(Thứ hai, 11/03/2019, 09:48 GMT+7)

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

 

Tư liệu cổ Việt Nam viết về Phùng Hưng và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo

 

TS. Nguyễn Hữu Tâm- Viện Sử học

   Khởi nghĩa Phùng Hưng (766-791) là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhằm chống lại chính quyền đô hộ của triều Đường đặt tại An Nam (Việt Nam). Cuộc khởi nghĩa đã thu hút được một lực lượng đông đảo nhân dân các vùng thuộc lưu vực sông Hồng tham gia, sau đó lại được sự hưởng ứng của nhiều địa phương khác, cuối cùng  giành được thắng lợi và kéo dài trong 7 năm. Các thư tịch cổ đã có những ghi chép về gia thế, tiểu sử, nguồn gốc xuất thân cùng quá trình tập hợp lực lượng, các trận đánh của quân khởi nghĩa, đặc biệt là trận đánh mang tính quyết định vào Phủ thành Tống Bình cùng việc tổ chức hệ thống chính quyền buổi đầu… của cha con Phùng Hưng.

   1. Về tiểu sử thân thế của Phùng Hưng

   Các thư tịch cổ đều chép khá thống nhất về gia thế cùng tiểu sử xuất thân của Phùng Hưng (còn có tên gọi là Phùng Công Phấn) cùng người thân trong gia đình.

   Trước hết các sách đều khẳng định: Tổ tiên của Phùng Hưng nhiều đời làm Tù trưởng tại châu Đường Lâm, với tên gọi là Quan lang, có nhiều uy tín lớn trong vùng.

   Sách Việt điện u linh tập越甸巫靈集do Lý Tế Xuyên làm quan dưới triều Trần Hiến Tông (1329-1341), chuyên coi giữ việc tế lễ, tham gia việc quản giám bách thần soạn. Sách được xác định xuất hiện vào cuối triều Trần, nội dung sách đề cập đến những truyền thuyết về các vị thần linh của Việt Nam, “nguồn tài liệu được Lý Tế Xuyên sử dụng và tham khảo viết lại một số truyện vốn đã được chép trong các sách Báo cực truyệnNgoại sử kýGiao Chỉ ký… Ngoài ra, ông còn sử dụng nguồn tài liệu dân gian, những bản thần tích, lý lịch các vị thần trong Hồ sơ của Nhà nước phong kiến”[1]. Đặc biệt, truyện Bố Cái Đại Vương viết về Phùng Hưng là một trong những truyện gốc do Lý Tế Xuyên dựa trên cơ sở của tài liệu Triệu công Giao Châu ký趙公交州記hoặc Triệu Vương Giao Châu ký趙王交州記. Hiện tại giới nghiên cứu đưa ra nhận định tác giả cuốn sách Triệu công Giao Châu ký có thể là sách Phủ chí府誌[2]do An Nam Đô hộ Triệu Xương soạn[3]. Sách Việt điện u linh chép gia thế và tiểu sử của Phùng Hưng như sau: “Xét sách Triệu Vương Giao châu ký: Vương họ Phùng tên Hưng, ông cha đời đời làm Tù trưởng châu Đường Lâm, gọi là Quan lang (tục ấy nay trên mạn ngược hãy còn)[4], nhà giàu hay giúp đỡ kẻ khó”[5].

   Tấm bia Đền thần được viết năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), đặt tại đình Quảng Bá, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội[6] cũng bổ sung về tổ tiên của ông là Phùng Trí Cái, từng làm quan thời kỳ niên hiệu Vũ Đức (618-626) của triều vua Đường Cao Tổ (Lý Uyên). Thân phụ của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh thuộc đời thứ 6 của họ Phùng ở Đường Lâm là ‘người hiền có đức’, từng tham gia khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo (713-722). Tương truyền, sau đó, Phùng Hạp Khanh trở về quê tại làng Đường Lâm, tập trung sức lực vào công việc ruộng vườn, cày cấy, dần dần trở nên giàu có, có hàng nghìn người giúp việc trong nhà. Ông lấy vợ người họ Sử, sinh được ba con là Phùng Hưng, Phùng Hãi và Phùng Dĩnh[7] (Phùng An)[8]. Đến năm ba anh em trưởng thành (có thuyết cho rằng khi họ 18 tuổi), cha mẹ đều mất. Họ đều có sức khỏe, đặc biệt anh lớn Phùng Hưng là người khỏe mạnh nhất và có khí phách hơn cả[9].

   Lý Tế Xuyên viết: “Vương có sức khỏe đánh được hổ, vật được trâu. Em tên là Hãi cũng có sức mang đá nặng nghìn cân hoặc cõng thuyền nghìn hộ mà đi tới mười dặm”[10]. Các sử gia triều Lê biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép “Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ”[11].

   Sách Việt sử tiêu án của Sử gia Ngô Thì Sĩ cũng chép: “Tại làng Đường Lâm có Phùng Hưng một nhà hào phú, có sức mạnh kéo trâu, đánh hổ”[12]. Sử gia Đặng Xuân Bảng trong Việt sử cương mục tiết yếu viết: “Tân Mùi (791), mùa hạ Phùng Hưng ở Đường Lâm, Phong Châu, khởi binh đánh chiếm phủ Đô hộ…Hưng là một phú hào, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ”[13]. Phần viết về Đền Bố Cái Đại vương trong sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng cho biết “ở xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ. Vương người xã này, họ Phùng húy Hưng, vốn là nhà hào phú, sức mạnh có thể vật trâu, đánh hổ”[14].

   Tác giả K.WTaylor trong tác phẩm Lịch sử dân tộc Việt Nam (Lịch sử của người Việt) đã cho rằng “Đến những năm 770 và 778, chính quyền nhà Đường ở An Nam phải nhường chỗ cho các chỉ huy quân sự tranh nhau đua uy thế. Một số người trong đó có nguồn gốc địa phương. Tư liệu nhà Đường xác định Phùng Hưng, một người trong số họ là ‘Tù trưởng người Di đồn trú ở vùng biên giới’. Ông xuất thân từ khu vực Mê Linh cổ, mảnh đất có sự kết nối với Hai Bà Trưng và những truyền thống nước (trước) Hán. Theo truyền thuyết địa phương, ông xuất thân từ một gia tộc có danh vọng nhấn mạnh tính chất Di của mình hơn là tước hiệu của vương triều”[15].

   Tổng hợp lại những ghi chép của thư tịch cổ, gồm Chính sử, tư sử, Gia phả,, chúng ta có thể khái quát về thân thế tiểu sử của Phùng Hưng: quê quán tại xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ (nay là xã Đường Lâm, huyện Phúc Thọ), Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm Tù trưởng châu Đường Lâm. Thân phụ của ông đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (713-722). Gia đình ông có ba anh em, đều là những người có sức khỏe hơn người, trong đó Phùng Hưng là ngưởi nổi trội, có thể vật trâu, đánh hổ cùng tài năng khí phách siêu việt,. Phùng Hưng đã cùng hai em tập hợp dân chúng trong vùng dẹp loạn tại các ấp lân cận gần quê hương Đường Lâm. Phùng Hưng xưng là Đô quân, em trai Phùng Hãi (Hải) xưng là Đô bảo chống lại ách đô hộ áp bức của An Nam Đô hộ phủ, tiến đánh trực tiếp phủ Đô hộ đóng tại Tống Bình (Đại La, sau là Thăng Long, nay là Hà Nội).

   Cho đến hiện tại, năm sinh, năm mất của Phùng Hưng cũng chưa được xác định. Theo mạng wikipedia bách khoa “Một nguồn dã sử cho biết ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày mồng 5 tháng 1 năm 761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13 tháng 9 năm 802), thọ 41 tuổi”[16].

   Về năm mất các thư tịch đều không chép rõ, song thống nhất nhận định Phùng Hưng “giữ lấy phủ thành, lên ngôi ngự trị, không được bao lâu, bị bệnh mất”[17]. Sử gia Đặng Xuân Bảng cũng chép “[Phùng] Hưng vào trong phủ trị (phủ Đô hộ tại Đại La), được ít lâu thì chết”[18]. Các sách Đại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mụcđềuchép tương tự tức là chỉ một thời gian ngắn sau khi giành được chính quyền tại Đại La, Phùng Hưng chết[19]. Sau đó, “Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái), cho nên lấy [Bố Cái] làm hiệu)”[20].

   Học giả Trần Huy Bá phủ nhận thông tin về năm mất vào năm 802 và cho rằng Phùng Hưng từ trần khoảng tháng 6 năm 791, tức là sau 2 tháng đánh chiếm vào phủ thành và lên ngôi. Như vậy, Phùng Hưng chết vào năm 791, hưởng thọ 30 tuổi chứ không phải 41 tuổi[21].

   Chúng tôi không rõ dựa vào nguồn thư tịch nào học giả Mỹ K.WTaylor xác định Phùng Hưng mất năm 782 như sau: “Khi Phùng Hưng mất năm 789, đã xảy ra một cuộc đấu tranh trong gia tộc họ Phùng”[22].

   2Nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng khởi xướng

   Các thư tịch cổ đều cho biết nguyên nhân Phùng Hưng chỉ huy dân chúng nổi dậy là do quan Đô hộ Cao Chính Bình, đại diện chính quyền đô hộ triều Đường tại An Nam (Việt Nam) đã thi hành một chính sách hà khắc, bóc lột người dân vô cùng tàn bạo: “Tân Mùi (năm 791), Mùa xuân, An Nam Đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc bắt dân đóng góp nặng. Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm, thuộc huyện Phúc Lộc, nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Nội)[23] là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết… Đến đây, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết”[24].

   Sách Việt điện u linh chép: “Giữa niên hiệu Đại Lịch (766-779) nhà Đường, bên ta rối loạn, vương cùng em đem binh đi chinh phục được khắp các vùng lân ấp. Vương đổi tên là Cự Lão, em đổi tên là Cự Lực, rồi Vương xưng là Đô Quân, em xưng là Đô Bảo. theo kế của Đỗ Anh Luân[25] (người làng Đường Lâm), đem đại binh đi tuần các châu Đường Lâm và Trường Phong, nhân dân phục theo, uy danh lừng lẫy”[26].

   Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đời Trinh Nguyên nhà Đường, Đô hộ là Cao Chính Bình, hình phạt dữ dội, đóng góp nặng nề, dân không chịu nổi, bèn suy tôn ông (Phùng Hưng) đánh được Chính Bình”[27].

   Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụcdo sử thần triều Nguyễn biên soạn cũng nhận định nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng là do “Khi ấy, chính sách của Đô hộ là Cao Chính Bình, đánh thuế nặng lắm”[28].

   Trong phần Việt giám thông khảo tổng luận, sử gia Lê Tung đã đánh giá khái quát về cuộc khởi nghĩa của anh hùng Phùng Hưng vào những thập niên cuối thế kỷ VIII (766-791) như sau: “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm, ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu”[29].

   3. Thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa và thời điểm giành chính quyền của Phùng Hưng

   Hiện tại thời gian nổ ra cuộc khởi nghĩa, thời điểm giành chính quyền cùng thời gian tại vị của Phùng Hưng vẫn là những vấn đề chưa được thống nhất trong các thư tịch cổ.

   Sau một thời gian tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo, bằng uy tín và tài năng của người đứng đầu, cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng thu hút được nhiều người tài giỏi cả về văn nhất là về võ như dòng họ Đỗ Anh ở vùng Đỗ Động, Thanh Oai. Khoảng những năm cuối của thế kỷ VIII Phùng Hưng đã cùng quân khởi nghĩa sử dụng mưu kế của Đỗ Anh Hàn (Luân) đưa quân bao vây phủ thành. Sách Việt điện u linh đã chép rất cụ thể về kế sách của quân sư họ Đỗ “Dùng kế của người Đường Lâm là Đỗ Anh Luân (có sách viết Hàn), lấy quân tuần hành “Đường Lâm Trường Phong[30] các châu, các nơi đều theo về, uy danh lẫy lừng. Phao tin muốn đánh Đô hộ phủ. Đô hộ lúc đó là Cao Chính Bình lấy quân dưới trướng đánh không thắng được, lo lắng phát nhọt mà chết”[31]. Tấm bia tại Quảng Bá có chép rõ vào năm Tân Mão 791, Phùng Hưng đã chiếm được phủ thành, “lên ngôi ngự trị”.

   K.WTaylor là một học giả người Mỹ, xác định thời điểm giành được chính quyền của cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng chỉ huy vào những năm 80 của thế kỷ VIII: “Phùng Hưng giành được quyền kiểm soát An Nam vào khoảng giữa những năm 780, khi tầm quan trọng của chính quyền nhà Đường ở biên giới phía Nam bị phai mờ trong bối cảnh các đối thủ chính trị đánh nhau ở phương Bắc. Tài liệu ghi chép ông tiến vào Đại La một cách hòa bình sau cái chết của một viên Đô hộ”[32].

   4. Hoạt động của chính quyền Phùng Hưng sau khi lên cầm quyền

  Thời gian chính quyền Phùng Hưng tồn tại cũng đang có những tư liệu chép khác nhau. Các bộ sáchĐại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục chỉ chép chung chung là sau khi giành được chính quyền một thời gian ngắn thì Phùng Hưng chết[33]. Bia Phùng Hưng tại Quảng Bá lại đưa ra nguyên nhân là do ông mắc bệnh “lên ngôi ngự trị, không bao lâu bị bệnh mất”. Duy chỉ có sách Đại Nam nhất thống chí cho rằng Phùng Hưng cầm quyền được thời gian khá dài: “trị nước 11 năm”.

   Chúng tôi dựa vào tư liệu đầu tiên chép về sự tích Phùng Hưng trong sáchViệt điện u linh: “Vương vào phủ Đô hộ giữ quyền trị dân, được 7 năm thì mất”[34], sách Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện cũng chép Phùng Hưng “làm vua được 7 năm thì mất”[35].

   Trong thời gian trị vì 7 năm Phùng Hưng bước đầu xây dựng và củng cố thiết chế chính quyền, theo chúng tôi trên cơ bản họ Phùng vẫn dựa vào cơ cấu các cấp được chính quyền đô hộ triều Đường thiết lập từ trước. Tuy vậy, chính quyền họ Phùng cũng đã có những chính sách, biện pháp cởi mở và phù hợp với lòng dân, vì vậy khi đó “trong nước yên ổn”[36] như ghi chép của các sử thần triều Nguyễn.

   Tác giả Trương Hữu Quýnh căn cứ vào ghi chép của thư tịch triều Đường để khẳng định: vào trước những năm 792, nghĩa là trong những năm tự chủ thời Phùng vương đã có chủ trương mở rộng việc buôn bán với thương nhân nước ngoài của nước ta[37].

   Học giả K.WTaylor cũng dựa vào nguồn sử liệu trên đưa ra kết luận: “Thời kỳ Phùng Hưng là thời kỳ phồn vinh của Việt Nam”[38]. Học giả này còn cho rằng các thương nhân đương thời luôn tìm cách tiếp cận với nhà vua đang tại vị là Phùng Hưng để có thể tăng thêm nguồn lợi “Các lái buôn thường cầu thân Phùng Hưng cho được lợi nhiều”[39].

   Đánh giá về tính chất tự chủ của chính quyền họ Phùng cùng những hoạt động của chính quyền này trong thời gian tồn tại, có nhà nghiên cứu nhận định: “Sự thực, đã chứng kiến một thời tốt đẹp của An Nam dưới chính quyền họ Phùng, dù ngắn ngủi nhưng là một chính quyền tự chủ của người Việt gốc”[40].

   Sau khi Phùng Hưng qua đời, ông vẫn còn được “thiêng hóa” để trợ giúp quốc gia, bách tính: “Vương thường hiển linh, dân cho là Thần, mới làm đền thờ ở phía tây Phủ Đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở Phường Thịnh Quang, ở phía đông nam ruộng tịch điền)”[41]

   Dân chúng đã xây Đền thờ, dựng Lăng và đặt danh hiệu Bố Cái Đại vương cho Phùng Hưng, suy tôn như cha mẹ đẻ để biểu thị lòng kính trọng đối với những công ơn của ông đối với dân với nước.

   5. Hình tượng cao đẹp của Phùng Hưng trong vai trò thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa và trong vai trò một người đứng đầu chính quyền tự chủ  

   Chư Cát Thị trong lời bàn trong sáchTân đinh hiệu bình Việt điện u linh tập đã đánh giá cao tài năng cùng những cống hiến của Phùng Hưng “Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường; sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường. Xem việc sức bắt được hổ, khi muốn nuốt sao Ngưu, khiến cho người trong châu đều úy phục, nếu không có tài lược hơn người thời đâu được như thế. Chính Bình chết rồi, Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu? … Sống được vinh danh, chết lưu hiền hiệu, người như Phùng Bố Cái chưa dễ có nhiều được”[42].

   Tác giả Lý Tế Xuyên nhận định Phùng Hưng là anh hùng đã đặt nền móng cho sự phát triển tài năng rực rỡ cho nhiều thế hệ sau “Ngày nay anh tài nảy nở, vì tất đã không do Phùng Công đã cắm lá cờ đỏ đầu tiên, thực là bất hủ”[43].

   Học giả Mỹ đánh giá “… Uy quyền ngắn ngủi của gia tộc họ Phùng là một phản ứng mang tính địa phương dẫn đến sự loại bỏ tạm thời chính quyền đô hộ ở An Nam, một nỗ lực của các thế lực địa phương để ổn định trật tự chính trị trong lúc vương triều lâm nguy ở phương Bắc…”[44].

   Giới nghiên cứu Việt Nam đương đại vinh danh người anh hùng mở đầu của xu thế người Việt đứng lên làm chủ nước Việt: “Vị thế của người anh hùng Phùng Hưng không chỉ ở chỗ là người khởi xướng và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống chế độ đô hộ nhà Đường, mà còn ở chỗ là người mở đầu cho xu thế Việt trong lãnh đạo đất nước, là một vị “vua cha mẹ”[45].

   Mậu Tuất, cuối tháng Mạnh Đông (12/2018),

V   iết tại Hà Thành, Quan Nhân Thư trai.

 


[1]Từ điển văn học, T.II: N-Y, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1984, tr.546.

[2]Cũng có những văn bản An Nam chí chép là 府記(Phủ ký), ký hiệu A.17333, Thư viện Hán Nôm, xem thêm Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Sđd, tr.149.

[3]Lê Hữu Mục, Việt điện u linh, Nxb.Khai Trí, 1961.

[4]Theo tác giả Phạm Lê Huy, nguyên văn chữ Hán đoạn trên như sau: 按趙王交州記,王姓馮名興世襲唐林州邊庫夷首領nghĩa là: Theo sách Giao Châu ký của Triệu vương, họ Phùng tên là Hưng đời đời thế tập làm Thủ lĩnh vùng biên cương châu Đường Lâm, Phạm Lê Huy, Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Sđd, tr.145-146.

[5]Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb.Văn hóa, H, 1960, tr.15.

[6]Hiện nay tấm bia đã được đưa về lưu giữ tại kho hiện vật đá của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, dẫn theo Phạm Lê Huy, Hệ thống tư liệu về khởi nghĩa Phùng Hưng, Thông báo Hán Nôm, 2016, tr.251-252.

[7]Trần Huy Bá, Bia Phùng Hưng, TC.Khảo cổ học, số 3, 1977, tr.72-75.

[8]Các bộ sách sử cổ đều chép con thứ ba của Phùng Hạp Khanh tên là Phùng An, Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Sđd, tr.15. Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191-192.

[9]Tấm bia Phụng tự bi, tại thôn Cam Lâm của xã Đường Lâm chép về việc Phùng Hưng có dung lực, từng tách hai con trâu đánh nhau bằng sức khỏe của mình, được dân chúng khen là Thần vũ, là bậc khác thường. Xem thêm Nguyễn Minh Tường, Hai tấm bia ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây viết về Phùng Hưng và Ngô Quyền, in trong Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Khu di tích lịch sử-văn hóa Đường Lâm¸ Nxb.Khoa học xã hội, H, 2005, tr.33.

[9]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T.4 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.273.

[10]Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Sđd, tr.15.

[11]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Nxb.Khoa học xã hội, H, 1998, tr.191.

[12] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Hội Việt Nam Nghiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu biên dịch, Nxb. Văn Sử, 1991, tr.28.

[13]Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Nxb.Khoa học xã hội, H, 2000, tr.48.

[14]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T.4 (tái bản lần thứ hai), Nxb.Thuận Hóa, Huế, tr.273.

[15]K.WTaylor,Lịch sử dân tộc Việt Nam (Lịch sử của người Việt), Bản dịch thô chưa hiệu đính, 10-2017- NTH&HAT, (bản sử dụng cho việc biên soạn bộ Quốc sử 30 tập), tr.76.

[16]https://vi.wikipedia.org/wiki/Phùng Hưng

[17]Trần Huy Bá, Bia Phùng Hưng, TC.Khảo cổ học, Sđd, tr.74.

[18]Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Sđd, tr.48.

[19]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.1, Nxb.Giáo dục, H, 1998, tr.191.

[20]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191.

[21]Trần Huy Bá, Bia Phùng Hưng, TC.Khảo cổ học, Sđd, tr.74.

[22]K.WTaylor,Lịch sử dân tộc Việt Nam (Lịch sử của người Việt), Sđd, tr.76.

[23]Gần đây, có thuyết cho rằng Đường Lâm vào thế kỷ VIII, không thuộc về Ba Vì, Hà Nội ngày nay, mà có thể thuộc vùng Ái Châu: “Châu Đường Lâm – quê của Phùng Hưng, Ngô Quyền vốn từng có tên châu Phúc Lộc (gồm ba huyện Nhu Viễn, Đường Lâm và Phúc Lộc, châu này nằm phía tây nam Ái Châu, gần gũi Trường Châu, về sau có lúc quy về Ái Châu)”. Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Đường Lâm là Đường Lâm nào? TC.Xưa Nay, số 401 (4-2012).

[24]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191.

[25]Theo nghiên cứu của Phạm Lê Huy, căn cứ theo thư tịch triều Đường, tên gọi Đỗ Anh Hàn như sách Đại Việt sử ký toàn thư là chính xác. Phạm Lê Huy còn cho rằng Đỗ Anh Hàn có thể từng làm quan ở Đô hộ phủ và là người đã chỉ ra nhiều kế sách khiến cho Cao Chính Bình, quan Đô hộ Giao Châu uất chết. Phạm Lê Huy, Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Sđd, tr.145-146.   

[26]Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Sđd, tr.15.

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T.4 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.273.

[28]Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.1, Sđd, tr.191.

[29]Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.121.

[30]Phạm Lê Huy cho rằng Trường Phong không nên dịch là châu Trường Phong, vì khi đó Việt Nam không có tên châu Trường Phong mà nên dịch chính xác phải là Trường (châu), Phong (châu) thì mới phù hợp với hệ thống đơn vị hành chính Việt Nam đương thời. Phạm Lê Huy, Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Sđd, tr.147-148.

[31]Phạm Lê Huy, Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Sđd, tr.147.

[32]K.WTaylor,Lịch sử dân tộc Việt Nam (Lịch sử của người Việt), Sđd, tr.76.

 

[33]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.1, Nxb.Giáo dục, H, 1998, tr.191.

[34] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb.Văn hóa, H, 1960, tr.15.

[35]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, in trong Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng Khu di tích lịch sử-văn hóa Đường Lâm¸ Nxb.Khoa học xã hội, H, 2005, tr.24.

[36]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T.4 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.273.

[37]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, Sđd, tr.24 -25.

[37]Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, T.4 (tái bản lần thứ hai), Sđd, tr.273.

[38]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, Sđd, tr.25.

[39]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, Sđd, tr.25.

[40]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, Sđd, tr.25.

[41]Đại Việt sử ký toàn thư, T.I, Sđd, tr.191-192.

[42]Lời bàn trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập của Chư Cát Thị.

[43]Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb.Văn hóa, H, 1960, tr.

[44]K.WTaylor,Lịch sử dân tộc Việt Nam (Lịch sử của người Việt), Sđd, tr.76.

[45]GS. Trương Hữu Quýnh, Vị thế của hai người anh hùng Phùng Hưng và Ngô Quyền trong lịch sử dân tộc, Sđd, tr.25.