(Thứ bảy, 03/11/2018, 05:00 GMT+7)

THAM LUẬN HỘI THẢO PHÙNG HƯNG

 

ĐÌNH TRIỀU KHÚC VÀ VỊ THÀNH HOÀNG

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
 

     Nhà văn Nguyễn Hùng Sơn

 

  
      Đình Triều Khúc của làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, chưa phải là ngôi đình cổ nhất, lớn nhất, nhưng có thể coi đây là ngôi đình đẹp, bề thế và linh nghiêm bậc nhất ở thủ đô Hà Nội và của cả nước. Đặc biệt, vị Thành hoàng mà người dân tôn thờ hàng trăm năm nay: Bố cái Đại Vương - Vua Phùng Hưng là một nhân vật lịch sử có thật, và cũng như các nhân vật lịch sử được nhân dân tôn sùng khác, Bố Cái Đại Vương được nhân dân “tô vẽ” thêm những những chi tiết  huyền thoại, phi phàm mà người thường không có được. Ngoài sự đức độ, tấm lòng yêu nước, thương dân, luôn giúp đỡ người nghèo thì Ngài và các em ngài, những vị Khai Quốc công thần có sức vóc và tài ba phi thường. Trong cuốn Việt điện uy linh có đoạn: “Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường; sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường. Xem việc sức bắt được hổ, khí muốn nuốt sao Ngâu, khiến cho người trong châu đều úy phục, nếu không tài lược hơn người đâu được như thế…”
    Ngoài ngôi Đình, đền thờ Phùng Hưng ở Đường Lâm, Sơn Tây quê hương, còn có hai nơi có đình thờ Ngài là Quảng Bá, Tây Hồ và Triều Khúc, Thanh Trì, hai địa điểm mà quân sỹ của Ngài tập trận trước khi vây hãm thành Tống Bình. Khác với Đường Lâm và Quảng Bá, ở Triều Khúc ngoài ngôi đình lớn còn có ngôi đình nhỏ hơn. Ngôi đình lớn được được lập ở nơi Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh và tế cờ trước khi tiến vào thành Tống Bình. Ban đầu, năm 791 nhân dân địa phương lập miếu (Đại cổ miếu) thờ Phùng Hưng có công diệt giặc Đường. Đến năm 792 vua Phùng An, con trai của Phùng Hưng cấp cho Làng 300 quan tiền để xây đình. Sau nhiều lần trùng tu, quy mô đình được nâng cấp. Hiện vẫn còn bút tích câu đối ở Đại cổ miếu : “An Nam tráng khí Sơn hà tại/ Bình Bắc dư linh thảo mộc châu” (Khí mạnh dựng trời Nam, núi sông còn mãi/ Oai thiêng trừ Bắc, cỏ cây còn ghi). Mảng khắc chạm câu đối này vẫn còn lưu giữ trong hậu cung đình Triều Khúc. Năm 2012 là lần trùng tu lớn nhất, đình có quy mô như hiện nay: Ngôi chính ở trung tâm 7 gian, bốn ngôi khác chung quanh trên diện tích hàng ngàn m2 có sân đình thênh thang, có hồ rộng, nước sâu, có những cây đa, cây đề cổ thụ rất ấn tượng. Còn Đình Sắc mới được xây dựng cách đây 140 năm. Ngôi đình chỉ có ba gian, như một ngôi nhà ở của người dân địa phương. Tuy vậy, vẫn có tiền cung để thờ phụng tế lễ, có hậu cung để Vua - Thành hoàng “nghỉ ngơi” có nơi để Sắc phong. Đặc biệt là có ngôi nhà “bán thủy tọa” nhô ra mặt hồ trước đình, có kê bàn ghế cho người dân tụ họp, hội hè, vui chơi và câu cá, khá lý tưởng. Việc xây dựng đình Sắc theo cụ Triệu Khắc Sâm 80 tuổi, nguyên là cụ Từ (người dân Triều Khúc gọi là cụ Cai - nhà cụ có ba đời làm cụ Cai, đời ông, đời cha làm hai nhiệm kỳ 8 năm, còn cụ Sâm một nhiệm kỳ 4 năm). Dân làng coi đình Sắc là nơi lưu giữ sắc phong và là nơi ở của Thành hoàng làng. Còn đình chính là nơi Ngài làm việc. Vì vậy mới có tục rước Long bào của vua và sắc phong từ đình Sắc ra đình chính đầu xuân năm mới. Trước đây sắc phong để ở nhà cụ Cai, vì để ở đình sợ bị mất, nhưng để ở nhà cụ Cai lại gặp rủi ro, một lần nhà cụ Cai bị cháy khiến các Sắc phong thời Hậu Lê về trước cháy hết. Hiện tại làng chỉ còn 11 Sắc phong. Sắc phong cổ nhất là của vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng) vị vua cuối cùng của của nhà Lê. Còn 10 sắc phong là của các vị Vua thời Nguyễn.
   Theo lời kể của các bậc cao niên ở làng Triều Khúc, dù quy mô đình làng trước đây còn nhỏ bé thì việc lễ hội và thờ phụng Thành Hoàng vẫn rất trang trọng. Ở gian giữa trang trọng nhất thờ Phùng Hưng-Bố Cái Đại Vương, có Hậu cung chu tất. Gian hữu thờ em trai ngài là Phùng Hải (Cự lão Đô tướng quân) Đệ nhất khai quốc công thần; Phùng Dĩnh (Cự lực Đại tướng quân) Đệ nhị khai quốc công thần. Gian bên tả thờ Đỗ Anh Hàn  (Thủ lĩnh tướng quân) Đệ tam khai quốc công thần; Bồ Phá Cần (Xanh lực tướng quân) Đệ tứ khai quốc công thần; Và Tiến sỹ Nguyễn Gia Du. Ông là một trong ba người ở làng Triều Khúc đỗ tiến sỹ. Tên cả ba người được khắc ở bia Văn Miếu, Quốc tử giám và bia ở sân đình Triều Khúc. Đó là Nguyễn Trung năm 1472; Nguyễn Nghiễm 1493; Nguyễn Gia Du 1505. Nguyễn Nghiễm là cha và Nguyễn Trung là ông nội của Nguyễn Gia Du… nhưng chỉ có Nguyễn Gia Du được thờ phụng trong đình. Hỏi các cụ cao tuổi sao không thờ ông và cha, lại chỉ thờ con thì các cụ cũng không biết được lý do.
  Ngôi đình làng, ngoài chức năng thờ tự, lễ hội, tụ họp dân làng còn là một bảo tàng gìn giữ những hiện vật lịch sử và phi vật thể, là hồn làng, là văn hóa tâm linh, những tinh hoa của làng. Hỏi bất cứ người dân nào ở Triều Khúc họ cũng biết khá rành rẽ những về lịch sử truyền thống của làng mình, về vua Phùng Hưng vị thành hoàng của làng. Làng Khúc Giang xưa, còn gọi là Đơ Thao nổi tiếng với nghề dệt quai thao, nay là làng Triều Khúc, tuy có cụm Làng nghề khá năng động nhưng vẫn còn những gia đình giữ lại nghề xưa, dệt nhuộm, thêu cờ, làm tua cờ.
    Tự hào là nơi đại quân Phùng Hưng tập trận và làm lễ xuất quân đánh thành Tống Bình (Hà Nội). Bốn vạn quân nhà Đường trong thành bị Quân sỹ của Phùng Hưng vây hãm, sau bảy ngày chống đỡ không nổi, tên Đô hộ Cao Chính Bình, tướng giặc, vì lo sợ mà ốm chết. Đánh thắng giặc Đường, Phùng Hưng lên ngôi Vua, đất nước thái bình được 7 năm thì Ngài mất. Con trai Phùng An nối ngôi cha, tôn vinh Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương, là cha của muôn dân. Sự tôn kính không chỉ tổ chức rước kiệu long trọng trong ngày lễ hội mà còn luôn tâm niệm ăn ở phúc đức, luôn làm điều thiện, điều lành để xứng là con dân của làng có Ngài làm Thành hoàng. Ở Triều Khúc tuyệt nhiên không ai gọi cha là Bố, cũng không có người nào mang tên Hưng. Dù không có văn bản nào cấm kỵ, Hương ước của làng cũng không quy định phải kiêng nể. Cùng với việc truyền khẩu uy danh của Vương Hưng, dòng dõi hào phú rất yêu thương dân,thường đem tài sản của mình cấp cho người nghèo khó. Cả những những giai thoại phi thường Đỗ Quân (Phùng Hưng) vật được trâu, đánh được hổ. Em là Phùng Hải vác nổi nghìn cân, có thể vác tảng đá mười hộc hoặc chiếc thuyền con đi hơn mười dặm, uy danh lẫy lừng, thì việc kiêng kỵ trùng vương hiệu, tên hiệu  cũng chỉ là lời dặn của cha ông mà hậu thế không bao giờ lơ là.
    Nhưng có lẽ  lễ hội Đình Triều Khúc là một di sản văn hóa tâm linh được bảo tồn và phát huy là điều đáng điều đáng nói hơn cả. Cũng như bao làng quê khác ở Bắc bộ, đình chùa là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người, đưa chúng ta về với những gì trong sáng, tốt đẹp nhất của văn hóa cội nguồn và phát huy những tinh hoa, truyền thống văn hóa dân tộc vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước văn minh, hiện đại.
   Có một thực tế là nhiều ngôi đình làng chỉ rộn ràng được mấy ngày lễ hội đầu xuân rồi im lìm vắng vẻ quanh năm, thì đình làng Triều Khúc là một trong số không nhiều đình làng còn giữ được nền nếp hoạt động lễ và hội suốt cả năm. Sau lễ hội đầu xuân là lễ hội vào hè, vào mùa, ra hè và lễ hóa (Ngày mất của vua Phùng Hưng) là những hoạt động nổi bật trong năm. Trong đó, nổi bật nhất là lễ hội đầu xuân từ mùng 9 tháng giêng đến 12 tháng giêng âm lịch. Bắt đầu là nghi lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, lễ tế cờ rất tôn nghiêm. Tiếp đó là các hoạt động văn hóa đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa trống bồng và múa chạy cờ. Đặc sắc nhất là múa Trống bồng, hay còn gọi là múa “Con đĩ đánh bồng”. Điệu múa bắt nguồn từ thế kỷ thứ VIII, trước khi tiến quân vây hãm thành Tống Bình, Đức vua Phùng Hưng cho tổ chức những hoạt động văn nghệ để giải trí và khích động nghĩa quân. Ngài đã cho binh lính giả gái trang phục sặc sỡ đeo trống múa bồng. Để hóa thân thành những cô gái duyên dáng, uyển chuyển, các chàng trai phải chít khăn mỏ quạ, má phấn, môi son, váy đụp, yếm màu nhiều tua. Múa bồng có 30 điệu với ba động tác chính, đánh bồng đi ngang uốn tay xòe nở như bông hoa rồi bàn tay vuốt xuống tang trống… Người múa vừa thể hiện được nét mặt, nụ cười, ánh mắt lẳng lơ của con gái lại vừa toát lên phong thái nam nhi thượng võ.
   Với tinh thần đó, ngày nay những chàng trai trong đội múa phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, phải là trai gốc của làng, có hình dáng ưa nhìn, động tác uyển chuyển, phải biết giao lưu, lẳng lơ với bạn diễn và phải có những động tác của con nhà võ. Trước đây một số nơi cũng có múa trống bồng nhưng đã mai một, nhưng ở lễ hội đình Triều Khúc múa Trống bồng vẫn duy trì. Trong hàng nghìn người dự lễ hội có cả những cụ già tuổi tám mươi, chín mươi dù đã hàng chục lần dự lễ hội vẫn háo hức chống gậy ra đình cùng con cháu xem múa Trống bồng.
   Múa chạy cờ là điệu múa trong ngày kết thúc lế hội (12 tháng giêng) là một điệu múa rất đông người tham gia, nhằm diễn lại sự tích quân sỹ của Phùng Hưng chiến đấu đánh tan quân nhà Đường. Hai đội quân, một đội có con rồng đỏ, một đội rồng xanh sau khi múa vòng quanh cái hồ rộng trước đình rồi gặp nhau “quyết chiến“ ở sân đình, sau nhiều hiệp đấu, đội rồng xanh bị thua, tháo chạy, đội rồng đỏ đuổi theo trong tiếng hò reo chiến thắng vang dậy.
    Được biết lễ hội đầu xuân hàng năm của đình làng Triều  có rất nhiều nhà báo trong nước và quốc tế về dự, đưa tin, viết bài về lễ hội, về điệu múa Trống bồng và múa chạy cờ. Nhiều tờ báo quốc tế đã đăng bài và ảnh giới thiệu lễ hội và đánh giá cao  sự kỳ thú, đặc sắc và những  nét nguyên sơ mang đậm cốt cách, tâm hồn làng quê cổ xưa của Việt Nam giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến.