LTS: Năm 2012, một sự kiện đáng lưu ý trong giới văn học nghệ thuật Huế - Quỹ khuyến học, khuyến tài, mang tên Phùng Quán, đã phát thưởng cho 41 học sinh giỏi của xã Thủy Dương, quê hương nhà thơ và tặng thưởng cho hai tác phẩm văn học đó là tiểu thuyết "Vùng sâu" của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, và tiểu thuyết "Xa Hà Nội" của Nhà Văn Nhất Lâm. Trước đó vài tháng, nhà thơ đã "trở về" đất quê hương và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đặt tên Phùng Quán cho con đường lớn đối diện cổng làng Thanh Thủy Thượng, lên đến đường tránh Huế ở phía Tây.
Tết năm 1988 vừa xong, Toà soạn báo Quảng Nam Đà Nẵng tiếp một đoàn khách văn nghệ do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ là chị Lâm Thị Mỹ Dạ dẫn đầu. Cùng đi có 2 người, một như người già vùng dân tộc mặc áo thổ cẩm đi guốc mộc được giới thiệu là nhà thơ Phùng Quán và một "gã cao bồi"  tóc tai rũ rượi mang theo cây đàn guita là Nhạc sỹ Vũ Ngọc Giao. Tổng Biên tập Báo Quảng Nam Đà Nẵng lúc ấy là anh Ngô Quy Nhơn nồng nhiệt đón tiếp, nhất là anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa có bài tùy bút in trên báo Xuân Quảng Nam Đà Nẵng "Con của phù sa" được bạn đọc khen ngợi.

Sau một ngày thù tiếp, anh Tường ngỏ ý muốn được đi thăm miền quê Quảng Nam và nhất là được đi dọc sông Thu Bồn thăm thú đầu xuân. Anh Nhơn gọi tôi lúc ấy là phóng viên của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cấp chiếc xe Jeep chở đoàn và giao nhiệm vụ đưa đi chơi theo yêu cầu. Vào lúc ấy, việc đi lại, lo ăn ở cho một đoàn 6 người không chút đơn giản như bây giờ, tôi bèn nghĩ đến một người quen là anh Nguyễn Văn Chân, Bí thư huyện uỷ Điện Bàn, người rất nhiệt tình với anh em văn nghệ. 

Đến văn phòng Huyện ủy, được thông báo anh Chân đang chủ trì họp Huyện ủy mở rộng nếu cần gặp thì phải chờ. Hơi nản, nhưng tôi vẫn nhắn có anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vào chơi. Bài viết của anh Tường trên báo Xuân "Con của phù sa" viết về ba xã Gò Nổi của huyện Điện Bàn là Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đã tạo những tình cảm tốt, có lẽ vì thế đang họp, anh Chân cho tạm dừng và xuống gặp đoàn. Chuyện trò vài câu, anh Chân mời lên hội trường để thăm các cán bộ huyện ủy, xã đang có cuộc họp, gặp mặt đầu xuân. 

Vào hội trường có hơn trăm người, anh Chân giới thiệu anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thật trân trọng, chị Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi ở  báo Quảng Nam Đà Nẵng còn 2 người khách nhờ anh Tường giới thiệu. Nhân cuộc họp tạm nghỉ, anh Chân đề nghị anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói chuyện thơ văn. Anh Tường đứng lên nhưng lại giới thiệu anh Phùng Quán đọc thơ cho mọi người nghe. Và thế là mạch thơ lai láng, anh Quán đọc một lèo hơn chục bài thơ. 

Đầu tiên biết Điện Bàn là quê hương anh Trỗi, anh Quán đã đọc bài "Anh Nguyễn Văn Trôi, anh Nguyễn Văn Trỗi". Nên biết, vào thời anh Trỗi hy sinh tại Sài Gòn các tài liệu nhanh đánh, chuyển ra miền Bắc đều sử dụng chữ điện tín, không có dấu! Vì vậy Phùng Quán đã làm bài thơ khá hay về anh Trỗi. Sau đó là "Đêm Hồ Tây đọc thơ  Đỗ Phủ cho vợ nghe",  "Lời mẹ dặn",  "Chống tham ô lãng phí"... 

Phải nói rằng thơ Phùng Quán, với cách đọc và giọng ngâm sang sảng hào hùng của anh, nhiều người đã gọi là loại thơ quảng trường, như của Maiacopxki, có sức hút lôi kéo người nghe rất mạnh mẽ. Hơn trăm con người, các huyện ủy viên - những nông dân từ đồng ruộng lên đã im phăng phắc, chăm chú xúc động theo từng câu thơ, từng động tác diễn cảm của Phùng Quán. Nhưng đến khi anh Phùng Quán đọc bài "Tạ ơn làng" và quỳ xuống lạy tạ thì các huyện ủy viên, những cán bộ cốt cán huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã rơi nước mắt. Có người nức nở thành tiếng, người âm thầm rơi lệ! Cho hay sức lôi cuốn của thơ văn, nhất là khi đã chạm đúng nguồn mạch thì "cho hay mặt sắt cũng ngây vì tình" (Kiều, tả Hồ Tôn Hiến gặp nghe Kiều đọc thơ).


Hôm ấy, thơ Phùng Quán đã đi trọn thiên chức của nó! Sau đó đến Hoàng Phủ Ngọc  Tường, chị Lâm Thị Mỹ Dạ đọc, ngâm mấy bài thơ. Hơn 12 giờ trưa, cuộc đọc thơ dừng lại và Huyện ủy chiêu đãi đoàn một bữa tiệc thật hoành tráng (lúc ấy). 

Buổi chiều anh Chân - Bí thư huyện cho gọi Hợp tác xã tàu thuyền Sông Thu lo cho cả đoàn một chiếc tàu đi chơi dọc sông Thu Bồn từ Vĩnh Điện, Thanh Quýt lên đến Tí Sé, Dùi Chiêng- Huyện Quế Sơn xa xôi tận vùng núi đầu nguồn. Kèm theo đó, Bí thư xã Điện Quang tặng theo thuyền "bu" gà vịt và cho mượn đầu video, tivi  để đoàn xem dọc đường. Anh Thống làm thợ sắt, một bạn yêu thơ tại Vĩnh Điện tặng đoàn một con ba ba... Thật là một cuộc du xuân thật ý nghĩa, đầy ắp tình yêu văn nghệ của những người yêu thơ, đã nhỏ nước mắt cùng thơ tại Điện Bàn năm ấy. 

Kết thúc chuyến đi, hai ngày sau trở lại Vĩnh Điện, do quá yêu thích Phùng Quán, Phòng Văn hoá Thông tin, UBMTTQ huyện đã tổ chức một đêm đọc thơ ở trường Nguyễn Duy Hiệu, thị trấn Vĩnh Điện. Cả ngàn người đã cùng vui buồn, xúc động cùng thơ Phùng Quán. 

Sau đó vài tháng, Báo Quảng Nam Đà Nẵng chủ nhật in bài "Trường ca cây Cà". Lần đầu sau hơn 30 năm, tên Phùng Quán lại xuất hiện trên báo và sau đó 3 năm, anh được được tặng Giải thưởng Nhà nước...