CÁC VỊ HỌ PHÙNG
VỚI CÔNG CUỘC GIỮ NƯỚC VÀ GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC
TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG ĐẾN THỜI HAI BÀ TRƯNG
Theo Cổ Lôi Ngọc Phả truyền thư thì họ Phùng có từ thời Hùng Vương; thời Vua Hùng Vương thứ 16 đã có người họ Phùng ở trại Bác Lãm thành Long Biên ([a]) [1].
Từ thời Hùng Vương tới nay dòng họ Phùng đã sinh ra nhiều vị anh hùng và nhiều vị hiền tài có công tích lớn đối với đất nước. Trong báo cáo này chúng tôi xin trình bày về một số vị họ Phùng với công cuộc giữ nước và giành độc lập dân tộc trong giai đoạn từ thời Vua Hùng Vương thứ 18 tới thời Hai Bà Trưng.
Dưới đây nêu tóm tắt thần tích một số Vị Thần Tướng họ Phùng từ thời Vua Hùng Vương thứ 18 tới thời Hai Bà Trưng và một số Bà Mẹ có công sinh dưỡng các Vị Thần Tướng trong thời gian này.
A.1. Ngài Phùng Đại Lực (Phùng Lực Đại Vương) [3-6]
Thời Vua Hùng Duệ Vương(Vua Hùng Vương thứ 18) ở làng Thông Xá, huyện Đông An (Đông Yên), phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) có hai vợ chồng cụ Phùng Văn Đăng và Lưu Thị Tuấn làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, tu nhân, tích đức, giúp đỡ dân làng. Đến khi tuổi cao, hai cụ mới sinh được một người con trai tướng mạo khôi ngô khác hẳn người thường nên đặt tên là Phùng Đại Lực.
Được Thầy giáo Hiên Đường dạy học, Phùng Đại Lựctinh thông cả văn lẫn võ,lại có thài thao lược; đến năm 16 tuổi đã có sức khỏe phi thường, có thể “cử đỉnh, bạt núi”.
Ngài Phùng Đại Lựckết nghĩa anh em với Ngài Nguyễn Tuấn (người sau này được dân ta suy tôn là Đức Thánh Tản Viên) và làm quan trong triều. Ngài được giao nhiệm vụ giúp dân trong nước giữ gìn thuần phong mỹ tục và giúp đỡ nhau ra sức làm ăn. Lần Ngài về trang Cá Chử huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Nhân Giả, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, khuyên dân sống thuận hòa nhân nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, được dân làng vô cùng kính mến.
Khi có giặc Ai Lao sang quấy phá, Ngài cùng các vị tướng khác được cử đi đánh dẹp. Dân ở đất Cá Chử mỗi họ vài chục người xin theo Ngài đi đánh giặc. Sau khi dẹp giặc xong, Ngài được Vua Hùng Duệ Vương cử đi tuần thú các nơi; đến đất Cá Chử, Ngài lập doanh trại, khai khẩn đất hoang dạy dân cày cấy, coi dân như con.
Ngài hoá ngày mùng 5 tháng chạp.Sau khi Ngài hóa, dân trong làng lập miếu thờ phụng quanh năm và tôn Ngài làm Thần Hoàng của làng. Ngài được sắc phong Thượng Đẳng Phúc Thần và đượcphong thần hiệu là “Đại Lực hộ quốc linh ứng thành thần tiền liệt Đại Vương”.
(Trước đây làng Nhân Giả - xưa là trang Cá Chử - có ba ngôi miếu thờ ba Vị Đại Vương là Đức Thần Hoàng của làng:
Trải qua thời gian bị tàn phá, chỉ còn lại ngôi miếu Giữa. Ngày nay ba Đức Thần Hoàng của làng Nhân Giả đều được thờ ở miếu giữa. Miếu thờ ba Vị Đại Vương nên dân làng thường gọi là ‘miếu Ba Vua’. Hội làng Nhân Giả diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm và coi mùng 10 tháng 3 là ngày sinh của Đại Vương Phùng Đại Lực).
A.2. Nữ Thần Tướng Phùng Thị Chính ̶ Nội Thị Tướng Quân Trung Lương Tướng [7-9]
Xưa có gia đình cụ Phùng Văn Bổng gốc ở châu Hoan đến trang Phú Nghĩa (huyện Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, xứ Sơn Tây) ([b]) ở đã được hai đời, hòa nhập với dân làng mà trở thành người của trang này. Cụ bà tên là Tuyết quê ở Châu Phong, vốn thuộc dòng dõi Vua Hùng, nên được gọi là Hùng Thị Tuyết. Hai vợ chồng cụ sinh được một cô con gái đặt tên là Phùng Thị Chính.
Từ nhỏ cô Chính đã giỏi giang các môn võ nghệ cung kiếm. Khi cha mẹ mất, cô Chính được Đức Bà Man Thiện (thân mẫu của hai chị em Bà Trưng) nuôi dạy; cô tiếp tục đường cung kiếm cùng Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khi trưởng thành, Bà Phùng Thị Chính kết duyên cùng Ông Đinh Lượng (là người thân cận với gia đình chồng Bà Trưng Trắc).
Trong buổi đầu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc Hán, Bà Chính (khi đó đang mang thai ([c])) được Bà Trưng cử đi dò xét tình hình và bố trí lực lượng của giặc Hán ở trong thành do tên thái thú Tô Định chiếm giữ. Vốn là người kiên trung, gan dạ và mưu trí, Bà thường cải trang làm người ăn xin rách rưới để ra vào thành, nhanh chóng nắm vững đường đi lối lại cùng binh tình, đồn sở và bố trí lực lượng của giặc Hán. Nhờ vậy nghĩa quân nhanh chóng đánh hạ được thành trì của tên thái thú Tô Định.
Dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, quân ta nhanh chóng giải phóng và thu hồi được 65 thành trì bao gồm một vùng lãnh thổ rộng lớn trải từ Việt Nam hiện nay cho tới Hồ Động Đình ở giáp sông Dương Tử (còn gọi là Trường Giang, nay thuộc Trung Quốc); nước ta giành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của giặc Hán.
Ba năm sau, khi tên tướng giặc Hán là Mã Viện cầm quân sang xâm lược, chống lại nhà nước độc lập của ta với chính quyền hãy còn non trẻ của Bà Trưng, Nữ Tướng Phùng Thị Chính đã cùng Bà Trưng Nhị chiến đấu anh dũng nhiều trận ở vùng Lãng Bạc. Vị Nữ Tướng quả cảm Phùng Thị Chính được nghĩa quân tôn kính gọi là Nữ Cừ Súy.
Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, Bà Phùng Thị Chính cùng sáu người nữ binh thân tín lui về ẩn ở làng Tuấn Xuyên ([d]) một thời gian. Ít lâu sau, tên tướng giặc là Hồ Điển dò biết Bà đang ở đó, liền tìm cách bắt ép Bà phải làm tỳ thiếp cho nó; nhưng Bà kiên cường giữ lòng trung với nước, quyết không chịu để bị rơi vào tay giặc Hán, Bà ra sông tự trầm mình (đó là ngày mùng 6 tháng 9 âm lịch).
Dân làng Tuấn Xuyên và các nữ binh lập đền thờ bà Phùng Thị Chính – một Vị Nữ Thần Tướng anh hùng của dân tộc ta trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống giặc Hán.
Ngài được thờ làm Thần Hoàng làng Tuấn Xuyên đã gần hai nghìn năm nay. Ngày nay Đình làng Tuấn Xuyên còn giữ được ngai thờ cổ và bài vị cổ có ghi sắc chỉ: “Phùng Thị Chính – Nội Thị Tướng Quân Trung Lương Tướng – Trung Đẳng Thần Linh Vị”.
A.3. Nữ Thần Tướng Phùng Vĩnh Hoa ̶ Nội Thị Tướng Quân Vĩnh Hoa Công Chúa [8-16]
Vào khoảng năm 20 sau công nguyên, ở trangMao Điềnphủ Thượng Hồng đạoHồng Châu (thuộc tỉnh Hải Dương) ([e]) có gia đình họ Phùng sinh được một người con gái, đặt tên là Vĩnh Hoa. Từ nhỏ cô gái Phùng Vĩnh Hoa không những đã ham học chữ nghĩa, lại say mê cả các môn võ nghệ, thạo đường cung kiếm. Càng lớn Phùng Vĩnh Hoa càng xinh đẹp và hay chữ, giỏi giang võ nghệ hơn người.
Năm ấy, ở tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’, Bà chuyển đến sinh sống tại trang Tiên Nha huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây (nay là thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Nơi đây dân đông, chợ lớn, có đường bộ tiện cho xe ngựa đi lại, đường thủy thì có sông Nguyệt Đức ([f]) nối liền sông Hồng với sông Cầu thuận tiện cho thuyền bè lui tới, có thể liên kết được với các hào kiệt bốn phương, nên rất thuận tiện cho việc tụ nghĩa. Bà tìm kiếm và tập hợp những người cùng chí hướng.
Người các nơi tìm đến với Bà ngày một đông.Các cụ phụ lão ở trang Tiên Nha biết Bà không phải là người bình thường nên rủ các trai tráng đến gặp Bà để xin quy phục và tôn Bà làm trưởng trang. Bà mở rộng trang ấp, ngầm rèn đúc chuẩn bị khí giới, tích trữ lương thực để đợi thời cơ; nam nữ có cả ngàn người chia thành đội ngũ cày cấy, chế tạo vũ khí và luyện tập võ nghệ. Thanh thế trang Tiên Nha ngày càng lừng lẫy; bọn giặc Hán lo sợ, đem quân đến đánh hòng tiêu diệt; nhưng Bà cho đào hào đắp lũy rào làng, nhiều lần đánh cho chúng tan tác.
Lúc đó Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Bà Vĩnh Hoa kéo quân về Hát Môn theo Hai Bà đánh giặc và được phong làm ‘Nội Thị Tướng Quân’ ở đạo Trung Quân dự bàn mọi việc.
Bà cùng các Tướng Quân khác lập chiến công lớn trong trận đánh chiếm thành trì của tên thái thú Tô Định. Chiến thắng này làm tăng thêm khí thế ngút trời của quân ta; khắp nơi hưởng ứng khởi nghĩa dưới cờ của Hai Bà, ta nhanh chóng thu hồi được 65 thành trì. Không chịu thần phục bọn giặc Hán, đất nước lại giành được độc lập, lại trở về trong tay con cháu các Vua Hùng. Khi Bà Trưng lên ngôi Vua (hiệu là Lĩnh Nam Hoàng Đế), Bà Vĩnh Hoa được phong là ‘Nội Thị Tướng Quân Vĩnh Hoa Công Chúa’.
Đất nước trở lại thanh bình, cũng như nhiều Vị Tướng Quân khác, Nội Thị Tướng Quân Vĩnh Hoa Công Chúa được lệnh trở về trấn giữ, củng cố và mở rộng căn cứ hiểm yếu của mình.Bà lập đồn chính ở trang Tiên Nha và đồn thứ ở làng Trung Hà bên bờ sông Hồng ([g]).
Ba năm sau (tức là năm 43 SCN), giặc Hán cử tên tướng Mã Viện kéo quân sang quyết đánh chiếm lại nước ta. Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, cũng như nhiều Vị Tướng Quân khác, Nội Thị Tướng Quân Vĩnh Hoa Công Chúa vẫn tiếp tục cầm quân chiến đấu một thời gian dài nữa. Cuối cùng, trong một trận chiến đấu ác liệt chống Mã Viện, quyết không chịu để mình rơi vào tay giặc, Bà trầm mình tuẫn tiết trên dòng sông Nguyệt Đức; đó là ngày 14 tháng 9 năm Quý Mão (43 SCN).
Dân làng nhiều nơi đã lập đền thờ phụng, đời đời ghi nhớ công ơn của Ngài - Vị Nữ Thần Tướng anh hùng của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc Hán để giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta thời Hai Bà Trưng.
Hiện nay Ngài được thờ phụng ở nhiều nơi như:
Ngài được thờ làm Thần Hoàng của ba làng Trung Hà vừa nêu trên. Đền thờ Ngài ở thôn Nghinh Tiên thường được gọi là Đền Vĩnh Hoa. Đền thờ Ngài ở làng Vị Nội thường được gọi là Đền Bà hoặc Đền Trinh Uyển.
Ngài được các triều đại ở nước ta sắc phong là:
A.4. Các nữ Thần Tướng Ả Tú và Ả Huyền [8,10,17 - 20]
Xưa ở trang Vân Thủy (vùng tổng Cốc, trấn Sơn Tây) có gia đình hai cụ Phùng Liệt và Phạm Thị Tư sinh được hai người con gái, đặt tên là Phùng Thị Tú và Phùng Thị Huyền, thường gọi là Ả Tú và Ả Huyền. Ở làng bên có gia đình hai cụHoàng Xuân Hy và Phạm Thị Chỉ sinh được một người con gái tên là Hoàng Thượng Cát, thường gọi là Ả Cát. Ba cô gái đã đẹp người lại nết na,bẩm tính thông minh, khỏe mạnh.
Cả ba Ả đều ham học binh thư, thích tập võ nghệ, thạo đường cung kiếm, lại có tài thao lược, văn võ song toàn, đương thời không mấy ai sánh kịp. Ba Ả kết nghĩa keo sơn, thường giao lưu kết bạn gần xa cùng chí hướng. Được tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, ba Ả chiêu mộ nhiều nghĩa sỹ cùng tìm đến xin được gia nhập đại quân dưới cờ của Hai Bà để đánh giặc cứu nước. Ba Ả được Bà Trưng phong làm các nữ tướng. Cả ba vị hăng hái trổ hết tài năng chỉ huy nghĩa quân xung trận diệt giặc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng lên ngôi Lĩnh Nam Hoàng Đế, ba Ả nhận lệnh chỉ huy đạo quân lập đồn ấp tại quê để trấn giữ vùng cửa sông Hát, bảo vệ kinh thành.
Ba năm sau, Mã Viện lại kéo sang xâm lược. Ba nữ tướng tiếp tục chiến đấu quyết liệt trong những trận đánh cuối cùng ở căn cứ Cấm Khê, rồi mới chịu hy sinh.
Đời sau, nhân dân tôn kính, nhớ ơn, đã lập đền thờ phụng ngay trên mảnh đất sinh thành, cũng là đồn sở chống giặc của ba vị nữ tướng anh hùng. Ba Ngài được tôn vinh là thượng đẳng phúc thần và được thờ làm Thần Hoàng ở nhiều nơi như:
B.1. Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Ích và Trương Tung [10,21,22]
Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Ích và Trương Tung ở làng Trịnh Xá khu Nguyễn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc sinh con trai là Trương Nam Định.(Theo tài liệu [21], ông bà Phùng Thị Nhiễu và Trương Bang ở làng này sinh con trai làTrương Định Xá).
Chàng trai trẻTrương Nam Địnhnổi tiếng là văn võ toàn tài, được Vua Hùng Vương thứ 18 là Hùng Duệ Vương tin tưởng giao cho chức Chỉ Huy Sứ ở huyện Thượng Hiền thuộc đạo Sơn Nam. Sau đó Ngài được Vua Hùng Duệ Vương phong làm Tiền Đạo Đương Lộ Tướng Quân để đánh quân Thục. thắng giặc trở về khu Nguyễn Xá, Ngài tự hóa ngày rằm tháng 7.
Ngài được dân Nguyễn Xá lập đền thờ gọi là Đền Trương Định Xá và Ngài được dân làng Tây Hạ xã Bàn Giản huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc tôn thờ làm Thần Hoàng làng.
B.2. Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Thuần và Đặng Cẩn [10,23]
Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Thuần và Đặng Cẩn ở châu Quỳnh Nhai có hai người con sinh đôi là Đặng Minh Đức và Đặng Chiêu Trung. Cả hai chàng đều là người học lực tinh thông, binh thư siêu phàm, tài năng võ nghệ cao cường khiến vạn trai tráng không địch nổi; được Vua Hùng Duệ Vương phong làm Chỉ Huy Sứ Tả Hữu Tướng Quân.
Sau đó hai Ngài được Vua Hùng Duệ Vương phong làm Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ Tả Tướng Quân cùng Ngài Nguyễn Tuấn (Đức Thánh Tản Viên) đánh quân Thục. Giặc tan, hai Ngài về trấn thủ ở đạo Hải Dương và cùng hóa ngày 3 tháng Chạp.
Hai Ngài được phong là Thượng Đẳng Thần và được dân các làng Lưu Thượng, Lưu Hạ ở xã Nghĩa Trang (nay thuộc huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên) dựng đền thờ phụng.
B.3. Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Lan và Trương Long [10,24]
Hai vợ chồng cụ Trương Long và Phùng Thị Lan ở làng Đường Lâm (thuộc Sơn Tây) đến làng Hà Vỹ thuộc tổng Hà Lỗ phủ Từ Sơn mở trường dạy học.
Hai cụ có hai người con trai văn võ kiêm toàn được Bà Trưng phong làm Đô Chỉ Huy Sứ Điện Tiền Phụ Chính.
Hai Ngài hy sinh trong trận đánh Mã Viện ở Lãng Bạc; được dân thôn Hà Hào làng Hà Vỹ tổng Hà Lỗ phủ Từ Sơn Bắc Ninh lập đền thờ phụng.
B.4. Hai vợ chồng cụ Phùng Thị và Hướng Loan [8,25]
Cụ ông Hướng Loan làm nghề thầy thuốc cùng cụ bà Phùng Thị ở đất Long Biên có người con trai tên là Hướng Thiện.
Chàng Hướng Thiện sức khỏe hơn người, giỏi giang võ nghệ, theo Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Sau khi Hai Bà Trưng đánh thắng Tô Định, thu phục 65 thành trì, Ngài được phong làm Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ.
B.5. Hai vợ chồng cụ Phùng Thị Tam và Hoàng Lãng [8,9]
Cụ ông Hoàng Lãng quê ở châu Hoan, đến sống và kết duyên cùng cụ bà Phùng Thị Tam ở làng Hạ Hiệp (nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hai cụ có người con trai tên là Hoàng Đạo.
Chàng trai Hoàng Đạo sức khỏe hơn người, văn võ toàn tài khó ai sánh kịp. Chàng chiêu tập trai tráng ba làng Hạ Hiệp, Hiệp Lộc, Yên Dục lập nên một đạo quân tụ hội dưới cờ của Hai Bà và được phong làm Tướng tiên phong.
Sau khi đánh thắng bọn Tô Định, Ngài được Hai Bà phong là Thượng Sỹ, trấn giữ một vùng sông Đáy và vùng đất quê nhà.
Ba năm sau, Ngài hy sinh trong một trận kịch chiến với giặc Hán ở vùng Quán Dâu. Ngài được thờ làm Thần Hoàng của các làng Hạ Hiệp, Hiệp Lộc và Yên Dục (nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Trên đây mới chỉ là danh sách chưa đầy đủ về các Vị Thần Tướng họ Phùng từ thời Vua Hùng Vương thứ 18 tới thời Hai Bà Trưng và về các Bà Mẹ người họ Phùng đã có công sinh dưỡng những Vị Thần Tướng trong thời gian đó. Nhưng chỉ qua hai bảng thống kê chưa đầy đủ này cũng thấy rõ được phần nào đóng góp to lớn của dòng họ Phùng trong công cuộc giữ nước và giành độc lập của dân tộc ta trong giai đoạn từ thời Vua Hùng Vương thứ 18 tới thời Hai Bà Trưng.
Sau thời Hai Bà Trưng, dòng họ Phùng còn sinh dưỡng những người con có tên tuổi sáng ngời như:
Tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc Tổ Tiên, không phụ công xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ Tiên, con cháu dòng họ Phùng kề vai sát cánh cùng con cháu các dòng họ khác của dân tộc Việt cùng nhau kết thành một khối đồng tâm nhất trí, gắng sức vươn lên, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ bờ cõi thiêng liêng mà Tổ Tiên ta đã để lại từ nghìn đời nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO