Cách đây hơn 200 năm, vào thế kỷ XVIII, thời kỳ Lê Mạt và Trịnh Nguyễn phân tranh, đời sống nhân dân khắp nơi vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tỉnh Đông (tỉnh Hải Dương ngày nay) nhà thuở ấy từ Chí Linh, Đông Triều đến Vĩnh Bảo đều trong cảnh khổ chung của đất nước.
Thuở ấy, tại làng Hu Trì, huyện Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương là một làng ven biển, có một gia đình nghèo không đủ ruộng cày, hai vợ chồng cùng 2 con trai phải ra sông Thanh kiếm cá. Rồi lại ngược dòng sông Thanh ra sông Luộc, tiếp tục ngược sông Luộc tới làng Thượng, là chỗ ngã ba sông Cửu An đổ ra sông thuộc làng Thượng.
Làng Thượng lúc ấy còn chung xã với làng Hạ và Sĩ Quý, Thị Giang gọi là My Động xã (nhất xã tam thôn).
Chỗ này sẵn cá, ba cha con dựng lều kéo vó và làm chài. My Động xã lúc ấy rất thưa thớt, nông dân nhiều nơi đến khai khẩn đất bãi và dựng lên làng xóm.
Ba cha con ông chài cũng lên bãi nhận đất cấy trồng và xây dựng cơ ngơi vững chắc. Sau một thời gian củng cố nghề nông và nghề cá vững vàng kinh tế ổn định, người cha là Phùng Quốc Công bàn cùng người mẹ đưa người con cả là Phùng Quốc Bảo trở về quê cũ Hu Trì củng cố quê hương. Người con thứ là Phùng Quốc Huy được ở lại xóm Cửa Sông với nhân dân làng Thượng xây dựng lên xã My Động ngày càng đông đảo, giàu mạnh.
Anh em cụ Huy là người vùng biể rất to lớn và có sức khỏe hơn người, lao động cần cù, sáng tạo, kinh tế rất mau thịnh vượng. Tiếp đó là thời kỳ ổn định của triều Nguyễn Gia Long, nông dân được xả hơi và có điều kiện tăng gia sản xuất.
Hai anh em cụ Bảo - Huy ở cả hai nơi làm ăn đều phát đạt, kinh tế dồi dào, gia đình hạnh phúc.
Cụ Huy sinh hạ 5 trai:
1. Phùng Đình Phàn
2. Phùng Đình Khoái
3. Phùng Đình Đại
4. Phùng Đình Đàn
5. Phùng Đình Xuyên
Cả 5 người đều cao to khỏe mạnh, học giỏi, chăm làm và ai cũng thích rèn luyện võ nghệ. Cụ Đàn (thường gọi là cụ Cai Đàn) có võ nghệ tinh thông thường được các bậc thân hào, thân sỹ trong vùng thời ấy trọng dụng để gây mưu cơ chống thực dân Pháp; nhưng lực mỏng không thành. Những người còn lại tích cực bám nắm quê hương, gây dựng cơ nghiệp và tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, tăng gia sản xuất tại địa phương.
Ngày nay, dòng Họ Phùng tại thôn My Động I đã là một trong những dòng họ lớn tại địa phương. Con cháu nhiều thế hệ luôn đoàn kết, hăng say học tập và lao động để xây dựng quê hương ngày càng thịnh vượng.
Sau đây là một số hình ảnh về nhà thờ dòng Họ Phùng tại thôn My Động I:
Thực hiện: Họ Phùng Việt Nam