân đồi E. Tôi quay nòng pháo bắn trúng 2 khẩu đại liên của địch. Tôi giục đồng chí Lý Văn Pao, khẩu đội phó kiêm pháo thủ nạp đạn chạy theo đồng chí bị thương, báo tin đại liên của địch đã bị tiêu diệt cho anh em mừng và yên tâm.
Còn một mình tôi với khẩu pháo tôi vẫn kiên quyết tiến công. Tôi ngắm khẩu thứ 3 của địch tự mình nạp đạn và bắn liền 3 phát. Khẩu 3 đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đồng chí Pao quay lại báo tin cho tôi là đồng chí Chài bị thương gãy xương. Tôi nói với đồng chí Pao: “Ta là hai đảng viên, phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Địch còn một khẩu nữa thôi...”
Xe tăng của địch bắn nhiều phát gần trúng vào lỗ châu mai. Tôi hô Pao lui ra khỏi công sự đồng thời nhanh tay lấy bao tải đất bịt vào lỗ châu mai. Tôi lấp được bao thứ 5 thì địch bắn trúng 5 tải đất, sức ép của đạn pháo địch làm tôi bất tỉnh. Tôi được cán bộ đại đội và Pao cấp cứu. Một lúc sau tỉnh lại, tôi hỏi Pao và đại đội là pháo có bị hỏng không? Tự nhiên tôi khỏe lên. Nhìn xuống khẩu pháo thứ 4 của địch, chúng đang kéo vào trong hầm.
Tôi báo cáo đại đội và hô đồng chí Pao vào vị trí chiến đấu. Tôi bắn 1 phát trúng ngay khẩu pháo thứ 4 của địch. Tôi nghe tiếng hô: “Trúng rồi! Bắn! Bắn 2 phát nữa cho chúng nó tan xác hết...”
Tôi và Lý Văn Pao bắn 15 viên đạn tiêu diệt được 4 khẩu pháo 105mm; 2 khẩu đại liên của địch, tiết kiệm được 15 viên đạn.
Đại đội trưởng ra lệnh cho 2 chúng tôi: “Tháo pháo ra, phân tán vào hầm ếch trong giao thông hào; lấy tất cả bao tải đất bịt kín lỗ châu mai”. Tôi và Pao đang kéo khẩu sơn pháo lui nòng vào trong công sự thì xe tăng địch bắn trúng nắp phải công sự. Đồng chí Pao bị cắt mất đi bàn chân trái. Đồng chí Pao đi quân y điều trị và sau khi ra viện về địa phương theo chính sách phục viên.
Từ ngày 26 tháng 4 trở đi, ở trên đồi E chỉ còn có đồng chí đại đội trưởng, chính trị viên đại đội, tôi và khẩu sơn pháo 75mm tiếp tục chiến đấu chi viện đắc lực cho bộ binh cho đến khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.
36 ngày đêm chiến đấu trên đồi E trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội tôi đã chiến đấu dũng cảm tiêu diệt 4 lô cốt, 5 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn và nhiều sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu tiến công và phòng ngự thắng lợi. Tôi được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công (2 hạng Ba, 1 hạng Hai).
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi rất vinh dự là một trong hai đồng chí được Đại đoàn công pháo 351 đưa lên chiến khu cách mạng chúc thọ Bác Hồ nhân dịp ngày 19 tháng 5 năm 1954. Trong buổi gặp này, Bác thay mặt Chính phủ gắn Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ cho các vị đại biểu xuất sắc của các đại đoàn. Bác căn dặn: “Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch. Các chú đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các chú phải luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, trung thực, thật thà và thẳng thắn học hỏi mọi người để tiến bộ...”
Lời căn dặn của Bác đã chỉ cho tôi đi suốt cả cuộc đời.
Gần 42 năm quân ngũ, hơn 50 năm tuổi Đảng, tôi được Đảng. Bác Hồ giáo dục và rèn luyện. Tôi rất vinh dự tự hào được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Kỷ niệm trong đời tôi có nhiều, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là cuộc chiến đấu 36 ngày đêm trên đồi E kể trên.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ban chiến đấu Điện Biên Phủ của tôi người còn, người mất. Chúng tôi đều đã qua lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”. Nhân kỷ niệm 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi viết bài này không chỉ kể lại những chiến công của bộ đội ta nói chung, đơn vị tôi nói riêng mà muốn nói lên rằng chiến thắng vĩ đại đó đã giành được bằng biết bao xương máu của cả dân tộc. Có chiến thắng Điện Biên Phủ là vì có Đảng anh hùng, nhân dân anh hùng và quân đội anh hùng. Chúng ta không được bao giờ quên những người con yêu quý của Tổ quốc đã hiến dâng một phần máu thịt của mình hoặc đã hy sinh anh dũng cho huyền thoại Điện Biên Phủ của chúng ta trở thành bất tử.
Theo ĐẠI TÁ - ANH HÙNG ĐIỆN BIÊN PHÙNG VĂN KHẦU