(Thứ sáu, 21/12/2018, 10:14 GMT+7)

SƠ LƯỢC VÙNG ĐẤT HÀ NỘI MỚI TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG VÀ TÂM NGUYỆN CỦA THƯỢNG TƯỚNG PHÙNG THẾ TÀI VỀ VIỆC XÂY DỰNG NHÀ THỜ HỌ PHÙNG VIỆT NAM TẠI LÂM ĐỒNG

 Phùng Quốc Hưng

     Cái tên Lâm Hà là ghép lại từ hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, mà những người dân mới vào khai phá đất mới đặt cho nó để gắn kết hai vùng quê hương cũ và mới. Có thể nói vùng kinh tế Hà Nội trên đất Lâm Đồng như một Hà Nội thu nhỏ, từ những địa danh đến con người và phong tục tập quán nơi đây. Tuy nhiên do thời gian xa quê hương đã lâu nên những phong tục tập quán dần dần mai một theo năm tháng. Để con cháu đời đời nhớ về quê cha đất tổ, những người con họ Phùng và các dòng họ khác đã chủ động kết nối họ tộc, duy trì phong tục tập quán và truyền thống quý báu của ông cha từ nguồn cội theo truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.
     Trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng là mục đích xây dựng quê hương thứ hai trên mảnh đất Lâm Đồng giàu đẹp. Với tâm nguyện mong muốn các thế hệ, đặc biệt là thế hệ con cháu sau này ngày càng đoàn kết, keo sơn gắn bó, biết ơn tổ tiên, thể hiện sự tưởng nhớ tới những anh hùng dân tộc, các danh nhân đã có nhiều công sức cho sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu trong hàng chục thế kỷ hình thành và phát triển.
     Trong thời buổi kinh tế thị trường, với nhiều mặt trái. Đặc biệt là sự du nhập của văn hóa phương tây, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nếu không được quan tâm đúng mức thì sự mai một và mất đi giá trị truyền thống là điều khó tránh khỏi.
     Vì thế, Cố Thượng tướng Phùng Thế Tài, người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, tấm gương ưu tú của họ Phùng trước khi từ trần đã có tâm nguyện xây dựng nhà thờ họ Phùng tại Lâm Đồng. Mục đích xây dựng nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng  là để cho con cháu đời nay và mãi về sau đang sinh sống ở phía Nam nói riêng và trên mọi miền đất nước nói chung biết ghi nhớ công lao to lớn từ những bậc tiền nhân đi trước theo truyền thống văn hóa tâm linh thờ cúng ông bà tổ tiên, thể hiện sự biết ơn những vị anh hùng dân tộc, danh nhân họ Phùng đã hy sinh xương máu để bảo vệ  gióng nòi và Tổ quốc.
     Vì những ý nghĩa trên, đồng thời để tiếp nối và thực hiện tâm nguyện của cố Thượng tướng Phùng Thế Tài, những người con họ Phùng ở phía Nam đã chung tay góp công, góp sức để cho tâm nguyện ấy trở thành hiện thực. Tiêu biểu cho sự tâm huyết đó là ông Phùng Văn Luyện, người đã hiến mảng đất ở vị trí đắc địa, phong thủy hữu tình và cả nhân lực, vật lực và tâm huyết để xây dựng nhà thờ Họ Phùng Việt Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng cho con cháu muôn đời sau cùng gắn bó nhớ nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
     Hiện nay, ông là người trực tiếp quản lý xây dựng các hạng mục bao gồm: Nhà thờ, vườn thơ, đài tưởng niệm, hồ nước và cơ sở hạ tầng xung quanh … Nhà thờ họ Phùng là hạng mục chính, công trình tâm linh được thi công trên khuôn viên  5.000 m2, phía trước là hồ Đa Sa, nơi địa thế, phong thủy hữu tình đã được chọn lọc rất kỹ lưỡng tại vùng đất thuộc thôn Phúc Thạch, xã Liên Hà (tách ra của xã Tân Hà năm 1999), huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
     Ông Phùng Văn Luyện không chỉ hiến đất mà ông còn là người đã dồn nhân lực vật lực, cùng với một số cá nhân họ Phùng tiêu biểu như tiến sĩ Phùng Thế Tám (con út của thượng tướng Phùng Thế Tài) đã công đức hơn 300 triệu (tính đến tại thời điểm này),  nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu, Trưởng Biên tập báo Pháp luật Môi trường đã phát tâm công đức 350 triệu để xây dựng phần thô nhà thờ, ông  Phùng Văn Quyến, nguyên chủ tịch xã Tân Hà đóng góp 50 triệu…v.v. Trong thời gian tới, công trình sẽ vào giai đoạn hoàn thiện phần nội thất và hạ tầng. Dự tính tổng kinh phí hoàn thành nhà thờ và cả khuôn viên là trên 1,5 tỷ đồng.
     Đây là công trình tâm linh không chỉ có giá trị về bản sắc văn hóa, truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Mà còn có giá trị to lớn trong việc khơi dậy lòng tự hào dân tộc và  biết ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân đã có công xây dựng và phát triển đất nước. Nhà thờ họ Phùng Việt Nam là nhà thờ đầu tiên phía Nam, được thiết kế theo quy mô bê tông cốt thép kiên cố, có kiến trúc cổ điển, theo truyền thống văn hóa dân gian. Nhà thờ có 3 gian, gian giữa thờ cúng Cửu huyền thất tổ, Đức Vua Phùng Hưng và các danh nhân như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Quan Thái phó Phùng Tá Chu…Nhà thờ Họ Phùng Việt Nam dành để cho tất cả các con cháu họ Phùng trên mọi miền đất nước đến dâng hương, cúng tế để tưởng nhớ đến tiên tổ, đồng thời cũng dành cho những du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng.  
     Đến thăm công trình đang thi công trong không khí hơi lành lạnh đặc trưng của Đà lạt với khung cảnh thiên nhiên trong lành, dễ chịu. Cảnh sắc và khí hậu nơi đây cùng với sự mến khách vốn có của những con người quê gốc Hà Nội, Hà Tây đã khiến cho bất kì ai khi đặt chân đến đây đều cảm thấy cảm giác lâng lâng trong khuôn viên tâm linh này, đặc biệt là những người con họ Phùng thì cảm thấy được sự thiêng liêng, lòng tự hào và những niềm vui khó tả.
     Trong thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo, Đảng ủy các cấp trong đó đặc biệt là các cấp tiền thân từ thời mới giải phóng. Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng có lẽ là vùng đất kinh tế mới duy nhất trong cả nước vinh dự được đón rất nhiều vị lãnh đạo Trung ương vào thăm, động viên và chỉ đạo. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã có 4 lần đến thăm vùng và dặn dò cặn kẽ với cán bộ, đồng bào của vùng. Tổng Bí thư Trường Chinh; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhà thơ Tố Hữu; đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban  ngành Trung ương, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Hà Nội đều có mặt.
    Mong rằng, trong thời gian tới, nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ngành các cấp để duy trì, bảo tồn những bản sắc văn hóa quý báu của cha ông trong đó có công trình tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của những người con Hà Nội trên đất lâm đồng nói chung và những người con của họ Phùng nói riêng ngày càng đoàn kết gắn bó keo sơn. Phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam.