THỜI ĐẠI PHÙNG HƯNG
Tiến sĩ Đinh Công Vỹ
Cụ Phùng Hạp Khanh đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế và trở thành bộ tướng của cháu rể mình, vị Hoàng đế đen ấy. Đinh Văn Hiến trong “Mai Hắc Đế - truyền thuyết và lịch sử” (Nxb Nghệ An 1997) cho biết: “Vua Mai cử Ba Đội Hầu sang các nước lân bang như Chiêm Thành, Lâm Ấp, Chân Lạp, sang cả nước Kim Lâu (Malaixia) làm thuyết khách, nhờ đem viện binh giúp đỡ để giải phóng toàn quốc… Các nước đó đều sai tướng đem hàng vạn binh sang chi viện”. Theo Đinh Văn Hiến, đi sứ chuyến này, Ba Đội Hầu có thể chỉ là nối tiếp bước ngoại giao trước đó. Mai Thúc Loan từng đến Tràng An bán vải nên có dịp tiếp xúc với các thương gia, chính trị các nước ấy, nhờ họ về nước vận động, chuẩn bị cho bước viện binh sau khởi nghĩa. Đây là điều độc đáo nếu so với các cuộc khởi nghĩa trước đó. Mai Thúc Loan là người đầu tiên nghĩ ra và thực hiện thành công kế sách đối ngoại ấy. Thời Mai Thúc Loan là thời thịnh Đường, các nước trong quan hệ với Trung Quốc có dám chi viện không? Nhưng sự thực: trong cụm di tích ở Nam Đàn (đền thờ, lăng mộ) có hai phù điêu về hai binh sĩ, tương truyền là người Chân Lạp, tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Là người thân tín, là cốt cán của cuộc khởi nghĩa ấy, hẳn cụ Phùng Hạp Khanh đã truyền cho con mình là Phùng Hưng những kinh nghiệm như thế trong ngoại giao với các nước Đông Nam Á để chống lại ách đô hộ nhà Đường.
Tiến sĩ Đinh Công Vỹ trình bày tham luận tại Hội thảo
Càng về sau, nhà Đường ở Trung Hoa càng đi xuống, thì hẳn rằng việc ngoại giao của Phùng Hưng, người nối tiếp cha và Mai Thúc Loan càng thuận lợi hơn. Nhưng cho đến nay, những tư liệu về đối ngoại của Phùng Hưng với các nước xung quanh quá hiếm.
Sự thực, phù hợp với tình hình trên, cho đến thời Phùng Hưng, nhìn trên bản đồ Đông Nam Á lục địa, chỉ tồn tại đầu tiên là ba nước Đại Việt, Chăm Pa (tức Chiêm Thành) và Chân Lạp. Vương quốc Phù Nam đã mất. Số còn lại là các tiểu vương quốc, chưa hình thành một quốc gia thống nhất. Trong đó có Thái Lan. Vào thời Phùng Hưng, người Thái bắt đầu thành lập vương quốc Nam Chiếu ở Vân Nam, để đến mấy thế kỷ sau thời Phùng Hưng, sau khi Mông Cổ xâm lăng, Nam Chiếu mất, người Thái mới di cư từng bộ phận dọc theo các sông xuống phía Nam, sống xen kẽ với dân bản địa mà thành nước Thái Lan về sau… Còn ở Biển Đông sát gần có Indonesia đã hình thành một đế chế đảo Srijaya hùng mạnh, tiếp theo là quyền lực của vua Srijaya được thiết lập ở Gia Va. Văn khắc đầu thế kỷ VIII (năm 732), ghi rõ: Vua Srijaya đã chinh phục Ba Li, Sumatra và cả Campuchia (Chân Lạp), phù hợp với truyền thuyết Chân Lạp kể vào cuối thế kỷ VIII (thời Phùng Hưng), nước này đã bị những tên cướp biển Gia Va đến tấn công. Chúng chiếm Thủy Chân Lạp, lấy đó làm bàn đạp tấn công Chăm Pa vào năm 744. Với nước ta, trước thời Phùng Hưng, đã có các cuộc xâm lược, như cuộc xâm lược vào Bắc miền Trung của Chăm Pa vào thời kỳ Lý Nam Đế, đã bị tướng Phạm Tu đánh tan. Ở thời Phùng Hưng, biên giới phía Nam yên ổn, có thể vì tài ngoại giao của bộ chỉ huy nghĩa quân họ Phùng.
Sát với Đông Nam Á là hai nước lớn Trung Hoa và Ấn Độ. Thuật ngữ Đông Nam Á là thuật ngữ kết nối hai từ đó (cũng là hai nền văn minh nhân loại gọi là “in do - chi na” (tiếng Pháp là In do chi ne), tức không gian của lục địa châu Á nằm giữa hai nước văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa, rất có ảnh hưởng đến nước ta ngay ở thời Phùng Hưng.
Đặc biệt, còn có các nước ở biển xa hơn nhưng vẫn gắn với nước ta, nhất là gắn qua văn hóa khối chữ vuông với cảnh “thư đồng văn, xa đồng quỹ”, như hai nước Nhật Bản, Triều Tiên. Ở thời Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII), thiên hoàng Nhật Bản đóng đô ở Nại Lương (Na ra) nên sử Nhật gọi là thời Nại Lương, trước đạo Phật cực thịnh, hán học mở rộng đồng văn, nên càng hợp với nước ta. Ở Triều Tiên, đúng với thời của Phùng Hưng, đã tồn tại ba quốc gia Cao Câu Ly, Tân La, Bách Tế rồi, sau sáu đến bảy trăm năm với những cuộc nội chiến thảm khốc. Năm 663, triều Đường mang đại binh sang bán đảo Triều Tiên chinh phục được Bách Tế, năm 668 chinh phục được Cao Câu Ly. Đến thời Phùng Hưng, lợi dụng những phức tạp, đi xuống của Trung Quốc, trong đó có cả việc nhà Đường bận đối phó với nước ta, Tân La đã thống nhất Triều Tiên, việc này gián tiếp cũng ít nhiều chia lửa với nước ta trong việc chống bành trướng của Trung Quốc.
Thời của Phùng Hưng là thời đại đã nhìn thấy rõ sự suy sụp của Trung Quốc mà những mầm mống suy sụp đã nhú lên trước đó không lâu. Cuối thế kỷ thứ VII, đầu thế kỷ thứ VIII, đế chế Trường An bị chi phố bởi Võ Tắc Thiên, một nữ chúa lạ lùng quái dị. Bà là vợ của hai hoàng đế: cung phi của Đường Thái Tông (bố), Hoàng hậu của Đường Cao Tông (con), rất hoang dâm, làm mù mắt và lấn quyền chồng (Cao Tông), phế truất con (Trung Tông) thành hoàng đế nữ duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Với hình phạt tàn khốc, bà dư sức loại trừ khỏi chính quyền tầng lớp quý tộc Tây Bắc, giết hại hàng mấy trăm nhà quý tộc và hoàng tộc Lý, dời đô từ Trường An sang Lạc Dương, đổi tên nước là Chu. Vậy mà mỉa mai thay, các thế lực Phật giáo Trung Hoa thời ấy lại coi bà là hóa thân của Quan Âm Bồ Tát. Năm 705, tể tướng Trương Giản Chi làm đảo chính lật đổ bà, cử binh rước Trung Tông về phục vị. Nhưng sau đó, triều đình mới lại vấp phải sự chuyên quyền độc ác của hoàng hậu họ Vi. Năm 710, Vi hậu giết Trung Tông nhưng bị Lý Long Cơ dẹp yên. Long Cơ về sau nối ngôi vua cha là Dụ Vương lên làm vua, tức Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng).
Thời Đường Minh Hoàng là thời bình minh chói lọi hoàng hôn sớm tàn. Buổi bình minh với niên hiệu Khai Nguyên Thiên Bảo (712-756) là thời sử gọi là “hoàng kim”, rực rỡ trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự. Kinh đô Tràng An kiến trúc chói lòa, thành trung tâm của nền văn minh mang tầm thế giới, hòa trộn tinh hoa, ảnh hưởng của các quốc gia Trung Á, I Răng, Ấn Độ… Thơ đường luật lẫy lững Á Đông, Phật học được nghiên cứu chói ngời.
Quân sự chỉnh đốn nên các tầu ngựa của vua Đường đầy ngựa chiến. Cả nước chia làm 10 đạo, sau lên tới 15 đạo ở thời Phùng Hưng, gắn với việc nhà Đường lập 6 hộ phủ, hoặc đô đốc phủ, một loại hình đô hộ và bảo hộ bằng quân sự. Đất An Nam của chúng ta nằm trong cái vòng kim cô đó. Trên cơ sở đó mà ở thời Đường Thái Tông và Đường Cao Tông là thời đại bành trướng của Trung Quốc, chinh Đông, chinh Tây với những tướng soái lẫy lừng như Tiết Nhân Quý, Tiết Đinh Sơn. Năm 723, vùng Mai Yết (MoBe) trên bờ Hắc Long Giang trở thành châu huyện của nhà Đường. Từ năm 745, nhà Đường mở hàng loạt chiến dịch phản kích sự xâm nhập của Ả Rập vào vùng Tơ răng xô xi an và lưu vực sông I Li… Vậy thanh thế đế chế Đường lừng lẫy hơn cả thời Lưỡng Hán (Tây Hán, Đông Hán), nên ngoại quốc gọi người Tàu là “Đường Nhân”.
Song “Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm”. Những dấu hiệu suy vong của nhà Đường càng lộ rõ. Đề phòng bất trắc, nhà Đường cho xây dựng các phiên trấn (hay phương trấn) dọc biên giới, đứng đầu là Tiết độ sứ kiêm quản mấy châu, nắm cả về binh chính, dân chính và tài chính… như các vua từng vùng, đã đe dọa chế độ Trung ương tập quyền. Nhưng Đường Huyền Tông vẫn không nhận thấy nguy cơ. Huyền Tông lại đặc biệt tin yêu An Lộc Sơn, viên tướng người dân thiểu số gian ác. Nhà vua cho hắn kiêm Tiết độ sứ ba trấn Bình Lư, Phạm Dương, Hà Đông (vùng Bắc Kinh) chỉ huy hai mươi vạn quân, lại cho hắn tự do ra vào cung đình, thậm chí tư thông cả với Dương Quý Phi, vợ yêu của ông ta. Đúng lúc này, tướng Cao Tiền Chi (gốc người Cao Ly), cầm đầu quân Đường phản kích người Ả Rập ở Tân Cương (nay thuộc Nga), bị thất bại ở phía Nam kề Ban Cát Sơ. Từ năm 751 đến năm 754, Trung Quốc liên tiếp chiến tranh với Nam Chiếu. Khi quân Đường đến gần Nam Chiếu vào năm 754 thì bị đánh tan tành. Năm 751, các bộ tộc du mục đánh bại quân Đường ở Mông Cổ. Cũng năm ấy, quân Đường ở Trung Á bị thua một trận ở Sa mar Kand, liên quân Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ phá tan làn sóng bành trướng của nhà Đường, mở đường cho nửa thế kỷ sau đó, miền Hoa Bắc bị tàn phá khủng khiếp khi Tây Tạng, Tân Cương vào giày xéo biên giới. Nhưng không gì tai hại bằng nội phản bên trong. Nhà Đường suy yếu hẳn sau loạn An Lộc Sơn - Sử Tư Minh (757-763) gắn với việc lưỡng Quảng, đất cũ của nước ta khởi loạn (760-771). Đó là những thời cơ cực kỳ thuận lợi để cho Phùng Hưng khởi nghĩa, chiếm Tống Bình theo đúng dự định.
Thời đại Phùng Hưng còn là thời đại các quốc gia phía Đông và phía Nam Trung Hoa, gần hoặc sát biển vẫn tiếp tục truyền thống thạo sông nước, viễn dương của tiền nhân, ưu việt hơn nếu so với Trung Hoa, Paul Shao, học giả gốc Trung Hoa cũng thừa nhận là: Tuy có văn minh Trung Hoa trên đất Mỹ nhưng những cuộc di dân Á Đông mang văn minh đi truyền bá phần lớn lại không phải người Trung Hoa thuần túy mà là các giống dân khác như Đông Di (Nhật Bản, Triều Tiên, Philipins…) Nam man (Việt Nam…). Cần nghiên cứu kỹ vai trò khai phá Mỹ châu của tị nạn Việt… Từ đó có thể suy ra để tìm hiểu các cuộc thủy chiến thời hai ông vua Đường Lâm. Bài của Vũ Hữu San: “Hải quân và nếp sống thủy sinh trong dòng sinh mệnh dân tộc” trong quyển “Nguồn gốc dân tộc Việt và nền văn minh Việt cổ” tập II cho thấy: “Người Việt cổ rất thạo thủy chiến, rất quen dùng thuyền, ở trên cạn ít mà ở dưới nước nhiều… Bờ biển Việt Nam và Hoa Nam (thực chất bờ biển Hoa đó vẫn là bờ biển Việt vì ở thời Hùng Vương phía Bắc nước ta đến tận hồ Động Đình (theo Đại Việt sử ký toàn thư) cho đến thời Hùng Vương vẫn là nơi quy tụ nhiều ghe thuyền phong phú hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo quan điểm của người Á Đông, Wang Gung Wu đã làm một cuộc nghiên cứu về giao thương thời cổ trên biển Nam Hải, đã mô tả khá đủ về những hoạt động hàng hải trong khoảng 11 thế kỷ trước khi có triều Tống ở Trung Quốc, tức là thế kỷ VIII của Phùng Hưng nắm giữ hầu hết ngành hàng hải dọc duyên hải hay đường viễn duyên đến các nước Đông Nam Á và Ấn Độ như đã từng nắm giữ trước kia. Huyền thoại sớm sủa nhất về chiến công của thủy quân Văn Lang đã được nhắc tới trên trống đồng ở đền Đồng Cổ, núi Tam Thai, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa trên dưới 3.000 năm trước. Trong các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ ghi lại cách đây 2.800 hoặc 2.900 năm, cho biết người Việt thuở ấy đã biết chế tạo ra chiến thuyền có pháo tháp nỏ thần cho thủy quân, gắn với pháo tiền liên hoàn, bắn tên bằng đồng hay tên lửa cánh nỏ và mũi tên lớn dài 2 đến 3 mét. Thời Trưng Vương với Lạc tướng Cao Đoan là vị Bộ trưởng thủy quân kiêm Đô đốc Tư lệnh hạm đội đầu tiên của nước ta, tướng Đinh Phật Nguyệt là Tổng trấn hồ Động Đình.
Đến thời Việt Vương Triệu Quang Phục, người Việt tỏ rõ là giống dân đầu tiên biết khai thác thành công kỹ thuật du kích chiến trên đồng lầy, hồ ao, sông rạch… Thế ưu việt đó, cho đến thời Phùng Hưng không thể không tiếp tục, nhất là ở vùng đất hai vua Đường Lâm là một tứ giác nước được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích, một chi lưu nối sông Đà và sông Đáy, theo cách nói của giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài “Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử”. Thế ưu việt đó nếu so với Trung Quốc càng nổi bật: Nước của họ cho đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất miền Bắc Trung Hoa năm 221, theo lịch vẫn chỉ là một quốc gia lục địa. Hai triều đại Hán, Đường nối tiếp sau đó dù biến đổi Trung Hoa thành một đế quốc tráng lệ, về căn bản vẫn quanh quẩn ở đất liền. Thời đại hàng hải của Trung Hoa thực sự bắt đầu chính là ở thời đại Phùng Hưng trở đi (vào thế kỷ VIII về sau), khi số dân miền Bắc nước họ tăng lên ba lần và khí hậu thay đổi làm suy giảm số lượng đất canh tác nên phải bắt đầu mò ra biển. Vì là buổi mới bắt đầu nên thủy quân Đường được chú ý củng cố hơn. Ở nước ta, sau cuộc chiến tranh với Gia Va (Indonexia - Malaixia đã nói trên, sử cũ thường gọi là “giặc Côn Lôn và Sa Ba hay Chà Và”), quân Đường sửa chữa chiến thuyền cũ, đóng mới vài trăm chiến thuyền, kể cả dùng lại những chiến thuyền đã thu được của Gia Va nên thủy quân phấn chấn.
Vậy muốn Tống Bình thất thủ, phải tiêu diệt thủy quân Đường. Nối tiếp tiền nhân, Phùng Hưng làm việc này không khó. Ngay từ năm 776, tức khắc trong một thời gian ngắn, Phùng Hưng đã theo kế sách của Đỗ Anh Hàn củng cố lại thủy quân. Theo sử sách nhà Đường, chiến thuyền của quân Phùng Hưng có gần 300 chiếc, còn thuyền nhỏ phục vụ chiến đấu kể sao cho xiết, từ sông nước Đường Lâm vươn ra các sông Nhuệ, sông Tô, sông Kim Ngưu, sông Ngọc Hà tràn ngập quanh phủ thành Tống Bình.
Thời đại Phùng Hưng là thời đại ở Việt Nam nối tiếp tiền nhân có xu hướng Bắc tiến hay chuyển nơi ở thể hiện rất rõ. Nhờ vào truyền thuyết, sách cổ và khảo cổ học, ta biết được cuộc đại hồng thủy cách đây khoảng 20 nghìn năm đến 6 nghìn năm. Cuộc đại hồng thủy này bao gồm cả thế giới, trùng với cuộc đại hồng thủy đã diễn ra trong kinh cựu ước của đạo Do Thái và đạo Thiên chúa. Bán đảo Đông Nam Á bị ngập lụt nên tổ tiên ta tiến tới Quảng Đông, Phúc Kiến rồi chiếm toàn bộ Hoa lục. Theo giáo sư bác sĩ Trần Đại Sĩ ở bài “Thử tìm lại biên giới Việt Nam cổ bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống AND”, đã chứng minh rằng: “Trong 5 nghìn năm trước Tây lịch cho đến nay, thì tộc Việt gồm trăm giống đã Bắc tiến. Lúc đó, nơi tổ tiên ta đến (ở Hoa Lục) chưa có bóng dáng một người Tàu nào. Sau này người Tàu mới Nam xâm giành đất của Bách Việt. Sau trận Trác Lộc (chiến tranh giữa Hoàng đế và Xuy Vưu “cái tên xấu mà người Tàu bịa đặt”), tổ tiên ta trở về miền đất quen thuộc của mình. Truyền thuyết và ngọc phả nói tới vùng núi Hồng sông Lam, Kinh Dương Vương đã chọn nơi này làm kinh đô, sau mới có chuyện chọn Phong Châu, Phú Thọ làm kinh đô kể từ thời các vua Hùng, tức là vẫn Bắc tiến. Trước hay sau, gần gũi với thời Phùng Hưng, các lãnh tụ chống Bắc thuộc, từ thế kỷ VIII về sau như Dương Thanh, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, đều là quý tộc Việt hay lang đạo làm quan từ các xứ Thanh, Nghệ, Tĩnh ra Bắc. Người Bắc tiến thì địa danh cũng tiến theo như các địa danh Phúc Lộc, Đường Lâm gắn với cha con Phùng Hưng. Có thể cha con Phùng Hưng quê gốc tại Đường Lâm (châu Phúc Lộc gồm 3 huyện Nha Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc) nằm đâu đó giữa vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Chỉ có ở đấy, gần gũi với cháu rể nên Phùng Hạp Khanh mới dễ dàng tham gia khởi nghĩa. Nơi đó mới gần gũi để có thiên diễm tình giữa cháu ngoại Phùng Hạp Khanh với Mai Hắc Đế. Sau khi khởi nghĩa thất bại, để tránh sự truy lùng trả thù của nhà Đường, Phùng Hạp Khanh đưa gia đình ra Bắc lập nghiệp ở Sơn Tây, với cái tên Đường Lâm đầy kỷ niệm sâu đậm đặt vào đất Sơn Tây. Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: Ngô Quyền người đất Đường Lâm. Sách Cương Mục chú rõ: Xưa xã Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc sau là Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây. Sơn Tây tỉnh chí khẳng định: Phùng Hưng, Ngô Quyền đều là người xã Đường Lâm, Sơn Tây. Chẳng những ở Đường Lâm mà còn đền thờ Phùng Hưng và lăng Ngô Quyền, còn rất nhiều nơi ở các tỉnh, các huyện xa gần trên đất Bắc xoay quanh tâm điểm Đường Lâm - Sơn Tây có di tích, nơi thờ và có nhiều bản Hán Nôm gắn bó với hai vị. Trong khi đó, ở Nghệ Tĩnh có mấy di tích liên quan tới hai vị? Vậy thì dù các giáo sư Vân Tân, hay Đào Duy Anh, hay của ai đó có nghi ngờ thì các di tích, truyền thuyết, tư liệu Hán Nôm hiển nhiên trước mắt đã trả lời ngay trên đất Bắc.
Thời đại Phùng Hưng ở Việt Nam vẫn là thời đại chống Bắc thuộc. Trong bài viết: “Phùng Hưng - nhà quân sự hùng tài, uy đức thấm sâu vào lòng dân” tôi đã nêu rõ: “Vào cuối giai đoạn Bắc thuộc, Trung ương giảm thì phiên trấn càng vươn lên, dẫn đến sự ra đời của các trung tâm quyền lực mới không chỉ của người phương Bắc, trong đó có các chúa đất Việt Nam ra đời, càng ngày càng mạnh trở nên những hào trưởng (người Trung Quốc gọi là thổ hào, thổ tù, man hào, khê động hào) dần dần phong kiến hóa. Cha con Phùng Hưng ở vào hoàn cảnh ấy, từ một người thuộc dòng dõi đời đời làm quan lang, thuộc dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng, ông xưng Đô quân. “Đô” là lớn, là người đứng đầu, “quân” ta hiểu là quân vương tức là đã phong kiến hóa. Nhưng tất cả chỉ là từ cái gốc Hùng Vương mà ra, không rập khuôn của Trung Quốc. Ngay cái chức “Đô quân” cũng không tìm thấy trong các ông vua Trung Quốc. Ở thời chống Bắc thuộc ấy, những người Việt có hòa mà chẳng tan, ngay cả chức tước cũng vậy. Nếu người dân bản địa vùng đồng bằng Châu Giang sau nhiều năm tháng dằng dặc đã biến thành người Hoa Quảng Châu (Quảng Đông) thì người Việt cổ vùng lưu vực sông Hồng tuy Bắc thuộc mà vẫn không bị Hán hóa. Ngọn cờ khởi nghĩa của Phùng Hưng đã phá tan mưu đồ Hán hóa ấy, đã thúc giục một loạt người họ Ninh, họ Phùng ở Ung Châu, Dung Châu, ở ven biển giữa Quảng Châu và Hà Nội nổi dậy, dù bên ngoài vẫn mang cái tiếng là người Hoa Quảng Châu… Từ đầu công nguyên, chủ thể tộc Việt trên đất Âu Lạc cũ vẫn là Lạc Việt - Tây Âu (Âu Việt) từ sau công nguyên trở đi, tuy dân Giao Châu bị gọi là Giao Châu Di, là Man Di, Lý Lão… thì đến thế kỷ VI, với danh hiệu “Việt Vương Triệu Quang Phục” dân ta đã làm sáng lên cái tên đầy khí tiết “Việt”. Và với danh hiệu Nam Đế của Lý Bí thì dân ta càng tỏ rõ ý thức mình là người Nam để phân biệt rạch ròi với Bắc. Đến danh hiệu Bố Cái Đại Vương thì hoàn toàn thuần Việt, rất gần gũi. Đúng là các tiếng Việt Vương còn, Nam Đế còn, Bố Cái còn, hẳn nước ta còn, sao Bắc thuộc được.
HỌ PHÙNG NHÂN VẬT ĐỀ VINH
1. Phùng Đại Lực
Đây non Tản, Thiên Sơn huyền diệu
Kia Đường Lâm, đền miếu gốc Phùng
Thăng Long tứ trấn hào hùng
Hồng Hà cuồn cuộn mở tung họ này.
Đất Thung Xá ơn dầy tưới tắm
Tình Phùng - Lưu say đắm khó phai
Một đời y nghiệp lâu dài
Một đời độ thế, miệt mài vì dân.
Vậy trời xanh tiên thần cảm động
Nên đất hồng thác mộng sinh ra
Đỏ tươi ánh sáng đầy nhà
Rồng thắm cuộn sóng nở hoa thành người.
Thuở sơ sinh sức trời bạt núi
Lúc lớn lên vang dội võ đường
Thành tên Đại Lực tráng cường
Thánh Tản kết nghĩa, Lăng Sương vẫy vùng.
Buổi Hồng Bàng cuối cùng kết thúc
Giúp Duệ Vương dẹp Thực tự tôn
Đại tướng trong buổi hoàng hôn
Người le lói mãi phái môn đầu Phùng.
2. Phùng Thị Chính
Phùng Thị Chính - Ba Vì Vạn Thắng
Con dì già nghĩa nặng Trưng Vương
Thù chồng nợ nước so vua Trắc
Hận Hán nuôi con sánh Thiện Nương
Nhập quỷ xuất thần tài thám báo
Đuổi Tô chống Mã đức hiền lương
Dòng xanh soi mãi gương Trung đẳng
Đình phú rực hồng tỏa ngát hương.
3. Phùng Thị Tú - Phùng Thị Huyền
Tú - Huyền đôi gái sánh nam cường
Bạch Hạc - Vĩnh Tường chốn tổ đường
Lãng Bạc dậy trời gương dũng liệt
Cẩm Khê cuộn sóng tiếp hai vương
Vân Thùy một trại bừng bừng lửa
Nam - Phúc hai quê ngát ngát hương
Rừng rực Hồng Hà sông đỏ mãi
Chói ngời tháng Chạp thắm uy Phùng.
4. Phùng Thanh Hòa
A,
Sinh tại Hà Nam huyện Lý Nhân
Phùng Thanh Hòa hữu tướng vua cần
Trí đầy văn nghệ đàn xao xuyến
Lòng ngập binh thư võ thánh thần
Mở máu Gia Ninh tài cứu chúa
Phóng thuyền Điển Triệt sức phò quân
An Hoa ấp cũ còn lưu dấu
Phùng Xá làng nay vẫn nhớ ân.
B,
Khuất Lão thuở nào khuất bóng quân
Trăm quan đẫm lệ tiễn vua thần
Điều binh Tả tướng về đầm Dạ
Họp lính hoàng huynh xuống đất Nam
Nhìn núi xuyên trời lòng khao khát
Thấy sông chuyển đất dạ bừng xuân
Thanh Hòa quyết chí về Câu Lậu
Một dải rừng hoang hóa ngọc ngân.
4. Phùng Kim
Sinh tại chùa vàng ấp đất yên
Phùng Kim lừng lẫy tiếng thần tiên
Tân An dậy đất thề Quang Phục
Dạ Trạch lật đầm chống Bá Tiên
Bắc loạn, trời trao cơ tái tạo
Nam hùng, vận mở chiếm Long Biên
Than ôi! Nguyên soái vừa phong chức
Ngập lệ trời sông tiễn bậc hiền!
PHÙNG TỘC PHÁT THƯỞNG CẢM ĐỀ
(Đường Thi tứ thư)
1.
Văn Miếu bia nghè thắm nét hoa
Họ Phùng đá khắc mãi không nhòa
Tiên phong Thạch Thất ngời tên Đốc,
Khai nghiệp Kỷ Mùi lóe sấm xa
Hữu Hiệu, Phùng Ông lừng trận bút
Viết Tu, Thế Triết dậy tên loa
Kìa xem: Phùng Trạm giành tiên quế
Bá Ký rung trường sóng Vũ qua!
2.
Vượt Vũ Môn còn một đóa hoa
Danh tuy Hoàng giáp, tiếng lan xa
Dân tôn, Quốc trạng bừng Hoa - Việt
Sĩ trọng, Á Đông vọng tráng ca
Mai Lĩnh - mai thơm lừng vạn thuở
Khắc Khoan - khắc mãi thấm muôn nhà
Miếu Văn - Tế tửu thành gương sáng
Phần thưởng tên người mở bảng khoa.
3.
Ơi nhớ: vua ban thưởng đậm đà
Quỳnh Lâm vườn ngọc tưởng cung nga
Ngựa hồng dong duổi tay chàng lễ
Phấn trắng nồng nàn võng thiếp qua
Như áng mây xanh đời nhẹ bước
Như trời thắm đỏ mở đường ra
Dân làng kiêu hãnh, nhà vinh hiển
Em mến người, càng mến bút hoa.
4.
Phùng tộc thời nay cũng tặng quà
Tám sao chói lọi tỏa ngàn hoa\
Bái đường nhang ấm dâng sử biểu,
Khải thánh trò ngoan tới ngợi ca
Khuê các rực trời soi phát thưởng
Thiên quang tỏa nước khắc đăng khoa
Tương phùng mùng 6 ngày tri ngộ
Ôi! Chính ngày xuân quyến luyến ta!
PHÙNG TỘC PHÁT THƯỞNG CẢM ĐỀ
(Đường Thi tứ thư)
1.
Văn Miếu bia nghè thắm nét hoa
Họ Phùng đá khắc mãi không nhòa
Tiên phong Thạch Thất ngời tên Đốc,
Khai nghiệp Kỷ Mùi lóe sấm xa
Hữu Hiệu, Phùng Ông lừng trận bút
Viết Tu, Thế Triết dậy tên loa
Kìa xem: Phùng Trạm giành tiên quế
Bá Ký rung trường sóng Vũ qua!
2.
Vượt Vũ Môn còn một đóa hoa
Danh tuy Hoàng giáp, tiếng lan xa
Dân tôn, Quốc trạng bừng Hoa - Việt
Sĩ trọng, Á Đông vọng tráng ca
Mai Lĩnh - mai thơm lừng vạn thuở
Khắc Khoan - khắc mãi thấm muôn nhà
Miếu Văn - Tế tửu thành gương sáng
Phần thưởng tên người mở bảng khoa.
3.
Ơi nhớ: vua ban thưởng đậm đà
Quỳnh Lâm vườn ngọc tưởng cung nga
Ngựa hồng dong duổi tay chàng lễ
Phấn trắng nồng nàn võng thiếp qua
Như áng mây xanh đời nhẹ bước
Như trời thắm đỏ mở đường ra
Dân làng kiêu hãnh, nhà vinh hiển
Em mến người, càng mến bút hoa.
4.
Phùng tộc thời nay cũng tặng quà
Tám sao chói lọi tỏa ngàn hoa\
Bái đường nhang ấm dâng sử biểu,
Khải thánh trò ngoan tới ngợi ca
Khuê các rực trời soi phát thưởng
Thiên quang tỏa nước khắc đăng khoa
Tương phùng mùng 6 ngày tri ngộ
Ôi! Chính ngày xuân quyến luyến ta!