(Chủ nhật, 05/01/2020, 09:06 GMT+7)
   Ngày 4/1/2020, Nhà văn Phùng Văn Khai - Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã đến thăm Nhà thờ Đô Đốc Phùng Phúc Kiều tại thị xã Cửa Lò - tỉnh Nghệ An và các cành nhánh họ Phùng tại địa phương. Sau đây, Ban biên tập website hophungvietnam.com xin gửi tới độc giả bài viết "Đô đốc, Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều" của Tiến sĩ Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam và một số hình ảnh: 

ĐÔ ĐỐC, THƯỢNG TƯỚNG QUÂN
PHÙNG PHÚC KIỀU

 

                                                  Tiến sĩ Phùng Thảo

Hiện nay, không phải ai cũng biết có một vùng cửa biển đẹp, trù phú, nổi tiếng - danh lam thắng cảnh - Thị xã Cửa Lò của tỉnh Nghệ An là nhờ có công lao của vị tướng công họ Phùng. Ông là Phùng Phúc Kiều, sinh năm 1724 dưới thời vua Lê Dụ Tông, tại làng Lộc Kén, xã Hiếu Hạp, huyện Chân Lạp, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Theo tộc phả họ Phùng ở Nam Cường, Nam Đàn, Nghệ An, họ Phùng ở Nghệ An vốn người ở Bắc di cư vào xứ Nghệ, trải qua các thời kỳ lịch sử, họ Phùng ở Nam Cường có nhiều người làm tướng, lập nhiều công lao, có tinh thần Trung - Nghĩa - Trí - Dũng. Xuất thân trong một dòng họ có truyền thống Công Hầu kế thế, có nhiều người tham gia vào các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, lập nhiều công lao. Xứng đáng là hậu duệ của Thái phó - Đại vương Phùng Tá Chu. Năm 1226, Phùng Tá Chu được cử giữ chức Tri phủ Nghệ An. Để phát triển kinh tế, chấn hưng đất nước, bảo vệ vùng biển phên dậu của nước Đại Việt, được nhà Trần giao tổ chức khai khẩn đất hoang, hoạch định các trang ấp ở Nghệ An, đưa dân các trấn phía Bắc vào khai hoang, lập nghiệp, ngài được giao quyền “ban tước từ tá chức xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên” đề bạt cất nhắc những người dưới quyền có đức, có tài quản lý đất nước. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, nâng sức dân, tổ chức trường dạy học nâng cao dân trí (lần đầu tiên Nghệ An có trạng: Bạch Liên), chọn người tài, tổ chức dân binh xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ quê hương. Con cháu ngài di cư vào vùng Hoành Sơn dọc hai bờ sông Nam thuộc phủ Đức Quảng lập nghiệp. Trải qua những biến cố của lịch sử, các thế hệ con cháu Phùng tộc đã tỏa đi các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sinh sống. Phùng Tá Chu là người đặt nền móng, là vị Thái thỉ tổ Phùng tộc ở xứ Nghệ - Tĩnh. Họ Phùng ở Nghệ An đã nổi lên nhiều vị danh thần có công với nước, với dân như: Phùng Văn Đạt, Phùng Thị Thục Giang, Phùng Bá Giàu, Phùng Viết Đán, Phùng Viết Tào, Phùng Sỹ Chu, Phùng Công Thạc, Phùng Duy Cần, Phùng Duy Phiên. Ông nội của Phùng Phúc Kiều là Phùng Bá Nghị, là một võ quan có nhiều công lao với nước, với dân, được triều đình nhà Lê phong Thượng tướng quân, Cấm y vệ, Đô chỉ huy sứ, tặng phong là Đề đốc, Gia phong Thái bảo quận công, Thượng đẳng phúc thần. Cụ thân sinh Phùng Phúc Kiều là Phùng Phúc Thiện, thường gọi là Phùng Lệnh Công, ông cũng là một võ quan của triều đình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ nghệ và có tinh thần yêu nước, ngay từ nhỏ Phùng Phúc Kiều đã nổi tiếng là người thông minh, tháo vát, tinh thông binh pháp, cao cường võ nghệ. Ông được dạy học nhân, nghĩa trong sách thánh hiền, ông biết dùng tài võ nghệ của mình để thể hiện chữ nhân, chữ nghĩa trong cuộc sống. Đây là cơ sở để Phùng Phúc Kiều sau này có trong mình cả đức và tài mà triều đình phải trọng dụng, nhân dân tôn quý.
Được cụ Phùng Phúc Thiện, cha đẻ dày công giáo dục, rèn luyện, Phùng Phúc Kiều sau khi đã hiểu sâu sắc về các chữ: Nhân - Lễ - Trí - Dũng, cụ mới hướng cho Phùng Phúc Kiều theo học võ thuật, binh thư, binh pháp. Nhỏ tuổi Phùng Phúc Kiều được ông nội, cha, chú dạy, rèn, lớn lên theo thầy học văn, học võ.
Năm 1740, khi Phùng Phúc Kiều đã trở thành một thanh niên tráng kiện, ông khá thông giỏi về văn chương, võ nghệ, ông luôn ý thức về nghĩa vụ làm trai thời loạn, ông đã nỗ lực học tập, rèn luyện không chỉ về binh pháp, quân cơ, mà còn nghiên cứu sâu về lịch sử, địa lý. Năm 1741, ông tham gia kỳ thi Bác Cử do triều đình mở, Phùng Phúc Kiều đã thi đạt loại ưu, đến kỳ thi đệ nhị, ông đỗ loại nhất, kỳ thi đệ tam là kỳ thi khó nhất, ngoài thi võ nghệ, thí sinh còn phải trả lời về ý nghĩa của các bộ sách về binh thư để xét đánh giá phương pháp, mưu lược việc binh. Tại kỳ thi này, nhiều người thi không đạt, nhưng Phùng Phúc Kiều đã vượt qua dễ dàng. Từ đó tên tuổi của ông trở lên nổi tiếng khắp các vùng.
Năm 1742, Phùng Phúc Kiều tham gia đội thủy quân ưu binh, thuộc đạo đông nam, được bổ dụng làm đốc lệnh quan. Thời điểm này xã hội phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, gay gắt. Chính quyền Lê - Trịnh từ trung ương đến cơ sở mục nát, suy vong, các phe phái nổi lên, hỗn chiến tranh quyền binh, tìm cách thanh trừng lẫn nhau, đất nước nghèo khó, tiêu điều, trong nước, các quan lại ra sức bóc lột dân thường, tô thuế, lao dịch nặng nề, đời sống nhân dân lao cực. Lợi dụng tình hình rối ren ấy, các đảng cướp nổi lên như ong ở khắp mọi nơi, chúng cướp bóc của cải, tàn sát hà hiếp dân thường, vây đánh các ấp, thành, làm cho dân chúng rối loạn, sản xuất trễ nải, mùa màng thất kém. Các đảng cướp dựa vào rừng núi hoặc nơi bùn lầy sú vẹt, đảo xa vắng để thực hiện các cuộc cướp phá dân lành. Khi quân triều đình tấn công, chúng thường lùi xa ra biển, đóng đồn liên kết với nhau. Toán cướp ở các nơi, lúc ẩn, lúc hiện, phạm vi hoạt động ngày càng bành trướng, thế lực ngày càng lớn mạnh. Những tên đầu sỏ trong đám giặc cướp biển này có nhiều tên là thuộc tướng của Hoàng Vĩnh Phúc. Quân triều đình bình định được mặt Nam, bọn cướp lại lấn sang mặt Đông. Trong hoàn cảnh trên, nhân dân trong vùng sống trong cảnh loạn lạc, đau thương. Trước tình hình đó, trấn thủ Nghệ - An tâu lên triều đình giao việc trấn giữ vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh cho Phùng Phúc Kiều. Năm 1753, Phùng Phúc Kiều được giao chỉ huy đạo quân thủy chiến trấn giữ vùng biển Nghệ An. Ông không hề quan ngại, biết được thế và lực của bọn cướp biển, Phùng Phúc Kiều cho quân sỹ tập luyện thủy chiến kỹ lưỡng, kết hợp với xây dựng tinh nhuệ cả trên cạn lẫn dưới nước. Ông tiến hành mua sắm vũ khí, lương thực, đóng lại chiến thuyền, vừa đảm bảo tấn công nhanh, khi cần thiết có thể neo đậu thuyền ở ngoài khơi nhiều ngày. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, ông cho người đi trinh sát, nắm sát tình hình địch, vạch kế hoạch tấn công. Tháng 7 năm 1762, ông bí mật cho quân bao vây tấn công các sào huyệt của giặc cả trên cạn lẫn dưới biển, cô lập giặc ở đảo Ngư, đảo Mắt với giặc ở Phù Long, cuộc vây hãm được kéo dài đến khi lương thực của chúng đã cạn, ông quyết định mở cuộc tấn công, bọn cướp biển tan rã từng mảng, chúng phải phân tán chạy về nhiều nơi, có toán chạy lên rừng, có toán chạy ra biển. Sau thắng lợi, nhân dân phấn khởi làm ăn, uy tín của Phùng Phúc Kiều và binh lính của ông ngày càng tăng trong nhân dân. Mọi người trong vùng ủng hộ lương thực, động viên con em gia nhập đội quân của ông. Việc chiêu tập binh sỹ không còn khó khăn như trước nữa.
Năm 1764, tàn quân cướp biển co cụm ở vùng Phù Long (Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày nay), Phùng Phúc Kiều một mặt cho binh sỹ bao vây trên bộ, một mặt bố trí cho quân mai phục hạ lưu sông Lam, sông Cấm. Nhân một đêm mưa bão, ông ra lệnh đội quân đánh úp các trại của giặc cướp biển, bọn giặc đã chống trả quyết liệt. Trước những đòn tấn công mạnh mẽ và thế trận bất ngờ, bọn cướp biển bị động, túng thế theo đường thủy sông Lam chạy tháo ra biển, trong quá trình tháo chạy chúng đã chạy vào trận địa của Phùng Phúc Kiều mai phục sẵn ở hai bờ sông Lam, quân của Phùng Phúc Kiều phản công, trên bộ tấn công xuống, quân hai bờ sông bắn tên vào địch, thuyền của giặc tháo chạy, đâm, húc vào nhau, quân giặc số chết vì tên bắn, số chết đuối, số còn sống sót đầu hàng. Tướng cướp là Thục Toại bị giết tại trận. Trận đánh đã thắng lợi hoàn toàn, nhân dân các vùng phấn khởi, yên ổn làm ăn. Triều đình đánh giá rất cao thắng lợi tiễu trừ cướp biển và công lao to lớn của Phùng Phúc Kiều, sau đó đã phong cho ông Đô Trung hầu, giao toàn quyền thống lĩnh thủy quân ưu binh, trấn thủ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Trong suốt thời gian dài thống lĩnh, bảo vệ vùng biển rộng lớn nói trên, không còn hải tặc quấy nhiễu nhân dân. Ngày 12 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), triều đình nhà Lê đã có “Sắc cho Phó Thiên Hộ Phùng Phúc Kiều xã Hiếu Hợp, huyện Chân Phúc sau khi theo quan Đốc lĩnh Hào Trung Hầu tấn công tiễu trừ hải tặc ở Phủ Long có công lớn ở trận tiền, nay chuẩn ban chức Thiên Hộ, làm Kiết Trung tướng quân, thăng làm Đốc lĩnh quan Thống Đô Trung Hầu, hiệu lệnh Tư kỳ Bài tráng sỹ Vân kỵ Úy Thiên Hộ Thân” (Sắc mệnh Tam bảo, ngày 12/11 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Không chỉ chăm lo xây dựng quân đội, giữ bình yên vùng bờ cõi, ngay từ những ngày đầu tham gia tiễu trừ bọn hải tặc, Phùng Phúc Kiều đã có ý thức muốn “yên dân” phải xây dựng và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân sản xuất lương thực nuôi sống con người. Trong những năm cầm quân xông pha trận mạc, ông thấy có nhiều nơi đất bị bỏ hoang, nhất là vùng ven biển từ Thượng Xá thuộc huyện Chân Lộc trở vào, trong khi đó nhân dân không có ruộng để cày cấy. Phùng Phúc Kiều đã viết sớ tâu lên triều đình xin được khẩn hoang, lập ấp. Đề nghị của ông đã được triều đình chấp thuận, ông đã đi đầu trong việc khai hoang, chiêu dân lập ấp, ông cho viết khuyến cáo chỉ dụ của nhà vua cho phép được khẩn hoang dán ở nhiều nơi để chiêu tập dân ly tán, vận động, đưa các gia đình, bà con thân thuộc từ vùng Xuân Trạch, Tổng Phủ Long đến làm nòng cốt cho công tác khẩn hoang đất ở vùng ven biển Nghi Lộc, dưới sự chỉ đạo của ông, cả một vùng rộng lớn đất trũng, lỗ chỗ gò mô đã trở thành bãi trồng trọt, có mương thông nước, có bờ chắn sóng biển. Chẳng bao lâu, nhiều vùng đất hoang đã được khai phá thành các “làng Trước”, “làng Sau”, “làng Lộc Kén” (các tên làng do Phùng Phúc Kiều đặt. Riêng tên “làng Lộc Kén” còn lưu giữ đến tận ngày nay). Bên cạnh khai khẩn đất hoang, biến vùng đất này thành cánh đồng phì nhiêu, Phùng Phúc Kiều rất quan tâm đến sưu tập các giống cây trồng như lúa, ngô, lạc, rau màu khác… Điển hình là ông đã chọn giống lúa thích nghi với nắng, gió, mặn, hạn hán, hoặc khi lúa bị ngập nước cũng không dễ chết, hạt gạo tròn, nhỏ, màu đỏ tím, ăn rất thơm, ngon; ông có công đưa cây dâu từ vùng đất Nam Đàn về trồng tại vùng đất Cửa Lò. Các loại cây kể trên cũng đã được ông đưa đến trồng trên hai đảo: Hòn Ngư, Hòn Mát, cải tạo hai đảo này, và biến nó thành vọng gác tiền tiêu bảo vệ hải phận, an ninh vùng đất, vùng trời do ông trấn giữ. Để giúp nhân dân vùng đất mới khai hoang yên tâm sản xuất, định cư, xây dựng cuộc sống, Phùng Phúc Kiều đã xin triều đình miễn thu thuế, phu dịch cho nhân dân 10 năm liền.
Công việc khai khẩn, xây dựng quê hương mới, cuộc sống mới đang mở ra triển vọng tốt đẹp thì một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất cuộc sống của ông. Ông qua đời, nhân dân trong vùng ai cũng thương xót ông, triều đình biết tin ông mất đã cấp tiền bạc, gỗ quý để lo tang cho ông, ban sắc truy phong tặng ông Đô Đốc Thượng tướng quân, sắc cho dân làng Nghi Thu lập đền thờ để tưởng nhớ ông. Đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều được xây dựng ngay trên mảnh đất đẹp nhất, giữa vùng đất trù phú mà chính ông đã có công khai phá, xây dựng. Để tưởng nhớ công tao to lớn của ông, dân làng Nghi Thu - Cửa Lò đã tôn ông làm Thần Thành hoàng làng. Từ khi mất đến nay, cứ vào ngày 12 tháng 7 (22 tháng 2) hàng năm, nhân dân xã Nghi Thu và các vùng lân cận Cửa Lò, Nghệ An đã tổ chức dâng hương để tưởng nhớ vị Đô Đốc - Thượng tướng quân đã hết lòng vì nhân dân chiến đấu và xây dựng. Ngày giỗ của ông được dân làng coi là ngày giỗ tổ của làng.
Đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều ngày nay tọa lạc tại xóm Hòa Bình, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa danh xóm Hòa Bình, phường Nghi Thu ngày nay có sự thay đổi, nhưng vị trí của đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều không thay đổi… Đền thờ tướng công được thiết kế theo lối truyền thống, gồm 3 tòa: Thượng, Trung và Hạ điện, cấu trúc theo hình chữ Tam. Trong đền còn lưu giữ các hiện vật và tư liệu quý có giá trị về lịch sử, văn hóa như: Sắc phong, gia phả, câu đối, hoành phi, đại tự, lư hương, hạc đồng, chiêng, kiếm, long ngai và bài vị của các thần tổ. Đền thờ vừa là nơi thờ cúng Phùng Phúc Kiều, vừa là nơi chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất đai. Sự hình thành và phát triển làng “Lộc Kén” đã giúp vùng Cửa Lò thoát khỏi cảnh hoang vu, làm nên vùng quê có bản sắc văn hóa đặc trưng của xứ Nghệ An, là khu du lịch nổi tiếng trong vùng. Trong những năm đấu tranh cách mạng, đền thờ Phùng Phúc Kiều còn là trung tâm hoạt động cách mạng của chi bộ Đảng, nơi cất giấu tài liệu quý của cách mạng. Tại đây, trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1931 đã diễn ra các hoạt động cách mạng, tổ chức họp bí mật, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng, đền là cơ sở bí mật của các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Tâm, Trần Đình Bông, Đậu Văn Dần… Lăng mộ bên cạnh đền thờ còn lưu giữ hài cốt. Phần vật chất còn lại của con người ông. Di tích đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều là nơi nhân dân thị xã Cửa Lò và các vùng lân cận đến tưởng niệm, viếng thăm. Di tích đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều được tỉnh Nghệ An xác định thuộc loại hình di tích lịch sử, cách mạng. Để ghi nhớ công lao của người có công với nước, với dân, chính quyền tỉnh Nghệ An đã đặt tên cho một con đường là Phùng Phúc Kiều ở thành phố Vinh.
Đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều với các hiện vật và tư liệu còn lưu giữ như trên phản ánh cuộc đời và cống hiến của ông - một võ tướng đã có công hộ quốc an dân, tiễu trừ giặc cướp biển, khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp, lập lên một vùng quê tươi đẹp ven biển miền Trung. Nguồn hiện vật và tài liệu nói trên có giá trị lịch sử - khoa học, là cơ sở để bổ sung cho các tài liệu về thông sử, địa chí, nhân văn học, dân tộc học nói chung và dòng họ Phùng, một bộ phận cấu thành dân tộc, làng xã Việt Nam nói riêng. Các đạo sắc, văn tự về khai khẩn đất hoang là tư liệu gốc, góp phần giúp chúng ta tìm hiểu về mặt tổ chức xã hội, các chính sách của triều đình nhà Lê - Trịnh lúc bấy giờ, giúp hiểu về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của một thời kỳ lịch sử đầy biến động và phức tạp của dân tộc, thời Lê Trung Hưng. Di tích đền thờ và lăng mộ Phùng Phúc Kiều còn có giá trị về văn hóa, nghệ thuật: Với các công trình kiến trúc, các hiện vật và tư liệu giúp các nhà nghiên cứu và các nhà sáng tạo nghệ thuật thấy được các giá trị về văn hóa, nghệ thuật thế kỷ 18. Từ đó chúng ta càng có điều kiện hiểu sâu sắc về những tư tưởng tiến bộ, góp phần thúc đẩy lịch sử phát triển của nhân vật lịch sử được thờ.
 
 
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Khoa học Xã hội, 1998, trang 10.
- Sắc phong của vua Lê cho Phùng Phúc Kiều.
- Lý lịch di tích đền thờ Phùng Phúc Kiều. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Nghệ An biên soạn.
- Việt sử thông giám cương mục chính biên tập 18,19.
- Đại nam thực lục.
- Nhà Trần và con người thời Trần. Viện sử học - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội, năm 2007.
- Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch.
- Lịch sử Việt Nam tập 1,NXB Khoa học Xã hội, năm 1960.
- Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1, NXBNT.
- Lịch sử đảng bộ huyện Nghi Lộc.
- Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư - Đỗ Hùng, NXBTN, năm 1993.
- Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam.
- Khái lược họ Phùng ở Nghệ An, Phùng Đức Thảo.
 
 















 

Tin bài: Phùng Sơn
Họ Phùng Việt Nam