(Thứ bảy, 20/05/2023, 06:09 GMT+7)
Là nhà văn viết nhiều thể loại, Phùng Văn Khai để lại dấu ấn ở cả tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, thơ, chân dung văn học... Mới đây anh tuyển chọn in một tập thơ dày dặn với tên giản dị “Thơ Phùng Văn Khai” gồm hai phần, phần tuyển thơ “Mùa màng” với 83 bài thơ, phần “Trong tấm lòng bè bạn” in 19 bài phê bình của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình.
 
Phần thơ chọn phong phú về chủ đề, đa dạng về bút pháp, tinh tế trong thể hiện để tô đậm một dòng chảy Tổ quốc xuyên suốt tạo nên mạch cảm hứng về một tình yêu tha thiết lịch sử dân tộc, lòng mến mộ các danh nhân, các anh hùng, niềm kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Với giọng điệu thành kính, chiêm nghiệm, tập thơ có chiều sâu, lắng đọng, gợi nghĩ, nhất là gợi về một ý thức trách nhiệm và bổn phận của người hôm nay trước lịch sử.

 
Lấy sông Hồng làm điểm tựa thi hứng về Tổ quốc là một lựa chọn nghệ thuật vì đó là hình tượng mang tính “mẫu gốc”, mà với “mẫu gốc” thì luôn cường tráng, mạnh mẽ để sản sinh ra muôn vàn các tầng lớp ý nghĩa mới. Soi bóng lịch sử dân tộc nên nhìn vào dòng sông Hồng sẽ thấy cha ông ta đánh giặc giữ nước và lam lũ lao động ra sao. Nằm trong cảm hứng anh hùng ca của sử thi, mỗi bài về hình tượng sông mang một dáng vẻ riêng. Bài “Lau sông Hồng” có cái tứ mới là nhìn bờ lau mà tưởng tượng về dòng chảy lịch sử. Muôn đời nay và muôn đời sau, những ngọn lau sông Hồng vẫn chìm nổi theo dòng nước để chứng kiến bao biến thiên của thời cuộc. Từ bờ lau bãi sậy ấy, bầy chim Lạc huyền thoại bay lên bầu trời văn hóa Việt để lại những đường bay hướng con cháu vọng về cội nguồn tổ tiên, làm sống lại cảnh cha ông ta bền bỉ đuổi giặc thù: “Ngày chim Lạc vút bay từ cỏ hoa thơm thảo/ Ngày Bà Trưng vung gươm giông bão/ Những thái thú Bắc triều run rẩy dưới chân voi...”.
 
Là những gì đã qua được sống lại trong ý thức của người hôm nay, lịch sử được tượng thanh thành những âm hưởng bi tráng mạnh mẽ, trữ tình, vừa phơi phới hào sảng lại vừa thống thiết: “Lau sông Hồng xanh mát suốt nghìn năm/ Thân gục trong đêm buổi mất Cổ Loa thành/ Vạn mũi tên lao vang tiếng hô sát Thát/ Sạm chiến bào Tây Sơn đốt cháy quân cướp nước/ Trắng khăn tang Hoàng Diệu tử chiến thành”. Hình tượng thơ Phùng Văn Khai có xu hướng vươn tới những khái quát cao. Anh có năng lực gói gọn cả một khoảng thời gian vật lý dài rộng trong dung lượng mấy câu thơ. Hình tượng cây cau được trồng ở sân chùa Nam Yết (Trường Sa) tạo một tứ thơ hay: “Những người con Hà Nội ở Trường Sa/ Mặt trời mọc bình yên chân cột mốc/ Cây cau mẹ trao anh trồng góc sân chùa Nam Yết/ Hoa nở trắng thì thầm lá xanh giữa trời xanh...” (Người Hà Nội ở Trường Sa). Hình tượng “Mặt trời mọc bình yên chân cột mốc” vừa nói về buổi sáng yên bình trên đảo vừa nói được cái bề thế hoành tráng của một phần cơ thể Tổ quốc ngang tầm với vũ trụ. Cái ý thơ ấy làm nền để “mọc” lên một cây cau văn hóa Việt xanh tốt và vững chãi đang vươn cao vào trời đất để trở thành biểu tượng của sự kết nối máu thịt đất liền và hải đảo, Hà Nội và Trường Sa, truyền thống và hôm nay.

 
Tập thơ như muốn vươn tới một sự định nghĩa khái quát về Tổ quốc, cụ thể đó là dòng sông Hồng, là Hà Nội, là biển, đảo, là biên cương, là các địa danh... Đó còn là các danh nhân văn hóa như: Lý Bí, Hưng Đạo Đại vương, Ức Trai...; là con người ở ngày hôm nay mà sinh động hơn là anh lính biên phòng. Hai chữ “Mùa màng” được đặt tên cho phần tuyển thơ mang nghĩa ẩn dụ khá gợi chỉ thành quả lao động. Mỗi bài là một chuyến lao động ngược về quá khứ để thu lượm được “những hạt vàng” đáng trân trọng!
 
NGUYỄN THANH TÚ / BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN