(Thứ bảy, 29/06/2019, 08:38 GMT+7)

11- Đình Xuân Biểu, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Dân làng Xuân Biểu trước kia gốc tích là dân làng Khán Xuân thuộc huyện Thọ Xương, sau này là phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận. Sở dĩ có tên gọi Khán Xuân vì đất thôn trải dài từ Khán Sơn đến Xuân Sơn. Làng Khán Xuân vốn có một ngôi đền thờ Bố cái Đại Vương (hiện nay vẫn còn di tích ở trong khuôn viên Bách Thảo là dấu tích còn lại của trại Khán Xuân xưa). Năm 1890, thực dân Pháp xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương và vườn Bách Thảo, chúng đuổi toàn bộ dân ở khu vực này đi nơi khác. Dân Khán Xuân đã phiêu bạt ở nhiều nơi, có 10 gia đình của Khán Xuân chuyển đến ở cửa Ô Cầu Giấy, song vẫn giữ nếp xưa. Theo nội dung văn bia “Khán Xuân Trại” niên hiệu Bảo Đại 16 (1941), cho biết: Làng Xuân Biểu mới, đầu năm Canh Tý 1900, các cụ trong làng quyên góp mỗi gia đình 10 đồng, mỗi cửa hàng 20 đồng… Năm 1940, dân làng Xuân Biểu mời hai kiến trúc sư là ông Nguyễn Ngọc Ngoan và ông Nguyễn Xuân Tụng thiết kế xây dựng một ngôi đình to đẹp với giá trị 4.000 đồng.
Đình Xuân Biểu thờ Phùng Hưng (766-791) làm Thành hoàng làng. Thần tích đình làng chép rằng: Vương họ Phùng tên Hưng, quê ở Đường Lâm, Ba Vì Hà Tây. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779) thời thuộc Đường, tên quan đô hộ Cao Chính Bình thi hành chính sách hà khắc, dân khổ vì sưu cao thuế nặng. Ông bèn chiêu mộ quân lính nổi dậy khởi nghĩa, Đánh đổ Cao Chính Bình, Phùng Hưng vào phủ thành giữ quyền trị nước được 7 năm thì mất (791). Nhân dân địa phương cảm mộ ân đức, dựng đền thờ gọi là Tây cung.
Phùng An nối ngôi, tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Năm 791, nhà Đường sai Triệu Xương sang đô hộ nước ta, Triệu Xương sai sứ đến dụ Phùng An. Phùng An đã cùng người Man ra hàng.
Từ đời Ngô Quyền về sau, các triều đều truy phong phẩm trật, tước hiệu mỹ tự, dân bản xã hương hỏa không tắt.
Trải qua các triều đại, việc thờ cúng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã trở thành lễ cổ. Thần tích cho biết năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) Hoàng triều ban cho Bố chữ “Phu hựu Đại vương”, năm Trùng Hưng thứ tư (1288), ban thêm hai chữ “Chương tín”. Năm Hưng Long thứ 20 “1312”, lại ban thêm hai chữ “Sùng nghĩa”. Cho đến nay anh linh uy thế càng tăng, hương hỏa bất tuyệt.
Hình ảnh của người anh hùng dân tộc sống mãi trong lòng nhân dân. Danh hiệu Bố Cái Đại Vương là danh hiệu tôn vinh ông.
Ngày sinh của Thần 12 tháng 2.
Ngày hóa của Thần 13 tháng 8. Mười ba làng trại tế yết tại đình vào ngày chính hội 13 tháng 2 (âm lịch) và một đội nữ dâng hương.
Đình được cấp bằng di tích cấp thành phố.

12- Đình Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
Tương truyền làng Chuông có đình từ lâu đời, trải qua thời gian ngôi đình cổ không còn nữa. Theo tài liệu đang lưu giữ, ngôi đình làng Chuông hiện nay dựng năm Giáp Ngọ (1894). Đình làng Chuông thờ hai vị nhân thần là:
Đại đô Thành hoàng Trung vũ minh tín, Phùng phủ Quân tu Bố Cái Đại Vương, Thượng đẳng phúc thần.
Đương cảnh Thành hoàng, Linh quang cảm ứng Nguyễn Thiện Quốc công, Trung chính Đại vương, tôn phúc thần.
Các bức đại tự và câu đối ở đình Chuông bằng chữ Hán được dịch nghĩa như sau:
“Làng Chuông cổ, chợ Chuông cổ, nghìn năm hương hỏa thờ phụng bởi thần thiêng”.
“Đất đẹp nơi đây, làng xóm nơi đây, tiết tháng ba hàng năm đều kính lễ”.
“Càng trông lên càng thấy cao”.
“Mới nhìn thấy đã phải kính trọng”.
“Sống làm tướng, chết làm thần, chính khí lưu hành ngang trời đất”.
“Công tại triều đình, danh tại sử sách, tiếng tăm lừng lẫy suốt xưa nay”.
“Trời thì dưỡng, đất thì sinh, công to lớn sâu như sông biển”.
“Thánh phù hộ, thần trợ giúp, đức của ngài nguy nga cao tựa núi Nam!”.
“Trang Thời Trung được đất thiêng, nên dương trợ, âm phù, bên ngoài nêu cao nhân đức, bên trong tích cực sửa sang nên nghìn đời nay vẫn hằng tươi đẹp”.
“Đất Đường Lâm sinh ra được người tài, tiền hô, hậu ứng, lấy võ công để chống giặc, gìn giữ biên thùy từ ngàn xưa tới nay vẫn được thừa hưởng”
Theo phả ký làng Chuông, thời nhà Đường đô hộ nước ta, Thời Trung là trang ấp lớn, vì vậy vào năm 770, sau khi dấy binh ở Đường Lâm, Phùng Hưng đem một vạn quân về hạ trại tại trang Thời Trung, chiêu mộ thêm quân sĩ, luyện tập võ nghệ rồi từ đây tiến quân về thành Tống Bình do An Nam Đô hộ phủ Cao Chính Bình chỉ huy.
Ngày sinh Thánh Thượng Phùng Hưng: 21 tháng Giêng; ngày hóa: 13 tháng Chín.
Ở trang Thời Trung khi ấy có ngài Đỗ Huệ giàu có, ngài không chỉ giúp nghĩa quân của cải tiền bạc, mà còn chiêu mộ 50 trai tráng trong trang ấp cùng đi theo nghĩa quân đáng giặc cứu nước. Ngài là tùy tướng trợ giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh tan quân xâm lược nhà Đường do Cao Chính Bình thống lĩnh, Ngài được tôn là Đức Thánh Đỗ Huệ được thờ ở chùa Chuông - “chùa Thắng Quang”.
Tương truyền, sau khi hạ xong thành Tống Bình, Phùng Hưng cùng triều đình đi thuyền từ sông Tô Lịch, rẽ vào sông Nhuệ, sông Đáy, đến Trằm Sen và lên bờ. Được tin cấp báo, chức dịch và dân làng Chuông ùa ra đón rước triều đình. Từ đấy, đoạn đường trên được người dân gọi là “Đường Rước Vua!”. Cũng tại trang Thời Trung, Phùng Hưng thân chinh xử chém đầu những kẻ nội gián, làm tay sai bán nước  hại dân, chống lại nghĩa quân, đã bị bắt ở các nơi đem về Thời Trung để xử tội. Địa điểm này mang tên “Phủ Trị”.
Vì có duyên nợ với trang Thời Trung, bà Trần Thị Huy - Phương Dung, Hoàng hậu của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, ngày sinh: 11 tháng Ba; ngày hóa 13 tháng Ba, về cuối đời bà đã về hưng công khởi sự dựng chùa Chuông, tu hành và “Hóa” ở chính ngôi chùa này. Đức Thánh Mẫu Trần Thị Huy - Phương Dung - Hoàng hậu của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng được nhân dân làng Chuông thờ là Đương cảnh Thành hoàng, Quy châm Hiền thục Trần công chúa, Cẩn hạnh Phương Dung Đại vương là phu nhân Đức Phùng Hưng tại “chùa Thắng Quang”.
Đình làng Chuông hiện còn lưu giữ 25 đạo sắc phong Mỹ tự của các triều đại phong kiến cho các vị thần (trong đó có 7 đạo sắc phong cho Phùng Hưng, 3 đạo sắc phong cho bà Trần Thị Huy - Phương Dung).
 
Chùa Chuông - Chùa Thắng Quang
Tương truyền thuở ban đầu chùa Chuông thì nhỏ, còn chợ Chuông thì bé. Sau khi cuộc kháng chiến của Phùng Hưng chống xâm lược nhà Đường dành thắng lợi, Phùng Hưng lên trị vì đất nước, một hôm nàng Huy (Trần Thị Huy phu nhân của Phùng Hưng) nhẹ nhàng nói với Phùng Hưng: “Vợ chồng kết tóc xe tơ đã có năm người con trai, như thế là đã có người nối nghiệp. Nay, chàng vâng mệnh trời làm chủ cõi Nam. Còn thiếp, thiếp muốn nương nhờ cửa phật để rửa hết bụi trần, ngao du đây đó cho siêu thoát để lên cõi phật, được như thế thì vui lắm rồi!”
Phùng Vương ưng thuận chiều nàng! Từ đó, nàng đến bất kỳ nơi đâu, hễ thấy đền, chùa xiêu vẹo, đổ nát đều hết sức ra tâm tu bổ. Đến một ngày nàng đến trang Thời Trung, thấy nơi đây cảnh vật đẹp đẽ, liền nhờ người xây ngôi đền cạnh chùa, rồi thờ phật ở đó. Tiện thể nàng mua thêm đất xung quanh ngôi đền và ngôi chùa để hàng năm lấy hoa lợi dùng cho hương đăng đèn nến bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông.
Đến năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) đời vua Lê Huyền Tông, bà Phan Thị Quân, người làng Chuông có chồng và con trai hiển đạt, vì thế đã bỏ tiền bạc hưng công trùng tu ngôi chùa Chuông. Kể từ đây chùa Chuông mang tên mới là chùa “Thắng Quang”.
Chùa Chuông là ngôi chùa khá đặc biệt, chùa thờ phật, thờ thánh, và thờ mẫu. Chùa thờ Đức Thánh Mẫu - Trần Thị Huy là phu nhân của Đức Phùng Hưng, thờ Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thiên thần “tứ bất tử” của đất nước, và Đức Thánh Đỗ Huệ, một tùy tướng trợ giúp Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh tan đội quân xâm lược nhà Đường giải phóng thành Đại La. Kiến trúc Chùa Chuông gồm: cổng Tam quan, chính điện tòa Tam bảo, nhà thờ tổ, nhà thờ Đức Thánh Mẫu, nhà thờ Đức Đỗ Huệ, nhà thờ mẫu Liễu Hạnh.
Nhà thờ Đức Thánh Mẫu: Là nơi thờ Đương cảnh Thành hoàng, Qui châm hiền thục Trần công chúa, Cẩn hạnh Phương Dung Đại vương là phu nhân Đức Phùng Hưng.
- Tại cửa Cung thờ Đức Thánh Mẫu đặt bức hoành phi có ba chữ Hán, dịch nghĩa:
“Chùa không chỉ thờ phật, mà còn thờ các vị thần!”
- Trước Am thờ Đức Thánh Mẫu đặt ba bức hoành phi chữ Hán, dịch nghĩa:
“Người con gái kiên cường bất khuất”
“Vị thần cung kính”
“Người mẹ thiên hạ cung kính”
- Trước cửa Cung đặt bức hoành phi có ba chữ Hán, dịch nghĩa:
“Nơi phu nhân hóa”
Tại hậu cung thờ Đức Thánh Mẫu, đặt khám thờ. Trong khám thờ có tượng Đức Thánh Mẫu.
 
TẠI ĐÌNH CHUÔNG HIỆN CÒN LƯU
BA ĐẠO SẮC PHONG CHO CÔNG CHÚA PHƯƠNG DUNG
 
Đạo sắc thứ nhất, dịch nghĩa:
“Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội phụng thờ Huy Chân Cẩn Hành Phương Anh Trinh Tiết Huệ Đoan Trang Nhân Hòa Phu Thực Chuyên Tịnh Thuần Nhất Phu Nhân chi thần, có công bảo vệ đất nước, che chở muôn dân nhưng đến nay vẫn chưa được triều đình phong tặng. Nay thừa mệnh lớn, nhớ đến ơn thần, sắc phong là Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng chi thần, cho phép phụng thờ. Thần hãy che chở, bảo vệ muôn dân của ta.
Kính cẩn thay!
Ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái nguyên niên (1889).”

Đạo sắc thứ hai, dịch nghĩa:
“Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ xưa bản xã đã phụng thờ Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng Huy Chân Cẩn Hành Phương Anh Trinh Tiết Từ Huệ Đoan Trang Nhân Hòa Phu Thực Chuyên Tịnh Thuần Nhất Phu Nhân chi thần, đã được các triều ban tặng sắc phong, cho phép phụng sự. Năm Duy Tân nguyên niên cử hành đại lễ tấn phong, ban chiếu gia ân, kính lễ thăng phẩm trật, cho phép phụng thờ theo như lệ cũ để kỷ niệm ngày quốc khánh, duy trì điển chế phụng thờ.
Kính cẩn thay!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ ba (1909).”

Đạo sắc thứ ba, dịch nghĩa:
“Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông phụng thờ Huy Chân Cẩn Hành Trinh Tiết Thuần Nhất Phương Dung Phu Nhân Tôn thần, có công hiển linh bảo vệ đất nước, che chở muôn dân. Nay nhân dịp đại lễ, mừng trẫm thọ 40 tuổi, ban chiếu gia ân, kính lễ thăng phẩm trật, gia phong là Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, cho phép phụng thờ. Thần hãy che chở, bảo vệ muôn dân của ta.
Kính cẩn thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).”

Lăng Thánh mẫu
 
Lăng Thánh mẫu nằm trong khuôn viên chợ Chuông, liền kề phía đông đình Chuông và phía đông nam chùa Chuông.
+ Cổng lăng có ba chữ Hán, dịch nghĩa:
“Ngửa mặt lên để kính bái!”
+ Tại Am thờ thánh mẫu có đôi câu đối:
                                            “Trên trời sáng soi Đào Ngọc
                                              “Dưới đất che chở bảo vệ Lăng”
+ Ở tầng 2 của lăng có 3 chữ Hán, dịch nghĩa:
“Lăng Thánh Mẫu”       
 
CÁC SẮC PHONG ĐÌNH LÀNG CHUÔNG
Dịch nghĩa Sắc thứ nhất:
Sắc chỉ cho xã Thời Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà nội, vốn từ trước đã thờ cúng Bố Cái Đại Vương. Từ năm thứ 21 triều vua Minh Mệnh (1840), Thánh Tổ Nhân Hoàng đế của ta nhân lễ mừng thọ 50 tuổi đã được nhận ơn sắc, phong cho phẩm chật. Nay ta lại ban chiếu báu để phong tặng thêm điển lễ, chuẩn cho được thờ cúng như cũ để ghi nhớ ngày lễ của nước mà mở mang ân điển.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày 24 tháng 11 năm thứ 6 triều vua Thiệu Trị (1847)
(Có áp triệu Sắc Mệnh Chi Bảo).
 
Dịch nghĩa sắc thứ hai:
Sắc chỉ cho xã Thời Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà nội, vốn từ trước đã thờ cúng Bố Cái Đại Vương. Nay Trẫm nối mệnh trị vì lại mong cho được phụng thần như cũ để tỏ lòng mến mộ của trẫm.
Hãy cung kính tuân theo!                                       
Ngày 26 tháng 12 năm thứ 6 triều vua Thiệu Trị (1847)
(Có áp triệu Sắc Mệnh Chi Bảo).
 
Dịch nghĩa sắc thứ ba:
Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội, vốn trước đã thờ tự Bố cái Đại vương và đã từng được ban tặng sắc phong chuẩn cho việc thờ thần này của xã. Nay trẫm nối mệnh trị vì lại mong được cho thờ phụng thần như cũ để tỏ lòng mến mộ của Trẫm.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày mồng một tháng 7 năm thứ 2 triều vua Đồng Khánh
(Có áp triệu Sắc Mệnh Chi Bảo).
 
Dịch nghĩa sắc thứ tư:       
Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, vốn từ trước đã thờ phụng Bố Cái Đại Vương; Thần phu cảm, Đoan vinh, Mậu ấm, Đoan túc, Dực bảo trung hung, Linh quang: Thần bảo an, Trấn tĩnh, Hựu thiện, Đôn nghi, Dực bảo trung hung, Địa kỳ; thần Tập phúc, Nghi hy, Bác huệ, Đôn nghi, Dực bảo trung hung, Bản thổ địa kỳ; thần dực bảo trung hung, linh phù trình quyscoong linh đức hầu. Trước đây đã từng được ban cấp sắc phong. Năm thứ nhất triều vua Duy Tân (1907), khi vua lên ngôi đã dung ân lễ, ban cho chiếu báu, phong thêm phẩm chật, chuẩn cho được thờ cúng như cũ để ghi nhớ ngày lễ của nước mà mở mang ân điển.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày 11 tháng 8 năm thứ 3 triều vua Duy Tân (1090)
(Có áp triện Sắc Mệnh Chi Bảo).
 
Dịch nghĩa sắc thứ năm: 
Sắc cho xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, vốn từ trước đã thờ tự vị thần Dực bảo trung hung, Bố Cái Đại Vương. Thần đã có công giúp nước, giúp dân tỏ rõ công đức và đã từng được ban cấp sắc phong để thờ cúng. Nay trong buổi Trẫm trị vì, nhân lễ mừng thọ tứ tuần nên dung ân lễ, ban bảo chiếu, phong thêm phẩn chật. Lại cho phếp được thờ cúng Thần như lệ cũ để ghi nhớ ngày lễ của nước mà báo đáp công ơn thần.
Hãy cung kính tuân theo!
Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 triều vua Khải Định (1924) .
(Có áp triện Sắc Mệnh Chi Bảo).

13- Đền Thượng xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội
Đền Thượng thờ Đức Phùng Hưng. Nơi đây Đức Phùng Hưng hội quân, luyện quân và xuất quân đánh quân xâm lược nhà Đường do Cao Chính Bình thống lĩnh tại thành Đại La (Tống Bình). Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, triều đình cùng Đức Phùng Hưng đã về đây làm lễ “Tạ Cờ” vào ngày 25 tháng 10 (âm lịch).
Cổng Đền Thượng rất cổ kính quay về phía Nam. Từ cổng đi qua sân cỏ là đến tòa Đại bái 3 gian. Từ tòa Đại bái đi qua sân gạch là đến ngôi Đền Thượng. Trước cửa đền có hai câu đối.
Câu đối phía trong:
“Muôn ngàn năm khen ngợi đấng anh hùng, Cao Chính Bình bỏ mạng, quân chạy về phương Bắc!”
 “Mười bẩy năm tới ngôi làm chính trị, đất Đông Sơn hiển thánh về phía Nam!”
Câu đối phía ngoài:
“Đất Sơn Tây đã quyết một trận!”
“Áo mũ đất Phong Châu ngửa trông ngàn năm!”
Câu đối cột hiên bên phải:
“Đời nhà Đường xuất hiện vị tướng!”
“Năm Duy Tân trùng tu nóc mái đền!”
Câu đối phía cột hiên bên trái:
“Thấm nhuần đã có sông, có bể sáng như mặt trời!”
“Thân thiết như cha mẹ, cao như trời!”
Tương truyền, tại mảnh đất này, sau khi nghĩa quân do Đức Phùng Hưng lãnh đạo, chiến thắng đội quân xâm lược nhà Đường do Cao Chính Bình thống lĩnh, giải phóng thành Tống Bình. Triều đình cùng Đức Phùng Hưng đi thuyền từ sông Tô Lịch, qua sông Nhuệ tới sông Đáy, rồi rẽ vào nơi này làm lễ “Tạ Cờ” để tưởng nhớ một sự kiện: Đức Phùng Hưng đã chiêu nạp quân sĩ, tổ chức luyện quân, tổ chức bảo đảm quân lương cho nghĩa quân, rồi hành quân qua Đại Áng, Thạch Bích, Triều Khúc để vây hãm, tấn công tiêu diệt Cao Chính Bình ở thành Tống Bình.
Để ghi nhớ công ơn và tưởng niệm Ngài, dân bản trang ấp đã lập đền thờ, ngôi đền mang tên “Đền Thượng!”. Trải hơn nghìn năm mưa nắng bão dông cùng chiến tranh tàn phá, ngôi đền vẫn cùng tồn tại với tấm lòng kính trọng của người dân Trang Thời Trung - Chuông!
Với chiến công vang dội đập tan đội quân xâm lược nhà Đường, giải phóng thành Tống Bình, mang lại hòa bình hạnh phúc cho muôn dân. Danh thơm của Bố Cái Đại Vương đã lan tỏa ngàn năm và mãi mãi trên khắp đất nước Việt Nam ta và mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Chuông!
Đình Chuông, Đền Thượng, Chùa Chuông và Lăng Đức Thánh mẫu đều được cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

14- Đình Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Khởi đầu đình dựng ở khu vực cánh Đồng Dền, sau lại chuyển về xóm Tương Bảo (hiện vẫn còn nền đình). Đến năm Long Đức thứ 3 (năm Giáp Dần 1.734), bà Nguyễn Thị Huy, hiệu Diệu Lộc là người làng đã công đức tiền của dựng chùa, đồng thời vận động dân làng công đức tiền của chuyển đình vào trong làng tại vị trí hiện nay. Đình Đại Áng ngoài Thiên quan bản thổ và Túc Trinh công chúa còn thờ Quí Minh đại vương và Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Tương  truyền trong dân gian, và các cụ cao lão ở làng Đại Áng, Phùng Hưng đã chuyển quân từ làng Chuông, là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tập hợp nghĩa binh, huấn luyện nghĩa binh trước khi chuyển đến đóng quân tại Đại Áng - tại gò Bắp Cáy ở cánh Đồng Dền, trước khi đại quân kéo về làng Triều Khúc ngày nay (Bắp Cáy là gò đất cao, thế đất đẹp, hình võng, một bên có tàn, một bên có quạt) tiến quân về bao vây thành Đại La (Tống Bình), để hạ gục Cao Chính Bình đem lại độc lập tự chủ cho đất nước. Tại gò Bắp Cáy ở xứ Đồng Dền trên đường sang làng Đan Diễm, Phùng Hưng dàn quân ở đây, ông chia quân đi các ngả, trong đó có mũi quân do chính chủ tướng tiến quân về đại bản doanh làng Triều Khúc để vây thành Tống Bình. Tại gò Bắp Cáy ông đã vào các đền, miếu ở đây làm lễ cáo yết các vị thần và được các thần âm phù phá tan được giặc.
Sau thắng trận, nhân dân đã dựng miếu trên gò Bắp Cáy có thế đẹp như nói ở trên để thờ Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng làm Thành hoàng làng.
Theo phả ký tại đền Bắp Cáy, ngày sinh thánh 25 tháng 11 năm Canh Tý (761), ngày hóa thánh 13 tháng tám năm Nhâm Ngọ (802), thọ 41 tuổi.

15- Đình Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Theo Thần phả đình Thổ Khối, năm 766-799 Phùng Hưng phất cờ khởi nghĩa đánh thành Đại La (thành Tống Bình), lật đổ chế độ nhà Đường.
Đình Thổ Khối thờ Bố Cái Đại Vương, người đã vào phủ trị, nắm quyền cai trị đất nước 7 năm.
Khi Ngài hóa dân thương tiếc, ân đức tôn hiệu Bố Cái Đại Vương.
Hiện nay tại đình Thổ Khối lưu giữ 17 sắc phong của các triều đại sắc phong thần cho Bố Cái Đại Vương.

16- Đình Đông, làng Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái bình (di tích lịch sử)
Theo Thần tích làng Phú Chử, Đại Vương họ Phùng, húy Hưng (766-791). Ngày sinh: 10 tháng giêng năm Bính Ngọ, ngày hóa 10 tháng 4.
Thời thuộc Đường (766-779), tên quan đô hộ Cao Chính Bình rất bạo ngược, hà khắc, dân ta khốn khổ trăm điều vì thuế khóa và tạp dịch nặng nề. Phùng Hưng mộ binh, tích trữ lương thảo nổi dậy khởi nghĩa. Dân chúng khắp vùng hưởng ứng nghĩa quân kéo về bao vây thành Tống Bình. Cao Chính Bình chống đỡ không nổi, sợ hãi rồi sinh bệnh mà chết.
Phùng Hưng vào thành nắm quyền trị nước, bấy giờ giặc Chà Và và Côn Lôn vẫn vào cướp phá ven biển vùng Chu Diên, Phùng Hưng đã về đánh giặc, xây đồn ở Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư để giữ vùng hạ lưu trấn giữ Tống Bình, rồi cử Phùng Lã Tu ở lại trấn giữ đồn Phú Chử. Theo khảo tả của các cụ cao niên, thành đồn có hình vuông, mỗi chiều dài 200m, đế thành rộng 4m, thành cao 3m, khu đất thành đồn rộng trên 10 mẫu Bác bộ. Các triều đều coi thành là đất cấm, đến trước năm 1945 thành đồn vẫn còn cao độ 1,2 m-1,5 m, dấu tích còn đến năm 1960, thế kỷ XX mới bị san thành ruộng. Phùng Hưng trở về thành Tống Bình chăm lo công việc cai trị đất nước, ở ngôi được 7 năm thì mất. Sau ngày ông mất, dân làng Phú Chử dựng đình thờ và tôn ông làm Thành hoàng. Hiện nay tại đình Đông làng Phú Chử thờ ông cả bằng ngai và tượng. Đình thờ ông xưa kia được xây dựng ở ngoài đê, năm Thành Thái năm thứ 10 (1897) dân làng Phú Chử đã xây dựng đình vào phía trong đê, đình ấy nay vẫn còn, được tu bổ, tôn tạo, hương khói quanh năm. Hàng năm vào ngày 10 tháng 11, nhân dân làng Phú Chử tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và danh tướng Phùng Lã Tu. Những năm được mùa “phong đăng hòa cốc”, lễ hội diễn ra trong ba ngày 10-11-12.
Con là Phùng An lên kế vị, tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Năm (791), nhà Đường sai Triệu Xương sang cai trị nước ta, Triệu Xương sai sứ dụ Phùng An hàng, Phùng An thấy không chống nổi đã ra hàng.
Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng không chỉ giới hạn ở phủ Tống Bình và các vùng lân cận  mà lan rộng cả nước. Phùng Hưng đã xây dựng thành, đóng đồn binh ở làng Phú Chử, lấy vợ người làng Lộc Điền. Dân làng Phú Chử thờ Ngài, tôn làm Thành hoàng. Nay đình Đông làng Phú Chử đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

18- Đền Lộc Điền, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (di tích lịch sử)
Đền Lộc Điền thờ Bố Cái Đại Vương và Thái hậu hai cung (công chúa Hồng Loan và Nhị Nương) bằng tượng trong khám ở hậu cung.
Theo tư liệu Hán Nôm hiện lưu giữ ở làng Bổng Điền và làng Phú Chử xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, ngày sinh của Ngài: mồng 10 tháng Giêng năm Bính Ngọ, ngày húy nhật hàng năm của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vào ngày 10 tháng 4
Sau khi dẹp giặc Chà Và và Côn Lôn vào cướp phá vùng ven biển Thái Bình, Ngài đã vi hành đến Lộc Điền.
Tại đây ngài đã gặp hai chị em họ Nguyễn sinh đôi, chị tên Hồng Loan, em tên Nhị Nương (thân phụ họ Nguyễn, tên Thành, mẹ họ Lê tên Hoan Nương) Ngài đã vào nhà họ Nguyễn xin hỏi hai chị em làm vợ. Lập bà chị làm Hoàng hậu, bà em làm Phi.
Sau khi ngài thác dân làng Lộc Điền lập đền thờ, tôn Ngài làm Thành hoàng làng, Đền được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa của nhà nước.