Phùng Quán và tôi có nhiều kỷ niệm với Phùng Cung. Tôi nhớ nhất kỷ niệm vào ngày Cung bị bắt. Hôm đó, chỉ sau mười lăm phút Phùng Cung bị bắt, tôi và Quán có mặt ở nhà anh ấy. Cũng là chuyện tình cờ. Hôm đó tôi đến Trần Dần, mượn tập bản thảo tiểu thuyết Người chân đất anh vừa dịch. Trần Dần bảo Phùng Cung đang cầm đọc, xuống đó mà lấy. Tiện đường, tôi ghé rủ Phùng Quán cùng đi. Đến trước cổng nhà Phùng Cung, 135 Mai Hắc Đế Hà Nội, thằng bé con Phùng Cung hớn hở ra vẻ thích thú bảo bố cháu đi rồi. Phùng Quán hỏi thằng cu Hề là bố đi đâu (Cả nhà gọi cháu là Hề, tên thật Phùng Hà Phủ). Thằng Hề mừng rỡ toe toét cười nói bố đi bằng ôtô. Phùng Quán bảo tôi:
- Chết rồi Đài ơi, Phùng Cung bị bắt. Nếu Cung đi bộ tức là loanh quanh ở các quán nước chè năm xu gần nhà, đi xe đạp là đến cơ quan (lúc đó Phùng Cung làm ở Hội Nhà văn), đi ôtô là công an bắt. Chẳng có cơ quan nào đến rước một anh nhân viên đi bằng ôtô.
Phùng Quán lo lắng:
- Hôm nay bắt Phùng Cung, vài hôm nữa bắt tao. Bây giờ, tao về Nghi Tàm sắp xếp đồ đạc. Mày liệu hồn, trở về tòa soạn ngay, lấy công lệnh đi viết bài thật xa, Lạng Sơn, Cao Bằng gì đó, xớ rớ ở Hà Nội nó bắt cả lũ.
- Tao làm gì mà người ta bắt?
- Mày nói năng vong mạng hơn cả nhân văn giai phẩm. Riêng việc mày chơi với tao và anh em nhân văn giai phẩm cũng là tội tày trời rồi!
Phùng Quán tỏ ra hốt hoảng thực sự làm tôi đau lòng…
Mới đó mà đã mười hai năm... Quán rủ tôi đến thăm Phùng Cung ngay cũng là cách chơi, hai thằng tôi phải là người đến thăm Phùng Cung đầu tiên, chứ không phải là những người khác. Bận họp không đi ngay được, thật lòng tôi rất tiếc. Quán bảo: “Thôi để hôm khác, còn bây giờ mày có đồng nào, cân tem gạo nào, đưa cho tao. Tí nữa tao đi một vòng Hà Nội quyên góp anh em bạn bè, cứu đói cho Phùng Cung. Mấy năm Phùng Cung đi tù, vợ và hai đứa con anh ấy sống vất vả lắm, bây giờ thêm một miệng ăn, không hộ khẩu, không sổ gạo… xoay xở sao đây”. Mấy ngày sau rỗi việc, tôi đến rủ Quán, Quán lại bận không đi được (lúc này Quán là cán bộ ở Bộ Văn hóa). Tôi đành đến nhà Phùng Cung một mình. Ngồi bên ly rượu nhạt, Phùng Cung cho biết, Phùng Quán đã đến nhà anh mấy lần, lần nào cũng biếu tem gạo và chút đỉnh tiền còm. Tôi biết, gạo và tiền là Quán thu gom từ tấm lòng nhân ái của bạn bè chứ Quán thì làm gì có. Cung bảo: “Quán dặn tớ trước mắt là phải lo hộ khẩu để có sổ gạo. Nghe lời Quán, tớ đã lên công an tiểu khu (cấp phường hiện nay) nộp giấy tạm tha của trại giam - Phùng Cung cười, cái cười méo xệch - tạm tha chứ chưa phải tha hẳn, thằng tù nào cũng thế chứ không riêng gì tớ đâu, luật của nhà nước mình là vậy, cậu đừng ngạc nhiên”. Tàn cuộc rượu với mấy hột lạc rang, dẫn tôi ra khỏi cổng, Phùng Cung bảo: “Số tiền và tem gạo Quán đưa mấy lần cũng đủ cho tớ ăn hai tháng, tớ đã dặn Quán đừng quyên góp nữa làm phiền anh em bè bạn, cậu có gặp Quán nhắc lại với Quán điều này giùm mình”.
Lúc này cháu Hề cũng đã mười lăm tuổi, trên cháu là một người anh vừa chớm ở tuổi thanh niên. Cả hai còn đi học đang sức ăn sức lớn, một mình chị Ngô Kim Thoa (vợ Phùng Cung) xoay xở ra sao đây cho bốn miệng ăn, đó là điều lo nhất của Quán. Quán nói với anh em bạn bè là xúm lại, ra tay lo cho Phùng Cung công ăn việc làm. Gặp ai Quán cũng giục họ. Có lần Xuân Trung, nhà thơ ít tuổi, ngất ngưởng nhất trong đám bạn bè, lắc đầu bảo tôi: “Lần nào gặp tao, ông Quán đều nhắc nhở lo việc làm cho ông Cung, làm như ông Quán không biết tao đang thất nghiệp”, rồi Xuân Trung hạ một câu: “Nói vậy thôi, tao phục ông Quán ở cái tình bạn bè, cư xử với bạn như anh em ruột thịt, đời này những người như thế hiếm lắm!”. Tôi biết Xuân Trung, nghèo rớt mồng tơi cũng vun vén được mấy cân tem gạo đưa cho Quán. Nhà thơ Doãn Trang gặp tôi lần nào cũng bảo nể Phùng Quán không phải ở chỗ giúp đỡ vật chất mà là kính nể ở tấm lòng của Phùng Quán với một người bạn văn chương vừa mới ra tù. Doãn Trang nói chắc nịch:
- Nhất định công an vẫn còn bao vây theo dõi Phùng Cung chứ đời nào họ lơi lỏng... Phùng Quán là loại người gan cóc tía mới thường xuyên đi lại thăm hỏi và giúp đỡ Phùng Cung như thế - bỗng Doãn Trang giơ hai tay lên trời nói lớn - xin lạy Phùng Quán ba lạy.
- Tôi cười - nước mình chưa hết sĩ phu đâu mà nhặng xị lên, thiên hạ người ta cười vào mũi cho đấy, có tiền có tem gạo mau mau đưa cho Quán!
- Tao góp mấy lần rồi. Phùng Quán cho biết mày là thằng đóng góp ít nhất, có đúng không? Tao nửa tin nửa ngờ. Hay là Phùng Quán bịa ra để khích anh em. Dân Huế thâm lắm!
Tôi nói lại với Phùng Quán những điều Doãn Trang bình luận. Phùng Quán tớp một ngụm rượu, khà một tiếng: Bây giờ là 1973 chứ không phải 1961, lãnh đạo đã nghĩ khác, ngành công an đổi mới nhiều, đội ngũ công an lúc này học hành đến nơi đến chốn, nghiệp vụ thông thạo hơn trước. Không như những năm 1960, họ theo dõi anh Cung làm gì. Mày biết không, nhiều thằng bạn trước ở bộ đội với tao, chuyển ngành sang công an từ ngày hòa bình lập lại, vừa rồi chúng nó đến tận nhà biếu Phùng Cung tem gạo và chút tiền nhờ tao chuyển. Tao nhận ra chúng nó thật lòng trong cách cho và cách trò chuyện. Doãn Trang là đứa lạc hậu với thời cuộc. Mình tin một ngày không xa người ta sẽ khôi phục lại danh dự cho nhóm nhân văn, trong đó có Phùng Cung...
Cuộc sống của Phùng Cung dần dà mát mặt, anh có sổ gạo, phiếu vải, phiếu dầu… song vẫn cần sự quan tâm của Quán và bè bạn. Quán bảo anh sẽ liên hệ với một số dịch giả để giúp Phùng Cung dịch sách từ nguyên bản tiếng Pháp. Tôi nói lại với Phùng Cung điều đó, Cung từ tốn: Tớ không có bằng tú tài như Hoàng Cầm, Trần Dần nhưng có bằng thành chung, cũng dịch được với điều kiện có quyển từ điển, tốt nhất là quyển từ điển của Đào Duy Anh. Nói là làm, Quán đến Trần Dần hỏi xem Dần đang dịch gì có thể nhường cho Cung vài chương được không. Dần bảo, mỗi quyển tiểu thuyết tiếng Pháp định chuyển ngữ, nhà xuất bản thường đưa cho vài người dịch thử một chương, họ bằng lòng ai nhất thì giao cho người đó dịch toàn bộ, hiện không có dịch quyển nào cả, nhưng để hỏi mấy thằng bạn đang dịch sách cho nhà xuất bản, để họ nhường Cung dịch vài chương kiếm chút tiền. Anh Trần Dần bảo trình độ tiếng Pháp của Cung đâu đến nỗi tồi, tiếng Việt của nó bậc thầy. Quán yên tâm...
Những ngày đó, nhiều người không biết việc này, Phùng Cung miệt mài làm thơ và sửa chữa thơ anh làm trong tù. Người đầu tiên được đọc thơ Phùng Cung và làm biên tập cho tập thơ chính là Phùng Quán. Phùng Quán đưa thơ Phùng Cung chép tay cho tôi đọc. Tôi sửng sốt trước tài năng thơ Phùng Cung mà xưa nay tôi vẫn nghĩ anh chỉ là người viết văn xuôi . Trước lúc đưa cho Nhà xuất bản Văn hóa bản thảo tập thơ Xem Đêm của Phùng Cung, Phùng Quán đã bỏ đi quá nhiều bài đến nỗi tôi phải kêu lên: dao của Quán sắc quá! nên để lại vài bài thơ Phùng Cung viết trong tù. Tôi kể lại với Phùng Cung điều này, Cung cười: Phùng Quán xưa nay vốn là người kiên định lập trường, nó loại bỏ đi như thế cũng được. Bài học mười hai năm tù của tớ là bài học cay đắng về sự không biết nhân nhượng! Nếu biết nhân nhượng một chút, chắc số phận đã khác rồi… Phùng Cung có lần bảo tôi, thơ Phùng Quán cứ tràng giang đại hải, chỉ đọc ở quảng trường cho đám đông nghe, đã nhiều lần trao đổi với Quán nên lập ý, lập tứ ngắn gọn. Tưởng là Quán giận, không ngờ Quán không bỏ ngoài tai, cân nhắc những điều bạn trao đổi, sửa lại tập thơ về cây cỏ. Quán là người rất phục thiện.
Nhà thơ Phùng Quán (bìa trái) và nhà thơ Phùng Cung (bìa phải)
Những năm đầu thập niên 90, Phùng Quán thường đưa thơ Phùng Cung đến các tòa soạn hết lời ngợi khen thơ Phùng Cung đề nghị họ in. Thơ Phùng Cung hay thực sự, vả lại nể Phùng Quán, nhiều báo in thơ Phùng Cung. Vợ con anh có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Lúc này Phùng Cung, cũng như Phùng Quán đã có lương hưu. Về việc Phùng Cung có lương hưu xin các bạn đọc quyển Chiều chiều của Tô Hoài sẽ rõ ngọn ngành, Tô Hoài viết rất hóm, đọc vừa thương thân phận Phùng Cung vừa cười ra nước mắt, tôi kể ra nữa thì thừa. Tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, Phùng Quán rủ tôi lên Phùng Cung chơi (lúc này gia đình anh đã chuyển về làng Ngọc Hà) nhân thể đưa Phùng Cung ít tiền nhuận bút và tiền Lê Huy Quang vừa cho Quán mấy chục ngàn để mua rượu. Quán bảo Lê Huy Quang vừa vẽ áp phích hay dựng cảnh cho vở kịch nào đó, Quán nhờ tôi đưa hết cho Phùng Cung. Vừa đến nhà, nghe tiếng chị Thoa từ bếp nói vọng ra: Nói với chú ấy (người thu tiền điện) là cho khất vài hôm hoặc tháng sau thu một thể, chứ nhà không còn đồng nào. Quán reo lên từ ngoài ngõ: Có tiền đây rồi, dư sức trả tiền điện, rồi ngoảnh sang hỏi anh thu ngân bao nhiêu tiền. Anh ấy bảo ba mươi tám đồng sáu hào, Quán rút ba mươi chín đồng và bảo không phải thối lại. Phùng Cung ngạc nhiên. Quán cười:
Tiền của anh đấy, nhuận bút báo Nông nghiệp in thơ anh - vừa nói Quán vừa đưa tờ báo cho Phùng Cung - họ đăng ba bài, ban đầu trả hai mươi đồng, thấy thơ anh ngắn, người làm nhuận bút tưởng là một bài, tôi phải bảo đây là ba bài, họ liền trả sáu mươi đồng, tôi đưa nhuận bút cho anh, cộng thêm tiền Lê Huy Quang cho tôi, tất cả là hơn một trăm, anh cầm lấy mà tiêu dần.
Một hôm Phùng Quán bảo tôi:
- Nhà nước cử người đến thông báo cho tớ biết sẽ nâng lương hưu cho tớ và Phùng Cung lên chuyên viên 1, theo cậu có nên nhận không?
- Từ cán sự 1 lên chuyên viên 1 thêm được mấy chục nghìn, không nhỏ đâu. Cái quý giá, từ nay cậu và Phùng Cung được nâng lên loại cán bộ trung cấp, ốm đau nằm bệnh viện Việt-Xô. Lộc nước thì nhận chứ từ chối là không nên! Chắc trong đầu cậu nghĩ mình sẽ phản đối chứ gì, tớ bây giờ không cực đoan như ngày trước đâu.
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi ở Sài Gòn có điện thoại, muốn liên lạc với Quán, chào thua. Quán cho biết ở Hà Nội, muốn mắc một điện thoại bàn phải có hơn ba triệu, đào đâu ra số tiền lớn thế, đành liên lạc với nhau bằng thư gửi qua bưu điện. Một hôm, tôi nhận được bưu phẩm của Quán, mở ra đó là chín truyện ngắn và kèm theo lá thư của Phùng Cung. Quán và Cung đề nghị tôi tìm cách xuất bản. Nan giải quá! Cách đó mấy năm, tôi xuất tiền túi ra in cho Phùng Quán truyện dài Chép còm và in cho nhà văn Vũ Hạnh cuốn sách dịch về thời thơ ấu của vua hề Sác lô. Từ đó Phùng Quán hay giới thiệu với bạn bè tôi là đầu nậu sách, có thể in cho bất cứ ai. Tôi đọc truyện của Phùng Cung thấy sinh động, đã đưa mấy nhà xuất bản sẵn sàng hợp tác với họ để in, nghĩa là tôi xuất tiền túi và tự phát hành. Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang viết một lời giới thiệu về thơ và truyện ngắn Phùng Cung rất xúc động để in vào trang đầu cuốn sách. Tôi tính toán kỹ việc phát hành để truyện ngắn Phùng Cung ra đời mà không bị lỗ, ít nhất cũng thu hồi được vốn. Buồn quá, không nhà xuất bản nào chịu cấp giấy phép, tôi biết họ còn ngại tác giả Con ngựa già của chúa Trịnh, đăng trên báo Nhân văn dù đổi mới đã mấy năm rồi, anh em trong nhóm nhân văn đều đã có sách, văn xuôi, thơ… trình làng. Không in được ở Việt Nam sẽ tìm cách in ở nước ngoài. Ai làm khó dễ, tôi sẽ có cách “phang” lại. Bảo thủ không thể thắng đổi mới được. Dịp may đến bất ngờ, cháu Phùng Hà Phủ lúc này đã ngoài ba mươi, chuyển vào Sài Gòn công tác ờ ngành địa chất, tôi bảo với cháu, đánh máy lại bản thảo của bố thu vào một cái đĩa hoặc USB, có dịp sang nước ngoài thì cầm theo, nhờ bên đó in cho. May mắn đến bất ngờ, cháu Phủ đi công tác Canada, một bà bác sĩ tốt bụng, quí mến và thương cảm Phùng Cung đã liên hệ với một nhà xuất bản ở Mỹ và tập truyện ngắn của Phùng Cung được ra mắt bạn đọc nước ngoài. Nhà xuất bản đã trả cho chị Thoa 1.500 USD tiền nhuận bút, chị khoe với tôi bằng giọng thương mến, cảm động, trước tấm lòng bạn bè phương xa và trong nước.
Sau 1975, tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Năm nào tôi cũng có mặt ở Hà Nội một vài lần. Năm 1995, Phùng Quán đưa cho tôi xem giấy phép của nhà xuất bản Văn hóa cấp cho tập thơ Xem Đêm của Phùng Cung. Quán hỏi tôi hết bao nhiêu tiền in được quyển này. Là một người có chút hiểu biết giá cả các loại giấy, giá công in… tôi bảo nếu in 1.000 cuốn phải có ít nhất ba triệu đồng. Lật lên lật xuống bản thảo, Quán hỏi nếu in 500 cuốn sẽ là triệu rưỡi à? Không thể chia đôi đơn giản như Quán nói. In nhiều giá rẻ, in càng ít giá thành càng cao. Phùng Cung chắc không có đồng nào, vận động ai đóng góp bây giờ. Phùng Quán bảo:
- Tao đã có cách, sẽ bỏ ra sáu tháng xuyên việt, đọc thơ và quyên tiền cho Phùng Cung!
- Thơ Phùng Cung súc tích, ngắn gọn, chỉ ngồi chiếu rượu đọc cho nhau nghe, nhấm nháp thơ, thấm dần, chứ không thể ra sân vận động, bến xe, bến tàu như mày đã từng đọc để quyên tiền cho người nghèo mấy năm trước đây, hay mày lại chỉ đọc thơ mày.
Hớp một ngụm rượu Quán bảo:
- Đọc thơ tao và thơ Phùng Cung, dĩ nhiên trước khi đọc thơ Phùng Cung tao sẽ giải thích ngọn nguồn, người nghe sẽ thấu hiểu và xúc động trước thân phận thơ Phùng Cung. Ví dụ đọc bài Trà: quất mãi nước sôi/ trà đau nát bã/ không đổi giọng Tân Cương hoặc bài Bèo của anh Cung: lênh đênh muôn dặm nước non/ dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh, không cần giải thích, người nghe hiểu ngay thông điệp của những bài thơ ngắn gọn một cách độc đáo ấy…
Tôi vào Sài Gòn ít lâu thì nhận được thư Phùng Quán báo tin, anh Nguyễn Hữu Đang đã rút hết tiền tiết kiệm anh ky cóp mấy năm nay cho Phùng Cung in thơ. Trong tập Trăng hoàng cung (Nxb Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh – 1996) Phùng Quán viết rất xúc động về điều này. Cuối năm 1995, Phùng Cung gửi vào cho tôi 200 cuốn Xem Đêm nhờ phát hành hộ. Giúp anh là nghĩa vụ của tôi. Tôi cầm sách đi bán dạo, cô giáo Trân ở trường Cao đẳng Sư phạm mua cho 30 cuốn, các thầy các cô người ít nhất mua một cuốn, phần lớn mua từ 3 cuốn trở lên. PGS TS Trần Hữu Tá cũng phát hành giúp (sách Phùng Cung gửi riêng cho Trần Hữu Tá), gom về được mấy trăm nghìn đồng đưa cho tôi nhờ chuyển ra Hà Nội. Nếu nhớ không nhầm, tôi đã đưa cho cháu Phùng Hà Phủ, một triệu ba trăm ngàn đồng để cháu chuyển cho bố mẹ. Lại vẫn Phùng Quán viết thư cho tôi, tiền bán sách Xem Đêm từ khắp nơi gom lại đủ để hoàn trả cho anh Nguyễn Hữu Đang. Anh Đang không nhận mà bảo, cứ để số tiền làm một cái quỹ giúp văn thi sĩ nghèo lúc cần đến…
Trong bữa cơm ở nhà Phùng Quán, cô giáo Bội Trâm (vợ Phùng Quán) thủ thỉ:
- Ông Đài ạ, người ta hay nói về việc anh Quán giúp anh Cung, thực ra anh Cung giúp anh Quán rất nhiều. Anh Cung thường đọc rất kỹ những bài thơ của anh Quán, góp ý để thơ anh Quán không dài dòng như những bài độc tấu hồi đi biểu diễn với anh Thanh Tịnh. Và bát canh bí tôm khô hôm nay là cây nhà lá vườn của anh Cung cầm đến cho. Bát canh phiếu mẫu đấy!
Tôi cười:
- Bát cơm phiếu mẫu bà lại “biên tập” thành bát canh, vui thật…
Hai nhà thơ họ Phùng, một người sinh ra ở Vĩnh Yên, một người sinh ra ở Huế đã cư xử với nhau hơn cả anh em ruột thịt. Hai người đã về với ông bà gần 20 năm nay. Phùng Quán không được nhìn một loạt tác phẩm của anh xuất bản sau khi anh mất. Phùng Cung cũng không được nhìn thấy tập thơ Xem Đêm Nhà xuất bản Hội Nhà văn và công ty văn hóa Nhã Nam tái bản 2012 gần như đầy đủ thơ của Phùng Cung trong tù và ngoài đời. Tập thơ đã được Hội Nhà văn Hà Nội tặng giải thưởng cùng với tập tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Lời tiên đoán của Phùng Quán mấy chục năm về trước đã thành sự thật: Rồi nhà nước sẽ khôi phục danh dự cho nhóm nhân văn...
Bạn bè tới nhà tôi chơi, đều đến bàn thờ có di ảnh Phùng Cung, Phùng Quán thắp cho các anh một nén tâm nhang, báo tin vui cho hai thi sĩ họ Phùng là nhiều anh trong nhóm nhân văn đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng quốc gia. Giải thưởng Hồ Chí Minh có nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Giải thưởng Nhà nước có Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Hai nhà thơ họ Phùng ơi, những gì các anh mong ước đã thành sự thật.
(Văn nghệ số 40/2013)