(Kỳ 1)
Tháng tám trời trở heo may, tại không gian riêng của gia đình thiếu tướng Phùng Đình Thảo, tôi bồi hồi nghe lại câu chuyện hơn 40 năm về trước, chiến tranh đã lùi xa nhưng hồi ức chiến trường vẫn còn nóng hổi. Người kể chuyện, thiếu tướng Phùng Đình Thảo, đang say sưa kể về cuộc đời chiến đấu và binh nghiệp của mình. Chất lính và tình người luôn mang đậm dấu ấn trong những câu chuyện ông kể. Phần lớn thời gian thiếu tướng Phùng Đình Thảo chiến đấu và công tác là ở vùng địch vận và làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Ông đã đi khắp các chiến trường Long An và miền Đông Nam Bộ. Ở đâu ông cũng dựa vào dân, bám dân vận động phong trào cách mạng và được nhân dân tin yêu, che chở đùm bọc. Sau này nhớ lại những vùng đất đã đi qua, những con người đã từng gặp vẫn là kỉ niệm suốt đời ông không bao giờ quên được, đó là tình cảm quân dân, tình đồng chí, đồng đội. Một cuộc đời được sống cuộc sống vì Nhân Dân, vì Tổ Quốc, được đồng chí, đồng đội trân trọng là ước ao của mỗi chúng ta. Đấy cũng là tài sản quý của mỗi người để vươn lên trong cuộc sống, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước tốt hơn.
Dòng họ Phùng có nguồn gốc khá sớm trong lịch sử dân tộc, đất phát tích chính là ở Đường Lâm với sự nổi lên của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, một đấng quân vương anh hùng trong lịch sử dân tộc. Cũng có không ít những anh hùng, dũng sĩ và rất nhiều liệt sĩ mang dòng máu họ Phùng. Như Phùng Đốc, vị tiến sĩ khai hoa của họ Phùng, chiếm được bảng vàng vào niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499). Phùng Đốc là người xã Nguyễn Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 34 tuổi Phùng Đốc đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi, niên hiệu cảnh thống thứ 2 đời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.
Nhà khoa bảng thứ 2 sau Phùng Đốc là Phùng Hữu Hiệu, người xã Viên Kiều, huyện Sơn Minh nay thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Qúy Mùi, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (năm 1253) đời Lê Cung Hoàng làm quan tới chức Thừa chính sứ, tước Ly Trai bá.
Cũng trong thế kỷ XVI, có người họ Phùng đỗ tiến sĩ là Phùng Ông, người thôn Tuần Xuyên, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Đinh Mùi niên hiệu vĩnh định thứ nhất (1547) đời Mạc Phúc Nguyên năm 24 tuổi, làm quan đến Thừa chính sứ. Họ Phùng nối tiếp còn có Phùng Trạm, người làng xóm Chiềng, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, Bắc Giang, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Tự khanh. Sánh với Phùng Trạm, đỗ Đệ Tam giáp khoa này còn có Hà Nhâm Đại, người Bình Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc là tác giả tập thơ "Khiếu vịnh thi tập" nổi tiếng, tỏ rõ khoa cử lúc đó lấy được người tài, thực học.
Đời Lê Thần Tông, họ Phùng có Phùng Thế Triết người xã Kim Bí, huyện Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội đỗ tiến sĩ khoa Qúy Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) năm 39 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát tứ. Họ Phùng còn có Phùng Viết Tu người xã Đinh Luân, huyện Gia Lâm, Hà Nội đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652) cùng đời Lê Thần Tông, làm quan đến chức Thiên đô Ngự sử. Phùng Viết Tu cùng đỗ một khoa với những người nổi tiếng một thời như: Hồ Sĩ Dương, người Quỳnh Lưu, Nghệ An, là tác giả của "Trùng San lâm sơn thực lục", "Gia lễ", và 9 bài thơ chữ Hán lưu hành trong "Toàn Việt thi lục"...
Nhà khoa bảng cuối cùng của họ Phùng thời phong kiến là Phùng Bá Kỳ, người xã Vĩnh Mô huyện Yên Lạc, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thi Hương đỗ đầu và mới 22 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện đãi chế tri hộ phiên. Phùng Bá Kỳ đỗ cùng một khoa mở đầu thế kỷ 8 với các bậc tài danh lừng lẫy một thời như: Nguyễn Quý Ân người Thiên Mỗ, Từ Liêm, một trong "Tam thế đại vương" của danh gia vọng tộc Nguyễn Quý, Nguyễn Công Thái tham tụng, lại bộ thượng thư nổi tiếng thẳng ngay liêm khiết và Nguyễn Kiều tác giả những bài thơ đi sứ nổi tiếng, chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Chứng tỏ khoa thi mà Phùng Bá Kỳ đoạt được là một khoa đặc biệt đáng nhớ.
Từ đời Phùng Bá Kỳ trở lên đến Phùng Đốc, họ Phùng đã có 8 vị đỗ đại khoa Tiến sĩ. Trong đó nổi tiếng nhất là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, người có đức, có nhân và cuộc sống trong sạch, đã hoạt động tích cực cho việc khôi phục đất nước thống nhất lúc bấy giờ. Ông xứng đáng có một vị trí quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng của xã hội Đại Việt ở cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Và ta có thể chắc chắn là, cũng như Phùng Khắc Khoan bảy tiến sĩ còn lại cũng là những bậc thực học, thực tài để trở thành người đỗ cao, xứng đáng với dòng họ, gia đình, và đất nước.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, người họ Phùng dù ở đâu cũng có những đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực, phát huy được bản chất truyền thống rạng rỡ của dòng họ, luôn biết hướng tới những điều tốt đẹp, tiến bộ, góp phần đưa đất nước ngày một phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo sinh ngày 3/8/1954 tại xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội trong một gia đình thuần nông có bốn anh em trai, bố chết sớm (1966), mẹ là nông dân chất phác, hiền lương. Cũng như những vùng quê khác của Việt Nam, quê hương Thạch Thất của ông lúc này vẫn còn rất nghèo, nên tuổi thơ và việc học hành của ông khá vất vả. Kinh tế gia đình khó khăn, mẹ làm ruộng chạy vạy nuôi bốn người con. Sáu tuổi ông phải đi ở nhờ nhà một người bác ở Đan Phượng. Nhưng dù gia đình nghèo thì con cái vẫn phải được đi học. Học không chỉ để biết chữ, tiếp thu kiến thức, có nghề nghiệp mà còn để làm người. Chính vì vậy, chín tuổi ông trở về quê đi học lớp một. Hầu như suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 7 ông luôn được các thầy cô giúp đỡ về học phí.
Tưởng như công việc học hành của ông được êm xuôi, ông được sống trong vùng quê yên bình thì lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã cuốn hút ông vào cuộc chiến đấu sinh tử của dân tộc. Trong bão táp cách mạng và kháng chiến, thời gian trôi rất nhanh và con người như không phải là thuộc về chính mình mà thuộc về cái gì cao cả và rộng lớn hơn. Lúc này, khi đang học dở học kỳ hai lớp 7, ông tình nguyện làm đơn, cắt máu ăn thề xin đi bộ đội. Binh chủng đặc công về, thấy ông còn ít tuổi đã tình nguyện, hăng hái xin đi bộ đội nên ông trúng tuyển ngay đợt đầu tiên. Cả huyện tuyển mười lăm người vào binh chủng đặc công trong đó có ông. Trúng tuyển với ông, là trách nhiệm của công dân với đất nước và là lòng tự trọng của mỗi con người.
Ông nhập ngũ tháng 1/1972, chuyến đi này lành dữ thật khó có thể lường hết được và cuộc chia tay với gia đình không thể hẹn trước ngày gặp lại, ông đã lặng người đi, trong lòng dâng trào một cảm xúc khó tả. Chưa biết ở nhà mẹ, anh em sẽ xoay sở ra sao trước những khó khăn của đất nước thời chiến? Tuy vậy, sự lo lắng về công việc, nhiệm vụ được giao với ông lúc này mới thật sự là điều ông quan tâm hơn cả. Lớp tân binh lúc ấy vừa bước vào độ tuổi mười tám đôi mươi được sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa, đều rất tự tin, sống có trách nhiệm với đất nước khi có chiến tranh. Gặp nhau sống với nhau vài ba ngày đã thân nhau ngay, tuổi trẻ dễ kết bạn. Hơn nữa nhiệm vụ của người lính trước mắt vô cùng gian khổ, phải đoàn kết mới thành.
Tháng 10/1972, Phùng Đình Thảo học trường đào tạo hạ sĩ quan đặc công, sau đó ở lại huấn luyện tân binh một khóa rồi đi B. Các đoàn đi chiến đấu ở Miền Nam đợt đấy đều có quỹ thời gian rèn luyện hành quân, mang vác nặng và được bồi dưỡng sức khỏe, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ rồi mới lên đường. Các cán bộ huấn luyện đều qua chiến trường, rất chu đáo nhưng nghiêm khắc. Ngày huấn luyện trên thao trường nắng cháy, đêm báo động hành quân, khí thế của sư đoàn hừng hực, sẵn sàng đi bất cứ đâu. Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu là câu nhắc nhở luôn luôn ở các chiến sĩ. Được huấn luyện tốt khi vào chiến trường sẽ thành thục động tác, chiến đấu giỏi, đỡ đổ máu hơn là huấn luyện qua loa đại khái. Những năm tháng sau này ông càng thấm thía hơn điều đó.
TRƯỞNG THÀNH TỪ VĂN THƯ LIÊN LẠC
Tháng 12/1973 Phùng Đình Thảo nhận nhiệm vụ cùng đơn vị lên đường đi B (Đoàn 2037), lúc này ông là hạ sĩ tiểu đội trưởng, đại đội 68, tiểu đoàn 2, sư đoàn 305 đặc công. Đơn vị ông được phân công vào thẳng Long An, miền Đông Nam Bộ. Điều đại đội 68 của ông về tiểu đoàn 28, C1, trung đoàn 117, sư 27, đặc công miền Đông Nam Bộ, đóng quân ở vùng Ba Thu, Long An, giáp ranh giữa biên giới Cam-pu-chia và Việt Nam, đứng chân đi hoạt động các hướng.
Phùng Đình Thảo vào Đảng ngày 28/1/1974 được điều đi làm Văn thư liên lạc đại đội, của C1, K28. Lúc này, dù là chỉ huy, văn thư liên lạc hay bất kỳ nhiệm vụ nào vẫn phải sẵn sàng chiến đấu nên chàng trai Phùng Đình Thảo rất phấn khởi, vui vẻ nhận nhiệm vụ, háo hức được bước vào trận để thử sức. Công tác chuẩn bị chiến đấu rất khẩn trương, đơn vị đã trinh sát nắm địch và xây dựng phương án tác chiến.
Ngày 21/9/1974 đại đội tổ chức đi chiến đấu, chia làm 3 mũi, mũi của Phùng Đình Thảo trực tiếp đi cùng đồng chí Nguyên chính trị viên đại đội đến chốt Tua 2, Kênh Sáng, Đức Hòa, Long An. Chốt này án ngữ một hướng quan trọng vào cửa ngõ Sài Gòn. Ngụy đóng một đại đội ở đây. Quân Mỹ dù có được trang bị vũ khí tối tân đến đâu nhưng tác chiến trên chiến trường Miền Nam rất xa lạ. Còn quân ngụy là thứ quân đánh thuê, thường ỷ vào sức mạnh của quân Mỹ, cho nên khi có lính Mỹ thì hùng hổ nhưng khi lính Mỹ rút thì nhanh chóng suy sụp, một đại đội phụ thuộc vào nước ngoài là như vậy. Đúng như phương án đã dự kiến đến giờ G, tất cả các đơn vị phân công đều nổ súng đồng loạt. Tuy nhiên, mũi của Phùng Đình Thảo còn hai hàng rào nữa mới vào được vị chí chiến đấu. Tổ cắt rào và mở cửa dùng bộc phá đưa vào giật tung, xông phong lên. Một tiếng nổ rung trời, mặt đất rung chuyển, vừa phá hàng rào xung phong lên, gần đến hàng rào B40, chính trị viên Nguyên hy sinh, mũi phó thay đồng chí Nguyên chỉ huy. Khó khăn đã đến với mũi khi đồng chí chủ chốt hy sinh, nhưng cấp phó vẫn chỉ huy đơn vị bám trụ đánh trả các đợt phản kích của địch, các chiến sĩ vẫn chiến đấu ngoan cường. Phùng Đình Thảo vác B40 thay cho đồng chí Nam đã bị thương vào hướng cửa mở. Bắn ba quả xong cả mũi xông lên, Phùng Đình Thảo bị thương ở lưng. Xác đồng chí Nguyên được kéo ra ngoài, chỉ kịp vuốt mắt. Bất chấp địch bắn như mưa, chiến sĩ đơn vị vẫn chia địch ra đánh, phá vỡ đội hình từng mảng. Trong người Thảo lúc này khoác một khẩu AK, một khẩu B40, một túi bộc phá, xông lên bắn hết toàn bộ số bộc phá còn lại. Trận đánh quá ác liệt, quân ta đã giáng cho địch những đòn đích đáng, nhiều tên địch trong chốt của chúng bị tiêu diệt, kêu inh ỏi, nhưng chúng chạy đâu cho thoát. Giải phóng được chốt đó, đơn vị rút ngay trong đêm. Toàn đại đội tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu đã xác định, đại đội hơn hai mươi người, hy sinh mất sáu đồng chí, chỉ còn sáu, bảy người toàn vẹn. Phải nói rằng, bộ đội ta khi đối mặt với kẻ thù người nào cũng dũng cảm, không quản ngại hy sinh. Đại đội đã được cấp trên tặng Huân chương chiến công hạng nhất.
Trận đầu trực tiếp tham gia đã để lại ấn tượng mạnh cho Phùng Đình Thảo. Tiêu diệt địch trong căn cứ khó nhất vẫn là giữ bí mật, áp sát địch, khi nổ súng là tiến công vào sát địch, diệt gọn đầu não địch. Nếu không địch sẽ phản kháng gây thương vong cho ta. Lần đi B sau hai năm huấn luyện vào đánh đặc công rất kỹ này, Thảo càng thấm thía bài vở đã được dạy, rất chính xác. Sau trận này, Phùng Đình Thảo được tặng bằng khen và lên quân hàm trung sĩ, không làm văn thư liên lạc nữa mà làm tiểu đội trưởng của đơn vị vừa chiến đấu. Thảo bị thương ở lưng, không có thuốc sát trùng, anh y tá Nguyễn Xuân Học đã tìm mật ong hòa với nước sôi pha loãng để sát trùng cho Thảo. Lúc này, Thảo cảm thấy vô cùng xúc động, cảm nhận tình đồng chí, đồng đội gắn bó. Và đáng quý hơn là tình sâu nghĩa nặng của anh với những con người và mảnh đất nơi đây, chính những mảnh đất ấy đã thành sức mạnh để anh vượt lên những thử thách dữ dội nhất. Ở đây, không có những lời chào nồng nàn, không hứa hẹn một chút gì về cuộc sống vật chất, chỉ có tiếng gọi không âm lượng đầy tình nghĩa của nhân dân và đồng đội. - Những con người như thế mình không bao giờ quên được.
(Còn tiếp)