Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Hoàng Hưng từ Hà Nội xuống Hải Phòng để dạy học và gặp gỡ nhà thơ Thanh Tùng. Tình bạn thi ca được đánh dấu bằng bài viết của nhà thơ Hoàng Hưng về bài thơ “Phố cửa biển” đăng trên tạp chí Cửa Biển cách đây gần 60 năm.
PHỐ BIỂN CỦA LÒNG TA
(Về bài thơ Phố cửa biển của Thanh Tùng)
Quê hương ta những năm đánh giặc. Quê hương ta những năm gian lao. Tình quê hương, thứ tình cảm tưởng như cũ xưa quá rồi bỗng lại được phát hiện, tha thiết bội lần trong tiếng bom rơi. Góp vào những bài thơ hay trong chủ đề ấy, anh Thanh Tùng có tiếng nói mới mẻ không lẫn được của một người thợ, một đứa con của vùng quê công nghiệp Việt Nam.
Mãnh liệt, đầy sức sống, hình ảnh quê hương anh vừa hiện lên đã đánh mạnh vào trí tưởng tượng người đọc với “dòng sông mở ra ôm choàng lấy biển”, với “tiếng còi tàu rúc chào vang động”. Dòng sông mở ra hay chính lòng anh khát khao ôm cả cuộc đời, tiếng còi tàu phải chăng đã cho anh một giọng trầm, thứ giọng còn hiếm trong thơ ta!
Quê hương với anh cũng là những kỷ niệm tuổi thơ, song không phải tuổi thơ hiền lành êm ả cho những rung cảm nhè nhẹ dễ dãi. Chú bé ở đây khoẻ mạnh, góc cạnh như cái thành phố lao động của chú. Cái nghịch cũng đến là ương bướng: những thân cây xù xì thì trèo đến nhẵn đi còn những bìa tường thẳng thớm lại mài cho lẹm vào cho vẹt vào.
Những cậu bé như thế, ngỗ ngược và vào đời trước tuổi, thường lại thành những chàng trai giàu tình cảm và hiểu được sâu sắc những giá trị tình cảm. Người mẹ từng phải lo lắng nhiều cho anh, nay cảm động biết mấy khi “run run ra chờ tận ngõ” đón đứa con trai trở về từ xưởng máy. Văn học cũ hay tả người mẹ đưa con buổi tựu trường thứ nhất, ở đây ta được hình ảnh người mẹ đón con buổi tan ca đầu tiên. Cái kia thơ mộng, dễ thương; cái này cuộc đời, sâu nặng. Cái này là cái mới, là “chất thợ” của bài thơ.
Càng cuộc đời hơn, là cái tình giữa những người đi về những ca làm mệt nhọc, ta thường nói chữ là “tình giai cấp”. Thanh Tùng đã thấm cái tình giai cấp ấy tận máu thịt, thấm qua từng trải hàng ngày, nên những câu thơ anh làm ta xúc động sâu xa:
Bàn tay quai búa bỏng rát chai dầy
Tấm áo công nhân bạc màu nắng gió
Những tầm về mệt nhọc
Tôi bước lẫn những tấm lưng mồ hôi hầm hập
Thấy mặn lòng từng vệt muối trắng vai ai.
Chân thực quá. Những tấm lưng mô hôi, từng vệt muối trắng vai, anh gắn bó với đội ngũ anh trong gian khổ, trong lao động, gắn bó một cách vật chất như thế. Không cố ý tượng trưng hay cách điệu, hình ảnh chân thực của Thanh Tùng đã đạt đến chiều sâu cảm xúc.
Làm sao cho chất nóng mồ hôi và chất mặn muối của cuộc sống vật lộn của nhân dân đọng trên những trang thơ nhiều hơn nữa, bên cạnh cái tươi mát ngọt ngào đã được diễn tả khá đạt hiện nay; có lẽ sau mọi sự bay hơi, thì cái lắng lại của cuộc đời là muối.
Cũng rất chân thực là hình ảnh dãy phố của anh, chân thực cả trong những gì chưa ổn định, chưa đâu vào đấy. Nhưng có phải chính những điều ấy làm ta càng nặng nợ với nó? Bài thơ bắt chúng ta phải suy nghĩ, phải băn khoăn, phải có trách nhiệm về những thứ “mòn trơ khấp khểnh, vấp bật móng chân”, về “những em ở trần” còn xung quanh ta.
Một thứ tình cảm “phố phường” rất đẹp đã biểu hiện nhuần nhị trong bài thơ. Trước kia ta thường chỉ quen với màu sắc nên thơ của tình cảm xóm giềng thôn dã, mấy ai nói được cái quan hệ mới giữa những người thành phố. Cái phố này rất là Việt Nam: “hạt gạo củ khoai nhỡ nhàng cho nhau giật tạm”, nó ấm cúng, nó gia đình lắm chứ không loè loẹt đô thành và lạnh lùng kim khí.
Nói được tình cảm ấy cũng là một phát hiện, sự phát hiện bắt đầu từ lòng mình. Lòng người thợ trẻ rung lên, tưởng như nó gắn liền một cách cơ thể với dãy phố của anh và tất cả những cuộc đời cụ thể trong phố đã đồng nhất trong một cuộc sống chung, nên mọi sự ra đời mọi sự mất đi đều âm vang sâu thẳm:
Hỡi dãy phố của tôi
Mỗi em bé ra đời
Mỗi người già khuất núi
Cũng động vào nơi sâu thẳm trong tôi.
Đoạn thơ cuối cùng hơi thoát khỏi phần trên, phải chăng nó chỉ tạo tình thế cho tác giả bộc lộ hết tình cảm với quê hương, hay nó là một cách nâng lên mức một tình cảm chiến đấu? Cái lý của kết cấu có thể còn khiên cưỡng, song người đọc vẫn bị thuyết phục bởi cái tình thực trong đoạn này. Tác giả đã ghi lại được giây phút sững sờ của người thợ - nay trở thành người lính xa quê hương, nghe tin dãy phố của mình bị kẻ thù xâm phạm. Sau phút bàng hoàng, cơn giận bỗng bùng lên, nhịp thơ dồn dập, câu thơ bức xúc, căng thẳng và nổ vỡ ở câu cuối cùng, đanh chắc, quyết liệt như tiếng đạn bắn thẳng:
Một phút bàng hoàng tưởng ứa máu trong tim
Đường hành quân sao bỗng dài vô hạn
Mặt quân thù lấp sau trùng non
Tôi muốn thẳng tay xé toạc bóng đêm
Xé toạc không gian nghìn dặm
Cho lộ mặt quân thù
Tôi xả súng!
Ở đây có một lúc cho tưởng tượng nhảy vọt. Lòng căm thù mãnh liệt khiến anh chiến sĩ nôn nóng đòi xé toạc không gian và ép mỏng thời gian để được trả thù lập tức. Có nói quá, nói lớn, vượt biên giới của logic thông thường, nhập lẫn cụ thể với trừu tượng, nhưng người đọc không thấy ngỡ ngàng, ngờ vực - điều này thường làm thất bại cố gắng của các người làm thơ - vì đây không phải là kỹ thuật, không phải là “mô đéc” gì cả, đây là một tâm trạng thực bộc lộ ra trong một dạng đột xuất, biến hình.
Tôi yêu Phố cửa biển của Thanh Tùng chưa phải vì nó đó là một bài thơ thật chin - còn hiều điều có thể bàn với tác giả về kết cấu, về sự chắt chiu ngôn từ, về yêu cầu dung lượng và tầm tư tưởng của bài thơ. Chinh phục ta trước nhất là ở cái tình chân thành, xúc động, một kiểu xúc động “đàn ông”, những chi tiết thực, xù ráp, đôi lúc còn nguyên nhựa và đất như mang thẳng từ cuộc đời vào thơ. Nhạc thơ không êm ái du dương, xin chớ tìm ở đây sự du dương êm ái quen tai, xin nhớ rằng hồn thơ này khoẻ mộc như hồn một bến Cảng, giọng thơ này là giọng trầm từ khung ngực rộng của người thợ trẻ có chiều sâu và khoảng vang.
Theo HOÀNG THỤY HƯNG