(Thứ năm, 18/02/2016, 08:00 GMT+7)

Nằm tiếp giáp với các tỉnh, thành phố lớn như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, huyện Văn Lâm có những ưu thế đặc biệt về khoảng cách, địa lý. Đó cũng là yếu tố tác động tới lĩnh vực kinh tế và văn hóa trong khu vực huyện ít nhiều. Hiện nay, huyện Văn Lâm hội tụ đa dạng về làng nghề và các di tích lịch sử văn hóa.

Làng nghề bao gồm: làng nghề nhựa Minh Khai, nghề nấu rượu tại Hành Lạc, nghề trồng hoa ở thị trấn Như Quỳnh. Làng nghề đậu ở thôn Xuân Lôi, xã Đình Dù. Làng nghề y dược thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang. Làng nghề nấu rượu, cơm nắm và nghề mộc ở xã Lạc Đạo. Đúc chì làng Hè, xã Chỉ Đạo. Đúc đồng tại thôn Lộng Thượng, kinh doanh chế biến phế liệu tại thôn Văn Ổ và Xuân Phao ở xã Đại Đồng,…

Di tích lịch sử văn hóa: đền Nguyên phi Ỷ Lan, đền Ghềnh ở thị trấn Như Quỳnh. Chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng. Đền Từ Vũ thờ Tiến sĩ Dương Công Thụ, xã Lạc Đạo.Đình Hoàng Nha, xã Minh Hải. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Mễ Đậu, xã Việt Hưng.Làng Nôm, chùa Nôm, cầu Đá, chợ Nôm, đình Tam Giang ở xã Đại Đồng,…

Trong số các địa điểm trên thì Đại Đồng sở hữu quần thể di tích làng Nôm chiếm khá lớn các làng nghề truyền thống và di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu đã được Nhà nước công nhận.

Từ trung tâm Hà Nội về khoảng chừng 30 km, đi xuôi theo quốc lộ 5 đến Thị trấn Như Quỳnh. Từ đây, rẽ trái vào tuyến đường trong huyện chạy song song với tuyến đường xe lửa Hà Nội - Hải Phòng khoảng 10 km sẽ về đến làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Nơi ấy vẫn còn lưu truyền những câu câu ca dao gắn liền với con người và làng nghề năm xưa:

“Đồng nát thì về Cầu Nôm

Con gái nỏ mồm gả bán chồng xa                 

Khi nào em trở về già

Quê chồng thì bỏ, quê cha lại về”

Và:                                       

“Cái Bống đi chợ Cầu Nôm

Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng

Cái Tôm nó dãy đùng đùng

Nó trôi ra biển lấy chồng lái buôn”.

Làng Nôm là sự kết hợp hài hòa của một quần thể giữa vẻ đẹp của không gian, văn hóa và sự cổ kính của các di tích. Điều đó được thể hiện qua cảnh quan, kiến trúc các công trình, tục lệ, hương ước, lễ hội của làng cùng với các câu truyện còn được lưu truyền về trại Đồng Cầu, dòng sông Nguyệt Đức, đức Thánh Tam Giang …

Cho đến ngày hôm nay, trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của các cuộc chiến tranh và sự bào mòn của thời gian nhưng các công trình của làng vẫn tồn tại như như một bảo tàng sống của làng quê Việt, nông thôn Việt trong dải văn hóa hình chữ S này.

Hình ảnh cổng làng, cây đa, giếng nước, mái đình (còn gọi là đình làng Nôm, đình Đồng Cầu hay đình Tam Giang), nhà cổ, ao làng, giếng nước, đường, xóm, ngõ và hệ thống nhà thờ các họ tộc (của các dòng họ Nguyễn, Lê, Phùng, Tạ, Đỗ, Đan,…) với kiến trúc tinh tế đi cùng hình ảnh của văn hóa, lễ hội truyền thống làng Nôm không phải nơi nào cũng có được.

Kiến trúc độc đáo đó còn được thể hiện qua hình ảnh cầu Nôm, chùa Nôm và chợ Nôm.

Cầu Nôm, cây cầu vài trăm năm tuổi có 9 nhịp nối liền làng Nôm với chùa Nôm và chợ Nôm được xây dựng bằng đá bắc ngang qua dòng sông Nguyệt Đức. Cầu Nôm cũng là nơi nối liền giao thương, bắc nhịp cho nghề đồng nát hưng thịnh, vang tiếng một thời đã đi vào ca dao “Đồng nát thì về Cầu Nôm”.

Chùa Nôm (ngôi chùa còn được gọi là: chùa Thông, chùa Linh Thung, Linh Thông cổ tự) hội tụ nhữngnét kiến trúc truyền thống chùa cổ. Nhà chùa còn giữ được hơn 100 pho tượng cổ bằng đất nhiều trăm năm tuổi và các hiện vật, tư liệu quý khác.

Chợ Nôm hiện nay vẫn giữ lịch chợ phiên vào những ngày 1, 4, 6, 9 (âm lịch) và thường họp vào buổi sáng. Gần đó là làng nghề đúc đồng truyền thống có bề dày lịch sử và đang trong đà phát triển với quy mô rộng lớn.

Ngoài những khái quát trên, làng Nôm là nơi còn lưu giữ nhiều tài liệu quý dành cho các nhà chuyên môn và các nhà khoa học tới để nghiên cứu. Đồng thời, là địa điểm dành cho du khách thập phương gần xa tới đây tham quan cảnh đẹp, khám phá nét văn hóa truyền thống của một quần thể di tích còn bảo tồn giá trị truyền thống đậm nét làng quê Việt.

 

Cuốn sách “LÀNG NÔM - CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ” ra đời nhằm giới thiệu tới người đọc một phần nào về di tích, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người làng Nôm trong quá khứ và hiện tại. Trong sách có sử dụng tư liệu của một số đồng nghiệp để thêm phong phú về nội dung. Xin cảm ơn Đảng ủy, chính quyền xã Đại Đồng, chi bộ Đảng, chính quyền, nhân dân làng Nôm, Ban trị sự chùa Nôm, các tác giả và một số các đồng nghiệp khác.

Trong quá trình tập hợp, biên soạnkhông tránh khỏi những thiếu xót, rất mong độc giả góp ý bổ sung cho lần tái bản sau!

Tác giả bài viết: Nguyện Phùng