TRUNG TƯỚNG PHÙNG KHẮC ĐĂNG,
NHỮNG SẺ CHIA DÒNG TỘC
Nhà văn Phùng Văn Khai
Tôi biết Trung tướng Phùng Khắc Đăng từ những ngày đầu ông mới về Tổng cục Chính trị, đó là vào năm 2001. Một hôm, trời rất rét, đang ngồi trầm tư trong góc phòng trên tầng ba cơ quan Truyền hình Quân đội số 2 Lý Nam Đế nghĩ về những khó khăn của nghề báo hình vất vả thì anh Đặng Quốc Giang gõ cửa phòng tôi giọng gấp gáp:
- Khai có điện thoại ở đầu kia.
Khi ấy cơ quan, cơ bản phóng viên vẫn dùng chung điện thoại dây, máy quân sự thường chỉ là của sếp, điện thoại dân sự ai đó có sáng kiến đóng hộp có chìa khóa để chỉ được nghe không không gọi được. Cuộc sống nó thế. Quy định là quy định. Ai sang thì có điện thoại di động. Cũng nhìn nhau ý tứ lắm.
Tôi rảo bước phía dãy phòng bên kia vừa thầm nghĩ. Ai gọi cho mình mà sớm nhỉ? Máy quân sự thì chắc là đơn vị có việc gì nhờ tuyên truyền chăng? Sao lại đến lượt phóng viên thường như tôi? Có gì phải là các sếp chứ? Tôi là lính chủ lực làm chuyên mục VTV3 Văn hóa - Thể thao Quân đội, toàn phải chủ động liên hệ chứ không như các anh VTV1 Thời sự Chính trị Quốc phòng luôn được các đơn vị đón đưa thắm thiết. Lại nữa, tôi đang gặp khó khăn ở cơ quan. Chắc chắn chả phải tin tốt lành gì. Khi ấy, phim tôi làm về Nhà thơ Hoàng Cầm đang có ý kiến phê phán gay gắt từ Cục Tuyên huấn, quân hàm tôi đã bị chậm một năm…
Tôi lao lung nhấc ống nghe điện thoại.
- A lô, tôi Phùng Văn Khai nghe đây ạ.
Có lẽ ít người khi nghe điện thoại luôn xưng đầy đủ họ và tên như tôi.
Đầu dây phía bên kia, giọng nói nhẹ nhàng, khúc triết nhưng khá xởi lởi vang lên.
- Khai đấy à, mình là Đăng đây.
Đầu tôi lướt nhanh. Tôi không quen ai tên là Đăng cả. Tôi chậm rãi nói:
- Vâng! Nhưng tôi không biết ai là Đăng cả? Xin lỗi…
- Chú Phùng Khắc Đăng ở Tổng cục Chính trị đây. Chào nhà văn trẻ.
Thôi chết, tôi giật thót mình, Thiếu tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đã có hai lần tôi đi làm tin khi ông dự Khai mạc các hoạt động về Báo chí Văn học nghệ thuật. Với các thủ trưởng, quy chế đã rõ rồi, là cấp gì, đưa tin như thế nào, giới thiệu ai trước, ai sau. Thiếu tướng Phùng Khắc Đăng mới ở Quân khu 1 về, đã có quy chế về đưa tin khi ông dự các hoạt động trong toàn quân. Nhưng, tôi đâu có việc gì để ông phải gặp trực tiếp qua điện thoại? Có lẽ nào mấy anh Cục Tuyên huấn đã sớm tâu lên thủ trưởng về cái phim kia? Tôi cố bình tĩnh nói:
- Vâng, cháu chào chú ạ, cháu…
- Mình hỏi thăm Phùng Văn Khai tý thôi. Mình mới đọc cái truyện Hồn quỳnh của cậu dự thi trên Văn nghệ quân đội. Viết về lịch sử tốt lắm. Nhân vật Phùng Chấn Sơn mình rất thích. Có khí phách lắm...
- Dạ. Cháu cảm ơn chú.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra là một ông tướng mê văn chương. Khi ấy tôi còn chưa ý thức cùng dòng họ Phùng với ông. Tôi lặn lội về Tổng cục Chính trị một thân một mình, khá bơ vơ, đơn độc nhưng luôn ở tư thế điếc không sợ súng.
Nhận rõ tình hình không có gì tồi tệ, tôi mạnh dạn:
- Báo cáo chú, cháu có viết văn thôi ạ, chưa phải nhà văn, các chú các anh ở Văn nghệ quân đội luôn động viên cháu viết…
Câu chuyện mở sang văn chương, cái mà tôi luôn sẵn sàng bộc bạch hết mình không e ngại. Thiếu tướng Phùng Khắc Đăng nói ngắn nhưng sâu sắc về đời, về nghề, về cảm nhận văn chương. Tôi nào biết khi ấy ông đang ở cương vị chỉ đạo cuộc thi lớn của Văn nghệ quân đội.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông nói:
- Khai nhớ khi nào có thời gian rỗi thì đến gặp chú. Có gì khó khăn cứ gọi điện thoại cho chú.
Tôi vâng dạ đặt máy xuống mà lòng dạ bâng khuâng. Có lẽ nào một vị tướng thủ trưởng Tổng cục Chính trị lại có thể nói với lính quèn như thế được nhỉ? Rõ ràng là tôi đã trò chuyện rất thật với ông. Thủ trưởng còn cho phép tôi có thể đến gặp? Giọng nói, cung cách không có vẻ gì là xã giao cả.
Tôi đã lặng lẽ tự vượt qua biết bao khó khăn để được vào biên chế, được chuyển quân hàm, có lúc thăng trầm nhưng luôn kiêu hãnh trong suốt những năm ở Truyền hình quân đội mà tuyệt nhiên chưa bao giờ đến gặp ông hoặc điện thoại cho ông, càng không bao giờ có ý định nghĩ nhờ vả thủ trưởng bất kể việc gì. Kể cả là việc tâm sự văn chương theo sự cho phép của ông cũng tuyệt nhiên không.
Do thấy tôi không tìm đến với thủ trưởng, có lẽ ông cũng đã quên tôi.
Đó cũng là một việc bình thường.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng nghỉ hưu đầu năm 2006, năm 2007 ông sang công tác tại Hội Cựu chiến binh.
Nhưng cuộc đời vốn không bao giờ hết những bất ngờ.
Cứ nghĩ rằng mình quên thủ trưởng thế là xong. Yên phận thủ thường, nuôi vợ nuôi con, viết văn chương tiêu dao tự tại chả hại gì đến ai. Đời sống của tôi chốt lại có hai việc đọc sách và viết sách. Đến bao giờ bước sang bên kia thế giới là xong, thân cát bụi trở về cát bụi, mấy cuốn sách đã viết cho bộ đội ai nhớ ai quên mặc kệ đời. Tôi chuyển sang Văn nghệ quân đội cũng là để thực hiện cái trò an phận ấy. Nhưng ông Đăng lại nói đấy là đất của Khai đấy. Ở đấy Khai có điều kiện tốt để thể hiện cái khướu văn chương, cố lên, đây cũng là cơ hội với nghề đấy Khai ạ.
Đột nhiên một hômTrung tướng Phùng Khắc Đăng đến tìm tôi.
Đó là cuối năm 2009.
Các thành viên tâm huyết gặp gỡ năm 2009 chuẩn bị mọi mặt tổ chức Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam nay là Hội đồng họ Phùng Việt Nam: Phùng Văn Khai, Phùng Văn, Phùng Thảo, Phùng Khắc Đăng, Phùng Tất Văn, Phùng Hệ, Phùng Thiên Tân, Phùng Quang Nghênh
Hôm đó, cũng là một sáng mùa đông muộn. Tôi đang uống trà trong phòng với các nhà văn Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thế Hùng thì nhà văn Ngô Vĩnh Bình gõ cửa thò đầu vào tươi cười nói to:
- Ai là Phùng Văn Khai xuống đón khách víp.
Tôi đặt cạch chén trà mơ màng đứng dậy, mặc kệ Trung Trung Đỉnh và Sương Nguyệt Minh lườm nguýt. Chân bước xuống gốc đại đầu cổng bỗng giật mình thấy chiếc xe biển xanh 80B sang trọng bóng loáng và một vị Trung tướng mái đầu hoa râm đứng tươi cười chào chìa tay về phía tôi.
- Chào nhà văn. Mới sáng đã thờ thẫn sớm thế.
Tôi ngượng nghịu chào vị tướng dưới tán cây đại cổ trăm năm.
- Cháu chào chú! Mời chú lên phòng với anh em…
Tôi thấy ông thoáng ngần ngừ. Nhìn điệu bộ kia của tôi chắc chắn là đang vui chuyện với ai đó. Lên phòng có khi lại khó cho anh em. Đang giờ hành chính như thế này…
Trung tướng Phùng Khắc Đăng nói dứt khoát.
- Thôi! Chú gặp Khai chút rồi chú phải qua cơ quan. Nói với anh em nhà văn, báo với anh Bảo, anh Thụy là hôm khác chú mời anh em. Còn trưa nay, đúng 11h30, chú mời Khai đến số 1 Trấn Vũ ăn trưa. Tiện thể ta sẽ bàn công việc.
Chiếc xe biển xanh đi rồi tôi còn đứng đực ra đấy như trời trồng. Mãi khi nhà văn Ngô Vĩnh Bình nhắc tôi mới trở về thực tại và biết Trung tướng Phùng Khắc Đăng hiện nay đang là Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
*
* *
Trung tướng Phùng Khắc Đăng (thứ 2 từ trái sang) và Nhà văn Phùng Văn Khai (đeo máy ảnh) trong cuộc đi điền dã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội năm 2012
Bữa ăn trưa đó là một bước ngoặt lớn với tôi.
Và từ đó, tôi thấy được sự thiêng liêng của chữ Phùng, họ Phùng, họ mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ truyền cho tôi, đã gần 40 năm.
Hôm ấy có một số anh em họ Phùng như Phùng Hệ, Phùng Danh Thắm, những người đã cùng với ông Đăng làm một số việc nghĩa với dòng họ.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng đưa ra hai vấn đề: Sớm hình thành một Ban liên lạc để có tư cách pháp nhân hoạt động và tổ chức một cuộc Hội thảo về Phùng tộc Việt Nam. Để chuẩn bị việc này, ông đã nhờ nhà giáo Phan Thị Bảo viết một cuốn sách nhỏ tóm lược về một số danh nhân họ Phùng bao gồm vua và các đại thần, tướng lĩnh họ Phùng có công với nước.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi vốn nung nấu vấn đề này từ lâu nay được ông Đăng gợi ý, tôi như một thuyết trình viên lưu loát đưa ra ý tưởng mà tôi từng ấp ủ, nhất là công việc làm sách là cái nghề tay phải của tôi. Anh Phùng Hệ nói họ Phùng nhà ta có được chú Khai vào cuộc là yên tâm rồi. Nhưng nói gì thì nói, chú phải làm thật hoành tráng cho xứng với tổ tiên. Tôi biết anh Hệ là người tâm huyết với tổ tiên, anh từng nêu ý kiến chọn một hai người thành thạo Hán - Nôm để anh chu cấp tiền, xe đi khắp mọi miền đất nước thu thập tư liệu về dòng họ, để sau này con cháu hiểu biết về cha ông dòng họ tuy nhỏ nhưng rất đáng tự hào.
Tôi chính thức làm việc với Trung tướng Phùng Khắc Đăng từ khi ấy.
Làm việc với ông, mới thấy nhiều đức tính khác người. Cẩn thận, tỉ mỉ nhưng khoáng đạt, luôn nắm cái lớn, vì việc chung, sẵn sàng bỏ mọi lỗi nhỏ nhưng chủ trương lớn phải được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Thực người thực việc. Chưa bao giờ thấy ông sai hẹn, dù là mưa bão, ốm đau. Việc nước ở Quốc hội, việc quân ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam, việc nhà ở Thạch Thất, thậm chí sau này là việc riêng làm rể ở Tuyên Quang thảy đều rõ ràng, khoa học, có kế hoạch, có sơ kết, tổng kết liên tục. Bão lũ đi Sơn La cùng đoàn Đại biểu Quốc hội đến với dân dẫu bị các “già làng” kém tuổi xưng là bố vẫn cười vui; khi ăn cỗ giỗ nơi này nơi khác dẫu bị xếp vào mâm có phụ nữ trẻ em cũng niềm nở. Khi dâng hương hành lễ nghiêm cẩn, thành tâm; lúc chơi với cháu nội, cháu ngoại cười vang tuế tóa; lại lắm phen bị cấp dưới phân đi đóng thế việc họ việc làng vẫn phấn khởi vui tươi; dẫu có lúc bị các em dân tộc Kinh, Mường vây hãm rượu chè vẫn an nhiên tự tại. Thật là sắm đủ các vai. May thay họ Phùng có một người như thế.
Không ít lần, khi chỉ có tôi với Tiến sĩ Phùng Thảo, hai chú cháu tâm sự với nhau:
- Họ Phùng mình may mắn có đồng chí Trưởng ban liên lạc luôn đủ tiêu chí để ta đưa lên tuyến đầu mà không phải lo lắng gì cả.
- Hồng phúc tổ tiên phù hộ độ trì chăng? Hơn chục năm nay, chỉ tính riêng về sức khỏe đi Đông, Tây, Nam, Bắc, nếu không có ngài cũng đã gay go.
- Mong ngài sống thêm vài chục năm nữa giúp họ cái chức hữu danh vô thực này.
- Yên chí! Còn vượng lắm…
Đúng là lý luận của họ Phùng. Vừa chả giống ai vừa như giống tất thảy. Điều này, cỡ nguyên Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Thảo khả năng mới tường minh được.
*
* *
Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên trong Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2015
Đây lại nói Trung tướng Phùng Khắc Đăng chỉ đạo Hội thảo Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Việc đầu tiên, tôi và tiến sĩ Phùng Thảo thông qua dự kiến các tham luận theo chủ đề Hội thảo, mời các tác giả viết theo chủ đề, tránh trùng lặp, tránh sáo mòn không phải dễ. Phải là các cây đa cây đề, cũng phải có yếu tố mới. Tất cả vì chất lượng Hội thảo.
Sau nửa tháng làm việc, điện thoại khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nội dung Hội thảo bước đầu chốt lại như sau:
Trải qua các triều đại, từ thời Hùng Vương, thời Tiền Lý, Ngô - Đinh - Lý - Trần đến Lê - Nguyễn và hiện nay, thời đại Hồ Chí Minh, họ Phùng từng có các vị vua và nhiều danh thần, danh tướng phò tá để giữ nước được độc lập, tự chủ, nhân dân được tự do hạnh phúc. Các vị khoa bảng, danh tướng, danh thần, tiền nhân của họ Phùng mà lịch sử ghi chép và nhân dân luôn ghi nhớ công lao đời nào cũng có.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, có thể khẳng định, họ Phùng đã có những đóng góp lớn lao về nhiều mặt, cùng với nhân dân cả nước xây dựng các nền tảng chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, xã hội tiến bộ, góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Với tâm thức tiếp tục làm sáng rõ, đúng đắn, khoa học, khách quan về dòng họ Phùng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, Ban tổ chức, những người đại diện của dòng họ Phùng trên toàn quốc tổ chức Hội thảo Khoa học Họ Phùng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, dự kiến phải thật trang trọng.
Để Hội thảo đạt chất lượng cao và khách quan, khoa học, Ban tổ chức phải mời được các nhân sĩ trí thức, nhà sử học, nghiên cứu lịch sử, các nhà văn, các tác giả trên toàn quốc và ở nước ngoài viết tham luận theo các chủ đề sau:
1. Vai trò của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng trong công cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ nhà Đường, xưng Vương, trị quốc.
2. Vai trò, công lao của Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa trong cuộc khởi nghĩa Lý Nam Đế chống quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập dân tộc.
3. Vai trò, công lao của tướng quân Phùng Hạp Khanh trong khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
4. Vai trò, công lao của tướng quân Phùng Hữu Nhân trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống do Lê Hoàn lãnh đạo.
5. Vai trò, công lao của thái phó Phùng Tá Chu, trọng thần hai vương triều Lý - Trần.
6. Vai trò, công lao của Tứ quận công Phùng Quang Lộc - Danh tướng thời Lê trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh.
7. Vai trò, vị trí và những đóng góp tiêu biểu của trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
8. Vai trò của Đô đốc - Thượng tướng Phùng Phúc Kiều (1724-1790) công thần thời hậu Lê với việc khai khẩn vùng biển Cửa Lò - Nghệ An.
9. Các bà mẹ họ Phùng sinh con làm Vương, Tướng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
10. Vai trò dòng họ Phùng với vương triều Lê.
11. Vai trò dòng họ Phùng với các vương triều Nguyễn.
12. Các nhà khoa bảng họ Phùng trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
13. Vai trò của các nhân vật dòng họ Phùng từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Các anh hùng, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng họ Phùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
- Các nhà văn hóa, chính trị, xã hội nổi bật.
- Các vị tướng trưởng thành trong các cuộc chiến tranh và thời bình.
- Các nhà khoa học, kinh tế…
Khi đã có nội dung dự kiến trên, Trung tướng Phùng Khắc Đăng trầm ngâm nói.
- Có lẽ anh em chú cháu mình phải đến tận nơi ở của từng người mời chân thành từng tác giả viết bài mới được. Chúng ta phải thật thành tâm và thành kính với giới nhân sĩ trí thức. Phải coi đây là phương châm lâu dài, là lẽ sống còn của Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam.
Tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo hiểu đây chính là tôn chỉ hoạt động của Ban liên lạc.
*
* *
Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên trong Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam tại buổi Hội thảo Khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp tại Thạch Thất năm 2012
Người đầu tiên Ban liên lạc đến tận nhà mời là nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Đó là một ngày giáp Tết 2010, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Tiến sĩ Phùng Thảo và tôi đi tắc xi đến nhà ở của nhà văn Hoàng Quốc Hải ở một ngõ nhỏ phố Pháo Đài Láng. Đường đông nghẹt. Ai cũng tất bật với công cuộc mưu sinh, biếu xén giáp Tết. Tắc xi vòng vèo mãi mới chọn được bó hoa tươi. Đường cấm linh tinh cả, gần 9h tối mới tới được nhà văn.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải là một bậc thầy của tôi. Ông đang rất nổi tiếng với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý.
Được điện từ trước, vợ chồng nhà văn mở cửa đón chúng tôi.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng xúc động nói:
- Thay mặt anh em dòng họ Phùng, chúng tôi đến chúc Tết nhà văn. Bộ Tiểu thuyết lịch sử triều Trần của anh, tôi đã đọc và rất tâm đắc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải mái đầu bạc trắng xúc động đón bó hoa:
- Tôi xin chúc mừng họ Phùng. Các anh quả là những người con rất có hiếu với tổ tông. Tôi chỉ xin nhận hoa. Còn thù lao tham luận xin được để thắp hương các cụ.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng tươi cười nhỏ nhẹ:
- Về vấn đề Hội thảo, hôm nay chúng tôi đến xin tham khảo ý kiến của anh, những trăn trở của anh về họ Phùng và cụ Phùng Tá Chu, xin để tùy anh viết theo khách quan lịch sử. Buổi Hội thảo anh em họ Phùng mong muốn được lắng nghe tiếng nói của giới trí thức về dòng họ Phùng chúng tôi trên tình thần khoa học lịch sử.
Tôi và nhà thơ Vũ Thị Hồng - vợ nhà văn Hoàng Quốc Hải đã mau chóng chuẩn bị mấy ly rượu nhỏ đưa đến. Khi mọi người cụng ly xong, tôi đón chiếc phong bì chúc tết từ tay Trung tướng Phùng Khắc Đăng để vào khay rượu nói với cô Hồng:
- Đây là quà của Phùng Văn Khai chúc tết vợ chồng cô chú.
Mọi người đều vui vẻ chúc mừng.
Cuộc trò chuyện kéo dài cả tiếng đồng hồ. Ngoài trời sương lạnh rơi lộp bộp. Trong ngôi nhà nhỏ, mái đầu bạc mái đầu xanh sảng khoái nói cười. Khi tiễn ra đến cửa, nhà văn Hoàng Quốc hải bắt tay tôi sau cùng nói:
- Chúc mừng cháu, chúc mừng họ Phùng có được người có tâm như Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Khai phải nhớ bây giờ như thế là hiếm lắm.
Thế mà, thấm thoắt, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã gắn bó với dòng họ Phùng được gần mười năm.
Mười năm ấy, biết bao câu chuyện cảm động của một nhà văn, một trí thức với các tiền nhân họ Phùng, cũng là danh nhân đất nước. Có lần ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, khi lên trao giải cho các cháu họ Phùng đỗ đại học trên toàn quốc, nhà văn Hoàng Quốc hải đã xúc động nói:
- Thật hiếm dòng họ nào làm nhiều việc có ích như dòng họ Phùng. Không chỉ hiếu kính tổ tiên mà các chương trình vì tương lai con em chúng ta như thế này đã cho thấy nét văn hóa tốt đẹp của dòng họ. Ở đây, tôi muốn nói đến vị Trưởng ban liên lạc Phùng Khắc Đăng, ông là con người rất bình dị, nhân văn, thấu hiểu đạo lý làm người.
Một lần, khi anh em đề xuất có sự ghi nhận của dòng họ tôi với các nhân sĩ trí thức, Trung tướng Phùng Khắc Đăng tán đồng và nhắc phải làm thật khéo. Mọi thành viên đều vui mừng đón nhân, riêng nhà văn Hoàng Quốc Hải tỏ ra băn khoăn. Và khi Trung tướng Phùng Khắc Đăng, cả tôi và Tiến sĩ Phùng Thảo trao đi đổi lại ông mới miễng cưỡng nhận lời.
Xin được trích thư điện tử ông gửi cho tôi:
Phùng Văn Khai thân mến,
Chú đã xem hình tấm bằng ghi nhận, nó rất đơn giản nhưng đủ trang trọng, mực thước.
Rất cám ơn cháu và bác Phùng Khắc Đăng cũng như các vị đại diện cho dòng họ Phùng.
Tại đây còn nhận thấy con cháu họ Phùng không chỉ hiếu nghĩa mà còn rất biết cách đối nhân xử thế ở đời.
Sở dĩ chú từ chối là thấy mình là con dân Việt Nam thì mình cũng phải có trách nhiệm làm rõ công lao của các bậc tiền bối đã vì đương thời và hậu thế mà dấn thân. Đó cũng là trách nhiệm và đạo lý của người trí thức đối với việc cần làm thì làm, với việc phải làm thì làm chứ không cần phải sai bảo, và càng không phải làm để lấy công.
Nay con cháu họ Phùng đã biết đến và ghi nhận, tưởng thế là quá đủ với người cầm bút rồi. Và bây giờ bà con họ Phùng lại muốn biểu hiện tấm lòng ấy bằng vật chất. Trời ơi, ta làm cho các cụ về lâu về dài chứ có một hai cuộc đâu. Phải tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian mới lâu dài được. Còn vật chất thì ai chẳng thích và biết bao nhiêu cho đủ.
Ý chú là như vậy, nhưng nếu điều đó khiến bác Phùng Khắc Đăng và cả cháu không hài lòng thì buộc chú phải vâng lời.
Nay thư,
HOÀNG QUỐC HẢI.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các thành viên trong Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại buổi trao tặng sách cho chính quyền xã Đường Lâm năm 2016
Thế mới biết, những căn dặn, chỉ đạo sâu sắc, tỉ mỉ của Trung tướng Phùng Khắc Đăng với các nhân sĩ trí thức luôn được coi là tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động của Ban liên lạc đã thấm rất sâu tới công việc của mỗi thành viên, nhiều khi là cả những người cộng tác với họ Phùng.