(Thứ bảy, 27/04/2024, 10:32 GMT+7)

BÀI CA VÀ CÂU CHUYỆN ĐIỆN BIÊN
 
(Nhân Kỷ niệm 70 năm
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024))
 
Phùng Văn Khai
 
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”
 
Trập trùng mây núi, núi mây
Bảy mươi năm ấm đất dày Điện Biên
Hàng hàng bia mộ khuyết tên
Hoa ban đỏ thắm nỗi niềm khôn khuây.
 
Người lấy thịt da mình cứu pháo
Người dùng thân lấp lỗ châu mai
Mẹ cha vun đắp hình hài
Máu xương trộn với đất đai cỏ mềm.
 
Năm mươi sáu ngày đêm lửa đỏ
Gần bốn nghìn liệt sĩ khuyết danh
Đã vào trong cuộc tử - sinh
Thù nhà, nợ nước kết vành hoa thơm.
 
Thù nhà ư? Noong Nhai còn đó[1]
Hơn bốn trăm già, trẻ, gái, trai
Bom trút xuống đầu người vô tội
Căm hờn này đâu dễ nguôi ngoai.
 
Nợ nước ư? Trăm năm đô hộ
Giặc tham tàn trời đất không tha
Lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập
Non sông là của Việt Nam ta!
 
Nào ai muốn vào cơn binh lửa?
Nào ai ham mối họa chiến tranh?
Thực dân, đế quốc gian manh
Lọc lừa, gian trá, trăm nghìn kế mưu...
 
Xé Tạm ước, đô thành lửa cháy
Bom ba càng cảm tử địch quân
Vâng lệnh Bác! Toàn dân kháng Pháp!
Rừng chiến khu lửa đỏ mấy tầng.
 
Không có súng ta làm ra súng
Không có lời ca ta viết lời ca
Miền ngược, miền xuôi chung câu hát
“Bộ đội ta vâng lệnh Cha già”.
 
Đôi mắt trũng sâu Người vào chiến dịch
Biên Giới, Hòa Bình, chiến cục Đông - Xuân
Pháo ta gầm vang tan xác tàu chiến Pháp
Sông Lô! Hoan hô! Sóng nước cuộn ầm ầm...
 
Tàu chiến địch tuyệt đường lên Tây Bắc
Bộ đội ta lớn mạnh không ngừng
Kế độc Nava dựng tập đoàn cứ điểm
Dụ đại quân ta rời khỏi núi rừng.
 
Đờ Cát còn gửi thư khiêu chiến
Giọng kẻ xâm lăng phách lối, ngông nghênh
Có lẽ nào nơi đất thiêng Tổ quốc
Bộ đội ta lại để chúng yên?
 
Nhưng đánh giặc phải đánh bằng kế sách
Phải tránh hy sinh tới giọt máu cuối cùng
Phải chắc thắng mới mở màn chiến dịch
Máu xương nào cũng cội rễ nguồn chung.
 
Nắm ngải cứu hầm hập đầu Đại tướng
Kéo pháo vào rồi lại phải kéo pháo ra
Từng người mẹ, người cha, từng chiến sĩ
Giống nòi ta phải giữ giống nòi ta.
 
Từng mét hào đo thân liệt sĩ
Máu đôi mươi đen dây thép ba tầng
Bao chiến sĩ thân chôn làm giá súng
Hồn khuất rồi xác vẫn xung phong.
 
Bùn máu Điện Biên hòa trộn lẫn
Gần bốn nghìn liệt sĩ khuyết danh
Sông Nậm Rốm chậm nguồn lệ đỏ
Ráng chiều tà quấn chặt lũ hàng binh.
 
Người chiến thắng bỗng lặng đi, không nói
Bạn ta đâu? Nghìn đồng đội đâu rồi?
Lá cờ đỏ sạm đen dày vết đạn
Người lính cũng như cờ chỉ biết lặng im thôi.
 
Đã thấm thoắt bảy mươi năm rồi đó
Ông đã sinh cha, cha đã sinh con
Con sinh cháu, cháu đã thành chiến sĩ
Vầng hoa thơm, vầng cỏ non thơm.
 
Tôi đã khóc khi mình năm mươi tuổi
Trước mộ khuyết danh chiến sĩ Điện Biên
Sát bên tôi cậu Binh nhì cũng khóc
Mắt ngẩn ngơ tìm mộ ông mình.
 
Tầng mộ trắng mỉm cười như trò chuyện
Vầng mây trên cao sà xuống rất gần
Người lính trẻ bỗng đứng nghiêm khẽ nói
Cháu đến đây rồi! Ông nhận được cháu không?


Nhà văn Phùng Văn Khai tại phòng làm việc


 
BÀI CA VÀ CÂU CHUYỆN ĐIỆN BIÊN -
Hùng ca và bi ca - Những vang vọng sử thi!

Nguyễn Thanh Tú

Đã có nhiều bản tổng kết về chiến dịch lịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, nhưng với bài thơ này, Phùng Văn Khai có lối đi khác, vừa khái quát được tầm lịch sử vừa “lảy” ra những kiến giải riêng, mới mẻ.

Bài thơ mở ra một không gian Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên, nơi yên nghỉ ngàn năm của những anh hùng đã tạc vào lịch sử nhân loại trận đánh vĩ đại:

Trập trùng mây núi, núi mây
Bảy mươi năm ấm đất dày Điện Biên
Hàng hàng bia mộ khuyết tên
Hoa ban đỏ thắm nỗi niềm khôn khuây.

Câu đầu mở ra một không gian “mây núi, núi mây” nhưng không phải để tả mà để nâng hình tượng những “hàng hàng bia mộ” cũng ngang tầm với mây, với núi. Những anh hùng ấy đã đi vào vũ trụ ngàn năm mây núi để bất tử cùng lịch sử. Một sự ca ngợi, tôn vinh thật xứng đáng!


Các nhà văn Quân đội tại Điện Biên năm 2004

Thái độ thành kính, biết ơn, bài thơ tái hiện lịch sử một cách khái quát nhất trong âm hưởng trầm hùng của sử thi:

Người lấy thịt da mình cứu pháo
Người dùng thân lấp lỗ châu mai
Mẹ cha vun đắp hình hài
Máu xương trộn với đất đai cỏ mềm.
 
Năm mươi sáu ngày đêm lửa đỏ
Gần bốn nghìn liệt sĩ khuyết danh
Đã vào trong cuộc tử - sinh
Thù nhà, nợ nước kết vành hoa thơm.

Cấu trúc ba đoạn mở đầu đi theo thể song thất lục bát thật đắc địa, trang nghiêm mà trữ tình như hai hàng tiêu binh đưa người đọc vào viếng nghĩa trang. Năm đoạn tiếp là thơ bảy chữ Đường luật như đưa người đọc về một thời lịch sử bi hùng. Đó là tội ác của giặc Pháp khi hèn hạ trả thù sự thua thảm hại trên chiến trường mà dã man thả bom giết chết 444 người dân vô tội. Là những hình ảnh dân ta một cổ hai tròng trong kiếp tôi đòi, là âm hưởng lời Bác khai sinh ra nước Việt Nam tự do, độc lập. Là hình ảnh toàn dân ta đứng dậy theo lời Hồ Chủ tịch kêu gọi đứng lên kháng chiến:
 
Xé Tạm ước, đô thành lửa cháy
Bom ba càng cảm tử địch quân
Vâng lệnh Bác! Toàn dân kháng Pháp!
Rừng chiến khu lửa đỏ mấy tầng.
 
Không có súng ta làm ra súng
Không có lời ca ta viết lời ca
Miền ngược, miền xuôi chung câu hát
“Bộ đội ta vâng lệnh Cha già”.

Hình ảnh thơ như có lửa cháy. Nhịp thơ mạnh. Giọng thơ vang vọng, hùng tráng. Cả một không gian đất nước được mở ra đầy ắp niềm tin, có cả xôn xao tiếng hát, có cả âm hưởng mạnh mẽ của nhịp hành quân của đoàn đoàn bộ đội: “Miền ngược, miền xuôi chung câu hát/ “Bộ đội ta vâng lệnh Cha già”.


Nhà văn Phùng Văn Khai tiếp nhận tư liệu làm sách Điện Biên

Là tiếng nói của cảm xúc nên nhịp điệu thơ tuân theo cung bậc tâm trạng. Cảm xúc lên đến cao trào, thi tứ, hình ảnh vượt ra khỏi cấu trúc, câu thơ buộc đi theo lối tự do: 

Đôi mắt trũng sâu Người vào chiến dịch
Biên Giới, Hòa Bình, chiến cục Đông - Xuân
Pháo ta gầm vang tan xác tàu chiến Pháp
Sông Lô! Hoan hô! Sóng nước cuộn ầm ầm...
 
Tàu chiến địch tuyệt đường lên Tây Bắc
Bộ đội ta lớn mạnh không ngừng
Kế độc Nava dựng tập đoàn cứ điểm
Dụ đại quân ta rời khỏi núi rừng.

Không gian được mở rộng ra để trập trùng hình ảnh đất nước hiện lên, để âm thanh của pháo, của sóng nước, của âm vọng hoan ca, hùng ca, tráng ca chiến thắng cất lên. Những đoạn tiếp hình ảnh thơ dừng lại hình ảnh tướng Đờ Cát ngông nghênh hiếu thắng đối lập triệt để với hình ảnh Đại tướng ưu tư trăn trở:

Nắm ngải cứu hầm hập đầu Đại tướng
Kéo pháo vào rồi lại phải kéo pháo ra
Từng người mẹ, người cha, từng chiến sĩ
Giống nòi ta phải giữ giống nòi ta.

Kiến tạo lời thơ theo nguyên tắc điện ảnh, hình ảnh thơ như được “chụp” sắc nét, rõ ràng, chi tiết. Lại có những hình ảnh trừu tượng tạo ra không gian vừa kỳ vỹ, lớn lao, vừa cụ thể, gần gũi:

Từng mét hào đo thân liệt sĩ
Máu đôi mươi đen dây thép ba tầng
Bao chiến sĩ thân chôn làm giá súng
Hồn khuất rồi xác vẫn xung phong.
 
Bùn máu Điện Biên hòa trộn lẫn
Gần bốn nghìn liệt sĩ khuyết danh
Sông Nậm Rốm chậm nguồn lệ đỏ
Ráng chiều tà quấn chặt lũ hàng binh.


Nhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại Điện Biên

Cảm hứng đang dâng trào, mạch thơ đang nhanh, sôi nổi, bỗng dưng nhịp thơ lắng lại, không gian trở nên im lặng, trang nghiêm. Một chất vấn cồn cào nổi lên trong tâm trạng:

Người chiến thắng bỗng lặng đi, không nói
Bạn ta đâu? Nghìn đồng đội đâu rồi?
Lá cờ đỏ sạm đen dày vết đạn
Người lính cũng như cờ chỉ biết lặng im thôi.

Tất cả như cúi đầu tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ. Ba khổ cuối mạch thơ trở về thời hiện tại:

Đã thấm thoắt bảy mươi năm rồi đó
Ông đã sinh cha, cha đã sinh con
Con sinh cháu, cháu đã thành chiến sĩ
Vầng hoa thơm, vầng cỏ non thơm.

Thì ra những chiến công vì Tổ quốc, hy sinh vì Tổ quốc sẽ không giờ mất, sẽ mãi mãi tạc vào lịch sử, tạc vào vũ trụ để trở thành linh hồn của lịch sử, linh hồn của tạo hóa. Bài thơ khép lại bằng hiện tại với hình ảnh các thế hệ tiếp nối. Cả hai người lính đều khóc. Một tiếng khóc đồng vọng tri ân lịch sử để cùng hướng về tương lai tốt đẹp.

Tôi đã khóc khi mình năm mươi tuổi
Trước mộ khuyết danh chiến sĩ Điện Biên
Sát bên tôi cậu Binh nhì cũng khóc
Mắt ngẩn ngơ tìm mộ ông mình.
 
Tầng mộ trắng mỉm cười như trò chuyện
Vầng mây trên cao sà xuống rất gần
Người lính trẻ bỗng đứng nghiêm khẽ nói
Cháu đến đây rồi! Ông nhận được cháu không?


Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú - tác giả bài bình thơ

Quá khứ là bệ đỡ cho hiện tại bước vào tương lai. Một quá khứ kỳ vỹ, lớn lao, vẻ vang như vậy. Một hiện tại đang hướng về mạch nguồn truyền thống, đang tiếp thu gia sản văn hóa giàu có từ truyền thống để làm giàu thêm hiện tại. Tương lai đang nở hoa trước lịch sử!


[1] Ngày 25 tháng 2 năm 1954, giặc Pháp dồn dân trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em rồi ném bom sát hại ở Noong Nhai, giết 444 người.