(Thứ sáu, 14/09/2018, 10:20 GMT+7)

 

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

 

SƠN TÂY, ĐẤT SỎI CHẠCH VÀNG

Đỗ Lai Thúy[1]

 
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Quang Dũng
Con dế loay hoay
Tìm lại tiếng mình đêm trước
Phùng Cung
 
          Địa danh Sơn Tây nay chỉ còn lưu lại ở thành Sơn, trong khi đất đai xưa của nó đã nhập vào thủ đô mở rộng, để trở thành Hà Nội 2, Hà Nội 3. Nhiều người Sơn Tây tự hào vì từ đây mình là người Hà Nội. Riêng tôi thấy buồn vì không muốn đánh đổi cái đã từng tồn tại hàng nghìn năm lấy cái trước mắt. Bởi, trước khi bị/được sát nhập vào Hà Nội, Sơn Tây đã từng bị sát nhập với Hà Đông thành Hà Tây, rồi Hà Tây với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Nhưng trước đó thì Sơn Tây đã là một tỉnh, trước nữa là một trấn, hoặc một lộ (Oai lộ gồm Quảng Oai ,Quốc Oai và Thanh Oai).
Khi chưa bị những cái nhìn hành chính xé nát, Sơn Tây cổ đã là một thực thể địa lý nhân văn được hình thành một cách tự nhiên, theo những dòng sông, trong lịch sử. Sơn Tây nằm trên thềm phù sa cổ, vùng thượng châu thổ của tam giác châu sông Hồng và sông Thái Bình. Với tư duy sông nước, “dòng sông sinh ra đâu phải để cắt chia/Nên có những con đò nối liền hai bờ đất” (thơ ĐLT), Sơn Tây xưa bao gồm cả một phần đất bờ kia của sông Hồng và sông Đà. Đấy là một vùng đất mở, và có thể đó là lý do Sơn Tây cổ dễ bị cắt xẻo về mặt địa giới. Điều này khiến Sơn Tây thu lại trên thổ ngơi của chính nó, xứ Đoài.
Xứ không phải là một đơn vị hành chính mà là một lãnh thổ (pays) hoàn chỉnh, như xứ Bắc, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng, xứ Huế và xứ Đồng Nai… Xứ, bởi vậy, luôn là một thế giới mới lạ, mời gọi sự khám phá: “Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng” (ca dao). Sơn Tây – xứ Đoài vừa là một vùng rừng núi, vừa là vùng chân/trước núi. Người Việt cổ, hay Việt – Mường chung, từ nương rãy xuống đồng ruộng đã đặt bước chân đầu tiên ở đây. Các di chỉ khảo khổ học sơ kỳ kim khí, rồi kim khí, rải rác dọc theo sông Tích, sông Đáy, sông Hồng như những dấu chân của người khổng lồ gieo hạt đang tiến dần ra biển. Sơn Tây – xứ Đoài, bởi vậy, là vùng đất cổ/tổ. Nơi ra đi của người Việt, hay chí ít người-Sơn-Tây, ra khắp mọi miền đất nước.
Sơn Tây – xứ Đoài còn có núi thiêng Ba Vì, ngọn chủ sơn của cả đồng bằng Bắc bộ. Đó là trục vũ trụ, cái nối liền giữa đất và trời, nơi có thần/tiên ở. Ba Vì thiêng không phải vì cao, bởi vì nó còn thua Tam Đảo, mà vì có thần núi Tản Viên, vị “bách thần nguyên thủ,” và “đệ nhất tứ bất tử” (trước Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh), người đứng đầu trong thần điện dân tộc. Tản Viên sơn mang lại cho tâm thức Việt một cái nhìn thế giới mang tính chỉnh thể, lưỡng phân lưỡng hợp, có trung tâm có ngoại vi, có thần có người, có linh hồn có thể xác trong buổi đầu lịch sử. Một con gà báo sáng cho cả dân tộc: “Đỉnh non Tản như con gà cổ đại/Khổng lồ mào đỏ thắp bình minh” (Huy Cận).
Sơn Tây – xứ Đoài là một vùng đất đồi, gò và đồng trũng. Hệ sinh thái đa dạng khiến phương thức sinh sống đa tạp, nhưng tính cách con người thì lại chuyên nhất. Ấy là bởi vùng gò đồi xứ này toàn là đất đá ong. Nghèo dinh dưỡng nên chỉ có thể trồng được cây sắn, dây khoai nhưng đất này, do có cấu trúc như tổ ong, nên lại có khả năng trở thành vật liệu xây dựng tự nhiên rất tốt. Những viên đất được đào lên, ra ngoài không khí, ngấn nước khô đi, rắn lại như đá. Đồi đá ong chứa nhiều chất sắt, nên khi mưa, hút về nhiều sấm sét dữ dội; nhưng khi mưa tạnh trời quang, hơi nước bốc lên cao và khô đi rất nhanh, trở thành những đám mây trắng lững lờ trôi về đỉnh Ba Vì.
Thổ ngơi xứ Đoài như vậy đã tạo nên cá tính người Sơn Tây. Đó là những con người chịu khó (Tiếng ai như tiếng xứ Đoài/Ăn cơm, thì ít ăn khoai thì nhiều – ca dao), chịu khổ (Đất đá ong khô nhiều người ngấn lệ – Quang Dũng), nhưng bất khuất, dám đứng lên chống lại mọi sự bất công cũng biết mơ mộng (Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! – Quang Dũng). Vừa cúi mặt xuống đất, vừa ngẩng mặt nhìn trời, vừa thực tế, vừa hão huyền; vừa mềm và chưa định hình như đá ong còn nằm trong lòng đất, vừa cứng như viên đá ong được đưa lên mặt đất, hai tính cách này tưởng như đối lập, nhưng lại thống nhất hữu cơ, như âm và dương trong thái cực đồ, làm nên cá tính của vùng đất và của con người.
Lệ thường đất sỏi thì không có chạch, vì chạch chỉ sống nơi đất bùn, nhưng một khi đất sỏi sinh chạch thì đó là chạch vàng, chạch bằng vàng. Những con chạch quý này làm nên truyền thống xứ Đoài. Truyền thống bất khuất của người Sơn Tây – xứ Đoài được hình thành ngay từ buổi đầu Bắc thuộc và chống thuộc Bắc: khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43). “Bà Trưng quê ở châu Phong,” tên cũ của Sơn Tây – xứ Đoài. Hiện nay ở Quảng Oai – Ba Vì còn đền thờ mẹ hai bà và ngôi mộ gọi là mả Dạ. Dạ trong tiếng Việt cổ chỉ bà già được kính trọng. Còn đền thờ Hai Bà ở Hát Môn, nơi tương truyền Hai Bà tử trận ở cửa Hát, ở phố Đồng Nhân Hà Nội, thậm chí ở Quảng Đông, Quảng Tây nay thuộc Trung Quốc, và dọc theo sông Hồng ra biển còn rất nhiều đền thờ các nữ tướng của bà, như Lê Chân ở Hải Phòng. Cuộc khởi nghĩa này không chỉ giành được độc lập cho Việt Nam, mà, như một phản ứng dây chuyền, cho cả vùng Ngũ Lĩnh.
 Sơn Tây – xứ Đoài cũng là quê của Lý Bí, đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, dựng nên nước Vạn Xuân độc lập, lấy hiệu là Nam Đế. Cuộc khởi nghĩa và nước Vạn Xuân của Lý Bí là một dấu mốc quan trọng trong thời Bắc thuộc và chống thuộc Bắc. Tinh thần dân tộc lúc này đã lên rất cao. Kinh nghiệm của cuộc nổi dậy này sẽ kéo theo nhiều cuộc nổi dậy khác đi đến giành độc lập. Lý Nam Đế được thờ làm thành hoàng ở đình Ngọc Than (Quốc Oai). Đây cũng là quê hương của Lý Phục Man, tướng của Lý Bí được thờ Sấu Giá (Yên Sở – Hoài Đức).
Sơn Tây còn có vùng đất tổ Đường Lâm sinh ra hai vua. Người thứ nhất là Phùng Hưng (767 – 791) vốn là một quan lang, có sức khỏe vật trâu diệt hổ. Đánh đuổi được quan cai trị nhà Đường, ông lên làm vua, và được nhân dân tôn xưng là Bố Cái Đại Vương (Bố Cái = Vua lớn = Đại Vương). Người thứ hai là Ngô Quyền, con thứ sử Ngô Mân ở Phong Châu, con rể thủ lĩnh xứ Thanh Dương Đình Nghệ (931 – 937). Khi Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại, Ngô Quyền kéo quân từ xứ Thanh ra bắc trừng trị kẻ phản bội và đập tan quân xâm lược Nam Hán do họ Kiều mời sang. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 938 của Ngô Quyền đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ của đất nước.
Sơn Tây – xứ Đoài cũng là đất tâm linh. Ngoài tục thờ Vua Ba Vì, thờ núi, thờ Thánh, còn có rất nhiều những ngôi chùa nổi tiếng thờ Phật. Mặc dù đất này có những ngôi đình nổi tiếng như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Ngọc Than, đình So, đình Cấn… như câu nói tục truyền cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài, nhưng, thực ra, chính những ngôi chùa Đoài mới là những ngôi chùa độc đáo. Từ Ba Vì cao thấp dần xuống Sài Sơn là con đường tâm linh đi từ Thánh đến Phật. Chùa Thầy do một thiền sư nổi tiếng, Từ Đạo Hạnh khai sơn phá thạch. Ngài rất giỏi thiền học (Có thì có tựa mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không – Kệ của Thầy Từ/Từa), nhưng kiêm cả mật tông nên cuối cùng hóa Thánh ở trong hang Thánh hóa, trở thành vua Lý Thần Tông. Ngoài chùa Thầy ra còn những ngôi nổi tiếng khác, như chùa Mía ở gần đền Và, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, chùa Trầm… Như vậy, chùa Đoài khác chùa Bắc ở chỗ vẫn không thuần túy Phật, mà hướng về Thánh, một lớp tâm linh cổ sơ hơn, nên Phật giáo cũng cổ sơ hơn.
Sau khi đỉnh châu thổ sông Hồng chuyển từ Bạch Hạc – Việt Trì về Cổ Loa – Long Biên, thì trung tâm đồng bằng Bắc bộ cũng thiên di về thềm phù sa trẻ này. Các trụ sở thời Bắc thuộc như Tống Bình, Đại La đều quanh khu vực Cổ Loa – Long Biên. Tuy nhiên, bước ngoặt quyết định là khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để cho gần hơn với bản quán Bắc Ninh của mình, thì lúc ấy Thăng Long mới thực sự là trung tâm của Đại Việt về các mặt địa lý nhân văn, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quanh Thăng Long có tứ trấn: xứ Đông, xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Nam. Các xứ khác đều có hướng phát triển hoặc ra biển, hoặc nam tiến, riêng xứ Đoài ba bề là rừng núi, một bề là thủ đô nên không tiến đi đâu được, trở thành vùng ngoại biên, bảo lưu gần như tất cả nết văn hóa cổ xưa của người Việt cổ, từ ngôn ngữ, giọng nói, đến các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, mà quan trọng nhất là cá tính của một vùng đất, Sơn Tây – xứ Đoài.
Cá tính của vùng đất Sơn Tây – xứ Đoài còn có thể tìm thấy một cách đậm đặc ở những con người văn học. Người đầu tiên phải nhắc đến Phùng Khắc Khoan. Dù chỉ đỗ tiến sĩ, nhưng dân gian vẫn tôn ông là trạng, Trạng Bùng. Ông có công trung hưng nhà Lê, nhưng cuối cùng vẫn bị nhà Lê đày vào Con Cuông Nghệ An. Với dân làng Bùng, tương truyền ông mang về cho họ nghề trồng lạc, đậu, vừng và nghề dệt lượt. Phùng Khắc Khoan còn cho xây ở chùa Thầy hai chiếc cầu kiểu thượng gia hạ kiều là Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều cùng nhà Thủy đình để biểu diễn rối nước. Và, quan trọng hơn, hoàn chỉnh sơ đồ phong thủy tổ hợp núi – chùa Thầy: một con rồng ôm quanh hồ nước, trán rồng là chùa Cả, râu rồng là hai chiếc cầu Nhật, Nguyệt, miệng rồng phun nhả hòn ngọc/Thủy đình. Phan Huy Ích sau một cuộc đời thăng trầm đã tìm thấy đất lành ở Sài Sơn – chùa Thầy, lập nên dòng họ Phan Huy nổi tiếng với Phan Huy Chú, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh. Hẳn ông đã nhận thấy cái thiên nhiên hoang sơ ở đây có thể xoa dịu cái xã hội ở nơi ông. Sau này Cao Bá Quát về làm giáo thụ Quốc Oai, thường lên núi Sài Sơn thăm con rồng Bướng bị thiên đình đày xuống hạ giới. Đứng trên đỉnh Chợ Trời chiêm ngắm cả một vùng non nước, mà nghĩ về thế sự. Nhận thấy hiểm họa phương Tây đến gần, mà triều đình vẫn mải mê với trò “nhai văn nhá chữ,” ông đứng lên khởi nghĩa ở Quốc Oai và cũng chết ở Quốc Oai. Không phải uất ức vì bị đày về nơi khỉ ho cò gáy này mà ông bất mãn nổi loạn, mà chính vùng đất này đã khơi dậy trong ông dũng khí đứng lên.
Thời hiện đại không thể không nhắc đến nhà thơ Tản Đà, chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Bút danh Tản Đà thể hiện tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của người Việt cổ: Tản là núi Tản, Đà là sông Đà. Núi sông thường được đặt tên cho các vùng đất như Thăng Long là núi Nùng sông Nhị, Hà Nam là núi Đọi sông Châu, xứ Nghệ là sông Lam núi Hồng, Huế là sông Hương núi Ngự, Quảng Ngãi là núi Ấn sông Trà… Tản Đà đã lấy sông núi quê hương làm tên riêng của mình. Quang Dũng, một nhà thơ xứ Đoài khác, có những bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ… Đặc biệt trong thơ Quang Dũng nói nhiều về Ba Vì (Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì), về mây trắng (Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm!), về làng đồi, về đất đá ong. Nhà thơ Phùng Cung tuy không sinh ra ở Sơn Tây, nhưng quê gốc và sống suốt thời thiếu niên và thanh niên ở đây, nên đã thấm đẫm đời sống của cư dân vùng đất này. Tập thơ Xem đêm của Phùng Cung tái dựng lại cảnh quan thiên nhiên và lối sống Việt cổ mà nay đã/đang mất dần đi. Cuối cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê. Tuy ông rời quê vào sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có cảnh quan khác hẳn với vùng đồi núi Sơn Tây, nhưng Nguyễn Hiến Lê lúc nào cũng mong mình là một đám mây trắng về với đỉnh Ba Vì. Hẳn nỗi nhớ quê, đúng hơn quê gốc/tổ, trở thành động lực cho Nguyễn Hiến Lê trở thành một nhà bách khoa.
Vùng đất Sơn Tây – xứ Đoài, dù là một khu vực ngoại biên, nhưng hiện nay đã có nhiều thay đổi, thậm chí biến mất, nhưng cá tính vùng đất còn tồn tại mãi mãi trong tâm thức và nhân cách con người, thậm chí nó tồn tại độc lập, không còn liên quan gì đến thực thể vật chất. Điều này có thể thấy được qua trường hợp Nguyễn Hiến Lê, Phạm Đình Chương, Dương Nghiễm Mậu,… hay những người con xa xứ khác.

 


[1]Phó giáo sư, Tiến sĩ.