Vừa qua, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, thống nhất về chương trình thực hiện tập sách Đại tướng Phùng Quang Thanh - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.
Cuộc họp do Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam chủ trì. Sau khi nghe các ý kiến trình bày của Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng và nhà văn Phùng Văn Khai về tiến trình biên soạn bản thảo tập sách, Chủ tịch Hội đồng đã phân công các khu vực công việc để bản thảo sớm được kiện toàn, in ấn theo kế hoạch.
Trước đó, thay mặt Hội đồng họ Phùng Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Thảo và nhà văn Phùng Văn Khai đã tới gia đình Đại tướng Phùng Quang Thanh thắp hương báo cáo tiến trình làm sách về Đại tướng.
Sau đây là một số hình ảnh và lời nói đầu tập sách:
LỜI GIỚI THIỆU
Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Chủ tịch Hội đồng Họ Phùng Việt Nam
Trong một thời gian ngắn từ 25 tháng 8 đến 11 tháng 9 năm 2021, họ Phùng Việt Nam đã phải vĩnh biệt hai người anh hùng. Đó là anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu thời chống Pháp và Đại tướng anh hùng chống Mỹ Phùng Quang Thanh. Dẫu biết quy luật tự nhiên của con người là sinh, lão, bệnh, tử mà sao người đang sống vẫn thấy chống chếnh, hao khuyết và tiếc thương không thể nói hết bằng lời.
Sen tàn cúc thắm mà chi
Một mùa đến lại chia ly một mùa
Đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh, anh chị em các cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc trong Đại hội năm 2017 tại Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà - Ba Vì - Hà Nội đã gặp gỡ và cảm nhận hết sức rõ ràng sự nhiệt thành, ấm áp và bình dị của vị tướng từng nhiều năm đảm đương cương vị cao: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở vị Đại tướng họ Phùng, sự chân thành tự nhiên và thanh thoát của ông đã như một tấm gương lớn trong dòng họ. Đoàn nào cũng muốn đến chụp ảnh lưu niệm với ông. Các đoàn từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Tây Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định… Các anh chị em ai cũng muốn chụp ảnh với Đại tướng, nắm bàn tay dày ấm của ông, hỏi thăm sức khỏe của ông và nhất là nhìn vào đôi mắt sáng hiền, nụ cười thân thiện mà cảm nhận rõ ràng sự thanh thản, nồng ấm của một người con họ Phùng. Chỉ cần nhìn vào tâm điểm ấy, các gương mặt xúm xít quanh Đại tướng, nụ cười như nắng, mái đầu xanh xen mái đầu phơ bạc như mây đã hiện lên tấm chân tình Phùng tộc mà ai nấy đều rưng rưng trong tim óc.
Sắc cờ Phùng tộc còn bay mãi
Tự hào muôn thuở với non sông.
Đại tướng Phùng Quang Thanh là người con Phùng tộc ở Thạch Đà - Mê Linh - Vĩnh Phúc. Tuổi thơ cơ cực của ông đã sớm cho ông nhận thức sâu sắc từ những buổi ban đầu, đó là phải có niềm tin, tri thức và rèn luyện không ngừng để tiến về phía trước. Mồ côi cha khi chưa đầy 2 tuổi. Khi ấy, cả nước còn đang phải dồn sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Người cha Phùng Quang Sức đã hy sinh vì Tổ quốc khi mà người con thơ dại chưa thể nào nhận ra hết nỗi đau đã giáng xuống mình. Trong vòng tay những người ruột thịt, bà con xóm giềng, Phùng tộc Thạch Đà, cậu bé Phùng Quang Thanh đã cặm cụi lớn lên. Tháng 7 năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi, Phùng Quang Thanh đã hai lần viết tâm thư tình nguyện xin nhập ngũ. Trước mộ người cha liệt sĩ, Phùng Quang Thanh đã tự mình xúc động hứa rằng: “Con sẽ phấn đấu xứng đáng với bố và các đồng chí của bố”.
Đó là lời thề thứ nhất của người chiến sĩ Phùng Quang Thanh.
Vào thẳng chiến trường Quảng Trị, tháng 11 năm 1967, Phùng Quang Thanh đã có mặt trong đội hình chiến đấu, là chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (A). Nhiệt tình, gan dạ, quả cảm và rất tình cảm là đặc tính của Phùng Quang Thanh mà cấp trên và đồng đội đã ngay lập tức nhận ra ở người chiến sĩ mang dòng máu họ Phùng. Làm chiến sĩ trinh sát trực tiếp ở chiến trường Quảng Trị thời điểm ấy chính là đối mặt với sự hy sinh, sẵn sàng hy sinh, hoàn toàn có thể lập tức hy sinh.
Thời điểm đó, ngày nào mặt trận Quảng Trị cũng đều có những chiến sĩ quả cảm chiến đấu và trở thành liệt sĩ.
Phùng Quang Thanh trong thời khắc đó, thời gian đó đã đảm đương các cương vị Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng chỉ huy đơn vị mũi nhọn bộ binh đánh hàng chục trận ác liệt. Có những trận đánh vừa trở về cầm nắm cơm lên, chỉ huy đại đội đến hỏi: “Ai xung phong trở lại đưa nốt thương binh, liệt sĩ về?” Phùng Quang Thanh đã lập tức xung phong lên đường đem đồng đội về chôn cất.
Trận chiến đấu để người lính Phùng Quang Thanh trở thành anh hùng đã được sử sách lưu danh. Tập sách này cũng sẽ ghi rõ đầy đủ. Nhưng cao hơn, sâu hơn và gần hơn, đó chính là sự tình nguyện hy sinh của người chiến sĩ Phùng Quang Thanh giữa mưa bom bão đạn, giữa lằn ranh sống chết đã không gợn một chút riêng tư. Phùng Quang Thanh đã bước thẳng vào nơi súng nổ, đã bắn thẳng vào quân thù để góp phần vào những chiến thắng lớn, vào thống nhất non sông.
Trong toàn bộ cuộc đời mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã không một giây phút nào không dành tâm huyết để chiến đấu và cống hiến. Ở mọi cương vị dù nhỏ nhất, nhất là khi đảm đương cương vị quan trọng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong 10 năm (2006-2016), vị tướng trận đã có những cống hiến xuất sắc, thể hiện trên nhiều thành tựu của quân đội ta với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, thời kỳ mới hôm nay. Những dấu ấn của Đại tướng Phùng Quang Thanh là toàn diện, nổi bật là đối ngoại quốc phòng nâng cao vị thế quân đội và đất nước Việt Nam. Ông xứng đáng là vị Tư lệnh đổi mới quyết đoán và thân thiện.
Nói đến Đại tướng Phùng Quang Thanh trước tiên phải nói đến sự trầm hậu và sâu sắc khi đảm đương cương vị lớn, khó và hết sức nặng nề - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở cương vị này, trong quá trình trưởng thành của quân đội ta, luôn là những vị tướng đặc biệt xuất sắc.
Với tầm nhìn chiến lược, từng trải qua các cấp công tác phong phú, kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã vững vàng, tâm huyết, cầu thị, đảm đương xuất sắc nhiệm vụ của mình, để lại nhiều thành tựu và cảm xúc trong hai nhiệm kỳ Bộ trưởng.
Khi được Đảng, Nhà nước và Quân đội cho thôi chức vụ, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng hiếm khi được nghỉ ngơi. Vô vàn công việc đợi chờ ông. Từ việc nhỏ ở xóm mạc Thạch Đàtới việc quân, việc nước cần đến ông đều có mặt. Như Hội đồng họ Phùng Việt Nam, kỳ cuộc nào ông cũng hết sức quan tâm. Việc trao giải thưởng cho các cháu họ Phùng đỗ Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội ông đều tham gia tặng hàng trăm suất học bổng. Các Hội thảo khoa học do họ Phùng tổ chức, ông đều chăm chú hỏi han, còn viết những tham luận khi phù hợp. Nói đâu xa, khi tiến hành Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, ông vừa gửi lẵng hoa chúc mừng vừa gửi tham luận hết sức công phu.
Gần đây nhất, khi Hội đồng họ Phùng Việt Nam thông báo anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu mất, Đại tướng Phùng Quang Thanh khi đó đang trên giường bệnh cũng gửi vòng hoa tới viếng khiến gia đình và đồng đội ai nấy đều rất xúc động. Với tình cảm chân thành đối với dòng họ, nên khi nghe tin ông mất, đã có hơn 40 chi nhánh họ Phùng trong cả nước đã đề nghị với Hội đồng họ Phùng Việt Nam cho gửi lời chia buồn tới gia đình và mong muốn gửi vòng hoa đến viếng ông như một người thân kính nhất của dòng họ. Tuy nhiên, thực hiện quy chế Tang lễ cấp Nhà nước dành cho Đại tướng, cũng thời gian này đang xảy ra đại dịch covid-19, thực hiện nghiêm các Chỉ thị về phòng chống dịch của Chính phủ, thành phố Hà Nội; Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tiếp nhận và chuyển lời viếng tới gia đình, đồng thời xác định khi vãn dịch sẽ tổ chức thành đoàn tới tận nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Thạch Đà - Mê Linh kính viếng dâng hương và dâng sách về Đại tướng.
Khi Đại tướng Phùng Quang Thanh còn sống, cũng đã có lần Hội đồng họ Phùng Việt Nam trao đổi ý kiến về việc viết Hồi ký của ông, song ông đã khiêm tốn xin không viết. Tôn trọng ý kiến của Đại tướng, anh chị em họ Phùng đã phân công Tiến sĩ Phùng Thảo chỉ viết ngắn gọn vài chục trang về Đại tướng Phùng Quang Thanh. Các bài viết về ông đã in lần lượt trong các tập sách họ Phùng. Điều này, chúng tôi cũng làm với các danh nhân, tướng lĩnh, nhân vật lịch sử của họ Phùng trong suốt những năm qua.
Bây giờ Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đi xa. Ông trở về với thế giới của người hiền, mọi tâm tư, tình cảm và kỷ niệm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và họ Phùng, các bài viết của giới nhân sĩ trí thức, các nhà văn, nhà báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã như những nén hương thơm thảo bay đến với linh hồn người con mảnh đất Thạch Đà. Chắc chắn nơi thế giới của người hiền Đại tướng đang ở, ông sẽ nhận được rất nhiều tình cảm của đồng đội, anh em, dòng họ dành cho mình. Đó cũng là sự công bằng đối với ông.
Theo nguyện vọng của gia đình, sự cộng tác của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng họ Phùng Việt Nam thực hiện biên soạn tập sách Đại tướng Phùng Quang Thanh - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp nhằm mục đích để mọi người hiểu biết hơn về vị Đại tướng họ Phùng. Cuốn sách cũng là sự tri ân sâu sắc với người anh hùng, là tấm lòng ấm áp của người sống đối với người đã khuất.
Trong quá trình tập hợp và biên soạn, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm chia sẻ nhiệt tình của các vị lãnh đạo, các vị tướng lĩnh, giới nhân sĩ trí thức, các nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh trên cả nước, trong và ngoài quân đội đã giúp đỡ và cung cấp các bài viết, hình ảnh tư liệu để Ban Biên soạn có được tập sách này.
Tập sách ra đời sẽ không thể tránh khỏi những thiếu khuyết về khách quan và chủ quan. Rất mong được bạn đọc xa gần chia sẻ và thông cảm.
Xin trân trọng cảm ơn!