Nhân 411 năm ngày Giỗ danh nhân văn hóa lịch sử Phùng Khắc Khoan (24/9/1528 - 24/9/1613 Âm lịch); Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương; các cành nhánh họ Phùng các nơi đã về kính lễ. Nhân dịp này, Ban Biên tập đưa lại một số bài viết trong Hội thảo về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và một số hình ảnh tại buổi lễ Giỗ đức ngài.
VẾ SỰ NGHIỆP NGOẠI GIAO
CỦA CỤ TRẠNG BÙNG PHÙNG KHẮC KHOAN
Chúng ta vừa nghe bản báo cáo tổng hợp về công lao đóng góp cho dân, cho nước của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan; chúng ta cũng đã được nghe một số bản báo cáo về một số mặt khác trong sự nghiệp lớn lao của cụ Trạng.
Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói thêm đôi điều về phương diện ngoại giao của cụ. Mà chỉ riêng ở phương diện này thôi, có lẽ nhiều người cũng đã biết, nếu chỉ trình bày trong mươi trang giấy, sự trình bầy sẽ vô cùng thiếu sót so với sự nghiệp đối ngoại lớn lao của Cụ. Các vị học giả lớn thời xưa của nước ta như cụ Lê Quý Đôn, cụ Phan Huy Chú, trong các bộ sách Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, khi khảo cứu về lịch sử bang giao lâu đời của nước nhà, đã đánh giá cao sự nghiệp đối ngoại của cụ Trạng Bùng. Một số bộ quốc sử của ta cũng trân trọng ghi công lao về việc đối ngoại của cụ Trạng. Ở đây, chúng tôi không thể từng đoạn, từng lời dẫn lại hết được, chỉ xin dẫn mấy câu văn vần dễ nhớ trong bộ Đại Nam quốc sử diễn ca của nhà sử học tài hoa và độc đáo Lê Ngô Cát. Mấy câu đó là:
Phùng Khoan sứ tiết cũng già
Biểu Từ biên chiết thật đà thiết minh
Mấy lời ôn du đinh ninh
Phong vương còn đợi biểu tinh có ngày(1)
Bốn câu thơ nói về Phùng Khoan, tức nói về cụ Phùng Khắc Khoan, trong bộ Đại Nam quốc sử diễn ca mà chúng tôi vừa trích dẫn đó, thoạt đọc, chúng ta thấy cũng bình thường, nhưng đọc kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy có khá nhiều điều đáng lưu ý.
Về chuyến đi sứ Yên Kinh dài ngày, đầy gian khổ, song cũng nhiều kỷ niệm của quan Thị lang họ Phùng, chúng tôi có dịp viết khá nhiều trong tập sách Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thơ văn xuất bản năm 1985, ở đây, xin không nhắc lại nữa. Chỉ xin nói rõ hơn một vài điểm.
Nói về đóng góp ở phương diện ngoại giao của cụ Phùng Khắc Khoan, chúng ta có thể kể đến ba lần đạt thành công, trong công tác đối ngoại của cụ; trong đó, hai lần cụ tiếp xúc với sứ giả nhà Minh, một lần tiếp xúc với triều đình Minh tại ngay kinh đô Yên Kinh.
Chuyện lần đầu tiên tiếp xúc với sứ giả nhà Minh của nhà học giả Phùng Khắc Khoan là một câu chuyện thú vị. Có lẽ đây là một giai thoại. Nhưng giai thoại nào mà chẳng có hạt nhân hiện thực, dù là rất nhỏ đi nữa. Vấn đề là chúng ta phải lần mò qua nhiều tầng trầm tích do thời gian tồn đọng, để từ trong những tầng trầm tích đó, chúng ta có thể đến được với hiện thực. Chuyện kể rằng, đúng vào cái thời cụ Phùng bị triều đình Lê – Trịnh bắt đi đầy vào xứ Mang Quạ, triều đình nhà Minh đã phái sứ giả sang ta thảo luận việc đánh phỉ ở biên giới. Điều tai ác là trước khi thảo luận cụ thể, vị sứ giả này chỉ trình thư của nhà Minh, trong thư cũng chỉ có hai chữ “Thanh Thúy”. Cả triều đình không ai hiểu hai chữ “Thanh Thúy” có liên quan đến việc đánh phỉ như thế nào. Triều đình phải phái người vào tận xứ Mang Quạ triệu cụ Phùng về. Cụ về triều nghe xong đầu đuôi câu chuyện, liền nói:
- Đây là Minh triều muốn triều ta đến tháng mười hai ra quân, phối hợp với họ để đánh phỉ.
Vua lấy làm lạ, hỏi sao biết?
Cụ từ tốn đáp:
- Chứ “Thanh” là do chữ “Thập”, chữ “Nhị” và chữ “Nguyệt” ghép lại; chữ “Thúy” là do chữ “Vũ” và chữ “Tốt” ghép lại. Vậy, “Thanh Thúy” chính là “Thập nhi nguyệt, vũ tốt”; nghĩa là “Tháng Mười hai, ra quân”.
Sự việc đúng như vậy. Sứ giả nhà Minh vô cùng khâm phục nhân tài nước Nam, việc thảo luận biên giới được tiến hành. Cũng kể từ đây, triều đình nhà Lê Trung Hưng, càng có vị trí cao hơn trong công cuộc đối ngoại.
Lần thứ hai cụ Phùng Khắc Khoan tiếp xúc với phía nhà Minh trong hoàn cảnh khá nghiêm trọng. Đó là việc cuối tháng Giêng năm Bính Thân, tức năm 1596, triều đình phái Cụ cùng hai người anh họ vua là Lê Ngạnh và Lê Hựu cùng một đoàn vài mươi cụ kỳ lão mang giấy tờ và tiền bạc lên biên giới Trấn Nam Giao để làm việc với đại diện nhà Minh về việc công nhận nhà Lê.
Theo quốc sử ghi lại, cuộc gặp gỡ giữa hai đại diện của nhà Lê với đại diện của nhà Minh lần này có ý nghĩa ngoại giao rất lớn. Về phía nhà Lê, cuộc gặp gỡ lần này là điểm mốc nối lại qua hệ với nhà Minh sau gần bảy mươi năm bị gián đoạn; về phía nhà Minh, cuộc gặp gỡ lần này, lại là việc bỏ thái độ kỳ thị, trở lại công nhận nhà Lê là đại diện chính thức trong quan hệ nhà nước. Tất nhiên, nhà Lê đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này rất chu đáo; mọi người mong đợi kết quả tốt đẹp của cuộc gặp gỡ ở biên giới lần này. Theo sử chép, chỉ trong mấy ngày mà nhà Lê đã cho nhiều đoàn lên biên giới để chuẩn bị tiện nghi và công việc bảo vệ. Sách Toàn thư chép “ngày 29 (tháng Giêng, Bính Thân), cử đoàn Hộ bộ Thượng thư kiêm Đông các học sĩ Thông Quận công Đỗ Uông và Ngự sử đài Đô Ngự sử Nguyễn Văn Giai làm hậu mệnh đến trước cửa Trần Nam Giao cùng với Tả giang binh Tuần đạo của nước Minh là Trần Đôn Lâm trao đổi giấy tờ với lời lẽ khiêm tốn. Sau lại sai Hữu tướng Hoàng Đình Ái đem quân tiếp đến Mưu Sơn”. Và ngay sau đó, tiếp đến là đoàn của Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan “mang hai bản dập của ấn An Nam Đô thống Sứ ty và ấn An Nam Quốc vương cùng 100 cân vàng, 1000 lạng bạc” lên ngay Trấn Nam Giao để chờ cuộc họp(2).
Cuộc họp ở biên giới lần này, được phía nhà Lê chuẩn bị chu đáo và đầy thiện chí như vậy, song đáng tiếc lại không thành phía nhà Minh hủy lời hẹn trước, họ lại ra thêm điều kiện là chính vua Lê phải lên biên giới họp với đại diện của nhà Minh. Nhà Lê đã nhân nhượng, vua Lê Thế Tông đã lên tận biên giới chờ hộ khám. Nhưng phía nhà Minh lại đưa ra nhiều yêu sách khác, vua Thế Tông chờ đợi ở biên giới hơn hai tháng không họp được phải trở về kinh đô. Trong việc chuẩn bị cho cuộc họp này, người chạy đi chạy lại vất vả nhất, phải kể là quan Hộ bộ Thượng thư Đỗ Uông! Nhưng mọi cố gắng đều không thành. Sau đó, cụ Phùng Khắc Khoan phải sang tận Yên Kinh để dàn xếp. Điều đó có lẽ cũng chứng tỏ rằng, trong việc chuẩn bị cho cuộc họp ở biên giới nói trên, có thể quan Tả Thị lang họ Phùng đã có đóng gớp đáng kể nào đó, hoặc có ý kiến đáng lưu ý nào đó, bởi vậy, triều đình mới lưu ý đến tài năng đối ngoại của cụ, chọn cụ đi sứ Yên Kinh, mặc dầu lúc bấy giờ Cụ đã bảy mươi tuổi.
Chuyến đi sứ Yên Kinh của cụ Phùng Khắc Khoan vô cùng gian khổ, song cuối cùng đã đạt thành công tốt đẹp. Nói về sự gian khổ, tất nhiên trước hết phải kể đến việc lặn lội đường xa muôn dặm; khi đi phải hôn một năm trời mới đến (khi về có nhanh hơn). Đoàn sứ bộ có hai mươi ba người, trong đó có một phiên dịch. Đoàn do Công bọ Tả Thị lang Phùng Khắc Khoan làm Chánh sứ, Thái thường Tự Khanh Nguyễn Nhân Thiệm làm Phó sứ. Đoàn vừa đến biên giới Lạng Sơn đã gặp khó khăn: phía nhà Minh không cho đoàn nhập cảnh, với lý do là họ chỉ biết nhà Mạc, không biết nhà Lê nào cả. Trưởng đoàn sứ bộ Phùng Khắc Khoan đã thuyết phục được đối phương để tiếp tục làm nhiệm vụ. Với một đoàn Sứ bộ mà ngay từ đầu dã bị kỳ thị như vậy, việc đón tiếp dọc đường chắc cũng nhạt nhẽo. Dọc đường đi sứ, cụ Phùng có làm nhiều thơ, sau cụ đưa vào một tập, đặt tên là Sứ Hoa thi tập, chúng ta không thấy có bài nào cụ viết về sinh hoạt dọc đường đi sứ, nhưng thơ phản ánh tâm sự buồn bực thì có. Ví như bài Qua hồ Phiên Dương, có hai câu cuối:
Bao la hồ chứa không bờ bến
Dò thử xem ai bảo cạn nông
(Trần Lê Sáng dịch)
Hoặc trong bài Rừng mai ở núi Dũ Lĩnh cũng có hai câu kết:
Điều canh lại có tay tài giỏi
Chẳng phụ hòa khôi đệ nhất này
(Bùi Duy Tân dịch)
Sau hơn mười hai tháng lặn lội vất vả, đoàn Sứ bộ do cụ Phùng dẫn đầu đã đến được Yên Kinh; nhưng đoàn lại không được nhà Minh chính thức đón tiếp. Nhà Minh không chấp nhận nhà Lê Trung Hưng là đại biểu của nước Nam. Đoàn Sứ bộ đứng trước một tình hình hết sức nghiêm trọng, hoặc chửi mắng để nhận cái chết, hoặc chịu nhục để ra về tay không. Chúng ta cũng biết, các Sứ giả đi Sứ nhà Minh thường gặp nhiều nguy hiểm. Như ông Lê Như Hổ bị sơn cả hai mắt, ông Lê Quang Bí bị giam giữ mười tám năm, ông Giang Văn Minh bị mổ bụng, v.v… Các vị Sứ giả ấy đã bất khuất chịu đựng, chịu chết để không làm nhục đến quân mệnh, để giữ quốc thể… Nhưng suy cho cùng, nhiệm vụ của một đoàn Sứ bộ là hoàn thành trách nhiệm được giao. Để hoàn thành trách nhiệm, những thứ như đối đáp nhanh, ứng xử khôn khéo, thái độ quyết liệt hay mềm ỏng… đều chỉ là những phương tiện. Thực ra, nói chuyện lịch sử đi sứ, có lẽ chính Trung Hoa là một trong những nước có lịch sử bậc thầy. Mãi từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Tần, Hán, ở bên đó đã có rất nhiều vị Sứ giả ăn nói hùng biện nổi tiếng sử sách. Việc này, hình như có ảnh hưởng khá sâu sắc về sau; nghĩa là hình như phàm là một vị Sứ giả giỏi đối đáp phải giỏi, kể cả những lúc đối đáp lặt vặt. Đúng là công tác đối ngoại cần sự ăn nói giỏi; nhưng có lẽ, cái gọi là ăn nói giỏi ở đây, lại không hẳn là sự láu lỉnh, khôn vặt; mà cái gọi là ăn nói giỏi ở lĩnh vực ngoại giao, phải là sự ứng xử thích hợp với đối tượng cụ thể; sự ứng xử thích hợp này là kết quả của một quá trình học hỏi, tìm hiểu thấu đáo là sự hiểu biết đã ngấm vào xương và thịt; và đặc biệt, trong ứng xử, ứng đối, luôn luôn thể hiện sự thiện chí, chân thành, nhường nhịn. Dù có khi nói năng mềm mỏng, hay có khi đối đáp cứng cỏi, cũng đều thể hiện sự thiện chí, trung hậu. Suốt quá trình đi Sứ của cụ Phùng Khắc Khoan ở Yên kinh có lẽ đã thể hiện được phong cách ngoại giao như vậy. Và nhờ vậy, cụ đã hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn.
Đoàn Sứ bộ do cục Phùng dẫn đầu sang Yên Kinh mới đầu không được triều Minh tiếp đoàn phải chờ đợi ở công quán. Nhưng suốt tháng trời ở công quán Ngọc Hà, cụ đã kiên nhẫn đặt quan hệ với các quan nhà Minh; đặc biệt là quan hệ với quan Thái tử Thái bảo Trương Vị, một vị Đại Học sĩ của nhà Minh, dạy Thái tử học. Cụ cũng đặt quan hệ với Chánh, Phó sứ đoàn Sứ bộ Triều Tiên và đoàn Sứ bộ Lưu Cầu (Nhật). Trên mặt trận ngoại giao, cụ Phùng Khắc Khoan đã vận dụng tất cả đã động viên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn. Với bản thân, Cụ đã phát hiện được sự từng trải của mình trong giao tiếp, cụ vận dụng văn học, triết học và nhiều mặt khác trong vốn văn hóa của mình vào lĩnh vực ngoại giao một cách tự nhiên và có hiệu quả. Nhà ngoại giao Phùng Khắc Khoan cũng luôn luôn ý thức được thực lực của đất nước, phát huy được lẽ phải, sự chính đáng mà đất nước được hưởng, đồng thời, nhà ngoại giao Phùng Khắc Khoan còn cố gắng tranh thủ mọi nhân tố có thể tranh thủ được ở phía đối phương; cụ cũng tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn cùng hoàn cảnh, như tranh thủ sự ủng hộ của Sứ bộ Triều Tiên và Nhật Bản, v.v… Cuối cùng, vị sứ giả Phùng Khắc Khoan đã được chính vua Minh Thần Tông tiếp đón ân cần, được khen ngợi là bậc hiền tài, trung hậu; tập thơVạn thọ thánh tiết của cụ được nhà vua hạ chiếu khắc ván lưu hành. Nhà Minh chính thức công nhận nhà Lê trong quan hệ đối ngoại. Cụ đã góp phần quan trọng mở ra một thời kỳ mới của quan hệ Lê - Minh.
Thành công của chuyến đi sứ đầy gian khổ của cụ Phùng Khắc Khoan được đánh giá cao. Triều đình cử hẳn một đoàn có nghi lễ trang nghiêm lên tận biên giới đón đoàn cụ trở về. Cụ được phong từ Công bộ Tả Thị lang lên Lại bộ Tả Thị lang, tước Mai Lĩnh hầu. Cụ được triều đình kính trọng, Thành Tổ Trịnh Tùng gọi cụ là Phùng Tiên sinh chứ không gọi tên. Còn nhân dân càng vô cùng quý mến công đức của Cụ. Sách Lịch triều hiến chương chép: “Người trong nước đều gọi là Trạng Nguyên, vì kính mến tài năng của cụ” (Sđd. Tr.213). Danh hiệu Trạng Bùng của cụ Phùng Khắc Khoan được lưu hành từ sau chuyến đi sứ của cụ vậy.
Trong dân gian lại còn lưu truyền chuyện bà Liễu Hạnh Công Chúa đã lên tận Lạng Sơn đón Sứ giả họ Phùng và hai bên đã đối đáp mặn nồng sâu sắc. Truyện người liệt nữ ở An Ấp và Truyện Nữ thần ở Vân Cát trong tác phẩm Truyền kỳ tân phả nổi tiếng của bà Đoàn Thị Điểm cũng đã chép lại một vài mẩu chuyện về chuyến đi sứ của sứ giả họ Phùng với tình cảm trìu mến và cảm động. Nhưng có lẽ điều đáng lưu ý nhất của chuyến đi sứ giả Phùng Khắc Khoan là việc nhiều vị sứ giả sau nay đã học tập phong độ ngoại giao của cụ một cách nghiêm túc. Các nhà học giả và cũng là các vị sứ giả như Lê Quý Đôn (đi sứ nhà Thanh năm 1760), Nguyễn Dao (đi sứ nhà Thanh năm 1773), v.v… đã noi theo những kinh nghiệm quý báu của cụ Phùng và họ cũng đạt những thành công nhất định trong công tác đối ngoại. Riêng Lê Quý Đôn mà nói, trong bộ sách Kiến văn tiểu lục, ông có kể lại rằng, trong chuyến đi sứ nhà Thanh năm Canh Thìn, khi ở Yên Kinh, có hai Cử nhân người Lưu Cầu đã đến xin gặp ông. Sở dĩ thế vì người Lưu Cầu còn nhớ cha ông họ thời xưa đi Sứ đã từng có quan hệ thân mật với sứ giả nước Nam là Phùng Khắc Khoan. Có thể nói, trong mối bang giao lâu đời giữa nước ta và nước Nhật, chính cụ Phùng Khắc Khoan là một trong những người đã có công vun xới đầu tiên cho tình hữu nghị này.
Trong tập thơ Sứ Hoa thi tập, có chép được một bài thơ của Phùng Sứ quan Tiễn quốc sứ nước Lưu Cầu, bài thơ viết đầy tình hữu nghị, có hai câu cuối như sau:
Thử hồi huề mãn thiên hương tụ
Hòa khí huân vi vạn vũ đồng
Nghĩa là:
Ông về nước lần này, mang đầy hương hữu nghị,
Không khí chan hòa, bay tỏa khắp muôn nhà.
Nhưng đặc biệt đáng lưu ý hơn cả, đó là việc trong chuyến đi sứ của cụ Phùng Khắc Khoan lần này, Cụ đã có quan hệ hết sức thân thiết với Sứ bộ nước Triều Tiên do Lý Chi Phong Đạo nhân làm Trưởng đoàn và Kim Tiêu Dật sĩ làm Phó đoàn. Hai đoàn Sứ bộ Việt Nam và Triều Tiên rất tâm đầu ý hợp, hết sức thông cảm lẫn nhau. Nhiều thơ xướng họa của họ đến nay vẫn còn giữ được; Lý Chi Phong Đạo nhân và Kim Tiêu Dật sĩ còn viết lời Tựa, lời Hậu cho tập thơ Vạn thọ thánh tiết khánh hạ của Phùng Nghi Trai, các bài viết, ý tứ đều sắc sảo, tình cảm thân ái, tường trình rõ ràng. Đây là một kỷ niệm quý, một tài liệu quý về tình hữu nghị của nhân dân nước ta và nhân dân Triều Tiên anh em. Về quan hệ giữa các đoàn Sứ bộ nước ta và Triều Tiên, theo chúng tôi, có lẽ đã có lịch sử khá lâu đời; đặc biệt, chúng tôi còn nghe nói, trong số những truyện cổ được lưu truyền rộng rãi ở Việt Nam, hình như lại có truyện có gốc gác cả ở Triều Tiên. Có thể nói, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Triều Tiên là mối quan hệ lâu đời nhiều mặt và thân thiết. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa Sứ quân Phùng Khắc Khoan và các Sứ quân Lý Toái Quang, Kim Tiêu đã làm cho tình thân thiết càng thêm thân thiết. Theo sử sách ghi lại, kể từ sau cuộc gặp gỡ của Phùng – Lý – Kim, các đoàn Sứ bộ Việt Nam và Triều Tiên thường tự tìm đến nhau, kể chuyện xưa và trao đổi thân tình.
Nói về sự đóng góp của cụ Trạng Bùng ở lĩnh vực ngoại giao thì còn phải kể nhiều nữa; nếu viết hẳn một cuốn sách, có lẽ cũng được. Hoặc, nếu sau này có cơ quan nào đó, có đơn vị nào đó muốn viết một bộ sách đại loại như lịch sử ngoại giao chẳng hạn, chúng tôi nghĩ, cụ Trạng phải có vị trí xứng đáng trong bộ sách đó. Việc nghiên cứu tư tưởng ngoại giao, phong cách ngoại giao cùng nhiều mặt khác trong lĩnh vực ngoại giao của cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan rõ ràng là những vấn đề lớn phải được nghiên cứu lâu dài và nghiêm túc.