(Kỷ niệm lần đi công tác đặc biệt với Chính ủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Sắp Tết, trời se lạnh.
Theo cách hiểu truyền thống, hôm nay ngày 11 tháng 2 năm 1969 (tức ngày 25 tháng 12 Mậu Thân) là ngày 25 Tết Kỷ Dậu. Không khí Tết đâu đó đã nhộn nhịp.
Mới sáng, tôi và Xuân Át được Chính ủy kiêm Tư lệnh Phòng không - Không quân Đặng Tính (1967-1969) gọi đi công tác cùng ông.
Lên xe, ông bảo cậu lái xe:
- Cho xe chạy tới số nhà 30 Hoàng Diệu, Ba Đình.
- Dạ, vâng! - Cậu lái xe trả lời.
Chúng tôi ngỡ ngàng. Chính ủy tuy hiền, giản dị, gần với chiến sĩ nhưng cái gì thuộc về nguyên tắc bí mật, ông rất cẩn thận và kín kẽ đến lạ thường.
Chỉ khi chiếc U-oát chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trong sân chạy ra, xe lăn bánh sau xe của chúng tôi, ông mới nhỏ nhẹ nói:
- Hôm nay Đại tướng bảo với mình, theo lệnh trên, đi tiễn các đơn vị pháo cao xạ của Trung Quốc, bảo vệ lính làm đường ở vùng Thái Nguyên về nước.
Đoàn đi tiễn quá ít người, hơn nữa không có phiên dịch.
Hai chiếc xe theo đường số 3, qua Trung Giã, Ba Hàng Sông Công, hướng Thái Nguyên. Khi tới gần Thái Nguyên, từ xa đã nhìn thấy các quả đồi, những đường giao thông hào, ụ pháo đỏ quạch với các băng khẩu hiệu nền trắng. Đó là các trận địa pháo cao xạ phòng không của Trung Quốc bảo vệ Thái Nguyên và Sở chỉ huy Quân khu bộ 34 của họ.
Chúng tôi không lên trận địa, chỉ đi vòng dưới chân đồi, rồi theo Quốc lộ 1B qua Sơn Cẩm hướng Lạng Sơn. Rời đường chính tiến vào Khu bộ 34 (mật danh do Trung Quốc gọi) thì gặp trạm gác của lính Trung Quốc.
Vừa biết đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới chúc Tết sớm, cả khu đồi như đang rung chuyển. Những chiếc mô tô Hạnh Phúc ba bánh, chạy rầm rập, chở các lãnh đạo của họ tập trung về hội trường làm bằng gỗ, tre, lá để tiếp đón.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Tư liệu
Rất nhanh, trước cửa hội trường trên đường đi vào, hai hàng quân, một bên nam, một bên nữ, trang phục chỉnh tề, ngực cài huy hiệu Mao Trạch Đông, tay cầm chước tác bìa đỏ in hình Mao Chủ tịch.
Tôi kéo Át lùi lại phía sau, tạt vào khu doanh trại. Có một lính Trung Quốc đi theo, nói được tiếng Việt. Gặp một nữ giải phóng quân Trung Quốc tới giơ tay:
- Chào đồng chí...
Trước khi đáp lời, nữ quân nhân cho tay vào túi, rút quyển chước tác bìa đỏ, cầm lên tay rồi mới thưa... Tôi quay lai, nói nhỏ với Át: “Khi nào mình chào hỏi người nữa, cậu nhớ chụp lấy cái ảnh rút quyển chước tác từ trong túi ra”... (hôm đó tôi không mang máy ảnh).
Cuộc gặp gỡ thân tình giữa hai bên, trong những ngày cuối cùng của năm Mậu Thân, người tiễn và người về với bao tâm tư? (Bọn tôi không rõ đó là sự dàn xếp của ai?).
Kết thúc lễ nghi của buổi gặp gỡ, với những lời cảm ơn và chúc tụng. Bạn mời ta cùng họ đón Tết sớm Kỷ Dậu ngay tại đây. Đại tướng nhận lời và cho chúng tôi không phân biệt lính, quan cùng dự tiệc Tết của người Tàu. Với chúng tôi, đó là lần đầu tiên ăn Tết do người nước ngoài mời.
Chẳng mấy chốc, hội trường biến thành khách sạn. Bàn, ghế được trải khăn trắng, bát đĩa, cốc, chén... bày ra. Chúng tôi ngồi xen kẽ với lính và quan của họ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chính ủy Đặng Tính đều vui.
Sau khi Đại tướng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và gửi lời chúc sức khỏe tới gia đình họ, khi họ về nước đón Tết bằng tiếng Quan Thoại Quảng Đông, cả hội trường vỗ tay không ngớt.
Vì lần đầu tiên được ăn Tết ngoại, nên tôi rất ngờ nghệch. Họ bày ra món gì, được mời là chén luôn. Dù món ấy có ăn hết hay không, họ lại cất đi, bày món khác, liên tiếp... Riêng rượu phải đến bốn hay năm loại. Thấy tôi bóc vỏ quả trứng muối (món tôi thích ăn khi đi đường Trường Sơn năm 1968 vào Khe Sanh), cậu bạn Trung Quốc ngồi cạnh nhắc:
- Trứng ấy mặn lắm đấy, bạn!
Tôi phát hoảng, thì ra họ nói tiếng Việt quá giỏi. Tôi lái sang chuyện khác:
- Vừa qua các đơn vị pháo cao xạ của các bạn tác chiến với không quân Mỹ ra sao?
Cậu bạn trả lời:
- Theo phương án tác chiến của chúng tôi, khi máy bay bay vào nếu chúng bổ nhào ném bom trận địa, chúng tôi ẩn nấp. Bom nổ xong, chúng tôi về pháo ngắm bắn. Chúng tôi dùng pháo cao xạ 2 nòng 25 ly, tốc độ bắn nhanh, mật độ đạn dày đặc, khả năng tiêu diệt mục tiêu cao... Mỗi trận địa đặt từ 4 đến 6 khẩu tùy theo địa hình. Các ụ pháo đều có hầm trú ẩn và giao thông hào nối từ ụ pháo này sang ụ pháo kia, khi cần hỗ trợ.
Tôi lắng nghe, tuyệt không dám bình luận gì, thỉnh thoảng chỉ gật đầu tán thưởng. Anh bạn không hề biết tôi cũng là một pháo thủ cao xạ 37 ly, có hai năm trực tiếp cầm súng bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ trên bầu trời Sơn La (1965-1966).
Tan tiệc ra về, tôi thấy Đại tướng và Chính ủy, các ông đểu mãn nguyện, hình như trút đi được một gánh nặng không biết từ đâu tới, sau khi nhận câu đáp của bạn: “Chúng tôi sẽ hoàn thành trước Tết!”
Những năm đó, câu chuyện này là tuyệt mật.
Chính ủy dặn chúng tôi:
- Các cậu biết để lưu vào lịch sử thôi, chớ lộ ra đấy!
Tất nhiên, ảnh cùng tin không đăng báo. Mà số người biết chuyện này cũng quá ít?
Cuộc chiến chống Mỹ đã lùi xa, các góc khuất của lịch sử, nào ai có thể giải mật hết? Chỉ biết trước Tết Kỷ Dậu (1969) trên đất Việt không còn một người lính làm đường nào của Trung Quốc.
PHÙNG ĐẮC TƯ
Nguyên phóng viên Báo Phòng không - Không quân