(Thứ ba, 21/05/2019, 05:55 GMT+7)

BẾ MẠC HỘI THẢO PHÙNG HƯNG - THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

Trung tướng Phùng Khắc Đăng

Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam

                                                 

  Hôm nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng ta rất vui mừng trước sự tổ chức thành công Hội thảo khoa học về Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có một cuộc Hội thảo khoa học về một vị vua cách chúng ta trên 1200 năm, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

  Thay mặt Ban Tổ chức, với tư cách là đơn vị đồng chủ trì Hội thảo, tôi chân thành cảm ơn các quí vị đại biểu đã quan tâm đến dự, cám ơn các nhà khoa học đã có những bài viết, những phát biểu sâu sắc, khoa học và tôn kính đức vua.
 

Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phát biểu Bế mạc Hội thảo
 

   Thưa quí vị đại biểu!

   Họ Phùng là một họ nhỏ, phân bố rộng khắp trên mọi miền đất nước. Từ nhiều năm nay, con cháu họ Phùng luôn mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về nguồn cội, về những danh nhân, danh thần của dòng họ trên mảnh đất hình chữ S thân yêu, để tiếp thêm động lực cho sự phấn đấu, xây dựng lòng tự hào, tự trọng, đức hiếu kính với tổ tiên, mong muốn cùng các dòng họ khác xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, giàu mạnh, văn minh theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.

  Để tiếp thêm động lực cho sự phấn đấu, xây dựng lòng tự hào, tự trọng, đức hiếu kính với tổ tiên ấy, từ nhiều năm nay, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã chủ trương tìm tòi, giới thiệu đến con cháu trong dòng họ những công lao, đóng góp của những người con của dòng họ như các danh nhân, danh thần qua các thời đại, để các thế hệ con cháu noi theo phấn đấu.

  Thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2010 đến nay, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã chủ động phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo và chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương để tổ chức thành công 5 cuộc Hội thảo:

  Lần 1: Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2011);

  Lần 2: Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp nhân 400 ngày mất đức cụ (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2013);

  Lần 3: Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với Cách mạng miền Nam (có sự tham gia của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, 2013);

  Lần 4: Thái phó Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - UBND huyện Ba Vì, 2016);

 

  Lần 5: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp mà chúng ta đang chứng kiến (Thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2019).

   Thưa các quý vị! Để có được cuộc Hội thảo hôm nay, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã chủ động mời các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học, tổ chức nhiều cuộc điền dã về những vùng quê lưu dấu đức vua. Gần hai năm mải miết tìm kiếm, trong số đó có Tiến sĩ Phùng Thảo, Tiến sĩ Đinh Công Vỹ đã lặn lội đi sưu tầm tư liệu. Thật cảm động trước tấm lòng của các nhà khoa học, những tài liệu này sẽ là nguồn động viên cổ vũ rất tốt đối với các thế hệ người họ Phùng nói riêng, các thế hệ người Việt Nam nói chung thêm tự hào và cố gắng học tập noi gương.

  Có được 5 cuộc Hội thảo thành công và có được 5 đầu sách, chúng tôi, những con họ Phùng trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà sử học Dương Trung Quốc, mặc dù rất bận, ông vừa là người đại biểu của dân, vừa làm nghiệp vụ chuyên môn, song đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm với các hoạt động của họ Phùng trên lĩnh vực khoa học - lịch sử. Bốn trên năm cuộc hội thảo ông đều có mặt đồng chủ trì.

  Chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Thành phố Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc Hội thảo về Bác sĩ Phùng Văn Cung.

  Xin gửi lời cảm ơn bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, ủy viên TW Đảng, Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo chặt chẽ, tạo điều kiện cho cuộc Hội thảo về Bác sĩ Phùng Văn Cung thành công tốt đẹp.

  Cảm ơn lãnh đạo huyện Thạch Thất, huyện Ba Vì và đặc biệt là lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chung, Ủy viên TW Đảng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo, động viên để cuộc Hội thảo hôm nay thành công tốt đẹp.

  Chúng tôi rất cảm động về sự có mặt của các nhà khoa học, của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sự có mặt của ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và đông đảo các nhà khoa học là nguồn động viên cổ vũ chúng tôi cố gắng hơn nữa.

    Cảm ơn quí vị đại biểu, các nhà khoa học đã về tham dự Hội thảo khoa học Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp; cảm ơn cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã giúp chúng tôi trong cuộc Hội thảo lần này và Lễ phát thưởng Phùng Khắc Khoan hàng năm.

  Cảm ơn các đại biểu đại diện cho các chi họ Phùng Việt Nam trên toàn quốc đã về dự (Đoàn phía Nam do Thạc sĩ - Tổng Giám đốc Phùng Quốc Mẫn dẫn đầu; đoàn Miền Trung do Thượng tá Phùng Trông dẫn đầu và 16 đoàn các tỉnh phía Bắc). Cảm ơn Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phùng Việt Nam, Câu lạc bộ Thanh niên họ Phùng Việt Nam và các chị, các cô, các bà con dâu họ Phùng đã đến động viên.

  Tại cuộc Hội thảo này, chúng tôi rất cảm động và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các nhà nghiên cứu, nhà văn, các nhà khoa học - lịch sử, đặc biệt là ý kiến kết luận của nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh là mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là Thành phố Hà Nội quan tâm cho dựng một tượng đài Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tại một công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội; quan tâm đầu tư tiếp đoạn đường từ Đền Và rẽ trái vào nơi thờ tự Đức vua Phùng Hưng và Ngô Quyền (Dự án này khi còn tỉnh Hà Tây (cũ) đã cho đầu tư làm được hơn 2km nhưng vì khi sát nhập về Hà Nội không được đầu tư tiếp) để nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước về kính lễ hai vua được thuận lợi và cũng là sự kết nối vùng du lịch Văn hóa tâm linh giữa Hà Nội - Đền Và - Đường Lâm, vùng đất hai vua với núi Ba Vì, nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - K9.

  Kiến nghị này cũng trùng với kiến nghị của con cháu họ Phùng toàn quốc là “mong muốn có một tượng đài Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được đặt tại công viên của Thành phố và làm tiếp con đường dang dở”. Rất mong được các cấp quan tâm.

  Cuối cùng xin được thay mặt Hội đồng họ Phùng Việt Nam gửi lời chào, lời chúc sức khỏe, mọi sự tốt lành đến tất cả các quí vị đại biểu dự Hội thảo hôm nay.  

 

  Xin trân trọng cảm ơn!