THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
PHÙNG TÁ CHU - THÂN THẾ - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
PHÙNG TÁ CHU - MỘT CHÍNH KHÁCH
Nhà văn Phùng Văn Khai
Dòng họ Phùng trong tiến trình lịch sử, thời nào cũng xuất hiện các nhân tài về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội... Những vị vua, những lương thần, danh tướng họ Phùng khi chủ trì hoặc tham gia lãnh đạo đất nước, đều rất chú trọng và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, điều làm nên nền tảng chiến thắng để giành độc lập dân tộc, dựng nước và giữ nước từ cổ chí kim trước mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Suy nghĩ và hướng về đời sống của người dân là một điểm mạnh căn cốt, dung dị, truyền thống của các dòng họ Việt Nam trong đó có họ Phùng. Người họ Phùng dù ở vị trí nào đều một lòng một dạ với Tổ quốc, với nhân đân và với chính dòng họ. Từ điểm nhìn khoa học đã được chứng minh trong lịch sử dân tộc ấy, chúng tôi xin được phép bàn về danh nhân Phùng Tá Chu - một nhân vật lớn của lịch sử.
Theo chính sử,Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu của triều Lý. Chính ông là người được vua Lý Huệ Tông gọi đến bàn việc truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng. Ông đã lấy dẫn chứng trong lịch sử để thuyết phục vua nhường ngôi cho con gái. Khi Trần Cảnh lên ngôi vua, ông cùng văn võ bá quan đưa thuyền xe về phủ Tinh Cương đón Trần Thừa vào Kinh. Đầu triều Trần, ông được ban chức Phụ Quốc Thái phó, có công giúp việc tổ chức triều đình nhà Trần những năm đầu dựng nghiệp. Sau được cử đi trấn ngự biên cương ở Nghệ An, lại được phép ban tước từ Tá chức, Xá nhân trở xuống cho người khác. Năm Giáp Ngọ (1234), được phong tước Hưng Nhân vương. Năm Bính Thân (1236), lại được gia phong Hưng Nhân đại vương. Ông là người ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng những đóng góp của ông cho vương triều.
Năm Kỷ Hợi (1239), Phùng Tá Chu được ban chức Nhập Nội Thái phó và cho về xây dựng cung điện ở hương Tức Mạc (Nam Định) làm nơi nghỉ dưỡng cho các Thượng hoàng. Năm Canh Tý (1240), lần thứ hai ông lại được sai đi dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hóa. Qua ghi nhận của sử sách, Phùng Tá Chu là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam.
Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 10 (1241), mùa đông, tháng 10, Phùng Tá Chu mất, vua Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần.
Với những tư liệu lịch sử như trên, nhất là trong giai đoạn chuyển giao hai vương triều Lý - Trần, đã đủ cho chúng ta, những hậu thế sinh sau danh nhân Phùng Tá Chu hơn 800 năm khẳng định chắc chắn Phùng Tá Chu là một chính trị gia lão luyện bậc nhất của giai đoạn lịch sử đó. Bằng vào những ghi chép và thực tiễn lịch sử trước đó và sau này, nhất là khi những bí ẩn lịch sử, khuất khúc triều chính dần được giải mã, tường minh, chúng ta càng có cơ sở khoa học để khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu, bản lĩnh cao cường, tinh thần vì dân vì nước, sự thức thời, độ mềm mại và đặc biệt là phương lược đúng đắn của danh nhân Phùng Tá Chu trong giai đoạn chuyển giao giữa hai vương triều Lý - Trần. Từ góc độ khoa học lịch sử, chúng ta đã thấy được một cách tường minh Phùng Tá Chu là một chính trị gia lão luyện, từ chính toàn bộ thân thế cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Một người quyết định đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Phùng Tá Chu chính là người cha Phùng Tá Thang. Sinh thời, Phùng Tá Thang là người rất nổi tiếng về tài năng và nhân cách. Ông được triều Lý vốn rất sùng đạo luôn tin dùng và trân trọng, luôn coi là bậc rường cột về đạo giáo của quốc gia. Vốn tinh thông tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử, thông kim bác cổ, giỏi y nho lý số... Phùng Tá Thang luôn được coi là bậc đạo cao đức trọng, kiến thức thâm hậu của đương thời. Triều Lý là triều đại tam giáo đồng nguyên, các kiến thức và thực hành của các đạo giáo được tự do phát triển. Những cao đồ các đạo giáo luôn được giao lưu, luận bàn, tham bác sự học, sự hiểu, sự hành lẫn nhau. Đó là điều tiến bộ chưa từng thấy trong triều đại phong kiến. Với viễn kiến hơn người, Phùng Tá Thang đã sớm rèn đúc người con Phùng Tá Chu ngay từ nhỏ. Tá Chu được cha trực tiếp rèn luyện và đưa về sơn môn Yên Tử, nơi trung tâm trí tuệ của các đạo giáo, nhất là Phật giáo để học tập, tu dưỡng. Tá Chu vốn ham học, đặc biệt nổi trội Nho học, luôn muốn trau dồi kiến thức để sau này giúp nước, an dân. Người cha Phùng Tá Thang sớm đạt đạo, luôn coi đạo giáo mới là đỉnh cao của con người nhưng không vì thế ông không tôn trọng chí hướng của con còn hết sức giúp đỡ. Phùng Tá Thang luôn thích độc lập, tự do ngay từ mỗi suy nghĩ, hành động của mình. Phùng Tá Thang dù cực giỏi, vượt trên người thường rất xa nhưng ông luôn ưa thích thanh bình, chay tịnh, dung dị mà tuyệt không ủy vào tài năng của mình để mưu cầu danh lợi, càng không bị cuốn vào chốn cung đình vốn quá lắm thị phi, mưu chước. Chính điều này đã cho Phùng Tá Chu sau này đảm đương trọng trách nơi triều đình đã có những tư duy độc lập, quyết đoán, vượt trên người thường rất nhiều, nhưng cũng rất khác người cha.
Trong mười năm ở sơn môn Yên Tử, giới trí thức tinh hoa Đại Việt đã truyền không chỉ kiến thức mà cả một ngọn lửa mãnh liệt cho chàng thanh niên Phùng Tá Chu. Đây chính là thời gian trui rèn một bản lĩnh lớn của một ý chí lớn không gì suy suyển. Và cũng chính bản lĩnh lớn đó đã tạo nên một Phùng Tá Chu - Chính trị gia lão luyện trong thời kỳ chuyển giao hai vương triều Lý - Trần.
Với tính cách khác thường, khi rời Yên Tử, Phùng Tá Chu đang ở tuổi thanh niên hiếu động với kiến thức phong phú và đặc biệt là mong muốn có được thực tiễn từ chính đời sống nhân dân đang chịu nhiều cơ cực khi Lý Cao Tông càng ngày buông bỏ triều chính, sa đọa, dâm loạn. Phùng Tá Chu luôn muốn đoán xem thiên hạ khi loạn lạc thì đời sống nhân dân sẽ cơ cực nhường nào? Có cách gì bảo toàn đất nước, bảo toàn và phát triển đời sống của nhân dân? Chúng ta nên nhớ, hàng nghìn năm phong kiến là hàng nghìn năm nhân dân sống trong lầm than, áp bức, đói khổ, giết chóc. Những khoảng thời gian các triều đại yêu dân, chăm lo tới đời sống của nhân dân luôn rất ngắn ngủi. Khoảng mênh mông còn lại nhân dân sống trong chiến tranh, loạn lạc, điêu linh. Từ căn cốt ấy, không một người có học, trí thức lớn nào của các triều đại không đau đớn và đứng về phía nhân dân. Không phải bằng cách thoán đoạt ngôi vua để tự mình chăn dân rồi khoảnh khắc lại đi vào vết xe của hôn quân bạo chúa mà là phải định ra một phương lược bền vững để trị quốc, an dân. Bởi vậy, trong tiến trình lịch sử Việt Nam luôn có những bậc đại thần lương đống trải nhiều đời vua, đóng góp những công lao cực lớn để sau này được dân phong thánh, phong thần, suốt đời thờ cúng.
Đó chắc chắn là những suy nghĩ thường trực của chàng thanh niên Phùng Tá Chu khi rời Yên Tử.
Một thực tiễn khác, người cha Phùng Tá Thang vốn rất thân Trần Lý và các yếu nhân họ Trần trong vương triều Lý như Trần Thừa, Trần Tự Khánh... nên việc Phùng Tá Chu có một khoảng thời gian dài đến với đại gia tộc họ Trần nơi vùng đất Long Hưng (Thái Bình) để giao lưu, luận bàn việc thiên hạ là chuyện đương nhiên.
Tính độc lập, quả đoán của Phùng Tá Chu biểu hiện cực sớm. Một mình tới Yên Tử. Một mình tới Long Hưng. Dẫu có dắt theo tiểu đồng, cưỡi ngựa quý, mang kiếm sắc chăng nữa cũng là một mình vạn dặm. Như một kiếm khách, Phùng Tá Chu luận bình kiến giải thiên hạ trên lưng ngựa trong một tâm thế vừa sôi động nhưng cũng rất tĩnh tại, ung dung. Chính điều này giải thích tại sao, khi là Thái phó hai triều Lý-Trần, ở những khúc quanh lịch sử dữ dội nhất, ở những lúc ánh đao bóng kiếm chập chờn nhất, Phùng Tá Chu vẫn tự giữ được mình, còn giữ được nước, còn giữ được cho dân bình an. Chỉ điều đó thôi, Phùng Tá Chu đã xứng đáng là đệ nhất chính trị gia đương thời.
Đến với Trần gia từ những buổi đầu, Phùng Tá Chu hiểu ngay từ đầu sẽ không có niềm tin chính trị bền vững bao giờ cả. Sẽ không có sự nhường nhịn nơi triều đình. Càng không bao giờ thôi mưu mô thoán đoạt. Đặc biệt, một điều họ Phùng sợ nhất bất kỳ lúc nào cũng sẽ xảy ra: Đó là chiến tranh loạn lạc. Đó là cát cứ chém giết. Đó là xưng hùng xưng bá nướng dân đen con đỏ trên ngọn lửa tranh giành.
Hai mươi tuổi, học thức đầy mình, võ nghệ tinh thông, tráng chí ngút trời mà bức tường thép trước mặt dường như luôn đóng lại không khỏi khiến chúng ta than thầm cho họ Phùng ở buổi đầu lập thân, lập nghiệp.
Nhưng lịch sử cũng rất công bằng.
Ở những buổi đầu ấy, với con mắt tinh tường của Trần Lý. Với độ thâm hậu, cao cường của Phùng Tá Thang mà Trần Lý vốn vô cùng khâm phục, Phùng Tá Chu được Trần gia lập tức tin dùng và giao cho giảng dạy binh pháp, chỉ huy đội gia binh của họ Trần ở lộ Long Hưng.
Tài năng, mưu lược, đặc biệt là tầm nhìn của Phùng Tá Chu được những yếu nhân họ Trần sớm nhìn ra và trân trọng. Đội gia binh sau này cũng chính là nòng cốt của quân đội nhà Trần từ những buổi đầu trứng nước đã được Phùng Tá Chu giảng dạy không chỉ binh pháp, kỹ thuật chiến đấu, mà cái cao hơn, thẳm sâu hơn là tinh thần yêu nước, lẽ sống làm người dân Đại Việt, để từ nền tảng đó, sau này chúng ta có võ công ba lần chiến thắng Nguyên - Mông.
Và cũng thời gian này, Phùng Tá Chu kết giao sâu sắc với Trần Thủ Độ - một nhân tài đặc biệt không riêng của họ Trần mà của cả Đại Việt ta.
Anh hùng trọng anh hùng. Trong trời đất anh hùng là tinh hoa cũng là những thách thức của lịch sử. Có anh hùng để đất nước thái bình nhưng máu xương của muôn dân bao đời sao vẫn không thôi chảy. Là trí thức, Phùng Tá Chu chắc không khỏi đớn đau mỗi khi nghĩ tới máu đỏ của muôn dân.
Chính điều này đã tạo nên một Phùng Tá Chu hoàn toàn khác thường. Thà là chuyển giao vương triều chịu sự mắng mỏ của hậu nhân, của đồng cấp còn hơn thấy thảm cảnh nhân dân quằn quại trong biển máu. Chính ông, khi ở vị trí Thái phó triều Lý, khi có thời cơ, đã sẵn sàng soạn chiếu nhường ngôi từ vua cha cho con gái, từ vợ cho chồng khiến lịch sử không khỏi chau mày, muôn đời bình luận khen chê.
Kẻ tầm thường làm sao hiểu nổi. Đã không hiểu nổi bàn gì cũng vô ích, cũng quẩn quanh, nông cạn như nhau. Chịu tiếng xấu của một người, dù trăm năm, nhiều trăm năm để cứu muôn dân, cái chí ấy, cái đức ấy, cái tâm ấy người thường không theo được. Ta thấy khi tuyên chiếu, Phùng Tá Chu đã thanh thản, đã đường hoàng trong không ít sự căm hận, chửi rủa, bao hàm cả ánh đao bóng kiếm, sự khủng bố tinh thần suốt cuộc đời còn lại của ông.
Và sau này, các sử gia thực tế là sử nô của các triều đại đã biên chép về ông dù trung thực nhưng vô cùng ác ý. Sự hẹp hòi, cạn chật càng khiến chúng ta định giá được tầm vóc lớn lao của ông. Ông đã bước qua được nỗi sợ từ lâu, sự thị phi từ lâu, từ cái ngày một mình một kiếm đến Trần gia giảng giải binh pháp nơi thôn dã, múa kiếm uống rượu dưới trăng khuya.
Trí thức như thế là đại trí thức.
Chính trị gia như thế là đại chính trị gia.
Trong giới trí thức của chúng ta tự hào thay có một Phùng Tá Chu khác biệt, lớn lao, biết hy sinh ngay chính danh dự bản thân mình vì nhân dân và Tổ quốc.
Nhưng không dễ gì nhận ra con đường ấy.
Càng không dễ gì có đủ khí phách và cả mưu lược nữa để đi trọn con đường ấy.
Ngay cả những người trọng dụng ông nhất như Trần thủ Độ đã luôn hoài nghi và dè dặt chính từ tài năng và mưu lược vượt trội của ông. Điều này, thật thú vị, cho thấy Trần Thủ Độ gần với người thường hơn. Hãy kéo gần hơn con người Trần Thủ Độ với con người. Tạo hóa có những sắp đặt thật khiến chúng ta khâm phục.
Thuận theo lịch sử, họ Trần kế tiếp họ Lý làm chủ ngôi nước. Bây giờ nói thì đơn giản thế chứ khi ấy muôn dân đã và đang máu chảy đầu rơi từ kinh đô đến nơi thôn cùng xóm vắng rồi. Ngay từ trước khi Lý Cao Tông mất, các thế lực quần hùng đã mạnh ai nấy cát cứ suốt ngày động binh chém giết lẫn nhau. Trong triều, triều thần năm bè bảy mối kẻ nào cũng lăm le kết giao với các ông tướng, các đầu lĩnh, đầu mục để động tí khởi binh hỏi tội lẫn nhau, bức vua hại dân không sao kể xiết. Lý Cao Tông chết trong triều đình hỗn loạn. Khi chết thân còn chưa lạnh, các ấu chúa con vua đã bị chính thái hậu dìm chết xuống giếng rồi sai vớt thây để ở cửa cung nhằm dọa quần thần khiến viên quan Trịnh Đạo liều chết khóc rất ai oán: “ Tiên quân đi đâu mà khiến cho ba con như thế ư”. Trẻ con hát khúc đồng dao: Cao Tông táng vị tất/ Tam thi tích vi nhất (Tang Cao Tông chửa đoạn/ Ba thây đã chất lên).
Nhà Lý, sau khi Lý Huệ Tông lên ngôi ngày càng đổ gãy đều có ngọn nguồn của nó.
Triều chính như thế. Lòng người như thế. Bốn phía các thế lực cát cứ chỉ lăm le xưng vương thử hỏi lúc rối ren đó không có các yếu nhân họ Trần đồng thời cũng là rường cột của Lý triều chèo chống liệu thiên hạ có đại loạn không? Muôn dân có tắm trong biển máu không? Và, ai là người đã vạch ra những kế sách, phương lược cao cường để họ Trần giành lấy ngôi nước từ họ Lý.
Người đó phải là một chính trị gia đại tài.
Người đó không ai khác chính là Thái phó Phùng Tá Chu.
Đương nhiên một cây làm chẳng nên non. Phùng Tá Chu dù tài năng dời sông lấp biển cũng chẳng thể một tay che trời mà thay đổi ngôi nước được như thế. Nhưng cái tài, đặc biệt là tầm nhìn của Phùng Tá chu không phải tầm thường. Không phải ngẫu nhiên mà một hôm, mùa đông, tháng chạp, Lý Huệ Tông vời Phùng Tá Chu đến dụ rằng: “Trẫm vì thất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả một bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn. Cứ như ta thấy, không gì bằng bắt chước Đường Nghiêu ngày xưa, noi theo Nhân tổ mới rồi, chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay ta thấy con của Thái úy Trần Thừa có đứa con trai thứ là Mỗ (tức Trần Cảnh) tuổi tuy còn bé, nhưng tướng mạo phi thường, tất có thể cứu đời, yên dân, nên ta muốn lấy làm con, để làm chủ xã tắc, mà lấy Chiêu vương (Chiêu Hoàng) gả cho. Lũ khanh hãy vì trẫm mà nói giùm với Thái úy”.
Nói ra lời gan ruột này với người thầy dạy học con gái mình là Lý Chiêu Hoàng, chúng ta càng thấy được bối cảnh chính trị bấy giờ của nhà Lý đã ở thế tuyệt lộ. Cũng đáng khen thay Lý Huệ Tông, nhiều người cho ông là lú lẫn, hậu thế nguyền rủa ông là đánh mất cơ nghiệp của tổ tiên nhưng ta đã nhận ra vẻ đẹp của ông chính từ sự hy sinh vô bờ bến ấy. Càng khâm phục thay Phùng Tá Chu trước những lời lẽ gan ruột của vua đương triều ấy đã hết sức dũng cảm, hết sức khí phách, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân Đại Việt lên trên danh dự và nhân phẩm của mình, vạch ra những bước đi táo bạo, đúng đắn, cương quyết, để kế tiếp đó, Đại Việt ta có một triều đại nhà Trần rực rỡ võ công trong sử vàng dân tộc Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên lịch sử chọn Thái phó Phùng Tá Chu soạn chiếu và tuyên chiếu Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Điều đặc biệt này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử Việt Nam cũng là chỗ tốn giấy mực nhất của không chỉ các sử gia mà cả hậu thế sau này. Người khen thì khen quá. Kẻ chê như xúc đất đổ đi nhưng xem ra lịch sử có sự vi diệu của nó. Cho dù con người góp phần làm ra lịch sử nhưng sự cao minh của lịch sử nhiều khúc con người không thể hiểu được, càng không thể làm chủ, càng không do đám đông phán xét mà thành. Lịch sử trao vai trò thực hiện cho ai lập tức người đó trở thành một phần lịch sử. Tại sao Lý Huệ Tông không dụ bảo người khác ngoài quan Thái phó? Tại sao các yếu nhân họ Trần không sử dụng bạo lực cung đình để quét đi triều Lý đã mục ruỗng? Không ít đại thần triều Lý có vai vế, có thực lực hơn Phùng Tá Chu tại sao cứ phải là họ Phùng soạn chiếu và tuyên chiếu? Những câu hỏi nối nhau trùng trùng đã gần 800 năm. Núi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Sông vẫn chảy dưới trời. Cây vẫn xanh miên man trên mặt đất. Đại Việt, nay là Việt Nam trải bao binh biến, thăng trầm giờ đã là một đất nước trên 90 triệu dân sánh vai cùng bốn biển, năm châu chính là câu trả lời thường hằng nhất. Trước ngôi mộ Thái phó Phùng Tá Chu nơi Đền Cao - Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội, những hậu nhân kính cẩn cúi đầu trước bậc tiền nhân giờ không biết đang phiêu du ở cõi nào. Mây trắng phơ phất bay trên đỉnh Ba Vì. Phía xa kia, dòng sông Hồng thiêm thiếp chảy. Những hậu nhân nhìn sâu vào ngôi mộ giản dị ẩn tàng dưới lớp đá ong phơi sương nắng đã ngót tám trăm năm. Khói hương mỏng mảnh và thanh thản như lòng người đang nhìn vào chính mình, tự ngẫm ngợi hóa ra các bậc tiên hiền thảy đều không ưa danh lợi mà chỉ đăm đắm giúp đời, giúp dân, giúp nước.
Lịch sử đã chọn Thái phó Phùng Tá Chu kể cũng quá tài tình. Ông là thầy dạy của hai vua Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Và ông tác thành cho hai vua nên duyên chồng vợ. Tạo hoa dẫu thử thách đến tận cùng ý chí của con người nhưng cũng rất công bằng để con người là chính con người. Biết yêu thương. Biết sinh sôi. Đặc biệt biết đặt ngôi nước vào tay người hiền đức. Hãy thử xem, sau này, khi Trần Thái Tông trưởng thành trị quốc rất nghiêm đã càng thấy thêm vai trò, công trạng của người thầy - Thái phó Phùng Tá Chu.
Cũng như thầy, Trần Cảnh luôn không màng danh lợi, thậm chí là ngôi vị. Vị vua đầu triều đã mấy lần xin thầy, thậm chí đã trốn lên Yên Tử để theo kiếp tu hành. Một vị vua luôn hướng Phật như thế tất đất nước thái bình, tất trong tâm trí lúc nào cũng hướng tới nhân dân và Tổ quốc. Từ toàn bộ cuộc đời Trần Thái Tông, hòn đá tảng đầu tiên trong vai đấng quân vương của triều Trần đã thấy được sự nghiêm cẩn, tiết tháo, lòng nhân từ, đức hiếu sinh của vị vua sáng đã được người thầy Phùng Tá Chu truyền dạy là vô cùng sâu sắc. Vị Thái phó hiểu rằng có thể thay đổi vương triều nhưng triều nghi, lễ nghĩa, nền văn hiến quốc gia phải được bảo toàn và phát triển. Phải nghiêm quốc pháp cũng như phải nghiêm ngặt gia quy mới là nền tảng của một quốc gia hùng cường, mới không khiếp sợ lũ giặc phương Bắc lúc nào cũng lăm le muốn ăn tươi nuốt sống Đại Việt. Khi các yếu nhân Trần Tự Khánh, Trần Thừa khuất núi, trọng trách càng đè nặng nên đôi vai quan Thái phó Phùng Tá Chu. Ông quá hiểu Trần Thủ Độ dẫu kiệt xuất đến mấy cũng không thể một mình độc diễn việc nước. Vua không chỉ riêng của họ Trần mà phải là của trăm họ. Chính Phùng Tá Chu chứ không phải ai khác đã sớm đề đạt phải kiện toàn và thực hiện khoa cử để lựa chọn hiền tài. Ông cũng khởi dựng ý tưởng xây dựng giảng võ đường theo quan điểm: “Văn không võ thì nhược - võ không văn thì bạo”. Chính từ những nền tảng mang tính phương lược bền vững ấy đã khởi phát nên tinh thần Đông A của Trần triều, quân thiện chiến anh dũng, tướng mưu lược bao dung. Để tiếp đó triều Trần có những bậc minh quân kiệt xuất như Trần Nhân Tông (vua Phật), bậc thánh tướng Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần).
Khởi từ những ngày đầu giảng dạy binh pháp và kỹ năng chiến đấu cho đội gia binh họ Trần ở Long Hưng, tiếp đó là những nước cờ quả đoán, cơ mưu cổ kim chưa từng có để góp phần chuyển giao hai vương triều Lý-Trần trong hòa bình đã cho thấy tầm vóc thâm hậu của một chính trị gia lão luyện. Dạy cả hai vua Lý-Trần. Soạn và tuyên đọc hai chiếu chuyển xoay thời cuộc theo một kịch bản do chính ông cùng viết ra đã cho thấy không chỉ là tầm nhìn thông suốt sáu cõi mà còn là đức hi sinh vô tiền khoáng hậu của một chính nhân quân tử - một chính khách đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.
Một điều đặt ra là khi vương triều Trần đã vững thì vai trò của Thái phó Phùng Tá Chu sẽ ra sao? Phong kiến vốn rất tàn khốc trong triều chính. Xưa nay, các bậc khai quốc công thần không ít người phải ngàn thu ôm hận. Khi đó, với cá tính và cả tính toán lâu dài cho vương nghiệp nhà Trần, Trần Thủ Độ không việc gì là không làm. Hơn ai hết Trần Thủ Độ và Phùng Tá Chu đã quá hiểu nhau.
Thuật giữ mình của người quân tử luôn rất cao minh. Đương nhiên, với một chính trị gia lão luyện như Phùng Tá Chu thì việc đó luôn được tính đến như những nước cờ bề ngoài tĩnh tại nhưng bên trong vô cùng uyển chuyển, sống động. Sử chỉ chép khi Trần Thừa mất năm 1234, chính Trần Thủ Độ đã tâu vua gia phong cho Thái phó Phùng Tá Chu tước Hưng Nhân vương đồng thời phong Phạm Kính Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu để cùng lo việc nước. Bàn về điều này, chúng ta càng thấy sự cao diệu không chỉ của Trần Thủ Độ mà còn là sự mềm mại trong đào thoát dần việc triều chính nơi cung đình hung hiểm của Thái phó Phùng Tá Chu. Vốn là thầy dậy vua Trần, hẳn Phùng Tá Chu rất hiểu và rất tin trái tim Phật trong vị vua Trần trẻ tuổi. Kế này của Thủ Độ mang quá nhiều dấu ấn Phùng Tá Chu. Và theo kịch bản đó, năm 1236, đích thân vua Trần Thái Tông đã gia phong tước Đại vương cho Phùng Tá Chu và bổ nhiệm Phạm Kính Ân làm Thái úy chỉ huy quân đội để hạn chế bớt quyền lực của Trần Thủ Độ.
Khi thấy được vua Trần - người học trò của mình đã trưởng thành, đặc biệt tầm nắm giữ triều cương, người thầy Phùng Tá Chu đã bắt đầu muốn tiêu dao, muốn lánh dần triều chính. Năm 1239, vua Trần Thái Tông ban cho Phùng Tá Chu chức nhập nội Thái phó, giao về hương Tức Mặc xây dựng hành cung. Tiếp đó Phùng Tá Chu vào Thanh Hóa xây dựng năm hành cung; vào Nghệ An, đến Trường Yên, Đông Triều khảo sát và xây dựng các hành cung đã cho thấy sự truyền tâm của hai thầy-trò là vô cùng uyển chuyển. Phùng Tá Chu được phân công công việc liên tiếp, miên man không dứt cũng chính là kế sách giữ cho người thầy được an toàn. Ở nơi triều đình bên cạnh Trần Thủ Độ, việc giữ được sinh mạng chắc chắn là khó hơn nhiều.
Cũng chính vua Trần Thái Tông đã mệnh lệnh cho Thái phó Phùng Tá Chu lập bản đồ án thiết kế và quy hoạch kinh thành Thăng Long đồng thời giao ông làm tổng công trình sư. Điều này càng khẳng định nhãn quang chính trị kiệt suất của vị vua đầu triều Trần. Kính thầy, muốn giữ gìn cho thầy trong buổi ấy không gì bằng giao cho thầy những việc khó. Điều này chắc chắn Thái sư Trần Thủ Độ đã nhìn thấu nhưng cũng chẳng thể làm gì, chẳng thể bắt bẻ vào đâu được. Những cao thủ chính trị dẫu thừa biết đường đi nước bước của nhau nhưng cũng chỉ còn nước bái phục nhau mà thôi. Vả chẳng, cả ba người: Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ, Phùng Tá Chu đều gặp nhau ở một điểm: tấm lòng yêu dân, nâng niu giữ gìn đất nước và đặc biệt là muốn Đại Việt hùng cường để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tới từ phương Bắc.
Từ chí hướng chung đó, cùng mang trong mình dòng máu của Đại Việt, những bậc anh hùng đều đã sớm tự xác định các ranh giới mềm và tuyệt đối không bước qua các lằn ranh đỏ. Ngay như việc giao trọng trách cho Thái phó Phùng Tá Chu đi xây dựng các hành cung - thực chất là kinh đô dã chiến khi có ngoại xâm đã thể hiện sâu sắc tinh thần đó. Phùng Tá Chu rất giỏi về triều chính, đặc biệt vấn đề nội trị. Chính ông chủ trương ngay từ đầu triều cương phải được xác lập, văn hiến - cái gốc của nước phải được đắp bồi. Ngọn lửa này đã được quan Thái phó truyền cho Trần Cảnh - vị vua sáng đầu triều Trần và các vua Trần sau này đều theo gương phát hiện và trọng dụng nhân tài bất kể xuất thân của họ. Đó cũng là điểm sáng trong trị quốc của vương triều Trần. Trong các khoa thi Thái học sinh đầu triều Trần ở các năm 1232 và 1239, vua Trần Thái Tông đều chuẩn tấu cho phép Phùng Tá Chu ra đề và trực tiếp chấm bài cho các sĩ tử. Việc lựa chọn tầng lớp tinh hoa thông qua con đường thi cử đã cho phép quan Thái phó lựa chọn được những người giỏi, có đạo đức và năng lực để khuông phò nhà Trần. Chính tầng lớp này đã góp phần quyết định trong các cuộc đánh thắng giặc Nguyên - Mông sau này. Ở góc độ quân sự, Phùng Tá Chu đã tham mưu cho Trần Thái Tông tiếp tục chính sách Ngự binh ư nông có từ thời nhà Lý. Chính sách đúng đắn này đã nâng sức mạnh chiến đấu của Đại Việt lên một tầm cao. Khi Nguyên - Mông tiến đánh Đại Việt đã không lường hết sức mạnh của nhân dân và chịu đại bại. Điều đó càng khẳng định tầm nhìn chiến lược, nhãn quan quân sự trong tài năng chính trị Phùng Tá Chu.
Tuy chính sử không biên chép, nhưng chắc chắn sự kiêng dè Phùng Tá Chu từ phía Trần Thủ Độ đã sớm xuất hiện khi nhà Trần lấy ngôi nước từ nhà Lý. Dẫu cùng chí hướng và phương lược xây dựng đất nước, cùng là rường cột triều đình nhưng chắc chắn Trần Thủ Độ, với cá tính và sự thâm hậu chính trị đã luôn đề phòng Phùng Tá Chu. Giải quyết mâu thuẫn này, Trần Thủ Độ đã luôn tâu vua ban thêm chức tước - thứ hư vị mà giảm đi quyền bính thực nơi triều đình. Phùng Tá Chu quá biết điều đó và cũng nhân cơ hội đó nhận nhiệm vụ đi xây dựng các hành cung và kiêm quản trấn thủ các vùng đất trọng yếu nơi biên viễn. Đây là kế ở trong kế rất cao diệu. Điều đặc biệt sâu sắc là cả Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ và Phùng Tá Chu đều biết đó là mưu kế nhưng vẫn mặc nhiên thực hiện. Giữ được mình, gây dựng được vương triều, tạo được thế nước ngày càng vững mạnh chính là điểm xuất sắc nhất của chính trị gia - Thái phó Phùng Tá Chu.
Năm 1241, Phùng Tá Chu trở về thế giới của người hiền.
Ông mất khi đang ở độ chín về tài năng khi tuổi mới năm mươi đã để lại sự tiếc thương lớn của triều đình nhà Trần, đặc biệt là người học trò, nay đã là một vị vua anh minh. Trần Thái Tông thân đến viếng, liệt ông vào hạng đệ nhất công thần, cho tìm nơi đất tốt để an áng, lại cho tổ chức tang lễ trọng thể. Đặc biệt sau đó vua Trần luôn cho tiến hành các sách lược mà Phùng Tá Chu đã vạch ra, thực hiện triệt để, càng cho thấy sự nhớ tiếc hiếm có của vua Trần đối với vị Thái phó lưỡng triều.
Cha ông - Phùng Tá Thang, bậc lão trượng đức cao vọng trọng ba năm sau được phong làm Tả nhai đạo lục - một phẩm ngạch cao nhất của tăng đạo lúc bấy giờ đã khẳng định sự biết ơn của nhà Trần với cha con họ Phùng - những công thần khai quốc. Năm tháng thời gian, vật đổi sao dời. Nguồn chính sử biên chép khái lược, ngắn ngủi, song ta vẫn thấy thật rõ ràng sự sáng suốt của Trần triều buổi đầu dựng nghiệp luôn lấy trí, lấy đức để trọng dụng hiền tài. Tận đến lúc chết còn đối đãi thấu tình đạt lý.
Cũng không ít nguồn truyền thuyết dân gian cho rằng Phùng Tá Chu sau khi Trần triều đã vững ngôi nước, giềng mối quốc gia được thiết lập, đường võ đường văn sáng tỏ, quốc thái dân an, đặc biệt là vua Trần Thái Tông anh minh chính trực, trị nước nghiêm minh, lại thêm Trần Thủ Độ ở ngôi Thái sư quyền nghiêng thiên hạ bèn chọn con đường tàng ẩn vào nơi non xanh núi bạc, tiêu sái gió trăng theo chí hướng của các bậc tiên hiền. Giả thuyết này không phải không có cơ sở khoa học. Bởi nhiều lẽ trong đó cũng là thức thời biết tiến biết lui, biết mình biết người của một chính trị gia lão luyện vậy.
Còn như việc thăm viếng, ma chay chôn cất, tiếp đó là cất nhắc đại thần, kiện toàn triều chính theo một kịch bản viết sẵn khi đó nào có khó gì.
Và thế cũng là sự ra đi đúng lúc, ở đỉnh cao, ở tâm thế ung dung, khi thế nước, thế dân, nền tảng triều Trần đã vượng, việc đột nhiên rút biệt đi ấy cũng là ứng xử cao cường của một chính trị gia già dặn như Phùng Tá Chu.
Non xanh nước biếc, núi thẳm mây ngàn, bây giờ, sau gần 800 năm vân du trời đất, vừa mỉm cười xem việc thiên hạ vừa phù dân hộ quốc, độ trì cháu con Phùng tộc khắp Bắc-Trung-Nam hẳn đức ngài đã thỏa chí bình sinh.
Con cháu Phùng gia, theo gương đức ngài, luôn lấy việc kiệm cần liêm chính, hiếu đễ, dũng cảm, sáng suốt, thức thời, vì nước vì dân làm đầu; luôn khẳng khái chân thành đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân cao hơn mọi bổng lộc vinh hoa làm lẽ sống.
Đó cũng là tùy duyên theo tư duy, chí hướng, phương lược xuất xử mà đức ngài đã tâm truyền cho con cháu Phùng gia.