(Thứ bảy, 10/03/2018, 09:52 GMT+7)

MỘT VÀI GHI CHÉP VỀ HỌ PHÙNG XÃ BÙI XÁ HUYỆN ĐỨC THỌ TỈNH HÀ TĨNH

     Họ Phùng ở huyện Đức thọ ngày nay không đông lắm, phân bố chủ yếu ở hai bên bờ sông La và hữu ngạn sông Cả, sông Lam. Trong sách ĐỨC THỌ ĐẤT VÀ NGƯỜI có đoạn cho biết phổ ký một số dòng họ ở TƯỜNG XÁ (nay là xã ĐỨC CHÂU) chép:"Khoảng giữa thế kỷ 13-14 đời Trần, trong số 6 gia đình từ ngoài Bắc vào lập nghiệp ở vùng đất bãi bồi mé sông Lam dưới LAM THÀNH có một nhà họ Phùng. Hiện ở đền Tường Xá thuộc xã Đức Châu có thờ HỮU PHÚ TRUNG CẦN HẦU PHÙNG TƯỚNG CÔNG làm thành hoàng. Đền thờ TỨ PHI tại thôn DIÊN PHÚC (Đức Châu) có thờ bà PHÙNG THỊ THỤC GIANG, con gái PHÙNG VĂN ĐẠT."
     Họ Phùng Bùi Xá chúng tôi thờ cụ tổ PHÙNG THẠC (PHÙNG CÔNG THẠC), trong gia phả họ có ghi cụ là QUỐC TỬ GIÁM GIÁM SINH (GIÁM SINH QUỐC TỬ GIÁM) hay là THÁI HỌC SINH là những thí sinh đã đỗ kỳ thi hội, một trong những kỳ thi nho học do triều đình phong kiến tổ chức từ sau năm nhâm thìn (1232) đời TRẦN THÁI TÔNG, được xem tương đương học vị TIẾN SỸ (ông nghè) xuất hiện về sau này. Còn trong cuốn LƯỢC SỬ CÁC TÁC GIA VIỆT NAM có một mục nói đến TÁC GIA PHÙNG THẠC (thế kỷ 16) là người làng LA GIANG ( đúng ra là người HUYỆN LA GIANG, sau đổi thành huyện LA SƠN, vì phạm huý chúa Trịnh Giang, sau cách mạng Tháng Tám là huyện Đức Thọ). PHÙNG THẠC tự HOÀNH PHỦ hiệu là PHÚC TRAI, giữ chức CHỦ BẠ PHỦ KIẾN VƯƠNG TÂN. Tác phẩm của Cụ có:
- VONG HÀI TẬP (nhưng đã mất)
- Một bài thơ ĐỀ MINH NHẠN ĐỒ chép trong HOÀNG VIỆT THI TUYỂN và trong
TOÀN VIỆT THI LỤC, bài thơ như sau:
 
MINH NHẠN ĐỒ
Dạ tĩnh nguyệt như trú
Giang hàn thuỷ bất lưu
Ba sinh cô tư viễn
Tiểu tiểu nhất thanh thu.

Bản dịch của Huyền Anh:

ĐỀ BỨC TRANH CHIM NHẠN
Đêm lặng trăng sáng tỏ
Sông lạnh nước không trôi
Xa xa doi cát nhỏ
Một tiếng thu bồi hồi


     Tôi nghĩ rằng cụ PHÙNG THẠC cụ tổ của họ phùng Bùi Xá chúng tôi có thể là hậu duệ của nhà họ Phùng đầu tiên đến vùng đất này. Vi vậy tôi và ông PHÙNG DUY OÁNH, người cùng nhánh Ba, chi thứ Ba, họ Phùng Bùi Xá đã làm một cuộc "sơ khảo" các xã xung quanh: ĐỨC LA (Láng ngạn), ĐỨC QUANG (Quang Dụ), ĐỨC VỊNH (Vịnh Đại), ĐỨC PHÚC (Yên Hồ), ĐỨC TÙNG (Thịnh quả), ĐỨC CHÂU (Tường Xá)...Kết quả khảo sát như sau: Các xã Đức La, Đức Phúc, Đức Tùng, Đức Châu hiện không có nhà thờ họ Phùng, người họ Phùng ở các xã này còn rất it, họ bỏ quê hương mà năm nào cũng ngập lụt đi làm ăn hoặc theo con cái định cư ở nơi khác. Hai xã Đức Quang và Đức Vịnh ở gần nhau có nhà thờ nhỏ với số đinh không đông lắm. Ở xã ĐỨC QUANG có một nhà thờ họ Phùng tại thôn 1, xưa là làng Nam Ngạn, nhỏ nhưng khá cổ kính, số đinh của họ khoảng 50, một số khá đông di dân lên miền ngược thuộc hai huyện Hương Khê và Vũ Quang (vào  những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước), rất tiếc là họ không còn giữ được gia phả và chúng tôi cũng không biết cụ tổ được thờ ở đây danh tính thế nào. Ở xã ĐỨC VỊNH có một nhà thờ nhỏ, số đinh khoảng 90, cụ tộc trưởng Phùng Khắc Tự 88 tuổi cho biết họ không còn giữ được gia phả chỉ biết cụ tổ là PHÙNG VĂN UÝ. Xã ĐỨC CHÂU có người họ Phùng nhưng không đông không còn có nhà thờ và đã chuyển đi làm ăn sinh sống nơi khác, nhưng xã này lại có đền làng TƯỜNG XÁ với thành hoàng là HỮU PHÚ TRUNG CẦN HẦU PHÙNG TƯỚNG CÔNG, rất tiếc là chúng tôi chưa tiếp cận được với văn bản tư liệu... về PHÙNG TƯỚNG CÔNG, không biết tên ngài là gì. Ở xã ĐỨC TÙNG cũng gần như không còn người họ Phùng nữa. Sát với hai xã ĐỨC TÙNG, ĐỨC CHÂU có các xã thuộc huyện Nam Đàn Nghệ An như Nam Kim, Nam Cường chắc chắn có người họ Phùng, xã ĐỨC YÊN gần thị trấn Đức Thọ, nằm trong đê La Giang cũng có họ Phùng nhưng chúng tôi chưa khảo sát được. Qua những nơi đã khảo sát thì họ Phùng ở xã BÙI XÁ chúng tôi là đông nhất, tôi cho rằng sau khi đắp đê La Giang (1934) thì những xã ở ngoài đê trong vùng lụt của sông La và sông Cả mà xa đê thì mùa lũ nước dâng cao điều kiện sinh sống khó khăn nên các cư dân trong đó có họ Phùng phải di đi nơi khác, nhà thờ bị đổ nát không được khôi phục. Vì vậy xã ĐỨC CHÂU có thể coi là cái nôi của họ Phùng vùng này gần như không còn họ Phùng nữa, xã Bùi Xá chúng tôi tuy ở ngoài đê La Giang nhưng sát đê, có nghề chính nghề phụ ổn định nên duy trì phát triển không bị mai một hoặc suy kém đi như ở các xã khác.
     Trong lần khảo sát này chúng tôi có đến được ĐỀN THỜ TƯỚNG CÔNG TRẦN DUY VÀ TỨ PHI HOÀNG HẬU, đọc hai văn bia ở đây tôi thấy có những thông tin liên quan đến các bậc tiền bối họ Phùng xin kể ra đây để góp phần làm sáng tỏ đôi điều trong lịch sử họ Phùng vùng Đức Thọ.
     Theo tôi biết thì xã ĐÚC CHÂU (trước đây gọi là TƯỜNG XÁ) là thủ phủ của PHỦ QUẢNG ĐỨC ( sau đổi thành Đức Quang rồi Đức Thọ), hiện còn lưu lại một địa danh NGẢ BA PHỦ nằm cuối xã Đức Châu nơi hợp lưu của sông Cả (Nghệ An) và sông La (Hà Tĩnh) thành sông Lam chảy xuôi Bến Thuỷ ra biển. Ở Đức Châu trước đây có hai ngôi đền lớn, một đền thờ TƯỚNG CÔNG TRẦN DUY, một đền thờ TỨ PHI HOÀNG HẬU, cách đây vài ba chục năm đền thờ Tứ Phi gần bờ sông bị lở, đổ nát, nên con cháu họ Trần sửa chửa lại đền thờ Trần Duy và chuyển bốn Phi về đây thờ cùng, vì Tứ Phi cùng là con cháu họ Trần, bà PHÙNG THỊ THỤC GIANG là cháu ngoại họ Trần cũng được thờ ở đây. Đền rất cổ kính nằm ở địa thế rất trang nghiêm đẹp đẽ, hai bên có hai nhà bia, mỗi bên dựng một tấm bia lớn bằng quốc ngữ, bên phải là BIA TỨ PHI HOÀNG HẬU, bên trái là BIA BÌNH NGÔ KHAI QUỐC CÔNG THẦN THẠCH QUỐC CÔNG TRẦN DUY. Tôi xin chép ra đây hai văn bia đó để tiện việc thảo luận:
BIA TỨ PHI HOÀNG HẬU
     1- HOÀNG VĨ THÁI HẬU TRẦN THỊ NGỌC TRANH
     2- HUY CHÂN CÔNG CHÚA TRẦN THỊ NGỌC DUNG
     3- HUY GIA HOÀNG THÁI HẬU TRẦN THỊ NGỌC DƯƠNG
     4- TÍCH QUANG HOÀNG THÁI HẬU PHÙNG THỊ THỤC GIANG

     1- Bà Trần Thị Ngọc Tranh là Hoàng Phi Bạch Ngọc nhà Trần con gái của Trần Thiên Tự, bà có công khai phá đất đai lập làng bản tại vùng La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An (1424-1427) bà đã cung cấp dân binh, lương thực góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Bà được triều đình nhà Lê phong hiệu: HOÀNG VĨ THÁI HẬU. Bà mất ngày22/6 an táng tại lăng Từ Lan (làng này).
     2- Bà Trần Thị Ngọc Dung là HUY CHÂN công chúa con gái bà TRẦN THỊ NGỌC TRANH, bà là cung phi của vua LÊ THÁI TỔ (1428-1433) bà cùng với mẹ và con cháu nhà Trần có công lớn trong việc xây dựng vùng căn cứ kháng chiến để chi viện sức người sức của cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bà mất ngày 8/6 an táng tai lăng Từ Lan.
     3- Bà Trần Thị Ngọc Dương là con gái của CUNG TỊNH VƯƠNG TRẦN XÁC, cung phi của vua Lê Thánh Tông, sinh được HOÀNG TỬ LÊ TĂNG, sau là HIẾN TÔNG HOÀNG ĐẾ(1498-1504) bà được phong hiệu: HUY GIA HOÀNG THÁI HẬU, bà mất ngày 22/3 an táng tại lăng Từ Hợp (lăng Mỏ Hóp).
     4- Bà PHÙNG THỊ THỤC GIANG là con gái của CHIÊU DỤ VƯƠNG PHÙNG VĂN ĐẠT và bà TRẦN THỊ NGỌC HOA ( con gái của CUNG TỊNH ĐẠI VƯƠNG TRẦN XÁC), bà là cung phi của vua Lê Thánh Tông, ( bà gọi Trần Thị Ngọc Dương bằng dì), bà sinh được hoàng tử KIẾN VƯƠNG LÊ TÂN, con trai của Lê Tân lên ngôi vua LÊ TƯƠNG DỰC(1509-1514) truy phong bà (nội) hiệu: NHU HUY TÍCH QUANG HOÀNG THÁI HẬU. Bà mất ngày 3/12 an táng tại khu CHÂU NGUYÊN, cải táng chuyển về lăng ĐỊA TƯỜNG, Bia mộ chí: ĐẠI VIỆT SÙNG VIÊN PHÙNG THỊ MỘ CHÍ.
TỨ PHI HOÀNG HẬU THỜ TẠI NGŨ LONG ĐIỆN, xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
BIA BÌNH NGÔ KHAI QUỐC CÔNG THẦN THẠCH QUỐC CÔNG TRẦN DUY
     Trần Duy là con thứ của Trần Thiên Tư quê xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, Trấn Sơn Nam, Nam định. Năm 1400 Hồ Quý Ly lên làm vua thay nhà Trần, để tránh hoạ, ba anh em Trần Đạt, Trần Duy, Trần Thị Ngọc Tranh cùng hàng trăm gia nhân chạy về vùng La Sơn, trấn Nghệ An chiêu dân lập ấp chờ thời cơ mưu việc lớn. Cuối năm 1424, sau chiến thắng Bồ Đằng và Trà Lân, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng Đỗ gia (Hương Sơn) xây dựng căn cứ kháng chiến chống quân Minh. Trần Duy gia nhập nghĩa quân và được Bình Định Vương Lê Lợi giao cho việc quân lương phục vụ kháng chiến. Ông đem tất cả lực lượng dân binh tham gia nghĩa quân và toàn bộ của cải sau nhiều năm tích luỹ được nuôi quân. Đồng thời tiếp tục mở rộng sản xuất và phát triển lực lượng kháng chiến. Cả một vùng đất rộng lớn, nay gồm Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ và Can lộc trở thành hậu phương vững chắc cung cấp sức người sức của góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thiên hạ đại định, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế. Do công lao to lớn đối với đất nước, Trần Duy được xếp vào bậc công thần khai quốc, ban quốc tính Lê Duy, cử giữ chức SÙNG TIẾN TRẤN QUỐC THƯỢNG TƯỚNG QUÂN ĐẠI ĐÔ ĐỐC ĐỒNG TRÍ HÀNH PHỤ ĐẠO: TRẤN THỦ KIÊM TRỊ NGHỆ AN ĐẠO QUÂN DÂN SỰ VỤ, phong tước PHƯƠNG QUẬN CÔNG. Cuối đời ông được phong THÁI PHÓ THẠCH QUỐC CÔNG. Trần Duy mất ngày 5/1 mộ táng tại xứ Cơn Tròi, Dăm Tẩu, thuộc xã Đức Châu, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
     Từ hai tấm bia, ta thấy rằng không phải ngẫu nhiên hai tấm bia này hiện nay được dựng trong một đền thờ, đó là vì cả bốn Phi và Trần Duy cùng có quan hệ gia tộc với nhau, thậm chí còn mật thiết hơn ta tưởng.
     - Bà Trần Thị Ngọc Tranh (Hoàng hậu Bạch Ngọc) và Trần Duy là anh em ruột, con của Trần Thiên Tự quê ở Tức Mặc, Mỹ Lộc, Thiên Trường, Nam Định
     - Bà Trần Thị Ngọc Dung (công chúa Huy Chân con gái bà Trần Thị Ngọc Tranh) là hoàng phi của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).
     - Bà Trần Thị Ngọc Dương là con gái của CUNG TĨNH VƯƠNG TRẦN XÁC, là hoàng phi của Lê Thánh Tông (cháu Lê Lợi). Ở đây chưa rõ quan hệ giữa Trần Duy và Trần Xác.
     - Bà Trần Thị Ngọc Hoa là chị ruột bà Trần Thị Ngọc Dương, là con gái Trần Xác kết hôn cùng CHIÊU DỤ VƯƠNG PHÙNG VĂN ĐẠT sinh ra bà PHÙNG THỊ THỤC GIANG. Như vậy bà Thục Giang gọi bà Ngọc Dương bằng dì, và chính bà dì này đã đưa cháu Thục Giang vào làm cung phi vua Lê Thánh Tông. Chắc chắn Phùng Văn Đạt ở đây và PHÙNG TIẾN ĐẠT, là con trai của THỊ LANG PHÙNG NHÂM hậu duệ của PHÙNG TÁ CHU, đã nói đến trong sách PHÙNG TÁ CHU là một người.
     Bà Thục Giang và Lê Thánh Tông sinh ra KIẾN VƯƠNG LÊ TÂN, LÊ TÂN sinh ra GIẢN TU CÔNG LÊ OANH, tức là cháu vua Lê Thánh Tông anh em con chú con bác với vua Lê Uy Mục (con vua Lê Hiến Tông). Vua Lê Uy Mục tin dùng kẻ ngoại thích đối đãi tệ bạc với tôn thất công thần, bắt Giản Tu Công Lê Oanh tống giam, nhờ mua chuộc được bọn coi ngục, Lê Oanh trốn được về Tây đô, hội các cựu thần đem binh đánh giết được vua Lê Uy Mục, lên ngôi vua LÊ TƯƠNG DỰC(1509-1516), truy phong bà PHÙNG THỊ THỤC GIANG (bà nội) là NHU HUY TÍCH QUANG HOÀNG THÁI HẬU.
     - Chúng ta lại thấy rằng cụ tổ họ Phùng Bùi Xá Phùng Thạc lại làm quan chủ bạ trong PHỦ KIẾN VƯƠNG LÊ TÂN, nghĩa là "trong nhà con trai" bà Thục Giang, cháu ngoại CHIÊU DỤ VƯƠNG PHÙNG VĂN ĐẠT, rất có thể là hậu duệ Phùng Tá Chu. Chúng ta chưa có căn cứ gì để đoán nhận mối liên quan huyết thống giử Phùng thạc với Phùng Văn Đạt, nhưng tôi nghĩ không thể không có, nhất là nơi mất của bà Thục Giang và đền thờ bà cách nơi các hậu duệ của cụ Phùng Thạc hiện cư trú chỉ một con sông nhỏ, đường chim bay chỉ vài ba cây số.
     - Trong cuốn " ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐỨC THỌ" có viết: Hiện nay ở ĐỀN TƯỜNG XÁ xã Đức Châu có thờ HỮU PHÚ TRUNG CẦN HẦU PHÙNG TƯỚNG CÔNG làm thành hoàng, thông tin này gợi ý cho tôi rằng đây là người họ Phùng trong sáu họ đầu tiên từ ngoài bắc ( sao lại không phải từ Nam Đinh nhỉ?) vào lập nghiệp khoảng thế kỷ 14, và cụ tổ chúng tôi Phùng Thạc là hậu duệ của NGƯỜI MỞ CÕI này. Chúng ta lại biết rằng chính Phùng Tá Chu đã được triều đình nhà Trần giao làm tổng trấn Nghệ An, vậy PHÙNG TƯỚNG CÔNG thành hoàng làng Tường Xá huyện La Sơn nhiều xác suất là hậu duệ ngài Phùng Tá Chu lắm.
     - Từ đây cũng có thể rút ra một nhận định nữa là các họ Phùng đã và đang tồn tại ở huyện La Sơn trước kia huyện Đức Thọ ngày nay cũng như một số xã của huyện Nam Đàn Nghệ An trong lưu vực ở hai sông Cả và sông La là có chung một cội nguồn, nơi khởi nguồn ấy chính là đất TƯỜNG XÁ huyện La Sơn ngày xưa, Đức Thọ ngày nay.
     Cuối cùng tôi xin nói một đôi điều về họ Phùng xã Bùi xá huyện Đức Thọ. Theo gia phả tính từ đời thứ nhất cụ tổ Phùng Thạc đến cháu đích tôn Phùng Hải Bằng của tôi sinh năm 1995 họ đã trải qua 17 đời trong khỏang 500 năm, xem gia phả thì họ Phùng Bùi Xá cũng qua nhiều đời "độc đinh" và "tuyệt tự".
Từ cụ tổ Phùng Thạc tiếp theo 4 đời độc đinh: 2- Phùng Phúc Tính, 3- Phùng Cán, 4- Phùng Quyền. Đến đời thứ 5- Có được ba đinh tạo thành ba chi: a- Phùng Quang Tín, b- Phùng Quang Bích, c- Phùng Pháp Đạo. Trong đó chi chúng tôi là chi C, chi thứ ba, chi út. Tôi chỉ có thể nói kỹ hơn một tí về chi C. Cụ tổ chi tôi PHÙNG PHÁP ĐAO lại trải qua ba đời độc đinh nữa: 6- Phùng Quán, 7- Phùng Trọng, 8- Phùng Toại. Đến đời thứ 8- Có được ba đinh tạo nên ba nhánh tồn tại đến tận đời 16 ngày nay: Na-Phùng Doanh, Nb- Phùng Đạt, Nc- Phùng Đương. Trong đó nhánh Nb là ít đinh nhất, nhánh Nc, nhánh út là nhánh chúng tôi.
     Có lẽ do xuất xứ và do nghề nghiệp "trời cho" trước kia nên từ trước họ Phùng Bùi Xá không có nhiều người đỗ đạt, dân họ Phùng thường làm nghề nông, còn có thêm nghề phụ làm bột miến lọc và nghề ép mía làm đường mật, như đa số các cư dân của làng Hạ Tứ xã Bùi Xá thường làm, mặc dầu cụ tổ Phùng Thạc xuất thân khoa bảng là Quốc tử giám giám sinh, học hàm tương đương tiến sỹ. Mãi đến đời thứ 12, ngang với ông nội Phùng Chúc tôi, mới có một người đầu tiên đậu tú tài, đó là cụ PHÙNG DUY CẦN, cụ sinh khoảng năm 1880-1885, cụ làm quan trong triều đình Huế, hình như là THAM TRI BỘ CÔNG, cỡ như thứ trưởng bộ xây dựng bây giờ, cụ phụ trách xây dựng Lăng Khải Định, có thời gian cụ làm án sát một số tỉnh, cụ về hưu năm 1944, được phong hàm HIỆP TÁ ĐẠI HỌC SỸ, nên vẫn gọi là HIỆP CẦN. Cụ Phùng Duy Cần có ba người vợ, người vợ thứ nhất có 1 con gái và 2 con trai. Người con trai thứ hai của cụ Cần là cụ Phùng Duy Phiên (1915-2017) là một nhà quân sự có tài. Cụ Phiên tốt nghiệp trường võ bị Thủ Dầu Một thời Pháp thuộc (học cùng một lớp với đại tướng Việt Nam Cọng Hoà Dương Văn Minh) lên đến chức trung uý, sau vụ Nhật đảo chính Pháp thì cụ Phiên đi sang hàng ngũ Việt Minh theo Nguyễn Chí Thanh. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ đã kinh qua rất nhiều chức vụ trong quân đội và tham gia rất nhiều chiến dịch: Tham mưu trưởng quân khu 4, trung đoàn trưởng các trung đoàn 101,95,18. Tham mưu trưởng các sư đoàn 315, 316. Cụ được phong hàm trung tá và chuyển sang làm vụ trưởng vụ thể thao quốc phòng, năm 1980 cụ về hưu, cụ Phiên mất năm 2017. Người vợ thứ hai của cụ Phùng Duy Cần có một con trai và hai con gái, người con gái thứ hai Phùng Thị Cúc ( sau khi kết hôn với ông Nguyễn Bửu Điềm ở Pháp bà lấy tên là Điềm Phùng Thị), bà tốt nghiệp ĐH y khoa ở Pháp nhưng sau đó lại đi theo con đường nghệ thuật điêu khắc và bà trở thành một hoạ sỹ điêu khắc nổi tiếng thế giới, bà là viện sỹ viện hàn lâm khoa học nghệ thuật châu Âu.
     Sau cách mạng Tháng Tám việc học tập được chú ý khuyến khích động viên, con em họ Phùng Búi Xá đã đạt những thành tích đáng kể, nếu trước kia chỉ mỗi Cụ Phùng Duy Cần và một người con gái của cụ là có học vấn cao trở thành quan chức, bác sỹ thì ngày nay số người họ Phùng Bùi xá tốt nghiệp đại học trở thành cữ nhân, kỹ sư...rất đông, chúng tôi chỉ kể ra đây những con cháu họ Phùng Bùi xá có học vị tiến sỹ trở lên:
     1- PHÙNG HỒ, sinh năm 1938, tốt nghiệp ĐH tổng hợp, ngành Vật lý vô tuyến ở Kiev Liên Xô năm 1965, bảo vệ PTS khoa học toán lý ( nay là tiến sỹ) năm 1968, được phong PGS năm 1984, được phong GS năm 1996, nguyên chủ nhiệm bộ môn vật lý chất rắn và bộ môn vật lý và công nghệ vật liệu điện tử, viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
     2- PHÙNG DUY DŨNG, sinh năm 1943, (con cụ Phùng Duy Phiên) tốt nghiệp đại học ngành cơ khí chính xác ở CH DC Đức và bảo vệ Tiến sỹ cũng ở CHDC Đức, được phong PGS cán bộ giảng dạy Trường ĐHBK Hà nội sau chuyển vào TP Hồ Chí Minh, đã mất ở TP HCM.
     3- PHÙNG HỒ HẢI, sinh năm 1970, con GS Phùng Hồ, năm 1986 đang học lớp 11 đạt giải ba Ôlimpic toán quốc tế ở Balan, năm 1992 tốt nghiệp ĐH ngành toán ở Matskva LB Nga, năm 1996 bảo vệ luận án tiến sỹ toán lý ở CHLB Đức, năm 2004 bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học ở CHLB Đức, năm 2006 được phong PGS toán học, năm 2012 được đặc cách phong GS, hiện nay là nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Viện toán học thuộc Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên và công nghệ Việt Nam, Tổng thư ký Hội Toán học Việt nam.
     4- PHÙNG DUY QUANG, sinh năm 1980, con ông Phùng Duy Thắng, năm 2002 tốt nghiệp khoa Toán ĐH SP Hà Nội 1,  bảo vệ luận án tiến sỹ toán học năm 2012, hiện nay là giảng viên chính, chủ nhiêm khoa cơ bản trường ĐH Ngoại thương.
     5- PHÙNG DUY HỒNG SƠN, sinh năm 1981, con trai ông PHÙNG DUY OÁNH , năm 2007 tốt nghiệp ĐH Y khoa Mat skva, năm 2012 bảo vệ luận án tiến sỹ y khoa ở ĐH Y khoa Mat skva chuyên ngành giải phẩu tim, hiện nay là bác sỹ giải phẩu tim bệnh viên Việt Đức Hà Nội.
     6- PHÙNG THỊ KIỀU HÀ, sinh năm 1978, con gái GS PHÙNG HỒ, năm 2001 tốt nghiệp khoa Điện tử viễn thông ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2003 bảo vệ luận văn thạc sỹ ở Ytalia, năm 2014 bảo vệ luận án tiến sỹ ỏ Vương quốc Bỉ, hiện nay là giảng viên ở Viện Điện tử Viễn thông ĐHBKHN.
     7- PHÙNG XUÂN LAN, sinh năm 1981, con gái ông PHÙNG NHƯ XUÂN (em trai Phùng Hồ), năm 2004 tốt nghiệp khoa Chế tạo máy, ĐH Bách khoa Hà Nội, được công nhận là thủ khoa xuất sắc, được vinh danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, năm 2008 bảo vệ luận văn thạc sỹ ở Hàn Quốc, năm 2017 bảo vệ luận án tiến sỹ ngành chế tạo máy ở ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay là phó chủ nhiệm bộ môn Công nghệ chế tạo máy ĐHBKHN.

Trích ngang về người gửi
Phùng Hồ sinh ngày 24/2/1938
Quê quán thôn Triều Đông, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
1956-59 học cấp 3 ở trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng, Vinh, Nghệ An
Năm 1959-60 thi đậu vào khoa Vật lý ĐH Tổng hợp Hà Nội, học một tháng thì được chọn sang trường Chuyên tu ngoại ngữ Gia Lâm học ngoại ngữ để sang Liên Xô học ĐH
Từ 1960 đến 1965 học ĐH ở khoa Vật Lý vô tuyến trường ĐH Tổng hợp Kiev, Ucren, Liên xô.
Từ 1965 đến 1968 được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, tháng 11/1968 bảo vệ luận án PTS khoa học toán lý (nay gọi là tiến sỹ)
Từ 1969 đến 2008 là cán bộ giảng dạy ĐH Bách khoa Hà Nội, trong thời gian này: 1972-1984 làm Phó chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn, 1985-1991 làm Chủ nhiệm bộ môn Vật lý chất rắn, 1991-1994 làm chuyên gia giáo dục ở Algerie, 1994-1998 làm chủ nhiêm bộ môn Vật lý và Công nghệ vật liệu điện tử.
Được phong học hàm PGS năm 1984.
Được phong học hàm GS năm 1996.
Được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997.
Được tặng huân chương lao động hạng ba năm 2000
Tác giả và đồng tác giả của 6 cuốn giáo trình và sách chuyên môn về Vật lý bán dẫn.
Có sở thích thơ ca: đã xuất bản 4 tập thơ và 2 tập thơ dịch từ tiếng nga Thơ và trường của Ê xê nhin.
 

Ảnh chân dung Giáo sư Phùng Hồ



Giáo sư Phùng Hồ phát biểu trong buổi Trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan năm 2018





Giáo sư Phùng Hồ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan cho các cháu họ Phùng đỗ đại học trên toàn quốc
mùng 6 Tết năm Mậu Tuất tại Văn Miếu Quốc Tử Giám


 

Tác giả bài viết: GS. Phùng Hồ
Họ Phùng Việt Nam