Nhân 411 năm ngày Giỗ danh nhân văn hóa lịch sử Phùng Khắc Khoan (24/9/1528 - 24/9/1613 Âm lịch); Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tổ chức Lễ dâng hương; các cành nhánh họ Phùng các nơi đã về kính lễ. Nhân dịp này, Ban Biên tập đưa lại một số bài viết trong Hội thảo về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và một số hình ảnh tại buổi lễ Giỗ đức ngài.
PHÙNG KHẮC KHOAN
THỜI ĐẠI - CUỘC ĐỜI
Làng quê
Xã Phùng Xá gồm hai làng cổ là Phùng Thôn và Vĩnh Lộc. Làng Phùng còn có tên nôm là làng Bùng vốn có tên là trang An Hoa, sau lại gọi là Phùng Gia trang. Về cái tên An Hoa thì chưa rõ sự tích chính xác là như thế nào. Còn chữ trang thì rõ ràng là nơi có người ở mà chung quanh là ruộng đồng mà ruộng đồng ấy thuộc về một ông chủ, tức vị trang chủ. Như vậy có thể nói đây vốn là khu đất thuộc quyền sở hữu của một hào trưởng. Điều này có thể tin được vì sau lại đổi gọi là Phùng Gia trang tức trang (trại, ấp) của họ Phùng. Có thể hiểu là có một họ Phùng đã tới đây khai thác đất đai và lập ra một trang trại, trang ấp. Theo một truyền thuyết thì họ Phùng đó là dòng dõi Phùng Hạp Khanh: ông này là hào trưởng ở đất Đường Lâm, từng theo Mai Hắc Đế khởi nghĩa (thế kỷ thứ 8). Phùng Hạp Khanh chính là cha của Phùng Hưng - Bố Cái đại vương. Nhưng theo sự ghi chép của thần phả làng Phùng Thôn thì vì thành hoàng của làng là ông Phùng Thành Hòa, một bộ tướng của Lý Bí (như vậy là sống khoảng thế kỷ thứ 6). Vậy trong thực tế, chưa rõ họ Phùng ở Phùng Thôn là dòng dõi Phùng Thành Hòa hay Phùng Hạp Khanh, tất nhiên không loại trừ khả năng Hạp Khanh là hậu duệ của chính Thành Hòa. Có điều là theo thần phả ở Đường Lâm kể sự tích Phùng Hạp Khanh thì chỉ lên đến viễn tổ là Phùng Trí Cái sống thời thuộc Đường thế kỷ thứ 7.
Tuy nhiên, có thể nhận định - qua hai truyền thuyết trên - là muộn nhất thì Phùng Gia trang - trong đó có làng Bùng - đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8. Như vậy đây đã là dải đất dư ngàn tuổi. Địa linh nhân kiệt, không lấy gì làm lạ, làng Bùng - Phùng Xá là quê hương Đại tư mã Nguyễn Cảnh Câu đời Lý, Hàn Lâm viện thị thư Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt đời Trần, Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu tiến sĩ Vũ Đình Dung và trạng Bùng sau đó còn có tiến sĩ Nguyễn Nham.
Như vậy đó, Phùng Xá - Làng Bùng có một bề dày lịch sử đáng chú ý, lại tọa lạc trên một vùng bán sơn địa, núi non gò đống Câu Lậu, Răng cưa mà ngay ở làng Bùng tôi vẫn cho là có một gò cao nào đó, xưa chắc là có cao độ đáng kể, có tên gọi gần hay chính là chữ mai. Vì cụ Phùng Khắc Khoan hơn một lần lấy tên hiệu là “Núi Mai”: Mai nham, Mai Lĩnh. Đây hẳn không phải là mỹ tự mà là có một nham, một lĩnh. Đây hẳn không phải là mỹ tự mà là có gắn bó với ông Trạng. Cũng xin báo cáo thêm theo môn phong thủy mà ngày trước khá phổ biến thì “cao nhất thốn giả vi sơn” (cao 1 tấc là núi vậy). Xin các vị ở quê hương Trạng cho ý kiến.
Trở lại làng Bùng, từng có nghề dệt chồi (khu 4 gọi là sồi), lụa và lượt. Khăn lượt, áo lượt, giấy lọc bột tất phải dùng lượt Bùng. Thời xưa, hẳn đây là một nghề thủ công thịnh vượng, nguyên liệu thì xứ Đoài xưa không thiếu đất chăn tằm ươm tơ. Cổ Đô, Vân Sa ở Quảng Oai (cũ), Canh Nậu, Hương Ngải cũng ở Thạch Thất. Rồi Bảo Lộc, Vĩnh Thọ ở Phúc Thọ… Còn đầu ra thì bốn cái chợ lớn ở Thạch Thất: Chợ Săn, Chợ Nủa Hữu Bằng, chợ Đại Đồng, chợ Gạch cũng đủ là thị trường gần gũi.
Cái thành ngữ khéo tay hay nghề cũng có thể áp dụng cho Làng Bùng Xã được lắm.
Thời đại
Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, mất năm 1613, tám mươi lăm năm trong đó có tới 65 năm hoạt động của ông thuộc vào thế kỷ XVI. Trước đây có một thời các nhà sử học coi đó là thế kỷ mà chế độ phong kiến suy vong hoặc suy đồi, suy thoái, gần đây với cách nhìn mới, giới sử học có bàn lại vấn đề suy mạt của chế độ phong kiến. Có người nêu: “Chế độ phong kiến với tư cách một quan hệ sản xuất phong kiến đã trở nên lỗi thời không phù hợp với yêu cầu phát triển của sức sản xuất. Khi trong lòng nó đã nảy sinh, ít ra là những mầm mống của sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới” (Phan Huy Lê). Theo đó, ở Việt Nam trong 2 thế kỷ XVI, XVII và đầu thế kỷ XVIII nền kinh tế phong kiến nói chung vẫn tiếp tục phát triển, tuy tình trạng phân liệt và nội chiến có gây ra những trở ngại và tàn phá nào đó. Thế kỷ XVI và XVII là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa. Cho nên xét theo quy luật vận động nội tại của hình thái kinh tế - xã hội này chưa thế nói là chế độ phong kiến Việt Nam ở thế kỷ XVI đã suy vong.
Tuy nhiên, việc tranh chấp giữa các phe phái phong kiến cục diện, phân liệt và hỗn chiến phong kiến đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng kẻ sĩ. Bởi về mặt hệ ý thức thì kẻ sĩ đương thời từng chứng kiến thời điểm thịnh trị Hồng Đức ở cuối thế kỷ XV với tất cả những đặc trưng điển hình của một cơ chế nhà nước quan liêu chuyển sang một thời kỳ dồn dập và náo động bao gồm nhiều bước khủng hoảng chính trị ngắn: Sự sụp đổ liên tiếp của các biểu tượng của nền quân chủ với các “vua lợn” “vua quỷ”, sự cát cứ của các tay quân phiệt, dẫn đến cuộc đảo chính của Mạc Đăng Dung, rồi hoạt động “Trung hưng” của đám cựu thần nhà Lê, từ đó dẫn đến chiến tranh, giữa nhiều tập đoàn phong kiến, và giữa phong kiến với nông dân.
Năm Phùng Khắc Khoan chào đời (1528) là năm Mạc Đăng Dung sau khi giết Lê Cung Hoàng (1522-1527) và Thái hậu họ Trịnh đã lên ngôi vua mở đầu cho nhà Mạc (từ tháng 6 năm 1527). Như vậy Phùng lớn lên trong tư cách tôi con nhà Mạc. Và là kẻ sĩ, như các kẻ sĩ khác, ông rất quan tâm đến thời sự chính trị mà vào thời đó (tức trong thời trai trẻ tìm đường của Phùng, khoảng những năm của thập kỷ 40) xã hội thật rối ren. Nhà Mạc tuy có những chính sách cởi mở về kinh tế nhưng đàn áp về chính trị cũng không phải vừa. Cho nên thời thanh niên Phùng Khắc Khoan chứng kiến nhiều người từng là đại thần thân cận của họ Mạc mà lại bỏ Mạc quý Lê. Không kể trường hợp Tây An Bá Lê Phi Thừa cai quản tỉnh Thanh Hóa đã bỏ Mạc theo Lê vào năm 1537 là năm Phùng mới lên 10 tuổi, chưa có nhận thức chính xác. Còn thì năm 1543, một viên đại thần cai quản Thanh Hóa khác là Trung hậu hầu đã bỏ Mạc về với Lê, năm 1550, một tập thể đại thần: Nam đạo tướng, thái tể Phùng Quốc Tông Lê Ba Ly và con là Phổ Quận công Lê Khắc Thận, với thông gia là Lại bộ thượng thư ngự sử đại độ ngự sử, đông các đại học sĩ nhập thị kinh điển Thư Quận công Trạng nguyên Nguyễn Khắc Thiến và con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đã chạy vào Thanh Hóa theo Lê.
Hai năm sau, vào 1552 Tây đạo tướng. Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang cũng theo gương Bá Ly, Nguyễn Thiến…
Một thực tế nữa là chiến tranh Nam Bắc triều dai dẳng, tạo nên sự không ổn định về chính trị cho nhà Mạc. Vì kinh tế tất có ảnh hưởng, nhưng theo tôi không nhiều, vì chiến tranh ngày ấy không phải quy mô hủy diệt như ngày nay. Các trận đánh chỉ diễn ra ở một xóm nào đó hoặc rộng lắm là một cụm làng. Cho nên nơi nào không có trận đánh diễn ra thì kinh tế vẫn bình thường vậy thôi. Khoa cử vẫn mở đều, vẫn có cả trạng nguyên tức là sự học và dạy được diễn ra một cách bình thường. Mà giáo dục là liền em của kinh tế, vì có thực mới vực được đạo, có đủ ăn mới có đi học. Tuy nhiên chiến tranh dai dẳng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý kẻ sĩ, vì Nam hay Bắc triều đều có danh nghĩa cả - Như năm 1555, quân Mạc đánh vào Thanh Hóa, chiến trường là một dải sông Mã khu vực từ làng Yên Định xuống tới núi Quân Yên làng Cẩm Chướng dài khoảng 4km.
- Năm 1557, quân Mạc đánh Thanh Hóa ở vùng Nga Sơn - Yên Mô.
- Năm 1558, quân Lê Trịnh đánh ra Sơn Nam, 2 lần vào đầu năm.
- Năm 1559, Lê Trịnh đánh ra Sơn Tây, Tuyên Quang, lan sang Kinh Bắc rồi xuống Hải Dương trong năm 1560. Lần này Trịnh Kiểm ở lại Bắc đúng 2 năm (từ tháng 9 âm lịch 1559 đến tháng 9 âm lịch 1561).
- Trong khi đó tháng 3 âm lịch 1561, quân Mạc đánh vào Thanh Hóa (khiến Trịnh Kiểm phải trở về nơi này).
- Năm 1564, Trịnh Kiểm lại đưa quân ra đánh phủ Trường Yên (Ninh Bình) tới Sơn Minh tức Ứng Hòa.
- Năm 1565, tháng 4 Trịnh Kiểm lại ra đánh Sơn Nam, phía các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang (nay là Yên Khánh). Tháng 9 lại ra đánh lần thứ hai, nhân đó quân Mạc ập vào đánh Thanh Hóa, vùng Hậu Lộc, Hoằng Hóa buộc Trịnh Kiểm phải rút về nơi đây để chống giữ. Chỉ nêu trong 10 năm, cũng thấy như vậy là có 9 lần hai phe Mạc - Lê và Trịnh đánh nhau (4 lần Mạc đánh vào Thanh Hóa, 5 lần Trịnh đánh ra Bắc).
Trừ lần Trịnh Kiểm ra Bắc (1559-1561) đi vờn quanh Thăng Long từ Tây lên Bắc sang Đông, có thể đó là cuộc hành quân phô trương thanh thế nhiều hơn là làm chiến tranh, bởi sau đó lại rút về Thanh Hóa căn cứ địa.
Cho nên cuộc tranh chấp Mạc - Lê Trịnh ngày ấy không phải là chiến tranh tàn sát trên địa bàn rộng, mà là rất cục bộ, nên không mấy tác động đến toàn bộ nền kinh tế đương thời. Nhưng có tác động đến tâm lý người dân, nhất là những kẻ sĩ vốn hay suy ngẫm, vốn ưu thời mẫn thế, vốn tiên ưu hậu lạc. Dưới đây xin bàn về kẻ sĩ Phùng Khắc Khoan.
Cuộc đời
Phan Huy Chú từng có nhận xét về Phùng Khắc Khoan như sau: “Lúc trẻ đã nổi tiếng văn học, theo học trạng nguyên Nguyễn ở Vĩnh Lại, kiêm thông cả thuật số… ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các thi tập truyền ở đời”.
Chúng ta thử tìm hiểu cuộc đời vinh quang đó bắt đầu như thế nào.
Trước hết, xin thưa ngay là tôi không sao quan niệm được Phùng Khắc Khoan lại là em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng là học trò của Nguyễn thì nhiều tài liệu đã nói đến (nhưng tôi cũng có một băn khoăn là: Phùng làm văn thơ nhiều, ca ngợi danh nhân tiền bối cũng lắm, mà sao trong văn thơ ông lại vắng bóng ông thầy lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm). Còn Phùng là em đồng bào với Nguyễn thì chỉ là truyền thuyết. (Trong sách “Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan”, do Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình xuất bản 1979, Bùi Duy Tân cũng có thái độ nghi ngờ giá trị xác thực của truyền thuyết này. Tôi cũng không tin là như vậy, không tin rằng Phùng Khắc Khoan là em đồng bào cùng mẹ với Nguyễn Bình Khiêm, song theo tôi thì ông Trạng Bùng xứng đáng là người kế cận ông Trạng Trình, tức cũng là một người em tinh thần. Chứ nếu cố tình coi Trạng Bùng - bởi giá trị đích thực của Trạng Bùng đủ để đặt ông ngồi cạnh Trạng Trình - mà còn là hạ thấp bà mẹ cụ Trạng Trình, vì nếu thật có chuyện bà gặp một nông phu thấy có quý tướng liền lấy làm chồng rồi sinh ra Trạng Bùng thì bà cụ thật là một người nhiều tham vọng ham hố).
Trở lại Phùng Khắc Khoan, nhà nho trẻ đất kẻ Bùng sớm đã xác định chí hướng của mình: theo nhà Lê, bỏ nhà Mạc. Đành rằng ngày nay giới sử học đã đánh giá lại nhà Mạc, đã chiêu tuyết ít hoặc nhiều cho triều đại này nhưng việc bỏ nhà Mạc theo nhà Lê của Phùng Khắc Khoan - cũng có nghĩa là từ bỏ lý tưởng của phu tử Tuyết Giang - không có gì đáng chê trách. Vì vào lúc Phùng trưởng thành thì nhà Mạc đã bộc lộ những mặt tiêu cực, mất lòng tin của nhân dân đã đành, mất lòng tin ngay ở hàng ngũ cận thần. Sách cũ và gia phả có ghi là Phùng vào Thanh Hóa theo nhà Lê vào năm 23 tuổi tức 1550. Có lẽ không phải. Ví dụ lịch triều hiến chương có ghi! “Phùng Khắc Khoan theo Lê Bá Lý quy thuận nhà Lê” và đó là năm 1550, nhưng giáo sư Bùi Duy Tân đã chứng minh được rằng năm 1551 Phùng Khắc Khoan còn sửa sang ngôi nhà đọc sách của mình ở làng quê Phùng Xá đặt tên là Hoằng Đạo thư đường. Và năm 1552, Phùng còn làm bài thơ - ghi là làm ở quê nhà - để mừng thọ cha lúc đó làm tri huyện Đông Lan và con đi thi hương (với chính quyền nhà Mạc) trúng tam trường. Cứ xem xét niên đại những bài thơ có nội dung gắn liền với việc vượt tuyến vào Thanh Hóa như “Ngọ qua Thiên Quan” (Giữa trưa qua Thiên Quan - tức Nho Quan). “Tây Đô hiểu quá” (Buổi sáng qua thành Tây Đô); “Tây hành nhập Thanh hoa dao vọng thanh sơn” (Đi sang phía tây vào Thanh xa trông núi xanh) thì đó là vào cuối năm Quý Sửu 1553, lúc đó ông 26 tuổi. Nhưng vào xứ Thanh ông không tìm đến hành tại vua Lê ông ngụ tại làng Nguyễn Xá, huyện Đông Sơn, sau dời lên làng Khoái Lạc huyện Yên Định rồi ra làng Châu Bái (nay là Hổ Bái) ở đâu ông cũng mở lớp dạy học và tìm giao du với các nhân sĩ địa phương, và có lẽ sâu xa hơn là tìm hiểu phong trào của vua Lê, thực chất là do Trịnh Kiểm lãnh đạo. Có tới 4 hoặc 5 năm, cuối cùng vào năm 1558 ông mới ra thi hương, trường thi đặt ở làng Đa Lộc huyện Yên Định cách làng Châu Bái ông đang cư ngụ khoảng 3 km, ông đã đỗ đầu. Lúc này ông đã 31 tuổi. Có lẽ do thành tích thi cử này mà ông lọt ngay vào mặt Trịnh Kiểm, được Kiểm tuyển dụng vào bộ tham mưu của mình, nhưng chắc không mấy tín nhiệm. Nên sang năm sau, năm 1559 Trịnh Kiểm đem quân ra Bắc để phô trương lực lượng, từ vùng núi Ninh Bình ra vùng núi Hà Nam, Sơn Tây, lên Thái Nguyên vòng sang Bắc Giang, xuống Hải Dương rồi 2 năm sau mới rút trở lại Thanh Hóa. Trong lần này Phùng Khắc Khoan được giao ở lại cùng bộ phận bảo vệ khu căn cứ Yên Trường, Vạn Lại, từng giữ chức Ký lục, chức này được đặt từ thời Lê Thánh Tông, có nhiệm vụ trong chinh chiến theo dõi các tướng lĩnh, ghi lại các hoạt động của những người này xem siêng năng hay lười biếng dũng cảm hay nhút nhát để tâu vua. Sau lại coi giữ quân bốn vệ (binh chế thời này không có tư liệu nên chưa rõ Phùng chỉ huy bốn vệ quân là những vệ nào, tên gọi là gì, có bao nhiêu quân lính). Và từ đó cho tới 1574, tức là có tới 14, 15 năm ông chuyên trách vùng Thanh Hóa. Lúc thì coi việc quân ngũ, lúc thì đi chiêu dụ dân lưu tán trở về quê cũ làm ăn. Chức quan cao nhất là làm cấp sự trung Binh khoa (1572) rồi cấp sự trung Lễ khoa (1574). Các thứ khoa: Lại khoa, Binh khoa, Lễ khoa… là các cơ quan có nhiệm vụ phản biện các chính sách của các bộ tương ứng (Lại bộ, Binh bộ, Lễ bộ…) tức là những cơ quan không có thực quyền thực lực và đứng đầu là chức Đô cấp sự trung. Còn cấp sự trung là vị trí thứ 2, phẩm trật là Thất phẩm tức quan cấp thấp (theo quan chế Lê Thánh Tông và Lê Bảo Thái) trong khi phản biện một chính sách nào đó, ông làm phật ý vua (hay tả tướng Trịnh Tùng?) mà bị giáng chức đầy vào tận miền núi rừng phía Tây tỉnh Nghệ An, đó là đất Thành Nam huyện Tương Dương mà nay là xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Thành Nam nằm trên bờ nam sông Lam, tiếp giáp biên giới với Lào, núi rừng hiểm trở. Chắc là ở nơi heo hút, Phùng chỉ còn biết dùng thì giờ vào việc tìm hiểu địa phương và nhất là nghiên cứu về thảo mộc. Hai trăm năm sau Bùi Huy Bích có đi qua đây, có làm bài thơ vịnh Thành Nam có nhắc đến Phùng Khắc Khoan:
Thành Nam đi chỉ thạch lân lân
Phùng lão hà niên tác trục thần
Thảo ốc dĩ thành giang thượng thủy
Đào nguyên do tưởng khúc trung nhân
Nghĩa là:
Nền cũ Thành Nam đá lởm chởm
Ông già họ Phùng năm nào là bầy tôi bị ruồng đuổi ra đây
Nơi nhà tranh xưa nay thành dòng sông chảy
Mà vẫn nhớ tới người trong khúc hát Đào nguyên.
Khúc Đào nguyên nói ở đây là bài Lâm tuyền vãn còn có tên là Ngư phủ nhập Đào nguyên hay Đào nguyên hành do Phùng Khắc Khoan viết trong thời gian bị đày ra Thành Nam. Khúc ca này được viết bằng quốc âm, theo điệu lục bát, có gửi gắm chút ít tâm sự nhưng chủ yếu là mô tả cách trồng tỉa, hình dáng, mùi vị, màu sắc, công dụng của các loài rau quả. Tác phẩm đã thể hiện một phong vị dân tộc đậm đà, một tình cảm dân dã sâu sắc, đầm ấm, và một sự hiểu biết khá tỷ mỉ sâu rộng về các loài rau quả nước ta.
Không rõ bị lưu đầy ở Thành Nam bao lâu thì ông được gọi về triều (tức vùng Vạn Lại - Yên Trường, Thanh Hóa) cho phục chức. Chỉ biết là tới năm 1580 (ông lúc này 53 tuổi) Vua Lê mở khóa thi hội đầu tiên của triều Lê Trung Hưng tại Vạn Lại, Phùng Khắc Khoan xin dự thi, đỗ thứ hai. Như vậy ông không đỗ trạng nhưng dân cứ gọi là Trạng. Thi xong ông được nâng một bậc quan hàm: lên Đô Cấp sự trung, cũng thấp thôi. Hai năm sau (1582) ông cáo quan về tại Vạn Lại. Năm sau (1583) ông lại được vời ra, làm Hồng lô tự Khanh, tức chức lo việc truyền loa xướng danh ở thị đình hàm ngũ phẩm, tức có tăng lên 2 trật (từ thất phẩm lên ngũ phẩm). Cuối năm 1585 ông được thăng Hữu thị lang bộ Công, hàm tam phẩm rồi lại làm thừa chính sứ Thanh Hóa (đứng đầu trấn Thanh Hóa) như vậy có thể nói là chỉ từ sau khi khai phục 1583 ông mới được tin dùng. Ba mươi năm thử thách! hơi dài hoặc quá dài. Có thể giải thích sự kiện này, có thể vua Lê và Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng thành kiến với quan lại sĩ phu Bắc Hà. Vì khối người là quan tướng nhà Mạc bỏ Mạc theo Lê rồi lại bỏ Lê theo Mạc. Các danh tướng Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Lê Khắc Thận chẳng đã thế sao… Quyện, Miễn, Thận, bỏ Mạc về Lê năm 1550, đến 1557 lại bỏ Lê về Mạc. Lê Khắc Thận thì ở lâu hơn, được 19 năm, tới 1572 mới trở về Mạc. Nhưng Khải Khang thì theo về Lê năm 1552, 6 năm sau (1558) lại trở về Mạc. Trong khi đó nhiều kẻ sĩ Bắc Hà vốn theo Lê lại giở giáo theo Mạc như Đặng Huấn người Lương Xá (Chương Mỹ). Năm 1563 bỏ Lê theo Mạc, hay bầu đoàn chúa tôi Trịnh Cối, Lại Thế Mỹ, Nguyễn Sư Doãn, Vũ Sư Thước năm 1570 kéo nhau sang nhà Mạc. Và ngay thày của Phùng là cụ Trạng Trình vẫn ở với nhà Mạc. Cho nên có nhiều lẽ để Lê Trịnh cảnh giác với Phùng và thử thách Phùng. Và chỉ từ 1586 Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời thì hình như Phùng mới được tin dùng và đó là dưới thời Trịnh Tùng (Trịnh Kiểm đã chết từ 1570). Và ngôi sao Phùng Khắc Khoan tuy mọc chậm nhưng khi đã mọc thì sáng rực, nhất là trên bầu trời ngoại giao, phải nói một cách chính xác rằng tên tuổi của Phùng Khắc Khoan được ghi năm lần vào chính sử (ĐVSKTT) thì ở bốn chỗ đều là nói về công tích ngoại giao của ông.
Tới cuối năm 1592, Trịnh Tùng quét sạch nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tháng 4 âm lịch năm 1593, vua Lê về Thăng Long, nhà Mạc phiêu bạt lên trú ngụ vùng biên giới Cao Bằng, cho người sang nhà Minh tố cáo rằng vua Lê là rởm. Do đó năm 1596, Minh sai sứ đem điệp văn sang ta, “hẹn đại hội để khám xét con cháu nhà Lê có phải thực hay không, hẹn đến tại cửa quan” (TT t4 tr 211). Ngày 29 tháng giêng âm lịch 1576, vua Lê sai Đỗ Uông, Nguyễn Văn Giai lên trấn Nam quan giao thiệp với tuần đạo nhà Minh, coi như tiền trạm, chuẩn bị. Sau đó sai Lê Ngạnh, Lê Hựu và Phùng Khắc Khoan mang 2 kiểu ấn, 1 của nhà Mạc, 1 của nhà Lê tức ấn An nam đô thống sứ ty và ấn An Nam quốc vương cùng 100 cân vàng, 1000 cân bạc, cùng kỳ lão trong nước đến Trấn Nam Quan đợi hội khám. Tháng 2 vua Lê lên cửa ải, nhưng nhà Minh trù trừ thoái thác nên vua lại trở về. Đây là lần thứ nhất Phùng Khắc Khoan tham gia công tác ngoại giao (nhưng không có hiệu quả).
Sang năm sau 1597, lại hội khám. Lần này phái bộ nhà Minh đến hội khám do chức quan Tuần đạo án sát Trần Đôn Lâm cầm đầu. Vua Lê dẫn chủ tướng tới tham dự. Hai bên vui vẻ. Nên một phái bộ Việt Nam do Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ được cử sang Bắc Kinh cống nạp và xin sắc phong; đến Bắc Kinh, gặp tiết Vạn thọ của vua Minh, Phùng Khắc Khoan làm một lúc 30 bài thơ mừng vua Minh. Lại bộ thượng thư nhà Minh là Trương Vị đem dâng vua Minh (Vạn Lịch), vua phê “người hiền tại không chỗ nào là không có, trẫm xem tập thơ đủ biết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan. Rất đáng khen”. Rồi sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước (Tàu). Tập thơ này có lời tựa của sứ nước Triều Tiên là Lý Toái Quang. Đó là lần thứ hai Phùng làm công tác ngoại giao, có hiệu quả, vun đắp được sự hòa hoãn của hai bên. Thực ra thì đó là thơ thủ tạc, cái gọi là “lòng trung thành” chỉ là công thức. Nhưng khiến người “Tàu rồi sứ Triều Tiên phải phục là “hiền tài” thì thật vinh dự cho người Việt Nam, nhưng kỳ tích của Phùng trong lần ngoại giao này chính là việc “người vàng” và “tước phong” cho vua ta. Nguyên theo lệ cũ, nhà Mạc phải cống người vàng cao 1 thước 2 tấc, nặng 10 cân và đặc biệt tượng phải cúi đầu, như vẻ thần phục hay chịu tội. Lần đó Phùng Khắc Khoan đem theo cống vật là người vàng nhưng không cúi đầu mà nhìn thẳng bình thường. Bộ Lễ của nhà Minh gây khó dễ, không cho sứ bộ vào chầu vua Vạn Lịch với lý do người vàng không theo mẫu cũ cúi đầu. Phùng đã cãi lại rằng: “Nhà Mạc cướp ngôi danh nghĩa là nghịch, nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Nay lại bắt nhà Lê theo lệ nhà Mạc thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trường giới việc trích phạt được”. Từ đó trở về sau nhà Minhh phải chấp nhận mẫu người không cúi đầu”.
Về việc tước phong, thì các đời vua Lê trước đều được Trung Quốc phong là An Nam quốc vương… Đến nhà Mạc vì coi như có tội nên về quốc hiệu đổi An Nam quốc ra An Nam đô sứ ty, và tước vua Mạc là Đô thống sứ, cho ấn bạc và phẩm tống nhị. Nay nhà Lê khôi phục, muốn xin phong tước như cũ. Phùng Khắc Khoan đem biểu cầu phong sang cùng lễ vật. Nhưng vua Minh cũng chỉ phong vua Lê là An Nam đô thống sứ ty, cho 1 quả ấn bằng bạc có chữ An Nam đô thống sứ ty. Phùng dâng biểu xin phong vương cho vua Lê:
“Chủ của thần họ Lê là dòng dõi An nam quốc vương, giận nghịch thần họ Mạc cướp ngôi, không nhìn được mối thù ngàn năm nằm gai nếm mật, lo thu phục cơ nghiệp tổ tông. Họ Mạc vốn là bề tôi của họ Lê, giết vua, cướp nước, là người có tội với thượng quốc, mà ngầm cầu lấy chức đô thống. Nay chủ của thần không có tội như họ Mạc, mà lại phải nhận chức như họ Mạc là nghĩa thế nào? Xin bệ hạ xét cho”.
Vua Minh cười và nói: “Chủ của người tuy không ví như họ Mạc nhưng vì mới lấy lại được nước, sợ lòng người chưa yên, hãy cứ nhận đi, sau sẽ gia phong tước vương cũng chưa muộn gì. Người nên kính theo, chớ có từ chối”.
Lý lẽ ngoan cố, nếu sợ lòng người chưa yên thì phong ngay tước vương là một biện pháp cho yên lòng người mà chẳng tốn kém gì. Nhưng họ là nước lớn, lý lẽ của kẻ khỏe hơn nên Phùng đành chịu. Mãi tới năm 1647 nhà Minh mới chịu phong vua Lê là An Nam Quốc vương.
Tính ra, Phùng ra đi từ tháng 4 âm lịch 1597, đến tháng 4 âm lịch năm sau mới đến Yên Kinh, ngày 6 tháng 12 âm lịch năm 1598 mới lên đường về nước cộng 1 năm 4 tháng. Năm ấy ông tròn 70 tuổi.
Trong lần đi sứ này, không những ông đã làm cho triều đình nhà Minh phải trọng vọng, các quan lại thiên triều phải nể vì, mà có thể ông đã chuốc được tình cảm của nhân dân Trung Quốc. Do đó mà ông có dịp hiểu sâu hơn kỹ thuật dệt sa dệt lượt và có thể xin được những giống cây có ích, đem về truyền bá ở quê hương. Đi sứ về, ông được thăng tả thị lang bộ Lại tước Mai Lĩnh hầu. Hai năm sau được thăng thượng thư bộ Công. Năm 1602 lại thăng thượng thư bộ Hộ tước Mai quận công. Nhưng ông xin về trí sĩ và còn sống thêm chục năm nữa, thọ 86 tuổi, mất tháng 9 âm lịch 1613.
Về với dân làng, ông lại lo cho dân làng. Ông đã tự bỏ tiền xây 2 chiếc cầu có mái che ở 2 bên hồ rộng trước mặt chùa Thầy để tăng vẻ đẹp cho thắng cảnh. Ông cho đào mương tiêu nước ở quanh núi Thày và dẫn nước tưới cho đồng ruộng Bùng Xá, Hoàng Xá. Ông dạy dân cách cải tiến nghề đúc cày, rèn bừa, khung dệt. Ông còn hướng dẫn mọi người làm các việc mà ta nói ngày nay là kinh tế gia đình.
Phùng Khắc Khoan đúng là người con quý tử của làng Bùng nên gọi cụ là Cụ Trạng là phải lắm.
Ngoài ra Phùng Khắc Khoan còn là một nhà thơ cả hán lẫn nôm tài hoa, một nhà lý số chiêm tinh mà tới nay chưa được nghiên cứu giới thiệu, một nhà tư tưởng đặc sắc và một nhà thực nghiệm mà ở Hội thảo này nhiều nhà khoa học đề cập tới. Chỉ cần là một nhà như trên đủ để thành một danh nhân, huống hồ ngần nấy nhà hợp lại thì Phùng Khắc Khoan đúng là một danh nhân tiêu biểu của nước Việt Nam và trước hết là của làng Phùng Xá, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất vốn có một bề dày lịch sử đáng trân trọng.
Nhà sử học Nguyễn Vinh Phúc
Sau đây là một số hình ảnh: