(Thứ sáu, 10/05/2019, 10:48 GMT+7)

    Ngày 8/5, tại Nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), UBND TP Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bố Cái Đại vương Phùng Hưng thân thế, cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo đã làm rõ thêm về quê hương, công lao của Phùng Hưng với dân tộc trong buổi đầu dựng nước sau khi cuộc kháng chiến chống lại sự cai trị của nhà Đường thành công.


 

Xưa nay, về quê hương của Phùng Hưng, đa số mọi người đều nói Phùng Hưng quê ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội. Thế nhưng, cũng có những quan điểm cho rằng Phùng Hưng và Ngô Quyền đều không phải ở Đường Lâm của Ba Vì mà là tên huyện thuộc châu Phúc Lộc, nay thuộc phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.

     Người đầu tiên đưa ra vấn đề này là GS Đào Duy Anh trong công trình “Đất nước Việt Nam qua các đời”, năm 1964. Sau đó, năm 1966, GS Văn Tân cũng ủng hộ quan điểm của GS Đào Duy Anh qua bài viết “Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư”. Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng đã phản bác giả thiết này qua căn cứ vào cuốn Việt điện u linh.

    Qua bài tham luận “Nguồn gốc Phùng Hưng”, nhà nghiên cứu Tạ Đức cho biết: Vùng đất Hà Tĩnh không hề có một di tích nào liên quan đến Phùng Hưng và Ngô Quyền. Trong khi ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội đền thờ Phùng Hưng rất cổ kính và còn lưu giữ các cổ vật, di sản văn bia, sắc phong, thần tích.

    Nhà nghiên cứu Tạ Đức cho rằng, trước khi đến Đường Lâm, nguồn gốc Phùng Hưng có thể từ nhóm Mân - Đản vùng ven biển Quảng Đông (Trung Quốc) sang. Giả thiết này đưa ra căn cứ vào sự biến chuyển ngôn ngữ. Tuy nhiên, giả thiết này không mấy thuyết phục người nghe.

    Nhà văn Phùng Văn Khai- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng: Để hiểu hơn về sự nghiệp của Phùng Hưng, các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua vai trò của người cha là Phùng Hạp Khanh - châu mục Hoan Châu (Nghệ An). Ông là cha của ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Năm 722, Phùng Hạp Khanh tham gia khởi nghĩa cùng Mai Thúc Loan, làm châu mục một thời gian ngắn rồi về quê hương Đường Lâm.

    Vấn đề thời gian năm sinh và năm mất của Phùng Hưng tại Hội thảo lần này vẫn chưa được thống nhất. TS Nguyễn Hữu Tâm có dẫn ra một giải thiết là Phùng Hưng sinh năm 761 và mất năm 802, thọ 41 tuổi. Nhưng TS Nguyễn Hữu Tâm cho biết: Nhà nghiên cứu người Mỹ là K.WTaylor trong công trình “Lịch sử dân tộc Việt Nam” không biết lấy từ nguồn nào lại viết “Khi Phùng Hưng mất năm 789, đã xảy ra một cuộc đấu tranh trong gia tộc họ Phùng”.

    TS Nguyễn Hữu Tâm khi nghiên cứu các thư tịch cổ viết về Phùng Hưng thì đều không xác định rõ mốc thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa và thời điểm giành chính quyền. Còn tấm bia tại di tích đình làng Quảng Bá (Hà Nội) viết, năm 791, Phùng Hưng đã chiếm được phủ thành và lên ngôi. Khoảng thời gian nắm quyền của Phùng Hưng cũng chưa thể thống nhất. Trong khi bia đình Quảng Bá viết Phùng Hưng lên ngôi không bao lâu thì chết, nhưng Đại Nam nhất thống chí (sử nhà Nguyễn) thì lại viết Phùng Hưng trị nước 11 năm. Còn sách “Việt điện u linh” thời Trần viết Phùng Hưng chỉ ở ngôi được 7 năm thì mất.

    TS Phùng Thảo đã nghiên cứu và thống kê được trên toàn quốc hiện có khoảng 40 đình, đền thờ Phùng Hưng. Danh sách số tướng lĩnh của Phùng Hưng được thống kê từ các tư liệu của các đình như Triều Khúc, Quảng Bá, Chuông, Cù Tu, Phú Chử, Miếu Đoài, Đồng tử, Hòa Mục, Dục Anh, Giáp nhất, Kim Mã, thì số lượng mưu thần, tướng lĩnh của Phùng Hưng là 49 người. 

    Theo các nguồn tư liệu, tổ tiên Phùng Hưng là Phùng Trí Cái. Khoảng năm 618 đến năm 626, ông được vua Đường mời vào cung dự tiệc sau đó định giữ lại làm quan nhưng ông từ chối mà về Đường Lâm. Phùng Hưng là cháu 7 đời của Phùng Trí Cái. Năm Phùng Hưng 18 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Ba anh em nối chức cha làm châu mục Đường Lâm sớm biết tính toán thu phục người tài. Năm 767, nhà Đường suy yếu. Viên quan đô hộ là Cao Chính Bình khét tiếng tàn ác, gian tham khiến lòng dân oán hận. Trước tình hình đó, Phùng Hưng cùng hai em nổi dậy khởi nghĩa. Phùng Hưng lấy hiệu là Đô Quân, Phùng Hải là Đô Bảo tướng quân, Phùng Dĩnh là Đô Tổng. Năm 791, Phùng Hưng vây phủ Tống Bình và hạ được thành. Cao Chính Bình sợ hãi mà chết. Phùng Hưng vào thành rồi lên ngôi vua. Giữ ngôi đến năm khoảng năm 799 thì mất.

    Nhân dân đã dựng đền thờ suy tôn Phùng Hưng là Bố Cái Đại vương. Các huyền thoại qua thời gian được phủ dần lên người anh hùng của dân tộc. Từ việc khỏe mạnh vật trâu, đánh hổ tới âm phù cho Ngô Quyền và các anh hùng dân tộc khác đánh giặc phương Bắc giữ nước…

    Kết thúc Hội thảo, Trung tướng Phùng Khắc Đăng- Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam nói: Đức vua Phùng Hưng là một danh nhân chính trị - lịch sử - văn hóa tiêu biểu của nước ta. Ngay tại thủ đô, ở khu vực Kim Mã qua hàng ngàn năm nay vẫn còn đền thờ quanh năm hương khói. Với trên 40 đình, đền, điểm thờ Đức vua Phùng Hưng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của vị vua tiêu biểu của đất nước. Một vị vua xứng danh với tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam anh hùng. Qua các bài Hội thảo và qua ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải, chúng tôi cũng đều thống nhất đề nghị UBND TP Hà Nội sớm dựng tượng đài danh nhân Phùng Hưng.  

 

Theo Từ Khôi - Báo Đại đoàn kết

 

Nguồn: http://daidoanket.vn/van-hoa/ha-noi-nen-co-tuong-danh-nhan-phung-hung-tintuc436358