(Thứ bảy, 26/10/2024, 03:01 GMT+7)

Nhân 411 năm ngày Giỗ danh nhân văn hóa lịch sử Phùng Khắc Khoan (24/9/1528 - 24/9/1613 Âm lịch); Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương; các cành nhánh họ Phùng các nơi đã về kính lễ. Nhân dịp này, Ban Biên tập đưa lại một số bài viết trong Hội thảo về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và một số hình ảnh tại buổi lễ Giỗ đức ngài.
 

TRẠNG BÙNG (1528 - 1613) VÀ ĐẠO GIÁO DÂN GIAN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH
LỊCH SỬ - XÃ HỘI ĐẠI - VIỆT THẾ KỶ XVI - THẾ KỶ XVII

 
Thế kỷ XVI của Đại - Việt đã nảy sinh ra những con người có “cuộc đời ngoại hạng”. Chỉ xin phép kể tóm tắt trước tiên 3 nhà văn hóa lớn:

- Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tân Mùi 1491 - Ất Dậu 1585) quê xứ Đông (Cổ Am - Vĩnh Bảo, Hải Phòng nay) “Mạc triều Trạng - nguyên Tề tướng” (Trạng nguyên Ất Mùi 1535), mà cuộc đời hoạt động chính trị - xã hội - văn hóa như đám Mây Trắng (Bạch Vân) bao trùm phần lớn thế kỷ XVI, nhà lý học lớn nhất đất Việt trời Nam, danh tiếng vang tới tận Trung Hoa… Và Sấm Trạng Trình mấy trăm năm sau, cho đến tận ngày nay, vẫn được dân gian nhắc nhở(1). Sau khi Mạc Đăng Dung mất, cụ dâng sớ xin chém 18 gian thần, không được nghe, đã xin về nghỉ ở quê, dạy học.
- Trạng Kế Giáp Hải, Trạng nguyên niên hiệu Đại - Chính thứ 9 nhà Mạc (1538), bạn vong niên của cụ Trạng Trình, Lại bộ thượng thư, Luân quận công, “có tài văn học, giỏi về ngoại giao” với bài thơ họa “vịnh BÈO” nổi tiếng (1540), “xem bài họa, họ Mao (Bá On), họ Cừu (Loan) không dám tiến 11 vạn quân vào cõi nước ta”(2). Cuối đời Mạc, sau mấy lần dâng sớ vạch các tệ hại chính trị - xã hội, không được nghe, cụ cũng xin nghỉ hưu.
- Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (Mậu Tý 1528 - Quý Sửu 1613). Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580) thời Lê - Trịnh, làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Quốc tử giám tế tửu, tặng Thái tể Mai quận công, từng làm chánh sứ sang Bắc quốc 1597-1598, thơ văn được in tại kinh đô nhà Minh, giao thiệp với các sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản… được vô cùng kính nể.

Tương truyền trong dân gian, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình và chắc chắn là đã từng là học trò Trạng Trình và cũng giỏi lý số. Cuối đời, chúa Trịnh Tùng nghe lũ gian - nịnh thần dèm pha, bắt cụ đi đày.

Trong ba danh nhân ấy, Trạng Trình, Trạng Bùng xuất thân nghiệp Nho, nhà quan, còn Trạng Kế bố mẹ xuất thân nghèo hèn, được một người buôn thuyền “bắt cóc” làm con nuôi rồi cho ăn học, đỗ đạt.

Cả ba ông Trạng Nho này đều không hẳn là nho chính thống mà đều pha chất Đạo học, Lão Trang, Ký Số, Sấm vĩ…
Ba danh nhân văn hóa ấy sinh sống và hoạt động đồng thời với ba nhà chính trị đối ứng / đối lập nhau của Bắc Triều (Thăng Long - Mạc) - Nam triều (Thanh Hoa, Lê Trịnh) rồi sau đó của Đàng Ngoài (Lê - Trịnh) - Đàng Trong (Nguyễn):
- Mạc Đăng Dung (Quý Mão, Hồng Đức 14, 1483 - Tân Sửu 1541) xuất thân dân nghèo đánh cá ở Kẻ Chài (Cổ Trai) ven biển xứ Đông (Nghi Dương, Kiến An cũ, Hải Phòng nay), giỏi đánh vật mà trúng đô lực sĩ, được sung vào đội túc vệ, cầm dù theo xe vua Lê, đầy khôn ngoan và thủ đoạn, cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc (Đinh Hợi 1527); con cháu khi mất Thăng Long (1592) còn làm vua ở Cao Bằng đến tận năm 1677(3).
- Trạng Trình, Trạng Kế đều đậu Trạng nguyên và làm đại quan đời Mạc. Cũng chỉ ở đời Mạc mới có một vị nữ tiến sĩ Hán học duy nhất của nước ta, cũng đáng xếp vào “những cuộc đời ngoại hạng”, đó là bà Nguyễn Thị Duệ, cũng người xứ Đông (Kiệt Đặc, Chí Linh) đỗ đầu bảng tiến sĩ ở Cao Bằng đời vua Mạc Kính Cung (1593 - 1625) khoa Bính Thìn (1616)(4), làm “cung trung giáo tập”cho cả triều Mạc - Cao Bằng rồi sau cho triều Lê  - Trịnh Thăng Long.
Ta sẽ còn trở lại với vấn đề nhà Mạc vì quê Mẫu Liên là đất Mạc và Mẫu sống ở trần gian đời Mạc, để xem cũng là để xét lại việc Phùng Khắc Khoan bỏ đất Mạc vào xứ Thanh (1553 - 1554) theo Lê - Trịnh; năm 1592 trở lại Thăng Long đất Bắc và “phát hiện” ra Mẫu Liễu Hạnh thời Mạc, trong khi đó Trạng Trình vẫn ở lại đất Mạc nhưng lui về ẩn dật ở Cổ Am, làm Bạch Vân cư sĩ “nhàn một ngày là tiên một ngày”.  Và Trạng Kế cũng đầy bi kịch ở cuối đời Mạc.
- Trịnh Kiểm (Quý Hợi 1503 - Canh Ngọ 1570). Người rất tin dùng Phùng Khắc Khoan (tuy 10 năm sau khi Trịnh Kiểm mất, Phùng mới đỗ đại khoa (tiến sĩ) và đã coi Phùng là “Tương Tử Phòng” (Trương Lương, đại mưu sĩ của Hán Cao Tổ) của mình, biết “nhìn” nhân tài từ khi chưa hiển đạt. Nhưng sau con ông là Trịnh Tùng bắt cụ đi đày ở xứ Nghệ, nơi “Mẫu Liễu” gặp “Đào Lang” lần thứ hai).
Các sách Trung hưng thực lục của các vị đại thần - đại nho bề tôi chúa Trịnh hay / và Trịnh gia thế phả do chính con cháu nhà Trịnh “khai báo” cho vua Nguyễn Gia Long (1802)(5) đều không giấu giếm sự thực về tổ tiên của họ Trịnh và khai rõ như thật, khiến giáo sư lừng danh Hoàng Xuân Hãn phải thốt lên:
“Các sử gia, khi chép gốc tích vua chúa, thường tìm kiếm hoặc bịa đặt những kinh dị để xác chứng cái thuyết THIÊN ĐỊNH hoặc ĐỨC TIN VÀO ĐIỀM LÀNH.
Nhưng đối với họ Trịnh, họ không giấu cái gốc hàn vi ti tiện. Ngay như các sử thần dưới triều Lê – Trịnh cũng đã công nhiên chép sự ấy rõ ràng”(6).
Sự thực về Trịnh Kiểm được chép trong 2 sách ấy, tóm tắt như sau:
1. Tổ 4 đời của Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu, tổ quán ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) xứ Thanh, nhà nghèo, không dính dáng gì với dòng họ Trịnh “công thần” đầu đời Lê là dòng họ thấy Túy Trịnh Khả hay/ và Trịnh Khắc Phục ở Thủy Chú, huyện Lô Dương (Thọ Xuân). Sau ông dời nhà sang Biện Thượng gần đó, cũng ở tả ngạn sông Mã (cũng gọi là Bồng Thượng, gần Ngã ba Bồng), ngụ cư ở đó 3 đời, sinh ra Trịnh Kiểm. Kiểm là con thứ ba; lên 6 tuổi, bố mất, mẹ con lại kéo nhau về Sóc Sơn. Nhà nghèo, đi chăn trâu, cùng trẻ mục đồng kết thành đội ngũ, luyện tập ở núi như thể binh cơ”.
Ông là “thủ lĩnh” của đám mục đồng đó, hay đi ăn trộm gà vịt cho mục đồng ăn uống rồi sau đó ăn trộm cả trâu, giết thịt khao mục đồng (cùng “mô - típ” văn hóa dân giann với Đinh Bộ Lĩnh). Có người làng thấy, trẻ mục đồng chạy hết, một mình Trịnh Kiểm ở lại “chịu trận”, bị điệu về Đình làng(+). Làng bắt khoán, mẹ và họ Trịnh phải góp tiền đền. Trịnh Kiểm bây giờ 16 tuổi (1518), bị đuổi khỏi làng, phiêu lưu tới tận Bồ Xuyên (Yên Mô – Ninh Bình).
2. Nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê (1527), có bầy tôi là Nguyễn Kim ở trang Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn dòng dõi đại thần Nguyễn Đức Trung – bố vợ Lê Thánh Tông (Trung Lang -  Dụ - Kim), nổi dậy chống Mạc, có căn cứ ở sách Cổ Lũng huyện Cẩm Thủy.
Trong dòng họ Trịnh Kiểm có người anh con nhà bác đã theo Nguyễn Kim. Lúc này Trịnh Kiểm 2 tuổi, có vợ con, ở Bồ Xuyên, vợ họ Trần.
3. Xã Biện Thượng có người họ Lê, tướng quân nhà Mạc, tước Ninh Bang hầu(++). Mẹ Trịnh Kiểm đem con đến xin làm gia thần Trịnh Kiểm ở trại của Ninh Bang hầu, cày ruộng và nuôi trâu ngựa. Hằng ngày Kiểm tập cưỡi ngựa và nhờ đánh bạn với con cái tù binh Chàm(++) vốn làm điền binh ở đó, nên rất tinh về ngựa hay.
Ông đã lấy trộm con ngựa hay của tướng Mạc và chạy trốn lên Cẩm Thủy.
4. Tướng Mạc đuổi bắt, Kiểm đi trốn ở xã Yên Định (Bên hữu ngạn sông Mã đối diện với Biện Thượng ở tả ngạn). Ninh Bang hầu sai bắt mẹ ông, dọa về bảo Trịnh Kiểm phải trả ngựa, nếu không sẽ không tha. Được tin báo, Kiểm về nhà cậu ở Hổ thôn (cạnh xã Yên Định) định đưa mẹ, vợ con đi trốn. Bị phát hiện, Ninh Bang hầu (của Mạc) sai xã trưởng Sóc Sơn, Biện Thượng đem đinh tráng đi bắt. Nhưng xã trưởng Biện Thượng là người cùng họ nên thấy hai mẹ con ông ở hiên sau đang bắt rận, đã ném đất làm hiệu. Trịnh Kiểm xé rào chạy trốn.
Mẹ ông bị bắt, bị Ninh Bang hầu bỏ rọ tre cùng tảng đá lớn trôi sông. Trịnh Kiểm nhờ các bạn Người gốc Chăm giúp ông tìm được thây mẹ đem chôn lén ban đêm.
5. Từ đó Trịnh Kiểm theo Nguyễn Kim cấp cho binh mã, quản đội ngựa. Ông luyện tập binh mã, đóng đồn ở Vạn – Lại, đánh Mạc một trận đã thắng to. Ông (tuy đã có vợ con họ Trần từ trước) được Nguyễn Kim gả con gái là Nguyễn Thị Bảo. Bà này sinh ra Trịnh Tùng.
“Thế là Trịnh Kiểm, trong khoảng chừng mười năm, từ địa vị cố cùng, can phạm, đã vượt lên hàng đại thần (được ban tước Dực quận công năm Kỷ Hợi (1539 – 37 tuổi). Rồi sáu năm sau, chiếm hết quyền văn vũ, sau khi kẻ đỡ đầu (và cũng là bố vợ mình) đã bị một viên hàng tướng nhà Mạc đầu độc (Ất Tỵ 1545). Biết đâu trong vụ này không có tay ngầm của Trịnh Kiểm (suy luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn hoàn toàn phù hợp với ghi chép tại chỗ của giáo sĩ Công giáo xứ Thanh - TQV). Tuy bấy giờ chỉ lấy danh Thái sư Lang quốc công, nhưng kỳ thật đã nắm hết quyền bính như một chúa tế(6). Vua Lê chỉ là bù nhìn và từ đó về sau những ông vua Lê khi được chúa Trịnh bế lên ngôi trên ngai vàng, “Ông” nào lớn nhất cũng chỉ độ 10 tuổi là cùng. Trịnh Kiểm đã có lúc, khi vua Lê mất, muốn lên làm vua. Con ông là Trịnh Tùng đã giết hại vua Lê này rồi lập 2 vua Lê khác; và cứ thế dòng họ Trịnh thấy vua Lê nào định “nhúc nhích” không chịu thân phận bù nhìn là giết luôn. Dựng vua Lê, chẳng qua chỉ cho tròn danh nghĩa “để có thể hội tụ được các nhóm văn thần võ tướng còn nặng óc cương thường đạo nghĩa theo thuyết tôn quân”. Mặt khác, đó cũng là khả năng duy nhất để yên lòng dân chúng”(4). Và sau này, khi thế lực Nguyễn nổi lên ở Đàng Trong và ra mặt chống đối chúa Trịnh (lúc Trạng Bùng còn đang sống và làm đại thần triều Lê Trịnh và Mẫu Liễu “giáng trần lần thứ 2, thứ 3, chúa Trịnh càng cần giữ vua Lê ở ngôi “hư vị” để giữ cho triều đình của họ Trịnh cái vẻ danh nghĩa, cái “chính thống”, với cả Bắc quốc – Minh – Thanh ở Bắc, với cả chúa Nguyễn ở Nam cùng cai quản “bách thần” trong đó có Mẫu Liễu Hạnh (chỉ có VUA – không phải CHÚA) mới có quyền “phong sắc” cho Mẫu Liễu Hạnh và bách thần. (Sắc phong của Mẫu vào các niên hiệu Dương Hòa đời Lê Thần Tông, Chính Hòa đời Lê Huy Tông (cuối thế kỷ XVII). Chúa Trịnh Kiểm rất tin phong thủy, rất cẩn thận việc mồ mả tổ tiên… Các bà phi của các chúa Trịnh rất chăm lễ bái và hưng công sửa sang, xây dựng ĐỀN CHÙA, MIẾU MẠO.
- NGUYỄN HOÀNG (Ất Dậu 1525 - Quý Sửu 1613). Trái với hai nhân vật chính trị kiệt xuất trên xuất thân nghèo hèn, Nguyễn Hoàng xuất thân từ một “vọng tộc” ở Gia - Miêu, Tống Sơn, Hà Trung, dòng dõi công thần từ đời Lê Lợi và con cháu đời đời làm công thần triều đầu Lê, đặc biệt từ đời Lê Thánh Tông (vợ vua là con gái Nguyễn Đức Trung, cụ của Nguyễn Kim, kỵ của Nguyễn Hoàng).
Cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, khi Lê Thánh Tông rồi Lê Hiến Tông nằm xuống thì từ triều đình đến thôn dã “loạn” ngay.
“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”…
(Họa phúc mối mầm đâu một chốc)
                                                                     (Ức Trai)
Thế kỷ XVI – XVIII là một thời loạn lạc, đảo lộn về xã hội và nội chiến liên miên giữa các thế lực chính trị.
Nguyên nhân sâu xa phải tìm ở cuối thế kỷ XV, ngay trong cái thời gọi là “thịnh trị của nhà Lê – đời Lê Thánh Tông – như các vị sử gia chính thống từ Lê Trịnh đến ngày nay chép; ai cũng ca ngợi thời Hồng – Đức là thời có vua giỏi, tôi hiền”. Riêng tôi, từ lâu đã không nghĩ thế. Chỉ xin kể vài chuyện:
1. Ngay năm đầu lên ngôi (Quang Thuận 1, 1460), Lê Thánh Tông lấy cớ vợ vua Lê Lợi tên là Trần (Phạm Thị Ngọc Trần) đã ra lệnh bắt họ Trần dòng họ thân Dân làm nên đại chiến công bình Mông – Nguyên vang lừng thiên hạ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được giới lịch sử quân sự toàn thế giới (do Hội khoa học hoàng gia Anh – Viện Hàn lâm khoa học triệu tập họp Hội nghị ở Lon – đon 1984) đã suy tôn Ngài là đứng đầu trong 10 danh tướng thế giới cổ kim – đổi họ sang họ Trịnh(7).
Loạn đầu tiên thế kỷ XVI là loạn TRẦN TUÂN (1511) ở Sơn Tây quê cụ Trạng Bùng. Loạn lớn nhất đầu thế kỷ XVI là loạn TRẦN CẢO (hay CAO, 1516) ở Đông Triều, Yên Tử xứ Đông quê hương tổ tiên (theo sách này) hay quê hương thứ hai (theo sách khác) của nhà Trần và “tự xưng” là cháu chắt nhà Trần. Loạn Trần Cảo (cùng sau đó con là Trần Thăng (hay Cung) phát triển lên xứ Lạng nơi Mẫu cũng “xuất hiện”) trên thực tế đã làm sụp triều Lê (Mạc Đăng Dung chỉ là người khéo sử dụng THỜI CƠ mà vươn dậy rồi cướp ngôi Lê 1527).
2. Vua Lê Thánh Tông là người hiếu sát, ngay đầu tiên đã giết Cung vương Khắc Xương (1476) là anh ruột, người đã “cố ý từ chối ngôi vua” để cho em (Thánh Tông) làm vua(8). Sử thần nhà Lê mà còn “dám” bình luận Lê Thánh Tông “tình nghĩa anh em thiếu lòng thân ái, đó là chỗ kém”(9).
3. Cũng ông vua này là người hiếu sắc, sử thần Vũ Quỳnh “dám” bình: “Vua nhiều phi tần quá nên mắc phải bệnh nặng (bệnh giang mai? TQV). Trường – lạc hoàng hậu (mẹ Lê Hiến Tông, họ Nguyễn Gia – Miêu, con Nguyễn Đức Trung) thì bị giam lâu ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm đem thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở loét, bệnh vua càng thêm nặng (rồi chết)(10).
Việc này sinh ra hai chuyện:
1) Vua chết sớm, 56 tuổi.
2) Cả dòng họ Nguyễn Gia Miêu thù hận, nên khi Hiến Tông, con bà Trường Lạc họ Nguyễn lên ngôi, họ Nguyễn lộng quyền. Vua Uy Mục (Giáp Tý 1504) giết bà Trường Lạc “ruồng đuổi người họ tông thất và công thần về địa phương Thanh Hóa”(11) khiến Nguyễn Văn Lang (con Nguyễn Đức Trung (ông nội (hay bố), tùy sách chép) Nguyễn Kim) ôm hận, nổi loạn (có Lương Đức Bằng (thầy học Trạng Trình, bố Lương Hữu Khánh – bạn thân Phùng Khắc Khoan) viết hịch kể tội Uy Mục) giết Uy Mục, lập Tương Dực (1509). Người Minh gọi Uy Mục là vua Quỷ, Tương Dực là vua Lợn.
Sau khi Thánh Tông, rồi Hiến Tông mất (1506) là cả một thời kỳ các dòng họ ngoại thích (họ các vợ vua Lê) hoành hành và dòng họ các công thần (cũng đồng thời là ngoại thích) tranh nhau quyền lực.
4. Nổi bật lên trong triều đình Lê suy đốn đầu thế kỷ XVI là sự tranh giành quyền lực của hai dòng họ công thần mà Lê Quý Đôn đã nhận ra(12):
“Họ Thủy Chú (Trịnh) và họ Tống Sơn (Nguyễn) đều là họ công thần hạng nhất, danh vọng trên đời, mà bỗng dưng sinh hiềm khích. Nhà vua (Chiêu Tông) hòa giải cũng không yên. (Nguyễn) Hoàng Dụ (theo Lê Quý Đôn là anh Nguyễn Kim, còn theo các sử sách khác thì là cha Nguyễn Kim. TQV chú) cử binh đánh Trịnh Tuy, Tuy chạy về Lôi Dương. Trần Chân là con nuôi (Trịnh) Duy Sản, nên bênh Trịnh Tuy, bèn cử binh đánh Hoằng Dụ, Hoằng Dụ chạy về Tống Sơn. Thế là chỉ còn một mình Trần Chân lưu lại triều đình làm phụ chính.
Vua thấy hai họ đánh nhau, chưa phân đằng nào phải trái, lại nghe lời Trần Chân, sai (Mạc) Đăng Dung dẫn thủy quân đuổi đánh Hoằng Dụ ở Thanh Hóa. Hoằng Dụ đưa tờ thư và bài thơ cho Đặng Dung, Đặng Dung bèn án binh bất động, nên Hoằng Dụ được chạy thoát”.
Mạc Đăng Dung rất khéo lợi dụng mâu thuẫn giữa các dòng họ công thần ngoại thích này mà leo dần lên ngôi vị cao ở triều đình Lê cuối:
- Xin cho con Mạc Đăng Doanh cưới con gái Trần Chân làm vợ.
- Chiêu Tông nghe lời dèm giết Trần Châu.
- Mượn thế các “giặc làm loạn” để giết bớt các đại thần cũ của vua Lê.
- Năm 1518 Nguyễn Hằng Dụ chết. Nguyễn Kim cũng bỏ vào xứ Nghệ. “Mạc Đăng Dung lại càng tung hoành(13), “triều đình ai cũng phục(14)”.
- Năm 1524 Trịnh Tuy chết. (Trước đó Trịnh Duy Sản đi đánh “giặc Trần Cảo” đã bị Trần Cảo bắt sống đem vè hành dinh Vạn Kiếp giết chết(15) (1516). Cũng năm đó (1516) chú Nguyễn Hoằng Dụ là Văn Lự ngầm hẹn với Trịnh Duy Đại cùng vào trước mặt vua, tâu xin hòa giải giữa hai dòng họ rồi bắt Trịnh Duy Đại đem chém, bêu đầu ngoài cửa thành…(16)).
Thế là dòng họ Trịnh Thủy Chú Lôi Dương hết thời vận. Vậy cố nhiên trong triều Lê cuối chỉ còn Bình chương quân quốc trọng sự, thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung (1524) cùng vây cánh họ Mạc.
Mạc Đăng Dung lên ngôi vua (1527) là một tất yếu lịch sử sau cả một chuỗi dài sự biến “trong triều ngoại nội” như vậy. Đây là một ông vua bình dân, chính sự tốt, ngoại giao khéo léo, cởi mở về tôn giáo – tín ngưỡng, tư tưởng, “mở cửa” để buôn bán trong ngoài nước phát triển.
5. Ai cũng biết và cũng ca ngợi chiến công Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, lập thêm đạo Quảng Nam (từ Quảng Nam đến Phú Yên nay) là đạo thứ 13 của nước Đại Việt. Song các sử gia “chính thống” lại “quên” hậu quả lịch sử “tiêu cực” của “chiến công” đó:
- Với “chiến dịch” này, Lê Thánh Tông chém giết hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 3 vạn người Chăm, kể cả vua Chăm “Trà Toàn” cùng vợ con(17).
Hiếu sát đến thế là cùng!
Ba vạn tù binh Chăm bắt về, để ở triều đình một số, một số chia cho các đại thần, các đền chùa làm gia nô, một số đi làm “điền binh” ở các Sở đồn điền sau trở thành các làng Chăm Việt hóa với nhiều tín ngưỡng Chăm, như thờ NỮ THẦN SỨ SỞ, thờ Đế Thích (Indra).
Cái giá phải trả:
Trà Toại và vợ con bị an trí 30 năm ở ngoài cửa Bảo Khánh (khu Giảng Võ nay).
Đầu thế kỷ XVI (Cảnh Thống), Trà Phúc lấy trộm hài cốt của cha là Trà Toạn trốn về nước, “đến đây các nô người Chiêm của các nhà thế gia công thần (và) ở các điền trang cũng đều trốn về nước”(18). Ai còn ở lại, thì họ xui các bạn bè, quan lại người Việt của họ “làm loạn”.
Đứng ngay sau TRẦN CẢO là PHAN ẤT – nguyên là gia nô người Chiêm của Trịnh Duy Đại.
Bạn bè Trịnh Kiểm, như đã nói, là ba cha con người Việt gốc Chiêm ở Yên Định.(+)
“Loạn người Chiêm” và tín ngưỡng Chăm ở miền Bắc Đại Việt là một sự kiện lớn làm nghiêng ngửa triều Lê – Nho cuối. Ta khó lòng chỉ “đổ tội” cho mấy ông vua Uy Mục, Tương Dực…
(Tất nhiên mấy ông vua này cũng chẳng ra gì, song xin nhớ chính Tương Dực trung phong cho Nguyễn Trãi là Tế văn hầu chứ không phải là Lê Thánh Tông. Ông này tuy có “phục hồi” cho Nguyễn Trãi nhưng lại hạ Ức Trai xuống tước “bá”. Cũng không phải Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ cứu mẹ con Tư Thành (Thánh Tông) mà là Trịnh Khả(19). Lê Thánh Tông nhớ ơn đó, rất ưu đãi con cháu họ Trịnh, vì vậy mà họ Trịnh rất lộng quyền ở đầu thế kỷ XVII ).
6. Điều quan trọng hơn nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng ở thế kỷ XVI là việc nhà Lê mô phỏng triều Minh xây dựng một nền quân chủ - nho giáo độc tôn, chuyên chế. Chẳng phải bỗng dưng mà tác giả Việt Nam Phật Giáo sử luận hạ lời bình: Nhà Lê thắng Minh về quân sự nhưng lại thất bại với Minh về văn hóa(20).
Khi viết về gốc tích và hành xử Lê Lợi(3), tôi xã trích dẫn cuốn sách rất đáng tin cậy Lam Sơn thực lục(21) do chính Lê Lợi sai các văn thần – trong đó có Nguyễn Trãi ghi lại và nhà vua đề tựa, nói về những sự việc Lam Sơn phán tích, trích những đoạn liên quan đến tâm thức Lê Lợi mà các sử giả “chính thống” cố tình “lờ” đi (nhưng Lê Quý Đôn lại nhấn mạnh): Đó là việc Lê Lợi rất tin thuật phong thủy, tin cả tín ngưỡng Hà Bá (thần Phổ Hộ) mà quẳng vợ mình (mẹ Thái Tông) xuống sông làm vợ Thần Sông.
Nhưng thắng lợi xong, ra Thăng Long – Đông Kinh làm vua, là ông ra lệnh cấm ngay “vu tràng tả đạo”. (Song các đại công thần như Lê Sát vẫn làm lễ hiến tế “ngựa trắng”, một tín ngưỡng Aryan cổ thờ Thần Mặt trời được hội nhập từ Ấn Độ sang ta đã lâu(22) và Lê Ngân vẫn “thờ Phật bà Quan Âm trong nhà để cầu cho con gái được vua yêu”, nuôi cả mụ đồng và thầy phù thủy họ Nguyễn, họ Trần trong nhà. Bị cáo giác, Lê Thái Tông đã giết ông, tịch thu gia sản, giáng con gái ông từ Huệ phi xuống làm tu dung, mụ đồng họ Nguyễn thì bị đày ra nơi xa, thầy phù thủy là Trần Văn Phương thì phân làm lính ở chuồng voi(23)).
Đến Lê Thánh Tông thì việc độc tôn Nho giáo lại càng quá quắt. Sử quan chính thống của ông vua này là Ngô Sĩ Liêm bình luận về việc Hồ Quý Ly chê Chu Hi, Trình Hạo và Tống Nho như sau:
“Chu tử sinh ở cuối thời Tống, nối sau các tiên Nho Hán Đường, đã chú giải 6 kinh, mới ngược dòng tìm nguồn, hiểu được ý của thánh nhân, sách kinh, rõ được đạo thánh nhân lời giải, hết sức nghiền nghĩ, thấu lẽ vào lòng, nói ra rõ ràng, chỉ dẫn xa rộng, gọi là tập đại thành của chư Nho mà làm khuôn mẫu cho hậu học. Huống chi lại có Trình tử xuống ở trước, mà Chu tử bổ sung những chỗ chưa đủ ở sau, thì nghĩa đã tinh lắm. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, chuốt cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê cãi!”(24).
Ai cũng biết những điều sau đây, chỉ xin nhắc lại để nhớ: - Các vua Lý – Trần sủng cả Phật - Nho - Đạo và rất khoan nhượng với tín ngưỡng đa thần dân gian, văn hóa dân gian.
- Vua Lê theo nhã nhạc, phẩm phục, tang lễ… Trung Hoa, cấm điệu hát dân gian “Lý Liên” (Rí Ren), Lê Thánh Tông đuổi chèo ra khỏi cung đình “vì hay châm biếm người trên” (1465)(25). Ông mở rộng Văn miếu - Quốc Tử Giám (1483) thi Nho thường xuyên(+), bắt chước Trung Hoa “bảng vàng bia đá đề danh” các ông tiến sĩ Nho (1484), mở rộng hoàng thành (1490), làm Đình (1491), định lệ tế Khổng Tử (tế Đinh) Xuân Thu nhị kỳ ở các phủ huyện (1472), ép Sử quan, Sử viện phải cho vua xem nhật lịch – quốc sử (1467) một việc mà không vua nào được quyền xem. Ấy thế nhưng lên ngôi mới một năm ông vua này đã ra lệnh cấm dân làm mới chùa Phật, đạo quán(26). Hai năm sau (1463), ông đã ra lệnh cấm các người làm nghề bói toán, đồng cốt cùng Thiền sư, Đạo sỉ toàn quốc từ nay về sau không được giao thiệp, chuyện trò với người trong cung đình.(27)
Ông và con ông (Hiến Tông) hễ mở miệng hay hạ chiếu chỉ là trích dẫn đầy những Tứ thư, Ngũ binh của Nho giáo Trung Hoa.
Tinh thần khai phóng, cởi mở, “Tam giáo tịnh hành”, “quốc gia mở nước tự có pháp độ riêng, không cần mô phỏng Đường Tống” của nhà Lý, nhà Trần đã biến mất, chỉ còn lại sự độc chuyên tư tưởng Nho – Tống để độc quyền quân chủ. Thế “lưỡng phân văn hóa” (Dualisme culturel) giữa cung đình dân gian dần dà sâu sắc.
Và hậu quả lịch sử thì rành rành ra ngay từ đầu thế kỷ XVI: thời đại của Trạng Trình – Mạc Đăng Dung và cả Trạng Bùng – Mẫu Liễu Hạnh:
1) Thuận sĩ, Sấm vĩ phát triển. Đạo giáo dân gian phát triển. Loạn Trần Tuân ở xứ Đoài, tướng sĩ đều “mặc áo đỏ (Đạo giáo) TRẦN CẢO, “Xã đường thiên hương quan” (theo Minh sử) hay “thuần mỹ điện giám” (theo Toàn thư Đại Việt thông sử) nổi dậy từ chùa Quỳnh Lâm vì “thấy lời Sấm truyền trong dân gian là “Phương Đông có khí thiên tử”, “có người Chăm giúp rập”, “Cào mình mặcáo đen, quân lính đều cạo trọc đầu, tự xưng là Đế Thích (Indra) giáng sinh”, đã từng chiếm hết xứ Đông, xứ Lạng, chiếm được(28) cả kinh thành (1516).
Lại đến lượt TRẦN CÔNG VỤ ở xã Phạm Tùng huyện Gia Phúc (Gia Lộc) xứ Đông CỒ KHẮC XƯƠNG ở xã Nhân Vũ huyện Thiên Thi (Ân Thi) xứ Nam tự xưng là Thiên – bồng, Thiên – vũ, (Đạo giáo dân gian) năm 1517.(29)
lạ lùng không, khi nhà nho nào chả thuộc lòng các câu “kinh điển” Nho giáo như “Tử bất ngữ QUÁI, LỤC, LOẠN, THẦN” “QUỶ THẦN KÍNH NHI VIỄN CHI”, v.v… nhưng ở thế kỷ XVI thì hai ông tiến sĩ Nho VŨ QUỲNH  và KIỀU PHÚ riêng rẽ nhau hay hợp tác với nhau san định Lĩnh nam chính quái, ông hương cống Nho NGUYẾN DỮ (có Phùng Khắc Khoan là bạn thân nhuận chính) viết Truyền kỳ mạn lục. Phùng Khắc Khoan 3 đời Nho lại chơi với đạo sĩ Vân Canh, giỏi phong thủy, thuật số, sấm, v.v… Cha làm thơ khuyên ông chuyên học Nho, đừng theo Đào Tiềm, ông cung kính làm thơ phúc đáp: Vâng lời cha con vẫn học Nho song cũng phải học phong cách thơ ca ông Đào chứ ạ!(30)
Trạng Trình là bậc đại Nho nhưng cũng đầy chất lý số, sấm vĩ, Lão – Trang. Tôi hoàn toàn chia xẻ ý kiến của GS Trần Lê Sáng suy đoán: “Chắc rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dạy học không theo chương trình thi cử, ông cũng đã truyền Đạo học cho học trò và những học trò xuất sắc nhất như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khanh… (TQV) lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất”. (30).
Có lẽ nên nói thêm là thày học Trạng Trình là Lương Đắc Bằng tuy cũng Nho mà cũng Đạo, và đã truyền Thái Ất thần kinh (hay Thái Huyền Kinh) cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan đã lần đầu tiên Diễn nôm Dịch lý và cũng làm Sấm ký.
2) Nho giáo xếp hạng Tứ dân theo thứ tự SĨ – NÔNG – CÔNG – THƯƠNG, cho DÂN CHÀI và KÉP HÁT ra rìa “bất lập chung chi địa” (không mảnh đất cắm dùi), “xướng ca vô loài” v.v… thì ông dân chài 3 đời đánh các (BÍNH – HỊCH - DUNG).
Mạc Đăng Dung lên làm vua, xây Dương kinh ở miền bãi biển xứ Đông. Hàng loạt dân chài ven biển Sơn Nam quê Mẫu Liễu Hạnh theo tôn giáo mới du nhập vào Đại Việt năm 1533 là ĐẠO THIÊN CHÚA, với Đức mẹ nữ vương Eve Maria và chúa hài đồng Jesus Christ.(31)
Còn ông kép hát giỏi giang ĐÀO DUY TỪ - người đương thời với Trạng Bùng nhưng trẻ hơn – không được đi thi Nho dưới thời nam triều Lê – Trịnh thì đã bỏ xứ Thanh vô đàng trong theo chúa Nguyễn, cùng chúa tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên tạo nên “những cuộc đời ngoại hạng” khác, đắp “Lũy Thầy để cản quân Lê Trịnh, mở cảng biển cửa Tùng, cửa Việt, cửa Eo và nhất là cảng Hội An cho thuyền tầu ngoại quốc ra vào thông thương, làm giàu có cho Đàng Trong và tiếp tục quá trình Nam tiến” “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”.
Chúa Tiên thì sử sách Đàng Trong ca ngợi:
“… Từ đó (1558 Trấn thủ Thuận Hóa, 1570 kiêm trấn thủ Quảng Nam - TQV) Đoan quốc công Nguyễn Hoàng thu phục hết quân dân hai xứ Thuận Quảng. Voi ngựa, vàng, lụa, thóc, tiền sung dùng vào việc công để ban phát ân đức, chiêu võ muôn dân, thân yêu trăm họ… Dân địa phương hai trấn được an cư lạc nghiệp”(32).
Và sử quan chính thống thấy ở Đàng Ngoài cũng ngợi ca: “Nguyễn Hoàng Trị tự nhậm mấy chục năm (1558 - 1613)”, chính lệnh khoan hòa, thường ban ơn huệ, dùng phép công bang, khuyên răn bản hộ, cấm chấp những kẻ hung ác, dân hai trấn đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đến đều buôn bán, đổi trao phải giá, quân lệnh nghiêm cản, mọi người ra sức”.(33)
Như vậy Nguyễn Hoàng, từ một người dòng dõi công thần nhà Lê, sợ bị Trịnh Kiểm giết, đã dùng kế của cậu ruột (Nguyễn Dĩ) giả mắc bệnh tâm thần rồi nói với chị - là vợ Trịnh Kiểm – cho vào Thuận Hóa là xứ “Ô Châu ác địa”, cầu mong thoát thân, do thời thế và vị thế địa – văn hóa “Hoành sơn nhất dài khả di chung thân” mà trở thành một cuộc đời ngoại hạng” ở thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Nhân tài xứ Thanhh – Nghệ sau vụ hai anh em Trịnh Cối – Trịnh Tùng tranh quyền khi Trịnh Kiểm mất (1570), sau các vụ chúa Trịnh lộng quyền giết vua đã bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn rất nhiều.
Nhưng Trạng Bùng thì ở lại phục vụ Trịnh Tùng và cuối đời, chính Trịnh Tùng bắt cụ đi đầy. Cụ Trạng khi đi đầy viết Lâm tuyền vãn, ca ngợi cảnh Sơn Lâm, thú suối rừng. Và xin nhớ: Mẫu Liễu Hạnh cũng “hiển linh” ở núi rừng xứ Lạng, xứ Thanh (Sòng Sơn, Phố Cát) xứ Nghệ (Sóc Sơn) và sắc phong cho Mẫu của các vua Lê – Nguyễn đều “cho phép” Mẫu cai quản “sơn lâm”!
Trạng Trình, Trạng Kế thì ở lại với Bắc triều nhà Mạc song cũng đầy bi kịch và từ Nho quay về Đạo.
*
*     *
Nhà Mạc có “tệ hại” như các sử gia chính thống xưa nay chép không?
Từ thập kỷ 60, cố họa sĩ Nguyễn Đồ Cung, Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam cùng tôi đã không nghĩ như vậy. Ông và các cộng sự đã phát hiện ra cả một nền mỹ thuật Mạc độc đáo, thể hiện ở đình, chùa, đền, miếu… Không có một ngôi chùa đền, danh lam nào ở miền Bắc mà không có bàn tay nhà Mạc, đời Mạc tu sửa. Mạc Ngọc Liễn tự coi là Đạo sĩ và cùng vợ sửa các đền chùa. Mộ vợ Mạc Đăng Doanh, con gái Trần Chân đã trở thành “Đất Thánh” (bia Bà) nổi tiếng ở Thanh Oai (Hà Tây nay). Gốm sứ Mạc có ghi niên hiệu, tên người thợ chuốt, tên người đặt làm, để cúng dâng cho chùa nào… “Công dân loại ba” của Quân chủ Nho giáo (CÔNG) mà sao được tôn trọng nhân cách như vậy? Sử quan Lê - Trịnh thi nhau chửi nhà Mạc là “ngụy triều” nhưng như Lê Quý Đôn cùng nhiều sử thần Lê - Trịnh cũng phải viết:
Năm 1532: “Mạc Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội.
Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”(34).
An ninh tốt, nông – công – thương nghiệp đều phát triển. Lại xây dựng Dương Kinh ở miền biển, ở cửa buôn bán với nước ngoài. Gốm sứ Mạc tìm thấy trên toàn Đông Nam Á (Xem Phụ lục). Quán hàng mọc lên suốt dọc đường thiên lý, tấp nập buôn bán với các cô hàng bán quán xinh đẹp, có tiền khiến nhiều nho sĩ ngẩn ngơ, chọc ghẹo. Thực tế này cũng được phản ánh vào truyện Mẫu Liễu Hạnh hay “hiện thân” làm cô hàng, bà hàng bán quán. Nhưng sử gia chính thống, kể cả 2 ông GS viết chuyên luận về Trạng Bùng đều chửi nhà Mạc hèn hạ đầu hàng, dâng đất cho nhà Minh(35).
Các ông quá tin vào sử sách chính thống của Lê – Trịnh là kẻ đối lập với Mạc.
Sao các ông không để ý là Lê Quý Đôn không nói một câu về việc Mạc cắt đất cho Minh?
Sao các ông không trích dẫn – như Lê Quý Đôn đã trích dẫn – bài Bố cáo của tướng Mạc Phạm Tử Nghi cho các trấn năm 1546:
“Nước ta từ vua Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) mở nền, thực trời cao sinh đức. Được danh, được vị và được lộc, lịch số nối truyền, thống nhất cả phong tục cõi bờ, xuân thu tổng quát. Kẻ nào không phục, liền đánh dẹp ngay…
Các châu Khâm – Liêm (biên giới Trung  - Việt) sợ hãi không dám liên can!(37).Phạm Tử Nghi đã mang quân sang đánh phá Khâm Liêm và sau khi chết, đã “hiển thánh” và được thờ cúng suốt miền ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng cho đến rất gần đây.
Sao các ông không giở xem Minh sử như GS Đào Duy Anh thầy tôi – và tôi đã giở để thấy chính sử nhà Minh không hề chép việc “dâng đất” năm 1528 như Toàn thư bịa tạc(38), còn việc “dâng đất” năm 1540 thì khi vua Minh sai quan “cát địa sứ” cầm “giấy dâng đất” của Mạc Đăng Dung xuống “thực địa” mới té ngửa người ra là một số chỉ có tên mà không có đất, còn một số khác là đất của Minh từ lâu rồi! Hóa ra Mạc Đăng Dung chỉ giả vờ thần phục theo chiến lược ngoại giao cổ truyền Đinh – Lê – Lý – Trần – Lê: Thần phục giả vờ, Độc lập thực sự” (Vassalité fictive, Indépendence réelle).
Hoặc các ông không tin tôi và thầy tôi thì các ông phải tin Thần Siêu của thế kỷ XIX chứ! TrongPhương đình Dư địa chí, về tỉnh Quảng Yên, cụ Nguyễn Siêu đã bảo: “Đời sau lấy việc cắt đất bắt tội nhà Mạc”, “nay tôi xét các sách… (Tàu, Ta đủ cả), “cụ khảo chứng 3 trang đặc để xóa án việc nhà Mạc cắt đất: nào có cắt đất nào đâu, toàn là đất của Trung Hoa từ trước đó lâu rồi!(39).
Từ cụ “Thần Siêu” qua cụ Đào Duy Anh, cụ Nguyễn Đỗ Cung đến tôi chẳng ai là con cháu họ Macl cả mà bênh vực cho tiên tổ nhà mình. Chúng tôi khảo chứng là vì KHOA HỌC. Có thế thôi!
3) Nho giáo “Trọng nam khinh nữ”. Lê Thánh Tông là người đầu tiên bắt vợ để tang chồng 3 năm như để tang bố mẹ, theo kiểu cách Trung Hoa, từ năm đầu Hồng Đức (1470)(40). Lê Thánh Tông ban 24 huấn điều Nho giáo, bắt hàng tháng, đàn ông ra Đình nghe giảng (như sau này nghe giảng thập điều) của Minh Mạng. Ông này cũng độc tôn Nho trở lại ở cuối mùa!
Thì sự phản ứng của thế kỷ XVI là ngược lại: Tục thờ MẪU, thờ NỮ THẦN phát triển! Nữ giới Việt Nam, từ thế kỷ XVI đến nay, trên thực tế là người làm chủ các CHÙA, ĐỀN, từ đời Mạc Ngọc Liễn các bà phi – tần, vợ đại quan đua nhau đứng rahội chủ hưng công tu tạo các chùa, đền. Bia chùa, đền, chuông chùa, đền Phổ, cột chùa, đền Việt ghi đầy tên các “tín vãi” ở chùa Keo, chùa Minh xứ nam, chùa Thày xứ Đoài… Chùa Hương với sự tích Bà chúa Ba với động Hương tích có tượng Phật bà Quan âm, với đền Cửa Võng thờ Mẫu thượng ngàn…là bắt đầu thế kỷ XVI (Thiền uyển tập anh ngữ lục chép Sự Phật đời Lý – Trần không hề viết một chữ nào về chùa Hương). GS Trần Lê Sáng trong sách về Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan đã nói đến các “cuộc đời ngoại hạng” của các bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà mẹ Phùng Khắc Khoan… phóng khoáng, tự do, tự chủ “nguyên mẫu trần gian” của Mẫu.
Đỉnh cao nhất của việc thờ MẪU ở Đại Việt là sự xuất hiện bà mẫu cao nhất của các bà mẫu, “tối linh chi linh”(41) “thượng thượng thượng đẳng tối linh tôn thần”(42) là MẪU LIỄU HẠNH ở thế kỷ XVI mà giới khoa học Việt Nam vừa tiến hành cuộc Hội thảo bước đầu ở Hà Nội ngày 2 tháng 6 năm 1992. Người đầu tiên phát hiện đề cao bà Mẫu Liễu Hạnh không phải ai khác ngoài cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, khi cụ đã 70 tuổi ngoài, từ cuộc gặp gỡ giữa Phùng sứ và Mẫu Liễu Hạnh ở xứ Lạng năm 1597 – 1598 đến cuộc hội ngộ xướng họa thơ ca giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng, cử nhân Lý, tú tài Ngô ở Tây Hồ sau thời gian cụ Phùng đi sứ về (1598 - 1607). Và sau đó ghi lên giấy trắng mực đen chuyện Mẫu Liễu Hạnh và cụ Trạng Bùng là Hồng Hà nữ sử Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) với Vân Cát thần nữ truyện trong sách Truyền kỳ tân phả.
Việc phá đền sòng – Phố Cát của Mẫu Liễu Hạnh rồi lại phải xây lại Đền cho Mẫu ở thời Lê – Trịnh khoảng niên hiệu Dương Hòa (1635). Cảnh Trị (1663) là một thất bại đắng cay của nền Quân chủ Nho giáo trước tín ngưỡng dân tộc – dân gian về Mẫu Liễu Hạnh.
4) Cũng chỉ từ thế kỷ XVI, phản ứng với việc dìm dập họ Trần của nhà Lê ở thế kỷ XV (từ Lê Lợi giết Trần Cảo đến Lê Thánh Tông bắt đổi họ Trần thành Trình) mà nảy sinh ĐẠO NỘI hay Đạo giáo dân Việt Nam với ĐỨC THÀNH TRẦN (cùng việc thánh hóa cả Phạm Ngũ Lão cùngphu nhân công chúa con gái Trần Hưng Đạo). Thế là từ thế kỷ XVI trở đi hình thành thế đối ứng của Đạo giáo dân gian Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ với tục lệ:
“THÁNG TÁM GIỖ CHA (đức thánh Trần)
THÁNG BA GIỖ MẸ (đức Mẫu Liễu Hạnh)”.
Và cả “CHA” cả “MẸ” của DÂN GIAN đều họ Trần!
5) Giới Folklore học và khoa học về tôn giáo Việt Nam luôn luôn nói đến “TỨ BẤT TỬ” song chưa bao giờ họ nói đến xuất xứ của các vị này.
Tác phẩm mới nhất về Tứ bất tử của 2 GS Vũ Ngọc Khanh, Ngô Đức Thịnh cũng vậy(43).
Tín ngưỡng về Sơn Tinh – Thánh Tản đã xuất hiện trong Sử sách từ đời Lý(44), rồi đời Trần(45).
Tín ngưỡng về Thánh Gióng cũng vậy, được đề cao từ Lý Thái Tổ(46).
Vị trí bất tử thứ ba, vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung không hề có trong Việt điện u linh tập (1329) mà chỉ xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái đầu thế kỷ XVI. Đây là một thế kỷ của Dân chài và Thương nghiệp thuyền mảng, một thế kỷ “mở cửa” của Đại Việt buôn bán với nước ngoài, cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Tôi đã đi khảo sát các làng – buôn của Việt Nam dọc lưu vực sông Hồng và hơn nửa thập kỷ trước đây, tôi đã viết bài để nhận ra một sự thực: vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung được thờ như TỔ SƯ NGHỀ BUÔN VIỆT NAM không khác gì Đền thờ Yết Kiêu ở Gia Lộc xứ Hải Đông được coi là tổ đình của các vạn chài.
Còn vị tứ bất tử thứ 4 và cuối cùng của Việt Nam MẪU LIỄU HẠNH, thì chắc chắn là tác phẩm của thế kỷ XVI và gắn với Trạng Bùng đạo sĩ (chứ không phải tiến sĩ Nho Phùng Khắc Khoan) một cách gần như hữu cơ!
Theo tôi Mẫu Liễu Hạnh là sự “tổng dung” của mọi Mẫu, nữ thần Việt – Hoa – Chăm, Phật bà Quan Âm, - và cả - hình ảnh Đức Mẹ Maria!
 
VÀI LỜI TẠM KẾT
 
1. Về mặt chính trị, thế kỷ XVI - XVII là thế kỷ suy đồi của nền Quân chủ - Nho giáo. Từ đây cho đến đầu thế kỷ XIX nền thống nhất Đại Việt đã bị chia cắt bởi các thế lực địa phương, quân phiệt – quan liêu, khi 2, khi 3, khi 4… VÙNG – MIỀN là một thế lực địa lý – chính trị - văn hóa dân gian Việt Nam cổ truyền.
2. Về mặt quân sự, thế kỷ XVI là một thời kỳ nội chiến loạn lạc liên miên, kéo dài sang cả thế kỷ XVIII. Câu thơ Chinh phụ ngâm khúc thế kỷ XVIII:
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây.
Có giá trị văn chương chứ không hề là “sự thực lịch sử”.
3. Về mặt văn hóa – xã hội, thế kỷ XVI – XVII… là những thế kỷ của nền văn hóa và tôn giáo dân gian, nổi dậy cưỡng chống lại văn hóa cung đình nho giáo.
4. Về tư tưởng hệ (Ideology), đây là thời khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho, được triều Lê lấy làm hệ tư tưởng chính thống.

Phật giáo, Đạo giáo dân gian trỗi dậy sau 100 năm triều Hậu Lê muốn độc tôn Nho giáo.

Đây cũng là thời kỳ mở đầu việc truyền bá Đạo Thiên chúa trên đất Việt, từ miệt biển lên dần mặt cao, ngược lưu vực các sông.

Thế kỷ đảo lộn xã hội, trớ trêu thay, hay làdùng quy luật thay, lại là thế kỷ nảy sinh nhiều bậc kỹ - nữ, nhân tài mà tôi gọi là những “cuộc đời ngoại hạng”. Trạng Bùng – Mẫu Liễu Hạnh… là những vì tinh tú trong “thế giới ngoại hạng” ấy!

 


(1) Xin xem – Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm, Hội đồng lịch sử Hải Phòng, Viện Văn học (Kỷ yếu Hội nghị khoa học nhân 400 năm mất), Hải Phòng, 1991, 434 trang, khổ 13 x 19.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm – Danh nhân văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin và thể thao, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1991 (kỷ niệm 500 năm năm sinh). 410 trang, khổ 13x19.
(2) Xin xem Địa chí Hà Bắc, Ty Văn hóa và Thông tin, Thư viện tỉnh, Hà Bắc, 1982, 740 trang, khổ 19x27. Đặc biệt xin xem các trang 369 – 370, 726…
(3) Xem Trần Quốc Vương – Lê Lợi – Mạc Đăng Dung – Trịnh Khiêm gốc tích – Tam linh – xứ hành­ (cả bản tiếng Việt và tiếng Anh) SKAP, Đại học Cornell, New York, 12.1990.
(4) Xem Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) – Những bà giáo thời xưa Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1988, trang 44 – 77.
Tài liệu xưa nhất chép về tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1697), người Mộ Trạch, xứ Đông (Bình Giang), đậu tiến sĩ năm Vĩnh Hựu 2 {o}- (1732). (Thư viện KHXH (nay là Viện Hán Nôm) số A.44.
(5) Xin xem - Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lực – (gọi tắt là Trung hưng thực lực (THTL). Sách này của các sử thần triều Lê soạn dưới sự giám sát của Duệ quận công HỒ SĨ LƯƠNG, chép công trạng các chúa trịnh “Phò vua Lê” từ 1533 đến 1675.
Nay thư viện Hán Nôm còn giữ được bản in có Tựa đề Vĩnh Trị nguyên niên (1676).
-Trịnh gia thế phả. Sách của Thư viện Khoa học xã hội (nay chuyển cho Viện Hán Nôm) ký hiệu A1821. Từ đầu ghi Gia Long nguyên niên (1802), do TRỊNH CƠ – là cháu của người bản tộc được quyền coi việc thờ tự họ Trịnh – vâng (chỉ truyền của vua Gia Long) soạn.
(6) Hoàng Xuân Hãn – Gốc tích các chúa Trịnh và một bức thư Nôm của Trịnh Kiểm. Tập san SỬ - ĐỊA, Sài Gòn, số 4, 1966, trang 3.
(+)  Đây là lần đầu tiên sử sách chép cái Đình làng với chức năng “công sở ” của làng.
Có lẽ là Tây An hầu Lê Phi Thừa. Sử chép nhà Mạc cho cai trị 7 huyện xứ Thanh trong đó có huyện quê Trịnh Kiểm. Sau cùng bỏ Mạc, hành Lê - Trịnh.
(++) Ở sơ Đồn điền Yên Định thời Lê Thánh Tông.
(7) Đại Việt sử ký toán thư (sau đây sẽ gọi tắt là Toàn thư) của Ngô Sĩ Liêm (người được Nguyễn Trãi lấy đố tiến sĩ 1442 sau viết sách chửi ông, bênh vực việc nhà Lê giết Nguyễn Trãi, đồng thời cũng là người chửi nhà Hồ hăng nhất) và các sử thần khác triều Lê. Bản dịch của Viện Sử học, 4 tập. Nxb KHXH, Hà Nội, Tập III (in 1968), trang 176.
(8) Toàn thư. Đã dẫn, tập III, trang 175.
(9) Như trên, trang 173.
(10) Như trên, trang 320.
(11) Như trên, tập IV (in 1968), trang 51.
(12) Lê Quý Đôn –Đại Việt thông sử trong Lê Quý Đôn Toàn tập tập III, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, trang 147:
Viết về việc Thánh tông giết Cung vương Khắc Xương:
“Các đại thần là bọn Lê sau khi đã truất Nghi Dân rồi, muốn rước ông (Cung vương) là người phong nhã, đạm bạc, ăn mặc chi dùng dè sẻn, chất phác như một nho sinh”) lên ngôi vua, sai người tới bái, ông cố từ chối, họ bèn rước vua Thánh Tông;
Thánh Tông nghe thấy chuyện này, giận lắm, về sau vua nghe lời dèm, bèn giết Lê Lăng và trong lòng ghét vương.
Năm Hồng đức 7 (1476… vua (lại nghe lời dèm), hạ chiếu tới bắt Cung vương. Ngày 6 tháng 8, vương lo mà chết”.
Sách này (trang 257) viết về mâu thuẫn giữa hai dòng họ công thần kiêm ngoại thích: Trịnh (Thủy Chú, Lôi Dương) Nguyễn (Gia Miêu, Tống Sơn).
Cũng sách này (trang 116) sau khi “chê” nhà Lý, nhà Trần lấy phi, lập hậu lung tung, đã viết:
“Triều (Lê) ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng: kén chọn phi tần tất lấy con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế”.
Mặc dầu vô cùng kính trọng sự uyên bác của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, tôi cũng buộc phải thưa thốt rằng:
- Chính Cụ cũng lại công nhận rằng công thần lại kiêm ngoại thích rất lộng quyền, sau này họ Trịnh của dòng họ Trịnh Khả chẳng hạn giết cả vua (Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, Lập Chiêu Tông (1516).
Trịnh Duy Đại cũng là cháu nội thái úy Trịnh Khả giết vua Quang Trị - con Mục Ý vương, cháu Kiến vương Tân, chắt Lê Thánh Tông – và hai người em 1515 – 16 v.v…
- Các vua Đinh – Lê – Lý lập nhiều hoàng hậu là để nhân nhượng và chia quyền giữa các thế lực địa phương bấy giờ còn mạnh. Họ Trần, “anh em chú bác ruột lấy nhau” không phải là “loạn luân” mà là theo một hệ thống thân tộc khác với chế độ “cửu tộc” của Trung Hoa mà nhà Hậu Lê sau này bắt chước. Trong dân gian YÊU ĐƯƠNG và HÔN NHÂN cũng vẫn còn giữ được nhiều tự do phóng khoáng “Phi Lễ phi Nho”.
- Các vua Lê về sau lấy phi – tần cũng rất lộn xộn. Chắc chắn cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn đã đọc bài “hịch” của cụ Lương Đắc Bằng – thày dạy Trạng Trình:
“Đoan Khánh (niên hiệu của vua Uy Mục 1505 - 1509) làm vua, ngoại thích chuyên chính. Tử Mô là phường ngu hèn nơi phố chợ, rối loạn triều cương; Thăng khoa là hạng trẻ con (chăn trâu) chốn hương thôn, cần làm uy phúc.
Thậm chí đánh thuốc độc giết bà nội (Trường lạc Thái hoàng Thái hậu), giết hại thân vương…” (XemToàn thư, tập IV, đã dẫn trang 52).
(13) Lê Quý Đôn, Sách đã dẫn, trang 258.
(14) Như trên, trang 259.
(15) Như trên, trang 237.
(16) Như trên, trang 238.
(17) Toàn thư, tập III, đã dẫn, trang 236
(18) Toàn thư, tập IV, đã dẫn, trang 49
(+) Tôi sẽ có bài nghiên cứu riêng về Di sản văn hóa Chăm để lại ở miền Bắc, như nghề dệt LỤA LÀ LĨNH với các bà chúa La, bà chúa Lĩnh, việc trồng Dừa ở Sấu Giá, ở Phùng và quê Trạng Bùng, việc thờnữ thần.
(19) Lê Quý Đôn, sách đã dẫn, trang 213.
“Khi Quang Thục (mẹ Lê Thánh Tông - TQV) còn là tiệp dư, đã từng vì trái ý, bị vua Thái Tông bỏ tù ở vườn hoa Trịnh Khả cứu bà, thoát nạn. Cho nên vua Thánh Tông nhớ lại ơn trước, cất nhắc dùng con cháu ông, ưu đãi hươn các bầy tôi khác”.
(20) Nguyễn Lang – Việt Nam Phật giáo sử luận, 2 tập, Lá Bối Sài Gòn, 1974, Paris 1977.
(21) Xem Trùng San Lam Sơn thực lục (Lê Lợi kể, Nguyễn Trãi ghi, Hồ Sĩ Dương san định). Ban chữ Hán và bản dịch của GS Trần Nghĩa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1992.
Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử - Sách đã dẫn, mục Thái Tổ thượng, hạ.
(22) Xem Lý Tế Xuyên (1329) – Việt điện u linh tập. Sự tích thần Bạch Mã (Đến nay còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội). Bản dịch của Trịnh Đình Rư, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1960; năm 1972 GS Đinh Gia Khánh có dịch lại và dịch thêm, Nxb Văn học, Hà Nội 1972, trang 85 – 87.
(23) Lê Quý Đôn – Sách đã dẫn, trang 202 – 203. Cũng xem Toàn thư vào niên hiệu Thiệu Bình thứ tư (1437 - 1438)
(24) Toàn thư, tập II, Sách đã dẫn, trang 218 – 219 (sự việc năm 1396).
(25) Toàn thư, Tập III, sách đã dẫn, trang 194.
(+) Nhưng muốn thi phải thi “căn cước” ông cha và phường chèo con hát không được thi (lệnh năm 1462).
(26) Như trên, tập III, trang 180 (sự việc 1461).
(27) Như trên, tập III, trang 186.
(28) Toàn thư, tập IV, trang 81 – 82. Lê Quý ĐônĐại Việt thông sử, sách đã dẫn, trang 240.
(29) Như trên, tập IV, trang 90 – 91.
Về các hiệu Thiên bồng, Thiên vũ và Đạo giáo dân gian Hoa – Việt, Bent L.Pedersen (Đan Mạch):
- Popular Panthcons in old China (tiếng Anh) (các thần điện dân gian ở Trung Hoa cổ). Tác giả công bố 5 tranh thần điện Đạo giáo dân gian đời Minh – Thanh, trong đó có 2 nhóm tranh Thiên bồng – Thiên vũ. Thư viện Đại học Cornell (New York) 1991.
(30) Trần Lê Sáng. Phùng Khắc Khoan: cuộc đời và thơ văn. Nxb Hà Nội, 1985, trang 69.
(31) Nhiều tác giả -Lịch sử Hà Nam Ninh, tập I, Nam Định, 1988, trang 14, trang 170 – 171.
(32) Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm – Trịnh Nguyễn diễn chí (bản dịch tiếng Việt), Sở Văn hóa Tây Tiến Bình Trị Thiên, 1986, trang 57 (Tập I).
(33) Toàn thư, tập IV, đã dẫn, trang 161.
(34) Lê Quý Đôn – Đại Việt thông sử, đã dẫn, trang 276.
Cũng xem Toàn thư, tập IV, đã dẫn, trang 126.
(35) Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn – Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, Hà Sơn Bình, 1979 trang 39
Trần Lê Sáng – Sách đã dẫn, trang 23 viết rất nặng lời: “Nhưng Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã gây lên sự phẫn nộ lớn trong nhân dân khi vua này dẫn quần thần lên tận biên giới, cởi trần tự trói, quỳ trước mặt một viên quan nhà Minh, cắt đất dâng cho nhà Minh. Lịch sử không tha thứ cho việc làm nhục nhà này của nhà Mạc”. Ông còn viết: “Suốt 5 đời nhà Mạc ở Đông Đô, kéo dài từ năm 1527 đến năm 1592 đều luôn luôn tỏ ra thần phục nhà Minh”! Tôi sẽ có bài trả lời chi tiết về vấn đề này.
(37) Toàn thư – (bản dịch của Viện Sử học, Đào Duy Anh hiệu đính chú giải và khảo chứng). Tập IV. Đã dẫn, trang 122, chú giải số 132 của cụ Đào khảo Minh sử, quyển 321 và khảo chứng không tỉ mỉ.
(38) P. Huard và M. Durand – Connaissance du Vietnam – (tiếng Pháp: Nhận thức về Việt Nam) EFEO, Hà Nội, 1953
(39) Nguyễn Siêu -  Phương Đình Dư địa chí (bản dịch của Ngô Mạnh Nghinh, Tự do, Sài Gòn, 1960, trang 237 – 238).
(40) Toàn thư, - tập IV, đã dẫn, trang 226.
(41) Câu đối ở phủ Tây Hồ - Hà Nội, một trung tâm thờ Mẫu nổi danh.
(42) Vân thương thánh mẫu tam vị đại tử tôn.
Vân Hương chánh nhất vị thánh Mẫu Liễu Hạnh công chúa, Sài Gòn, Huế, Giáp Thìn, 1964. Theo sách này Mẫu Liễu Hạnh “giáng trần” lần thứ nhất từ thế kỷ XV ở Quảng Nẹp (xã Trần Xá cũ, huyện Đại An (Vụ Bản), phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam).
(43) Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh – Tứ bất tử. Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1990, 132 trang khổ 13 x 19.
(44) Xem Việt sử lược – quyển 2, 3 (Bản dịch của Trần Quốc Vượng) Nxb Sử học, Hà Nội, 1960. Tác phẩm này xuất hiện ở cuối thế kỷ XIV.
(45) Lý Tế Xuyên – Viện điện u linh tập. Sách đã dẫn. Truyện thánh Tản Viên.
(46) Xem Trần Quốc Vượng – The legend of ông Gióng, from the texts to the field (tiếng Anh): Huyền tích về ông Gióng, từ thư tịch đến điền dã, Cornell University, New York, 1991.

Giáo sư Trần Quốc Vượng
 
Sau đây là một số hình ảnh: