PHÙNG HƯNG
Người anh hùng lịch sử - văn hóa
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn
Phùng Hưng - Người anh hùng lịch sử, Người anh hùng văn hóa của dân tộc Việt Nam, vang danh trong lịch sử chống ngoại xâm, thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, cách đây gần 1300 năm đã trở thành bất tử trong lịch sử, văn hóa dân tộc.
Trong phạm vi bài tham luận, chúng tôi xin phép trình bày mấy điểm chính:
1.Vai trò lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng trong cuộc chiến đấu chống lại quân đội Đô hộ phủ nhà Đường vào thế kỉ thứ VIII.
2.Thủy binh của nghĩa quân Phùng Hưng và chiến lược tiến công tiêu diệt thành Tống Bình.
3. Chứng minh Phùng Hưng là Người anh hùng lịch sử và anh hùng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thông qua đó chúng tôi khẳng định cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và ý nghĩa thời đại sâu sắc, có sức sống trường tồn vĩnh cửu.
Tổng hợp các nguồn thư tịch, sử liệu (chính sử, thần tích truyền thuyết dân gian), và các công trình nghiên cứu hiện đại về nguồn gốc xuất xứ của dòng tộc/họ Phùng Hưng, hiện nay có ba luồng ý kiến (quan niệm) khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất quan niệm: Thủy tổ/viễn tổ của Phùng Hưng thuộc dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng, có niên đại xa mãi về thời đại Đông Sơn. Về nhân chủng thuộc tộc Việt – Mường, địa bàn quần cư sinh tụ thuộc châu Phong (vùng đất quanh chân núi Ba Vì, bao gồm một phần địa giới tỉnh Hòa Bình, Sơn Tây (cổ), Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay). Quan niệm này đến gần đây (đầu thế kỷ XXI) vẫn được các nhà sử học nổi tiếng - Tạ Chí Đại Trường và nhà sử học người Mỹ- Keith Weller Taylor (công nhận) dùng làm thao tác nghiên cứu.
Với quan niệm đó, các đại diện của luồng ý kiến thứ nhất luôn luôn đưa ra bằng chứng vật chất (khảo cổ học, ngôn ngữ học lịch sử) để chứng minh và khẳng định chắc chắn vùng đất cổ Đường Lâm đã bị khuất lấp trong lịch sử, chỉ nằm trong bán kính của chân dãy núi Ba Vì, thuộc châu Phong. Các nhà ngôn ngữ học lịch sử đã truy nguyên khái niệm “Bố, Cái” để khảo sát vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh, trong thư tịch cổ, lịch sử, văn học dân gian và trong đời sống hiện tại, nhưng tuyệt nhiên không thấy xuất hiện, mà chỉ xuất hiện ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà tần suất nhiều và mạnh nhất thuộc xứ Đoài xưa. Qua đó tiếp tục đi sâu khảo sát các bằng chứng vật chất khác. Về vật chất, vật thể, hiện tại, đình, đền thờ Phùng Hưng được hiện diện tại đất Đường Lâm - Sơn Tây.
Luồng ý kiến thứ hai (được giới nghiên cứu sử học vẫn cho rằng đó là ý kiến của học giả Hoàng Đạo Thúy) quan niệm đại ý: giả thuyết về nguồn gốc phát tích - khai sinh của dòng tộc Phùng Hưng ban đầu ở Đường Lâm, châu Trường (thuộc Yên thủy và Lạc Thủy Hòa Bình ngày nay), nằm giữa tam giác của châu Ái, châu Trường và châu Phong, tương ứng với vị trí giữa Thanh Hóa, Ninh Bình và Hòa Bình ngày nay, sau khi Phùng Hạp Khanh cha của Phùng Hưng qua đời, Phùng Hưng đã dịch chuyển không gian cư trú của gia tộc về chân núi Ba Vì. Hoặc do yêu cầu của cuộc khởi nghĩa vũ trang nông dân đặt ra cần có sự liên kết chặt chẽ, gần gũi hơn với các thủ lĩnh quân sự ở Châu Diên, châu Phong, đồng thời rút ngắn khoảng cách với thành Tống Bình để mưu sự đại nghiệp đánh đuổi quân đội Đô hộ phủ nhà Đường, nên Phùng Hưng đã dịch chuyển đại bản doanh cuộc khởi nghĩa về vùng đất Sơn Tây cổ, chân núi Ba Vì. Và sau khi ông qua đời, con cháu Phùng Hưng đã đưa ông về vùng đất Sơn Tây cổ dưới chân núi Ba Vì để an táng.
Luồng ý kiến thứ ba quan niệm hoài nghi về nơi phát tích - khai sinh của dòng tộc Phùng Hưng thuộc Đường Lâm, Sơn Tây ngày nay, mà người đầu tiên là học giả Đào Duy Anh. Tiếp tục sự nghiệp của học giả Đào Duy Anh, các đại biểu đại diện cho luồng ý kiến thứ ba đã công bố kết quả nghiên cứu của mình, khẳng định Đường Lâm trong lịch sử và xuất xứ dòng tộc/họ Phùng Hưng thuộc châu Ái, hoặc nằm giữa Nghệ An và Thanh Hóa ngày nay nhằm bác bỏ luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nguồn gốc xuất xứ của Phùng Hưng thuộc Đường Lâm, Sơn Tây ngày nay. Quan niệm khoa học của luồng ý kiến thứ ba tỏ rõ sự nắm chắc thư tịch cổ và nguồn tài liệu cổ của Trung Quốc để nghiên cứu so sánh, đối chiếu thực địa. Các nhà nghiên cứu còn giải mã một số văn bia và khẳng định có sự ngụy tạo văn bia từ thời nhà Nguyễn, đồng thời đưa ra lí lẽ phê phán các nhà nghiên cứu đại diện cho luồng ý kiến thứ nhất là quá chú trọng vào “di tích, huyền tích, sử liệu đời Nguyễn, và niềm tin dân gian, là bốn cứ liệu để đưa ra quyết định cuối cùng”. Mặt khác còn quả quyết rằng, Đường Lâm, Sơn Tây là quê hương của Phùng Hưng “mới trở thành chân lí kể từ bài viết/tuyên bố năm 1967 của giáo sư Trần Quốc Vượng”.
Trở lại ba quan niệm tiếp cận khoa học lịch sử về Phùng Hưng.
Cũng chính nhờ sự phản biện cọ sát đó đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận học thuật sôi nổi xung quanh vấn đề Phùng Hưng. Theo chúng tôi, cả ba cách nhìn đó, đều có những hạt nhân hợp lí. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lưu ý giả thuyết của học giả Hoàng Đạo Thúy là có nhiều cơ sở tiếp cận sự thật lịch sử hơn cả.Tất nhiên quan niệm của các bên dù thuyết phục hay chưa thuyết phục? nhưng cũng thúc đẩy giới nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là khoa học lịch sử ở nước ta tiếp tục phát triển để tiệm cận chân lí.
Cả ba quan niệm trên về nguồn gốc xuất xứ của Phùng Hưng tuy có trái chiều và khác biệt nhưng đều thống nhất: Phùng Hưng có nguồn gốc nhân chủng – tộc Mường và có địa bàn cư trú là vùng thượng du, vùng núi thấp có đồng bằng hẹp xen kẽ. (Đây là luận điểm rất quan trọng để góp phần lí giải tạo sao buổi đầu tiến công phủ/thành Tống Bình đã gặp khó khăn và bất lợi cho nghĩa quân của Phùng Hưng, để sau đó Phùng Hưng thay đổi chiến lược tiến công phủ/thành Tống Bình giành thắng lợi).
Căn cứ vào thư tịch cổ, sử liệu nhà Đường và thần tích truyền thuyết, dã sử ở nước ta, có thể tóm tắt. Thân sinh Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, là một bộ tướng tâm phúc của của Mai Thúc Loan trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường năm 722. Phùng Hưng tự là Công Phấn là con trưởng của Phùng Hạp Khanh và mẫu sinh họ Sử. Phùng Hưng là dòng dõi quan lang, đời đời làm hào trưởng, gia thế cự phú, thuộc hạ tráng sĩ trong nhà lúc nào cũng có mấy trăm người. Phùng Hưng có sức khỏe phi thường, và tuyệt vời dũng cảm “tay không có thể đấm chết cọp”. Em trai ông là Phùng Hải, tự là Tư Hào, cũng là một đại lực sĩ. Phùng Hải có thể nhấc được tảng đá nặng ngàn cân và vác đi xa nhiều dặm. Em út là Phùng Dĩnh, tự là Dĩnh Đạt, có sức khỏe cơ mưu hơn người.
Về năm sinh, năm mất của Phùng Hưng hiện cùng còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng Phùng Hưng sinh năm 761 mất năm 802. Nhiều ý kiến thống nhất năm mất 791. Tuy nhiên vấn đề năm sinh của Phùng Hưng theo chúng tôi là chưa thỏa đáng. Vì, nếu Phùng Hưng sinh năm 761 thì năm 767 mới 6 tuổi không thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa được. Theo các sử liệu của nhà Đường, năm 722 cha của Phùng Hưng đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan với tư cách là một bộ tướng, vậy chắc chắn lúc này Phùng Hạp Khanh cho dù trẻ nhất cũng phải trên dưới hai mươi tuổi. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, nhà Đường đã truy sát những người tham gia cuộc khởi nghĩa, nhất là các thủ lĩnh quân sự (quan lang) là đối tượng chú ý nhất của nhà Đường. Như vậy Phùng Hạp Khanh phải mai danh ẩn tích hơn mười năm lưu lạc “giang hồ” vượt châu Ái vào miền thượng du châu Trường để tìm miền đất mới ẩn cư và mưu việc gây dựng sự nghiệp cho hậu duệ. Giả định sau hơn mười năm Phùng Hạp Khanh mới sinh Phùng Hưng? như vậy Phùng Hưng sẽ được sinh vào khoảng từ năm 732 - 739. Giả thuyết này được học giả Hoàng Đạo Thúy cho là có cơ sở và thuyết phục hơn cả. Nếu Phùng Hưng sinh năm 739, thì năm 767, ông đã 29 tuổi âm lịch, vào độ tuổi đó hoàn toàn đủ độ chín chắn tinh anh để mưu sự nghiệp lớn. Với giả thuyết này, chúng ta có thể khẳng định, nơi phát tích - khai sinh của Phùng Hưng không trùng khít với nơi Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa và nhất là nơi đóng đại bản doanh, căn cứ địa chiến đấu của nghĩa quân. Và vấn đề năm Phùng Hưng giải phóng phủ/thành Tống Bình cũng có nhiều giả thuyết khác nhau, có giả thuyết cho rằng, năm 791 là năm khởi nghĩa và cũng là năm chiến thắng phủ/thành Tống Bình, và Phùng Hưng chỉ vào thành được vài tháng thì mất. Đại diện cho giả thuyết này phải kể đến học giả Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, hai nhà sử học: Tạ Chí Đại Trường và Keith Weller TayLor nhờ tập hợp được nhiều nguồn tài liệu thư tịch cổ có giá trị khoa học đã đi đến kết luận: Năm khởi nghĩa của Phùng Hưng là 767, năm chiến thắng giải phóng phủ/thành Tống Bình là 782. Năm Phùng Hưng mất 789. Về mặt lịch đại, các sự kiện lịch sử của thời đại Phùng Hưng, Trần Quốc Vượng rất tán thành với học giả Hoàng ĐạoThúy; Tạ Chí Đại Trường và Keith Weller Taylor.
Trên cơ sở tiếp thu giả thuyết khoa học của học giả Hoàng Đạo Thúy và giả thuyết khoa học của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường và nhà sử học Keith Weller Taylor, (đến thời điểm này – 2018) chúng tôi nhận thấy có nhiều giá trị sử học và ưu điểm thao tác luận trong nghiên cứu khoa học lịch sử.
Phùng Hưng trong biên khố nhà Đường có ghi chép là “di tù trưởng” (tù trưởng mọi). Từ tài liệu này, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường nhận định: “Danh vị “(biên khố) di tù trưởng” (tù trưởng mọi) mang ý khinh miệt nhưng “quan lang” là dấu vết gần đây, cho thấy ông không lệ thuộc lắm vào chính quyền đương thời mà vốn là một công cụ cần thiết cho họ giữ gìn chốn biên cương”. Theo Keith Weller Taylor “Họ Phùng giữ chức “quan lang” cha truyền con nối mà theo truyền thuyết Việt Nam đó là chức tước toàn do các con vua Hùng xưa kia nắm giữ. Trong thời độc lập, chức này được dùng trong giới những người Mường ở trên miền núi, tức là những người anh em họ với dân Việt Nam ở đồng bằng. Chức quan lang còn được dùng cho mãi đến thế kỷ 20, đến nỗi một nhà ngữ học Việt Nam cho rằng danh từ này là gốc Việt Nam nhưng sau người Trung Quốc du nhập vào của họ. Dù sao đi nữa, danh từ “Quan lang” cũng tượng trưng cho một quyền hành cổ truyền liên quan đến các vua Hùng xưa kia khiến họ Phùng cho rằng ông ta có quyền lãnh đạo chính trị dựa trên một uy thế cha truyền con nối có từ trước thời Trung Quốc đặt ra các chế độ châu, huyện”
Trong truyền thuyết và thần tích đã xây dựng một vị viễn/cao tổ bảy đời của Phùng Hưng là Phùng Trí Cái, làm quan lang Đường Lâm, được vua Đường Cao Tổ (618 – 626) mời vào đãi yến tiệc ở cung điện kinh đô Trường An. Trên cơ sở dữ liệu nền tảng đó, nhà nghiên cứu Giáo sư Trương Sỹ Hùng quả quyết. “Như vậy, dòng họ Phùng Đường Lâm đã nối nghiệp làm quan lang từ thời tiền Việt – Mường, nghĩa là cho đến đời thứ bảy, Phùng Hưng vẫn là thành viên của một cộng đồng tộc người Việt - Mường trước thế kỷ X, khi chưa có sự chia tách, đã từng hiện hữu tại Trung du Bắc Bộ Việt Nam ngày nay”. Hình ảnh vị viễn/cao tổ bảy đời của Phùng Hưng được sánh ngang hàng với vị Hoàng đế khai quốc triều nhà Đường (một trong những triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc) về mặt lịch đại, làm cho sự vẻ vang, tôn quý của dòng họ Phùng càng được thiêng hóa trong cộng đồng người Việt - Mường thời đó. Phùng Hưng xuất phát từ nguồn gốc của một đại gia tộc có thế lực và tôn quý, sẵn phẩm chất tiên thiên có sức khỏe phi thường với lòng dũng cảm vô song cùng mưu lược thần cơ diệu toán. Hơn nữa được sự rèn luyện của người cha Phùng Hạp Khanh, người đã trải qua binh lửa can qua, Phùng Hưng đã tiếp thu được tất cả những tinh hoa của người cha và những bậc thầy ưu tú nhất trong cộng đồng Việt - Mường của thời đại. Chắc chắn với kinh nghiệm truyền dạy của Phùng Hạp Khanh và bài học xương máu từ sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, đã tác động mạnh mẽ đến Phùng Hưng. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Phùng Hưng đã xây dựng được căn cứ địa chiến lược và lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, mưu lược để tiêu diệt quan quân đô hộ nhà Đường.
Trước thời điểm quyết định khởi nghĩa, Phùng Hưng và Phùng Hải đã đi các làng trong châu, huyện để vận động lực lượng thông qua việc phô diễn sức mạnh để thu phục nhân tài, đi đến đâu thiết lập quyền hành của mình đến đấy. Trong văn học và cảm hứng văn chương của những thế kỷ sau này các nhà văn muốn xây dựng hình ảnh mưu trí của Phùng Hưng, bằng cách tô vẽ ra Phùng Hưng dùng mưu đánh hổ, v.v… thực ra mưu lược của Phùng Hưng phải được nhìn nhận ở sách lược quyền mưu đánh giặc về sau. Người anh hùng quán thế phải có sức mạnh phi thường hơn người như vậy mới đúng với bản chất của vị thủ lĩnh quân sự. Nếu trong trường hợp dùng võ lực đơn thuần mà cũng phải biện đến mẹo mực tiểu xảo là vô tình hạ thấp sức mạnh nội tại và vai trò thủ lĩnh của người anh hùng. Giải mã hiện tượng văn hóa lịch sử đó các nhà nghiên cứu cho rằng, tinh thần văn hóa thuần Việt – Mường lúc đó chưa bị xâm thực bởi văn hóa Hán, nên ngay trong bản chất các huyền thoại, dã sử về Phùng Hưng cũng được xây dựng một cách trong sáng “vô thần” chưa bị nhiễm màu sắc “quyền mưu” của binh gia và thần bí của đạo giáo Trung Quốc (không bàn đến các thần tích ra đời vào thế kỷ XIII trở lại đây).
Khi đã xây dựng được lực lượng nghĩa quân tương đối hoàn chỉnh, Phùng Hưng chưa khởi sự ngay, mà ông cử người đi thuyết phục liên kết với các thủ lĩnh quân sự địa phương và ngầm thu phục người có tài đức về với ông. Do dó những anh hùng hào kiệt cùng quê với ông như Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần/Lặc và hàng loạt đầu lĩnh khác đã đồng lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Năm 767, An Nam đô hộ sứ Abe No kamaro được thay thế bởi Trương Bá Nghi, cùng năm đó quân đội của Java (Indonexia/Malaixia) mà sử cũ gọi là “giặc Côn Lôn và Sa Bà” tiến công phủ/thành Tống Bình, quân đội Java đã đánh chiếm được phủ/thành Tống Bình và cướp phá đồng bằng, Trương Bá Nghi kêu cứu, và Cao Chính Bình, một viên tướng chỉ huy một châu kimi ở Vũ Định đem quân đến cứu, đánh đuổi được quân đội Java bật ra ngoài biển và được thăng chức làm đô hộ An Nam thay Trương Bá Nghi.
Đúng vào thời điểm quân đội Java tiến công phủ thành Tống Bình, Phùng Hưng cùng Phùng Hải và các thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần, hiệu triệu nhân dân khởi nghĩa chống lại quân đội nhà Đường. Theo giả thuyết của học giả Hoàng Đạo Thúy, vào thời điểm từ 767 đến 779, nghĩa quân Phùng Hưng đã hành quân đến đóng đại bản doanh tại đất Đường Lâm Sơn Tây ngày nay. Bằng nhãn quan quân sự kiệt xuất Phùng Hưng đã chỉ huy nghĩa quân đóng giữ miền rừng núi chân Ba Vì, ba mặt có sông nước bao bọc chở che, lưng tựa núi, mặt nhìn ra sông hướng đông nam đầy sinh khí, rất tốt cho phòng thủ và tiến công linh hoạt. Nhưng quan trọng hơn nữa là Phùng Hưng tiếp thu mưu kế của Đỗ Anh Hàn, đó là đóng giữ miền đất châu Phong, thể hiện được tính chính danh chính thống tiếp nối tinh thần của Lạc Hầu, Lạc Tướng hào khí thuở vua Hùng và nhuệ khí Trưng Nữ Vương. Nơi mà trong truyền thống văn hóa của cộng đồng Việt – Mường luôn luôn xem ngọn Ba Vì là chủ sơn, ngọn núi thiêng có vị thần chủ của người Việt – Mường – Tản Viên Sơn Thánh phù trợ. Hơn nữa châu Phong trong tâm thức của người Việt – Mường còn được coi như kinh đô của các vua Hùng, thủ lĩnh quân sự nào làm chủ được châu Phong tức là chiếm được thiên thời, để mưu thành đại nghiệp chuyển xoay được bĩ thái càn khôn. Việc đặt đại bản doanh bộ chỉ huy của nghĩa quân Phùng Hưng ở vùng chân núi Ba Vì thỏa mãn được cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Mặt khác xác lập được vị trí của ngôi vị thủ lĩnh cao nhất trong liên minh Việt – Mường, đề cao chính sách liên minh giữa các thủ lĩnh quân sự cùng chung mục đích tiêu diệt quân đội nhà Đường. Tiếp theo Phùng Hưng thực hiện chiến lược liên kết với thủ lĩnh quân sự châu Ái, châu Trường, châu Phong. Đặc biệt thân thiện với thủ lĩnh quân sự Lý Mạnh Thu quản trị châu Diên và Bi An thứ sử châu Phong, tạo nên sức ép và thế hợp vây phủ/thành Tống Bình.
Đế quốc đại Đường từ khi khai quốc năm 618 đến năm 751, bắt đầu trở nên suy yếu. Từ năm 751 – 754, quân đội nhà Đường chiến tranh liên tiếp với Nam Chiếu, quân đội Đường chỉ chiến thắng được một trận là đánh chiếm được thành An Ninh, được coi như một pháo đài nằm ở phía đông Vân Nam. Sau đó quân đội Đường bị thất bại thảm hại khi tiến gần đến Nam Chiếu, và bị đánh tan tành vào năm 754. Theo Keith Weller Taylor từ “thất bại này là một trong những thất bại liên tiếp của quân Đường trên khắp các mặt trận biên thùy. Năm 751, các bộ tộc du mục đánh bại quân Đường ở Mông Cổ; cũng năm ấy, quân Đường ở Trung Á, bị thua một trận ở Samarkand mà trong đó liên minh Ả Rập với Thổ Nhĩ Kỳ đã xua tan được làn sóng quân Đường”
Nhà Đường suy yếu hẳn sau khởi loạn An Lộc Sơn và Sử Tử Minh từ năm 757 đến 763 mới chấm dứt, làm suy kiệt thực lực quân đội Đường. Trong nửa thế kỷ sau đó miền Hoa Bắc bị tàn phá khi quân Tây Tạng và Tân Cương xâm nhập biên giới phía tây Trung Quốc.
Phùng Hưng nắm chắc thời cơ khi nhà Đường suy yếu và vùng lưỡng Quảng khởi loạn từ năm 760 đến năm 771 nhà Đường mới dẹp yên. Cho nên Phùng Hưng đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cơ sở vật chất, hậu cần chiến lược cho cuộc tổng công kích phủ/thành Tống Bình. Năm 767, ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh cùng các đầu lĩnh châu Đường Lâm phất cờ khởi nghĩa, hiệu triệu nhân dân chống lại ách độ hộ của nhà Đường và nêu cao khẩu hiệu đánh đổ sự thống trị trực tiếp của đô hộ phủ Tống Bình là Cao Chính Bình. Quyết tâm giành lại quyền độc lập quốc gia dân tộc, nối lại nghiệp xưa của Hùng Vương. Trong ba năm đầu tiên, nghĩa quân của Phùng Hưng do Phùng Hải và Bồ Phá Cần chỉ huy đã tiêu diệt toàn bộ các đồn trạm của quân đội Đường dọc theo lưu vực sông Hát Giang (sông Đáy). Lực lượng kỵ binh và bộ binh tinh nhuệ nhất của Cao Chính Bình bị tiêu diệt. Trước những chiến thắng liên tiếp của nghĩa quân do Đỗ Anh Hàn chỉ huy đã áp sát địa giới huyện Tống Bình. Trên đà thắng lợi của nghĩa quân năm 776, Phùng Hưng quyết định tiến quân đóng đại bản doanh bộ chỉ huy chiến dịch tiến công phủ/thành Tống Bình đến làng Triều Khúc, phía nam thành Tống Bình. Sau bảy năm (776 - 782) áp sát tiến công chiến đấu với quân đội Đô hộ phủ thành Tống bình, Phùng Hưng chuẩn bị liên minh với thủ lĩnh quân sự châu Diên và châu Phong để tổng công kích tiêu diệt phủ thành Tống Bình. Tuy nhiên Năm 782, thủ lĩnh quân sự châu Diên là Lý Mạnh Thu và thứ sử châu Phong là Bi An manh động phá vỡ mối liên minh quân sự với nghĩa quân Phùng Hưng đã nổi lên tấn công phủ/thành Tống Bình, Lý Mạnh Thu tự xưng là An Nam Tiết Độ Sứ, nhưng cả hai đã bị bắt và giết chết.
Nghĩa quân Phùng Hưng trong thế trận liên minh quân sự đang chuẩn bị tạo thế vây hãm siết chặt phủ/thành Tống Bình trở nên bất lợi vì lực lượng bao vây phía bắc và phía đông phủ thành Tống Bình đã bị phá vỡ, cho nên sử cũ thường chép là “nghĩa quân Phùng Hưng bao vây phủ Tống Bình lâu ngày đánh mãi không thắng”. Các sử gia trung đại bàn như vậy hoàn toàn đúng, vì ngay từ năm 776, Phùng Hưng đã dịch chuyển sở chỉ huy chiến dịch đến làng Triều Khúc, phía nam huyện Tống Bình để thực hiện kế sách bao vây phủ thành Tống Bình. Trước thực tế chiến trường của nghĩa quân Phùng Hưng với Đô hộ phủ Cao Chính Bình. Phùng Hưng nghe theo kế sách của Đỗ Anh Hàn, tập hợp quân và đi tuần tra một vùng ngày càng mở rộng từ nửa phía tây của đồng bằng sông Hồng, từ châu Phong đến châu Trường, để chiêu mộ thêm quân sĩ. Và mở rộng bang giao, liên minh chặt chẽ hơn với thủ lĩnh quân sự châu Ái.
Xuất phát điểm của nghĩa quân Phùng Hưng là dân miền núi, không quen tác chiến miền sông nước, nhất là phủ/thành Tống Bình được bao bọc bởi tứ giác nước. Và ăn sâu vào trong phủ/thành. Sử cũ còn chép [Quý mùi (803) Đường Trinh Nguyên năm thứ 19] “Đô đốc Bùi Thái sai lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành, hợp thành một thành”. Khi tác chiến trên bộ, nghĩa quân của Phùng Hưng luôn luôn giành phần chiến thắng. Cho nên từ năm 767 đến 782, nghĩa quân Phùng Hưng liên tiếp giành thắng lợi trên bộ. Thực tế, quân đội nhà Đường đóng ở phủ/ thành Tống Bình, sau cuộc chiến tranh với quân đội Java năm 767 và cuộc chiến đánh dẹp hai thủ lĩnh quân sự Lý Mạnh Thu và Bi An, quân đồn trú nhà Đường có khoảng 4.200 quân thủy bộ, thường trực chiến đấu, thêm vào 6000 quân lính trực mùa hạ và mùa đông. Nếu tính cả dân phu cầm giáo chiến đấu được, quân lính ở phủ thành Tống Bình có thể lên đến 10.000, không kể phu phen tạp dịch là người Hán (lưỡng Quảng). Kỵ binh có 500 quân. Song quân đội Đường có ưu thế về quân thủy, nhưng viên tướng chỉ huy quân thủy vốn là tướng dưới trướng của Trương Bá Nghi ít chịu phục tùng lệnh của Cao Chính Bình. Trong khi đó quân lính thân tín của Cao Chính Bình chỉ quen tác chiến trên vùng núi dã chiến. Sau khi dẹp được quân Java, quân đội nhà Đường sửa chữa chiến thuyền cũ và đóng mới vài trăm chiến thuyền phòng bị quân Java từ ngoài biển cũng như việc dành quyền thu thuế trên biển (có lúc còn vươn cả tới Quảng Châu) và một số chiến thuyền thu bắt được của quân đội Java. Nhưng quân đội nhà Đường cũng bộc lộ điểm yếu, vì gần hai mươi năm quân dịch không được thay thế, nên quân đội Đường ở phủ thành Tống Bình là quân đội già yếu. Hơn nữa khi triều đình Trường An của nhà Đường lung lay suy yếu, nội loạn liên miên, không thể điều động quân đội đi ứng cứu các địa phương được. Trong loạn An Sử, riêng quân đội của An Lộc Sơn có đến 15.000 quân, chiếm 1/3 tổng quân số quân đội thường trực của nhà Đường, quân đội thường trực ở Trường An và các châu chỉ có khoảng 8.000 quân. Ảnh hưởng của triều đình trung ương không còn tác động đến các Đô hộ phủ như thời thịnh Đường. Cho nên các Đô hộ phủ tha hồ vơ vét, bóc lột nhân dân bản địa tàn nhẫn hơn, phu phen tạp dịch nặng hơn. Đô hộ phủ Cao Chính Bình cũng ra sức tăng sưu thuế và ức hiếp nhân dân ta ngày càng hà khắc. Do đó sự quy thuận của nhân dân đối với Phùng Hưng ngày càng lớn, uy danh của Phùng Hưng vang dội cả phủ đô hộ. Chiến lược tiến công phủ/thành Tống Bình được thực hiện theo kế sách của Đỗ Anh Hàn, vai trò của Đỗ Anh Hàn được các sử quan Trung Quốc đánh giá rất cao, thậm chí còn cho rằng Đỗ Anh Hàn là người chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Theo Tạ Chí Đại Trường, dẫn theo
Việt điện u linh tập “Đỗ Anh Hàn là người cùng quê với Phùng Hưng, nhưng bằng chứng vật chất còn lại cho thấy địa vị của Đỗ Anh Hàn quan trọng hơn nhiều. Ông có tên trên cái chuông (“chuông Thanh Mai”) đúc năm 789, với chức Kinh lược Tiên phong binh mã, từng làm thứ sử châu Ái, coi quân châu Trường (vùng Hoa Lư)…” Với con mắt thiên tài của một nhà chiến lược Đỗ Anh Hàn được coi như vị quân sư của nghĩa quân Phùng Hưng. Sử cũ chép Phùng Hưng nghe theo “kế lạ” của Đỗ Anh Hàn mới phá được phủ/thành Tống Bình. “kế lạ” của Đỗ Anh Hàn được giải mã theo logic từ thực tế chiến trường của nghĩa quân Phùng Hưng với quân đội nhà Đường là tiêu diệt thủy quân nhà Đường mới có thể bao vây tứ phía phủ thành Tống Bình được. Lưu ý rằng ngay từ năm 776, Phùng Hưng đã cho đóng chiến thuyền mới và trưng dụng chiến thuyền và binh lính của châu Trường với châu Ái để bổ sung cho lực lượng thủy quân của nghĩa quân. Đồng thời chiêu tập một số thủy binh của châu Diên và châu Phong, biên chế vào lực lượng quân thủy của Phùng Hải và Bồ Phá Cần. Theo mưu kế của Đỗ Anh Hàn, quân thủy của nghĩa quân được biên chế lại, mỗi thuyền chiến đấu nhỏ có từ 8 đến 12 tay chèo, mỗi thuyền chiến đấu lớn có từ 20 đến 32 tay chèo và thủy thủ kiêm lính chiến đấu. Đến năm 782, lực lượng thủy quân của Phùng Hưng đã lớn mạnh, có thể chiến đấu trên dọc tuyến sông Hồng đối địch với chiến thuyền của quân đội nhà Đường. Theo sử sách của nhà Đường, thuyền chiến của nghĩa Quân Phùng Hưng có đến gần 300 chiếc, còn thuyền nhỏ phục vụ chiến đấu không kể hết. Đặc điểm phủ/thành Tống Bình là sông nước bao quanh, hệ thống sông Nhuệ, sông Tô lịch, sông Kim Ngưu, sông Ngọc Hà là những đường tiến binh thuận tiện, chiến thuyền của nghĩa quân có thể đột kích bất ngờ thọc sâu vào tận chân thành được.
Chiến dịch bao vây tập kích phủ/thành Tống Bình được Phùng Hưng chỉ huy thành năm hướng chính. Hướng chính Nam do Phùng Hưng trực tiếp chỉ huy 50 chiến thuyền, đóng đại bản doanh tại Triều Khúc. Hướng bắc do Phùng Hải chỉ huy 100 thuyền chiến, sở chỉ huy cơ động trên sông Hồng, hướng đông do Bồ Phá Cần chỉ huy 100 chiến thuyền, sở chỉ huy cơ động trên sông Hồng, cánh quân phía tây do Đại thủ lĩnh binh mã Đỗ Anh Hàn chỉ huy đánh thẳng vào phủ/thành Tống Bình bằng đường bộ có sự phối hợp với cánh quân hướng tây nam do Phùng Dĩnh chỉ huy 50 chiến thuyền.
Hai cánh quân phía bắc và phía đông của Phùng Hải và Bồ Phá Cần, đánh những trận đối thủy trên sông Hồng, tiêu diệt các trạm chốt tiền tiêu của quân Đường và chặn không cho quân trong phủ/thành Tống Bình rút về nước và ngăn ngừa viện binh nhà Đường từ phía bắc xuống. Cánh quân của Bồ Phá Cần chia thành hai mũi tiến thẳng vào phủ/thành Tống Bình theo hướng đông và đông nam. Cánh quân của Phùng Hải chia thành hai hướng, một hướng ngược sông Hồng đánh vào vùng ngã ba Hạc, Cẩm Khê một hướng đánh thẳng vào chính bắc phủ/ thành Tống Bình. Cánh quân của Phùng Dĩnh chia thành 4 hướng theo phương hình góc tây nam đánh vào phủ thành Tống bình và kết hợp vận chuyển đưa quân của Đỗ Anh Hàn Vượt sông Nhuệ, sông Tô Lịch đột kích vào trung tâm phủ/thành Tống Bình. Cánh quân của Phùng Hưng đánh thẳng vào phía chính nam phủ/thành Tống Bình và làm lực lượng dự bị chiến lược chi viện cho các hướng đông và tây. Tổng quân số binh lính chiến đấu của nghĩa quân Phùng lên đến 15.000 người. Và bên cạnh đó có sự hậu thuẫn trực tiếp của nhân dân châu Diên và châu Phong tham gia chiến đấu, và phục vụ chiến đấu. Công lao đầu tiên trong chiến dịch vây hãm phủ thành Tống Bình thuộc về Phùng Hải và Bồ Phá Cần. Hai vị tướng đại hùng, đại lực của nghĩa quân đã tiêu diệt toàn bộ quân thủy và các trạm chốt trên bộ dọc trục sông Hồng từ Cẩm Khê xuôi đến hết địa giới châu Diên. Những trận chiến đấu trên sông Hồng của Phùng Hải và Bồ Phá Cần là đánh đối thủy chiến đấu trực diện với quân Đường. Theo sử sách của nhà Đường, thiệt hại của quân Đường dọc tuyến sông Hồng là 1000 quân bị giết chết tại trận và bị đánh chìm, đánh hỏng hơn 100 chiến thuyền. Chiến dịch tiến công phủ/thành Tống Bình là một trong những chiến dịch thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật quân sự thời trung đại của nước ta. Nói theo binh pháp cổ là “thập diện mai phục” chỉ mở một lối thoát trên bộ về phía tây phủ/thành Tống Bình để cho cánh quân của Đại thủ lĩnh binh mã Đỗ Anh Hàn phục kích tiêu diệt. Vai trò của Phùng Hưng trong chỉ đạo chiến lược tổng công kích phủ/thành Tống Bình được thực hiện theo các bước. Mở đầu chiến dịch, hai đạo thủy quân của Phùng Hải và Bồ Phá Cần tiến công đánh vào đội hình quân thủy nhà Đường để nghi binh và thu hút sự chú ý của Cao Chính Bình về phía bắc và phía Đông phủ/thành Tống Bình. Buộc Cao Chính Bình phải tung quân thủy bộ mạnh nhất đối trận về phía đông bắc. Khi Cao Chính Bình đã dùng toàn lực để tiến công, phòng thủ phía đông bắc, do đó phía tây nam ba đạo quân của Phùng Hưng, Đỗ Anh Hàn và Phùng Dĩnh đã cơ động áp sát tạo thế hợp vây, phục kích phủ/ thành Tống Bình, đồng thời tiến đánh làm cho Cao Chính Bình phải điều quân kỵ bộ và thủy quân từ phía đông bắc về cứu viện cho phía tây nam. Chính lúc này hai cánh quân thủy của Phùng Hải và Bồ Phá Cần lại thực hiện nhiệm vụ phục kích và truy kích đạo thủy binh đi cứu viện cho phía tây nam. Sau đó cơ động quay lại tiến đánh tiêu diệt dứt điểm thủy quân nhà Đường và đổ bộ bao vây siết chặt phủ/thành Tống Bình từ phía đông Bắc. Nhiệm vụ của Phùng Hải và Bồ Phá Cần chỉ huy binh lính cảm tử tiến công để ép quân Đường phải thoát về phía tây nam. Trong khi đó cánh quân của Phùng Hưng và Phùng Dĩnh gióng trống khua chiêng, dùng thuyền nhỏ đột kích vào trung tâm huyện phủ Tống Bình. Còn cánh quân của Đỗ Anh Hàn im hơi lặng tiếng nghi binh phục kích để lừa quân Đường rút lui theo hướng chính tây. Khi quân Đường bị nghĩa quân bao vây và tiến công từ ba phía đông, bắc, nam, chỉ còn một lối thoát về hướng tây, Cao Chính Bình lệnh cho quân lính phá vây về phía tây, nhưng kế sách của Cao Chính Bình bị tan vỡ ngay từ đầu, bởi cánh quân tinh nhuệ nhất của Cao Chính Bình vừa phá vây về phía tây đã bị cánh quân thiện chiến binh lính chủ yếu là người châu Ái của Đại thủ lĩnh binh mã Đỗ Anh Hàn tiêu diệt. Và tiến thẳng vào công phá cửa tây phủ thành Tống Bình. Cùng lúc cánh quân của Phùng Hưng và Phùng Dĩnh tiến công thẳng vào phía nam tiêu diệt hết tàn quân của chính quyền đô hộ phủ, giải phóng phủ/thành Tống Bình. Sử cũ chép, Cao Chính Bình bị vây hãm trong thành lâu ngày sinh bệnh mà chết.
Chiến dịch tổng công kích phủ/thành Tống Bình do Phùng Hưng chỉ huy toàn thắng có vai trò rất quan trọng của quân thủy, vì phủ thành Tống Bình bị quy định bởi bốn mặt là sông nước. Đặc biệt những trận thủy chiến trên sông Hồng và thủy chiến khi vượt sông Nhuệ, sông Tô lịch và khi áp sát thành Tống Bình, các mũi thủy binh thọc sâu đã tiến vào thành Tống Bình theo sông Ngọc Hà vào tận “tử thành Tống Bình” để tiêu diệt bộ chỉ huy Đô hộ phủ Tống Bình. Quân thủy thời đại Phùng Hưng đã chiến đấu với nhiều chiến thuật: đối thủy; phục kích đường thủy; truy kích đường thủy; tập kích và đột kích đường thủy; nghi binh bằng đường thủy, quân thủy; vận tải hậu cần chiến dịch bằng đường thủy. Trận/chiến dịch công phá phủ thành tống Bình của Phùng Hưng được các nhà nghiên cứu lịch sử quân thủy Việt Nam xem như một “chiến lệ” mẫu mực mà ảnh hưởng của nó về những nguyên tắc cơ bản trong thủy chiến sẽ còn được Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn vận dụng và phát huy trong các trận thủy chiến chống quân Nam Hán và quân Nguyên. Đặc biệt là lối đánh cơ động trên trục chính sông Hồng sau này được Trần Quốc Tuấn vận dụng khai thác triệt để trong việc tiêu diệt quân Nguyên – Mông vào thế kỷ XIII.
Phùng Hưng với tư cách là thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ VIII, đã làm lên chiến thắng phủ/thành Tống Bình, tiêu diệt toàn bộ quân đội đồn trú của nhà Đường tại An Nam Đô hộ phủ, mở ra thời kỳ đấu tranh giành độc lập quốc gia dân tộc với tính chất và quy mô lớn áp đảo tiến công kẻ thù. Hình ảnh Phùng Hưng thường được các sử gia trung đại mô tả về mặt sức mạnh “đuổi được gió, chém được chớp”. Song sự thật lịch sử đã chứng minh Phùng Hưng là người “Văn võ song toàn” được nhân dân ngưỡng mộ và thiêng hóa. Phùng Hưng chinh phục các đầu lĩnh, bộ hạ, anh hùng, thủ lĩnh quân sự bằng sự thán phục sức mạnh võ nghệ cao cường, nhưng ông thu phục nhân tâm của nhân dân bằng nhân nghĩa, bằng sự giải phóng họ khỏi ách áp bức bóc lột của nhà Đường. Bằng đường lối chiến lược đúng đắn, Phùng Hưng đã từng bước xây dựng lực lượng nghĩa quân, xây dựng căn cứ địa vững chắc, tiến công phòng thủ rất hiệu quả. Đồng thời, xây dựng công tác hậu cần (lương thảo) chiến lược đảm bảo cho nghĩa quân tác chiến lâu dài với một kẻ thù nham hiểm, có truyền thống đi xâm lược các dân tộc nhỏ bé và có đội quân viễn chinh chuyên nghiệp thiện chiến. Phùng Hưng một mặt đưa ra kế sách để đánh giặc, nhưng mặt khác ông vừa tiếp thu các kế sách hay của các đầu lĩnh quân sự, nhất là kế sách của đại thủ lĩnh binh mã Đỗ Anh Hàn. Việc Phùng Hưng sáng suốt liên minh với các thủ lĩnh quân sự châu Diên, châu Phong, châu Ái, châu Trường… chính là quan điểm toàn diện về tập hợp lực lượng chiến tranh nhân dân, nhằm chống kẻ thù chung của dân tộc. Trong thời đại của Phùng Hưng ít nhất có hai thủ lĩnh quân sự châu Diên và châu Phong đã thất bại trước “quyền mưu, thủ đoạn” của Cao Chính Bình. Ngọn cờ lịch sử để tập hợp toàn thể dân tộc tiêu diệt quân đội xâm lược nhà Đường đã được trao vào tay Phùng Hưng. Cùng với việc Phùng Hưng đóng giữ đại bản doanh tại huyện Gia Ninh thuộc châu Phong dưới chân núi Ba Vì, càng khẳng định tính chính danh của người kế tục sự nghiệp “thuở xưa họ Hùng”. Nhìn từ thực tế chiến trường và địa lí tự nhiên, vùng đệm dưới chân núi Ba Vì thuận lợi cho địa quân sự (phòng thủ vững chắc, tiến công nhanh như chớp), không quá xa huyện Tống Bình nơi có phủ/thành Tống Bình đóng giữ. Cả một vùng huyện Gia Ninh thuộc châu Phong và vùng giáp danh châu Trường, châu Ái là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu vô hạn cho nghĩa quân Phùng Hưng khai thác gỗ để đóng thuyền từ loại gỗ táu mật nổi tiếng, cũng như vũ khí (giáo, cánh cung, nỏ) cũng được dùng từ gỗ táu mật rất cứng, dẻo và chịu nước, nghĩa quân được khắc phục về vũ khí cá nhân và đủ trang bị cho hàng vạn nghĩa quân.
Với chiến thắng chiến dịch Tống Bình, quét sạch quân xâm lược nhà Đường, giành độc lập tự chủ cho quốc gia dân tộc, Phùng Hưng đã đi vào hùng sử Việt Nam với tư cách là Người Anh hùng lịch sử “Văn võ song toàn”.
Sau chiến thắng quân đội đồn trú của nhà Đường tại An Nam Đô hộ phủ, Phùng Hưng xưng là “Bố Cái Đại Vương”. Với đại danh hiệu biểu tượng này Phùng Hưng muốn gửi đến nhân dân/thần dân của mình, chính sách của chế độ chính trị mà ông là người sáng lập tinh thần thân dân, cao hơn nữa là tinh thần quan hệ của cha mẹ đối với con - một thứ tình yêu mang tính phổ quát của nhân loại, tình yêu thương đó mang tính bản năng, tính tự nhiên của con Người. Như vậy có thể hiểu vào thế kỷ VIII, Phùng Hưng là một vị “Vua Sáng” của tình thương yêu con người – tình yêu lí tưởng trong sáng thuần khiết mang tính tự nhiên thuộc về con Người.
Về mặt chính trị, việc xưng Vương của Phùng Hưng là nhằm khẳng định sự độc lập quốc gia dân tộc - một nhà nước có Vua, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đoạn tuyệt với sự thống trị vô lý của đế quốc Đại Đường (đây là bài học còn nguyên giá trị cho hôm nay) không chịu lệ thuộc sự áp đặt của nước khác và bình đẳng sống trong càn khôn vũ trụ. Như vậy khái niệm – đại danh hiệu biểu tượng: “Bố Cái Đại Vương” mà Phùng Hưng đưa ra, thỏa mãn hai nhiệm vụ, đối nội và đối ngoại, của một chính thể nhà nước sơ khai với đầy đủ nội hàm tinh tế và nội dung cô đọng nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Vào thế kỷ XV, khi vai trò của Nho giáo ở nước ta phát triển và chiếm ngôi vị độc tôn, các sử gia thời trung đại thường tán rộng ra việc xưng “Bố Cái Đại Vương” của Phùng Hưng do ảnh hưởng của học thuyết Mạnh Tử. Ngày nay chúng ta có đủ bằng chứng khoa học để bác bỏ luận thuyết nô dịch tư tưởng đó, biết rằng học thuyết của Mạnh Tử có ưu điểm và có hạt nhân hợp lí. Bản chất nguồn gốc nhân chủng của Phùng Hưng và nghĩa quân của Phùng Hưng là một tập hợp Việt – Mường thuần chất, lí tưởng đạo đức, luân lí xã hội mang đậm dấu ấn Việt – Mường chưa bị/chịu ảnh hưởng học thuyết của Mạnh Tử.
Với đại danh hiệu Bố Cái Đại Vương, Phùng Hưng trị vì đất nước được bảy năm (782 – 789) nhưng hùng ca âm hưởng danh xưng đó còn vang vọng mãi mãi trong những trang hùng sử Việt Nam. Sau khi Phùng Hưng về với “Mường Trời” con trai là Phùng An lên kế vị được hai năm, đến năm 791 thì sự nghiệp của Phùng Hưng mới chấm dứt (Phùng An chịu hàng phục nhà Đường). Theo
Đại Việt sử kí toàn thư và
Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều ghi nhận Phùng Hưng mất năm 791?
Sau khi Phùng Hưng mất, ông được chôn cất tại phía tây thành Tống Bình. Ngày nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. Lăng Phùng Hưng hiện nay được ghi bốn chữ “Phùng Hưng cố lăng” (Lăng cũ Phùng Hưng).
Trước khi Phùng Hưng mất ông có di chúc/thư trao lại quyền lực cho Phùng Hải (theo tinh thần của văn hóa Mường) là em trai ông, nhưng do đầu lĩnh Bồ Phá Cần/Lặc cũng là một anh hùng đại lực sĩ, được cổ sử (thần tích) mô tả là người quyết đoán, “có sức mạnh đẩy được núi” vốn không nể phục Phùng Hải, đã ủng hộ Phùng An và đưa Phùng An lên kế vị thay cho Phùng Hưng. Cuộc tranh giành quyền lực giai đoạn hậu Phùng Hưng dẫn đến việc Phùng Hải, Phùng Dĩnh phải bỏ trốn vào động Chu Nham, có tài liệu cho rằng bị Bồ Phá Cần ép phải vào động Chu Nham sinh sống. Mâu thuẫn giữa Phùng Hải và Bồ Phá Cần/Lặc là mâu thuẫn có tính xung đột về văn hóa. Phùng Hải theo quan niệm của văn hóa Mường, nên việc trao truyền quyền lực từ Phùng Hưng cho Phùng Hải là hợp lí vì con trai Phùng Hưng là Phùng An còn nhỏ tuổi không thể cáng đáng đại sự quốc gia được. Phùng Hải là người cứng rắn và luôn luôn muốn quay về với văn hóa gốc của cộng đồng tập hợp Việt – Mường. Ngược lại Bồ Phá Cần/Lặc hướng ra bên ngoài quy phục văn hóa Nho giáo, nên coi trọng tính chính thống, chính danh (lúc này mối liên kết Việt – Mường về mặt ngôn ngữ đang trên đường phân liệt, tan rã). Mặt khác, nếu Phùng Hải thay Phùng Hưng làm Vua, thì chính sách quy phục Nho giáo trong trị quốc của Bồ Phá Cần sẽ không bao giờ được thực hiện. Và đội chiến/hải thuyền của quân đội do Phùng Hưng để lại, Bồ Phá Cần/Lặc sẽ không được làm Tổng chỉ huy, nhất là liên quan đến lợi ích kinh tế. Ai là người nắm giữ, chỉ huy đội chiến/hải thuyền của quân đội Phùng Hưng người đó sẽ được quyền thu thuế trên sông biển. Mà vào thế kỷ VIII việc thu thuế trên các cảng sông biển là một mối lợi rất lớn, đồng thời bành trướng thế lực nhanh chóng. Việc cung đình của dòng tộc Phùng Hưng lúc này thiếu vắng sự hiến kế kịp thời của đại thủ lĩnh binh mã quân sư Đỗ Anh Hàn, vì lúc này Đỗ Anh Hàn đang trấn nhậm châu Ái, giữ chức Thứ sử và coi quân châu Trường. Và tại thành Tống Bình thì ưu thế thuộc về phe Bồ Phá Cần/Lặc. Lí do khách quan để Bồ Phá Cần/Lặc chiếm được cảm tình của các đầu mục (hệ thống quan liêu thuộc hạ…) là do yêu cầu quản lí nhà nước, quản lí xã hội lúc này không còn là một châu Đường Lâm như trước kia nữa mà đã là một quốc gia dân tộc bao gồm nhiều châu, quận, tính chất xã hội đa dạng, phức hợp/tạp hơn, tất yếu phải học tập mô hình quản lí nhà nước theo nhà Đường. Chính đặc điểm lịch sử đó đã làm cho phe Bồ Phá Cần/Lặc chiến thắng phe Phùng Hải dễ dàng. Cho nên sức mạnh của một đại dũng sĩ “đánh hổ, đội thuyền ngàn cân qua sông” của Phùng Hải không thể đem ra thi triển với Bồ Phá Cần/Lặc được.
Sự nghiệp chính trị của Phùng Hưng chấm dứt vào năm 791, nhưng sự nghiệp văn hóa lại được phát tán thành một phổ rộng trong không/thời gian văn hóa.
Sự kiện văn hóa đầu tiên diễn ra ngay khi Phùng Hưng về với “Mường Trời” là đại danh xưng “Bố Cái Đại Vương” được lưu giữ trong tâm thức tập hợp cộng đồng Việt – Mường mạnh mẽ, xao xuyến
thường hằng trong ngôn ngữ và tư duy.
Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã kính lễ lăng mộ Phùng Hưng và tôn ông là thành hoàng bảo hộ cho thành Đại La. Đến thời đại Lý Công Uẩn, đã tôn Thượng tướng Phạm Cự Lượng làm thành hoàng bảo hộ thành Thăng Long, do đó vai trò thành hoàng của Phùng Hưng về mặt hành chính nhà nước quân chủ thời Lý có giảm đi (thực tế Phùng Hưng vẫn được nhân dân thờ phụng với tư cách thành hoàng bảo hộ kinh thành Thăng Long) nhưng bằng con đường dân gian, thần tượng Phùng Hưng càng được thờ phụng nhiều hơn. Ở đây cần nhấn mạnh ý tưởng phong thành hoàng cho Thượng tướng Phạm Cự Lượng của Lý Thái Tông, vì nhiều lí do nhưng quan trọng nhất đó là Thượng tướng Phạm Cự Lượng – Người được cho là đã chém chết tướng Tống là Hầu Nhân Bảo (981). Việc một Thượng tướng đánh thắng quân đội nhà Tống đầu tiên trong lịch sử là quan trọng trong việc an dân và hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại của nhà Lý lúc đó, cũng như việc khích lệ cổ vũ động viên tinh thần quốc gia dân tộc.
Theo
Việt điện u linh tập “Đời Trần, Trùng Hưng năm thứ nhất 1258, sắc phong cho Phùng Hưng là
Phu Hựu Đại Vương, năm thứ 4 (1288) lại phong hai chữ
Chương Tín. Năm Hưng Long 20 (1312) lại gia phong hai chữ
Sùng nghĩa” các triều đại kế tiếp (Lê, Nguyễn) đều gia phong và tôn vinh Phùng Hưng là anh hùng dân tộc. Năm 1889, đời vua Thành Thái, đền thờ Phùng Hưng tại Đường Lâm Sơn Tây, Hà Nội được trùng tu đại quy mô. Việc Phùng Hưng được
thiêng hóa vào thần điện: đền; miếu; am thờ, ở nước ta bằng nhiều con đường. Và vai trò của Phùng Hưng đã không ngừng được
thiêng hóa trong truyền thuyết và thần tích, điều đó chứng tỏ sức sống của tinh thần “Bố Cái Đại Vương” là
thường hằng trong đời sống tâm linh (dân gian) đại chúng trong cộng đồng. Việc Phùng Hưng
thiêng hóa vào văn học trung đại và cả văn học hiện đại, chứng tỏ sức sống của lí tưởng Phùng Hưng đã chiếm lĩnh tình cảm của đời sống tinh thần tri thức bác học trong cộng đồng. Theo khảo sát, thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, hiện nay có trên 60 điểm thờ phụng Phùng Hưng là thành hoàng. Đặc biệt vai trò của Phùng Hưng được phối thờ ở các điện thờ của người Mường Hòa Bình và Thanh Hóa. Tại Lạc Thủy, Hòa Bình ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh được thờ là
Tam vị đại vương của chúa Mường. Tại Thủ đô Hà Nội có ba điểm thờ Phùng Hưng được xem là quan trọng và linh thiêng nhất: 1. Đình làng Triều Khúc, Hà Đông; 2. Đình Quảng Bá; 3. Đình Thịnh Hào, vì ba điểm này được coi là Phùng Hưng từng đóng quân khi công phá, vây hãm thành Tống Bình khi xưa.
Sự ánh xạ tinh thần thượng võ của thời thại Phùng Hưng rất rõ nét vào vùng đất xứ Đoài ngày nay. Bằng chứng vật chất còn thấy trong đình Ngọc Than Quốc Oai, Hà Nội được các nghệ nhân điêu khắc mô tả hình ảnh người thiếu nữ một tay cầm dao găm, một tay túm đuôi hổ/báo để chuẩn bị đâm. Nhìn tư thế thiếu nữ rất điềm tĩnh, quyết đoán còn hổ/báo đôi mắt hoảng loạn thất thần…bàn về tính chất phát tán, di truyền các hiện tượng văn hóa tinh thần cũng như tinh thần thượng võ của thời đại Phùng Hưng ở châu Phong (xứ Đoài), nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân đã nhận định thật thuyết phục: “…từ Phùng Hưng, cũng là để đi đến minh định một vùng văn hóa - Văn hóa quyển xứ Đoài”.
“Bố Cái Đại Vương” Phùng Hưng chỉ huy cuộc khởi nghĩa nông dân năm 767 và chiến công đánh tan quân đội xâm lược nhà Đại Đường năm 782, đã đưa Phùng Hưng lên địa vị Người anh hùng trong lịch sử Việt Nam trung đại. Và những giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian, trong văn học, nghệ thuật, trong ngôn ngữ giao tiếp, trong văn hóa vật thể gần 1300 năm qua đã đưa Phùng Hưng lên địa vị Người Anh hùng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Ngày hôm nay chúng ta nhìn nhận và tưởng nhớ đến Người anh hùng lịch sử, Người anh hùng văn hóa Phùng Hưng chính là chúng ta đang đang tiếp tục làm cho hiện tượng, sự kiện Phùng Hưng sâu sắc hơn tính chất của lịch sử, văn hóa, làm giàu thêm tính chất của thời đại, đồng thời chúng ta khẳng định những giá trị bất tử cho Phùng Hưng. Và nhất là hiện nay chúng ta đang đứng trước những thách thức, nguy cơ về sự xâm lược toàn diện của những kẻ (từng ăn thịt người, uống máu người) nhiều tham vọng bành trướng luôn luôn muốn ăn thịt những dân tộc hiền lành lương thiện.