(Thứ tư, 31/05/2017, 07:36 GMT+7)

Nguyên soái quân sư Phùng Kim

 

ĐỖ TRỌNG AM

 

     Nguyên soái quân sư sinh ngày 06/1 năm Quí Dậu (493) tại chùa Kim Rong ấp Tân An, nay là Tiên Yên, Khánh Lợi, con ông bà Phùng Dực và Nguyễn Thị Dùng chuyên nghề làm thuốc. Lúc ấy nước ta bị nhà Lương đô hộ, ông bà Phùng Dực phải bỏ quê hương Hoạch Trạch, Tứ Kỳ, Hải Dương về Tân An sinh sống. Được bà con ở đây và hào trưởng Nguyễn Huy giúp đỡ cho ở ẩn ở chùa và ít năm sau thì sinh được Phùng Kim. Kim sinh ra có tướng mạo khác thường, học đâu biết đấy, nổi tiếng thần đồng. Năm 15 tuổi Phùng Kim mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng được làng xóm dắt dìu, ông đã vượt qua được cảnh cơ hàn lo trọn đạo hiếu mà học hành ngày càng tăng tiến. Ông tìm cách học võ và liên hệ với các quan binh để tìm cách cứu dân. Ông đã gặp được Triệu Quang Phục (con trai Triệu Túc, danh tướng của Lý Nam Đế) và cùng Phục kết nghĩa anh em. Mùa xuân năm ấy Triệu Quang Phục cùng ông về Tân An mời các vị hào trưởng, các bậc ân nhân và bà con thôn xã tới chùa làng làm lễ tế trời phật kết tình huynh đệ và xin tạm biệt làng ấp lên đường cùng Triệu Quang Phục cứu nước, cứu nhà.
     Sau khi Lý Năm Đế thất thủ ở hồ Điền Triệt (Đâm Vạc, Vĩnh Yên) ông theo Triệu Quang Phục về lập căn cứ ở Đầm Dạ Trạch (Hải Dương) chờ thời cơ chống giặc.
     Dạ Trạch là vùng đầm lầy rất rộng, cây cỏ um tùm, giữa có bãi nổi có thể ở được. Quanh hồ người ngựa khó đi, đường vào đầm chỉ có thể đi bằng thuyền nhẹ lướt trên cỏ nước, rất tiện lợi cho việc đánh du kích, ông đã bàn với Triệu Quang Phục cho quân sĩ giữ kín lửa khói, ngày nghỉ và dò la tin địch, đêm bất thần cho thuyền nhỏ tấn công vào đồn địch, diệt gọn từng nhóm khiến chúng rất hoang mang, còn quân ta dần dần hồi phục. Vào năm 550 nhà Lương có loạn to, Trần Bá Tiên kéo đại quân về nước cướp ngôi Lương lập ra nhà Trần. Bá Tiên chỉ để một tướng nhỏ là Dương Sàn ở lại nước ta.
     Thấy thời cơ thuận lợi Phùng Kim xin với Quang Phục được ra quân. Dạ Trạch Vương Quang Phục ưng thuận, đã dốc toàn binh lực tấn công Dương Sàn. Sàn thua to bị Phùng Kim lấy đầu. Quân Lương tướng chết, quân thua dẫm đạp lên nhau tháo chạy về nước. Triệu Quang Phục lấy lại Long Biên giành lại độc lập cho đất nước, lên ngôi lấy hiệu là Triệu Việt Vương, phong cho Phùng Kim là nguyên soái quân sư, cùng Kim ngự về Tân An mở tiệc ăn mừng đại thắng rồi về Long Biên trị nước.
     Sau khi đánh thắng ngoại xâm nhưng các thế lực trong nước cát cứ vẫn còn rất mạnh. Quân sư Phùng Kim tâu vua Triệu tìm cách liên kết thế lực trong nước vì vậy vua Triệu đã vời Lý Phật Tử về chia đôi đất nước, lấy bãi Quân Thần (Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới. Đất nước tạm yên. Rủi thay ngày 2/12 năm Tân Sửu (560) nguyên soái quân sư Phùng Kim đột ngột qua đời thọ 67 tuổi. Triệu Quang Phục vô cùng thương tiếc cho dân ấp Tân An lập đền thờ ông, lại lấy chữ Kim đặt tên chùa làng là Kim Rong để đời ghi nhớ.
     Sau này khi Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử phản bội, vua chạy về của biển Đại Nha kề giáp ấp Tân An và nhảy xuống biển tự tử, ở đền Tiên Yên nơi thờ tướng Phùng Kim có tượng vua Triệu để ghi nhớ công đức nhà vua, và để vua luôn gần gũi Phùng Kim người quân sư tận tụy với vua, với nước, người anh em kết nghĩa keo sơn trọn nghĩa vẹn tình.

 

Đ.T.A
 

Theo: Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình (Số 153-4/2016)