(Thứ sáu, 24/06/2022, 03:20 GMT+7)
Ông Phùng Văn Ló, dân tộc Phù Lá, sinh năm 1954, là Người có uy tín tiêu biểu thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái). Ông là một trong những người có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động đồng bào Phù Lá đoàn kết xây dựng cuộc sống, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
 

Người có uy tín Phùng Văn Ló thường xuyên đọc báo để có thêm thông tin tuyên truyền cho Nhân dân

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
 
Thôn Ngòi Nhầy có 205 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu, trong đó người Phù Lá chiếm hơn 85%. Nhiều năm nay, đồng bào Phù Lá tại thôn Ngòi Nhầy, xã Châu Quế Thượng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, do đó đời sống kinh tế, văn hóa đã có nhiều đổi thay.
 
Tuy nhiên, vì ít diện tích đất canh tác nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc Phù Lá đang đứng trước nguy cơ mai một, từ tiếng nói, trang phục, nhà ở truyền thống… Đó cũng là những điều mà ông Phùng Văn Ló, khi được bầu là Người có uy tín đã luôn trăn trở và tìm cách thay đổi.
 
Ông Ló cho biết, người Phù Lá có chiếc sáo mũi độc đáo, hay còn gọi là sáo cúc kẹ. Sáo chỉ có một lỗ và thổi bằng mũi, nhưng âm thanh thoát ra nhẹ nhàng với tiết tấu nhanh, chậm, luyến láy theo từng âm điệu. Tuy nhiên, để thổi được loại nhạc cụ này rất khó, đòi hỏi người học phải kiên trì tập luyện. Nhận thấy việc cần phải gìn giữ loại hình nhạc cụ độc đáo này, ông Ló đã trao truyền thành công cho con cháu của mình và hơn 10 học viên địa phương. Ông nói, cứ ai muốn học sáo mũi là ông đều dạy.
 
“Ngoài sáo mũi, người Phù lá còn có khèn Ma Nhí. Chỉ tiếc rằng, tôi chỉ biết thổi nhưng lại không biết làm chiếc khèn đặc biệt này. Hiện nay, ở trong vùng không có người nào làm được khèn Ma Nhí, bởi người duy nhất biết làm, đã mang theo kinh nghiệm sang thế giới bên kia. Rút kinh nghiệm từ người đi trước, tôi đã cố gắng dạy khèn Ma Nhí lại cho con, cháu của mình”, ông Ló tiếc nuối kể.
 
Theo ông Ló, quan trọng hơn cả là phải giữ được tiếng nói dân tộc. Bởi vậy, ông thường xuyên đến thăm, dặn dò các gia đình ở địa phương nói tiếng Phù Lá trong sinh hoạt hằng ngày để các cháu nhỏ có thể biết nghe, biết nói tiếng mẹ đẻ của mình. Ông Ló cho rằng, muốn bảo tồn tiếng nói dân tộc, thì gia đình chính là gốc rễ, ông bà truyền lại cho con, con truyền lại cho cháu…
 
Bên cạnh đó, ông luôn vận động người dân địa phương, đặc biệt nhất là phụ nữ cần mặc trang phục truyền thống trong những dịp đặc biệt, dịp lễ tết… Ông nói, hiện nay trang phục nam giới không còn, chỉ còn trang phục nữ giới, nên phải cố gắng gìn giữ. Cũng may là, mới đây chính quyền xã Châu Quế Thượng đã mời các nghệ nhân người Phù Lá ở Lào Cai xuống dạy, nên phụ nữ trong xã đã giữ được nghề thêu trang phục truyền thống.
 
Đặc biệt, ông Ló còn nhiệt tình và được người dân tín nhiệm thực hiện một số nghi lễ quan trọng của địa phương. Ông cũng tích cực vận động người dân có bệnh thì nên đi bệnh viện, không nên tin vào vào việc cúng bái, mê tín dị đoan...
 

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Phù Lá thôn Ngòi Nhầy được xây dựng và hoàn thành đầu năm 2021, giúp người dân địa phương có nơi sinh hoạt văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc
 
Phát huy vai trò tiên phong
 
Trong phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Ló tích cực phối hợp cùng chính quyền thôn, xã tuyên truyền về chủ trương phấn đấu để xã Châu Quế Thượng về đích NTM trong quý IV/2021; vận động bà con cùng tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình chung… Nhờ đó mà, Nhân dân có sự đồng thuận cao với hướng phát triển của địa phương. Ông mừng vì giờ đường đi lại thuận tiện, không lo lũ bão, trời mưa cũng như trời nắng đều đi được…
 
Từ năm 2018, khi được Nhân dân tin tưởng bầu là Người có uy tín, ông Ló vinh dự được đi tham quan, học tập thực tế do Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức tại nhiều địa phương, như: Lào Cai, Hà Giang, Văn Chấn, Nghĩa Lộ… Ở mỗi một địa phương khác nhau, ông nhận thấy những tiền năng kinh tế, những mô hình kinh tế hiệu quả và những khó khăn của người dân các địa phương khác để khi về địa phương, ông chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong thôn, bản. Ông cho rằng, với điều kiện của Châu Quế Thượng, người dân có thể học tập mô hình vườn - ao - chuồng - rừng từ các địa phương khác.
 
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ông Ló đã phối hợp cùng các cấp chính quyền thông tin về mối nguy hại cũng như cách phòng tránh dịch bệnh tới Nhân dân, góp một phần nhỏ của mình để Châu Quế Thượng, trở thành vùng xanh không dịch bệnh.
 
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Ló vẫn cố gắng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Không có nhiều ruộng, ông chăn nuôi thêm 3 con trâu, 2 con bò; nuôi thêm con lợn, con gà và trồng quế để có nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Bên cạnh đó, ông Ló cũng tích cực truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ sau.

Theo Văn Hoa / Báo Dân tộc và Phát triển