Thực hiện các chương trình hoạt động của Hội đồng họ Phùng Việt Nam, buổi chiều ngày 29 tháng 1 năm 2024, Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam; nhà văn Phùng Văn Khai - Ủy viên Thường trực - Tổng Thư ký Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tới thăm, chúc Tết, trao Bằng Vinh danh cho gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang - Thiếu tướng Phùng Quang Bích tại ngõ 19 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Thiếu tướng Phùng Quang Bích, một nhân vật lịch sử đặc biệt có công trong thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 trên cương vị Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ huy bộ đội đánh thắng, bắn rơi nhiều máy bay B52 tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại gia đình, phu nhân Thiếu tướng Phùng Quang Bích đã tiếp nhận Bằng Vinh danh và có lời cảm ơn tới Hội đồng họ Phùng Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh và bài viết về Thiếu tướng Phùng Quang Bích:
Thiếu tướng Phùng Quang Bích
với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một chiến thắng mang tầm vóc lịch sử lớn lao. Trong tháng 12 lịch sử, đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Đối với cá nhân tôi, có hai vị tướng đặc biệt mà tôi từng được gần gũi, gặp gỡ và viết sách về các ông. Người thứ nhất là Thượng tướng Phùng Thế Tài - người được Hồ Chủ tịch sớm giao nhiệm vụ, Bác đã nói: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Bác còn nói thêm: “Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị”.
Trung tá Nguyễn Quang Bích, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1963
Người thứ hai là Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (ông tên thực là Phùng Quang Bích). Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích quê tại Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng ngày 20 tháng 8 năm 1945, là Đại đội trưởng Giải phóng quân Hà Nội. Khi thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại xâm lược Nam bộ, ông tham gia đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu tại chiến trường Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ nhiều cương vị chỉ huy Bộ đội pháo binh, pháo phòng không và sau đó đảm đương cương vị Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp tham gia tổ chức đánh B.52 trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Nếu như Thượng tướng Phùng Thế Tài nổi tiếng và nhiều giai thoại thì Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cũng nổi tiếng với sự quả cảm, can trường với thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc khi ông chỉ huy lưới lửa phòng không trực tiếp đánh máy bay Pháp tại Mặt trận Điện Biên Phủ và đánh máy bay Mỹ tại các tuyến đường thuộc Đoàn 559 Trường Sơn huyền thoại.
Năm 1954, Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình binh chủng hợp thành. Khi ấy, Trung đoàn trưởng Lê Văn Tri đang phụ trách đoàn cán bộ huấn luyện ở Trung Quốc; Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Bích được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị về nước chỉ huy Trung đoàn 367 tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ. Mới ở tuổi 30, ông đã chỉ huy một trung đoàn pháo cao xạ lần đầu xuất quân với hai tiểu đoàn, giống như hai gọng kìm, kẹp và khống chế địch ở trung tâm Mường Thanh. Hai tiểu đoàn với số lượng pháo cao xạ ít ỏi, đối đầu với hàng trăm máy bay hiện đại các loại của thực dân Pháp.
Đồng chí Nguyễn Quang Bích (hàng sau, thứ ba từ trái sang) cùng tập thể Đảng ủy
Quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1977 - Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp
Trong ký ức rất nhiều đồng đội của ông, suốt chiến dịch, Nguyễn Quang Bích luôn là người chỉ huy xuất sắc trong mọi thời điểm. Tính cách quyết đoán, nghiêm khắc, sáng tạo của ông là yếu tố quan trọng, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 máy bay địch.
Đó cũng là một kỳ tích mà những người chiến sĩ lập được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thật kỳ diệu, Nguyễn Quang Bích lại được trực tiếp tham gia chỉ huy đánh bọn giặc trời tối tân hiện đại. Mười hai ngày đêm tháng Chạp năm 1972, ông được phân công trực chỉ huy tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông luôn trực tiếp có mặt ở những giây phút cam go nhất chỉ huy bộ đội Phòng không - Không quân đánh B.52 cùng với Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương. Chính những nhận định sắc sảo và kinh nghiệm chiến đấu dày dặn của mình, ông đã nhận định và tham mưu chuẩn xác để quân và dân ta chiến thắng kẻ thù.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (thứ hai từ trái sang) trong một lần cùng các tướng lĩnh
đến thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh - Ảnh: Tư liệu
Ông chia sẻ với cánh báo chí chúng tôi: “Qua theo dõi máy bay trinh sát của địch, tôi phán đoán thêm đường bay mới của B.52 có thể thực hiện. Đó là đường bay từ Thái Lan qua Thượng Lào, vào Tây Bắc xuống đánh phá Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Quả nhiên sau này địch sử dụng đường bay này để đánh phá Hà Nội. 8 giờ sáng ngày 18 tháng 12 năm 1972, tôi đã vào họp kíp chiến đấu, khẳng định B.52 sẽ đánh Hà Nội đêm ấy. 16 giờ chiều cùng ngày trên đã thông báo cho Sở chỉ huy biết khoảng 30 chiếc B.52 bay từ Gu-am vào đánh miền Bắc. Sở chỉ huy thống nhất thời gian, mật ngữ và tôi ra lệnh trực tiếp xuống các đơn vị ôn lại phương án đánh B.52, điều chỉnh lại đội hình xong trước 17 giờ. Có ý kiến cho rằng B.52 sẽ đánh vào Thanh Hóa, nhưng tôi khẳng định chắc chắn B.52 đánh vào Hà Nội”.
Quả là những dự báo, tham mưu và quyết định mang tính lịch sử đã góp phần làm nên chiến thắng.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI