(Chủ nhật, 22/10/2017, 04:51 GMT+7)

Sở chỉ huy Quân chủng
tháng Chạp năm 1972

 
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phùng Quang Bích nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân)
 

     Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Sở chỉ huy Quân chủng đã dời vào trong dãy núi đá cách Hà Nội không xa. 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, tôi được phân công trực chỉ huy Quân chủng tại Sở chỉ huy. Đó là những tháng ngày không thể quên với cuộc đời tôi.
     Sáng chủ nhật ngày 17 tháng 12, Sở chỉ huy Quân chủng nhận được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Bộ Tư lệnh lúc đó có Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương. Sau này có thêm anh Nguyễn Xuân Mậu và anh Hoàng Văn Khánh. Còn ở Sở chỉ huy lúc đó có tôi, anh Vũ Xuân Vinh - Tham mưu phó Quân chủng, bên Binh chủng Ra đa có anh Hoàng Văn Ngữ - Chính ủy Binh chủng, anh Hứa Mạnh Tài - Tham mưu phó Binh chủng, bên không quân có anh Nguyễn Phúc Trạch - Tham mưu phó Binh chủng và kíp trực ban chiến đấu thông tin, trinh sát, tác chiến, sĩ quan hướng… Chúng tôi nhanh chóng truyền lệnh xuống các đơn vị.
     Ngay tối 17 tháng 12, Bộ Tư lệnh gấp rút họp bàn bổ sung phương án đánh B52. Tôi đã trình bày dự kiến các đường bay B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội phương án đã vạch ra. Đặc biệt, qua theo dõi máy bay trinh sát của địch, tôi phán đoán thêm đường bay mới của B52 có thể thực hiện. Đó là đường bay từ Thái Lan qua Thượng Lào, vào Tây Bắc xuống đánh phá Đông Anh, Gia Lâm, Hà Nội. Quả nhiên, sau này địch sử dụng đường bay này để đánh phá Hà Nội.
     8 giờ sáng ngày 18 tháng 12, tôi đã vào họp kíp chiến đấu, khẳng định B52 sẽ đánh Hà Nội đêm ấy. 16 giờ chiều cùng ngày, trên đã thông báo cho Sở chỉ huy biết khoảng 30 chiếc B52 bay từ Guam vào đánh miền Bắc. Sở chỉ huy thống nhất thời gian, mật ngữ và ra lệnh tôi trực tiếp xuống các đơn vị cho ôn lại phương án đánh B52, điều chỉnh lại đội hình xong trước 17 giờ. Có ý kiến cho rằng B52 sẽ đánh vào Hà Nội. Lúc 19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12, trạm ra đa 45, đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo về B52 và đang hồi hộp đồng thời có phần lo lắng. Trong đầu tôi lúc đó câu hỏi liệu có đánh được B52 không? lại hiện ra. Lòng tin vào phương án tháng 10, nhất là sau khi ta bắn rơi B52 ngày 22 tháng 11 năm 1972, do Đoàn H63 tên lửa thực hiện, đã củng cố, tôi tin nhất định sẽ thắng trận này.
     Tuy nhiên, sự kiện B52 vào đánh phá Hải Phòng tháng 4 năm 1972, ta bắn nhiều quả tên lửa mà không hạ được chiếc nào nên anh em vẫn còn thiếu tin tưởng. Một số sĩ quan hướng truyền lệnh xuống đơn vị giọng cũng run run, mất bình tĩnh so với lúc bình thường. 19 giờ 44 phút, tên lửa ta đánh đợt đầu nhưng không trúng. Tôi chỉ thị các sĩ quan hướng nắm tình hình và động viên bộ đội rút kinh nghiệm đánh các đợt tiếp theo. 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59 bắn trúng chiếc đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Đình Sơn - Tham mưu trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội báo cáo lên đánh bắn rơi máy bay B52. Tôi chỉ thị tìm mọi cách đi tìm nhặt xác B52. Không khí phấn khởi lan khắp sở chỉ huy. Niềm vui ấy tràn ngập khi nghe tin đồng chí Võ Công Lạng - Trung đoàn phó 261 đã nhặt được xác máy bay B52G và tin ta đã bắt được giặc lái B52. Ai cũng lâng lâng với chiến thắng, bởi vì bao năm qua ta chưa bắn được tại chỗ chiếc B52 nào. Chúng tôi đã tổng kết trận ngày 18 tháng 12 là trận hạ uy thế không lực Hoa Kỳ, trận rạng sáng ngày 21 tháng 12 là trận then chốt và trận ngày 26 tháng 12 là trận quyết định.
     Trong những ngày ấy, chúng tôi ăn ngủ tại Sở chỉ huy trong khi trời lạnh giá, ẩm thấp của hang đá. B52 đánh vào ban đêm nên hầu như chúng tôi phải thức suốt đêm, chỉ huy từng trận đánh. Ban ngày tôi cùng anh em nắm, tổng hợp tình hình, điều động lực lượng, hoặc xuống thăm các trận địa. Có lúc cầm bánh mì vừa ăn vừa giao ban. Lúc nào mệt quá thì chợp mắt một chút ngay trên bàn làm việc hoặc dồn ba chiếc ghế lại làm giường ngả lưng.
     Tôi mặc nguyên bộ quần áo dã chiến suốt mấy ngày liền, chẳng có thời gian thay. Anh em kíp trực các thành phần thay ca, có thể nghỉ ngơi chút đỉnh. Sau một tuần chiến đấu, mặt ai nấy hốc hác, nhưng gương mặt nào cũng chứa chan niềm vui chiến thắng.
     Nhân ngày 22 tháng 12, ngày thành lập quân đội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài đến động viên bộ đội tại Sở chỉ huy Quân chủng. Sau khi thăm Sở chỉ huy Quân chủng, Thủ tướng đã vào thăm Sở chỉ huy ra đa, Sở chỉ huy Không quân. Thủ tướng nói:
     - “Trận này ta không thắng thì gay lắm vì chúng nó đang cố ép ta. Chiến thắng các đồng chí hay lắm, tốt lắm, quý lắm… đã cho chúng một bài học, bây giờ ta ép lại nó. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả nước cám ơn các đồng chí”.
     Trong các ngày 23, 24 tháng 12, địch đánh giãn ra xa Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng ta cũng cần giãn hỏa lực để bảo vệ các trọng điểm mà địch đánh phá như Hải Phòng, Thái Nguyên, nhưng Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định, Hà Nội vẫn là mục tiêu chủ yếu của đợt tập kích đường không chiến lược của địch. Ta cần chốt giữ lực lượng bảo vệ Hà Nội. Tôi đề nghị các đơn vị pháo cao xạ rút một số nơi về để bảo vệ cho các trận địa tên lửa, một mặt tăng cường chỉ đạo các đơn vị sản xuất đạn tên lửa, một mặc truyền chỉ thị chỉ dùng tên lửa đánh B52 ban đêm.
     Trong ngày 25 tháng 12, Sở chỉ huy Quân chủng tất bật tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu, điều thêm 2 Tiểu đoàn tên lửa 71, 72 từ Hải Phòng lên tăng cường hỏa lực cho hướng đông bắc Hà Nội. Đêm 26 tháng 12 là một trận thắng mang tính quyết định. Địch dùng tới 105 lần chiếc B52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh đồng loạt liên tục vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Lúc này, anh Hoàng Văn Khánh từ Sở chỉ huy tiền phương, quân báo Lê Tư, trưởng phòng tác chiến Lê Thanh Cảnh và kíp trực như dán mắt vào những đường chì vẽ các đường bay B52 vào Hà Nội. Những khẩu lệnh đưa ra đanh gọn. Không khí trong Sở chỉ huy khẩn trương nhưng mọi người rất bình tĩnh và tin tưởng vào chiến thắng của ta. Trận chiến đấu đêm 26 tháng 12 năm 1972 diễn ra hơn 1 giờ. Lực lượng Phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn bắn rơi 8 máy bay B52, riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Trận đánh có tính chất quyết định làm suy sụp tinh thần và ý chí của Nhà trắng. Sau trận này, kết cục của chiến dịch đã được định đoạt, nhưng có điều đặc biệt trong 12 ngày, đêm, kẻ thù không thể phát hiện được Sở chỉ huy Quân chủng.



Họ Phùng Việt Nam