(Thứ bảy, 28/10/2023, 05:59 GMT+7)
PHÙNG tộc thanh danh quyện khói hương
VĂN bia đại tự sáng từ đường
BẰNG son tộc phả còn in dấu
Hậu duệ ANH HÙNG đẹp tấm gương
(Thơ của Phùng Quang Lãm)
 
Ông Phùng Văn Bằng (1936-2000) là hậu duệ thế hệ thứ 9 của dòng họ Phùng Quốc Công, được sinh ra và lớn lên tại làng My Động, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, con thứ hai của cụ ông Phùng Văn Phiên (tức cụ Cát) và cụ bà chính thất Phạm Thị Tơ.
 
Ông Phùng Văn Bằng (1969)
Phùng Văn Bằng khi còn công tác tại đảo Hòn Dấu, Hải Phòng năm 1969
 
Ông sinh ra và lớn nên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Trong đó có người anh Trai ông - Phùng Văn Phan - đã anh dũng hy sinh thân mình để bảo vệ sự an toàn của tổ chức và đồng đội trước sự tàn sát dã man của giặc Pháp. Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, với lòng căm thù giặc sau sắc, mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng  Phùng Văn Bằng đã tích cực tham gia đoàn cứu quốc, trong đội quân du kích.
 
Năm 1952, sau khi người con trai cả Phùng Văn Phan bị giặc Pháp truy lùng, sát hại, vợ chồng cụ Phiên cùng các con buộc phải xa quê My Động để đến với Hải Phòng. Tại đây, ông Phùng Văn Bằng làm công nhân tại Ty Hoa Đăng với nghề đốt đèn biển. Trong công tác ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xung phong nhiệm vụ tại nơi sóng gió, hải đảo xa xôi, bền bỉ dẻo dai trong điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt, biểu hiện tinh thần làm chủ, lôi cuốn phong trào, động viên mọi người hăng hái, đầu tầu gương mẫu trong gian khó, có lúc tưởng như hy sinh tới tính mạng khi sóng to gió lớn trước biển khơi. Nhưng cây đèn biển vẫn được thắp sáng liên tục 24/24 giờ, dẫn đường cho các con thuyền của nhân dân qua lại, làm ăn sinh sống được an toàn; các tàu chở hàng hóa của bè bạn quốc tế được thông suốt; các con tàu chở súng đạn, lương thực vào ra cảng Hải Phòng, xây dựng đất nước, chi viện cho chiến trường để tiến tới giải phóng Miền Nam thống nhất tổ quốc. Tấm gương lao động của ông đã được nhà văn Bùi Ngọc Tấn thể hiện trong tác phẩm Người gác đèn cửa Nam Triệu. Từ đó biệt danh “Đèn Biển” đã gắn liền với người thanh niên Phùng Văn Bằng.
 
Ông đã lập được nhiều thành tích trong lao động sản xuất, được Bộ Giao thông Vân tải, của Thủ tướng Chính Phủ tặng thưởng nhiều Bằng khen. Ngày 3/5/1962 ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, cũng cùng ngày đó năm 1963, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vinh dự được đích thân nguyên thủ quốc gia tặng thưởng và vinh danh. Tên tuổi thành tích của ông đã được cả nước biết đến, ngành giao thông vận tải, nhân dân Hải Phòng biết tên ông với cương vị Đại biểu Hội đồng Nhân. Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác, trong đó có cương vị Bí thư Đảng ủy Công ty Bảo đảm Hàng Hải I (tức Ty Hoa Đăng trước đây, ngày nay là Tổng Công ty Bảm đảm An toàn Hàng Hải Miền Bắc). Phòng truyền thống đảo Hòn Dấu ngày nay vẫn còn lưu niệm những hình ảnh, kỷ vật từ khi ông còn làm việc với đồng chí, đồng nghiệp ngoài biển khơi.

Phùng Văn Bằng (ảnh chụp năm 1998)
 
Là người lãnh đạo, ông sống tran hòa, thanh bạch. Về đời thường, trong sinh hoạt, ông giản dị. Ông có một gia đình hạnh phúc, các con ông đều học hành thành đạt, giỏi trong làm ăn kinh tế, xây dựng quê hương đất nước. Ông và gia đình luôn chăm lo công việc của họ tộc, có nhiều đóng góp to lớn cả về vật chất và tinh thần với ý niệm đưa dòng họ Phùng Quốc Công phát triển mạnh mẽ đi lên, là tấm gương sáng cho các hậu duệ dòng họ noi theo.
 
Ngày 20 tháng 10 năm 2000 (tức ngày 23 tháng 9 âm lịch), ông Phùng Văn Bằng qua đời tại nhà riêng ở Hải Phòng. Tên ông được ghi trang trọng trong các văn bia, sổ truyền thống và gia phả dòng họ Phùng Quốc Công. trong kỷ yếu “Họ Phùng Việt Nam”, trong các tư liệu lịch sử của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, Tổng Công ty Bảm đảm An toàn Hàng Hải Miền Bắc, Bộ Giao thông Vận tải và Nhà nước Việt Nam.
 
Ngày 23 tháng 11 năm 2012, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, đã ban hành quyết định số 22/2012/QĐ-UBND, trong đó lấy tên anh hùng lao động Phùng Văn Bằng đặt tên cho một phố tại thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện như một sự ghi nhận, vinh danh người con ưu tú của quê hương. Phố Phùng Văn Bằng: điểm đầu là phố Nguyễn Nghi, điểm cuối là phố Vũ Văn Dũng, chiều dài 181,7m; chiều rộng 7m. Anh hùng Phùng Văn Bằng đã sinh ra tại đây và ông mãi mãi được gắn liền với mảnh đất này.
 
Theo Gia phả dòng họ Phùng Quốc Công, năm 2013