ÔNG TÁ CHU HỌ PHÙNG VÀ BA NGƯỜI HỌ NGÔ
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Phùng Tá Chu (? - 1241) là một nhân vật lịch sử thời Lý - Trần. Trong cả hai triều ông đều được chức cao tước trọng. Nhưng điều để hậu thế xét đoán ông nhất là ở vai trò quan trọng của ông trong việc hai triều đại này thay thế nhau. Đọc các bộ sử còn lưu lại của nước Việt thấy có hai sử thần họ Ngô thời nhà Lê phê phán Phùng Tá Chu chuyện này.
Người thứ nhất là Ngô Sĩ Liên (1400 - 1497) viết trong Đại Việt sử ký toàn thư (1479):
Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224], (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Mùa đông, tháng 10, [Lý Huệ Tông] xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghiêu là kẻ bất tiếu, thì vua Nghiêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.
Người thứ hai là Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) viết trong Việt sử tiêu án(1775):
Vua [Trần Thái Tông] phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân Vương, Phạm Kính Ân làm quan Nội hầu. Hai người này đều là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Trung Từ, Tự Khánh, cho nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm bao giờ?
Đọc vào thì thấy hai ông họ Ngô cách nhau trên dưới ba trăm năm này xét việc Phùng Tá Chu giúp cho họ Trần lấy thiên hạ từ họ Lý ở độ dài thời gian với một ông khoảng hai trăm năm, còn với một ông khoảng năm trăm năm, đều theo ý hệ Nho giáo. Họ coi đó là việc làm bất trung (“trung thần bất sự nhị quân”), nên không thể chấp nhận được. Mà lời lẽ của họ Ngô mấy chục đời sau còn nặng nề gay gắt hơn của họ Ngô đời trước.
Hai sử thần họ Ngô đã vì thiên kiến tư tưởng mà không nhận thức được là Phùng Tá Chu đã hành động thuận dòng lịch sử. Các bộ sử mà họ chấp bút, cũng như các bộ chính sử của các triều khác về sau cũng đã ghi lại những sự kiện liên quan đến Phùng Tá Chu cho thấy điều này. Theo đó, nhà Lý sau hơn hai trăm năm tồn tại đến Lý Cao Tông đã suy bại cùng cực và sang đến Lý Huệ Tông thì cái điềm kết cục đã hiện rõ. Nhà Trần gặp được thời và dần có thế. Phùng Tá Chu ở tư cách và vị thế làm quan nhà Lý nhưng gần gũi nhà Trần đã nhận ra cái thời và cái thế đó. Và chính ông đã góp phần thúc đẩy cái thế cho nhà Trần. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan và sáng suốt. Một sự lựa chọn thuận dòng lịch sử. Tôi không muốn nói ông “theo dòng lịch sử” vì nói thế nghĩa là coi ông phó mặc cho sự nổi trôi của thời cuộc. Tôi nghĩ ông với tầm nhìn của một người trí thức đã biết nhìn ra lịch sử lúc đó dòng nào thuận, dòng nào nghịch, và đã quyết định hành động thuận dòng.
Vả chăng, vua Lý Huệ Tông cũng đã biết mình không kham nổi ngôi báu của dòng họ nữa. Khi Trần Tự Khánh mấy lần đưa quân đến đón xa giá, vua tránh mãi không được, liệu thế mình sắp hết phận, nên đã cùng Thái Hậu đứng trước tượng Phật mà thề: "Trẫm ít đức, thẹn mình nối cái cơ nghiệp lớn lao làm cho đưa tới cái cảnh loạn ly, sắp phải sụp đổ cái sự nghiệp của tiền nhân, đến phải luôn luôn xa giá trốn đi chỗ khác! Nay trẫm muốn lánh cái ngôi vua để nhường cho người hiền đức" (Đại Việt sử lược). Sau hai lần (1212, 1215) tỏ ý nhường ngôi và cắt tóc để khẳng định ý đó, Lý Huệ Tông đã xuống chiếu lập người con gái thứ là công chúa Chiêu Thánh làm hoàng tử để truyền ngôi cho (1224). Qua lời bình của Ngô Sĩ Liên người đời sau biết được là trong vụ truyền ngôi này Lý Huệ Tông đã có tham vấn và nghe lời Phùng Tá Chu. Điều đó chứng tỏ vị quan họ Phùng đã được nhà vua rất tin cậy, nếu không việc cơ mật của triều đình, dòng họ, sao vua dám hỏi người ngoài. Và ngược lại, ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhà vua, có thể nói là ảnh hưởng quyết định, nếu không sao vua lại làm theo lời ông. Khi khuyên nhà vua lập con gái đẻ làm vua theo gương sử Tàu chứ không lấy con cháu trong tôn thất cho nối ngôi theo như lệ cũ từ xưa và ngay trong triều đại nhà Lý, phải chăng Phùng Tá Chu đã ngầm một ý đồ chính trị cho nhà Trần ở đây, đã cài một cái mẹo để rồi ít lâu sau Lý Huệ Tông sẽ lại theo cách truyền ngôi truyền thống khi không có con trai nối ngôi. Và người được Lý Huệ Tông ký thác điều này vẫn không ai khác là Phùng Tá Chu. Vẫn theo Đại Việt sử lược: “Năm Ất Dậu (1225), mùa đông, tháng 11, Thái Thượng Vương (Lý Huệ Tông) thấy nữ Vương (Lý Chiêu Hoàng) còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: "Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ, để kén chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cơ nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy Chiêu Vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy rõ". Vì thương con, vì sự ép buộc của hoàn cảnh hay vì lý do gì đi nữa, Lý Huệ Tông đã có ý đồ chuyển ngôi nhà Lý cho nhà Trần (tôi nhấn mạnh), như thể hiện ở mấy câu nói đã được sử ghi lại này, và nếu căn cứ vào bộ sử đó của một tác giả khuyết danh viết ở đời Trần. Sử viết đoạn này dùng chữ “định mưu” (không rõ chữ Hán là gì), nếu đúng tác giả bộ sử dùng chữ đó thì càng cho thấy rõ Lý Huệ Tông đã chọn Phùng Tá Chu để thực hiện ý đồ của mình. Họ Phùng được chọn làm người trung gian cầu nối để thông đạt ý định của Lý Huệ Tông chắc là vì nhà vua trong thời gian lánh nạn về Hải Ấp đã biết mối quan hệ thân thiết của ông với dòng họ Trần, cũng như nhà vua có thể đã nhìn thấy ở ông tư chất của một con người đáng tin tưởng, phó thác được.
Chắc Phùng Tá Chu đã truyền đạt lại ý kiến này của Lý Huệ Tông cho anh em nhà Trần. Được lời như cởi tấm lòng, Trần Thủ Độ quyết đoán nắm lấy cơ hội hợp pháp mà ông vua họ Lý đã mở ra để gây dựng sự nghiệp đế vương cho nhà Trần. Trong khi Thái úy còn nghi hoặc, muốn nghe theo lời của Tả phụ Nguyễn Chánh cho đây là một phép thử, một cái bẫy của ông vua họ Lý để hại nhà Trần, thì Trần Thủ Độ khẳng quyết: "Lời Tả Phụ sai rồi! Nếu mà vương thượng có con trai mà lại nhường ngôi cho nhị lang thì việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng chiếu được. Nay, Vương thượng không người kế tự, ý muốn chọn người hiền để phó thác ngôi cao. Đó là vương bắt chước việc nhường ngôi của nghiêu Thuấn thuở xa xưa. Vậy mà lo ngại nữa sao? Huống chi, ngôi chí tôn không thể để khuyết lâu, mà ý thoái lui của vương thượng thì đã quyết, vương thượng đã dứt khoát chọn người khác họ để cho nối ngôi, liệu ta không muốn nghe theo mà được chăng? Nhị lang được vương thượng chọn cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội đấy. Xin quan Thái úy hãy xét kỹ".Trần Thủ Độ là người rất khôn ngoan, độc đoán, khi thời thế đến biết dùng mọi biện pháp, thủ đoạn để giành ngôi báu cho dòng họ mình. Nhưng khi có lý do hợp pháp để chính danh cho việc mình làm thì ông không bỏ qua, biết nhanh chóng chớp lấy. Mà lý do đó là nhờ Phùng Tá Chu biết tác động đến Lý Huệ Tông mà có. Và thế là việc phải đến đã đến: quá trình chuyển giao nhà Lý sang nhà Trần đã được khởi động bằng việc “Mùa thu, tháng chạp nhà vua sai quan Nội thị Phán thủ là Phùng Tá Chu, quan Nội hành khiển Tả ty Lang trung là Trần Chí Hoành, các tướng văn võ trong ngoài và các viên quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng, chuẩn bị pháp giá đến phủ Cương Tinh mà đón Thái Tổ ta (Trần Thừa)”. Công của Phùng Tá Chu trong tiến trình lịch sử này là lớn. Lời trách cứ của Ngô Sĩ Liên có vẻ hợp đạo (Nho), nhưng khác sử và sai đời. Dẫu sao, ông cũng đứng từ phía một dòng họ và điều ông nói có thể đúng cho nhà Lý. Nhưng có số phận của một dòng họ, một triều đại. Và có số phận của một quốc gia, một dân tộc. Lịch sử đã diễn ra sự chuyển giao giữa hai triều đại Lý - Trần như vậy, và quốc gia Đại Việt nhờ đó mà có một trang sử chống ngoại xâm hiển hách bậc nhất thế giới vào thời ấy, đó đã là một thực tế lịch sử. Nói thẳng ra, nếu triều Trần để mất nước vào tay đế quốc Nguyên - Mông thế kỷ XIII thì lịch sử sẽ lại phán xét cuộc chuyển giao triều đại này một cách khác, và khi đó vai trò của Phùng Tá Chu trong thời điểm lịch sử đó cũng sẽ ánh xạ cách khác trong cái nhìn của người đời sau. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu” nên giờ đây ta mới thấy nhận xét của Ngô Sĩ Liên là cạn hẹp. Tuy thế, so với ông Ngô đầu thì ông Ngô sau còn cạn hẹp và thiển cận hơn, bởi vì Ngô Thì Sĩ còn có độ lùi thời gian xa hơn nữa để nhìn lại Phùng Tá Chu và sự kiện chuyển giao thời đại Lý-Trần.
Ngô Thì Sĩ kết án Phùng Tá Chu (cùng với Phạm Kính Ân) rất nặng có lẽ vì ông ở vào thời Nho giáo đã cực thịnh ở Việt Nam. Nhưng lịch sử oái oăm bắt ông phải chứng kiến một người con của mình có suy nghĩ và hành động như Phùng Tá Chu, mà còn công khai, đàng hoàng hơn. Đó là Ngô Thì Nhậm, ông họ Ngô thứ ba mà tôi muốn đặt trong đối sánh với ông họ Phùng. Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) sinh ra trong một gia đình danh sĩ vọng tộc ăn lộc nhà Hậu Lê. Bản thân ông cũng đỗ đạt và làm quan cho nhà Lê, nhưng rồi lại theo họ Trịnh, cụ thể là chúa Trịnh Sâm. Sau vụ án năm Canh Tý (1780) mà ông bị liên lụy để phải mang cái tiếng “sát tứ phụ nhi thị lang” (giết bốn cha để được chức thị lang), ông buộc phải lánh nạn một thời gian. Khi vua Quang Trung ra Bắc lần hai (1788) xuống chiếu cầu hiền các sĩ phu Bắc Hà, các quan lại của triều cũ giúp rập cho triều đại mới, Ngô Thì Nhậm là một người đầu tiên có mặt. Và ông đã tham chính với triều Tây Sơn một cách hăng hái, nhiệt tình, được phong đến chức Lại bộ thượng thư, Binh bộ thượng thư, được vua Quang Trung tin cậy giao phó cả việc nội trị và ngoại giao. Ông là người trí thức thức thời, biết vượt lên nhãn quan chật hẹp của học thuyết mình theo, bỏ triều cũ theo triều mới là vì vua sáng tôi hiền, vì lợi ích đất nước. Chính vì vậy ông đã phải bị hứng búa rìu dư luận và sự kết án của những người cứ khư khư theo một học thuyết giáo điều. Ngô Thì Sĩ mất đúng vào năm Ngô Thì Nhậm bị cái án Canh Tý (1780). Có thuyết nói ông quá phẫn ức vì đứa con đã bỏ Lê theo Trịnh, lại còn “tố cáo” âm mưu của những người định phò Trịnh Tông, nên đã tự tử chết. (Cái câu “sát tứ phụ” là chỉ Ngô Thì Sĩ và ba người bạn vong niên của ông là Nguyễn Khản, Nguyễn Phương Đĩnh, Nguyễn Khắc Tuân). Cũng có thể vậy, nếu căn cứ vào những lời Ngô Thì Sĩ đã phê phán nặng nề Phùng Tá Chu thì hành động của đứa con phản lại tín điều Nho giáo như thế là cái tát vào mặt ông. Mà nếu vậy ông có sống đến khi Tây Sơn lên, chứng kiến những hành động đi với triều mới còn quyết liệt, dũng cảm hơn nữa của con mình, thì ông càng không chịu nổi. Trong khi một đứa con khác của ông, em của Ngô Thì Nhậm, là Ngô Thì Chí đã khởi xướng việc xin viện binh nhà Thanh và đã xin lên Lạng Sơn để lo liệu việc ấy. Nhưng nếu thuyết này không đúng, Ngô Thì Sĩ không chết vì uất việc con làm trái đạo, thì hẳn ông cũng rất lúng túng, khó xử trước hành động thức thời sáng suốt của Ngô Thì Nhậm. Bởi vì sách sử cho biết là ông rất tự hào về tài năng, đức độ của người con này của mình. Khi đó liệu ông có xem lại điều mình đã hạ bút phê phán nghiệt ngã đối với Phùng Tá Chu, một nhà nho sống trước mình hơn năm trăm năm. Giống như con ông sẽ bị nhiều sử gia đời sau cho là bất trung bất hiếu theo đúng cách nhìn của ông với Phùng Tá Chu.
Phùng Tá Chu, như vậy, đã là mẫu nhà nho biết phá chấp trong tình thế lịch sử đòi hỏi và lương tâm của người trí thức yêu cầu. Sau ông và trước Ngô Thì Nhậm, mẫu người này đã hiện thân rực rỡ ở Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Họ khiến những người đương thời bối rối vì khác người. Họ khiến các sử thần và sử gia lúng túng vì khó hiểu. Hai sử thần họ Ngô kết án Phùng, còn một nhà khoa bảng họ Ngô hành xử như cách của Phùng. Lịch sử đã là như vậy. Lịch sử vẫn đang là như vậy. Thời hiện tại vẫn có những con người như Phùng Tá Chu, Ngô Thì Nhậm và họ thách thức những người viết sử đương thời, chưa nói đến những người ở các thời sau. Họ, những người làm ra lịch sử, hành động vừa tự do vừa tất yếu. Họ không quan tâm đến đánh giá của hậu thế và không thể cãi lại.
Hà Nội 9/12/2016