(Thứ ba, 11/07/2017, 08:49 GMT+7)

Quảng Trị - bài ca không thể nào quên
 

Phùng Thị Hà Trang - Cử nhân Học viện Báo chí & Tuyên truyền

      Hơn 30 năm sau cuộc chiến tranh, Quảng Trị trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực miền Trung, xứng đáng với sự hi sinh của các chiến sĩ đã ngả xuống vì nơi đây.

      Ai đó đã từng chia sẻ rằng tất cả mọi vật đều rất sợ thời gian, bởi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả. Nhưng dường như thời gian cũng phải chịu khuất phục trước những kỳ tích, chiến công được làm nên từ một ý chí,một khát vọng cao cả. Điều đó đã cắt nghĩa cho việc mỗi năm hàng triệu người Việt Nam đều hành hương về nơi này- mảnh đất Quảng Trị anh hùng để thắp một nén nhanh thành kính bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước anh linh những liệt sĩ đã ngả xuống vì nền hòa bình dân tộc.
   Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng cực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị-khu phi quân sự vĩ tuyến 17, giới tuyến chia cắt hai miền Bắc Nam đất nước đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn,không biết bao nhiêu chiến sĩ, nhân dân ta đã nằm lại mãi mãi dưới đất đá, cây cỏ nơi đây.    
    Quảng Trị - nỗi đau mãi âm ỉ
   Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi – thế hệ trẻ 9x của đất nước may mắn được ghé thăm và làm việc tại mảnh đất của những dòng sông giới tuyến. Hơn 30 năm sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, Quảng Trị vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn thuộc khu vực miền Trung.Đến với Quảng Trị bây giờ, chúng tôi chỉ thấy hình ảnh của 1 tỉnh thành có nền kinh tế phát triển, nhà cửa cao vút, đời sống nhân dân ngày càng giàu mạnh. Xu thế hội nhập toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho dân Quảng Trị có nhiều điều kiện phát triển với sự đầu tư về khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ giáo dục từ nhà nước, từ các doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài. Dường như những đổ nát về của cải,mất mát về con người trong 20 năm bom đạn chưa từng xuất hiện tại đây.
   Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong vẫn là bầu trời Quảng Trị xanh ngắt, cỏ cây mơn mởn âm thầm làm dịu đi những mất mát, đau thương mà đất và con người nơi đây đã phải hứng chịu. Chưa một tỉnh thành nào trên đất nước Việt Nam lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở đây, hơn 72 nghĩa trang liệt sĩ trải dài trên mảnh đất đầy cát trắng. Dưới cái nắng gay gắt của những ngày hè tháng 7, chúng tôi hành hương đến với 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia: nghĩa trang Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn – nơi yên nghỉ của gần 20000 chiến sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. 




Các chiến sĩ nằm yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn
 

    Những chiến sĩ được về đây đến từ mọi miền đất nước, người ở đầu đất mũi Cà Mau, kẻ thì xứ Nghệ nắng gió, Hà Nội thủ đô cũng có mặt, miền núi Lạng Sơn cũng điểm danh…Họ - những chiến sĩ gốc gác khác nhau,đơn vị công tác không giống nhau nhưng đã dành cả thanh xuân, thậm chí cả tính mạng bản thân vì sự nghiệp hòa bình dân tộc. Không ít các chiến sĩ vừa tròn 18 – độ tuổi tươi đẹp nhất đã mãi nằm yên mãi trong lòng đất mẹ. Chúng tôi gặp bác Nguyễn Hữu Quý – một chiến sĩ già từ Hà Nội hành hương về nghĩa trang Trường Sơn để thắp cho cô bạn gái chung lớp ngày xưa một nén nhang. Nghẹn ngào trong dòng nước mắt, bác chia sẻ “Tạm biệt mái trường,trong khi bác lựa chọn học lên tiếp thì cô ấy lại quyết định dừng lại, quyết ra chiến trường để đánh giặc, thống nhất đất nước thì sẽ quay lại học tiếp. Vậy mà cô ấy đã không thực hiện được,nằm mãi tại đây bỏ dở hết…”

                   Em ơi rất có thể
                   Anh chết giữa chiến trường
                   Đôi môi tươi xé đạn
                   Chưa 1 lần được hôn


Người chiến sĩ già lặng lẽ đến thăm lại bạn bè cũ tại nghĩa trang Trường Sơn
 

     Chưa ở đâu như tại Quảng Trị, nhà người dân nào cũng có am thờ vọng bởi chỉ cần đào đất làm nhà, đào đất lắp cáp quang, đào đất trồng cây…là sẽ bắt gặp hài cốt của các chiến sĩ. Trong hàng ngàn người lính nằm lại tại đây, không ít chiến sĩ đã tìm được danh tính, quê quán để quay về với cha mẹ, nhưng cũng không ít người quên mất lời hẹn năm xưa mãi không chịu quay về. Dưới tầng tầng lớp lớp cỏ non của thành cổ Quảng Trị, dưới mặt nước yên bình của dòng sông Thạch Hãn, hàng trăm, hàng vạn chiến sĩ của ta nằm đó, không biết đến bao giờ mới tìm được lại. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, tuổi đôi mươi các anh mãi mãi hóa thành đất, thành cỏ cây.
                         Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
                         Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

   Quảng Trị - ru mãi bài ca bất tử

    Những ngày tháng 7 đầy nắng và gió Nam Lào,cứ tưởng rằng sẽ chẳng có một ai ngoài chúng tôi đến với nơi đây, nhưng đã nhầm. Chia sẻ với chúng tôi, bác Hồ Tất Ái – ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn “ Không phải chỉ đến ngày 27/7 – thương binh liệt sĩ, thì mọi người mới đến đâu. Ngày nào cũng có người đến thăm các chiến sĩ, có không ít người lăn lội từ xa đến, thắp vội nén hương rồi lại vội về cho kịp chuyến xe…” 



Kính cẩn trước anh linh các chiến sĩ 


Không chỉ người dân sinh sống và làm việc tại Quảng Trị mà mỗi năm, hàng triệu người dân Việt Nam đều hành hương về đây để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hi sinh của các chiến sĩ đã ngả xuống để đất nước được như hiện nay. Có không ít cơ quan đoàn thể từ nhiều nơi trên đất nước đều ghé thăm nơi đây để trình bày, báo công với anh linh các anh hùng. Chị Hằng (Nghệ An) cùng với gia đình lặng lẽ thắp nến nhang khắp các ngôi mộ của chiến sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn “ Năm nào cũng vậy cứ đầu tháng 7, tôi đều đưa các cháu về đây thăm ông nội của chúng. Đi sớm, ít người thì mới có nhiều thời gian hơn, chứ những ngày lễ hội thế này đông người lắm”.
 

 
 Những đứa trẻ thành kính thắp nén nhang 
 

Hình ảnh người thương binh ngồi trên chiếc xe lăn, mặc bộ quần áo cũ kỹ, cầm trên tay nén nhanh đang lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt khi nhìn ra dòng sông Thạch Hãn khiến tôi nhớ mãi. Chiều tà bên bờ sông, người chiến  sĩ nhìn đăm chiêu, khiến chúng tôi không dám lại bởi chúng tôi hiểu bác đang tâm sự cùng các đồng đội của mình. Lúc ra về, chúng tôi hỏi xin bác kiểu ảnh kỷ niệm bên bờ sông, bác cười bảo bác chưa hỏi đồng đội ở dưới sông nên hãy chụp một mình bác, đừng làm phiền các bác đang yên giấc ngàn thu.
                         Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
                         Đáy sông nơi đó bạn tôi nằm

Sau đây là một số hình ảnh của tác giả thực hiện khi tham gia đoàn công tác cùng các nhà văn quân đội trong chuyến đi Quảng Trị: